CÁCH GHI TỪ HÁN VIỆT TRONG VĂN BẢN NÔM

Thông thường, đối với loại từ Hán Việt thì trong văn bản Nôm phải ghi đúng như trong văn bản Hán, bởi lẽ đây là trường hợp vừa vay mượn văn tự vừa vay muôn ngôn ngữ. Điều này đã từng được một số nhà nghiên cứu khẳng định(1). Khi gặp những từ thuộc loại này như chữ “sơn” chữ “hà” trong một câu thơ bằng chữ Nôm: “Ba thu gánh vác sơn hà”(2) thì ta cũng viết, đọc và hiểu chúng như ở trong một câu bằng chữ Hán: “Nam quốc sơn hà nam đế cư”(3). Song thực tế lại cho thấy rằng không phải lúc nào chúng ta cũng bắt gặp một sự trùng hợp hòan toàn như thế. Về điểm này, dường như từ trước tới nay mới chỉ có những gợi ý bước đầu(4), chứ chưa ai đặt thành vấn đề để đi sâu vào. Mục đích của bài này là khảo sát một số văn bản Nôm nhằm soi sáng cho vấn đề đang còn tồn tại đó.
Hình minh họa

Nhằm mục đích đã nêu, chúng tôi khảo sát 10 tác phẩm sau đây trong kho sách của Viện Hán Nôm:
1. Ức Trai Quốc âm thi tập, ký hiệu AB.139.
2. Xuất gia sa di Quốc âm thập giới, ký hiệu AB. 366.
3. Hành Tham quan gia huấn diễn âm, ký hiệu AB.108.
4. Dụ Am văn tập, ký hiệu VHv.1525.
5. Đại Nam quốc sử diễn ca, ký hiệu AB.1.
6. Kim Vân Kiều tân truyện, ký hiệu VNb.10.
7. Nhị độ mai diễn ca, ký hiệu VNb.22.
8. Song phượng kỳ duyên, ký hiệu AB.399.
9. Ngọc Hoa cổ tích truyện, ký hiệu AB.60.
10. Quan âm chú giải tân truyện, ký hiệu AB. 46 v.v..
Qua kết quả điều tra, chúng tôi nhận thấy rằng: Đúng như các nhà nghiên cứu đã khẳng định, trường hợp ghi đúng như trong văn bản Hán là chủ đạo và chiếm tỉ lệ cao nhất, nhưng những trường hợp đi ra ngoài nguyên tắc này cũng không phải là không đáng kể, nếu muốn đi sâu vào để thấy toàn bộ thực tế của loại từ Hán Việt trong văn bản Nôm.
Từ những trường hợp ngoại lệ này, nếu căn cứ vào cấu trúc của chữ thì có thể tạm chia chúng thành các trường hợp như sau:
a. Không dùng chữ Hán cần thiết có sẵn mà lại dùng chữ khác đồng âm. Ví dụ:
1
Từ gốc Hán Việt Được ghi bằng Xuất xứ
檀 Đàn (Bạch Đàn) · Chí cao chẳng bảo ai hay Vượt qua Ngô quốc lấy cây bạch đàn.
(Ngọc hoa cổ tích truyện, tr.7)
後 Hậu (Hậu đường) Viên ngoại nghe đẹp dạ danh, Hậu đường bàn bạc tống hành nữ nhi.
(Song phượng kỳ duyên, tr.15)
1 1

Trường hợp này chiếm khoảng 0,7%.
So sánh cách ghi trong văn bản Nôm với từ gốc Việt có sẵn thì ta thấy đặc điểm nổi bật ở trường hợp này là chỉ ghi đúng mặt âm mà không ghi đúng mặt nghĩa của chúng. Chẳng hạn chữ “đàn” (1) chỉ có nghĩa là “đàn tế lễ” chứ không liên quan gì đến khái niệm “cây bạch đàn” hoặc chữ “hậu” (厚) có nghĩa là “dày” thì lại được dùng để ghi “hậu đường” (nhà sau) v.v.
b. Không dùng đúng chữ Hán cần thiết có sẵn mà lại dùng chữ khác gần âm, ví dụ:
1
Từ gốc Hán Việt Được ghi bằng Xuất xứ
堂 堂 Đường đường 當 唐 Đương đường Nói rồi truyền gọi lại nha, Đường đường như hết nỗi xa lỗ gần
· 1 Đinh ninh 丁 丁 Đinh đinh Đinh ninh một việc đồng sàng, Chuyện riêng lại phụ mấy hàng dặm sau. (Nhị độ mai diễn ca tr.5, và 82).
