BÍCH CHÂU DU TIÊN MẠN KÝ

Bài viết của Nguyễn Thạch Giang, đăng trên Tạp trí Hán Nôm, số 1, năm 1990
Hình minh họa

Cuối tháng 5 - 1963, qua một chuyến đi thực tế ở Trường Lưu, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu, quan sát tại chỗ những gì còn lại của dòng họ Nguyễn Huy. Chúng tôi may mắn đã được chính quyền xã Trường Lộc, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch cùng các cụ Nguyễn Huy Mưu tộc trưởng, Nguyễn Huy Toại và nhân dân địa phương tận tình giúp đỡ nên chúng tôi đã thu thập được thêm một số tài liệu mới, biết thêm được những sự thật cùng những giai thoại giữa các thi nhân Tiên Điền và Trường Lưu.
Ngày 29 - 5- 63, bắt đầu việc nghiên cứu những thư tịch còn lại, trong đã có các tập: Nguyễn Tiên Điền gia bảo, Thạc Đình di cảo, Phông sứ Yên Đài tổng ca, và đặc biệt là cuốn Phượng dương Nguyễn tông thế phả do Nguyễn Huy Tự soạn lục vào tháng Trọng thu năm Đinh Mùi (1787).
Trong số sách gọi chung Thạc Đình di cảo đó, tôi chú ý mấy tờ để phụ vào tập Gia phả có tên Bích châu Du tiên mạn ký, vì từ mùa hè 1952 tôi đã nghe cụ Nghè Nguyễn Mai nói đến tập ký này ở Trường Lưu.
Tôi đọc lướt qua, thấy hay, tiện có sẵn bút mực bèn dịch phóng ngay mang về. Tôi ngờ tập Du tiên mạn ký là tác phẩm của Nguyễn Huy Hổ, vì tập Phượng dương tiếp các đời con cháu cụ Nguyễn Huy Tự nối cha chép tiếp, người sau tưởng là những tờ của Gia phả.
Nay nhân kỷ niệm 200 năm mất Nguyễn Huy Tự (1790 - 1990), tôi soát lại gửi đăng tạp chí Nghiên cứu Hán Nôm gọi là chút kỷ niệm của một chuyến đi thực tế tìm hiểu những đóng góp lớn lao của một dòng họ đối với sự nghiệp văn hóa của dân tộc.



BẢN DỊCH
“BÍCH CHÂU (1) TIÊN DU MẠN KÍ”

Dưới chân núi Trâu Sơn(2) xứ kinh Bắc(3) có gia đình hai mẹ con một bà cụ già ở đấy. Người ta không biết tung tích xưa kia của họ ở đâu, chỉ biết sau mấy năm liền trong nước bị đói kém, bà cụ cùng người con gái đến đây xin làng cho ở ngụ.
Người con gái tên là Hoàn Châu, khoảng 15, 16 tuổi, dáng người xinh đẹp thùy mị, hàng ngày tần tảo làm ăn nuôi mẹ. Hai mẹ con chỉ có một vườn cam và một đám đất nhỏ trồng rau lấy cái ăn hàng ngày. Vườn cam của bà nức tiếng gần xa vì cam quanh năm sai quả, bà mang biếu bà con láng giềng cũng đã nhiều lần mà vẫn còn bán lấy tiền đủ chi dùng trong nhà.
Có một năm vua Anh Tông(4) nhà Trần, nhân đi tuần thú ở miền này đã ngự đến xem vườn cam của bà, Hoàn Châu ra vườn hái quả dâng vua, Vua thấy nàng dịu dàng, duyên dáng, bèn cho đón về kinh làm cung phi.
Hoàn Châu được vua rất hậu sủng. Nàng ít tuổi nhưng sớm thông hiểu kinh sử và binh pháp nên trong các buổi thiết triều nàng thường được dù bàn quốc sự. Trong chốn cung đình không một ai là không mến phục nàng.
