KHÂM ĐỊNH ĐẠI NAM HỘI ĐIỂN SỰ LỆ TỤC BIÊN - MỘT PHO SỬ LIỆU ĐỒ SỘ VỀ TRIỀU NGUYỄN

KHÂM ĐỊNH ĐẠI NAM HỘI ĐIỂN SỰ LỆ TỤC BIÊN - MỘT PHO SỬ LIỆU ĐỒ SỘ VỀ TRIỀU NGUYỄN
Dù vẫn còn không ít khiếm khuyết nhưng với 15 tập sách, tổng cộng đến hơn 7600 trang, chứa đựng những nguồn thông tin hết sức phong phú về triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam, công trình trên đã gây được sự chú ý đặc biệt của các nhà nghiên cứu và được bạn đọc chào đón nồng nhiêt.
KHÂM ĐỊNH ĐẠI NAM HỘI ĐIỂN SỰ LỆ TỤC BIÊN
MỘT PHO SỬ LIỆU ĐỒ SỘ VỀ TRIỀU NGUYỄN

Phan Thanh Hải

Năm 1993, Viện sử học Việt Nam đã phối hợp với Nhà xuất bản Thuận Hóa - Huế cho ra mắt bạn đọc một trong những bộ sử liệu đồ sộ nhất về triều Nguyễn, bộ sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (gọi tắt là Hội điển ) do Nội các của triều đại này biên soạn và đã được các dịch giả lừng danh của Viện Sử học chuyển ngữ từ những năm 1960. Dù vẫn còn không ít khiếm khuyết nhưng với 15 tập sách, tổng cộng đến hơn 7600 trang, chứa đựng những nguồn thông tin hết sức phong phú về triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam, công trình trên đã gây được sự chú ý đặc biệt của các nhà nghiên cứu và được bạn đọc chào đón nồng nhiêt. Tuy nhiên, sau khi đọc Hội điển, người ta lại mong chờ những phần tiếp theo của bộ sách này, bởi Hội điển mới chỉ là phần ghi chép các điển chương, pháp chế, các chiếu chỉ, chỉ dụ, sớ, tấu... của triều Nguyễn từ năm Gia Long thứ 1 (1802) đến năm Tự Đức thứ 4 (1851). Phần tiếp theo ấy thuộc về bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên (gọi tắt là Hội điển tục biên) và Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên hậu thứ, đến nay vẫn chưa được chuyển ngữ sang tiếng Việt và xuất bản.
Để đáp ứng các yêu cầu của công tác nghiên cứu tìm hiểu về triều Nguyễn và văn hóa Huế, đáp ứng các yêu cầu của công tác nghiên cứu, trùng tu các di tích và đặc biệt là nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các công trình tiêu biểu trong kho tàng di sản Hán Nôm của dân tộc, từ năm 2001 đến nay, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã phối hợp với Viện Sử học tổ chức biên dịch, chú giải và xuất bản bộ Hội điển tục biên. Vào dịp cuối năm 2004, hai tập đầu tiên của bộ sách đã được Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành. Có thể nói đây là một món quà hết sức có ý nghĩa đối với Huế trong dịp đón xuân Ất Dậu.
1. Vài nét về văn bản
Theo nhà Hán học Trần Văn Giáp, bộ Hội điển tục biên được biên soạn vào năm Thành Thái thứ 1 (1889), đến năm Thành Thái thứ 7 (1895) thì hoàn thành nhưng vì nhiều lí do khác nhau nên chưa được đem khắc in. Mãi đến năm Khải Định thứ 2 (1917), công trình này mới được xuất bản(1).