1 1
So sánh như ở trường hợp trên, chúng ta thấy ở đây mới chỉ ghi được gần đúng mặt âm tròn nghĩa thì cố nhiên là khác. Tuy nhiên, trong quá tình lĩnh hội ý tứ của văn bản, người đọc vẫn tìm ra cách phiên âm đúng. Chẳng hạn ở ví dụ trên mặc dù trong văn bản ghi bằng “đương đường” nhưng nếu đặt vào trong ngữ cảnh thì không có cách phiên âm nào khác ngoài “đường đường”. Chúng ta cũng có thể hiểu một cách tương tự như vậy ở một ví dụ khác: “Nghe rằng tại xứ Nam sang”. (Song phượng kỳ duyên tr.5). Trong cuốn Từ điển tiếng Việt, Nxb. KHXH, H. 1977, giải thích: “Đường đường: chững chạc và oai nghi: đường đường một đáng anh hào (K)… Đàng hoàng minh bạch, không có gì úp mở”.
Trong cuốn Nhị độ mai, Nxb. Văn học, H. 1972, các ông Lê Trí Viễn và Hoàng Ngọc Phách đã phiên đường đường là đường đường, đinh đinh là đinh ninh. Theo chúng tôi nghĩ, cách phiên âm như vậy là phù hợp với tính cách tâm tư và tình cảm của nhân vật trong truyện. Song có thể đặt câu hỏi: liệu cách ghi trong văn bản Nôm có thể hiện cách đọc ở một thời kỳ nào trước đây hay không ? “Đường đường” “đinh đinh”, có phải là tiền thân của “đường đường”, “đinh ninh” không? Xét trong các từ thư và từ điển chữ Nôm hiện có như Từ điển Việt - La tinh của Pigneau de Béhaine, Từ điển Việt Pháp của Genibrel, Đại nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của, kể cả Từ điển Việt - Bồ Đào Nha La Tinh của A.de Rhodes trước đó, chúng tôi chưa tìm thấy được chứng cứ nào đó có thể chứng minh cho vấn đề này. Có chăng phải chờ đợi ở những công trình khảo cứu về ngữ âm lịch sử sau này…
c. Đã dùng đúng chữ Hán cần thiết nhưng rồi lại tự tạo những yếu tố mới. Ví dụ:
1
Từ gốc Hán Việt Được ghi bằng Xuất xứ
禀 bẩm 1 (khẩu + bẩm) Hoặc mấy người riêng bẩm chí cao mà hay nỗ lực lập công, ắt lại chịu âm thưởng nay càng hậu. (Canh Xuân thân nghĩ diệu quận quân thứ Quốc âm hiểu văn, tr.20)(5)
呈 Trình 1 (khẩu + trình) Cùng nhau bàn mảnh trong nhà Xuân Sinh mách lẻo trình bà phu nhân. (Nhị độ mai diễn ca, tr.89)
1 1
Trường hợp này chiếm khoảng 0.25%
Đặc điểm của trường hợp này là người viết chưa thỏa mãn với những từ gốc Hán Việt sẵn có (tuy đúng cả âm lẫn nghĩa) mà còn gia thêm một bộ phận biểu nghĩa nữa. Như trường hợp chữ “bẩm” đáng lẽ ghi đúng là (1 ) thì được ghi là “khẩu + bẩm” hoặc chữ “trình” đáng lẽ ghi đúng là (呈 ) thì lại được ghi là “khẩu + trình” v.v. Chúng tôi sẽ đề cập tới ở phần sau.
