MỘT VÀI TRƯỜNG HỢP HIỆU ĐÍNH VÀ PHIÊN ÂM THƠ NÔM

Tác giả Trần Lê Văn

Tác giả Trần Lê Văn

Trần Lê Văn (1923-2005) tên thật là Trần Văn Lễ, quê ở Vị Xuyên, Nam Định. Ông còn có bút danh là Tú Trần. Là nhà thơ, nhà văn đồng thời là dịch giả tiếng Trung và Pháp. Ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1957. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông làm uỷ viên giáo dục tỉnh Sơn La. Trong kháng chiến chống Pháp, ông hoạt động văn nghệ, báo chí ở Liên khu III, là hội viên Hội Văn nghệ Liên khu III. Trần Lê Văn đã đoạt giải nhì Hội Văn nghệ Liên khu III (1950) với bài thơ "Qua sườn Tam Đảo" và giải nhì Hội Văn nghệ Việt Nam (1953) với bài thơ "Rang thóc".
Trường hợp thứ nhất là mấy chữ trong bài thơ Cuối xuân của Nguyễn Trãi. Bài này cũng như những bài khác trong Quốc âm thi tập đều do nhà học giả Đào Duy Anh “phiên âm lại và chú giải” như đã nói rõ trong lời giới thiệu sách Nguyễn Trãi toàn tập (Nxb. KHXH, H. 1976). Chúng ta đều biết nhà học giả lão thành Đào Duy Anh là người có cống hiến lớn trong lĩnh vực sử học và văn học của dân tộc. Riêng Nguyễn Trãi toàn tập là một công trình rất bổ ích, đòi hỏi nhiều trí lực của học giả. Tuy nhiên, dù thông tuệ đến mấy, người làm công tác học thuật vẫn có thể vấp phải những sai sót trên mảnh đất của mình. Sai sót chỗ nào thì cùng bàn cùng sửa. Dẫu là lời bàn góp của một kẻ hậu học thô thiển cũng không hẳn là vô ích.
Trong bài Cuối xuân của Nguyễn Trãi, hai câu 3, 4 bản phiên âm của Đào Duy Anh ghi:
“Kiếp thiếu niên đi thương đến tuổi
Ốc dương hòa lại ngõ dừng chân.”
Giở xem phần chú thích - cũng của cụ Đào, ta đọc:
Kiếp thiếu niên đi: Đời tuổi trẻ đi không trở lại.
Ốc (?) dương hòa lại: Chữ đầu là ốc - không rõ nghĩa là gì, theo nghĩa cả câu thì ốc (?) dương hòa phải nghĩ là khí dương hòa, tức khí ấm áp của mùa xuân…
Ngõ dừng chân: Ngõ hầu, tức là sẽ có thể dừng chân lại để hưởng khí dương hòa.
Sau một hồi suy nghĩ, tôi tìm ra cách chỉnh lý và làm sáng tỏ mấy điểm trong phiên âm và chú thích. Trước tiên, hãy nói đến chữ “kiếp”. Thiết tưởng trong văn cảnh câu thơ này, kiếp phải nôm hóa là cướp mới đúng. Trong ngôn ngữ thường dùng cũng như ngôn ngữ văn học, người ta nói kiếp người, đời người chứ không ai nói kiếp thiếu niên, đời tuổi trẻ. Thiếu niên hay tuổi trẻ chỉ là một chặng của kiếp người, đời người.
Cướp thiếu niên đi, thương đến tuổi.
Ngày tháng trôi đi vùn vụt, cướp mất tuổi trẻ của ta, khiến ta tiếc thương tuổi tác của mình. Chữ cướp mạnh biết bao! Gợi cảm giác bàng hoàng nuối tiếc biết bao ! Ngót bốn thế kỷ sau, Nguyễn Du cũng có tâm trạng tương tự. Trong thơ chữ Hán Tạp thi (bài I), Nguyễn Du viết:
“Xuân lan thu cúc thành hư sự,
Hạ thử đông hàn đoạt thiếu niên.”
(Cái thú thưởng thức lan mùa xuân, cúc mùa thu thành chuyện hão.
Thấm thoát đông rét hè nóng cướp mất tuổi trẻ của ta).
Đến chữ ốc. Xin thưa rằng ốc là một động từ cổ trong tiếng Việt, có nghĩa là gọi. Ngày xưa các cụ nói “ốc đó” tức là “gọi đó”. Trong vở chèo Lưu Bình - Dương Lễ, tác giả cho biết:
Có gã thư sinh,
Danh ốc Lưu Bình.

“Danh ốc” là “tên gọi”.
“Ốc dương hòa lại…” là “Gọi hơi ấm mùa xuân trở lại”. Còn chữ ngõđúng là ngõ hầu như cụ Đào nói. Nhưng cách giải thích của cụ là “sẽ có thể” thì chưa thật chính xác. Từ điển Việt Pháp của Giê-ni-bren (Genibrel) xuất bản năm 1898 viết chữ ấy và giải thích: “Ngõ là để cho, để mà. Thí dụ: Ngõ hay: để cho mọi người biết; Ngõ toàn hai chữ thủy chung”; để cho vẹn toàn hai chữ thủy chung”. Giải thích như thế là chính xác. Vậy câu:
Ốc dương hòa lại, ngõ dừng chân.
có nghĩa là:
Gọi dương hòa lại để dừng chân.
Hai câu thơ đi sóng đôi với nhau, bổ sung cho nhau, tạo nên ý sâu, tứ lạ. Ngày nay đọc lại, chúng ta vẫn thấy thơ ấy tân kỳ:
“Ngày tháng trôi đi vùn vụt, cướp mất tuổi trẻ của ta, khiến ta tiếc thương tuổi tác của mình. (Vì vậy) ta muốn gọi hơi ấm mùa xuân trở lại để ta được dừng chân một chút trên dòng chảy của thời gian.”
Tâm trạng nuối tiếc thanh xuân day dứt nhiều trong thơ Nguyễn Trãi. Trong mười ba bài Tức cảnh của ông dù ta lượm vội cũng được những câu hay:
“Xuân xanh chưa dễ hai phen lại,
Thấy cảnh càng thêm tiếc thiếu niên.
Biển xanh nỡ phụ cười đầu bạc,
Đầu bạc xưa này có thuở xanh.
Thấy cảnh, lòng thơ càng vấn vít,
Một phen tiếc cảnh một phen thương.”
Tâm trạng này lý giải vì sao câu thơ “Cuối xuân” của Nguyễn Trãi nảy ra chữ “cướp” oán trách thời gian một cách kịch liệt đến thế.
Xin trở lại chữ “ốc” một chút. Nhà học giả Đào Duy Anh rất băn khoăn với chữ này. Trong cuốn sách nghiên cứu rất công phu của cụ, nhan đề là Chữ Nôm - nguồn gốc - cấu tạo - diễn biến (Nxb. KHXH, H. 1975), chữ “ốc” sử dụng trong nhiều văn bản Nôm cổ khác nhau được cụ nêu lên và tìm cách giải nghĩa. Thí dụ trong bài phú Vịnh chùa Hoa Yênviết vào thời Trần có câu: “Chim ốc bạn cắn hoa nâng cúng.”
Cụ Đào cho rằng ốc là một thành phần trong từ ghép eo óc (Tiếng gàeo óc suốt năm canh). Thiết nghĩ không phải thế! Eo óc tả trạng thái của tiếng gà gáy gấp gáp mà gợi buồn, gần dồng nghĩa với xao xác. Đoàn Thị Điểm dịch Chinh phụ ngâm có câu: “Gà eo óc gáy sương năm trống”. Còn ốc thì rõ ràng là gọi “Chim ốc bạn” là “chim gọi bạn”. Ở đây, chim gọi bạn, ngắt hoa ngậm vào mỏ dâng lên cúng Phật. Không khí ríu rít vui, có gì eo óc đâu !
