“Chiếc dao găm” của Nga đang “đàn áp” toàn bộ khối NATO như thế nào?

Khi nói đến chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh hiện đại, vũ khí công nghệ cao (hay vũ khí thông minh) là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại. Vì vậy, bên nào sở hữu vũ khí công nghệ cao hiện đại và tiên tiến hơn, bên đó sẽ giành phần thắng. Cánh Cò đã có cuộc trao đổi với chuyên gia quân sự Lê Ngọc Thống về năng lực phát triển vũ khí công nghệ cao của Nga trong cục diện tại chiến trường Ukraine. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:


Người Nga, sau những màn phô trương vũ khí thông minh hồi tháng 3/2018 mà các nhà quan sát thường ví von là “phim hoạt hình của Putin”, họ đã thử nghiệm khắp chiến trường Syria. Và giờ đây, họ đã không ngần ngại phô diễn nó trước mắt phương Tây.

“Thông điệp ngầm” từ Kaliningrad

Tỉnh Kaliningrad của Nga được ví như một “con dao găm kề vào trái tim châu Âu” bởi vị trí địa lý tách biệt với phần còn lại của nước Nga, tiếp giáp với các thành viên NATO Lithuania và Ba Lan và chỉ cách thủ đô London của Anh 1.793km. Không chỉ vậy, vào ngày 19/2 vừa qua, Nga đã điều hai chiến đấu cơ MiG-31K mang hai chiếc “dao găm” thực sự đến Kaliningrad: Tên lửa đạn đạo siêu thanh không-đối-đất Kh-47M2 Kinzhal (đặt theo tên một loại dao găm thời trung cổ).

Tỉnh Kaliningrad của Nga được ví như một “con dao găm kề vào trái tim châu Âu”.

Thế nhưng, NATO có đến hàng trăm căn cứ quân sự khắp châu Âu. Chỉ riêng Ba Lan và Lithuania tiếp giáp Kaliningrad cũng có ít nhất 5 căn cứ. Vậy tại sao châu Âu phải tỏ ra lo sợ trước hai quả tên lửa?

Câu trả lời nằm ở uy lực và mục tiêu thực sự mà hai chiếc “dao găm” tại Kaliningrad nhắm đến. Với tầm bắn hơn 2.000km, nếu giao tranh thực sự nổ ra, những chiếc tên lửa Kh-47M2 Kinzhal được phóng đi từ MiG-31K có thể tiêu diệt bất kỳ mục tiêu nào ở châu Âu chỉ trong vài phút.

Máy bay MiG-31K chở theo tên lửa đạn đạo siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal.

Có 3 mục tiêu quan trọng nằm trong tầm ngắm của Kaliningrad: Các tổ hợp Aegis Ashore trên mặt đất ở Radzikovo (Ba Lan), căn cứ Deveselu (Romania), và Sở chỉ huy của hệ thống đặt tại căn cứ không quân Mỹ ở Ramstein (Đức). Bởi đây là 3 cơ sở mà Mỹ đã đặt các bệ phóng tên lửa hành trình của mình.

Tổ hợp Aegis Ashore trên mặt đất ở Radzikovo.
Căn cứ Deveselu.
Căn cứ không quân Ramstein.

Và không phải do sơ ý mà Nga chỉ điều 2 chứ không phải 3 tên lửa cho 3 mục tiêu trên. Đó là “thông điệp ngầm” đầy ẩn ý: Trong 3 kẻ cho Mỹ đặt tên lửa nhắm vào Nga thì vẫn còn cửa cho 1 kẻ sống sót, không bị tiêu diệt. Và các đối thủ của Nga hãy cẩn trọng khi đưa ra lựa chọn cho mình.

Thông điệp “lạnh người”

Thông điệp thứ hai của Nga là việc “nhảy bổ” vào cuộc tập trận “Neptune Strike 2022” của Mỹ-NATO trên Địa Trung Hải hồi đầu tháng 2/2022. Cuộc tập trận bao gồm 3 nhóm tàu sân bay tác chiến, một của Mỹ, một của Pháp và một của Ý. Nội dung, ý đồ của cuộc tập trận là sử dụng không quân trên 3 tàu sân bay để chuẩn bị can thiệp vào vùng trời Ukraine khi giao tranh với Nga nổ ra.

Cuộc tập trận Neptune Strike 2022.

Ngay ngày hôm sau, Nga đã tổ chức một cuộc tập trận lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, cũng ngay tại Địa Trung Hải, dưới sự chỉ huy của đích thân Đại tướng, Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergey Shoygu và Đô đốc, Tư lệnh Hải quân Nga Nikolai Evmenov. Cuộc tập trận đã huy động đến 3 hạm đội hải quân với sự hiện diện của nhóm 6 tàu đổ bộ cỡ lớn, cùng với đó là 2 biên đội máy bay MiG-31K và “sát thủ diệt tàu sân bay” Tu-22M3.