Điều này phù hợp với nội dung bản Tấu của Quốc sử quán vào ngày 16 tháng 11 năm Khải Định thứ 2 (1917), in ở phần đầu quyển Mục lụccủa bộ sách này. Dưới đây chúng tôi xin trích dịch một phần của bảnTấu trên:
“Tháng 9 năm Duy Tân thứ 8, tiếp văn thư của Phụ Chính Phủ, xét thấy các điều lệ ở các Nha thuộc Lục bộ của bản triều từ năm Tự Đức thứ 4 trở về trước đã ghi chép rõ ở Hội điển. Những điều lệ có sau này được bổ túc, cải đổi bất nhất. Vào tháng 3 năm Thành Thái thứ nhất, Phụ Chính Phủ lập phiếu xin lệnh cho các Nha thuộc Lục bộ truy cứu các điều lệ áp dụng trong cơ quan, ngoài những điều lệ đã chép trong Hội điển, đã kê khai đầy đủ. Lại xin phái một viên Đổng lý đốc suất việc biên soạn. Đến nay, năm Thành Thái thứ 7 thì hoàn thành bản thảo rồi thông tư cho các Nha bộ sao chép lưu giữ để có đầy đủ mà tra cứu, còn nguyên bản bản thảo thì giao cho Nội các cất giữ. Bản thảo lần đó chưa được khắc in mà cũng không tránh được sai sót. Lại từ năm đó (Thành Thái thứ nhất) đến nay các điều lệ được bổ túc, sửa đổi cùng các điều lệ trong nghị định mới thuộc phía Bảo hộ rất nhiều, nếu không biên chép lâu ngày không thể không thất thoát, vậy nên Quốc sử quán chiếu theo thứ tự trong Hội điển mà biên soạn, được Trưởng quan đốc suất hoàn thành, lại xin giao khắc in để tiện việc áp dụng. Từ đó đến nay, chúng thần ở Quốc sử quán đã giao cho các thuộc viên (1 Biên tu, 1 Khảo hiệu) kiểm tra cứu xét các phần trong bản thảo thì thấy sai sót và chữ viết lầm khá nhiều. Chúng thần đã ra lệnh hết sức kiểm tra, chép chiếu theo thứ tự điều mục cùng phàm lệ trong Hội điển...
“... Chép đóng thành 60 quyển cùng 1 quyển Mục lục tổng cộng là 61 quyển. Đã trình lên các quan Cơ mật viện duyệt, đem bản đó dâng lên vua xem. Chờ được giao lại rồi chiếu theo khuôn phép trong bản đó chép theo chữ in để đem giao khắc bản. Các điều lệ từ năm Thành Thái thứ 2 đến Duy Tân thứ 8, Sử quán đã biên soạn thành bản thảo, còn phải kiểm tra lại mới hoàn thành. Sẽ cho chép cẩn thận thành sách để trình dâng ngự lãm”.
Như vậy, bộ Hội điển tục biên được Nội các biên soạn xong từ năm Thành Thái thứ 7 (1895) nhưng chưa được xuất bản ngay bởi nhiều lí do trong đó có một lí do là còn nhiều sai sót. Mãi đến năm Khải Định thứ 2 (1917), sau khi được Quốc sử quán tu chỉnh, bộ sách này mới được đem khắc in.
Xét về mặt quy mô, bộ Hội điển tục biên chỉ bằng khoảng 1/3 phầnChính biên (bộ Hội điển gồm 264 quyển với hơn 17.000 trang chữ Hán, khổ sách 32x20cm, còn bộ Hội điển tục biên chỉ có 61 quyển với khoảng 6.000 trang chữ Hán, khổ sách 28x16cm). Tuy nhiên, đây vẫn là một công trình rất lớn với lượng thông tin hết sức phong phú về triều Nguyễn vào nửa sau thế kỷ XIX.
Sách là phần ghi chép tiếp tục của bộ Hội điển trong 38 năm của triều Nguyễn, từ năm Tự Đức thứ 5 (1852) đến năm Thành Thái thứ 1 (1889).
Không rõ khi ấn hành bộ sách này vào năm 1917, sách Hội điển tục biên có bao nhiêu bản nhưng đến nay các bản in này rất khó tìm, nếu không nói là rất hiếm. Theo chúng tôi được biết, bản chữ Hán của bộHội điển tục biên ở Việt Nam hiện nay có ở hai nơi: Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Thư viện Viện Sử học. Tuy nhiên, bản của Viện Sử học (mang số Hv.99 (1-60) mới là bản in nguyên gốc và khá đầy đủ (chỉ thiếu 2 quyển HV.99 (9) và HV.99 (10) còn bản của Viện Nghiên cứu Hán Nôm (mang kí hiệu VHv.2793/1-30) chỉ là bản sao lại bản của Viện Sử học(2) nhưng không đủ, chỉ có từ quyển 1 đến quyển 43 (và cũng thiếu 2 quyển 9 và 10).