Một hôm vào tiết Nguyên tiêu vua cho vời Hoàn Châu lên cùng dạo chơi vườn thượng uyển. Khi đến chiếc cầu bắc qua lạch nước suối trong vắt, vua dừng lại thưởng trăng, nhân lúc vui vua ngỏ ý muốn lấy tên Hoàn Châu đặt cho cái cầu này. Vua phán:
- Từ ngày nàng vào cung đã giúp ta rất nhiều việc từ hàn binh pháp. Nay ta muốn đặt tên cho chiếc cầu này là “Hoàn Châu kiều” để ghi công lao đó của nàng.
Hoàn Châu thẹn thùng bái tạ, không dám nhận cái vinh dự đó. Nhưng nhà vua đã sai quan nội giám lấy giấy bút viết mấy chữ đại tự “Hoàn Châu kiều” cho dán lên thành cầu để sau thợ khắc vào gỗ. Và nhân đấy vua đặt cho Hoàn Châu một cái tên mới là Bích Châu, rồi thuận miệng vua đọc:
“Hoàn Châu dĩ cải Bích Châu liễu”(5) Bích Châu bất giác đọc tiếp:
“Do tự tích thời tại nhất châu”(6)
Vua khen ban cho năm lạng vàng rồi trở về cung.

*1*

Năm Hưng Long thứ 19 (1312)(7) có giặc Chiêm Thành ra quấy rối miền nam biên giới nước ta, vua Anh Tông phải thân chinh đi đánh, Bích Châu cùng đi theo hầu vua. Phàm những việc từ hàn nơi trướng gấm đều do tay nàng thảo ra. Cả đến những việc bài binh bố trận nàng cũng được dự bàn. Lần này chiến thuyền quân ta bị quân Chiêm bao vây nghiêm ngặt ở cửa Thi Nại(8). Quân lương và quân khí của ta sắp cạn, tình thế trở nên cực kỳ nghiêm trọng. Vua hội chư tướng đến hỏi kế, vì quân ta đã mấy lần đánh phá vòng vây nhưng chưa thành. Lần này theo lời nàng, quân ta chia ra nhiều mũi khác nhau tiến phá vòng vây quân Chiêm. Còn nàng Bích Châu một mình một chiếc thuyền con xông lên trước. Thuyền nhẹ lướt như bay trên mặt sóng, quân tướng nức lòng cho chiến thuyền rượt theo. Quân Chiêm bắn tên ra như mưa, nhưng quân ta không việc gì. Buồm căng của chiến thuyền cũng không một cái nào bị rách vì tên bắn. Mọi người đều lấy làm lạ cho là có thần linh phù hộ nên nức lòng quyết chiến. Một lát sau sóng gió bỗng nổi lên đùng đùng, thuyền giặc tròng trành như sắp bị chìm nghỉm xuống đáy bể, trong khi chiến thuyền quân ta vẫn bình yên như lướt trên mặt bể phẳng lặng. Quân ta chưa đánh, quân Chiêm đã khiếp sợ. Vòng vây bị phá tan tành. Quân ta đại thắng.
Vua mừng rỡ cho mở tiệc lớn khao quân ngay trên mặt bể nàng Bích Châu thấy người khó ở nên không dự yến. Vua không vui, cho ngự y hết lòng săn sóc. Nhưng bệnh tình vẫn cứ một ngày một nặng. Vua lo lắm. Thuyền phải đi mất gần mười ngày đêm nữa mới tới kinh. Một hôm vua nằm mộng thấy một thần nữ xiêm nghê màu hồng nhạt từ trên không hiện xuống vào trong khoang thuyền ngự trao cho vua một phong thư tiên, đoạn nói:
- Ta vâng mệnh Thiên đình xuống trao cho Hoàng thượng tờ chiếu này và xin rước Hoàn Châu về lo việc từ hàn thay ta.
Vua bàng hoàng vội mở ngọc chỉ ra xem, thấy quả là sắc chỉ của Thiên đình triệu Hoàn Châu về thượng giới. Vua phán:
- Hoàn Châu, cung phi yêu quí của ta, ta rất kính phục cả tài lẫn đức. Bao nhiêu năm nàng đã hết lòng giúp ta trong việc từ hàn nơi ngự phủ cũng như việc trị hoạch chốn quân doanh. Nay phút chốc đã phải xa ta, ta không nỡ. Xin cho nàng lưu lại đôi ba ngày để ta có thể đền đáp công ơn nàng trong muôn một.
