LÃO ĐẦU LÂU

Thầy thuốc như mẹ hiền

Thầy thuốc như mẹ hiền

Tại sao đã nghèo lại còn dám mắc bệnh, đã bệnh lại còn bệnh nặng nữa chứ? Lão càng nung nấu quyết tâm không đi viện, ai nói thế nào cũng không chịu, đời lão coi như đã an bài. Nhưng bây giờ con lão mới là người quyết định. Chúng họp nhau, bán nhà, lấy tiền đưa cha đi viện để báo hiếu. Chuyện đến tai, lão chỉ còn thiếu cắn lưỡi mà chết ngay cho rảnh nợ. Sống khốn nạn, mà lão chết thế thì thành bia miệng cho thế gian nguyền rủa, con lão chịu làm sao thấu! Biết chọn hướng nào đây?




_____________________________________________






LÃO ĐẦU LÂU 
Truyện ngắn của: Hữu Niệm

  Như thường lệ, tám giờ sáng, tiếng gừ gừ trộn lẫn những phát nổ phành phành của chiếc xe “nhà táng” (bệnh nhân ở đây gọi thế) bắt đầu hộc lên từ phía buồng bệnh bên cạnh, phòng bên này liền im bặt. Rồi nó xuất hiện trước cửa, lừ lừ tiến vào, liền sau là hai người áo trắng. Họ lẳng lặng thao tác cái công việc cao cả thường nhật. Người đầu tiên được đón nhận ân huệ là bệnh nhân hôn mê gan. Anh này từ khi vào đây lúc tỉnh, lúc mê như bị ma làm. Bây giờ, anh chàng đang thiu thiu ngủ. Một trong hai người áo trắng tay cầm xi lanh, tay kia kéo thốc áo bệnh nhân. Giật thót mình, anh ta nhổm phắt, hoảng hốt kêu:
          - Chuột!...Chuột ăn thịt người!..Cứu tôi với!..
          Vừa la hét, anh ta vừa đạp vừa đấm liên tục vào khoảng không trước mặt. Người áo trắng thu vội tay cầm xi lanh, quát:
          - Bảo đè chặt! Điếc à? Không thì tha về!
           Người nhà vừa cố sức đè anh ta xuống giường vừa nài nỉ:
           - Khổ, đè rồi mà không được.
          - Hai không được thì ba.
          - Vâng, nhưng bà gác cửa ở đầu nhà chỉ cho hai vào thôi.
          - Bỏ hai mươi nghìn ra mà vào. Dốt thế!
          Mấy người nhà bệnh nhân khác cùng phòng thấy vậy thương tình xô đến. Bốn người giữ chân, hai người giữ tay anh chàng sâu rượu này để hai người áo trắng thực hiện cho đến xong phận sự của mình.
          Đến lượt con bé chừng sáu tuổi, chưa xác định được bệnh gì, suốt ngày nằm sốt li bì. Vị áo trắng hất hàm hỏi:
          - Thế nào?
            Đứa chị lên mười đứng trông em vội vàng:
          - Cô bảo gì cơ?
          Con bé ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì thì người nhà một bệnh nhân nhắc:
           - Đưa cô mười lăm ngìn mua mũi kim tiêm không đau cho em đi con.
           Con bé hiểu ra nhưng nó không có tiền, mặt cắt không còn hạt máu, hai hàm răng như dính chặt vào nhau vội quỳ thụp xuống mà xin. Chẳng nói, chẳng rằng, người áo trắng kéo tay áo đứa em ra, phập một nhát. Con bé em giật nảy người, quáng quàng khóc thét: “Chuột cắn!..Đau quá, mẹ ơi cứu ”… Cô chị lao vào ôm chặt đứa em dỗ dành, nước mắt ngắn dài.
           Xong lượt con bé, chiếc xe nhà táng lại gừ gừ tới sát giường lão “Đầu lâu” thực thi cái nghĩa vụ cứu rỗi của mình. Rồi cứ thế lần lượt đến từng bệnh nhân. Không gian im ắng, căng thẳng đến lạnh người, tưởng chừng ai lỡ ho he thì sóng gió sẽ ập ngay xuống đầu một cách không thương tiếc. Xe đi ra được vài phút người trong phòng mới dám nhìn nhau, lí nhí vài câu đầy hàm ý. Người ta bảo, cứ như cái lão Đầu lâu kia là sướng, chẳng phải lụy lậy thằng đếch nào.
