ĐỌC SÁCH VỰC NGOẠI HÁN VĂN TIỂU THUYẾT LUẬN CỨ (NGHIÊN CỨU THẢO LUẬN VỀ TIỂU THUYẾT HÁN VĂN NGOÀI LÃNH THỔ TRUNG QUỐC)

Bài viết của Phạm Văn Thắm


Trong những năm gần đây, việc sưu tầm khảo cứu thể loại tiểu thuyết cổ viết bằng Hán văn của Triểu Tiên, Nhật Bản, Việt Nam đã được nhiều học giả trên thế giới quan tâm. Hàng loạt những bộ sưu tập về tiểu thuyết Hán văn ngoài lãnh thổ Trung Quốc đã được giới thiệu cùng bạn đọc, có thể kể đến như: Tiểu thuyết Hán văn Triều Tiên, toàn tập, 1980; Tùng thư tiểu thuyết Hán văn Việt Nam, tập 1, Học sinh thư cục Đài Loan, 1987; Tùng thư tiểu thuyết Hán văn Việt Nam sắp in v.v… Trong bài viết này chúng tôi xin giới thiệu cuốnVực ngoại tiểu thuyết Hán văn luận cứu do Hội Nghiên cứu văn học cổ điển Trung Quốc biên soạn, Học sinh thư cục Đài Loan xuất bản tháng 2 năm 1989(1).
Cuốn sách này dày 186 trang, khổ 25x 15 được chia làm 2 phần.Phần 1 từ trang 1 đến trang 170, đăng 6 bài luận văn, trong đó 5 bài đề cập đến tình hình sưu tầm, chỉnh lý, khảo cứu tiểu thuyết Hán văn của Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam và một bài đề cập tới tác phẩm Tiễu đăng tân thoại của Trung Quốc. Phần 2 từ trang 171 đến trang 186 đăng nội dung các cuộc tọa đàm về việc nghiên cứu, xuất bản các tác phẩm tiểu thuyết Hán văn ngoài lãnh thổ Trung Quốc với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này.
Trước tiên cần khẳng định rằng cuốn Vực ngoại Hán văn tiểu thuyết luận cứu đã cung cấp cho bạn đọc một cách nhìn khái quát về tình hình tiểu thuyết viết bằng chữ Hán của Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam trên nhiều phương diện như tình hình tư liệu, cách phân loại, mối quan hệ giữa tiểu thuyết Hán Văn của mỗi nước với tiểu thuyết Trung Quốc.
1. Về tình hình tiểu thuyết Hán văn của Nhật Bản, ông Vương Tam Khánh trong bài viết của mình: Nhật Bản Hán văn tiểu thuyết nghiên cứu sơ cảo (Bước đầu nghiên cứu về tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản), đã đề cập đến 3 vấn đề chính. Phần đầu ông đưa ra danh mục tên sách thuộc thể loại tiểu thuyết gồm 75 tác phẩm, trong đó, tác giả trình bày sơ bộ về tình trạng văn bản của 31 tác phẩm đã được khắc in và một văn bản sao với các yếu tố: số quyển, tác giả, năm khắc in, nơi in, con chữ in, số chữ trong mỗi dòng, số dòng trong mỗi trang và phần khảo cứu ngắn gọn của tác giả. Theo ông, tác phẩm Nhật Bản thất phúc thần truyện do Ma Kha A Lại Da soạn, khắc in năm Nguyên Lộc 11 (1698) và tác phẩm Tùng bắc dạ đàm do Tín Thái Anh soạn, khắc in năm Chiêu Hòa 2 (1927) là hai tác phẩm mang niên đại sớm nhất và muộn nhất trong thể loại tiểu thuyết Hán văn của Nhật Bản. Còn lại 43 tác phẩm thuộc các triều đại từ thời Nại Lương đến thời Minh Trị trở về sau cần phải khảo cứu thêm về tình trạng văn bản của mỗi tác phẩm. Tiếp theo, ông Vương Tam Khánh trình bày mối quan hệ giữa tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản với nền văn học Hán văn của Nhật. Ông đưa ra 3 tiêu chí: nội dung, thể văn và tư tưởng làm chuẩn mực để phân loại tiểu thuyết Hán văn Nhật Bản. Theo ông có loại tiểu thuyết truyền kỳ viết theo lối sử, truyện, loại này chiếm số lượng nhiều nhất, loại tiểu thuyết chương hồi, loại này số lượng không nhiều. Ông còn xếp những tác phẩm viết bằng Nhật văn, nhưng được dịch ra chữ Hán rồi lưu truyền sang Trung Quốc như tác phẩm Trung thần tàng (tr.22). Phần cuối bài viết, tác giả đi sâu phân tích những động cơ viết tiểu thuyết của người Nhật. Tác giả nêu 3 động cơ chính: viết tiểu thuyết để tự vui hoặc mua vui cho bạn bè, viết tiểu thuyết để giáo dục, viết tiểu thuyết làm sách giáo khoa dạy người học Hán văn (tr.24-25).
