ÔNG CỬ PHẠM XUÂN HÒA VÀ NHỮNG VẦN THƠ ĐỂ LẠI

Thời đó để động viên khuyến khích con em trong xã học hành, làng Vũ Lăng có treo một giải thưởng ba mẫu ruộng công điền, dành để tặng cho người nào thi đậu Cử nhân Hán học đầu tiên của làng. Giải thưởng lớn cả về mặt tinh thần và vật chất, chứng tỏ các cụ ta xưa nay coi trọng việc học hành đến chừng nào, và cũng phải đánh giá theo thời điểm đó mới thấy thực hiện việc này khó khăn chừng nào.

Quang cảnh trường thi Nam Định khoa thi năm Nhâm Tý 1912 (ảnh minh họa)


ÔNG CỬ PHẠM XUÂN HÒA VÀ NHỮNG VẦN THƠ ĐỂ LẠI(1)

Phạm Kỳ Nam

Ông Phạm Xuân Hòa sinh ngày mồng 8 tháng 10 năm 1863 (tức ngày Tân Tỵ, tháng Quý Hợi, năm Quý Hợi) mất ngày 25 tháng 3 năm 1920 (tức ngày Tân Mùi, tháng Canh Thìn, năm Canh Thân).
Thời đó để động viên khuyến khích con em trong xã học hành, làng Vũ Lăng có treo một giải thưởng ba mẫu ruộng công điền, dành để tặng cho người nào thi đậu Cử nhân Hán học đầu tiên của làng. Giải thưởng lớn cả về mặt tinh thần và vật chất, chứng tỏ các cụ ta xưa nay coi trọng việc học hành đến chừng nào, và cũng phải đánh giá theo thời điểm đó mới thấy thực hiện việc này khó khăn chừng nào.
Sinh trưởng trong một gia đình nghèo có học, cha là Khóa sinh, bác ruột thi đỗ nhị trường, không khí học hành đó có ảnh hưởng tốt đến tuổi thơ của cậu bé Phạm Xuân Hòa. Hồi nhỏ Phạm Xuân Hòa theo học cụ khóa sinh Lê Niên - người cùng làng, đã có một thời gian cụ Niên cho cậu cùng đi Kiến An, nơi cụ dạy học. Năm cậu 13 tuổi thì cụ Khóa Niên mất, trở về làng theo học bác ruột là cụ Phạm Mạnh Địch. Năm 14 tuổi cha là cụ Phạm Trọng Khởi mất, lúc lâm chung cụ nắm tay con mà dặn rằng: “Hãy giữ lấy nghiệp học của bác mày con ạ”. Để ghi nhớ lời cha dạy, cậu đã dán lên cột nhà đôi câu đối:
Nhất quyết cao đường di hối ngữ,
Bách niên cô tử vị minh tâm

Trước lúc mất cụ Phạm Mạnh Địch dặn các học trò của mình rằng: “Cái Cử nhân khai khoa ở làng này ta không làm nổi, các con cố mà giật lấy. Nếu các con làm được thì ở dưới suối vàng ta cũng mát lòng”. Sau ông Cử Hòa là cháu ruột của cụ đỗ Cử nhân khai khoa, ông Lê Duy Thanh học trò của cụ đỗ khoa tiếp theo.
Sau khi thi đậu Khóa sinh ông xin vào văn hội làng, theo lệ phải qua một cuộc sát hạch. Trong buổi sát hạch này ông có làm một bài thơ nói lên tâm sự của mình trong đó có hai câu:
Sự nghiệp chưa vui lòng tôn giả,
Thành danh vẫn hẹn thiếu niên thân.

Bây giờ đã đến lúc phải đi học xa, cụ Khởi bà đã hết lòng vì con mà tạo điều kiện cho con mình thành đạt. Thời gian này ông xin nhập trường cụ Nguyễn Bá Trụ xã Trừng Hoài, huyện Thanh Quan, nguyên Tri huyện cáo quan về dạy học. Khi rời nhà đi học ông có bài thơ nói lên quyết tâm thành đạt của mình:
LẠN TƯƠNG NHƯ ĐỀ CẦU
Gươm đàn nửa gánh đến thành đô, 
Hẹn với cầu này đã vạch thơ.
Lớp lớp mây lành dâng trước mặt, 
Lâng lâng ý đẹp viết nên tờ.
Những mong rạng rỡ làng quê cũ, 
Há chịu lần hồi ngõ hẹp xưa.
Phấp phới cờ bay ngày trở lại, 
Cầu xưa nét chữ vẫn chưa mờ.

