ĐÁ, THỢ KHẮC VÀ ĐẶC TRƯNG BIA THẾ KỶ XVI

Bia thế kỷ XVI gồm phần lớn bia mang niên hiệu nhà Mạc, số khác mang niên hiệu nhà Lê. Mỗi loại có đặc trưng riêng. Vấn đề được đặt ra ở đây là cái gì đã tạo nên những đặc trưng đó và đó là những đặc trưng như thế nào? Với bài viết này, chúng tôi bước đầu lý giải vấn đề trên từ cạnh khía “kỹ thuật”: đá và thợ khắc bia.
Hình minh họa
1. Vài nét chung:
Chế độ phong kiến nhà Lê trải qua thời kỳ cực thịnh dưới triều Lê Thánh Tông (thế kỷ XV), bước sang giai đoạn suy thoái của các đời vua Lê ở những năm đầu thể kỷ XVI. Nội triều xảy ra nhiều biến loạn và xuất hiện những cuộc hỗn chiến phong kiến. Kết cục vương triều Lê bị vương triều Mạc thay thế vào năm 1527. Nhà Mạc tuy lên ngôi, nhưng quyền thống trị còn vẫn yếu trên miền đất từ Thanh Hóa trở vào. Năm 1533 nhà Lê dựng lại sự nghiệp, nắm vững vùng đất Thanh Hóa, Nghệ An. Từ đó tồn tại đồng thời hai vương triều Lê - Mạc và liên tiếp xảy ra xung đột. Năm 1592 nhà Mạc thất bại, phải rút khỏi Thăng Long. Sau đó có kéo dài thêm ít năm ở Cao Bằng, song vai trò nhà Mạc chủ yếu là ở giai đoạn thế kỷ XVI, trên các vùng đất xung quanh Thăng Long từ Ninh Bình trở ra.
Bia thế kỷ XVI hiện biết đều xuất hiện từ Thanh Hóa. Nghệ An trở ra. Trong đó bia mang niên hiệu Lê tập trung chủ yếu ở Thanh Hóa, đất phát tích và trung hưng của nhà Lê. Bia mang niên hiệu Mạc tập trung ở Kiến An, Hải Dương và các vùng phụ cận Thăng Long. Cả thẩy gồm 201 chiếc(1) . Trong đó có 17 bia thần tích mang niên hiệu Hồng Phúc nguyên niên (1572) có vấn đề về văn bản. Chúng được khắc sau thế kỷ XVIII, dựa theo thần tích do đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) và Quản giám bách thần Nguyễn Hiền sao lại năm Vĩnh Hựu 3 (1737). Số còn lại 138 bia Mạc và 43 bia Lê có niên đại đích thực nhưdc ghi trên bia. Trong số 43 bia Lê có 27 bia ở giai đoạn đầu thế kỷ trước khi có bia Mạc và 16 bia ở giai đoạn đồng thời với bia Mạc. Bia Mạc xuất hiện liên tục từ năm 1529 đến năm 1592. Tất cả được phân bố như sau(2) :
Bia Lê giai đoạn đầu thế kỷ gồm: Thanh Hóa (10 chiếc), Nghệ An (3), Kiến An (1), Hải Dương (2), Hà Đông (3), Hà Nội (2), Hưng Yên (1), Sơn Tây (2), Nam Định (3).
Bia Lê (giai đoạn đồng thời với bia Mạc) gồm: Thanh Hóa (12), Nghệ An (1), Hải Dương (1), Hà Đông (1) và Ninh Bình (1).
Bia Mạc gồm: Kiến An (21), Hải Dương (29), Hà Đông (17), Hà Nội (3), Hưng Yên (11), Sơn Tây (6), Nam Định (11), Ninh Bình (9), Thái Bình (5), Bắc Ninh (11), Bắc Giang (2), Vĩnh Yên (7), Phú Thọ (3) và Quảng Yên (3).
2. Đá và thợ khắc bia:
a ) Nguồn đá:


Bia thế kỷ XVI có một số ít khắc trên vách đá tự nhiên và sử dụng nguồn đá có sẵn ở địa phương. Số còn lại đều được tạo tác từ các nguồn đá chuyên dùng khắc bia. Trong đó chủ yếu là ở trung tâm khai thác đá An Hoạch và Kinh Chủ.