Thần nữ đáp:
- Điều đó không thể được vì ta không thể làm trái thánh dụ của Ngọc Hoàng.
Sau vua khẩn khoản mãi, thần nữ mới thể tình cho nàng nán lại đến rạng ngày mai.
Sáng hôm sau, vua tỉnh dậy trong lòng nghi hoặc về câu chuyện trong mộng. Vua hỏi bệnh tình Hoàn Châu. Quan ngự y tâu bệnh tình của nàng đột nhiên thuyên giảm rất nhiều... Vua mừng rỡ cho vời Bích Châu đến thuyền ngự, đem câu chuyện trong mộng kể cho nàng nghe và nhân thể hỏi về duyên cớ giáng trần của nàng. Nàng tỏ vẻ buồn rầu, quyến luyến, cúi đầu bái tạ rồi lấy một chiếc trâm có nạm một viên ngọc bích hình tròn bổ đôi dâng lên vua:
- Xin bái biệt Thánh thượng, xin Thánh thượng trao lại viên ngọc này cho người nào có nửa viên ngọc như thế một khi khế hợp(9) lại được, để cho thiếp trọn vẹn lời ước cũ. Nói xong thì mất.
Lúc bấy giờ là vào giờ Thân ngày Dần. Nhà vua thương tiếc vô hạn, có ý đưa thi hài của nàng về kinh sư để mai táng. Nhưng đi đến cửa bể Kỳ Hoa thì tự nhiên thuyền đỗ lại không đi được nữa. Vua cho ghé vào bờ, đưa thi hài Bích Châu lên mai táng ở trên một gò đất cao bên bờ bể thuộc tỉnh Hà Tĩnh.

*1*

Về đến kinh, vua lập tức cho truyền thánh chỉ đi khắp nơi loan báo cho mọi người biết để đến nhận trâm ngọc.
Năm ngày sau, vào một buổi chiều, có một người thư sinh áo quần chỉnh tề giản dị, đến trước cửa hoàng cung xin vào bệ kiến để nhận trâm ngọc. Vua cho triệu vào. Người thư sinh lấy nửa trâm ngọc của mình ra dâng vua. Quả nhiên hai nửa viên ngọc bích ghép lại thì tự nhiên dính với nhau làm một, trong suốt như một viên ngọc lành không có tí vết nào cả. Vua lấy làm lạ trao lại viên ngọc cho chàng thư sinh, đoạn hỏi chàng tên tuổi, quê quán và bảo chàng tâu lại việc được ngọc bích.
Người thư sinh quỳ xuống dâng lên vua một tập sách gói trong tấm hồng điều, rồi tâu:
- Xin bệ hạ đọc qua mấy tờ hoa tiên này thì sẽ rõ, hạ thần đã có ghi lại tất cả những điều bệ hạ muốn biết. Nay xin bệ hạ cho kẻ thư sinh hèn mọn này được vào Hoan Châu(11) ngay cho kịp ngày ước cũ.
Vua bằng lòng, đoạn sai quan nội giám ban cho một lạng vàng và năm tấm lụa. Người thư sinh bái nhận, tung hụ “vạn tuế” rồi lui ra.
