BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU LUÂN LÝ ĐẠO ĐỨC TRONG TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ NHO GIA

Văn hóa Nho gia là văn hóa của chủ nghĩa luân lý đạo đức. ở phương diện xây dựng đạo đức, nó giữ mối liên hệ truyền thống và tích lũy rất nhiều kinh nghiệm lịch sử. Luân lý đạo đức là một phần quan trọng của văn hóa truyền thống, có tính độc lập tương đối và bản thân nó có tính kế thừa lịch sử.
Đình Tây Đằng; ảnh: Phạm Duy Trưởng
BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU LUÂN LÝ ĐẠO ĐỨC TRONG TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ NHO GIA

 
Lê Văn Quán
Văn hóa Nho gia là văn hóa của chủ nghĩa luân lý đạo đức. ở phương diện xây dựng đạo đức, nó giữ mối liên hệ truyền thống và tích lũy rất nhiều kinh nghiệm lịch sử. Luân lý đạo đức là một phần quan trọng của văn hóa truyền thống, có tính độc lập tương đối và bản thân nó có tính kế thừa lịch sử. Đặc biệt nói về một dân tộc có văn hóa lâu đời, thì bất cứ sự phát triển nào đều không thể tuyệt nhiên cắt đứt truyền thống trước kia. Nhưng trong xã hội chuyển hình của thời đại chúng ta hiện nay, văn hóa cũng không tránh khỏi sự chuyển hình. Chọn hướng giá trị qui phạm hành vi và tinh thần cảnh giới của văn hóa Nho gia qui định, hiển nhiên không phù hợp với xã hội đương đại.


Bia đá đình Tây Đằng; ảnh: Phạm Duy Trưởng

Đặc biệt là trước vấn đề toàn cầu hoá và mâu thuẫn văn hóa của chủ nghĩa tư bản, hoàn cảnh khó khăn của nhân loại, nguy cơ sinh thái, xã hội xung đột, khoa học kỹ thuật thay đổi, thông tin bùng nổ, bắt chước, noi gương và gợi ý càng làm cho người ta nghiêng ngửa. Đứng trước cách mạng khoa học kỹ thuật đương đại, văn minh công nghiệp cũng tiến nhanh đến chóng mặt. Các nước công nghiệp phương Tây cũng đã vượt qua thời kỳ thịnh vượng của mình, và sau thế giới đại chiến thứ hai, Nhật Bản một nước trong vườn văn hóa Nho gia Đông á và 4 con rồng nhỏ Châu á nhanh chóng khởi sắc về mặt kinh tế lại đưa đến cho mọi người cái ảo tưởng văn hóa Nho gia có thể giải quyết vấn đề xã hội đương đại. Đó là một truyền thống văn hóa vẫn đang sống, chúng ta cần phải tỉnh táo nhìn nhận văn hóa Nho gia quả thực có giới hạn của thời đại và bản thân nó là “tiên thiên bất túc”. Nói về xã hội chúng ta, nó đã không phải là duy nhất, cũng không phải là tối cao, mà còn càng không có sức mạnh tự giải quyết tất cả vấn đề gặp phải trước mắt. Nói về quá khứ, nó chỉ là một nhà trong chư tử Nho, Mặc, Đạo, Pháp v.v… Nói về hiện tại, nó lại càng không đại biểu đi theo hướng chủ lưu của xã hội đương đại. Chúng ta không thể nói giản đơn truyền thống văn hóa Nho gia cản trở sự phát triển kinh tế và xã hội. Chúng ta cũng không thể nói giản đơn truyền thống văn hóa Nho gia thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội. Trong truyền thống văn hóa rất nhiều thứ có thể coi là trung tính. Cuối cùng chúng sẽ có tác dụng như thế nào, còn phải xem dưới thể chế hiện hành, mọi người vận dụng cụ thể về những thứ đó. Kế thừa và vứt bỏ luân lý đạo đức, cần phải thông qua cơ chế vận hành của xã hội. Phương hướng diễn biến của chúng cũng liên hệ theo xu hướng cả xã hội phát triển. Chúng ta đều không phủ nhận trí tuệ sinh mệnh tiềm tàng sau lưng truyền thống này, nhưng trí tuệ này sớm đã bị bụi bậm phong kiến bóp nghẹt.