Tại Pháp cũng có một bản chữ Hán của bộ Hội điển tục biên, hiện tàng trữ tại Thư viện của trường Viễn đông Bác cổ. Đây cũng là một trong số các bản in từ năm 1917, sách mang kí hiệu Paris. EFEO / VIET / A / Litt, 31 (1-26). Đã có một số tổ chức, cá nhân photocopy được vài phần từ bộ sách này(3). Qua đó, chúng tôi mới biết, tình trạng và chất lượng của bản in này hoàn toàn tương tự bản hiện lưu trữ tại Viện Sử học.
Có thể nói, bản chữ Hán của bộ Hội điển tục biên mà chúng tôi sử dụng để chuyển ngữ và xuất bản có chất lượng khá tốt, chữ in đẹp, rõ ràng, số lượng chữ khắc in sai không đáng kể. Có lẽ đây cũng là bản tốt nhất hiện còn ở Việt Nam.
2. Về cách sắp xếp và nội dung bộ Hội điển tục biên
Bộ Hội điển tục biên gồm 60 quyển chính và quyển Mục lục, cách sắp xếp các nội dung ghi chép về cơ bản gần tương tự như bộ Hội điển, cụ thể như sau:
Quyển Mục lục: gồm các bản Sớ, Tấu của các triều Thành Thái (5 bản, đều vào năm Thành Thái thứ nhất), Duy Tân (1 bản, vào ngày 15 tháng 10 năm thứ 8) và Khải Định (1 bản, vào ngày 16 tháng 11 năm thứ 2) về việc biên soạn và in ấn bộ Hội điển tục biên và phần Mục lục sách
Quyển 1: Tôn Nhân phủ.
Quyển 2: Viện cơ mật.
Quyển 3-10: Bộ Lại.
Quyển 11-16: Bộ Hộ.
Quyển 17-33: Bộ Lễ.
Quyển 34-37: Bộ Binh .
Quyển 38-43: Bộ Hình.
Quyển 44-49: Bộ Công.
Quyển 50: Nội các.
Quyển 51: Đô sát viện.
Quyển 52: Đại lí tự.
Quyển 53: Thị vệ xứ và Cẩn tín ty.
Quyển 54: Phủ nội vụ.
Quyển 55: Võ khố.
Quyển 56: Thương trường.
Quyển 57: Khâm Thiên giám.
Quyển 58: Phụng Hộ nha. /p>
Quyển 59: Thông Bảo nha.
Quyển 60: Hộ Thành nha.
Về mặt nội dung, như trên đã nói, Hội điển tục biên là phần tiếp theo của bộ Hội điển, bộ sách này ghi chép lại khá đầy đủ, chính xác các hoạt động của triều Nguyễn ở nửa sau thế kỷ XIX, tương đương với thời kỳ làm vua của Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi và Đồng Khánh. Đây là một giai đoạn lịch sử có rất nhiều biến động bởi âm mưu và hành động xâm lược của thực dân phương Tây. Trước tình hình ấy, triều Nguyễn phải vừa tìm cách đối phó vừa phải thay đổi nhiều luật lệ cũ để thích ứng với một xã hội đã có nhiều thay đổi. Mặt khác, trong các vua Nguyễn, có thể xem Tự Đức là vị vua có kiến thức uyên bác và tài hoa nhất về văn chương, chữ nghĩa. Dưới thời ông, Nho giáo và việc học hành thi cử được đặc biệt chú trọng. Toàn bộ những đặc điểm trên được phản ánh rất rõ trong Hội điển tục biên.
Chúng ta sẽ đọc được những thông tin rất cụ thể về việc thay đổi cơ cấu tổ chức và bộ máy hoạt động của triều Nguyễn khi xem phần Cơ mật viện (Q.2), Bộ Lại (Q.3-Q.10). Các chủ trương chính sách về kinh tế của triều Nguyễn ở nửa sau thế kỷ XIX thì được thể hiện rất rõ qua phần Bộ Hộ (Q.11-Q.16). Phần chiếm tỉ trọng lớn và rất đáng chú ý của bộ Hội điển tục biên là phần Bộ Lễ (Q.17-Q.33). Sự quan tâm đặc biệt về giáo dục, khoa cử; các nghi thức và lễ hội cung đình, các chính sách về xã hội... của triều Nguyễn được thể hiện rất cụ thể trong phần này. Đặc biệt, tại phần Bộ Lễ có nhiều thông tin rất hữu ích cho các nhà nghiên cứu và có thể làm chấm dứt nhiều cuộc tranh luận, như: các chữ húy được quy định trong thời Nguyễn...