2. Về tình hình tiểu thuyết Hán văn Triều Tiên, ông Lâm Minh Đức là người đã nhiều năm lưu tâm tới việc sưu tầm, chỉnh lý mảng tư liệu này. Trong bài “Hàn quốc Hán văn tiểu thuyết chi hưng suy cập kỳ nghiên cứu” (Sự thịnh suy của tiểu thuyết Hán văn Triều Tiên và việc nghiên cứu thể loại này) Lâm Minh Đức trình bày kỹ ba vấn đề: Sự hình thành tiểu thuyết Hán văn Triều Tiên (8 trang). Theo tác giả, có 2 nguyên nhân chính tác động trực tiếp tới sự hình thành và phát triển tiểu thuyết Hán văn Triều Tiên, đó là: sự phát triển của nền văn học Triều Tiên với sự du nhập của văn tự Hán, sách vở, nghề in của Trung Quốc, cũng như người Triều Tiên đem khoa học kỹ thuật của Trung Quốc về nước bằng hai con đường sứ bộ và lưu học sinh. Tác giả dẫn ra 8 tác phẩm được đưa vào Triều Tiên từ rất sớm như Sơn hải kinh, Liệt nữ truyện, Sưu thần ký, Tam quốc diễn nghĩa, v.v… Tác phẩm Tam quốc chí du nhập vào Triều Tiên từ đời Tống, năm 1016 (tr.36-37). Vấn đề thứ hai, Lâm Minh Đức trình bày mối quan hệ mật thiết giữa tiểu thuyết Hán văn Triều Tiên với tiểu thuyết Trung Quốc; những nét độc đáo và sắc thái dân tộc của nền văn học Hán văn Triều Tiên nói chung và tiểu thuyết Hán văn của Triều Tiên nói riêng. Tiểu thuyết Hán văn Triều Tiên được chia ra làm 3 loại chính: loại tiểu thuyết bút ký dã đàm; loại tiểu thuyết truyện ngắn phổ thông; loại tiểu thuyết chương hồi. Mỗi loại đều có mối quan hệ mật thiết với cùng loại trong tiểu thuyết Trung Quốc. Loại tiểu thuyết chương hồi của Triều Tiên rất phát triển, về hình thức nghệ thuật, hoàn toàn chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc. Mở đầu mỗi hồi trong tác phẩm Ngọc lâu mộng đều dùng “thả thuyết”, “khước thuyết”, “thoại thuyết”… Hoặc câu kết của mỗi hồi trong tác phẩm “Hán Đường di sự” đều lấy câu: “vị tri như hà, thỉnh khán hạ văn phân giải hay “vị tri hạk văn như hà” và “tất cảnh như hà, hạ hồi tiện kiến” (tr.39). Vấn đề thứ ba, tác giả trình bày thực trạng văn bản tiểu thuyết Hán học của Triều Tiên bị suy giảm, trong đó phải kể đến sự hình thành và phát triển một trào lưu thực học. Như chúng ta đã biết, ở Triều Tiên vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, nền tảng xã hội, kinh tế của Triều Tiên lâm vào tình trạng sa sút. Các nhà trí thức Triều Tiên đặt vấn đề xem lại việc giáo dục học vấn và đề xuất một trào lưu mới, trào lưu học tập “thực sự cầu thị” (tr.49-50) để đưa xã hội Triều Tiên ra khỏi khó khăn. Từ đó người Triều Tiên có phần coi thường các văn bản Hán, ít quan tâm đến hiện trạng của mảng di sản văn hiến này. Phải đến những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, việc nghiên cứu Hán học và tiểu thuyết Hán văn mới được tổ chức và xem xét lại. Các Trường Đại học và các Viện Nghiên cứu bắt đầu nghiên cứu và học tập Hán văn (tr.56-57).