Nhận xét:
Từ những cách ghi như đã nêu ở trên, chúng tôi nhận thấy: cho dù chúng tồn tại ở bất kỳ dạng nào thì người đọc chữ Nôm vẫn hiểu đúng khái niệm mà tác giả muốn nói. Mặt này được quyết định một phần bởi ý nghĩa logic của đoạn văn, đoạn thơ. Song điều đáng quan tâm ở đây là vì sao dẫn đến những cách ghi đó mà không dùng đúng những từ Hán Việt có sẵn?
Điều đầu tiên có thể gây ấn tượng đối với chúng ta là có thể do tri thức Hán học còn non kém nên trong lúc ghi nhanh có thể nhầm lẫn hoặc không nghĩ ngay ra được chữ cần thiết dúng như ý muốn, vì vậy đành phải ghi tạm bằng chữ khác(6). Khả năng này cũng có thể xảy ra, vì trong thực tế rất có thể có người viết văn bản Nôm mà trình độ Hán học không cao. Nhưng nếu cho đó là lý do duy nhất thì e rằng chưa đủ sức thuyết phục vì qua các văn bản đã đọc, văn bản nào cũng tồn tại những cách ghi không đúng như Hán Việt mà chúng chiếm một tỷ lệ nhất định ngay cả trong văn bản của những nhà học giả uyên bác như Nguyễn Trãi, Bùi Huy Bích, Nguyễn Du… nếu như được phép tin rằng những truyền bản còn lại gần với bản nguyên tác. Chẳng hạn từ “phụ bạc” (負 薄) được ghi bằng “phù bạc” (浮 薄) trong câu “Nói điều phụ bạc bất nhân”(7). Đó là những người có học và đỗ đạt cao thì không thể cho rằng ghi như thế là vì trình dộ Hán học bị hạn chế, mặc dù những trường hợp đó chiếm một tỷ lệ rất ít (khoảng 0.5%). Từ đây, chúng ta có thể nghĩ rằng mức độ viết từ Hán Việt không đúng có thể thay đổi tùy theo trình độ Hán học của tác giả nhưng nó vẫn tồn tại một cách khách quan trong văn bản. Để hiểu được vấn đề này, có lẽ phải đi tìm một hướng giải thích khác qua việc điều tra nhiều trường hợp cụ thể.
Xin trở lại các ví dụ ở trường hợp a. Về mặt số lượng thì chúng chiếm một tỉ lệ cao hơn nhiều so với hai trường hợp b và c như đã nêu. Chúng tôi thấy nổi lên một xu thế chung có tính chất quán xuyến sau đây: coi trọng mặt âm của tiếng cần ghi. Việc không dùng ngay chữ Hán tương ứng chính xác mà lại dùng chữ Hán chỉ tương ứng về âm đã xẩy ra với toàn bộ các chữ ở trường hợp a, là tác giả chỉ chú trọng ghi cho sát âm mà ít lưu tâm tới nguồn gốc của khái niệm mà mình đưa ra. Người đọc dễ nhận thấy rằng mặt từ nguyên gốc hơi bị coi nhẹ mà chỉ ghi đúng mặt âm (ở trường hợp a) hoặc gần đúng (ở trường hợp b). Điều đó nói lên một tình hình thực tế: trong chữ Nôm, mặt âm có vai trò quan trọng, nhu cầu ghi đúng âm có lúc được đặt ra trước hết, còn mặt từ nguyên - mặt ý nghĩa không phải là vấn đề đòi hỏi cấp bách. Chúng tôi cũng nhận thấy rằng: gắn liền với vấn đề coi trọng mặt âm thường là có xu thế đơn giản hóa trong cách ghi những chữ thuộc các trường hợp này. Biểu hiện rõ nhất là người viết chọn những chữ ít nét và thông dụng để ghi những chữ vốn phức tạp hơn. Nếu chúng ta đem so sánh giữa cách ghi trong văn bản Nôm với các từ gốc Hán Việt có sẵn thì phần lớn chúng có xu thế gọn, đơn giản hơn. Mặt khác chúng ta biết rằng đã nói đến chữ Nôm là nói đến địa hạt văn tự. Bao giờ cũng có sự đấu tranh giữa hai khuynh hướng: viết như thế nào cho tiện lợi đơn giản và phản ánh chính xác âm, nghĩa của từ được ghi. Lịch sử chữ Nôm đã chứng minh có sự giản hóa, tất yếu cũng ảnh hưởng tới những trường hợp cụ thể này. Phải nói rằng chữ viết bớt rườm ra thì cũng thuận tiện cho việc in khắc (nhất là thời xưa văn tự không chỉ được in trên giấy mà còn được khắc trên gỗ, đá nữa và ngay việc in trên giấy cũng phải qua một công đoạn khắc gỗ đơn giản nét, tiện cho việc khắc). Một nguyên nhân