An Hoạch nằm ở phía tây nam huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa. Núi cao, thoải, Đá mịn, tiếng kêu trong, có thể dùng làm bia, làm khánh cùng các vật dụng khác.
Đời Tấn bên Trung Quốc, quan Thái Thú Dự châu họ Ninh thường sai người lấy đá ở đây đem về làm khánh…(3) .
Kính Chủ có núi Dương Nham nằm ở phía Bắc huyện Giáp Sơn nay là huyện Chí Linh tỉnh Hải Hưng, liền với núi Yên Phụ cao 160 trượng(4) . Năm Thiệu Bình 4 (1430) vua Lê theo lời tâu của Nguyễn Trãi đã sai thợ đá huyện Giáp Sơn lấy đá ở núi Kính Chủ làm khánh(5) .
Như vậy đá An Hoạch và Kính Chủ làm khánh làm bia tốt, đã được khai thác từ lâu. Đây là hai nguồn đá chính làm bia thế kỷ XVI.
b) Thợ khắc bia:
Thợ khắc bia thế kỷ XVI gồm thợ nhà nước, thợ dân gian chuyên nghiệp và thợ nghiệp dư ở địa phương.
Thợ nhà nước gồm những người làm trong cơ quan nhà nước chuyên san khắc đá của triều đình. Họ có chức vụ và nơi làm việc cụ thể. Chẳng hạn “Cẩn sự lang, ngự dụng giám san thư cục, Cục chính Phạm Bảo”, hoặc “Tiến công lang, khí giới doanh tạo sở ngọc thạch tượng, Tượng phó Hoàng Công Đào…(6) ”.
Thợ dân gian chuyên nghiệp gồm các phường thợ chuyên khắc đá trong dân gian. Trong số đó, nổi bật nhất là hai phường thợ An Hoạch và Kính Chủ. Thợ An Hoạch có truyền thống lâu đời: “Hiện nay, trong ấp còn có dòng họ Bạt Thạch”(7) . Vì lý do lịch sử, hiệp thợ này trong thế kỷ XVI chủ yếu hoạt động ở Thanh Hóa, Nghệ An và vài nơi thuộc Nam Định, Hà Đông(8) .
Thợ Kính Chủ từng nổi tiếng trong việc san khắc bia, được giao cho san khắc bia tiến sĩ ở nhà quốc học. Dân ở Kính Chủ từng được triều đình ban lệnh chỉ miễn phu phen tạp dịch để lo san khắc bia(9) . San khắc bia thế kỷ XVI, ngoài hai phường thợ trên, còn có khá nhiều phường thợ dân gian khác ở Hải Dương như thợ Hồng Lục, Gia Đức (huyện Kinh Môn), thợ Tứ Kỳ (huyện Tứ Kỳ)… Họ hoạt động khá rộng, đảm nhiệm phần lớn việc san khắc bia Mạc ở các vùng xung quanh Thăng Long.
Thợ nghiệp dư ở các địa phương cũng tham gia khắc một số bia thế kỷ XVI. Họ hành nghề không chuyên và chủ yếu khắc một số bia của làng xã họ.
Mỗi hiệp thợ khác nhau, có dụng cụ chạm khắc khác nhau, tay nghề khác nhau và quy trình san khắc cũng khác nhau. Có thể phết nước nâu lên mặt bia, chia hàng cột, kẻ vẽ, viết chữ lên rồi theo đó mà chạm. Chạm khắc xong, đánh nhẵn lại mặt bia, nước nâu mất, đường kẻ, ô cột mất, chỉ còn những hàng chữ hằn sâu trong bia(10) . Có thể viết bài văn bia trên giấy vừa với khuôn khổ bia. Dán giấy đó lên bia, rồi theo đó mà chạm. Cũng có thể trực tiếp đọc văn bản mà khắc thẳng lên bia.
Những bia được khắc theo hai quy trình đầu thường công phu hơn, đẹp và không bị lỗi. Ngược lại, ở trường hợp thứ ba, bia được khắc không cân đối, đôi khi khắc thiếu, phải khắc thêm chữ nhỏ ở bên, thậm chí khắc lầm, phải đục đi khắc lại. Trường hợp này thường là bia do thợ nghiệp dư khắc.