Năm 1980 bộ Tùng thư tiểu thuyết Hán văn Triều Tiên được xuất bản. Công việc nghiên cứu nền văn hiến Hán và tiểu thuyết Hán văn Triều Tiên bắt đầu được lưu tâm đúng mức. Khi nghiên cứu thể loại tiểu thuyết Hán văn Triều Tiên, chúng ta tiếp cận một khái niệm tiểu thuyết phiên bản. Du Quyên Hoàn đã nghiên cứu tiểu thuyết phiên bản của Triều Tiên từ tiểu thuyết Trung Quốc và cho rằng: khái niệm phiên bản cũng có nghĩa như là cải biên (tr.65); khái niệm phiên bản không mang nghĩa phiên dịch. Du Quyên Hoàn đã phân tích sự khác nhau giữa các phương thức sáng tác, phiên dịch, phiên bản, mô phỏng, tá dụng (tr.66-67) rồi đi đến kết luận tiểu thuyết phiên bản là một loại dựa trên cơ sở của phương thức mô phỏng, tá dụng từ một tiểu thuyết của nước ngoài mà viết nên tác phẩm. Đây cũng là một hiện tượng đáng quan tâm trong lĩnh vực tiểu thuyết Hán văn của ba nước Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam.
3. Về thể loại tiểu thuyết Hán văn Việt Nam: Ông Trịnh A Tài đã đi sau phân tích khía cạnh văn bản, tác giả, mối quan hệ giống và khác nhau giữa thể loại diễn nghĩa lịch sử của Việt Nam với tiểu thuyết diễn nghĩa lịch sử của Trung Quốc. Để có một cách nhìn tổng quát thể loại diễn nghĩa lịch sử trong tiểu thuyết Hán văn Việt Nam, ông Thịnh A Tài đã chia tiểu thuyết Hán văn Việt Nam ra làm bốn loại lớn:
1. Loại tiểu thuyết truyền thuyết thần thoại;
2. Loại tiểu thuyết truyền kỳ;
3. Loại tiểu thuyết diễn nghĩa lịch sử;
4. Loại tiểu thuyết bút ký (tr.97).
Trong loại diễn nghĩa lịch sử tác giả phân tích bốn tác phẩm Hoàng Việt xuân thu; Việt Nam khai quốc chí truyện; Hoàng Lê nhất thống chí; Hoàng Việt long hưng chí và rút ra kết luận: Về hình thức nghệ thuật, thể loại diễn nghĩa lịch sử Việt Nam giống với tiểu thuyết diễn nghĩa lịch sử Trung Quốc ở phần mở đầu và phần kết của mỗi hồi (tr.99-100). Sự khác biệt lớn giữa thể loại diễn nghĩa lịch sử Việt Nam với Trung Quốc ở chỗ: đội ngũ sáng tác và việc lựa chọn sự kiện lịch sử để miêu tả (tr.101-102).