          Nhóm người nhà bệnh nhân ở phòng này gọi là lão “Đầu lâu” bởi lão chỉ còn có da bọc xương, đầu trọc lốc, mặt toàn những hốc với rãnh, suốt đêm ngày dán chặt xuống giường, im lìm như cái xác. Họ nghe phong thanh, lão bị ung thư chuyển giai đoạn cuối, không muốn về nhà, sợ phiền con cháu mà xin ở lại đây cầm kễ cho đến chết, biến thành nhúm tro cho rảnh nợ đời. Như cái xác chết thế thôi, chứ ở đây cái gì lão chả biết. Ví như tại sao con sâu rượu nằm kia hay hoảng hồn la hét về con chuột ăn thịt người khủng khiếp nào đó. Mấy mẹ xồn xồn lắm miệng trong lúc dỗi hơi ngồi đây giải mã với nhau sai bét rằng đó là chuột cống thành phố, sống gần người nên chả sợ ai, thịt người cũng là thịt, đói nó xơi tuốt. Có mẹ góp chuyện, vợ chồng đang hí húi trong màn bị chuột dái lẻn vào nện một nhát điếng người. Một mụ dẫn dụ sát sạt: Đâu xa, mới tối hôm qua mụ đi tè trộm ở bờ tường đằng kia, gặp con chuột to dễ vài cân, da trắng, đen loang lổ. Thấy mụ nó đứng lại trợn mắt, gừ gừ, nhe răng trắng ởn chả biết cười hay nát, làm mụ ướt hết cả quần, chạy té tát… Chuyện của các mụ vô tình đã đầu độc con bé nằm kia làm nó giật mình thon thót, thỉnh thoảng lại mê sảng, rõ tội nghiệp.
          Cái chuyện chuột ăn thịt người là có thật. Chả là ở cái tổng, cái huyện của lão cách đây chưa lâu người ta đồn  rần rật rằng: Bệnh viện nọ có con chuột to như cái nơm úp cá, thường ăn thịt người. Lông nó lởm chởm như bãi chông; nhiều chỗ rụng thành mảng lộ ra khoảng da trắng ởn, là vì nó già, lại còn bị bệnh hủi. Cứ đêm nào nhà xác không có người trông coi là y rằng sáng hôm sau thi thể người chết đã bị móc mất hai mắt; đàn ông mất hai hạt giống, đàn bà thì không còn nơi “thoát nước”. Nếu là đêm mười tư, mười rằm, mồng một người ta còn nghe thấy tiếng nó gặm xương ken két như vọng từ cõi âm ti về, sởn hết cả tóc gáy. Sau đêm ấy, người xấu số không chỉ mất đi hai thứ kể trên mà còn mất cả mảng thịt và mấy chỗ xương đùi.…Nghe đâu người ta đã nhiều lần dùng đủ mọi cách hết trần đến âm để giết nó mà không nổi. Thế rồi nhà xác phải chuyển đi chỗ khác.
          Còn về nhân thân, lai lịch lão Đầu lâu thì thế này, trước khi đi viện nhà lão thuộc diện nghèo rớt mồng tơi hột. Chó cắn áo rách! Nghèo, ăn uống kham khổ, lao động cực nhọc, đám cưới đám ma phải nhét vào phong bì hai chục ngìn đi ăn thì cố mà nuốt cho khỏi lỗ. Thế rồi lão bị đau bụng đi ngoài. Tiếc tiền thuốc men, chỉ vài nắm lá ổi vơ vội vơ vàng về đun rồi uống. Chữa thế thì bệnh tình lúc khỏi lúc không, nhôi nhai dài dài. Rồi đến lúc phải đến trạm xá xã khám. Bác sĩ bảo lão sắp thủng ruột, thôi nằm đây điều trị ít ngày, đừng lên viện huyện mà tốn kém. Nghe nói sắp thủng ruột, mồ hôi lão tuôn ra như tắm, phải nằm đây chứ biết làm sao? Được hai hôm thì trạm trưởng tới, ân cần: Bệnh của ông muốn khỏi nhanh, khỏi dứt thì phải mua thuốc Tàu về mà trị. Trạm xá đang vắng bệnh nhân, đưa tiền tôi gửi người sang đó mua cho, có điều hơi đắt, nhưng sắt ra miếng, đi đâu mà thiệt. Bùi tai, lão bảo con về vay tiền liều một phen. Tuần lễ sau thuốc Tàu về thật, chỉ có điều lão càng uống càng đau. Tay bác sĩ bảo, thuốc phải công thế mới hiệu nghiệm. Tác dụng đến đâu chưa ngã ngũ thì bốn ngày sau tay bác sĩ phải vội vàng viết giấy, khẩn trương kêu xe cho lão lên bệnh viện huyện, với lời giải thích cũng rất ân cần: “Cơ địa của ông quá mẫn cảm.” Thế là đi tong ba triệu bạc, lão tích cóp cả năm chắc gì được chừng đó, lại mang bệnh vào thân.