<p class="MsoNormal" '="" style="background-color: rgb(236, 236, 236);">Bản thân văn hóa về mặt ý nghĩa nhất định tuy có thể coi là điều trung tính, nhưng trong quá trình biến đổi đó, lại có vấn đề có thể và không có thể. Cần phải nghiên cứu truyền thống văn hóa Nho gia với quan hệ kiến tạo đạo đức đương thời, trước tiên phải nhìn đúng tính khả năng biến đổi của nội dung, đặc chất, công năng và sự cung cấp của bản thân truyền thống văn hóa đó.
Nói về mặt bản chất, học thuyết Nho gia là triết học đạo đức luân lý gốc ở tu dưỡng tâm tính, có toàn bộ đặc trưng triết học đạo đức luân lý nói chung, nhưng cơ sở khách quan sau lưng nó là kinh tế tự nhiên tự cấp tự túc, còn có xã hội tông pháp “nhà nước cùng kết cấu” tương ứng với cái đó, thuộc triết học đạo đức luân lý lịch sử cụ thể. Đó là một đạo đức luân lý “nhập thế”, tính công lợi hiện thực chính trị rất mạnh. Trong cuộc sống hiện thực, nó bên ngoài là qui phạm lễ nghĩa, bên trong là đức tính nhân ái và trật tự tiên nghiệm “luân thường” cùng cấu tạo thành một kết cấu trật tự đẳng cấp khác nhau “suy kỷ cập nhân” (suy mình đến người), có sức duy trì quan hệ “tam cương, ngũ thường”, và dựa vào quan hệ đó trong xã hội nông nghiệp. Quan hệ tổ chức tông pháp tương ứng với kết cấu sản xuất nông nghiệp tự nhiên, kinh tế tự cấp tự túc của truyền thống, khiến cho người phương Đông trong cuộc sống không nỡ bạc tình ít ơn nghĩa kiểu phương Tây. Như người Việt Nam chú trọng sự tôn kính, trọng hiếu quí hòa, phụng thờ tổ tiên, thịnh hành nguyên tắc danh phận chủ nghĩa uy quyền. Và phía sau sùng kính danh phận này lại chứa đựng nhiều màu sắc thiết thực nương tựa nhau.
Hệ thống đạo đức luân lý của truyền thống văn hóa Nho gia xây dựng, là một hệ thống “trung tâm tình cảnh và nương tựa vào nhau” khác với phương Tây “trung tâm cá nhân và tự dựa vào bản thân mình”. Nó xuất phát từ tâm tính tu dưỡng cá nhân, “thành ý, chính tâm, cách vật, trí tri”, chú trọng “tận tâm, tri tính, tri thiên” (hết lòng, biết tính, biết thời). Đạo người và nhân luân… cùng với “đạo trời”, “thiên luân” phản ánh quan hệ truyền thống tông pháp, từ đó tiến thêm một bước nói tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, suy diễn nhiều lần ý chí chính trị của mình. Bên trong nó từ “trung quân hiếu thân” (trung với vua, hiếu với cha mẹ), “quang tôn diệu tổ” (rạng rỡ tổ tiên) đã hình thành lực hướng tâm, “nội thánh ngoại vương”, “thiên tử thánh minh” đã hình thành lực hấp dẫn, và từ một người làm quan cả họ được nhờ, một người phạm tội, chu di ba họ, đã hình thành lực thân hòa, cùng chung tổ chức thành một màng lưới quan hệ rộng lớn được gọi là nhân luân. Màng lưới quan hệ rộng lớn, ở trong lấy nhân đức làm hạt nhân; ở ngoài lấy lễ, nghĩa làm qui phạm. Từ “hiếu thân” (hiếu với cha mẹ) mở rộng ra đến “trung quân” (trung với vua), từ “nhân ái” suy diễn đến “tín nghĩa”, và từ đó bắt đầu xây dựng những mối giàng buộc, chính quyền, tộc quyền, phụ quyền, phu quyền v.v…, biểu hiện trạng thái “đại nhất thống” của quyền lực hành chính chi phối xã hội, hiện ra hai hướng thẩm thấu của luân lý chính trị hóa và chính trị luân lý hóa. Tuy màng lưới quan hệ này đang thịnh hành các nguyên tắc tình nghĩa biểu hiện là “nhân tình” (tình người) và bề ngoài là: thân tình, ân tình, hương tình… nhưng thiếu tình yêu tự do cá thể; nhân nghĩa, trung nghĩa, tín nghĩa, đạo nghĩa, hiệp nghĩa, nhưng lại thiếu chính nghĩa, độc lập, bình đẳng.