Khi nghiên cứu tác phẩm cụ thể, Trần Ích Nguyên đã trình bày kết quả nghiên cứu của mình về Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ.Truyền kỳ mạn lục là một tác phẩm “thiên cổ kỳ bút” trong nền văn học cổ Việt Nam. Với nguồn tư liệu tìm được trong Thư viện Đông Dương văn khố của Nhật Bản và Thư viện Quốc gia Bắc Kinh, tác giả trình bày kỹ về văn bản Truyền kỳ mạn lục khắc in năm 1712. Theo tác giả, ông Hà Thiện Hán người Đại An viết lời tựa Truyền kỳ mạn lục vào năm Vĩnh Định(2) sơ niên (1547). Đây có khả năng là sự ghi chép sớm nhất về tác phẩm này. Cũng trong bài viết, tác giả trình bày nguồn gốc ra đời của tác phẩm dựa trên 3 cơ sở: 1. Chịu ảnh hưởng của Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu (1347-1433) (tr.119); 2. Là sự cải biên thần thoại chí quái của Việt Nam (tr.126); 3. Là sự ghi chép có chọn lọc những truyền thuyết địa phương trong dân gian (tr.131-134). Tác phẩm Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ từ khi ra đời đã có ảnh hưởng rất lớn tới thể loại tiểu thuyết Hán văn của Việt Nam. Nhiều người dựa theo bút phát của Truyền kỳ mạn lục để viết ra những tác phẩm có giá trị như Truyền kỳ tân phả; Tân truyền kỳ lục; Lan trì kiến văn lục v.v…
Phần cuối cuốn sách đăng bài bàn về ảnh hưởng của Tiễn đăng tân thoại trong nền văn học Hán văn của Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Tác giả Đinh Khuê Phúc cho biết sau khi Tiễn đăng tân thoạira đời, nó không những có ảnh hưởng trong nước mà còn ảnh hưởng tới các nước trong khu vực có cộng đồng người sử dụng văn tự Hán.Tiễn đăng tân thoại du nhập vào Triều Tiên, người Triều Tiên mô phỏng bút pháp, thêm vào những nét phong tục của Triều Tiên mà cải biên thành Kim ngao tân thoại. Sau đó Tiễn đăng tân thoại cùng với Kim ngao tân thoại du nhập vào Nhật Bản để rồi sản sinh ra các tác phẩm Ca tỳ tử và Vũ nguyệt vật ngữ. Ở Việt Nam tác phẩmTruyền kỳ mạn lục có chịu ảnh hưởng của Tiễn đăng tân thoại.
Đọc xong cuốn sách Vực ngoại Hán văn tiểu thuyết luận cứu chúng ta biết được tiến trình công việc, cũng như những kết luận bước đầu về công việc sưu tầm, chỉnh lý và khảo cứu tiểu thuyết Hán văn của ba nước Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Tuy nhiên chúng tôi cũng xin nêu một vài suy nghĩ của mình với hy vọng để bạn đọc tham khảo.
1. Ông Vương Tam Khánh và Trịnh A Tài trong phần mở đầu bài viết của mình, đã dẫn ra một danh mục các tác phẩm thuộc thể loại tiểu thuyết viết bằng chữ Hán của hai nước (Nhật Bản và Việt Nam). Người đọc cảm thấy băn khoăn không hiểu các tác giả đã dựa trên tiêu chí nào để xác lập danh mục này. Trong bài Việt Nam Hán văn tiểu thuyết trung đích lịch sử diễn nghĩa, ông Trịnh A Tài đã dẫn ra một số tác phẩm thuộc thể loại tiểu thuyết Hán văn Việt Nam như:Tam vị đại vương sự tích; Tản viên sơn ngọc phả v.v… Nếu xếp như ông Trịnh A Tài thì số lượng tiểu thuyết Hán văn Việt Nam không chỉ dừng lại ở con số 64 tác phẩm, mà số lượng tác phẩm còn hơn nhiều.
2. Trong lịch sử phát triển của các nền văn học vùng Viễn Đông (Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam) chúng ta thấy có nét giống nhau về con đường phát triển của nền văn học thành văn cũng như sự hình thành của các thể loại văn học, đó là sự tiếp nhận truyền thống văn hóa Trung Quốc. Tuy nhiên sự hình thành của thể loại tiểu thuyết Hán văn trong các nền văn học thuộc vùng văn hóa Viễn Đông diễn ra ở trong mỗi nước trong giới hạn của nền văn hóa dân tộc. Việc nghiên cứu thể loại này lâu nay các nhà nghiên cứu thường vận dụng phương pháp lịch sử. Đã đến lúc cần phải sử dụng phương pháp so sánh để tìm hiểu mối quan hệ của thể loại tiểu thuyết Hán văn các nước ngoài lãnh thổ Trung Quốc cũng như với tiểu thuyết Trung Quốc. Bởi vậy cần tiến hành biên soạn một số sách công cụ như: niên biểu, danh nhân, địa danh, quan chức, v.v… của bốn nước trong vùng để phục vụ cho việc nghiên cứu, khảo dị, chú thích thể loại văn học này.