“Sát thủ diệt tàu sân bay” Tu-22M3.

Sự hiện diện của một lực lượng hải quân và không quân hùng hậu ngay mạn sườn phía Nam vốn “hở hang” của NATO đã thể hiện rõ, Nga sẵn sàng làm điều gì với 3 nhóm tàu của Mỹ-NATO nếu họ can thiệp vào Ukraine…

Và cuối cùng, vào trước hoặc cùng lúc với lệnh phát động chiến dịch quân sự, ông Vladimir Putin, Tổng thống – Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Nga, đã ra lệnh cho “Lực lượng hạt nhân chiến lược” bước vào “tuyến bắn”. Cụ thể, các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) đã rời bến đến khu tập kết tấn công, 95% các bệ phóng tên lửa hạt nhân được đưa vào trực chiến. Theo sau đó là các máy bay ném bom chiến lược Tu-160, Tu-95, Tu-22M3. Cần lưu ý rằng các dữ liệu mục tiêu vốn đã được nạp sẵn vào các tên lửa hạt nhân của Nga, nhưng tất nhiên, chỉ có Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga biết chính xác danh tính các mục tiêu cụ thể.

Tàu ngầm hạt nhân Nga.

Cả 3 hành động của Nga có thể nói đã gửi một thông điệp “lạnh người” đến các đối thủ, rằng: “Mỹ và NATO hãy chớ dại mà can thiệp vào Ukraine”.

Lần đầu tiên trong lịch sử, nước Mỹ lùi bước

Mỹ và NATO gần như ngay lập tức hiểu rõ thông điệp của Nga và phản hồi: Phương Tây công khai tuyên bố sẽ không gửi quân đến tham chiến tại Ukraine. Và lần đầu tiên trong lịch sử, “ông chủ Mỹ” đã vội vã đình chỉ cuộc thử nghiệm tên lửa hạt nhân để giảm nhiệt căng thẳng và tránh mọi khả năng gửi tín hiệu sai đến Moskva.

Lần đâu tiên trong lịch sử, Mỹ đã vội vã đình chỉ cuộc thử nghiệm tên lửa hạt nhân để giảm nhiệt căng thẳng và tránh mọi khả năng gửi tín hiệu sai đến Moskva.

Có một thực tế ít người biết đến, đó là “bộ ba tấn công hạt nhân chiến lược” (gồm lực lượng mặt đất-tên lửa chiến lược, không quân, hải quân) của Nga giờ đây đã hiện đại và tiên tiến hơn rất nhiều, thậm chí là uy lực hơn cả hệ thống của Mỹ. Trong suốt một thời gian dài, Nga đã bí mật củng cố, phát triển và cải tiến đến 80% lực lượng hạt nhân chiến lược, trong khi Mỹ đã bỏ bê nó từ những năm 1990.

Điều nguy hiểm ở chỗ, chưa một ai có thể kiểm chứng hệ thống phòng không S-400, S-500… của Nga có thể đánh chặn tên lửa Mỹ hay không. Nhưng tất cả đều chắc chắn rằng hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia Mỹ (National Missile Defense – NMD) ngày nay chỉ có thể “khoanh tay đứng nhìn” tên lửa Avangard của Nga bay vào mục tiêu. “Huyền thoại bất khả xâm phạm” của siêu cường hạt nhân số 1 thế giới đã sụp đổ, cũng là lý do tại sao họ lại chịu lùi bước trước người Nga.

Tổ hợp phòng không S500.

Đưa NATO “ngồi đúng vị trí”…

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Mỹ và NATO chỉ biết khoanh tay đứng nhìn quân đội Ukraine (APU) một mình đối phó với Nga. Không kể đến các lệnh trừng phạt kinh tế quyết liệt nhất trong lịch sử, phương Tây đã viện trợ vũ khí và gián tiếp tham chiến bằng các lực lượng lính đánh thuê thuộc các công ty quân sự tư nhân.

Các thành viên của NATO đã công khai vận chuyển cung cấp vũ khí cho Ukraine không chỉ súng ống đạn dược mà cả máy bay, xe tăng, đại bác, hệ thống phòng không hiện đại để bắn hạ máy bay Nga. Họ tuyển dụng, huấn luyện và cấp phát vũ khí cho hàng chục ngàn lính đánh thuê để chiến đấu trên chiến trường Ukraine.