Vua lấy tập hoa tiên ra đọc. Tập sách máng, chỉ có năm tờ, đó là “Du tiên mạn ký”(12), thể chữ viết cực tốt, chép:
“Ta họ Vương, tên Lưu, tự Tố Nguyên, thứ nam quan Thừa tín(13) lang phủ Thanh Hóa(14). Thuở nhỏ ta sớm được dù nơi sân Trình cửa Khổng. Lên bảy đã biết làm thơ phú. Lên mười bao nhiêu kinh sử ta đều thông thuộc cả. Thân phụ ta rất vui lòng mong cho ta sau này đỗ đạt, được dự vào nơi kim mã(15) nhưng chí ta thì khác. Bao nhiêu điều học được trong sách thánh hiền ta không thấy một ai đem ra thi thố cho dân sự được nhờ. Đi đâu ta cũng thấy dân tình ca thán vì bọn tham quan ô lại. Giặc cướp nổi lên như ong. Ta nhớ lại ngày còn để chỏm đi học, sư phụ giảng cho ta nghe những lời vàng ngọc của thánh hiền mà thích thú làm sao! Ta hằng mong khắp cả giang sơn từ chốn phố phường đến nơi thôn xóm có một cảnh tượng thái bình thịnh vượng của xã hội đại đồng như trong Lễ vận(16). Ta thường đem những ý đó ra đàm luận với thân phụ ta, thì đều bị người mắng ái... Ta ấm ức mà không nói được với ai. Năm ta 17 tuổi tức là vào năm Quảng Hựu thứ 2 (1086)(17), ở kinh thành có mở khoa thi Văn học. Thân phụ ta bảo ta tiến kinh dự thi, ta không dám trái lời. Nhưng đến ngày xướng danh vào trường, ta lại bỏ, đến vãn cảnh chùa Báo Thiên(18) và nhân có điều không vui trong lòng, ta vào chùa hầu chuyện các Hòa thượng, cùng họ đàm luận đến lẽ giải thoát chúng sinh, đến phép “trì túc”(19) của lẽ diệt dục lạc của Phật... Sau đã ta lại lên đường t rở về phủ.
Về đến quê nhà, bị thân phụ ta mắng thậm tệ, ta phẫn chí quyết bỏ nhà ra đi… Ta đi về hướng Tây, đi đến một khu rừng, rồi vui chân đi mãi... đến khi dừng lại, nhìn xuống thì không thấy xóm làng đâu nữa cả. Bốn bề là nói rừng trùng điệp. Ta ngồi xuống một tảng đá dựa lưng vào một gốc cây mà nghỉ, rồi vì quá mệt nên ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Trong giấc mơ ta thấy thoang thoảng một mùi hương, rồi có một tiên đồng đến đánh thức ta. Ta bừng tỉnh dậy, quả có như trong mộng. Ta bàng hoàng kinh ngạc hết sức. Tiên đồng tươi cười bảo ta:
- Tiên sinh đã lạc bước đến đây. Tiên chủ có lời mời người vào động phủ.
Ta hỏi nơi này là nơi nào. Tiên đồng cho biết đây là nơi quần tiên hội ngộ, tên là “Lạc tỉnh động”. Ta theo tiên đồng lách qua một hang núi dài và khá rộng. Trong hang ánh sáng lờ mờ, thạch nhũ Lóng lánh như ngọc. Một giòng suối chảy róc rách, nước trong vắt thấy rõ từng hạt cát hòn sỏi ở đáy. Hai bên bờ thỉnh thoảng chỉ thấy một vài tảng đá mặt phẳng lì như những chiếc trường kỷ. Tiếng đá sỏi lào xào ở dưới chân dội lại trong động nghe trầm trầm đều đều.. Ra khỏi động, ta qua một chiếc cầu vồng vắt ngang một con suối khác rộng và sâu hơn. Cầu làm toàn bằng đá. Thành cầu có nạm ngọc đủ các màu. ánh sáng phản chiếu màu sắc rực rỡ hòa hợp rất đẹp. Đến đâu ta cũng thấy phong cảnh kỳ vĩ lạ thường. Ta đã từng đi du ngoạn nhiều nơi, nhưng không đâu bằng chốn này. Đứng ở đây, ta có thể phóng tầm mắt nhìn ra bốn phía không biết đâu là cùng. Núi đồi thoai thoải, cây cối xanh um trĩu quả từng hàng dài thẳng tắp, lượn hết đồi này sang đồi nọ. Ta chú ý nhìn thì thấy toàn những thứ quả mà bình sinh ta chưa được thấy bao giờ. Đi được một đoạn, đến một tòa nhà đá màu xanh nhạt, tiên đồng bảo ta ngồi nghỉ một lát rồi với tay hái đưa cho ta một quả đào to bụ bẫm. Ăn xong, ta thấy toàn thân sảng khoái không gợn một chút ưu tư phiền muộn gì. Vị thơm ngọt của đào tiên như cứ phảng phất ở chân răng đầu lưỡi. Ta nhìn Lên mái đình, thấy có biển đề ba chữ “Hội nguyên đình”.