nữa rất có thể ảnh hưởng đến những cách ghi ở các trường hợp a và ba này là sự Việt hóa của những từ gốc vốn là Hán Việt. Chúng ta biết rằng trong một văn bản Nôm bên cạnh từ Hán Việt dứt khoát phải có từ thuần Việt. Thế thì đối với những trường hợp tuy gốc gác là Hán Việt nhưng trong nhận thức của người Việt đã Việt hóa nhiều, thì nên xử lý như thế nào, quy về Hán Việt thì được uyên bác về từ nguyên, quy về thuần Việt thì dễ nhận diện khi đọc. Ngay trong tiếng Việt hiện nay nếu viết “xán lạn”, “thanh tích” thì phù hợp với từ nguyên nhưng vì sao có chỗ lại viết “sáng lạn”, “thành tích”? Viết như vậy tuy không dúng với từ nguyên, nhưng “sáng” dễ hiểu hơn “xán”, “thành tích” dễ hiểu hơn “thanh tích”. Rất có thể đối với những trường hợp đã nêu trên đây người viết đã coi chúng là một yếu tố nằm trong tiếng Việt và tìm cách thể hiện chúng cho chính xác, do đó dễ quên đi mặt từ nguyên gốc gác.
Đối với những chữ có cách ghi như ở trường hợp c thì chúng tôi nhận thấy ở đây không chỉ đơn thuần là coi trọng mặt âm mà còn nhấn mạnh cách hiểu mới của người Việt, từ đây đã làm biến đổi từ nguyên. Thêm vào một yếu tố chỉ nghĩa bên cạnh chữ Hán cần thiết, là dẫn đến xu thế phức tạp hóa cách ghi. Xem xét hiện tượng này, chúng tôi thấy ở đây có sự thể hiện dụng ý của người viết: cùng một lúc có thể nhận diện chúng bằng hai hướng: một dựa vào nội dung, còn một dựa vào dấu hiện về hình thức.
Tính chất đối lập của hai xu thế đơn giản hóa và phức tạp hóa biểu hiện ở chỗ: một đằng muốn tiết kiệm về hình thức thì phải hy sinh về nghĩa. Ngược lại, một đằng được lợi về mặt nội dung thì lại phải chấp nhận một hình thức phức tạp hơn. Tuy nhiên, điều chủ yếu cần nhấn mạnh ở đây là việc đơn giản hóa hay phức tạp hóa không chỉ được tiến hành một cách đơn thuần mà xen trong đó một ý thức tích cực của người đặt chữ - ý thức lợi dụng những điển đặc thù về tự dạng của chữ Hán nhằm giúp ích cho việc nhận diện. Và cũng như các trường hợp a và b, sự Việt hóa của những từ vốn gốc gác là Hán Việt không khỏi có ảnh hưởng trực tiếp đến những cách ghi trong trường hợp này. Như ta đã biết dưới áp lực của quy luật Việt hóa, các từ gốc Hán Việt tất yếu có thay đổi ít nhiều so với nguyên dạng. Chẳng hạn do chịu tác động của quy luật chuyển âm chuyển nghĩa cùng với sự chi phối chủ quan của người sử dụng ngôn ngữ thì các từ Hán Việt có thể mất đi một vài nét nghĩa vốn có nhưng cũng rất có thể được khoác thêm những sắc thái mới. Ví dụ như khi ta nói “trình bẩm” với nghĩa là “trình lên quan trên” nhưng vì vào tiếng Việt lâu ngày “trình” đã biến thành “chiềng” (chiềng làng chiềng chạ) và “bẩm” cũng giống như “thưa” lại gần với từ “lẩm bẩm” cho nên người ta dễ dàng đạt thêm một yếu tố phụ là chữ “khẩu” vào. Có thể mức độ Việt hóa càng cao thì xu thế xa rời cách viết gốc càng mạnh, hoặc có thể nghĩ rằng đối với những từ Hán Việt Việt hóa mà viết theo Hán Việt thì xa lạ với tình cảm và thói quen của người Việt hoặc khó đọc hơn cách viết mới…
Cuối cùng, chúng tôi tạm nhận định rằng: Những trường hợp dùng chữ Hán không đúng âm hoặc không đúng nghĩa thậm chí tự tạo ra những yếu tố mới là việc làm bắt nguồn từ những lý do thực tế, trong đó coi trọng mặt âm là một chủ trương quán xuyến. Bên cạnh đo, những cách ghi đơn giản hóa, phức tạp hóa hình thành như một xu thế phụ cũng góp phần khẳng định rằng người đặt chữ đã có ý thức tìm những biện pháp hữu hiệu giúp người đọc nhận diện vừa nhanh, vừa chính xác văn bản Nôm mà họ soạn thảo.