Ở đây, nhà Nho bất cứ làm việc gì đều phải phân cái quan hệ nội ngoại, thân sơ, lạ quen, xa gần, trên dưới, tôn ty, cao thấp, sang hèn, trai gái, già trẻ, yêu ghét, hậu bạc, hơn nữa còn nhấn mạnh quan hệ hai cực đó không thể chia tách, hình thành hai mặt nhân cách “Âm dương tương tế” (âm dương giúp đỡ nhau). Điều này cũng tức là người xưa thường từ “trời đất trai gái” suy diễn đến đạo âm dương của vua tôi trên dưới. Trong thực tế, nó chỉ tồn tại ở trong “màng lưới quan hệ” thân tộc hoặc người quen, lấy luân lý tình người làm tiêu chuẩn xử lý hết thảy, quan hệ xã hội. Người phương Tây cận đại từ cá thể để nắm quần thể, truyền thống người phương Đông là từ quần thể để nắm cá thể. Do đó, luật đạo đức của truyền thống người phương Đông cũng là lấy sự qui định luật của nó làm cơ sở, và biểu hiện ra hai hướng thẩm thấu của luân lý chính trị hóa và chính trị luân lý hóa. Như vậy, hạt nhân học thuyết chính trị của Khổng Tử là nhân và lễ.
Nói về nhân, nhân là điều ở bất cứ xã hội nào, ở mọi con người trong các tầng lớp xã hội đều cần phải có. Nhưng muốn hiểu rõ học thuyết “nhân”, cần phải gắn liền với quan điểm “lễ” của Khổng Tử để xem xét. Theo quan điểm của ông, “nhân” là nội dung của lễ, lễ hình thức của nhân, và khôi phục lễ là mục đích, còn nhân lại là thủ đoạn của sự khôi phục lễ. Như ông đã nói: “Khắc kỷ phục lễ vi nhân (Sửa mình khôi phục lễ là nhân)” (Luận ngữ, thiên Lý nhân).
Chữ nhân ấy tất nhiên gắn với học vấn, với kỳ vọng của con người cùng nhân cách của họ. Giới nghiên cứu Nho giáo Trung Quốc và Việt Nam nói nhiều và nhấn mạnh đến “nhân”. Nhưng đối với người Việt Nam, khái niệm “tình nghĩa” gần hơn khái niệm “nhân nghĩa”. Ở truyền thống văn hóa Việt Nam “tình làng nghĩa xóm” được kết tinh một giá trị độc đáo của văn hóa dân tộc “tình nghĩa”. Trong đời sống tinh thần của dân tộc ta “tình sâu nghĩa nặng”, “trọn tình vẹn nghĩa”, đã trở thành một trong những phẩm giá nhân văn cao quý nhất.
Như vậy, giữa nhân và nghĩa không nhất thiết có quan hệ cốt yếu. Tình và nghĩa làm thành hệ thống, thường xuyên đi với nhau, có quan hệ cốt yếu với nhau. Khái niệm tình có một ý nghĩa đơn giản, xác định: đó là sự thương yêu, thông cảm với người khác, với những người đồng loại. Khái niệm “nhân” của Nho giáo không chỉ có nghĩa là thương người, nó còn có một nội hàm phong phú, đa nghĩa, và gắn bó mật thiết với “lễ”.
Nhà nghiên cứu Mỹ Neil, L. Jamieson chuyên gia về văn hóa Việt Nam cho rằng: “Một trong những phạm trù bao trùm nhất và cơ bản nhất trong văn hóa Việt Nam - đúng hơn, trong đời sống Việt Nam là cặp phạm trù vốn có lâu đời “tình và nghĩa”. Ông cũng cho rằng chữ “nhân” của Khổng giáo có phần trùng hợp với chữ “tình”, nhưng mặt nào đó giá trị hạn chế hơn”(1).