Một lát sau, tiên đồng dẫn ta đến một nơi cung điện lâu đài san sát khắp cả lưng đồi, chân núi, đầu suối lưng khe. Các tiên nữ xiêm nghê đủ các màu rực rỡ thướt tha dưới các rặng cây trĩu quả đông không biết ngần nào mà kể. Nhưng tịnh không có một tiếng động nào ngoài tiếng đàn giọng hát trong trẻo thoảng qua.
Tiên đồng đưa ta vào một tòa nhà nguy nga toàn làm bằng gỗ chạm trổ tinh vi, có biển đề bốn chữ vàng “Quần tiên hội sảnh” treo ở chính giữa. Lầu dựng bên một con sông lớn. Gió lộng bốn phương, cành cây trĩu quả đủ các loại rung rinh bên cửa sổ. So với cảnh tráng lệ ở đây thì dẫu đến các Đằng vương(20) cũng không bằng.
Ta ngồi đợi một lát thì thấy từ trong nội thất đi ra năm tiên nữ tha thướt trong xiêm nghê rực rỡ. Thấy ta, họ cúi chào. Người bận xiêm hồng đi trước mời ta ngồi rồi tự mình ngồi vào ghế giữa, còn bốn tiên nữ kia đứng hầu hai bên. Ta để ý đến hành động của người người. Ta thấy người nào cũng rực rỡ đoan trang, dẫu cho có Mao Tường, Lệ Cơ(21) cũng khó bề sánh kịp. Khi mọi người đã yên vị, tiên nữ xiêm hồng đứng dậy, tiếng ngọc xiêm nghê khẽ động, đoạn bảo ta:
- Ta đã biết trước có nhà thầy lên vãn cảnh ở đây nên đã cho tiên đồng ra cửa động đón. Người đã có duyên may lên được đến cảnh tiên thì ở lại, đừng nghĩ đến chuyện trở về nơi trần thế đầy khổ ải mà làm gì. Cuộc đời quần sinh chốn nhân gian ngắn ngủi như là một giấc mộng khủng khiếp! ở đây thì khác hẳn. Con người sẽ là trường sinh bất tử, không biết đến buồn khổ lo âu là gì hết... Nói đoạn tiên chủ sai tiên đồng vào lấy các thứ hoa quả mời ta và mọi người cùng ăn. Ăn xong tiên chủ lại ban cho ta một cốc rượu ngọt. Ta cảm thấy nhẹ nhàng khoan khoái vô ngần. Bao nhiêu điều mà ta thường tư lự băn khoăn trước đây hầu như biến mất cả. Ta cũng không hiểu vì cớ làm sao. Một lát tiên chủ lại nói tiếp:
- Hôm nay nhân ngày hội của quần tiên, ta muốn nhân dịp này mà tác thành cho người cùng với ngọc nữ Giáng Khanh, con gái yêu của ta. Đây là một cuộc kỳ ngộ hiếm có. Ta chắc ngươi cũng không phụ lòng ta mà từ chối.
Ta cúi đầu bái tạ hậu tình của tiên chủ. Lập tức tiên chủ truyền cho mở hội. Trời đã về đêm. Đứng trên “Quần tiên hội sảnh” nhìn ra, cả một vùng đồi núi sáng rực hẳn lên. Hàng trăm nghìn chiếc đèn lồng bằng lụa mỏng kết tua ngọc đủ các màu treo khắp cả cành đào ngọn suối. Các tiên nữ xiêm nghê tha thướt từ khắp nơi trong động kéo về. Mùi hương thơm ngào ngạt... Ta nhìn mà chúang cả mắt.
