Kỳ 3: Liên Xô bất ngờ sụp đổ trước sự ngỡ ngàng của thế giới

Nhiều người đã ngỡ ngàng khi Liên Xô - cường quốc quân sự, kinh tế hàng đầu với mức độ ổn định nội bộ cao, lại bất ngờ sụp đổ một cách nhanh chóng.
Với lý tưởng trở thành một “xã hội dân chủ thực sự”, Liên Xô ra đời vào năm 1922, khi Nội chiến Nga kết thúc. Vào năm 1924, Joseph Stalin lên nắm quyền, nhà nước Liên Xô thực hiện chế độ kinh tế chỉ huy, giám sát mọi hoạt động công nghiệp và lập ra các nông trang tập thể. Với đường lối cứng rắn, lãnh tụ Stalin đã đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa Liên Xô từ trước Thế chiến 2.
lien xo bat ngo sup do truoc su ngo ngang cua the gioi hinh 1
Ông Gorbachev tuyên bố từ chức Tổng thống Liên Xô trên truyền hình vào ngày 25/12/1991. Ảnh: AFP.
 

Liên Xô bước ra khỏi Thế chiến 2 với tư cách người chiến thắng và trở thành một trong hai cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới.
Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại giúp Liên Xô mở rộng ảnh hưởng ở Đông Âu và hỗ trợ sự ra đời của nhiều nước XHCN ở đây. Các nước này giữ mối liên hệ chặt chẽ với Liên bang Xô viết.

Đại hội toàn quốc thứ 27 của Đảng Cộng sản Liên Xô, vào năm 1986. Ảnh: Getty.
Ngoài sức mạnh quân sự, Liên Xô còn là cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau Mỹ. Liên Xô cũng đạt nhiều thành tựu vĩ đại về khoa học kỹ thuật, về chinh phục vũ trụ, và về giáo dục, chăm sóc y tế. Về mặt chính trị, Liên Xô có mức độ ổn định cao.
Sau khi lãnh tụ Stalin qua đời vào năm 1953, Liên Xô bắt đầu tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang hết sức tốn kém với Mỹ, và đầu tư nhiều cho vấn đề Chiến tranh Lạnh (do phương Tây phát động nhằm chống lại Liên Xô).

Mikhail Gorbachev là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô từ năm 1985 - 1991. Ông áp dụng chính sách cải tổ (perestroika) và công khai (glasnost). Ảnh: Getty.
Dưới thời Tổng bí thư Brezhnev, Liên Xô tích cực thực hiện chính sách can dự khi cần thiết vào những nước XHCN mà ở đó vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản bị đe dọa.
Tuy nhiên sau những bước phát triển ngoạn mục về nhiều mặt, thì từ thập niên 1970-1980 nền kinh tế tập trung của Liên Xô bắt đầu lâm vào khó khăn, trì trệ. Về mặt công nghệ, quốc gia này đã lạc hậu đáng kể so với không chỉ các nước phương Tây mà còn nhiều nước công nghiệp mới ở châu Á.

Nữ Thủ tướng Anh Margaret Thatcher tuyên bố Gorbachev là người mà bà có thể “làm việc cùng được”. Gorbachev được mời sang Anh gặp gỡ nội các nước này vào năm 1984. Ảnh: Getty.

Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và ông Mikhail Gorbachev trò chuyện ở Geneva,Thụy Sĩ. 20/11/1985.


Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và ông Mikhail Gorbachev trò chuyện bên lò sưởi trong một nhà thuyền ở Geneva vào tháng 11/1985. Ảnh: Hume Kennerly.
Công cuộc cải tổ và lá bài dân tộc
Chính trong bối cảnh đó, vào tháng 3/1985, chính trị gia Mikhail Gorbachev lên nắm quyền lãnh đạo Liên Xô khi ông được bầu làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. (Về sau Gorbachev trở thành Tổng thống đầu tiên và cũng là cuối cùng của Liên Xô).
Gorbachev giới thiệu 2 hệ thống chính sách mới, với “hy vọng” sẽ giúp Liên Xô thịnh vượng trở lại. Loạt chính sách thứ nhất là glasnost (công khai hóa về chính trị). Theo đó, chế độ độc đảng (đảng cộng sản lãnh đạo) bị xóa bỏ và bản thân Đảng Cộng sản Liên Xô cũng bị phá hoại không thương tiếc về tổ chức và về tư tưởng. Loạt chính sách thứ 2 là perestroika (cải tổ kinh tế), mà trong đó Gorbachev muốn thúc đẩy kinh tế thị trường, kinh tế tư nhân và kêu gọi đầu tư của nước ngoài.

