CHIẾN TRANH PHÁP - NGA (1812)

Hơn nửa triệu tinh binh cùng với Napoléon tiến vào nước Nga. Nhưng với chiến thuật vườn không nhà chống của Kutuzov, quân Pháp đã thua thảm hại.
Tranh cổ minh họa quân Pháp bị bắt trong chiến dịch nước Nga 1812.
Chiến dịch bắt đầu ngày 24 tháng 6 năm 1812, khi Napoléon vượt sông Neman tiến vào đánh chiếm nước Nga. Theo Napoléon mục đích chính là để tránh các đe dọa của Nga tới Ba Lan. Ông đặt tên cuộc xâm lăng này là chiến dịch Ba Lan lần thứ hai. Người Nga tuyên bố phát động một cuộc chiến tranh Vệ quốc.
Mở đầu cuộc chiến, Quân đội Nga đã gặt hái được những chiến công ban đầu tại Mir, Romanovo, Ostrovno, Saltanovka, và Klyastitsy. Nhưng vào tháng 8 năm 1812, quân Nga mất lợi thế, phải rút lui trước sức ép của quân Pháp. Sa hoàng không hài lòng, Kutuzov được phong hàm Nguyên soái và được cử làm Tổng Chỉ huy Quân đội Nga thay Barclay De Tolly. Ngày 26-08-1812 quân Nga do Kutuzov chỉ huy có trận chiến lớn với Napoléon I tại Borodino  cách Moskva 120 km. Trận này hoàng đế Napoléon I đã chiến thắng và quân Nga phải rút chạy.

Kutuzuv trong cuộc họp nổi tiếng với quyết định bỏ Moskva cho Napoléon tiến vào.

Quân Pháp tiến đến Moskva ngày 1 tháng 9 năm 1812. Các chiến binh Pháp vui mừng trước ngưỡng cửa Moskva hùng vĩ, và Napoléon I coi thời khắc đã đến để buộc người Nga phải ra hàng, hy vọng Sa hoàng Alekxandr I đầu hàng có điều kiện.
Nhưng thay vào đó Nguyên soái Kutuzov đã thực hiện chiến lược vườn không nhà chống, quân Pháp thấy mình đang ở trong một thành phố hoang tàn đã bị quân Nga san phẳng hoàn toàn trước khi rút lui. Thiếu nơi đồn trú mùa đông, Napoléon thấy cần phải rút quân. Bắt đầu vào ngày 19/10 và kéo dài đến tháng 12, quân đội Pháp phải đối mặt với nhiều nguy hiểm lớn trên đường rút quân khỏi Nga: nạn đói, thời tiết giá lạnh và lực lượng quân đội Nga chặn đánh.

Tranh cổ miêu tả quân Pháp rút khỏi Moskva.
Quân Pháp bị thiệt hại nặng nề vì thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu phương tiện y tế, luôn luôn bị quân du kích Nga quấy phá. Đa số quân Pháp đã chết vì đói, vì lạnh, vì bệnh tật, một số lớn bị bắt làm tù binh.
Trận đánh tại Krasnyi, ngày 4 và 5 tháng 11 năm 1812, làm cho Napoléon thiệt hại thêm 2 vạn chiến binh nữa. Tiếp theo đó, Quân đội Nga kéo đến sông Berezina để truy kích quân Pháp, viên chỉ huy quân Nga là Pavel Vasilievich Chichagov đã chiếm được kho quân nhu lớn của quân Pháp tại Minsk, phá hủy những chiếc cầu bắc qua sông Berezina tại thị trấn Borisov, và kéo quân đến bờ Tây sông này để ngăn chặn quân Pháp vượt sông. Từ ngày 14 cho tới ngày 17 tháng 11 năm 1812, trong trận sông Berezina, quân Nga liên tiếp tấn công, song Napoléon vượt được sông này. Quân Pháp phải hứng chịu tổn thất khủng khiếp, khi Kutuzov dùng chiến tranh du kích.
Chiến bại thê thảm này của Napoléon, một thiên tài quân sự bất khả chiến bại đã bị lung lay, các đồng minh của Pháp trước đây, đầu tiên là Phổ và sau đó là Áo đã lần lượt phá vỡ liên minh, và chuyển sang chống lại ông. Chiến thắng lẫy lừng của cuộc Chiến tranh Vệ quốc Nga được coi là một sự kiện trọng đại dẫn đến sự giải phóng cả châu Âu thoát khỏi ách chiếm đóng của Hoàng đế Napoléon.

Tranh cổ miêu tả quân đội của Napoléon Bonaparte tháo chạy khỏi nước Nga trong bão tuyết.

***

 
Theo IB Times (Bùi Dương lược dịch): Tổng chỉ huy quân đội Nga, nguyên soái Mikhail Kutuzov, trước đó đã hạ lệnh đốt thành phố và di tản dân chúng. Không có lương thực, nước uống và nơi ở để chống chọi lại mùa đông nước Nga, Napoleon hạ lệnh rút quân. Trên đường rút lui, quân đội của Napoleon bị quân Nga chặn đường tấn công. Quân Pháp chịu thiệt hại lớn.

Nguyên soái Mikhail Illarionovich Kutuzov
Nguyên soái Mikhail Kutuzov đã hai lần bị bắn vào đầu. Một viên đạn đi qua thái dương, gần mắt phải, phá thuỳ trán của ông năm 1774. Kutuzov được đưa sang châu Âu chữa trị nhưng từ đó ông có cách cư xử và hành vi bất thường. Năm 1788, Kutuzov bị bắn vào đầu lần nữa nhưng dần bình phục, dù vẫn bị chứng đau đầu hành hạ.
 
Tuy nhiên, Kutuzov vẫn chỉ huy quân đội chiến thắng binh lính của Napoleon, khi quân Pháp xâm lược nước Nga năm 1812, và trở thành một huyền thoại của nước Nga.

Đài tưởng niệm Kutuzov tại Bunzlau.
 
Kết hợp thông tin có được từ các nguồn dữ liệu ở Pháp và Nga, một nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Mark Preul đứng đầu, cùng với tiến sĩ Sergiy Kushchayev, Evgenii Belykh và các đồng nghiệp ở viện thần kinh Barrow, Mỹ kết luận rằng quyết định đốt thành phố của Kutuzov chịu ảnh hưởng của cuộc phẫu thuật não.
 
Theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí Giải phẫu Thần kinh học, nếu bác sĩ người Pháp Jean Massot không áp dụng "kỹ thuật hiện đại một cách khó tin" để phẫu thuật cho Kutuzov, nước Nga có thể đã thua trận.

 
"Những nguyên soái khác nghĩ Kutuzov bị điên, và có thể ông điên thật. Ca phẫu thuật não cứu sống Kutuzov nhưng khiến não và một mắt của ông tổn thương nghiêm trọng. Tuy nhiên, trớ trêu thay, ông lại đưa ra được quyết định sáng suốt nhất. Nếu não không bị tổn thương, có thể ông ta đã đối đầu với Napoleon và bị đánh bại," Preul nói.
 
"Đây là câu chuyện về ảnh hưởng của y học đối với xã hội," Preul nhận xét. Thương tích của Kutuzov và cuộc phẫu thuật của Mussot vẫn còn nhiều bí ẩn do không được khám nghiệm tử thi lúc ông qua đời năm 1813. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đi đến đánh giá rằng Napoleon có thể đã không bị thua trận nếu không có Massot.

Phạm Duy Trưởng