Tiên chủ truyền nâng cốc mở hội chúc mừng cho duyên lành của ta và Giáng Khanh. Tiếng nhã nhạc sinh ca nổi lên. Các tiên nữ từng đoàn ra múa nhịp nhàng uyển chuyển đến trước mặt chúc mừng ta.
Một lúc sau, ta cùng Giáng Khanh đi khắp vùng xem hội. ánh sáng mát dịu rung rinh dưới những rặng cây đào dài thẳng tắp đưa chúng ta hết đồi này đến đồi nọ. Đây là nơi uống rượu đánh cờ, kia là nơi dệt lụa, đóng hài, làm đồ trang sức bằng ngọc, chỗ này dệt thảm làm hoa đăng, chỗ kia, bên bờ suối, là nơi dong thuyền hứng gió, thưởng trăng... ở đây có hàng vạn cảnh chơi thanh nhã khác nhau, có hàng vạn nghề tinh xảo khác nhau không sao ghi hết được.
ở tiên giới được ba năm, tình nghĩa giữa ta và Giáng Khanh ngày một thêm nặng. Nhưng riêng ta, ta vẫn chưa hết được nợ trần nên có những lúc bùi ngùi tưởng nhớ đến Dương gian. Giấc hương quan thỉnh thoảng vẫn đi về với ta bên gối phượng. Ta muốn trở về thăm quê cũ một phen. Ta chưa lần nào ngỏ ý đó cho Giáng Khanh, nhưng nàng đã đón biết nên thường ái ngại nói với ta:
- Chàng còn vướng nợ trần thì khó bề trọn được kiếp ở nơi tiên cảnh.
Mỗi lần nàng bảo thế, ta giả thác nói sang chuyện khác. Có một buổi chiều ta cùng Giáng Khanh đi dọc bờ sông hóng mát, cùng nhặt những hòn cuội, những vỏ sò, vỏ hến bị sóng nước đánh giạt vào bờ. Gió đưa hương ngàn từ khắp nơi về thoang thoảng... Ta cảm thấy cảnh trời nước mà nhớ đến cố hương nơi chân trời góc bể. Ta ngậm ngùi nói với Giáng Khanh, tỏ cho nàng biết ý định của ta. Giáng Khanh bỗng òa lên khóc:
- Chàng chí đã quyết thì thiếp đâu dám ngăn. Có điều chàng về, một đi là không trở lại, không sao có dịp hội ngộ cùng nhau. Tương phùng họa chỉ có được ở chốn Dương gian. Những chuyện kỳ ngộ xưa nay kể cũng nhiều nhưng mấy ai được như Lộc Ngọc chàng Tiêu(22). Kỳ ngộ thì có, nhưng chỉ để rồi Trương Thạc phải nhớ Lan Hương(23). Trịnh Giao Phủ phải bâng khuâng với Ngọc Minh Châu(24), Phong Trắc phải ngơ ngẩn vì Thượng Nguyên(25)...
Ta tỏ vẻ chưa hiểu ý, Giáng Khanh nói thêm:
- Thiếp biết rồi đây thiếp sẽ bị phạt Giáng xuống trần vì nhớ chàng mà đánh vì mất chén ngọc, và rồi thiếp sẽ vào cung hầu hạ giúp vua Trần Anh Tông giữ gìn đế nghiệp. Tương phùng họa là ở chốn Dương gian…
Ngày hôm sau, Giáng Khanh ân cần tiễn ta ra khỏi động, trao cho ta một chiếc trâm có nạm ngọc bích bổ đôi, ta và Giáng Khanh mỗi người giữ một nửa, dùng để làm của tin. Nhân đó ta đặt cho Giáng Khanh cái tên tự Hoàn Châu, ngụ ý hẹn ngày tái ngộ, giữ trọn thủy chung. Thuyền đưa ta ra khỏi động đã cập bến đón ta. Giáng Khanh bảo tiên đồng lấy giấy bút tiễn biệt ta bằng hai câu thơ:
Hoàn Châu lai nhật ưng như thử,
Do tự tích thời tại nhất châu(26).