Tình nghĩa là sự kết hợp hài hòa tình cảm thương yêu (tình) với tinh thần trách nhiệm (nghĩa). Giữa “người tình” và “người tình” là quan hệ nhân tình, giữa vợ và chồng có quan hệ nhân nghĩa tức là trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ. Sự bền vững của gia đình truyền thống Việt Nam được duy trì bằng sự hài hòa tình nghĩa. Tình của người mẹ (từ mẫu) bồi đắp lòng nhân hậu ở con cái, quyền uy truyền thống của người cha (quyền uy gia trưởng) là sự đảm bảo cho việc thực hiện nghiêm túc mọi bổn phận và nghĩa vụ(2). Mỗi triết lý nhân sinh nhấn mạnh một phương diện hài hòa trong đời sống tinh thần của con người: hài hòa giữa đức tin và lý trí, hài hòa giữa lý trí và nghĩa vụ, hài hoà giữa trí tuệ và ý chí. Với truyền thống “tình nghĩa”, sự nhấn mạnh phương tiện hài hòa giữa tình cảm yêu thương là tinh thần trách nhiệm, là một nét đặc sắc của triết lý nhân sinh của người Việt.
Còn nói về lễ, xưa nay các nhà Nho mỗi khi nói đến đạo đức của con người thường gắn liền với “lễ”. Nguyên lý về “lễ”, theo Thuyết văn giải tự là “kính thần cầu phúc”, phản ánh quan hệ giữa người và thần. Nó kết hợp với chính trị thần quyền, phát triển thành sự phân chia trên dưới, giàu nghèo, thân sơ theo chế độ quí tộc đẳng cấp rất chặt chẽ.
Nội dung của “lễ” rất rộng, bao gồm tế lễ, tang lễ, ngoại giao lễ, tác chiến lễ, hôn lễ v.v… Nó duy trì qui phạm đạo đức và nghi thức lễ tiết của trật tự xã hội cũ.
Dùng lễ để thống nhất tư tưởng hành vi của mọi người, là mục tiêu chính trị của Nho gia nên Khổng Tử đã đưa ra biện pháp: “Trái lễ đừng nhìn, trái lễ đừng nghe, trái lễ đừng nói, trái lễ đừng làm”. (Luận ngữ, thiên thứ 12 Nhan Uyên). Theo Khổng Tử, tất cả những điều không phù hợp với “lễ” đã qui định thì đừng xem, đừng nhìn, đừng nghe, đừng nói, đừng làm. Qua đó ta thấy chỉ có làm theo qui định của “lễ” mới gọi là đạt được điều “nhân”.
Khổng Tử còn đề xuất “lễ trị” (cai trị bằng lễ), coi trọng giáo hóa, yêu cầu làm cho dân biết điều đó. Nhưng Khổng Tử lại nói: “Dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi (Dân có thể khiến họ đi theo con đường của chúng ta, không thể để họ biết điều đó (là vì sao)”, ( Luận ngữ, thiên thứ 8 Thái bá).
Hơn nữa, Khổng Tử nhấn mạnh đến quan hệ giữa người sai khiến với người bị sai khiến. Khổng Tử nói: “Quân tử học đạo thì yêu người, tiểu nhân học đạo thì dễ sai khiến”, ( Luận ngữ, thiên thứ 17 Dương Hóa).
Sách Tả truyện, Trang Công năm thứ 18 viết: “Danh vị khác nhau thì lễ cũng khác nhau”. ở sách Chu Dịch, chương Hệ Từ thượng nói: “Thiên tôn địa ty, kiền khôn định hĩ; ti cao dĩ trần, quí tiện vị hĩ, (Trời cao đất thấp, kiền khôn đã định; thấp cao bày ra, thì định được ngôi vị sang hèn)”.
Ở Chu Dịch, phần quẻ Ly, lời Đại tượng truyện nói: “Trời ở trên, đầm ở dưới, là cái lẽ chính của thiên hạ, người quân tử coi đó mà phân biệt kẻ trên người dưới, chấn chỉnh ý chí của người dân theo lễ”.
Như vậy, “lễ” tức là danh phận của các đẳng cấp phong kiến, trong các tầng lớp thống trị “lễ” cũng không tránh khỏi điều đó. “lễ” trở thành công cụ chính trị mạnh mẽ, là một phương pháp trị nước trị dân đắc lực của các thời đại vua quan phong kiến.