3. Các tác phẩm viết bằng Hán văn vốn không chấm câu. Ở Việt Nam việc chấm câu là do người đời sau thực hiện. Trong công tác chỉnh lý văn bản, các học giả đã chuyển lối chấm câu cổ xưa sang lối chấm câu hiện đại. Theo chúng tôi, cần giữ nguyên cách thức chấm câu của người mỗi nước nếu không, chúng ta sẽ nhận thấy có sự chênh nhau về mặt cảm thụ văn học giữa người nước ngoài đọc các tác phẩm viết bằng Hán văn của mỗi nước với người chính nước đó đọc các tác phẩm viết bằng Hán văn của họ(3).
4. Trong một thời gian dài hàng chục thế kỷ, người Việt Nam đã dùng văn tự Hán làm công cụ biểu đạt tâm tư tình cảm của mình và hình thành nên nền văn học viết bằng chữ Hán. Những truyền thuyết dân gian, sự tích anh hùng dân tộc, sự tích các danh nhân lịch sử được ghi chép lại, nhưng câu chuyện thường được pha trộn những yếu tố hoang đường, kỳ quái, chịu ảnh hưởng truyền kỳ đời Đường. Những sự kiện lịch sử thường được diễn nghĩa dưới dạng văn học v.v… Ở Nhật Bản và Triều Tiên cũng có hiện tượng tương tự như vậy. Khi đi sâu vào tính chât của từng thể loại, so sánh chúng với nhau, bên cạnh cái chung, chúng ta thấy có sự khác biệt mang mầu sắc dân tộc của từng nước. Thể loại tiểu thuyết chương hồi xuất hiện từ sớm trong nền văn học Trung Quốc, sau đó đã du nhập sang Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. So sánh tiểu thuyết chương hồi của ba nước, chúng tôi thấy rằng: về mặt hình thức nghệ thuật, tiểu thuyết chương hồi của ba nước đều giống nhau ở câu mở đầu và câu kết. Nhưng sự khác nhau là ở chỗ tiểu thuyết chương hồi của Nhật Bản số lượng không nhiều, bút pháp chưa thành thục(4). Ở Triều Tiên tiểu thuyết chương hồi rất phát triển, mỗi chương mỗi đoạn từ đầu đến cuối trình bày một câu chuyện rất ly kỳ và khúc chiết(5). Còn ở Việt Nam các bậc văn sĩ lại chỉ dựa vào các sự kiện lịch sử để miêu tả theo hồi, theo chương. Rõ ràng tiểu thuyết chương hồi của Việt Nam có màu sắc riêng. Thể loại tiểu thuyết trong nền văn học cổ Trung Quốc ở buổi đầu vốn không có địa vị, người viết tiểu thuyết bị xem thường, không được liệt vào một “gia” nào cả. Hiện tượng này cũng du nhập vào Triều Tiên, Nhật Bản. Ở Triều Tiên có thời người ta coi tiểu thuyết là “dị đoan, là thuyết”, người viết tiểu thuyết bị liệt vào hạng “tỳ quan” (quan thấp hèn), động cơ viết tiểu thuyết của một số người là để tự vui hay mua vui cho bạn bè. Nhưng ở Việt Nam thì hoàn toàn khác, người viết tiểu thuyết phần lớn là các bậc văn sĩ muốn thực sự đóng góp cho xã hội. Truyền kỳ mạn lục từ xưa đã được coi là “thiên cổ kỳ bút”. So sánh tiểu thuyết Hán văn Việt Nam với tiểu thuyết Hán văn của vùng Viễn đông, chúng ta sẽ tìm thấy những nét đặc sắc riêng của tiểu thuyết Hán văn Việt Nam cũng như bản sắc tâm linh của con người Việt Nam trong quá khứ.
CHÚ THÍCH
(1) Cuốn sách do ông Trần Khánh Hạo làm việc tại Trường Viễn đông Bác cổ Pháp tặng Viện Nghiên cứu Hán Nôm tháng 1 -1992.
(2) Vinh Định: niên biểu của triều Mạc.
(3) Xem thêm bài: “Đọc sách Tùng thư tiểu thuyết Hán văn”, tập 1-Tạp chí Hán Nôm số 2/1989, tr.94-95.
(4) Xem Vực ngoại Hán văn tiểu thuyết luận cứu, 1989, tr.22.
(5) Sđd, tr.39.