Ta tìm đường về quê cũ, đem tên tuổi ra hỏi, không ai nhận ra. Triều đại đã đổi thay, cảnh vật thảy thảy đều đã khác xưa. Tính ra đã gần đến ba trăm năm. Ta buồn rầu, lại khăn gói lên đường đi du ngoạn khắp đã đây trong nước; dân tình vẫn khổ sở, nét mặt người nào cũng có vẻ đói rét lo âu. Ta một mình đem những phép tiên đã học được ra cứu giúp mọi người khi tật bệnh… Hơn ba năm ở trần thế, ta cũng đã kê hết tội trạng của bọn hôn quân ám chúa cũng như bọn tham quan nhũng lại để đợi ngày trùng phùng, đưa cho Giáng Khanh tâu lên Ngọc Hoàng nghị xét...”

*1*

Hai hôm sau, cũng vào buổi chiều, người ta thấy một chàng thư sinh quẩy tay nải đến bãi bể Kỳ Hoa, lần đến đền thờ Bích Châu, tay cầm trâm ngọc quỳ xuống trước đền khấn vái một hồi lâu... Sóng bể rì rào. Gió chiều gieo qua các rặng phi lao dài thẳng tắp chạy dọc theo bờ bể. Trời cao trong vắt... Một con hạc trắng từ trên không bay xuống đậu trước cửa đền rồi bỗng nhiên hóa thành một mỹ nữ xiêm nghê hồng nhạt bước vào. Và chỉ một lát sau, từ trong đền bay ra hai con hạc trắng vỗ cánh bay sóng đôi qua đại dương mênh mông sóng nước...
27-12-1963
N.T.G
Dịch, chú thích và khảo dị

CHÚ THÍCH, KHẢO DỊ
1. Sách Truyền kỳ tân phả cũng có một truyện kể về nàng Bích Châu, đề là “Hải khẩu linh từ” (đền Thiêng ở cửa bể): Bích Châu cung phi vua Trần Duệ Tông có nhan sắc, giỏi văn thơ, thông kinh sử, lại có lòng quan tâm đến việc nước nên được vua hết lòng yêu mến. Nàng đã từng dâng Lên vua bản Kê minh thập sách bày tỏ kế làm hưng vượng quốc gia. Khi vua sắp sửa đi đánh Chiêm Thành, nàng hết lời can ngăn. Vua không nghe Nàng tình nguyện xin đi theo giúp sức. Đến cửa bể Kỳ Hoa tức Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh (nay thuộc Nghệ Tĩnh) chiến thuyền gặp bão dữ dội, tình thế rất nguy cấp. Nguyên do là tên Giao thần vùng Nam Hải cho nổi sóng để lấy thế đòi vua cho hắn cung phi làm vợ, Bích Châu tự nguyện hy sinh thân mình nhảy xuống bể làm vợ Giao thần. Nhờ đó sóng yên bể lặng.
Về sau vua Lê Thánh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành, khi đến cửa bể Kỳ Hoa, Bích Châu hiện lên báo mộng cho vua biết nỗi oan khuất cơ cực của mình nơi thủy phủ. Nhờ có ngọc minh châu thần diệu của nàng, vua Thánh Tông gửi được thư tố cáo Giao thần cho Quảng Lợi Vương. Quảng Lợi Vương trừng phạt Giao thần. Nàng được đăng tiên tiêu dao nơi tiên cảnh. Xem Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm, Nxb. Giáo dục, 1962.
2. Núi Trâu + Sơn: ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc Hà Bắc).
3. Xứ Kinh Bắc: nay thuộc Hà Bắc.
4. Sách Danh tích thi tập, Truyền kỳ tân phả và thần tích xã Văn Viên huyện Hưng Nguyên (Nghệ Tĩnh) chép rằng Bích Châu là thứ phi của vua Trần Duệ Tông. Thần tích thôn Hòa Lợi huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa chép Bích Châu là cung phi Lê Anh Tông.