Về sau, các nhà Nho, như Mạnh Tử, Tuân Tử, Đổng Trọng Thư, Trình Di, Chu Hy…, khi nói đến đạo nghĩa đức tín tuy có thêm bớt sửa đổi đôi chút, thậm chí có những điểm khác nhau, trái ngược nhau. Chẳng hạn, Mạnh Tử và Tuân Tử quan điểm “tính thiện” và “tính ác” hoàn toàn trái ngược nhau, nhưng đạo trị nước yên dân giữa hai ông đều nhất trí chủ trương cai trị bằng lễ.
Nói đến đạo đức là người ta nghĩ ngay đến lễ, một đức của ngũ thường, bất kỳ ai đều phải biết lễ, có lễ. Tiêu chuẩn lễ của Nho giáo phong kiến là một người làm đúng theo những lời giáo huấn, những kỷ cương, những nghi thức và thực hiện những quan hệ tam cương, ngũ luân, tam tòng tứ đức của đạo Nho. Thậm chí việc thờ cúng thần linh cũng phải hợp với qui định của lễ. Đạo Nho cho rằng đạo trời, đất, quỉ, thần đều bắt nguồn từ những đạo lý cao cả thiêng liêng. Chính vì thế, “lễ” trở thành sợi dây nghiệt ngã trói buộc con người, khiến con người khúm núm khoanh tay cúi đầu, không dám phạm thượng. Đó là điều bọn vua quan phong kiến mong ước để dễ bề cai trị, thiên hạ thái bình.
Nói về phạm trù “lễ”, Bác Hồ đặc biệt không hề nhắc đến chữ “lễ” có trong ngũ thường. Nói đến đạo đức cách mạng, Bác nói: “Muốn có đạo đức cách mạng phải có 5 điều sau đây: trí - tín - nhân -dũng - liêm”, (Hồ Chí Minh toàn tập, T.4, tr.434)
Ở phần “sửa đổi lối làm việc”, khi nói đến tư cách và đạo đức cách mạng, Bác nói: “Nói tóm tắt, tính tốt ấy gồm có 5 điều: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm” (Sđd., T.4, tr.466)
Trong Hồ Chí Minh toàn tập (10 tập), nói đến đạo đức cách mạng, Bác đề cập đến: “nhân, nghĩa, trí, tín, dũng, trung; cần, kiệm, liêm, chính; chí công, vô tư”.
Duy nhất có một trường hợp, khi nói về tư cách người công an cách mạng, Bác Hồ yêu cầu người công an thực hiện 6 điều, trong đó có một điều Bác nhắc đến từ “lễ phép”: “Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép” (Sđd., T. 5, tr.75).
Ở đây, từ “lễ phép” Bác Hồ dùng mang ý nghĩa ứng xử giữa con người với con người, “Công an phải kính trọng, lễ phép nhân dân”, không phân biệt mình là cán bộ rồi lên mặt hách dịch với nhân dân. Đôi bên phải tôn trọng lẫn nhau, chính vì lẽ đó, cho nên trong dân gian ta có câu: “Kính già trọng trẻ; kính trên nhường dưới”. Và ngày nay trong nhân dân ta đang có phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”. Riêng điều này đã thấy nhân dân ta sáng suốt biết chừng nào ! Muốn con người có đạo đức hợp với đương thời là phải từ hai phía: bề trên gương mẫu, thì bề dưới sẽ quí trọng.
Ở thời Nho gia phong kiến chỉ có dưới “lễ” trên thôi, và chưa từng có trên quí trọng dưới. Vì nhà Nho rất coi thường lao động. Đấy là nhược điểm của nhà Nho. Nhà Nho không thấy được lao động sáng tạo cuộc sống loài người và cải tạo thế giới xung quanh mình. Trí thức sâu rộng, chí khí kiên cường, tình cảm trong sáng, đầu tiên đều bắt nguồn từ lao động. Bước đầu của lao động là lao động chân tay. Nhưng đạo Nho rất khinh lao động chân tay. Phàn Trì học trò Khổng Tử, xin học nghề cày cấy, học nghề làm vườn, Khổng Tử mắng Phàn Trì: “Phàn Trì là gã tiểu nhân. Người trên chuộng lễ thì dân không ai dám không tôn kính, người trên chuộng nghĩa thì dân không ai dám không phục tùng, người trên chuộng tín thì dân không ai dám không tỏ lòng thành thực. Làm được như vậy thì dân bốn phương sẽ bồng bế con cái mà đến với mình, cần gì phải học cày cấy” (Luận ngữ, thiên Tử Lộ).