Khoa thi Hương năm Bính Tuất niên hiệu Đồng Khánh thứ nhất (1886), ông thi đậu nhất trường.
Chuyện kể rằng: Một ngày đầu năm đi lễ Tết nhà vợ, vì quá chén ông đã thất lễ với mọi người. Khi tỉnh rượu ông làm một bài thơ tạ lỗi với mọi người rồi mới ra về, nay còn nhớ lại bốn câu:
Mượn rượu đắm mình trong khát vọng, 
Ung dung, nghiêng ngả vẻ ngoài thôi.
Cung thiềm bẻ quế đang say mộng,
Hoài bão còn đầy, dạ chẳng vơi.

Khoa thi năm Mậu Tý niên hiệu Đồng Khánh năm thứ ba (1888), ông không đậu. Theo lời khuyên của Thầy, ông xin dự tập văn bài ở trường cụ Đặng Ngọc Toản, nguyên Giáo thụ phủ Kiến Xương, cáo quan về dạy học.
Khoa thi năm Tân Mão niên hiệu Thành Thái năm thứ ba (1891), ông đậu Cử nhân trường Hà Nam (trường Hà Nội và Nam Định hợp nhất tổ chức thi tại Nam Định, vì trước đó đã xảy ra vụ biểu tình của các thí sinh trường Hà Nội.) Khoa thi này các thí sinh Bắc Hà lấy đậu 65 người và 14 người được chuyển từ Tú tài lên, cộng 79 người, thủ khoa là Đặng Trần Vỹ người Hà Nội.
Vậy là ông đậu Cử nhân khai khoa làng Vũ Lăng năm 28 tuổi, thực hiện được di nguyện của cha, lời trăng chối của bác ruột và lời giao ước với người bạn đời là “vinh quy cùng với vu quy một ngày”.
Khoa thi Hội năm sau, năm Nhâm Thìn, bạn bè đến rủ đi học ở Quốc tử giám, nhưng cụ bà thân sinh ra ông không cho đi và bảo rằng: “Mẹ chỉ có một rổ chè, nuôi con đậu đến Cử nhân lộc hưởng thế là đủ, hãy để phúc cho con cháu”. Ông vâng lời mẹ không đi dự thi Hội nữa.
Khi cụ bà mất, ông Cử Phan Cảnh Tung (người xã Tống Văn bạn học và bạn đỗ đồng khoa với ông) có câu đối viếng:
Thăng đẩu lắm mùi ngon, giữ vạt áo lòng con đi chẳng nỡ
Văn chương đều vết bụi, trao thuốc cay lời Mẹ dạy đâu còn.

Sau khi ông đậu Cử nhân, ông Lương Tự Bình, Tổng đốc Thái Bình tiến cử ông đi làm Huấn đạo huyện Phụ Dực, nhưng ông từ chối. Tầng lớp nho sĩ thời xưa học hành với mục đích “tiến vi quan, thoái vi sư”, nhưng lúc này tiến không dễ làm quan, vì làm quan với ai và vì ai đây. Các vị thầy học của ông đã chẳng cáo quan về hưu đó sao. Còn thoái không thể làm thầy vì Hán học đang dần dần nhường chỗ cho Tây học. Những kẻ sĩ còn coi trọng danh dự cố giữ lấy tiết tháo của nhà nho đành phải lui về ẩn cư, nhưng cũng không tránh khỏi phiền lụy của cuộc sống đời thường. Ông có bài thơ tâm sự:
Đường đời bao quản lắm gieo neo, 
Chèo chống khi nay đã đủ điều.
Mặt trắng không ưa phường lại lắm, 
áo xanh còn tiếc khách chưa nhiều.
Nội đồng gai góc sớm hay biết, 
Rừng núi thơ đàn đã quảy theo.

Năm Đinh Dậu xảy ra vụ vỡ đê, Thượng hộ, Tri phủ bị cách chức, các chức dịch trong làng cũng bị giam giữ. Ông vì không tham dự đến việc thu chi nên được miễn nghị án. Nhưng có kẻ báo với sứ rằng làng ông có tổ chức Đông Kinh Nghĩa Thục, mà ông là một văn thân ắt cũng có tham gia, nên bắt giữ ông ở nhà lao Nam Định, đến 11 tháng mới tha, vì chúng không có chứng cứ.
Cùng bị giam với ông ở nhà lao Nam Định có ông Giám Thố một văn thân tham gia bạo động chống Pháp. Ông Giám được ra tù trước, ông bèn có bài thơ tiễn bạn ra tù:
Hai ta tôi bác bậc thân hào,
Mưa gió trần ai thử một tao.
Tôi gắng lãng quên trong sách vở, 
Bác đừng nhắc nhở chuyện cung đao.
Vườn con đành vậy vun dăm luống, 
Nghĩa lớn khôn mong góp chút nào.
Đất nước chưa thay đầu chửa bạc, 
Non sông thề hẹn bạn tâm giao.