Trường hợp thứ hai là một chữ trong Văn tế chiêu hồn của Nguyễn Du. (Bài này còn được gọi là Văn tế thập loại chúng sinh hay Chiêu hồn ca). Thiên tài Nguyễn Du đau xót trước những thảm cảnh của xã hội thời ấy đã vẽ nên một bức tranh “âm khí nặng nề” mà tuyệt vời sinh động. Từng đoàn từng lũ những bóng ma “lôi thôi bồng trẻ dắt già” lang thang khắp nẻo:
Hoặc là vơ vẩn đồng không,
Hoặc nơi gò đống, hoặc vùng lau tre.

Trước kia, trong nhiều cuốn sách, người ta vẫn viết “lau tre” như thế. Nhà thơ Xuân Diệu phát hiện ra một sự vô lý. Trong văn cảnh, Nguyễn Du đang tả những nơi quạnh hiu, hoang vắng, những nơi lui tới của các loại hồn ma. Ở nơi ngổn ngang gò đống; ở nơi um tùm lau sậy thì làm gì có tre? Ngạn Ngữ có câu “Sáng trông tre, đêm nghe gà gáy” để tả cảnh xóm làng phồn thịnh. Vậy cây tre đứng trong câu thơ này là không đúng chỗ. Nghĩ thế, anh Xuân Diệu bèn sửa tr thành ch: Hoặc nơi gò đống, hoặc vùng lau che.
Phát hiện ra chữ phiên âm sai và sửa lại như vậy, cũng đã là tinh, nhưng xem ra vẫn có điều chưa ổn. Trong thơ lục bát xưa có luật tiểu đối (mà nay có người có lúc còn áp dụng). Vế trước của câu bát có gò đống là hai danh từ ghép lại với nhau thì vế sau cũng phải có hai danh từ ghép lại như thế mới cân đối. Lau che là danh từ đi với động từ, đối sao cho chỉnh? Vả lại cái động từ che gợi một cái gì kín đáo, ấm áp cũng không hợp với nơi mộ địa hoang vu.
Cách đây khá lâu, một sự tình cờ đã giúp tôi tìm ra chữ đúng. Ngày ấy huyện Tùng Thiện (thuộc Sơn Tây cũ) chưa hợp nhất với hai huyện Quảng Oai, Bất Bạt để thành huyện lớn Ba Vì (thuộc Hà Nội) như ngày nay. Tôi lên Tùng Thiện tìm hiểu tình hình “phủ xanh đồi trọc” để sáng tác về đề tài đó. Các cụ trong làng dẫn tôi leo trèo xem xét những quả đồi hoang. Chẳng có cây cối gì ngoài những đám cây lau, hoa bạc trắng và những đám cỏ gì hoa cũng trắng bạc như hoa lau. Các cụ cho biết: đấy là cỏ gie. Và các cụ nói:”Trước kia đồi gò ở đất chúng tôi phần nhiều bỏ hoang, không trồng trọt gì, chỉ để lau gie mọc. Nay chúng tôi vỡ hoang dần và đã trồng được nhiều bạch đàn…”. Lau gie,Thôi, đích thực rồi ! Xuýt nữa tôi reo lên: Ơ-rê-ka! Thì ra cái chữ cuối cùng của câu thơ kia không phải là tre, cũng không phải là che mà là gie:
Hoặc nơi gò đống hoặc vùng lau gie.
Tôi mới chợt nhớ ra rằng có một giống mía thân nó khẳng khiu, hoa nó phơ phất như hoa lau, người ta gọi nó là mía gie. Về sau hỏi ra mới biết cái từ ghép lau gie được dùng nhiều ở vùng trung du Sơn Tây nhiều hơn ở nơi khác, Sơn Tây là một vùng đất quen thuộc của Nguyễn Du. Mồ côi cha mẹ, ông đã ở đấy với người anh lớn là Nguyễn Khản từ năm mười ba tuổi (1778). Năm ấy Nguyễn Khản được cử làm trấn thủ Sơn Tây. Sau đó một thời gian, Nguyễn Hiếu, một người anh khác của Nguyễn Du cũng được cử làm trấn thủ Sơn Tây, thay Nguyễn Khản. Và Nguyễn Du lại có dịp lui tới xứ Đoài. Đi đến đâu, sống ở đâu, Nguyễn Du cũng chăm chú học lời ăn tiếng nói dân gian, như ông đã tự bộclộ trong bài thơ Thanh minh ngẫu hứng:
Thôn ca sơ học tang ma ngữ. 
(Nghe tiếng hát nơi thôn xóm, ta bắt đầu học được ngôn ngữ của người trồng dâu trồng gai).
Chắc hẳn lau gie của đất trung du Sơn Tây đã vào thơ Chiêu hồn của Tố Như.
Trường hợp thứ ba là một chữ trong bài thơ của Trịnh Sâm.
Tĩnh Vương Trịnh Sâm là người thích du ngoạn những nơi danh lam thắng cảnh . Đến đâu ông cũng đề vịnh bằng thơ Nôm hoặc thơ chữ Hán. Thơ của ông có phần dồi dào về cảm hứng và trau chuốt về ngôn từ. Ông mến cảnh chùa Hương Tích và đến đây nhiều lần. Ông làm khá nhiều thơ Nôm và thơ chữ Hán ngợi ca những điểm thắng cảnh trong khu vực Hương Sơn. Năm chữ “Nam thiên đệ nhất động” khắc trên cửa động Hương Tích chính là bút tích của Trịnh Sâm, khắc vào vách đá tháng ba năm Canh Dần (1770). Tôi biết rõ điều này vì mùa xuân năm 1973, nhân vào thâm nhập thực tế của thắng cảnh để chuẩn bị viết quyển bút ký Thung mơ Hương Tích (Nxb. Văn hóa - 1976), tôi đã bắc thang leo lên vách đá trơn rêu, đọc dòng lạc khoản chữ nhỏ khắc bên cạnh năm chữ to ấy. Dòng lạc khoản đề: Canh Dần, Quý xuân - Đại nguyên soái tổng quốc chính, sư thượng Tĩnh Vương đặc bút. Cũng năm Canh Dần, Trịnh Sâm cho khắc hai bài thơ Nôm của ông trong thắng cảnh. Bài đề chùa Tuyết Sơn, trước kia chưa có sách vở tài liệu nào giới thiệu tôi đã phiên âm và giới thiệu trong quyển Thung mơ Hương Tích. Bài đề chùa Tiên Sơn, trước kia đã có nhiều sách giới thiệu và đều ghi như sau:
Chợt khỏi Thiên Trù thoạt rẽ lên,
Che che cửa động một đường len.
Chở mây quanh quất lồng hương Phật,
Gõ đá vang lừng thét nhạc tiên.
Bảo cái đùn đùn trên bảo tọa,
Kim quan chăm chắm trước kim liên.
Thanh sa dấu cũ còn di để,
Quyến được xe loan biết mấy phen.

Leo lên vách đá, rà lại bài thơ trong nguyên bản, tôi lấy làm ngạc nhiên, không hiểu sao chữ thứ 5 trong câu 4, các bản phiên âm cũ ghi là thét. Thét nhạc tiên ! Ôi ! vì sao nhạc tiên lại thét? Có lẽ người ta cho rằng thét nhạc là thiết nhạc, tức là bày ra nhạc, đặt ra nhạc chăng ? Thực ra, cái chữ khắc trong nguyên bản chẳng dính gì đến thét haythiết cả. Chữ ấy viết là (tài gẩy bên chữ lỗi) âm cũ là lỗi, chuyển sang âm hiện đại là trỗi : “Gõ đã vang lừng trỗi nhạc tiên.” Gõ vào các nhũ đá thì nhạc tiên trỗi dậy. Chữ nghĩa tuyệt hay! Mà lại đúng với cảnh chùa tiên. Trong hang động này có nhiều nhũ đá đẹp và có âm thanh phong phú. Gõ vào đó thì vang lên tiếng trống, tiếng mõ, tiếng chuông, tiếng khánh…
Trần Lê Văn