BÀI "DI CHÚC" CỦA NGUYỄN KHUYẾN

Bài viết của Nguyễn Quảng Tuân
Nhà văn, nhà thơ và nhà nghiên cứu Hán Nôm - Nguyễn Quảng Tuân
Trong Tạp chí Hán Nôm số 2 (9) - 1990, ông Tảo Trang có viết Về những bài thơ Hán Nôm tự dịch của Nguyễn Khuyến và có nêu ra sự nghi ngờ về bài Di chúc mà ông cho rằng “không chắc do chính tác giả tự dịch”.
Lời nhận xét trên của ông Tảo Trang là rất đúng. Chúng tôi xin bàn thêm về hai điểm: Nguyễn Khuyến đã viết bài Di chúc(1) năm bao nhiêu tuổi và ai là dịch giả bài Di chúc ấy.
1. Nguyễn Khuyến đã viết bài “Di chúc” năm bao nhiêu tuổi ?
Mở đầu bài di chúc, Nguyễn Khuyến đã viết:
Ngã niên cập bát bát,
Ngã số phùng cửu cửu.
Hai câu ấy có thể dịch là:
Tuổi ta vừa tám tám,
Số ta gặp vận dương cửu.
Vậy “tám tám” là bao nhiêu tuổi? Có phải là tám mươi tám tuổi hay làtám lần tám tức sáu mươi tư tuổi?
Đọc lại các bài thơ chữ Hán của Nguyễn Khuyến chúng ta còn thấy có bài Thư thị chư nhi cũng có hai chữ “bát bát” trong câu mở đầu.
Bài ấy nguyên văn như sau:
Ngã niên vị bát bát,
Nha xỉ nhất dĩ thoát.
Lưỡng nhãn tiệm hôn hoa,
Đầu thượng bán bạch phát.
Phù sinh nhất túc diểu,
Quân ân thương hải khoát.
Tư dục hiệu quyên ai,
Bất năng tự chấn bạt.
Nhật vọng nhĩ bối thành,
Vi sơn thủy nhất loát.
Lập tâm yếu khiêm hòa,
Nhất ngôn thẩm cơ quát.
Thận vật sự kiêu xa,
Thận vật mộ diêu thát.
Đương niệm nhĩ phụ tâm,
Viễn tư lao đát đát.
Đương niệm nhĩ tổ đức,
Bách niên kim thủy phát.
Miễn chi hựu miễn chi,
Vô phụ thử y bát.
Diễn quốc âm:
Răn bảo các con
Tuổi ta chưa tám tám,
Một chiếc răng đã rơi.
Cặp mắt mờ dần mãi,
Mái đầu bạc nửa rồi.
Tấm thân nhỏ hạt thóc,
ỏn nước rộng duềnh khơi.
Những muốn lo đền lại,
Kém tài chịu lép thôi.
Ngày mong các con khá,
Vì xứ sở tranh hơi.
Khiêm tốn nên giữ nếp,
Nói năng phải lựa lời.
Chớ kiêu xa học thói,
Chớ phiếm lãng như ai.
Nên nghĩ lòng cha đó,
Xa lo, dạ rối bời.
Nên nhớ công đức tổ,
Tích lũy hàng đời người.
Phải ra công gắng sức,
Nếp cũ chớ bỏ hoài.
Bài thơ này được chép trong quyển Tam nguyên Yên Đổ của Hoàng ý Viên, xuất bản năm 1957 ở Sài Gòn.
Trong phần chú thích soạn giả có ghi chú: “Vị bát bát: tuổi chưa đầy tám tám, tức là chưa đầy sáu mươi tư tuổi”.
Lời chú thích ấy kể như là đúng vì các cụ ta xưa thường tính tuổi theo lối nhân như đôi tám (2 x 8 = 16), đôi mươi (2 x 10 = 20), ba bảy (3 x 7 = 21), thất cửu (7 x 9 = 63) bát bát (8 x 8 = 64), ngũ tuần (5 x 10 = 50), bát tuần (8 x 10 = 80) v.v… Hơn nữa một người chưa “bát bát” (64 tuổi) thì cũng rất đúng với chi tiết “Nha xỉ nhất dĩ thoát” (một chiếc răng đã rơi) và “Đầu thượng bán bạch phát” (Mái đầu bạc nửa rồi). Nếu là một người đã bát thập bát (88 tuổi) thì phải như ông già ở Tân Phong mà Bạch Cư Dị đã tả:
Tân phong lão ông bát thập bát,
Đầu mấn tu mi giải tự tuyết.
Nghĩa là:
Ông già ở Tân Phong tuổi tám mươi tám,
Đầu tóc mày râu đều trắng như tuyết.
Thế thì 88 tuổi phải nói là “bát thập bát” chứ không thể nói là “bát bát” được.
Bát bát, nếu theo lối tính tuổi xưa, là 64 tuổi hoặc cũng có thể hiểu là “tuổi đã già” như Từ nguyên đã chú thích “lão thành giả hô bát bát”.
Như vậy năm Nguyễn Khuyến viết bài thơ Di chúc có thể là năm cụ vừa 64 tuổi.
Năm ấy, 1898 (năm Mậu Tuất) là năm Dương Khuê mất.
Khi nghe tin bạn qua đời, cụ có làm bài thơ Khóc bạn(2) nguyên văn bằng chữ Hán và sau đó cụ có tự diễn Nôm.
Trong bài thơ Nôm chúng ta đọc thấy có đoạn như sau:
Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác,
Tôi lại đau trước bác mấy ngày.
