BẢNG TRA TÊN CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH TRONG CƯƠNG MỤC

Đại Nam Nhất Thống toàn đồ

Đại Nam Nhất Thống toàn đồ

Đây là một bảng dùng để tra cứu tên các đơn vị hành chính đã được bộ sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (có ký hiệu A.1/1-9 thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm) chú giải bằng chữ Hán.
Thư tịch bằng chữ Hán, chữ Nôm đề cập tới vấn đề địa danh hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm khá phong phú, bao gồm các loại sách như địa chí, địa phương chí, bản đồ cổ; các cuốn chính sử, thần tích, địa bạ, các loại văn khắc v.v… Tất cả địa danh được phản ảnh trong các loại hình thư tịch trên đều có đặc điểm chung là bản thân các địa danh đó đều tự phản ánh được sự tồn tại của chúng ở thời điểm tác phẩm ra đời. Song ở mỗi loại hình thư tịch, địa danh được phản ánh đều có những hạn chế nhất định. Ví dụ như địa danh trong các thư tịch địa chí thường bị hạn chế cả về không gian và thời gian. Các trấn tổng xã danh bị lãm (A.570) chỉ cung cấp được những địa danh trong phạm vi 15 trấn, xứ thuộc Bắc Kỳ thế kỷ XIX. Đại Nam nhất thống chí (A.69) là bộ địa chí biên soạn thời Nguyễn, ghi đầy đủ duyên cách từ cấp huyện trở lên của các tỉnh trong cả nước. Riêng địa danh được đề cập trong các sách sử bị hạn chế về số lượng, vì chúng phụ thuộc vào các sự kiện lịch sử. Trong những bộ sử lớn của nước ta như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tiền biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục v.v... Chúng tôi chọn bộ Khâm Định Việt sử thông giám cương mục. Viết tắt là CM làm cơ sở cho việc biên soạn bảng tra tên các đơn vị hành chính, vì tác phẩm này có những ưu điểm nổi bật sau đây:
1. Tính khoa học của các chú giải: để chú được 1328 tên các khu vực hành chính, các tác giả CM đã tham khảo rất nhiều sách trong nước cũng như nước ngoài, chúng tôi chưa thống kê được, song Tìm hiểu kho sách Hán Nôm đã cho biết”… giở qua từng tờ, ta sẽ thấy số tên sách dẫn dụng có tới trên dưới 200 bộ”(1), các tác giả đã bổ sung được đầy đủ 12 thừa tuyên đặt ra vào thời Lê Quang Thuận thứ 7 (1466); Nêu được sự thay đổi của các thừa tuyên từ thời Bắc thuộc đến thời Nguyễn, đồng thời đính chính được nhiều địa danh sai sót cho các bộ sử khác.
2. Xác định được mốc tồn tại của từng địa danh, tìm hiểu, đối chiếu, xác định được những địa danh tương ứng với nó trong giai đoạn đương thời. Việc làm này không những giúp ích cho độc giả thời đó mà còn là những tư liệu vô giá cho đời sau trong việc nghiên cứu lịch sử các địa danh.
Với giá trị nhiều mặt của chú giải địa danh trong CM, chúng tôi thấy việc tập hợp, lựa chọn, sắp xếp, biên soạn thành một “Bảng tra tên các đơn vị hành chính” là việc cần thiết.
Toàn bộ Bảng tra gồm 1328 tên các đơn vị hành chính từ thôn đến phạm vị lớn là Quốc gia. Các đơn vị này được sắp xếp theo thứ tự vần chữ cái của tiếng Việt. Mỗi đơn vị được gọi là một mục từ. Mỗi mục từ gồm 2 phần.
Phần thứ nhất gồm các yếu tố sau:
- Tên đơn vị hành chính bằng chữ Việt, có chua thêm chữ Hán bên cạnh.
- Phạm vi địa lý hành chính.
- Dịch chú giải nguyên tác.
- Xuất xứ của chú giải.