Gorbachev nói chuyện với nông dân trồng cà chua trong chuyến thăm nông trang tập thể Zavorov gần Moscow vào tháng 8/1987. Ảnh: UIG.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tích cực thì các cải cách này đã thất bại thảm hại. Perestroika một mặt khai tử nền “kinh tế chỉ huy”, mặt khác lại chưa khai sinh ra một nền kinh tế thị trường đủ đầy. (Trong diễn văn từ biệt sau này, chính Gorbachev cũng phải thừa nhận điều này). Nền kinh tế Liên Xô vì thế càng thêm khó khăn.

Ngày 9/11/1989, người biểu tình kéo đổ Bức tường Berlin chia tách Đông Đức và Tây Đức, Ảnh: Rex Features.

Người dân la ó phản đối lãnh đạo Gorbachev trong cuộc diễu hành Ngày Lao động 1/5/1990. Ảnh: UIG.
Sự sụp đổ của Liên Xô có nhiều nguyên nhân nội tại. Tuy nhiên, còn có các yếu tố tích cực làm suy yếu Liên Xô từ bên trong, như các nhân vật “cải cách” và “dân chủ” kiểu Gorbachev. Ông này và phe nhóm của mình không những không cải thiện được mà còn làm trầm trọng thêm thực trạng của Liên Xô và đẩy nhanh quá trình tan rã của quốc gia này.

Những người cộng sản kiên định đã tiến hành đảo chính quân sự để ngăn Gorbachev xóa bỏ CNXH. Đảo chính diễn ra lúc Gorbachev đi nghỉ ở Crimea. Ảnh: AFP.
Một nhân tố quan trọng khác trong quá trình tan rã Liên Xô là “con bài Nga” của chính trị gia Boris Yeltsin. Mặc dù Nga và người Nga đã từ lâu có vị trí áp đảo trong nhà nước Liên Xô nhưng có một điều khá ngạc nhiên là một nhà lãnh đạo của Nga như Yeltsin (Chủ tịch Xô viết Tối cao Nga từ năm 1990, và được bầu làm Tổng thống Nga vào tháng 6/1991) lại yêu cầu “chủ quyền” Nga trước Liên Xô vào năm 1990 và đòi “độc lập” hoàn toàn vào năm 1991.
Trong khi đó, Gorbachev và những người ủng hộ ông ta trong chính phủ liên bang đã thương lượng để đạt được một Hiệp ước Liên bang mới vào thời điểm giữa mùa xuân và mùa hè năm 1991, nhằm giữ cho đa số các nước cộng hòa, bao gồm Nga, ở lại trong một nhà nước liên bang lỏng lẻo hơn, với quyền lực được phân nhiều hơn xuống các nước cộng hòa.

Tổng thống Nga Boris Yeltsin khi đó đã hỗ trợ Gorbachev dập tắt đảo chính vào tháng 8/1991. Ảnh: Getty.

Đảo chính tháng 8
Những người cộng sản cứng rắn trong bộ máy đảng, quân đội và cơ quan an ninh trung ương của Liên Xô xem đây là mối đe dọa đối với CNXH và sự toàn vẹn của Liên Xô nên đã quyết định thực hiện một cuộc đảo chính vào tháng 8/1991. Theo đó các nhân viên của Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) đã giam giữ Gorbachev khi ông này đi nghỉ ở bờ biển Crimea.
Cơ hội thành công của cuộc đảo chính thực ra là lớn vì người đứng đầu quân đội và KGB đều thuộc nhóm đảo chính, còn trong xã hội có tâm lý bất mãn với perestroika, trong quân đội có thái độ không hài lòng với việc rút quân khỏi nhiều điểm nóng trên thế giới và cắt giảm ngân sách quốc phòng.  
Mặc dù vậy, công cuộc cải tổ của Gorbachev từ năm 1985 đã làm suy yếu quân đội và KGB về mặt chính trị và nhóm đảo chính không ý thức rõ về tình thế đã thay đổi này để chủ động tìm ra và sử dụng đúng các lực lượng trung thành với mình. Thêm nữa, bản thân các lãnh đạo đảo chính lại tỏ ra thiếu quyết tâm khi gặp phải sự thách thức từ phía Boris Yeltsin.

lien xo bat ngo sup do truoc su ngo ngang cua the gioi hinh 4
Ông Boris Yeltsin (cầm tờ giấy) thách thức các lãnh đạo cuộc đảo chính 19/8/1991. Ảnh: AP.
 

