MỘT TẤM BIA ĐỀ CAO TRUYỀN THỐNG "TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO"

MỘT TẤM BIA ĐỀ CAO TRUYỀN THỐNG "TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO"
Bia đặt tại thôn Tiền, xã Minh Nghĩa, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. - Bia 2 mặt. Cỡ 90 x 40 cm (không kể trán bia). Khắc chữ chân phương, toàn văn chữ Hán, có xen Nôm, có kiêng húy. Gồm 19 dòng, khoảng trên 500 chữ. - Bia được tạo vào năm Tự Đức thứ 17 (1864) thời Nguyễn. - Tác giả soạn văn bia là: (Họ và tên bị mờ) hiệu Mỹ Phủ - Cử nhân Kỳ thi Ân khoa, làm Huấn đạo ở huyện. - Người viết chữ: Đỗ Quát đỗ nhị trường - là Quan viên tử. Nhân ngày 20/11/2014 xin đăng lại bản dịch toàn văn mặt bia thứ 1 và lược dịch mặt bia thứ hai để cung hiến cùng bạn đọc một tư liệu đáng quý về truyền thống "tôn sư trọng đạo" đã có từ lâu của nhân dân ta.
 
Mặt thứ nhất của bia (toàn văn):
Thôn Tiền, xã Trường Quang (nay là xã Minh Nghĩa), tổng Cao Xá, huyện Nông Cống, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Các môn sinh dựng bia ghi về Hoàng môn nghĩa hội.
Trong đời sống của dân có ba nghĩa vụ (nghĩa vụ đối với) Thầy học là một vậy. Cha đem lại cuộc sống cho ta. Vua đem lại cho ta sự trị bình, mà dạy bảo ta biết cái đạo thờ Cha, thờ Vua là nhờ ở Thầy. Công lao của Thầy cao lớn như Bắc Đẩu, Thái Sơn vậy ! Vì vậy, khi Thầy sống thì ta phải hầu hạ nuôi dưỡng, khi Thầy chết thì ta phải để tang trong lòng ba năm. Mọi việc Lễ của người xưa bao giờ cũng bắt đầu từ Nghĩa, nên việc phụng thờ mà bắt nguồn từ Nghĩa thì tình cảm sao có thể bỏ qua được.
Tiên sinh Trường Xuyên của ta, đời trước kế tiếp nhau về khoa mục mà tiên sinh thì chú trọng giữ cái thực học, ở nhà căng màn dạy học. Bọn ta theo học cửa Thầy, lĩnh hội được cái tinh, nhận được cái đẹp tốt của người. Con nhỏ có Thầy.
Tiên sinh muộn mằn không có con trai, nuôi con của anh để nối dõi. Chỉ vẽ theo đường nghĩa, giảng dạy điều tốt lành rành rẽ như thuần hậu siêng năng. Con nuôi theo học. Tiên sinh thấy như gia thanh được phấn phát trở lại.
Năm Tân Hợi (1851) Tiên sinh mất, thọ 73.
Năm Giáp Dần (1854), con nuôi cũng chết mà việc nhà sa sút.
Nay Tiên sinh đã đi rồi mà nơi dạy học vẫn như còn nghe lời Thầy, bọn ta hàng năm đến lễ bái khôn xiết buồn bã cảm hoài. Biết lấy gì bày tỏ tình cảm đó, bèn cùng nhau mua bốn sào ruộng để hàng năm thờ cúng Thầy, kính cẩn biểu thị tình cảm của mình vậy.
Ngày 25 tháng 11 năm Tự Đức 17 (1864).
- Cử nhân Ân khoa Mậu Thân (1848) làm Huấn Đạo ở huyện nhà, tên hiệu Mỹ Phủ soạn văn bia.
- Người vâng lệnh viết chữ ở bia là Quan viên tử Đỗ nhị trường, Hội trưởng Đỗ Quát.


Mặt thứ 2 của bia (lược dịch):
Điều 1: Qui ước của nghĩa hội:
Đến kỳ tế trong lễ tang (ngu tế) Thầy, mỗi người đóng 3 quan tiền. Tất cả có 18 người tổng La Miệt. Có ghi cụ thể họ tên, quê quán và chức vị từng người. Trong số 18 người đó, có 1 Đội trưởng, 7 Lý trưởng, 1 Phó tổng, 3 Y sinh, 2 Thí sinh, 1 Khóa sinh, 1 Nhị trường, 1 Quan viên tử, 1 Hội trưởng.
Điều 2: Ghi về ruộng thờ cúng:
Có 1 thửa 4 sào ở bản thôn, xứ Ông Lễ. Vị trí của ruộng. Đây là ruộng của học trò mua như đã nói ở mặt bia 1. Ngoài ra còn 1 môn sinh là Hà Hữu Phác cúng 1 sào, cũng ở xứ đồng ấy. Một số môn sinh lớp sau (ghi tên 4 người) đóng tiền 1 quan 5 mạch.

Hoàng Lê dịch