Về nhà được ít lâu thì ông có Tuần phủ Nguyễn Tự Cường mời ông ra làm việc ở dinh Tuần phủ, nhưng ông từ chối. Ông Trần Thiện Khiêm Tri phủ Kiến Xương lại cử ông làm Phó Hội trưởng hội Tụ ích, một tổ chức công khai của Hội Đông Kinh Nghĩa Thục, ông có bài thơ cáo lỗi:
Đã hẹn mừng xuân dám trễ giờ,
Gối chăn đạm bạc vẫn đang chờ.
Dăm gian nhà lá ba pho sách,
Một mẹ già nua một trẻ thơ.
Nghĩa lớn khôn mong chung gánh vác, 
Tình riêng khó tránh chuyện làm ngơ.
Âu đành vâng chịu lời chênh lệch, 
Luống hẹn mày râu đứng hững hờ.

Bài thơ phản ánh tâm sự của các nhà nho đương thời trước tình hình đất nước, triều đình thì đầu hàng thỏa hiệp, các phong trào yêu nước thì chưa có tác dụng động viên sức mạnh dân tộc, trí thức thời đại thiếu niềm tin vào cách mạng, mất phương hướng.
Năm Đinh Mùi (1907) ông 47 tuổi, đang được dân cử ra làm Tiên chỉ thì viên Công sứ Thái Bình có Tri huyện Kiến Xương tháp tùng về kiểm tra xã nhà. Ông bàn với các vị chức dịch trong làng tổ chức lễ đón tiếp chu đáo nhưng giản dị. Viên Công sứ này nói được tiếng Việt và giỏi chữ Hán, trong buổi gặp dân đã hỏi ông: Ông Cử ! Trong Truyện Kiều Việt Nam có câu: “Lễ nghi bày trước, bác đồng bày sau”. Câu này có nghĩa thế nào?
Ông biết nó ám chỉ làng Vũ Lăng có hội Đông Kinh Nghĩa Thục, nên ông trả lời rằng: Câu đó ở trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, nhưng dân tôi không có ý ấy nên tôi không dám giảng. Viên Công sứ bèn bảo ông rằng:
Khen cho thực cũng nên rằng, 
Khôn ngoan rất mực, nói năng phải lời.

Sau đó ông xin từ chức Tiên chỉ. Tháng Giêng năm sau làng mở hội cờ, cho mọi người đến mượn ông bàn cờ. Ông làm một bài thơ viết vào mỗi ô cờ một chữ. Bài thơ phần nào nói lên bản lĩnh ứng xử của ông.
ĐÁNH CỜ
Tướng quân xếp đặt việc quân cơ,
Bốn mặt ung dung chính hiệp kỳ.
Tướng sĩ dốc lòng nơi chiến trận,
Ngựa xe rong ruổi chốn biên thùy.
Đôi bờ hiểm yếu chia Lưu Hạng
Sáu nước lưu hành nhẹ Diễn, Nghi.
Thắng bại trong tay trù liệu sẵn,
Sá chi câu chuyện giải trùng vi.

Một lần ông Bát Song người xã Nam Huân, nhà có vườn hoa đẹp, đang lúc hoa nở. Ông Song cho người đi mời Ông và Tri phủ Kiến Xương là ông Phạm Hoàng Lãm về thưởng hoa. Trong bữa tiệc hôm đó ông Lãm tặng chủ nhân một câu đối có ý khen là cảnh đẹp người xinh.
Đất ở đây cây dày, trúc đẹp
Người chốn này nước trắng, sen hồng

Viết xong ông Lãm đưa ông xem và mời ông làm một bài. Ông bèn viết bài Thưởng hoa để tặng chủ nhà.
THƯỞNG HOA
Rực rỡ vườn hoa, hoa điểm xuyết,
Thần hoa đua nhau khoe vẻ đẹp.
Hồng khoe bốn mùa hồng như huyết,
Trắng khoe năm tháng trắng như tuyết.
Tẩy hồng thành trắng, hồng đâu hết,
Nhuộm trắng sang hồng, trắng khó diệt.
Hồng hơn, trắng hơn, thật khó quyết.
Ông khách chơi hoa, bậc sành tuyệt, 
Hoa nào đây đáng mặt hào kiệt.