Làm sao bác vội về ngay,
Chợt nghe tôi bỗng chân tay rụng rời…
Thấy bạn chết, nghĩ đến mình cũng đương đau bệnh, chưa biết sống chết ra sao, nên năm ấy cụ đã viết bài Di chúc để dặn lại con cháu. Nhưng rồi cụ lại qua khỏi cơn bệnh và sống mãi tới năm 1909, thọ 75 tuổi.
Ngã niên cập bát bát
Phải dịch lại là
Kém sáu tuổi xuân đầy bảy chục
cho đúng với tuổi thực của cụ (64 tuổi) khi viết bài thơ Di chúc .
2. Ai là dịch giả bài thơ ”Di chúc”:
Theo quyển Thơ văn Nguyễn Khuyến(3) thì: “các sách chép thơ của Nguyễn Khuyến” còn lưu trữ ở thư viện Khoa học xã hội đều ghi là tác giả diễn âm, nhưng theo ý kiến một số cụ già ở địa phương nhà thơ, thì bài này do cụ Trần Tán Bình dịch trong buổi lễ đưa ma cụ Nguyễn Khuyến.
Về lời chú thích trên, ông Tảo Trang đã có nhận xét:
a. Nếu là tác giả tự dịch thì không khi nào có sự nhầm lẫn thô bạo đến như thế về tuổi thọ của mình.
b. Nếu là của Trần Tán Bình dịch ngay trong khi đưa đám cụ Nguyễn Khuyến thì cũng là điều đáng ngờ vì “là môn sinh và dịch ngay trong tang lễ” thì không thể nào lại không biết rõ tuổi thầy để đến nỗi dịch sai đi tới 10 tuổi. Điều nhận xét ấy rất xác đáng vì sự thực thì dịch giả bài Di chúc không phải là Nguyễn Khuyến (tác giả tự dịch) hoặc Trần Tán Bình, một môn sinh của tác giả.
Theo quyển Tam nguyên Yên Đổ của Hoàng ý Viên thì bài Di chúc đã có hai người diễn ra quốc âm là Vũ Huy Chiểu (Tú tài Hán học) và Đào Vũ Môn (Cử nhân Hán học).
Vũ Huy Chiểu đã dịch theo thể ngũ ngôn:
Ngã niên cập bát bát,
Ngã số phùng cửu cửu.
Ta tai ngã đức lương,
Thọ kỷ mại tiên khảo.
Ta tai ngã học thiển,
Khôi nguyên chiếm long thủ!
Khởi phi tiên khảo linh,
Lưu dĩ tích nhĩ phụ?
Khởi phi tiên khảo danh,
Bất tố dĩ di hậu?
Bình nhật vô thốn công,
Phủ ngưỡng dĩ tạm phụ.
Tử hạnh đắc toàn quy,
Táng hạnh đắc thân phụ,
Túc hĩ phục hà cầu,
Tử táng vật yêm cửu.
Quan khâm bất khả mỹ,
Chỉ dĩ liệm thủ túc.
Cụ soạn bất khả phong,
Chỉ dĩ đáp bôn tẩu.
Bất khả tả chúc văn,
Bất khả vi đối cú.
Bất khả thiết minh tinh,
Bất khả đề thần chủ.
Bất khả đạt môn sinh,
Bất khả phó liêu hữu.
Tân bằng bất khả chiêu,
Phúng điếu bất khả thụ.
Thử giai lụy ư sinh,
Tử giả diệc ô hữu.
Chỉ dĩ trọng ngô quá,
Tương lai cánh đa khẩu.
Duy ư táng chi nhật,
Kỳ biển dẫn tiền đạo.
Ca công bát cửu nhân,
Suy tống liệt tả hữu.
Thảo thảo táng ngã hoàn,
Chước ngã dĩ đẩu tửu.
Sở đắc tân sắc, bằng,
Phong hoàn nạp súy phủ.
Viên đề mộ thạch bi,
Hoàng Nguyễn mỗ hưu tẩu.
Dịch nghĩa:
Tuổi tám tám vừa tới,
Số cửu cửu trùng phùng.
Than ôi! Đức thầy mỏng,
Mà thọ hơn tiên công.
Than ôi! Học thầy kém,
Mà đỗ đầu bảng rồng!
Chả phải đức tiên khảo,
Để cho thầy đất không
Chả phả tiếng tiên khóc 
Để cho thầy làm xong?
Công lao chưa một tấc,
Ngửa cúi luống thẹn thùng.
Nay về được toàn vẹn,
Táng gần mộ tổ tông.
Đủ rồi, cần chi nữa,
Ma chay chớ dài dòng.
Khâm liệm không hoa mỹ,
Đủ gói ghém là cùng.
Cỗ bàn không bày vẽ,
Đủ đãi người hộ tùng.
Văn tế không nên viết,
Câu đối không nên dùng.
Không minh tinh ngất ngưởng,
Không đề chủ viển vông.
Môn sinh không đạt giấy,
Liêu hữu không báo chung.
Phúng viếng không được nhận,
Bè bạn không mời đông.
Chỉ lụy cho kẻ sống,
Người chết đâu còn mong.
Chẳng những thầy mang tiếng,
Chỉ nghị thêm bận lòng.
Chỉ riêng ngày cất đám,
Cờ biển đi trước vong.
Đôi bên dàn kèn trống,
Bảy tám người nhạc công.
Thành phần xong đâu đấy,
Khấn thầy chén rượu nồng.
Còn bằng, sắc mới được,
Nộp súy phủ nguyên phong.
Đề bia dựng trước mộ,
Hoàng Nguyễn mỗ hưu ông.