Trên đây, là một số trường hợp cụ thể và nhận xét bước đầu về loại từ Hán Việt trong văn bản Nôm. Đó là những hiện tượng tồn tại có tính chất khách quan mà người nghiên cứu chữ Nôm cần quan tâm đúng mức thì mới có thể giải quyết tốt vấn đề âm đọc và ý nghĩa của từ khi gặp các trường hợp tương tự như chúng tôi đã trình bày.
Bảng thống kê dưới đây có thể giúp chúng ta so sánh kết quả khảo sát một nửa trong số 10 tác phẩm đã nêu ở trên(*)
1
TT Tác phẩm và tổng số từ gốc Hán Việt Trường hợp
a
Trường hợp
b
Trường hợp
c
1 Ức Trai Quốc âm thi tập (2.3000) 10 1 1
Tỷ lệ 0.48% 1 1
2 Nhị độ mai diễn ca 5 4 3
Tỷ lệ 0.69% 0.55% 0.4%
3 Ngọc Hoa cổ tích truyện (438) 3 1 1
0.68% 0.2% 1 1
4 Quan âm chú giải tân truyện (540) 4 1 2
Tỷ lệ 0.7% 0.18% 0.36%
5 Kim Vân Kiều tân truyện (3.510) 21 1 1
Tỷ lệ 0.5% 1 0.02%

NGUYỄN THỊ LÂM
NGUYỄN MINH TÂN
-------------------------
1 1
CHÚ THÍCH
(1) Đào Duy Anh, Chữ Nôm: nguồn gốc - cấu tạo - diễn biến, Nxb. KHXH, H. 1975. Lê Quán, Vài nhận xét về phụ âm tiếng Việt cổ qua cấu tạo chữ Nôm, Ngôn ngữ số 3/1972 và Nghiên cứu về chữ Nôm,Nxb. ĐH và THCN, H. 1981.
(2) Đại Nam quốc sử diễn ca, ký hiệu AB.1, Thư viện h, tr.11.
(3) Bài Nam quốc sơn hà trong Thơ văn Lý Trần, Nxb. KHXH, H. 1977, tr.321.
(4) Nguyễn Tài Cẩn - N.V Xtankevích: Điểm qua vài nét về tình hình cấu tạo chữ Nôm, Ngôn ngữ Số 2-3-1976. Nguyễn Tài Cẩn: Cấu tạo của chữ Nôm, một vài vấn đề cần phải tiếp tục giải quyết, Tạp chí Khoa học, Số 1, Đại học Tổng hợp Hà Nội.
(5) Dụ Am văn tập, Sđd.
(6) Ngoài ra còn có thể vì lý do kiêng húy, song chúng tôi nghĩ nếu có thì cũng chỉ có thể xảy ra với một vài trường hợp lẻ tẻ không ảnh hưởng gì đến hiện tượng chung ta đang xét.
(7) Hành tham quan gia huấn diễn âm. Sách đã dẫn.
(*) Bài viết này đã được Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn và ông Nguyễn Tá Nhí đóng góp cho nhiều ý kiến quý báu. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn.