CHUYỂN DỊCH ĐẠI TỪ NHÂN XƯNG HÁN CỔ

Bài viết của Lê Thị Môn
Trải gần hai nghìn năm đồng hành cùng dân tộc, tư liệu Hán - Nôm là một mảng vô cùng quan trọng
Số lượng đại từ nhân xưng Hán cổ không nhiều: dư, ngã, ngô, nhữ, tha… mà đối tượng đại từ nhân xưng tiếng Việt lại tương đối phong phú: tôi, ta tớ, mình, mày, nó, hắn… và hàng loạt các từ mượn trong nhóm danh từ như: anh, chị, ông, bà, chú, bác, cô, cậu… cho nên chuyển dịch đại từ nhân xưng cho đúng, cho hay thực không đơn giản.
Đối tượng khảo sát của chúng tôi là 105 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi và phần dịch ở Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb KHXH, 1976. Để tiện, chúng tôi đăng số bài và số trang theo bản Nguyễn Trãi toàn tập này.
Trong số 105 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, thì 13 bài có xuất hiện đại từ nhân xưng và đương nhiên đã được dịch ra tiếng Việt. Tình hình cụ thể như sau:
1
TT Trang Tên bài Đại từ Hán Đại từ Việt
1 267 Tặng hữu nhân dư nhữ ta, bạn, ngươi
2 310 Thứ Cúc Pha tặng thi ngã, quân ta, tớ, ngươi
3 316 Chu trung ngẫu thành đnư ta
4 324 Tịnh An văn tập ngã ta, tơ
5 339 Đề Từ Trọng phủ oanh ẩn đường ta
6 340 Đề Hà hiệu uý Bạch Vân tư thân dư, quân ta, ngươi
7 343 Mạn Hứng (kỳ nhất) ngã ta, tớ
8 345 Mạn Hứng (kỳ nhị) ta
9 354 Tống tăng Đạo Khiêm quy sơn ngã ta, tớ
10 376 Côn sơn ca ngô, ngã ta
11 378 Quá hải ngã ta, tớ
12 380 Tầm châu ngã ta
13 389 Đồ trung ký hữu ngã ta
1 1
Tổng kết lại:
1
1 Đại từ Hán Đại từ Việt
Ngôi thứ nhất 余 dư, 我 ngã, 吾 ngô ta tớ
Ngôi thứ hai 汝 nhữ, 君 quân 1 ngươi, bạn
1 1
Nhận xét thấy ở bản dịch:
Đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất: đại bộ phận dịch thành “ta”, một số bài dịch là “tớ”, không dùng “tôi”, cũng không mượn các danh từ để xưng hô.
Đại từ nhân xưng ngôi thứ hai: đại bộ phận dịch thành “ngươi”, một lần dịch là “bạn”.
Đại từ nhân xưng ngôi thứ ba: không xuất hiện.
Thử xét trường hợp dùng “tớ” ngươi”. Ở bài Thứ Cúc pha tặng thicó câu:
Tiễn quân dĩ tác nghi đình phụng
Quý ngã ưng đồng xuất tự văn.

Dịch là:
Khen ngươi đã xứng phượng chầu điện
Thẹn tớ còn làm mây khói hang(1).

Bài thơ này Nguyễn Trãi làm để họa lại một bài thơ bạn tặng. Nhà thơ vui vì xã hội “thái bình vua chính chuộng văn chương” và mừng “thấy gạch không lẫn với vàng”, mừng cho bạn đã là “phượng chầu điện” và man mác buồn vì bản thân “còn làm mây khói hang”. Hai ông giả “mắt đã mờ đầu đã bạc”, hai ông già nho nhã tự xưng là “tớ”, gọi bạn là “ngươi” được sao?
Ở bài Tống tăng Đạo Khiêm quy sơn tình hình cũng tương tự.
Câu:
Lão khứ cuồng ngôn hưu quái ngã 
Lâm kỳ ngã diệc thượng thừa thiền.

Dịch là:
Lẩm cẩm già rồi đừng lạ tớ 
Chia đường tớ cũng sẽ theo thiền(2).

“Tớ” là từ xưng hô suồng sã và thường là cách xưng hô của những người ít tuổi với nhau. Trong thơ văn Việt Nam, ta thấy Tú Xương cũng xưng “tớ”:
Ấm kỷ này đây “tớ” bảo mày(3).
Hoặc:
Tấp tểnh người đi tớ cũng đi.
Cũng lều cũng chông cũng đi thi(4).

Nhưng đó là “tớ” theo cách tự xưng của ông đồ trào phúng, nhạo đời, chửu đời. Còn như cho Nguyễn Trãi xưng “tớ” với một bậc cao tăng thì kể cũng là lạ.
Đến đây, tôi chợt nhớ mấy câu thơ của nhà thơ Đường Bạch cư Dị:
Thông Châu quân sơ đáo,
Uờt uất sầu như kết.
Giang châu ngã phương khứ,
Thiền thiền hành vị yết.

Dã được Tản Đà dịch là:
Châu thông bác mới tới nơi,
Mối sầu như thắt, ngậm ngùi chiếc thân.
Châu giang tôi mới đi dần,
Nẻo đi xa lắc, chưa phần đã ngơi(5).

Hai người bạn già gọi nhau là “bác” xưng “tôi” có lẽ dễ được chấp nhận hơn chăng?
Đại bộ phận các trường hợp khác, người dịch đều dùng từ “ta” để dịch đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất. Chúng ta tiếp tục khảo sát trường hợp này.
Trường hợp hai câu kết của bài Đề Từ Trọng phủ Canh ân đườngđược dịch là:
Than ôi mũ áo lầm ta mãi,
Vốn khách câu thanh với cuốc nhàn(6).

Cũng như rất nhiều trường hợp khác “ta” được tác giả dùng để xưng hô với bản thân trong độc thoại thì thật chính xác, có lẽ chẳng cần phải bàn thêm nữa.
Cần phải lưu ý trường hợp người dịch dùng “ta” để tác giả xưng hô với bạn bè. Ở đây, người dịch có dụng ý riêng gì chăng?
Lật xem phần Quốc âm thi tập(7). Chúng tôi đã thống nhất kê được: toàn bộ phần này có 9 bài (bài 24, tr.403; bài 41, tr.409; bài 45, tr.410; bài 67, tr.418; bài 139, tr.442; bài 141, tr.443; bài 154, tr.447; bài 168, tr.452; và bài 174, tr.454) xuất hiện đại từ nhân xưng ngôi thứ, thì cả 9 bài đó Nguyễn Trãi đều dùng “ta” tự xưng. Đến đây chúng tôi đặt một câu hỏi: phải chăng dụng ý của người dịch là sử dụng “ta” là từ thông dụng trong thời đại Nguyễn Trãi sống, và bản thân Nguyễn Trãi hay dùng?
Nếu lý do trên là đúng thì một vấn đề khác được nêu ra là: có phải cứ giữ cách xưng hô Việt tương ứng trong thời gian tác giả còn sống để dịch, thì mới là dịch sát và giữ được không khí của tác phẩm?
Ở đây phải xét đến đối tượng độc giả. Chúng ta dịch cho số ít độc giả biết Hán Nôm hay là cho đông đảo độc giả chỉ biết tiếng Việt hiện đại? Có lẽ không ai lại hạn chế độc giả của mình. Chúng ta đã có phần chữ Hán, phần chú thích, phần dịch nghĩa cho độc giả biết Hán Nôm thì chúng ta cũng chẳng nên phụ lòng của đông đảo độc giả chỉ biết tiếng Việt. Họ muốn dựa vào tài nghệ của người dịch để biết cha ông tổ tiên đã sống như thế nào, đã cảm xúc như thế nào, ứng xử ra làm sao.
Đến đây tôi chợt nhớ đến bài Tự quân chi xuất hỉ của Trương Cửu Linh”
Tự quân chi xuất hĩ,
Bất phục lý tàn ky.
Tự quân như nguyệt mãn,
Dạ dạ giảm thanh huy.

Tản Đà dịch là:
Từ ngày anh bước ra đi,
Cửi canh bỏ dở nghĩ gì sửa sang.
Nhớ anh như nguyệt tròn gương,
Tiêu hao ánh sáng, đêm thường lại đêm(87).

Còn bản dịch của Ngô Tất Tố là:
Từ ngày chàng bước ra đi,
Cái khung dệt cửi chưa hề nhúng tay.
Nhớ chàng như mảnh trăng đầy,
Đêm dêm vầng sáng, hao gầy đêm đêm(9).

Tản Đà dùng từ “anh”, Ngô Tất Tố dùng từ “chàng” để dịch từ “quân”. Nếu dùng từ “ngươi” thay cho các từ “chàng”, “anh” trong các câu thơ dịch trên, thử hỏi tấm lòng nhớ thương của người thiếu phụ xa chồng có được diễn tả một cách tha thiết, dí dỏm như Tản Đà, Ngô Tất Tố đã diễn tả không? Tất nhiên có nhiều cách dịch. Nhưng không thể phủ nhận cách dịch trung thành, sâu sắc mà đậm đà, uyển chuyển, đầy sáng tạo của hai ông.
Trong số lượng phong phú đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất tiếng Việt hiện đại, “ta” ngoài nghĩa tự xưng trong độc thoại đã nêu ở trên, thì còn có nghĩa là kẻ bề trên tự xưng với người dưới. Ngoài “ta”, “tớ”, thì “tôi” thông dụng. Ở ngôi thứ hai thì thường mượn trong nhóm danh từ các từ như “anh”, “em”, “ông”, “bà”, “chú”, “bác”, “cô”, “dì”, “chàng”, “nàng”… để gọi. Độc giả hiện đại sẽ đọc bản dịch với số vốn từ và vốn nghĩa rất hiện đại đó. Thiết nghĩ bản dịch phải sử dụng được chất liệu của tiếng Việt hiện đại và phù hợp với quy luật của tiếng Việt hiện đại.
Hơn thế nữa, đâu phải cách xưng hô của người xưa là hạn hẹp? Lật cuốn Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam(10), mới thấy từ xưa cha ông ta cũng đã xưng hô với nhau bằng nhiều cách:
Tình anh như nước dâng trào,
Tình em như dải lụa đào tẩm hương.

Từ nay “tôi” cạch đến già,
Tôi chẳng dám cấy ruộng bà nữa đâu.

Chàng ơi cho thiếp đi cùng,
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam.

Thậm chí còn có:
Thuyền ơi có nhớ bến chăng,
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.

Vậy thì sao chúng ta lại cứ phải tự co hẹp gò bó vào những từ ngày xưa đã dùng. Thiết nghĩ, làm như vậy không khí tác phẩm đâu chẳng rõ, tai hại là độc giả không hiểu hoặc hiểu sai lệch nguyên tác. Thế mới hay dịch thơ Hán cổ thật công phu, công phu từ những điều tưởng như lặt vặt nhất.
Việt Nam chúng ta, chào nhau, gọi nhau là đầu câu chuyện. Thiết nghĩ chào nhau gọi nhau cho đúng phép là tạo những tình cảm ban đầu tốt đẹp để giao tiếp. Gọi nhau không đúng, làm thất ý nhau thì còn lòng dạ nào mà tiếp tục câu chuyện nữa. Vậy nên khi dịch các tác phẩm Hán cổ ra tiếng Việt không thể xem nhẹ các đại từ nhân xưng.
L.T.M
CHÚ THÍCH
(1) Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb. KHXH, H. 1976, tr.310.
(2) Nguyễn Trãi toàn tập, Sđd, tr.354.
(3) Thơ văn Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Nxb. Giáo dục, H. 1973, tr.122.
(4) Thơ văn Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Sđd, tr.137.
(5) Thơ Đường., Tản Đà dịch, Nxb. Trẻ, Hội nghiên cứu giảng dạy Văn học Tp. HCM, 1989, tr.131.
(6) Nguyễn Trãi toàn tập, Sđd, tr.339.
(7) Nguyễn Trãi toàn tập, Sđd, tr.395.
(8) Thơ Đường Tản Đà dịch, Sđd, tr.31.
(9) Thơ Đường, Tập 1 Nxb. Văn học, H. 1987, tr.37.
(10) Tục ngữ Ca dao dân ca Việt Nam, Nxb. KHXH, H. 1971.