Để thực hiện phần thứ nhất này, chúng tôi đã phải dịch toàn bộ các chú giải của nguyên bản chữ Hán, sau đó tuyển chọn sắp xếp. Nếu chú giải trùng lặp thì chọn lấy chủ giải đầy đủ nhất. Nếu trùng nhưng lượng thông tin nhiều hơn, mới hơn thì ưu tiên xếp theo thứ tự thời gian xuất hiện từ sớm đến muộn. Nếu trùng lên nhưng phạm vi địa lý hành chính khác nhau thì ưu tiên xếp trước những tên có phạm vi địa lý hành chính lớn hơn. Ví dụ: ANBANG thừa tuyên có tới 4 lần chú giải (lần chú thứ nhất ở quyển 1 tờ 4 phần Tiền biên;lần chú thứ hai ở quyển15 tờ 5 phần Chính biên; lần chú thứ 3 ở quyển 21 tờ 29 phần Chính biên và lần chú thứ tư ở quyển 21 tờ 35 phần Chính biên). Sau khi dịch, chúng tôi đã chọn chú giải thứ 3 đưa làm mục từ của Bảng tra, vì đây là lần chú giải đầy đủ, hệ thống và rõ nhất.
Phần thứ hai là phần chú thích bổ sung của chúng tôi. Đây là việc làm vô cùng khó khăn phức tạp. Như trên đã trình bày, cho dù CM có chú đầy đủ đến mấy, song cũng đã cách ta một trăm năm. Quãng thòi gian một thế kỷ này, đất nước ta đã xẩy ra biết bao sự kiện tác động tới việc phân chia lại các khu vực hành chính. Do vậy, để làm được phần thứ hai này, chúng tôi đã phải tham khảo rất nhiều sách có liên quan bằng chữ Hán, hoặc toàn bộ công báo từ năm 1950 đến 1990 và phải đi thực tế nhiều địa phương, kết hợp với cộng tác viên ở nhiều nơi.
Phần thứ hai này giúp bạn đọc tìm hiểu, so sánh giữa tên khu vực hành chính cũ với tên mới hoặc biết được hiện nay các tên cũ ấy trực thuộc nơi nào. Ví dụ tra địa danh “Bắc Bình”, bạn sẽ được những lượng thông tin ở hai phần như sau:
Phần thứ nhất: Bắc Bình 北 平
- tên phủ.
Theo Hồng Đức Thiên Nam dự hạ tập, Bắc Bình là tên phủ. Trước thuộc thừa tuyên Thái Nguyên. Sau đổi tên là Cao Bằng. Khoảng niên hiệu Vĩnh Trị (1676-1680) đổi là Trấn Cao Bằng. Bây giờ (thời Tự Đức) là tỉnh Cao Bằng.
A1, Cb 20 (ký hiệu A.1, phần Chính biên q.20).
Phần thứ hai cho biết “Bắc Bình” tương đương với tỉnh Cao Bằng ngày nay. Như vậy tra địa danh “Bắc Bình” ta có thể biết được quá trình thay đổi cơ bản của địa danh này cho tới thời đại chúng ta ngày nay.
Hoặc ví dụ tra địa danh “Nghệ An” chúng ta được những thông tin như sau: Thời Hùng Vương, Nghệ An thuộc đất Việt Thường. Thời Tần thuộc Tượng Quận, thời Hán thuộc quận Cửu Chân. Nhà Ngô chia gọi là quận Cửu Đức. Nhà Lương đặt làm Đức Châu, Lỵ Châu và Minh Châu; Thời Đinh, Lê gọi là Hoàn Châu. Thời Lý đổi làm trại. Năm Thiên Thành thứ hai (1029) đổi là Nghệ An. Thời thuộc Minh đổi làm hai phủ Diễn Châu và Nghệ An. Đến năm Quang Thuận thứ 7 đời Lê đổi đặt Nghệ An thừa tuyên. Năm Hồng Đức 21 (1760) đổi là xứ. Năm Minh Mệnh thứ 12 chia làm hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Năm Tự Đức thứ 6 (1853) đổi tỉnh Hà Tĩnh làm đạo hợp vào Nghệ An. Năm Tự Đức 29 (1876) lại đặt tỉnh Hà Tĩnh như cũ.
Năm 1975 hợp nhất hai tỉnh Nghệ An, Hà Tính thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Nay lại tách thành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Trong số 1328 đơn vị hành chính có 78 đơn vị không thuộc lãnh thổ nước ta, chúng tôi không chú phần hai; 46 đơn vị chưa có điều kiện xác minh, chúng tôi cũng không chú; 257 đơn vị thuộc phạm vi xã thôn, chúng tôi chưa có điều kiện tìm được gọi tương đương, mà chỉ đối chiếu được cấp huyện tương đương. Còn lại 946 đơn vị hành chính từ cấp thôn đến cấp trấn, đạo, chúng tôi đã so sánh được tên gọi tương đương ngày nay.
Bảng tra này tuy chưa thể cung cấp được hết tên các đơn vị hành chính của cả nước, song với số lượng 2328 đơn vị thuộc phạm vi từ thôn đến tỉnh, hy vọng sẽ giúp ích phần nào cho bạn đọc muốn tìm hiểu địa danh xưa.
Dương Thị The

Chú thích:
(1) Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập I, Nxb. KHXH, H. 1971. tr.146.
   Theo tạp chí Hán Nôm 2(11) 1991