3. Các loại bia và đặc trưng của chúng
Như trên đã nêu, bia được làm từ các nguồn đá khác nhau, do những phường thợ với dụng cụ và quy trình chạm khắc khác nhau đã tạo nên các loại bia khác nhau và quy định đặc trưng của chúng. Kết quả đó được khái quát qua bảng sau:
1
1 Thợ khắc bia
Nguồn đá tạo bia
1 Thợ chuyên nghiệp dân gian Thợ nghiệp dư
địa phương
1. Vách đá tự nhiên
2. Đá chuyên dùng
3. Đá địa phương
x
x
x
x
x
x
Kết quả tạo bia Bia cung đình Bia dân gian
vừa cung đình
vừa dân gian
dân gian thuần túy
       
1 1
Qua bảng này, bia thế kỷ XVI hình thành 3 cụm:
- Bia vách đá do các hiệp thợ khắc.
- Bia dùng nguồn đá chuyên dùng do thợ nhà nước và thợ chuyên nghiệp dân gian khắc.
- Bia dùng đá sẵn có ở địa phương, do thợ nghiệp dư địa phương khắc.
Cụm 1:
Bia vách đá do các loại thợ khác nhau, khắc, đều được gọi là bia ma nhai(11) . Chúng có đặc điểm chung là khuôn khổ bia không bị hạn chế bởi vật liệu mà tùy thuộc vào độ dài, ngắn của bài văn bia. Phần lớn bia không có hình trang trí, không có trán bia, chân bia mà chỉ được đóng khung bằng đường viền xung quanh.
a) Bia ma nhai do thợ nhà nước khắc: Thường là những bài thơ, bài văn ngẫu hứng trước cảnh thiên nhiên, trước sự việc mà vua quan khi đi tuần thú, chinh phạt hoặc vãn cảnh đề tặng. Chẳng hạn bài “Ngự chế đề Long Quang động” của vua Lê Hiến Tông khắc năm Cảnh Thống 3 (1500) trên vách hang Mắt Rồng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa nhân lúc vua đi bái yết sơn lăng về(12) .
b) Bia ma nhai do thợ chuyên nghiệp dân gian khắc: Bia này thường gắn với di tích hang động như một số bia ở vách đá chùa thầy (Hà Sơn Bình)(13) . Bài văn bia phần lớn do các nhà sư có tiếng hoặc các bậc khoa bảng soạn. Bố cục và nội dung văn bia tương tự loại bia khắc trên đá chuyên dùng (sẽ nói ở sau), nói về danh lam, thắng tích.
c) Bia ma nhai do thợ nghiệp dư khắc: Bia này thường ghi về ranh giới ruộng đất các làng xã. Chữ khắc không đều.
Cụm 2:
Bia do thợ nhà nước và thợ chuyên nghiệp dân gian khắc trên đá chuyên dùng:
a) Bia do thợ nhà nước khắc: Chủ yếu là bia Lê ở giai đoạn đầu thế kỷ, bao gồm bia lăng mộ, bia vua quan và tầng lớp quý tộc nhà Lê, cùng bia tiến sĩ ở nhà Quốc học. Nguồn đá chính là đá Kính Chủ. Đây là bia “nhà nước” nên cách thức và nội dung văn bia đều tuân thủ theo quy chế chặt chẽ của triều đình. Bia nhìn chung rất hoành tráng, có màu xanh, đá mịn. Trán bia khá lớn, trung bình là 1,40x 0,70m, có bia cỡ 2,50x 1,60m, như bia lăng Túc Tông ở Lam Kinh. Đề tài trang trí trên bia phổ biến là đề tài rồng, phượng và hoa dây hình sin xen kẽ hoa lá đối xứng.