Đáp lại, Nga tuyên bố rằng tất cả các phương tiện vận chuyển vũ khí của bất kỳ ai cho Ukraine đều là “mục tiêu hợp pháp”. Và thực tế, tuy Nga chưa từng tấn công vào các đoàn xe hay tàu hỏa chở vũ khí cho Ukraine, nhưng các bãi chứa, kho tàng vũ khí thì không được “may mắn” như vậy. Điển hình như cuộc không kích căn cứ Yavorov và mới đây nhất là cuộc tấn công hủy diệt kho tàng vũ khí ngầm dưới lòng đất của Ukraine tại Ivano-Frankivsk vào ngày 18/3, cũng chính bằng tên lửa Kinzhal bắn từ MiG-31K.

Căn cứ Ivano-Frankivsk bị phá hủy ngày 18/3.

Xung quanh sự kiện, nhiều người cho rằng người Nga đã lãng phí, “giết gà bằng dao mổ trâu” và cho rằng Nga chỉ cần dùng bom dẫn đường phá boong-ke UPAB-1500V để tiêu diệt kho Ivano-Frankivsk. Tuy nhiên, lựa chọn sử dụng Kinzhal thực ra đã nói lên nhiều điều…

Thứ nhất, kho vũ khí Ivano-Frankivsk hay Object-711, là một trong 4 cơ sở lưu trữ các đầu đạn hạt nhân chiến lược, chiến thuật của Liên Xô sử dụng từ 1955. Năm 1990, chúng được chuyển đến Ukraine và đổi tên thành “Trung tâm cung cấp đạn dược và tên lửa 136” của APU. Từ năm 2018, trung tâm tiếp nhận vũ khí của NATO và tên lửa đạn đạo Tochka-U cũng được lưu giữ tại đây. Thêm vào đó, nó chỉ cách Ba Lan 100km nên được bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt.

Cận cảnh tên lửa Kinzhal.

Chính sự kiên cố của kho vũ khí Ivano-Frankivsk đã khiến Nga phải sử dụng đến hỏa lực của Kinzhal. Với tốc độ có thể lên đến gấp 10 lần vận tốc âm thanh (hơn 12.200 km/h), kể cả khi không mang chất nổ thì động năng của nó cũng gây nên sự phá hủy không thua kém vũ khí hạt nhân. Do đó, chỉ Kinzhal mới đủ sức đánh sập kết cấu hầm ngầm như tại Ivano-Frankivsk. Nó cũng nói lên rằng tên lửa của Nga có thể vươn đến bất kỳ nơi nào, kể cả sâu trong lòng đất.

Thứ ba, về ý nghĩa chính trị, Nga đã chứng minh cho Mỹ và NATO về sức mạnh và độ chính xác của kho vũ khí công nghệ cao mà họ đang sở hữu. Quan trọng nhất, NATO đã nhận ra rằng họ không có khả năng ngăn chặn một khi các loại vũ khí như Kinzhal đã được phóng đi.

Và như vậy, người Nga đã tái khẳng định thông điệp của mình: Phương Tây có thể trừng phạt, cấm vận Nga, nhưng đừng liều lĩnh nhảy vào can thiệp quân sự tại Ukraine dưới bất kỳ hình thức nào.

Ngay trong ngày đầu tiên của chiến dịch quân sự, Nga đã chiếm sân bay quân sự Gostomel.

Đến thời điểm hiện tại, ở tầm vĩ mô thì Ukraine không có một chút hy vọng nào về việc NATO sẽ trực tiếp gửi quân để chiến đấu với Nga. Sau 3 tuần giao tranh, Nga đã hoàn toàn làm chủ bầu trời và thiết lập nên một vùng cấm bay trên không phận Ukraine. Còn hải quân Ukraine cũng đã bị tê liệt khi Biển Đen giờ đây cũng bị Nga phong tỏa triệt để. Tất cả những gì còn lại cho Ukraine là đường bộ từ biên giới phía Tây với Ba Lan để vận chuyển hàng viện trợ từ Mỹ-NATO.

Hạm đội Biển Đen của Nga.

Kết cục, vũ khí công nghệ cao của Nga đã thực sự “đàn áp” không chỉ Ukraine, mà gần như toàn bộ NATO. Cùng với chiến thuật đặc biệt của Nga, APU đang ngày càng tan rã thành từng nhóm quân nhỏ lẻ, không còn sức mạnh. Đúng như Tổng thống Putin đã nói: “Càng câu giờ trong đàm phán thì yêu cầu của Nga càng cao hơn”. Trong ván cờ này, Ukraine đã ở thế không thể gỡ, càng gỡ càng thua.

Lê Ngọc Thống