           Lên huyện phen này lấy tiền đâu mà chữa? Đành phải vay tín dụng đen với lãi suất cao. “Có thế người nhà lão mới lo mà trả, chứ không, rớt như nhà lão có gãi cả mấy chục năm cũng không hết”. Đấy là cái lí do người ta dám yên tâm khi đưa tiền cho lão. “Bệnh viện huyện tuyến cao hơn, phương tiện máy móc thăm khám hiện đại hơn, đội ngũ thày thuốc chuyên nghiệp và tài giỏi hơn,  bệnh tình của lão khỏi là mấy nỗi”. Lão tự trấn an thế để xua đi cái sợ hãi mà có lần lão được nghe rằng, mấy cái viện nho nhỏ ,vì ít bệnh nhân nên hay giữ người bệnh lại để “thịt” bằng cách không bệnh nói là có, nhẹ bảo là nặng mà bán thuốc, thu tiền dịch vụ…Tới đây, ngoài cái bệnh kiết lị thông thường và dị ứng thuốc không rõ nguồn gốc tuyến dưới chuyển lên, người ta còn nói là phát hiện lão bị thêm bệnh viêm phổi, viêm dạ dày sắp chuyển sang giai đoạn ung thư! Trời như ụp xuống, đất cứ bồng bềnh, lão lịm đi trong vô thức. Mười lăm ngày điều trị, hết mười triệu rồi người ta lại viết giấy chuyển lão lên viện cấp cao hơn. Lão nhất quyết không đi, thà chết chứ không đang tâm để cho con cái gánh nợ nần thêm nữa. Ai nói gì lão cũng để ngoài tai. Về được tháng trời, sáng sáng nhìn hai đứa con thằng cả vừa mặc áo quần vừa chia nhau củ sắn, củ khoai trước khi đi học lão đứt từng khúc ruột, cảm thấy mình nặng lỗi. Tại sao đã nghèo lại còn dám mắc bệnh, đã bệnh lại còn bệnh nặng nữa chứ? Lão càng nung nấu quyết tâm không đi viện, ai nói thế nào cũng không chịu, đời lão coi như đã an bài. Nhưng bây giờ con lão mới là người quyết định. Chúng họp nhau, bán nhà, lấy tiền đưa cha đi viện để báo hiếu. Chuyện đến tai, lão chỉ còn thiếu cắn lưỡi mà chết ngay cho rảnh nợ. Sống khốn nạn, mà lão chết thế thì thành bia miệng cho thế gian nguyền rủa, con lão chịu làm sao thấu! Biết chọn hướng nào đây?
          Lên cái viện này, cha con lão phải thuê phòng trọ ở ngoài, ngày đôi lần vào tiêm thuốc, vì viện không còn chỗ. Thuốc vào, chả mấy mà lão khóe ra trông thấy. Lão giục con về lo mà làm ăn, mình lão ở đây hàng ngày tự ra vào phục thuốc cũng được. Không yên tâm, con lão thuê người hằng ngày đến mua cơm nước, giặt giũ cho cha rồi mới chịu về thăm nhà dăm bữa. Được đúng ba hôm, tới bữa trưa lão chờ mãi mà không thấy người nâng bữa sửa khăn đến, toan lấy tay nải mang tiền đi ăn và mua vài thứ nữa, nhưng cái tay nải có ba chục triệu đã không cánh mà bay! Lão cuống cuồng tìm bới như lật từng viên gạch. Lão chạy lên báo chủ nhà trọ. Lão chạy đi báo công an. Lão lao ra đường như kẻ mất trí. Gặp ai lão cũng hỏi, cũng ngó tận mặt…Chạy đâu, tìm đâu, chỉ cái con mẹ ấy thôi! Nó đâu, nó chạy đâu rồi…Khốn khổ cái đời lão. Chó cắn áo tướp! Về ư? Làm gì còn tiền mà mua vé, rồi biết nói với chúng nó ra sao? Thôi, cứ nằm đây, biết đâu cái đứa kẻ gian nó thương tình mà nghĩ lại cho lão? Lạy trời, lạy phật…