Thời Lê Sơ, nho giáo độc tôn. Rồng cũng được xem là hình mẫu tượng trưng của vương quyền. Do đó rồng nhất thiết được trang trí ở vị trí quan trọng nhất của tấm bia và được thể hiện rất trang nghiêm. Cùng với rồng là phượng. Nếu rồng là tượng trưng cho vua thì phượng là tượng trưng cho hoàng hậu. Và trong thẩm mỹ cổ truyền, rồng và phượng là hai đề tài được dùng như một cặp đối xứng: vua - hoàng hậu, dương - âm, mặt trước - mặt sau… Vì thế tất cả mặt trước bia lăng mộ vua quan nhà Lê đều sử dụng đề tài rồng. Nếu có đề tài phượng thì lại trang trí ở mặt bia sau. Ngược lại những bia về hoàng hậu, công chúa nhà Lê, đề tài phượng được trang trí ở mặt trước bia. Còn mặt sau nếu có thì phải sử dụng đề tài khác không phải là đề tài rồng, thường là đề tài mặt nguyệt hoa mây.
Tên bia được khắc to, theo hàng ngang dưới trán bia. Chữ khắc theo lối khải là phổ biến. Bên cạnh đó, có không ít bia được khắc lối chữ triện. Bố cục bài văn bai thường gồm hai phần: bài ký và bài minh. Bài ký khá dài, trung bình 400 - 500 chữ. Bài minh cũng lớn, chừng 30 - 40 câu. Văn bia đều do các bậc đại bút soạn. Ngôn từ được gọt giũa theo văn phong cung đình.
Hình thức và nội dung văn bia loại này được ấn định bởi công trạng của người được dựng bia, mức độ sự kiện dựng bia. Phù hợp với nó là loại đá làm bia, kích cỡ bia, người ónạ văn bia và thợ khắc bia… Chẳng thế, bia Lê Lợi phải do Nguyễn Trãi soạn, và các bia lăng mộ nhà Lê ở Lam Kinh đều bề thế hơn bia tiến sĩ ở nhà quốc học và các bia khác đương thời.
b. Bia do thợ chuyên nghiệp dân gian khắc:
Loại này gồm phần lớn là bia Mạc, còn lại là một số bia Lê ở giai đoạn đầu và cuối kỷ XVI.
- Bia nhà Mạc:
Vì lý do lịch sử, nhà Mạc không có bia lăng miếu như nhà Lê. Duy có một số bia về hoàng thân nhà Mạc nằm ở các di tích dân gian. Bia này cùng với bia tiến sĩ ở Văn miếu có thể xem là bia “nhà nước”: trang trọng hơn, quy mô hơn. Song so với cùng loại bia này thời Lê thì nó có cách thức không thật chặt chẽ theo lối cung đình, và nếu so với các loại bia khác cùng thời, thì hầu như không có sự khác biệt lớn.
Nguồn đá làm bia Mạc chủ yếu là đá chuyên dùng Kính Chủ. Mặc dù đá An Hoạch lớn, song bia Mạc không tận dụng được, bởi Thanh Hóa thuộc đất cai quản của nhà Lê. Thợ khắc bia không phải là thợ nhà nước mà hoàn toàn là thợ chuyên nghiệp dân gian. Bia Mạc thường có màu ngà, mặt bia bóng. Kích cỡ bia không lớn, trung bình 0,80x 0,50m. Bia mỏng, thấp: chiều cao so với chiều ngang không chênh lệch nhiều như bia Lê. Thậm chí có bia cơ hồ như hình vuông. Trán bia và điểm bia cũng nhỏ. Hình trang trí phổ biến được khắc chìm, nét khắc mảnh, mềm mại. Đề tài khá thống nhất song không bị gò ép cứng nhắc.
Đề tài truyền thống cung đình là rồng trên bia Mạc không chiếm ưu thế, chỉ có 41/110, chưa đạt 50%. Ngược lại đề tài mặt nguyệt hoa mây chiếm đa số: 66/110, trên 50%. Thời Mạc, rồng không có ý nghĩa tượng trưng cho vương quyền, nên không được thể hiện oai nghiêm như rồng Lê sơ. Hình rồng dân gian thời Lý, thời Trần cơ hồ bị vắng bóng ở thời Lê sơ thì lại được tái hiệnở đây. Rồng Mạc thể hiện theo ba dạng sau:
+ Dạng thân nhỏ, mình trơn, mang dáng dấp rồng truyền thống thời Lý.