Kết quả, đảo chính đã thất bại và những người chỉ đạo đảo chính bị bắt giữ.
Cuộc đảo chính tuy không lật đổ được Gorbachev nhưng cũng làm xói mòn quyền lực của ông ta và sau đó càng thúc đẩy nhanh sự tan rã của Liên Xô.

Gorbachev sau khi bị giam lỏng ở Crimea đã quay về Moscow. Ảnh: AFP.

Quá trình ly khai
Ngày 8/12/1991, Nga, Belarus, và Ukraine ký thỏa thuận về “Cộng đồng các Quốc gia Độc lập” (SNG) thay thế cho Liên Xô. Đến ngày 21/12/1991, có thêm 8 nước trong Liên Xô (là Armenia, Azerbaijan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Moldova, Turkmenistan, Tajikistan và Uzbekistan) gia nhập SNG, với nghị định thư Alma-Ata, và họ tuyên bố không còn nằm trong Liên Xô nữa. Gruzia và 3 nước Baltic (Estonia, Lativa và Litva) từ chối gia nhập SNG. Các nước Baltic thì đã độc lập khỏi Liên Xô từ trước đó, chỉ còn duy nhất Gruzia vẫn nằm trong Liên Xô.
Vào ngày 21/12/1991, bản tin buổi tối trên truyền hình Nga bắt đầu với một thông báo đặc biệt: “Chào buổi tối. Đây là chương trình thời sự. Liên Xô không còn tồn tại...”.
Ngày Giáng sinh năm 1991, quốc kỳ Liên Xô tung bay lần cuối trên nóc điện Kremlin ở Moscow.
Ngày 25/12, Mikhail Gorbachev tuyên bố từ chức Tổng thống Liên Xô. Vào tối hôm đó, lá cờ Xô viết tại điện Kremlin bị kéo xuống và thay bằng quốc kỳ Nga. Tất cả các thể chế Liên Xô ngừng vận hành vào cuối tháng 12/1991.
Mặc dù Liên Xô sở hữu lượng lớn vũ khí hạt nhân với sức hủy diệt cực lớn nhưng quá trình giải thể của siêu cường này diễn ra khá êm thấm, hầu như không có đổ máu.
Trong một cuộc phỏng vấn với BBC gần đây, ông Gorbachev nói về thời điểm đó: “Chúng tôi đứng bên bờ nội chiến và tôi muốn tránh điều đó (bằng việc từ chức - ND)... Một sự chia rẽ trong xã hội và một cuộc đấu tranh ở một nước như chúng tôi - một đất nước sở hữu vũ khí hạt nhân, có thể gây ra nhiều tổn thất sinh mạng...”.
Tuy nhiên, với việc tuyệt đại đa số các nước thành viên đã tách ra khỏi Liên Xô thì hiển nhiên dù muốn, Gorbachev cũng không thể làm Tổng thống được nữa.
Sau khi Liên Xô tan rã, Nga thừa hưởng chiếc ghế của Liên Xô trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và tất cả các đại sứ quán Liên Xô trở thành đại sứ quán Nga. Bốn nước Nga, Ukraine, Belarus và Kazakhstan trở thành các nước sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng trong 4 nước này, chỉ có Nga là không từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình.
Như vậy đất nước Liên Xô hùng mạnh một thời đã sụp đổ, một phần đáng kể do các “cải cách” của nhà lãnh đạo Gorbachev trong 6 năm rưỡi ông ta cầm quyền.
Liên Xô sụp đổ chính thức vào năm 1991 nhưng thực ra hệ thống chính trị XHCN ở đây đã bị tê liệt từ trước đó. Tháng 3/1990, người ta đã xóa bỏ Điều 6 Hiến pháp Liên Xô quy định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với nhà nước và xã hội Xô viết. Mikhail Gorbachev – một đảng viên cộng sản cấp cao, đã phản bội lý tưởng và “tự chuyển hóa, tự diễn biến” theo con đường tư bản phương Tây từ trước đó rất lâu./.
(Bài này dựa trên tư liệu của History.com, BBC.co.uk, Britannica.com, và GlobalSecurity.org).
Trung Hiếu

Source: vov.vn