Điều này càng chứng tỏ, ngày xưa nhà Nho chỉ biết dùi mài kinh sử để chờ khoa thi, thi đỗ làm quan, hưởng bổng lộc, được mọi người kính nể, không cần biết gì đến lao động chân tay, lao động sản xuất. Trong lẽ sống của con người “học không biết chán, dạy không biết mỏi” cũng như “hiếu học” là đạo lý đầu tiên để thành người. Ngày nay, Bác Hồ xác định cho người học cái mục đích “học là để làm người”, “học là để phục vụ nhân dân”. Nhưng người cán bộ muốn phục vụ nhân dân thì phải “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Học phải đi đôi với hành, quí trọng lao động chân tay, Bác Hồ lại nói: “Trước kia thì đào tạo thành các cậu tú, cô tú xem khinh lao động. Bây giờ thì phải yêu lao động, thực sự lao động… Trước kia có câu: “Vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao”. Câu ấy có nghĩa là: tất cả mọi ngành nghề đều là hạ tiện, duy có việc học là cao quý… Đó là thời phong kiến, học tốt để làm quan. Ngày nay phải vừa học vừa lao động”. (Sđd., T.8, tr.469).
Ngày nay, lời dạy ấy của Bác là bài học quí giá đối với các bạn trẻ đang ở độ tuổi học trò suy nghĩ định hướng tiến thủ của mình.
Thêm vào đó, nhược điểm nổi bật nhất của nhà Nho là coi thường phụ nữ. Phụ nữ trong xã hội nguyên thủy đã từng có địa vị cao cả, nhưng từ khi có chế độ tư hữu và sản sinh chế độ đẳng cấp thì địa vị phụ nữ trở nên thấp kém. ở Trung Quốc thời nhà Hạ, nhà Thương trong xã hội đẳng cấp, phụ nữ bị coi thường. Chế độ một vợ một chồng chỉ là trói buộc người phụ nữ, còn nam giới thực tế lại không có sự ràng buộc ấy. Người con gái lấy chồng, không sinh đẻ, chẳng những bị xã hội coi khinh mà còn là lý do để người chồng ruồng bỏ, hoặc lấy vợ hai, điều đó được coi là hành vi hợp đạo đức. Sách Kinh Dịch của nhà Nho đã phản ánh khá rõ về điều này: “Đắc thiếp, dĩ kỳ tử, vô cữu (Đỉnh, Sơ lục) - (Gặp được nàng hầu, để sinh con trai với mình, không có lỗi)”.
Thông dâm bị coi là hành vi xấu cũng chỉ đối với phụ nữ. Phụ nữ phá hoại trinh tiết phải đền bằng sinh mạng hoặc bị bán làm nô lệ. Kinh Dịch phản ánh việc này như sau:
“Hằng kỳ đức, phụ nhân cát, phụ tử hung (Hằng, Lục ngũ) - (Giữ được kiên trì, lâu dài đức nhu thuận của mình đối với đàn bà tốt, đàn ông xấu)”.
“Phu chinh bất phục, phụ dựng bất dục, hung (Tiệm, cửu tam) - (Chồng đi xa (ra trận) không về, vợ ở nhà vắng chồng mà có mang không nuôi, xấu)”.
Qua quẻ Hằng, lời hào lục ngũ chúng ta thấy, người phụ nữ trinh tiết được coi là hành vi tốt đẹp, trái lại, người con trai chung thủy (trinh tiết) lại được coi là xấu).