*1*
Đào Vũ Môn đã dịch theo thể song thất lục bát:
Kém sáu tuổi xuân đầy bảy chục(4),
Số sinh ra gặp lúc dương cùng.
Đức thầy đã mỏng mòng mong,
Tuổi già so với tiên công lại nhiều!
Học cũng chẳng cao siêu chi cả,
Chiếm bảng vàng may đã ba phen.
Tuổi này tuổi của gia tiên,
Để cho thầy được hưởng niên lâu dài.
Nhờ phúc trạch các ngài để lại,
Công việc nhà nay mới tạm xong.
Ơn trên chưa chút đền công,
Cúi nom hổ đất, ngửa trông thẹn trời.
Sống để tiếng trên đời trọn vẹn,
Chết lại gần quê quán hương thôn.
Mới hay trăm sự vuông tròn,
Cam trân đã trải, chết chôn chớ nề.
Đồ khâm niệm chớ hề xấu tốt,
Kín chân tay đầu gót thì thôi.
Cỗ bàn con chớ vẽ vời,
Hễ ai chạy đến khuyên mời người ăn.
Tế đừng có viết văn mà đọc,
Đối trướng đừng gấm vóc mà chi.
Minh tinh con cũng bỏ đi,
Mời quan đề chủ, con thì chớ nên.
Môn sinh chớ tốn tiền đạt giấy,
Bạn với thầy cũng vậy mà thôi.
Khách quen con chớ nên mời,
Những đồ phúng viếng con thời chớ thu.
Chẳng qua chỉ lụy cho người sống,
Chết đi rồi còn ngóng vào đâu.
Lại mang cái tiếng to đầu,
Khi nay bày biện, khi sau chê bàn.
Cờ biển được tặng ban ngày trước,
Lúc đưa thầy con trước đầu tiên.
Có chăng một bọn thợ kèn,
Đi theo linh cữu, mỗi bên dăm người
Cuộc tống táng sơ sài qua quít,
Chuốc cho thầy một ít rượu nồng.
Sắc bằng mới được tặng phong,
Các con tức khắc niêm phong trả về.
Việc ghi nhớ dựng bia trước mộ,
Để ngàn sau được rõ dấu xưa.
Bia đề mấy chữ đơn sơ,
Rằng: “Quan triều Nguyễn, tuổi già cáo hưu”.
Đ.V.M dịch
Như vậy bài Di chúc đã rõ ràng không phải do tác giả tự dịch.

*1*
Qua hai phần trình bày ở trên, chúng ta có thể biết được Nguyễn Khuyến đã viết bài Di chúc vào năm 1898, khi cụ mới có 64 tuổi và bài di chúc ấy đã được Vũ Huy Chiểu và Đào Vũ Môn diễn ra quốc âm(5). Trong khi bản diễn quốc âm ấy, bản của Đào Vũ Môn được phổ thông hơn nhưng đã dịch sai câu đầu khiến cho có sự nghi ngờ về tuổi thọ của tác giả.
NQT


---
Chú thích:
(1) Bài này có nhan đề nữa là Tri mệnh. “Tri mệnh” là lời dặn lại khi còn tỉnh táo trước khi chết.
(2) Chính nhan đề là Vãn đồng niên vân Đình Tiến sĩ Dương Thượng thư (Viếng bạn đồng niên là Vân Đình Tiến sĩ Thượng thư họ Dương).
(3) Thơ văn Nguyễn Khuyến, Nxb. Văn học, In lần thứ hai, H.1979.
(4) Nguyên văn bản dịch của Đào Vũ Môn là “Kém hai tuổi xuân đầy chín chục”.
(5) Trong quyển Nguyễn Khuyến - tác phẩm của Nguyễn Văn Huyền sưu tầm (Nxb. Khoa học xã hội) còn có bài dịch của Ngô Linh Ngọc.

Biên tập: Phạm Duy Trưởng

(Theo tạp chí Hán Nôm số 1 năm 1991)