          Đến lúc lão sắp chết đói, chết khát ở đây thì chủ trọ tới hỏi thăm, thông cảm rồi cho vay mớ tiền ăn. “Cái kiếp tôi nặng nợ đa mang, thấy cảnh khổ là không đừng được. Ung thư giai đoạn cuối mà còn tí sức như anh, lo gì chết đói, để tôi tính giúp.”- ông ta nói. Hôm sau ông  đưa lão cái túi đựng ba cân chè, cái xe đạp bảo đưa đến địa chỉ ghi trên giấy, về sẽ trả tiền công. Bắt đầu từ hôm ấy, hôm thì đi đưa chè đến địa chỉ này, hôm đưa vài cân thuốc lào…đến nơi nhận khác, lão đã có công ăn việc làm đều đều, thu nhập cứ khá dần lên. Có lần thằng con thương bố định mang đi giúp thì chủ trọ rứt khoát không cho, bảo: mạnh chân khỏe tay như anh về quê mà làm ăn cho đỡ phí. Cứ để bố anh ở đây tôi lo cho đến nơi đến chốn…
          Rồi sắp đến lúc sức cùng lực kiệt, có lần lão mơ hồ nghĩ về cái việc đang làm. Nhưng thây kệ, bệnh ung thư đã là “án tử hình” rồi thì việc khác có gì là quan trọng nữa. Suy cho cùng làm việc đó thì hai bên đều có lợi, phía lão lại còn có phần may mắn nữa là khác, chứ không tiền tấn chữa bệnh thế này bới mả bảy đời nhà lão bán cũng không được thế. Chủ trọ làm đúng như lời hứa, khi giọt sức cuối cùng đã vắt kiệt, ông ta manh mối cho lão vào nằm hẳn trong viện điều trị như bây giờ.  
           Chiều. Chiếc xe nhà táng lại hộc lên từ phía đầu nhà. Phòng bệnh bên này liền im bặt. Nó xuất hiện ở cửa phòng rồi lừ lừ tiến vào. Lão hôn mê gan lần này không hét nữa. Xong. Xe vừa quay sang con bé, cô chị đã vội vàng chìa ra tờ bạc năm mươi nghìn, nhanh nhảu:
          - Cô ơi, tiền không đau của em cháu đây.
          Một ánh mắt lạnh đến man dại phóng vào mặt con bé.
          Xong lão Đầu lâu và hết lượt cả phòng, chiếc xe gừ gừ đi ra vừa khuất sau cánh cửa. Như cái lò xo bị nén chặt giờ được bung ra hết cỡ, kẻ vừa bắn tia mắt liền lao vào con bé chị xỉa xói:
          - Đồ ăn cắp! Mới trưa nay chị em mày còn phải nhịn đói. Giờ tiền ở đâu ra? Trả ngay cho bà. Nứt mắt đã giở thói lưu manh! Bà báo công an cho mà rũ tù! Trả ngay đây… Có trả không thì bảo?
          - Con bé chị đứng chết lặng. Con bé em bật phắt dậy ôm ghì lấy chị. Hai chị em bấu chặt vào nhau, mãi mới bật lên được tiếng khóc hãi hùng, ứ nghẹn…
          - Bà kiểm tra kĩ lại xem có mất thật không? Có đánh rơi ở đâu không? Đừng vội đổ cho chị em nó mà phải tội. Một người nói.
          - Sáng tới giờ tôi chẳng đi đâu. Có mỗi lần giở ví trả tiền mua kim không đau. Thế mà mất toi tờ năm chục. Không nó lấy thì ai vào đây nữa?
          - Cháu có trót dại thì trả cho bà ấy, cô nói bà tha cho. Một người nữa lên tiếng.
          - Cháu không ăn cắp, cháu nhặt được ở chỗ này. Con bé chị òa lên, tay chỉ vào phía góc tường chỗ chân giường em nó.
          Con bé nói vừa dứt thì có ba người công an sắc phục nghiêm trang bước vào phòng. Một người dõng dạc:
          - Nguyễn Văn Ka! Bệnh nhân nào là Nguyễn Văn Ka đứng dậy nghe lệnh!
          Lão đầu lâu hơi động đậy. “Đã đến lúc” - lão tự nhủ. Kế bên, hai chị em con bé vẫn bấu chặt lấy nhau nấc nghẹn từng cơn, nước mắt ướt đầm ngực áo.
HN
 
 
          (Tên thật tác giả: Nguyễn Hữu Niệm)