Tệ hại nhất là, tư tưởng “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô - (một con trai là có, mười con gái là không)”, “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại dã(4) - (Bất hiếu có ba điều, không có con trai nối dõi là tội lớn nhất)” của Nho gia phong kiến còn lưu truyền lại ở đời sau vô cùng sâu sắc. Ngày nay, ở các gia đình, gia tộc mang nặng đầu óc phong kiến, chỉ vì một mụn con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, người chồng không đạt được nguyện vọng đó thì đổ lỗi cho vợ, rồi sinh ra cảnh vợ cả, vợ hai. Điều này dẫn đến bao gia đình đau khổ, con lìa cha, vợ mất chồng.
Lại còn rất nhiều gia đình không thông cảm với nỗi đau của người phụ nữ lâm nạn khi “vượt cạn”, ví dụ:
“Cô Nguyễn thị Th… 25 tuổi ở xã Song Phượng, Đan Phượng, Hà Tây, lấy chồng lúc 22 tuổi, 23 tuổi đẻ con so, đẻ khó phải mổ, con chết, phải cắt bỏ tử cung để cứu mẹ. Mổ xong rò rỉ nước tiểu thường xuyên, chồng và gia đình xa lánh, về bệnh viện Việt Đức mổ lại đóng lỗ rò… Mổ xong, chồng và gia đình chồng đuổi đi, bắt ra khỏi nhà, về với bố mẹ đẻ, ra tòa, li dị. Một tháng sau người chồng lấy vợ khác cùng thôn”(5) v.v…
Bao nhiêu công việc vất vả, khó nhọc trong gia đình đều đổ lên đầu người phụ nữ, con hư cũng đổ tại mẹ. Nhưng thực ra, họ có muốn cho phụ nữ học nên người đâu ! Trình độ văn hóa thấp, nhiều chị em đọc sách còn phải đánh vần, làm sao có đủ kiến thức để lý giải, truyền thụ cho con những điều hay lẽ phải của đạo làm người, và những nếp sống văn minh của xã hội. Đó là hậu quả của lối suy nghĩ của các nhà Nho thuở xưa: Khổng Tử đào tạo hơn ba ngàn học trò và đã có 72 bậc hiền tài, nhưng trong số đó không có phụ nữ.
Con người không có văn hóa thì sẽ lạc hậu, lạc hậu thường đi đôi với nghèo đói. Nước ta là nước nông nghiệp, 80% dân số sống ở nông thôn chủ yếu là làm nông nghiệp. Lực lượng sản xuất chủ yếu ở nông thôn lại là phụ nữ. Nếu chúng ta không chú ý đầu tư, nâng cao trình độ học vấn của người phụ nữ ở nông thôn thì làm sao tiến kịp với thời đại công nghiệp hóa ở thế kỷ XXI. Thế kỷ XXI là thế kỷ trí tuệ, nước nào có đông đảo trí tuệ tốt, nước đó sẽ là siêu cường về kinh tế trên thế giới.
Ở xã hội ta, lễ giáo Nho gia lâu ngày đã thấm sâu vào trí não mọi người: các tư tưởng: quyền uy, đẳng cấp, gia trưởng, nam tôn nữ ty…, chính là con đẻ của lễ giáo Nho gia đã cản trở xã hội ta, cản trở bước tiến lên của chị em phụ nữ. Chưa xóa bỏ được lễ giáo Nho gia hủ bại đó, chúng ta chưa hoàn toàn giải phóng phụ nữ. “Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa” (Sđd., T.8, tr.498).
Nho giáo có mặt tích cực, nhưng cũng có mặt tiêu cực, gần đây nhiều nhà nghiên cứu thường khen Nho giáo, ít đề cập đến mặt tiêu cực. Bài viết này, chúng tôi mới chỉ là điểm sơ vài nét về mặt tiêu cực Nho giáo, và liên hệ đến tình hình thực tế ở xã hội ta, để chúng ta cùng suy ngẫm và phán xét.
L.V.Q.

CHÚ THÍCH:
1. L. Jamieson, Understanding Vietnam, University of California Press, 1993, P. 20.
2. Hoàng Ngọc Hiến. Tình nghĩa và lo thương trong văn hóa truyền thống - Báo Đầu tư xuân Mậu Dần (1998), tr.11
3. Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb. Sự thật (10 tập), 1980 - 1998.
4. Thập tam kinh chú sớ (hạ). Trung Hoa thư cục, tr. 2723.
5. Phụ nữ Thủ đô, Phụ san số 61, tr.16.