Nghiên cứu phần Bộ Binh (Q.34-Q.37) và Bộ Hình (Q.38-Q.43), người ta sẽ thấy rõ thái độ của triều Nguyễn đối với an ninh của đất nước trước các hiểm họa xâm lăng qua các chủ trương, chính sách rất cụ thể.
Phần Bộ Công (Q.44-Q.49) có lẽ sẽ là phần đáp ứng được nhiều nhất cho các nhà nghiên cứu về kiến trúc cổ, những người làm công tác bảo tồn, trùng tu di tích... . Đáng chú ý nữa là, tại phần này có nhiều thông tin mới, sẽ làm sáng tỏ rất nhiều về việc xây dựng Khiêm Lăng và cách thức mai táng vua Tự Đức, một vấn đề xưa nay vẫn được xem là đầy bí ẩn và đã bị không ít người xuyên tạc. Các quy định khá cụ thể về việc xây dựng Bồi Lăng (lăng vua Kiến Phúc), Tư Lăng (lăng vua Đồng Khánh), Hân Vinh từ đường v.v... cũng là những thông tin hết sức quý cho việc nghiên cứu về các di tích này.
Phần Bộ Công cũng cho thấy rõ cách tổ chức và hoạt động của các tượng cục cuối thời Nguyễn. Sự tồn tại của tượng cục Pháp làm đến tận thời Đồng Khánh, hay sự tham gia với số lượng đông đảo của các thợ lành nghề miền Bắc tại kinh đô Huế trong giai đoạn này hẳn sẽ làm nhiều người rất ngạc nhiên.
Các phần còn lại, thuộc 11 quyển cuối cùng (Q.50-Q.60), tuy khá ngắn nhưng hết sức quý vì chúng sẽ bổ sung nhiều thông tin cụ thể về bộ máy tổ chức và hoạt động của những cơ quan quan trọng của triều Nguyễn trong nửa sau thế kỷ XIX, như: Nội các (Q.50), Đô sát viện(Q.51), Đại lí tự (Q.52), Thị vệ xứ và Cẩn tín ty (Q.53), Phủ nội vụ(Q.54), Võ khố (Q.55), Thương trường (Q.56), Khâm Thiên giám (Q.57)...
3. Kế hoạch xuất bản
Căn cứ vào khả năng cùng tiến độ thực hiện của công tác biên dịch và chuẩn bị xuất bản bộ Hội điển tục biên, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, Viện Sử học và Nhà xuất bản Giáo dục dự kiến sẽ lần lượt giới thiệu với bạn đọc toàn bộ các phần của công trình này trong kế hoạch 2 năm 2004-2005. Công trình sẽ chia thành 10 tập(4). Ngoài 2 tập đầu đã xuất bản cuối năm 2004 (gồm tập 1 với 460 trang và tập 2 với 968 trang), các tập còn lại mỗi tập, kể cả phần bản dịch và nguyên bản chữ Hán (quét in lại theo tỉ lệ 1/1) có khoảng 800-1000 trang.
Hình thức và chất lượng sẽ là một ưu điểm đặc biệt của bộ sách quý này !
Được bài trí như là 2 cuốn sách nằm chung trong một tập sách (mặt trước là bản dịch tiếng Việt, giở từ trái sáng phải; mặt sau là phần chữ Hán, giờ từ phải qua trái) bộ Hội điển tục biên thực sự là một sản phẩm “hai trong một” mà các nhà nghiên cứu và những người làm sách xưa nay vẫn ước ao thực hiện. Sách được in với chất lượng cao tại Công ty in Tiến bộ (Hà Nội), khổ 28,5x18,5cm, đóng bìa cứng. Với chất lượng trên, Hội điển tục biên được Nhà xuất bản Giáo dục xếp vào hệ thống sách tham khảo đặc biệt và xem đây như là một sản phẩm để hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập Nhà xuất bản này (1957-2007).