+ Dạng thân mập có vẩy, đuôi dài uốn nhiều khúc là hình ảnh rồng cuối Trần. Hình rồng này khá phổ biến trên trang trí gốm Mạc, được gọi là rồng “yên ngựa”.
+ Rồng hình thú, thân ngắn, tiếp nối rồng Lê sơ. Tuy nhiên dáng thú ở đây được thể hiện cụ thể hơn, đa dạng hơn, có khi như hình cá sấu đầu rồng, có khi như đầu trâu(14) .
Trang trí trên diềm bia Mạc phổ biến là dây leo và hoa văn xoắn tựa tay mướp. Đôi chỗ xen kẽ bông hoa năm cánh hoặc hoa văn hình chữ S. Bố cục bài văn bia Mạc thường gồm ba phần: bài ký, bài minh và tên người công đức. Bài ký ngắn chừng 200 - 300 chữ, bài minh không dài, khoảng 12 - 15 câu. Văn bia hầu hết do các vị khoa bảng soạn. Chữ được khắc chìm , nét nông, mềm mại, nét móc và nét mác đôi khi vượt ra khỏi khuôn khổ ô vuông. Nội dung phản ánh trong bia Mạc chủ yếu là về chùa Phật (98/138 bia) sau đó là về Đạo giáo (8 bia) và về ruộng đất, chợ búa, cầu cống. Đặc biệt bắt đầu xuất hiện bia đình, bia bầu hậu. Số ít khác nói về đền miếu, lăng mộ, tiến sĩ…
Nếu trung tâm bia Lê ở Thanh Hóa, chủ yếu gồm bia về lăng mộ nhà Lê, thì trung tâm bia Mạc ở Kiến An, Hải Dương, phổ biến là bia về chùa Phật. Chúng được tạo bởi nguồn đá Kính Chủ do các thợ chuyên nghiệp dân gian ở Hải Dương khắc.
- Bia mang niên hiệu Lê:
Loại này chủ yếu gồm những bia nằm trong giai đoạn nhà Mạc ở Thanh Hóa và số ít ở vùng nhà mạc cai quản. Bia được tạo tác từ nguồn đá chuyên dùng An Hoạch và Kính Chủ do các thợ chuyên nghiệp dân gian khắc. Chúng cùng một phong cách với bia Mạc vừa nói ở trên: kích cỡ vừa phải, kỹ thuật khắc chìm, đề tài trang trí không chịu khuôn mẫu ngặt nghèo của triều đình.
Cụm 3:
Bia do thợ nghiệp dư địa phương khắc trên nguồn đá sẵn có nơi sở tại. Loại bia này không nhiều, chủ yếu nằm ở vùng gần núi đá như Ninh Bình, Vĩnh Yên… Bia hầu như không có hình trang trí, chữ khắc không đẹp. Bia thường màu xám, mặt bia không phẳng, mịn. Đối tượng dựng bia là dân thường và những sự việc thường ngày ở làng xã như việc gửi giỗ, mua bán ruộng đất… Văn bia do người địa phương soạn.
Từ ba cụm bia trên, có thể chia bia thế kỷ XVI thành hai loại chính: bia cung đình và bia dân gian. Bia cung đình gồm bia do thợ nhà nước khắc trên vách đá tự nhiên và các nguồn đá chuyên dùng. Cụ thể là một số bia lăng mộ, tiến sĩ, đề tặng của thời Lê sơ. Bia dân gian gồm bia do thợ chuyên nghiệp dân gian và thợ nghiệp dư khắc trên mọi nguồn đá. Trong đó có loại dân gian thuần túy, gồm bia do thợ nghiệp dư khắc trên nguồn đá sẵn có dở địa phương. Cụ thể là bia gửi giỗ, ruộng đất của làng xã. Số còn lại là bia vừa có tính dân gian, vừa có tính cung đình, bao gồm bia do thợ chuyên nghiệp dân gian khắc trên vách đá tự nhiên và nguồn đá chuyên dùng. Tính dân gian của chúng ở chỗ không chịu sự gò ép bởi khuôn mẫu ngặt nghèo. Tuy nhiên chúng đều do các bậc khoa bảng soạn, được các hiệp thợ có tay nghề cao khắc, đối tượng dựng bia đôi khi cũng là quan lại, hoàng thân của triều đình. Cho nên cũng thường sử dụng những mô típ trang trọng theo cung đình.