5.6. Nghĩa là: Hoàn Châu nay đã đổi ra Bích Châu rồi, nhưng Hoàn Châu cũng vẫn là một, y như xưa còn là một viên ngọc nguyên lành không có gì thay đổi cả. Chú ý: “Hoàn Châu” là trả lại ngọc, hay ngọc được trả về. Nhất Châu là một viên ngọc, ý Hoàn Châu muốn nói: nay tuy hầu hạ vua nhưng vẫn chung tình với người chồng cũ nơi tiên giới.
7. Hưng Long: niên hiệu vua Trần Anh Tông.
8. Thi Nại: tên một cửa bể ở Qui Nhơn, tỉnh Bình Định ngày nay.
9. Khế hợp: tương hợp, khíp sít lại với nhau.
10. Kỳ - hoa: tức Kỳ - anh bây giờ thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
11. Hoan Châu: tức Hà Tĩnh ngày nay.
12. Ghi chép tản mạn cuộc chơi lên cõi tiên.
13. Thừa tín lang: một chức quan trong triều dưới thời Lý.
14. Tỉnh Thanh Hóa, đời Lý gọi là phủ Thanh Hóa.
15. Kim Mã: tức là chốn triều đình Nguyên Hán Vũ đế cho đúc tượng ngựa quý bằng đồng ở cửa cung Vị Ương, và đặt tên của cung này là Kim mã môn. Hàng ngày các quan học sĩ chầu ở đây đợi chiếu nên về sau Kim mã dùng để chỉ triều đình.
16. Lễ vận: tên một Thiên trong Kinh Lễ nói về lễ nhạc của đế vương, về cái lẽ lưu thông âm dương của tạo hóa. Đầu thiên có một đoạn mô tả cái xã hội đại đồng xã hội lý tưởng của Nho giáo .
17. Quảng hựu: niên hiệu vua Lý Nhân Tông.
18. Chùa Báo Thiên: cũng gọi là chùa Sùng Khánh, lập từ năm 1057 đời Lý Thánh Tông, là một ngôi chùa lớn nhất kinh thành. Chùa Báo Thiên vẫn còn lại cho đến ngày thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Cuối năm 1883, Kinh lược Bắc Kỳ là Nguyễn Hữu Độ đã phá chùa lấy đất cho cố đạo Puginier xây dùng Nhà thờ lớn của đạo Thiên chúa ở Hà Nội hiện nay.
19. Tri túc: theo Phật giáo, muốn có hạnh Phúc thì phải diệt dục lạc mà khởi đầu bằng ghép “tri túc” tức là bằng lòng với cái mình đang có.
20. Các Đằng vương: tên một tòa lâu đài nguy nga do Nguyên Anh, con Đường Cao Tông dùng ở cửa sông Chương Giang, thành Nam Xương, tỉnh Giang Tây (Trung Quốc). Đằng Vương là tước phong của Nguyên Anh.
21. Mao Tường, Lệ Cơ: theo thiên Tề vật luận sách Trang Tử, là hai mỹ nhân có nhan sắc tuyệt thế.
22. Chàng Tiêu Sử giỏi thổi ống Tiêu, vua Tần Mục Công đem con gái là nàng Lộng Ngọc gả cho. Sau hai vợ chồng cùng với phượng mà bay lên cõi tiên.
23. Trương Thạc lấy được ngọc nữ Lan Hương làm vợ. Sau nàng về cõi tiên, Trương Thạc rất thương nhớ.
24. Trịnh Giao Phủ gặp tiên chơi ở bờ sông, được tiên tặng cho ngọc minh châu. Một lát sau ngọc và các nàng tiên đều biến mất.
25. Tiên nữ Thượng Nguyên ghẹo Phong Trắc ở trong hang núi.
26. Ý nói: ngọc lại tìm về, ngày sau tất phải như thế, cũng như xưa kia, lành lặn một viên ngọc vậy.
Chú ý: Cùng một câu thơ mà ý khác nhau. Xem chú thích 5, 6. ở đây Giáng Khanh tin tưởng ở cuộc tương phùng nơi tiên giới./.
1