Ông là người cầu thị, không bảo thủ. Khi nhà nước mở trường Quy thức để đào tạo lớp người Hán học một số kiến thức Âu học, ông cũng cho các con tham dự, nhưng do chưa nhận thức được sự cần thiết của Tây học, nên các con ông đều không chịu theo tân học.
Những năm cuối đời ông càng ý thức được hai chữ thiên mệnh của Nho giáo, và nhận ra ý nghĩa hư vô của cuộc đời theo học thuyết của Phật, Lão. Bài thơ dưới đây ít nhiều hợp với tâm trạng của ông:
Bầu trời không, trái đất không,
Con người lơ lửng ở trong vô cùng.
Trời không
33, không cả vầng trăng,
Đông lên, tây xuống nhọc lòng vì ai.
Con không, vợ cũng không rồi,
Suối vàng nào có ai người gặp nhau.
Xe để đâu, ngựa để đâu !
Trăm năm một nấm cỏ khâu xanh rì ?
Ngọc làm gì, lụa làm gì ?
Chết đi hồ dễ mang đi theo người.
Xem ra sự thực trên đời,
Điều hay việc tốt, làm người nên chăm.

Từ năm Mậu Ngọ (1918) trở đi, bệnh cũ tái phát, tuổi đời đã 58, sức khỏe suy giảm nhiều, con cháu tỏ ý lo lắng thương xót, ông thường nói đến nhân sinh quan của Trang Chu để giải thích mà cũng để an ủi người thân:
Đời người ngẫm cũng buồn,
Như hoa nở rồi tàn.
Ngó đến thấy thương thương.
Can chi mà lệ vương.
Người đời cười tớ cạn bi thương,
Tớ cũng cười ai uổng đoạn trường.
Lệ có hồi sinh hãy nhỏ lệ,
Tớ sẵn ngàn hàng đến vạn hàng.

Chạy chữa đã nhiều mà bệnh không thuyên giảm, bài thơ Nôm tự sự và cũng là bài thơ Nôm duy nhất của ông mà con cháu trong nhà còn giữ được, coi như là lời từ biệt của ông:
Bệnh người khốn khổ lắm ai ơi,
Dằn vặt người sao mãi chẳng thôi.
Hồn muốn lên trời mây đón lại,
Phách toan về đất, nước không trôi.
Anh hùng khắc khoải vòng cương tỏa,
Tiên nữ băn khoăn đợi đứng ngồi,
Những muốn vén mây lên tuyệt đỉnh,
Ai thư một quyển viết chưa rồi.

Thân thế và sự nghiệp của một người không thể tách rời hoàn cảnh thời đại. Khước từ danh lợi chốn quan trường, lại rơi vào vòng phiền lụy ở hương thôn, ông đã phải trả giá cho việc giữ lấy khí tiết của kẻ sĩ trong thời kỳ mất nước.
Ông là người Vũ Lăng đầu tiên thi đậu Cử nhân, kết quả có tác dụng khích lệ học nghiệp ở quê hương. Lão tử có nói: “Chớ là người làm một việc tốt đầu tiên, kẻ làm đầu tiên hay gặp hoạn nạn”. Những gì đã đến với ông phải chăng đó là Lý, phải chăng đó là Đạo.
P.K.N

CHÚ THÍCH
(1) Sau khi Thái Bình tách khỏi Nam Định và Hưng Yên thành một tỉnh độc lập, thì các vị Cử nhân người Thái Bình đậu khoa Thành Thái năm Tân Mão 1891 ở trường thi Hà Nam là những Cử nhân đầu tiên của tỉnh gồm có: Phạm Duy Du - xã Cần Phán; Lê Văn Tảo - xã Thượng Tầm; Phạm Xuân Hòa - xã Vũ Lăng; Phạm Huy Giác - xã Mỹ Lộc; Phan Đắc Tuấn (tức Phan Cảnh Tung) - xã Tống Văn; Phạm Xuân Khanh - xã Nam Huân; Nguyễn Nhạ - xã Nam Huân; Trần Văn Túc - xã Hổ Đội; Vũ Tiến Cơ - xã Trực Nội. Tỷ lệ đỗ 9/79.