Như vậy, nếu đảm bảo kế hoạch xuất bản thì trong dịp kỷ niệm 10 năm thực hiện Dự án quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô, 1996-2010, chúng ta sẽ có thêm một công trình rất có ý nghĩ về di sản văn hóa Huế.
P.T.H

CHÚ THÍCH:
(1) Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, nguồn tư liệu văn học sử Việt Nam, tập 1. Thư viện Quốc gia xuất bản, H. 1970, tr.170.
Có lẽ cũng căn cứ từ bản tấu trên của Quốc sử quán mà tác giả cho rằng, năm 1917, triều Nguyễn cho in bộ Hội điển tục biên (chép từ năm 1825 đến năm 1889), còn phần tiếp theo (chép từ năm 1890 đến năm 1914) mới chỉ có bản thảo lưu lại các Sử quán chứ chưa đem in. Nhưng theo Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm thì hiện ở Thư viện Trường Viễn đông Bác cổ (Pháp) có một bản in của phần tiếp theo này, gọi là bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên hậu thứ. Sách mang kí hiệu Paris. EFEO. VIET/A/Hist.32 (1-28), cùng khổ 28x16cm, in năm Khải Định thứ 2. Như vậy có thể, cùng trong năm 1917, sau khi xuất bản bộ Hội điển tục biên, vua Khải Định đã cho in luôn phần Tục biên hậu thứ (tức phần chép từ năm Thành Thái thứ 2 (1890) đến năm Duy Tân thứ 8 (1914). Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không thể khẳng định chắc chắn về điều này vì chưa tận mắt thấy bộ sách trên.
(2) Năm 1998, chúng tôi đã photocopy lại toàn bộ bản chữ Hán bộ Hội điển tục biên của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tổng cộng chỉ có 42 quyển (tính cả quyển Mục lục) với 4698 trang. Đây là bản sao lại từ bản gốc của Viện Sử học, được các ông Lê Tư Thực, Đỗ Huy Tăng và Nguyễn Xuân Thụ thực hiện vào năm 1966. Khi đối chiếu bản này với bản in của Viện Sử học chúng tôi thấy có không ít chỗ chép sai.
(3) Theo các công bố tại cuộc Tọa đàm quốc tế về bảo tồn cảnh quan và chiếu sáng di tích Duyệt Thi Đường, tổ chức tại Huế trong 2 ngày 13-14/8/2001, thì Xưởng Nghiên cứu kiến trúc châu Á của Đại học Waseda, Nhật Bản (Waral - Waseda) và bà Colett Bernay đã photocopy được phần Công Bộ (Q.44 đến Q.49) của bản chữ Hán bộHội điển tục biên đang tàng trữ tại Pháp này.
(4) Dự kiến phân chia các tập của Hội điển tục biên như sau:
Toàn bộ: 61 quyển (60 quyển nội dung và quyển đầu - quyển Mục lục ).
Dự kiến phân chia thành 10 tập:
1- Tập 1: quyển đầu + quyển 1 đến quyển 2: quyển Mục lục, Tôn Nhân phủ (Q.1), Viện cơ mật (Q.2).
2- Tập 2: quyển 3 đến quyển 10: Bộ Lại.
3- Tập 3: quyển 11 đến quyển 16: Bộ Hộ (Q.11 - Q.16).
4- Tập 4: quyển 17 đến quyển 22: Bộ Lễ I (Q17 - Q24).
5- Tập 5: quyển 23 đến quyển 27: Bộ Lễ II (Q.25 - Q.30).
6- Tập 6: quyển 28 đến quyển 33: Bộ Lễ III (Q.31 - Q.33).
7- Tập 7: quyển 34 đến quyển 37: Bộ Binh (Q.34 - Q.37).
8- Tập 8: quyển 38 đến quyển 43: Bộ Hình I (Q.38 - Q.43).
9- Tập 9: quyển 44 đến quyển 49: Bộ Công (Q44 - Q49).
10- Tập 10: quyển 50 đến quyển 60: Nội các (Q.50), Đô sát viện(Q.51), Đại lý tự (Q.52), Thị vệ xứ & Cẩn tín ty (Q.53), Phủ Nội vụ (Q.54), Võ khố (Q.55), Thương trường (Q.56), Khâm Thiên giám(Q.57), Phụng Hộ nha (Q.58), Thông Bảo nha (Q.59) và Hộ Thành nha (Q.60).