Tóm lại, bia thế kỷ XVI do thợ nhà nước, thợ chuyên nghiệp dân gian và thợ nghiệp dư khắc trên các vách đá tự nhiên, các nguồn đá chuyên dùng hoặc vật liệu sẵn có của địa phương. Do nguồn đá và thợ khắc bia với cách thức và quy trình san khắc khác nhau, đã hình thành nên từng loại bia, bao gồm bia cung đình và bia dân gian, trong đó bia dân gian là phổ biến. Bia dân gian thế kỷ XVI đã tiếp thu truyền thống dân gian của bia các thế kỷ trước, làm cơ sở cho bước phát triển đến tột đỉnh phong cách dân gian trên bia thế kỷ XVII sau này.
CHÚ THÍCH
(1) Thống kê này dựa chủ yếu vào kho thác bản văn khắc của Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Ngoài ra có bổ sung một số tư liệu điền dã gần đây.
(2) Đơn vị hành chính dùng theo thời gian rập bia trước năm 1945 được ghi trên bản rập.
(3) Theo Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Thanh Hóa, quyển thượng, Bộ Quốc gia Giáo dục, xb năm 1960, tr.53.
(4) Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Hải Dương, Sđd, tr.46.
(5) Đại Viết sử ký toàn thư, Tập III, Nxb. KHXH, H. 1968, tr.113.
(6) Xem thác bản bia 13483 “Hàm hoàng quang đại chi bi” và 17924 “Đại Việt Túc Tông kính lăng bi”.
(7) Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Thanh Hóa, Sđd, tr.53.
(8) Trong giai đoạn một, có 2 bia ở Hà Đông và 1 bia ở Ninh Bình do Thợ An Hoạch khắc. Trong đó có 1 bia mang niên hiệu Lê.
(9) Xem bia “Tục lệ bi” ở xã Kính Chủ, số thác bản 12005.
(10) Xem Tăng Bá Hoành: Nghề cổ truyền, Ban nghiên cứu lịch số Hải Hưng, năm 1984.
(11) Ma nhai: Nghĩa gốc là mài lên vách đá.
Xem Chu Kiếm Tâm: Kim Thạch học. Văn vật xuất bản xã, Bắc Kinh 1981, trang 180.
(12) Ký hiệu thác bản: 17346.
- Thời Trần có bia ma nhai nổi tiếng là “Ma nhai kỉ công văn” do vua Trần Minh Tông sai Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn soạn năm Khai Hựu 7 (1335) khắc trên sườn núi Trầm Hương (Nghệ An) ghi chiến công thắng giặc Bồng man (Số ký hiệu 13444).
- Bia “Thác Bờ son bi” khắc bài thơ của Lê Lợi ở sườn núi Thác Bờ, huyện Đà Bắc (Hà Sơn Bình) năm Thuận Thiên 5 (1432) trên đường chinh phạt Thị tù đèo Cát Hãn. (Số ký hiệu 1234).
(13) Bia ma nhai chùa Thày:
- “Hiển Thụy am bi”, khắc năm Cảnh Thống 3 (1500) trên vách động Thanh Hóa (số ký hiệu 1223).
- “Thủy các bổ kinh bi”, khắc năm Đại Chính 9 (1533) trên vách đá chùa Thượng (số 1224).
- “Bối am tự bi”, khắc năm Sùng Khang 7 (1572) trên vách đá chùa Bối Am (số 20146).
- “Hiển động am bi”, khắc năm Hồng Ninh 2 (1592) trên vách đá chùa Bối Am (số 1222).
(14) Xem bia “Kim Lâu tự” dựng năm Hưng Trị 2 (1589) ở xã Đông Ninh, huyện Tiên Lãng (Kiến An) (số bia 9894).
(15) Duy có một văn bia được khắc nổi toàn bộ. Đó là bia của Thái hoàng, Thái hậu nhà Mạc mua ruộng cúng vào chùa ở Hải Dương, xem “Hoạch Trạch xã bi ký” (số ký hiệu 4340).