MỘT BIỂU TƯỢNG CỦA TÌNH YÊU ĐÃ LẶN

Tôi là bạn thân của Nguyễn Lương Ngọc từ những năm học phổ thông, rồi năm năm đại học, cho đến khi Ngọc “đi xa”. Mỗi lần hoàn thành một bài thơ Ngọc thường đọc cho tôi nghe và yêu cầu bình luận, phê phán. Những điều thầm kín, những đau đớn trăn trở trong cuộc sống Ngọc thường tâm sự với tôi. Vì những lẽ đó đã thôi thúc tôi viết về Ngọc để người yêu Ngọc sẽ yêu thêm, người ghét Ngọc cũng sẽ hiểu thêm đôi điều. Mặc dù không làm nghề thơ văn nhưng tôi buộc phải viết về bạn như một trách nhiệm, nếu không làm được điều này tôi cảm thấy mình có lỗi vô cùng. Tôi không có tham vọng đánh giá về sụ nghiệp thơ văn của anh mà chỉ nói về tình yêu của anh đối với thơ và Con người cùng ý chí phi thường, với mục đích làm tư liệu cho bạn bè tham khảo.
Nhà thơ Nguyễn Lương Ngoc (trái) và tác giả Nguyễn Đăng Thành (phải)
Cách đây khoảng mười sáu năm Nguyễn Lương Ngọc nói với tôi rằng: “Những con thiêu thân sinh ra chỉ sống vài phút, không hề ăn uống gì, nhưng trước khi chết nó đã hiến dâng hết mình bằng một cuộc vũ hội bay nhiệt huyết trên không làm nóng rẫy cả màn đêm, và cuối cùng để lại cho đời đôi cánh thiên thần tuyệt đẹp…!!!”. Trong tuyên ngôn về thơ đầu tiên của mình anh viết:
“Những chiếc cánh mỏng xơ tê buốt mặt đá
Những con Thiêu Thân xác bay đâu cả
Và trong suốt cánh dầm sương”
   Anh nguyện như con Thiêu Thân đập cánh hết mình cho thơ và đó cũng chính là tình yêu đối với Con người vậy.
   Trong những năm là sinh viên đại học Cơ Điện (1975- 1980) cứ tối đến tôi và Ngọc nằm trên Đồi Cò ngửa nặt nhìn lên bầu trời đầy sao để tâm sự và bàn về con người, cuộc sống, sự nghiệp… Một lần Ngọc đột nhiên nói: “ Mọi việc làm của mỗi người thường có mục đích, nhưng nếu hỏi cái lý do cội rễ tồn tại của chính mình, hay nói cách khác là sống để làm gì thì ít người trả lời được…”. Câu hỏi của Ngọc đã làm chúng tôi tranh luận khá lâu, sau đó Ngọc rứt khoát tuyên bố: “Tôi sống để phục vụ nhân dân”. Để minh họa anh xúc động nói: “ Một người sinh ra chỉ để hứng viên đạn bắn về phía nhân dân mình cũng xứng đáng lắm!!!”.
   Trong thời điểm đầy rẫy tham nhũng, bon chen giành địa vị và tiền bạc, nếu ai đó nghe lời tuyên bố của Ngọc chắc giật bắn mình ngạc nhiên như vừa nhìn thấy một sinh vật lạ từ hành tinh khác, hoặc sẽ có người cho rằng một khẩu hiệu sáo rỗng nơi cửa miệng kẻ tham quan buôn chính trị. Riêng tôi đinh ninh đây là phương châm sống nghiêm túc và tâm huyết của Ngọc. Thực tế cho đến cuối đời  Nguyễn Lương Ngọc đã sống như vậy.
   Tốt nghiệp đại học anh tình nguyện nhập ngũ đi chiến đấu ở biên giới phía Bắc. Anh lăn xả vào công trình thế kỷ thủy điện Sông Đà, xung phong làm 2-3 kíp một ngày, vừa làm chức năng kỹ sư điện vừa viết văn làm thơ. Đêm khuya tầm 2-3 giờ sáng anh rời đường hầm sau những kíp trực kỹ thuật là ngồi ngay vào bàn, viết về những người làm ra điện cho tương lai. Tôi có cảm giác anh không có thời gian ăn và nghỉ ngơi.
   Anh đang vắt kiệt sức mình, chỉ dành cho riêng mình khí trời và nước lã để sống và cống hiến- ai đã từng lên Sông Đà thời gian này hẳn còn nhớ những bữa ăn “trường ca rau muống”, thỉnh thoảng lắm mới có chút cá khô... Có lần anh gọi tôi dậy lúc 3-4 giờ sáng để nghe anh đọc bài thơ vừa làm xong về hình ảnh chiếc máy khoan đá với những câu “lộng óc, lộng óc, lộng óc…” làm tôi phì cười và chợt nhận ra rằng suốt đêm qua Ngọc vật lộn với thơ.
   Với bộ mặt xanh xao phù dinh dưỡng do thiếu ăn, thiếu ngủ, Ngọc đứng trước dòng thác mùa lũ Sông Đà và đọc to câu thơ mới làm: “Cánh quạt chém phăng con cá lờ đờ…”. Anh tự chiến thắng bản năng đòi sống của chính cơ thể mình, không yếu mềm trước bệnh tật và khó khăn, nguyện xả thân đến cùng. Để củng cố ý chí của mình anh kể chuyện cho tôi nghe về những ca sỹ nhà thờ vùng Náp-Lơ nước Ý, phải thiến từ nhỏ rồi hằng ngày đứng trước biển hát, để có được một giọng hát hay. Còn anh hàng ngày rút ruột mình làm thơ cho đời.
   Là hậu duệ của cụ Tản Đà, Nguyễn Lương Ngọc yêu thơ có lẽ khi còn trong bụng mẹ, dòng máu nghệ sỹ được bố truyền cho đã nuôi dưỡng thôi thúc anh đến với thơ. Lúc sắp tốt nghiệp lấy bằng kỹ sư điện, tôi hỏi anh ra trường sẽ làm gì, Ngọc rứt khoát trả lời: “Làm thơ”, còn trả lời câu hỏi tại sao lại học ngành đại học kỹ thuật mà không đi luôn vào thơ văn thì anh trả lời: “Thơ là người, là cuộc sống, nghề kỹ thuật sẽ giúp tôi tiếp cận con người và cuộc sống…có phương pháp tư duy khoa học mới có thể đi xa được, thực tế các nhà thơ văn hiện đại của thế giới phần lớn là các nhà tri thức khoa học, kỹ thuật, bác sỹ…”
   Từ khi là sinh viên đại học Cơ Điện anh đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho hành trang con đường thơ của mình. Anh đọc ngấu nghiến những tác phẩm văn học lớn của Lép-Tôn-Xtôi, Đốt-Tôi-Ép-Xky, Béc-Tôn-Brếch…Anh đọc rất nhiều tạp chí hội họa, thuộc lòng các an-bum tranh của các viện bảo tàng lớn trên thế giới như Trê-i-a- kốp, Pút-xkin, Đờ-rét-sđen, Lu-vơ-rơ…Triển lãm tranh nào ở Hà Nội anh cũng có mặt và ghi chép tỉ mỉ nhân xét của mình về từng tác phẩm…Những hôm nghỉ học anh rủ tôi đi ký họa, vẽ tranh thuốc nước, bột màu, sơn dầu (Vào năm 1979 khi chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, anh bị bắt nhốt trong khu gang thép Thái Nguyên khi anh đang vẽ vì họ nghi anh là gián điệp). Đặc biệt đối với thơ anh nghiên cứu kỹ càng từng lời, từng chi tiết các tác phẩm của Léc-man-tốp, Put-xkin, A-ra-gông, Uýt-man, và rất thích phong cách thơ của Rít-sốt.
   Nguyễn Lương Ngọc đến với thơ như vậy, có chủ định tính toán kỹ càng từ trước bằng ý chí sắt đá không gì lay chuyển. Đôi khi vui vẻ anh anh lại hát vang bài “Chân em chọn lối này” khẳng định con đường thơ đã chọn của mình.
   Ngọc chính thức bước vào nghề thơ khi vào học trường viết văn Nguyễn Du, tưởng rằng được thỏa chí tang bồng, nhưng không ngờ đây lại là giai đoạn anh đi vào con đường đau khổ đầy dằn vặt, cô đơn. Có lúc tôi nói với anh rằng cuộc sống vốn nó là đau khổ, người ta muốn quên nó đi không được mà “Ông” lại chon cái nghề suốt ngày nghiền ngẫm sự đau khổ thì nỗi đau sẽ nhân lên gấp trăm lần vì “Sầu đong càng lắc càng đầy”…Đây cũng chính là lúc cái gia đình nhỏ nhoi của anh khó khăn nhất, vợ ốm đau, con nhỏ phải chia quả trứng ra để ăn nhiều bữa…Khó khăn như vậy anh vẫn từ chối lời mời hấp dẫn về địa vị và vật chất. Trường đại học Mỹ thuật mời anh vào biên chế giáo viên chính thức, sẽ cấp nhà cửa, bố trí việc làm cho vợ, nhưng anh từ chối, xin dạy hợp đồng bởi lẽ đơn giản rằng anh đã chót chọn nghiệp thơ cho đời mình. Đối với anh vượt qua cám dỗ vật chất là rất đơn giản, mặc dù đối với người khác thì vô cùng khó khăn. Cái đau nhất của anh lại là nghiệp thơ. Trong làng thơ làng thơ số người tâm huyết hết lòng vì thơ thật hiếm hoi, những kẻ cơ hội thì nhiều, đã đẩy anh đến sự cô đơn. Cũng từ đó thơ của anh bắt đầu xuất hiện sự giằng xé, đau buồn; tuy nhiên không hề có sự hằn học cuộc đời, trong thơ anh vẫn mãi mãi là tình yêu trong sáng thuở “Ban mai”. Sự cô đơn đã đẩy anh đến đường cùng khi người bạn thơ tâm huyết không chống nổi sự cô đơn đã tự tử chết, trong bài thơ “ Với một nhà thơ vừa tắt” Nguyễn Lương Ngọc viết: “Bởi anh không chịu được sự ồn ào/ ồn ào đã giết anh/ Bởi anh không chịu được dịch “cô đơn”/ cô đơn đã giết anh/ Sứ mệnh, sứ mệnh khó khăn/ Phải cùng nhau giấu đi sự thật/ Để cùng sống cho ra vẻ sống”, “Anh không đủ can đảm mang đến người yêu nỗi buồn/ Nỗi buồn, anh còn yêu chị/ Anh không đủ dũng khí ứa ra một giọt nước mắt/ Nghìn giọt chất nãi nhão cả ngực”, “Anh không đủ dũng khí bắt mọi người phải khóc vì họ/ Hôm nay bao người khóc/ Chúng ta luôn phải đi đường vòng”, “Thôi, đừng cao giọng/ Đừng nói gì về sứ mệnh”, “Đêm thật đáng yêu/ Đêm sắp tàn, anh đến và bảo: Tôi sẽ dẫn đêm đi nghỉ”.
   Nhưng không, chính lúc đường cùng đó anh đã vùng lên. Đứng giữa Quốc Tử Giám trước đông đảo các nhà thơ anh kêu gọi “Tín ngưỡng” trong thơ, kết thúc bài tham luận anh đọc to:
Hạc trắng, Hạc trắng
Những con sinh ra thì đã chết
Những con chưa chết thì chưa sinh”
   Nhiều người cho đó là sự kiêu ngạo, nhưng không phải vậy. Anh muốn kêu gọi các nhà thơ hãy hết mình vì nền thơ văn của đất nước để xứng đáng với các bậc tiền nhân như Nguyễn Du, Tản Đà…Cũng vì lẽ đó anh quyết định đi bộ dọc đất nước mà trạm dừng chân là là Hội Văn nghệ các tỉnh, huyện, thị, với mục đích duy nhất là kêu gọi các nghệ sỹ cả nước hãy vì nền nghệ thuật Tổ quốc mà hết lòng cống hiến. Rất nhiều các văn nghệ sỹ ủng hộ anh, hâm mộ anh, đi theo anh dọc các chặng đường; được các mục sư, thầy chùa, dân thường kết bạn và nhiệt liệt cổ vũ. Hội nghệ sỹ tạo hình thành phố Hồ Chí Minh cảm phục tài năng phê bình hội họa của anh và mời anh vào làm việc nhưng anh rứt khoát từ chối để đi tiếp đường thơ.
   Nguyễn Lương Ngọc, một người yêu thơ bậc nhất. Sau khi bị tai nạn tỉnh lại, tôi đọc cho Ngọc nghe bài viết “Người đi bộ đang nằm” trong đó có đoạn viết: “Nếu ai đó định phỉ báng thơ trước ba người là Nguyễn Lương Ngọc…và…thì hãy coi chừng…”. Tôi hỏi Ngọc có đúng vậy không thì Ngọc lắc đầu rồi ra hiệu một ngón tay, ý nói chỉ có một người như vậy mà thôi. Tôi hỏi xem người ấy là ai thì anh chỉ vào ngực mình rồi chảy nước mắt…!!! Khi nằm trên giường bệnh, không nói được, anh vẫn gắng gượng làm thơ bằng các ra hiệu.
   Ở bìa tập thơ của mình, Ngọc minh họa ba hình ảnh nhà sư đang đi vào bóng chiếc lá đề, khi chưa tới chiếc lá đề thì dáng đi nặng nề vương vấn bụi trần, tới lá đề rồi thì nhẹ nhàng thanh thoát đến vô cùng. Hình ảnh đó cũng chính là phương châm thơ và cuộc sống của anh.
    Mỗi khi về nhà, về quê là căn phòng đầy ắp tiếng cười trẻ thơ, anh kể chuyện cho chúng, bởi thế nên trong thơ Ngọc ta thấy hình ảnh những chiếc tã sơ sinh bay phấp phới như những lá cờ trước sân nhà, biểu tượng của sự sống sinh sôi. Anh mạnh mẽ trong công việc bao nhiêu thì mềm yếu trong tình cảm bấy nhiêu, anh xúc động không bế nổi đứa trẻ sơ sinh, tay run run không cắt nổi bông hoa khỏi cành, cũng chính vì anh yêu thiên nhiên và con người đến ngây dại. Hồi sinh viên, đi tàu hỏa gặp người hoạn nạn khó khăn anh cởi bộ bộ quần áo duy nhất của mình rồi trở về Trường trên thân chỉ còn chiếc quần đùi cộc.
   Anh lý luận với tôi rằng: “Con người ta khi giao tiếp thường ban đầu là sự xã giao câu nệ, ít khi thật lòng với mình…Tôi muốn rằng mọi người tiếp xúc với nhau không còn cái hình thức bên ngoài đó nữa mà đến với nhau bằng chính “lõi” của mình, tức là trái tim mình vậy”. Có lẽ bằng cách đó anh đã nhanh chóng đến được với tất cả mọi người, đông đảo mọi tầng lớp từ quan chức, trí thức đến thường dân và giữa anh với họ không hề có khoảng cách. Mặt khác anh luôn luôn đến với họ bằng tình yêu giữa người với người chứ không bị ràng buộc bởi tư cách cá nhân, vì thế anh thu hút, chiếm được tình cảm của họ. Với bạn bè đồng nghiệp anh luôn đòi hỏi sự cầu tiến ở mức cao nhất, nên đôi lúc có người phật lòng, nhưng không vì thế mà mất đi tình cảm thân ái.
   Noi gương Tản Đà đời trước anh đem tất cả nhiệt huyết của mình để tìm tòi phương pháp thơ mới hiện đại cho Việt Nam. Có lẽ công việc còn dở dang chưa thành. Nhưng chúng tôi là bạn bè ghi nhận ở anh một tình yêu vô bờ đối với thơ và con người. Với nghị lực phi thường, vượt qua cám dỗ vật chất, anh hy sinh tất cả cuộc đời mình cho mục đích duy nhất đó. Trong tim tôi vẫn luôn vang vọng những câu thơ tuyên ngôn “Thiêu thân” của anh:
Những chiếc cánh mỏng xơ tê buốt mặt đá
Những con Thiêu Thân xác bay đâu cả
Và trong suốt cánh dầm sương
Mặt trời ngủ trong veo”

“Không dừng lại, không dừng lại, chết không dừng lại
Cái đập cánh đầu tiên đêm nóng rẫy ai nghe thấy
Máu cháy khô chưa kịp thốt một lời
Tồn tại thời gian khoảnh khắc
Mũi kim luồn suốt áo người”
   Tôi nhớ rõ hình ảnh anh đội chiếc mũ bảo hộ đỏ Sông Đà hiên ngang đi giữa đường Tây Sơn Hà Nội, như hình tượng chú gà trống đội mào cờ diễu hành trên đại lộ, đàng hoàng, oanh liệt, tự tin và trong sáng.
Than ôi !!! Các bậc tiền nhân đã nói: “Thái quá sinh bất cập”, anh ngã xuống trong tình trạng như vậy.
   Bao nhiêu sắc sảo trí tuệ anh dồn hết cho nghệ thuật, đến nỗi không còn một chút phòng vệ cho chính bản thân mình. Cánh quạt dữ dội cuộc sống đã “chém phăng”, đưa anh vào giấc ngủ ngàn thu, giấc ngủ của một “Mặt trời” đã cháy cống hiến hết nhiệt huyết nên thanh thản đến “Trong veo”.
   Chúng tôi là những người bạn vẫn nghe thấy nhịp đập thôi thúc của trái tim anh trong chính tim mình.

Nguyễn Đăng Thành