NGHÊ ĐÁ ĐÌNH TIỀN HUÂN - ĐẶC TRƯNG TÂM LINH CỦA NGƯỜI VIỆT

Bài viết của Phạm Duy Trưởng
Ảnh: Phạm Duy Trưởng
Xứ Đoài, vùng đất vốn nổi tiếng với những ngôi đình cổ “Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài”. Thời nay, ở Xứ Đoài người ta có thể kể ngay ra các ngôi đình nổi tiếng như: Đình So, đình Chu Quyến, đình Tây Đằng, đình Mông Phụ, đình Phú Nhi… nhưng ít người còn nhớ đến ngôi đình tiêu biểu cho kiến trúc cổ truyền Việt nằm ở Xứ Đoài, đó là đình Tiền Huân. 
Đình Tiền Huân được kiến tạo từ năm 1674, đến năm 1854 thì chuyển về vị trí hiện nay. Đình đã được các đời vua từ Lê Hiển Tông đến Khải Định ban 12 sắc phong. Năm 2003 sở Văn hóa Hà Tây cấp bằng “Di tích lịch sử văn hóa” cho ngôi đình và miếu thờ Thành hoàng làng là Ngọc Tuynh công chúa - con gái thứ ba vua Hùng thứ mười tám. Đình Tiền Huân được Giáo sư Nguyễn Bá Lăng giới thiệu trong các kiến trúc tiêu biểu của tỉnh Sơn Tây xưa. Nguyễn Bá Lăng (1920-2005) là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho việc nghiên cứu kiến trúc cổ truyền Việt, ông vốn nổi tiếng nhờ những tác phẩm nghiên cứu về kiến trúc cổ.
Đình tọa lạc giữa làng Tiền Huân. Nay là phố Tiền Huân nằm trên địa bàn phường Viên Sơn thuộc thị xã Sơn Tây. Theo các cụ cao niên kể lại, đình xưa có không gian rất lý tưởng cho những sinh hoạt cộng đồng. Trước mặt và sau đình đều có khoảng đất rộng làm nơi tổ chức lễ hội, phía trước là ao làng được viền đá vỉa rất đẹp. Kiến trúc đình Tiền Huân được Giáo sư Nguyễn Bá Lăng ghi lại: “Vách đố lụa, hai tầng mái cong với đường bờ gắn gạch hộp hoa chanh, mái đao đắp diệp hoá long, đầu rồng thành ba nấc. Đầu đốc đắp hổ phù, hai bên chân dốc và đầu bờ dốc mái dưới đắp con sấu”. 
Đình Tiền Huân bị phá dỡ năm 1961, đến năm 2007-2008 mới được dựng phục lại phần đại bái và hậu cung, mãi đến năm 2014 mới làm tiền tế theo kiểu dáng trên nền cũ, năm 2018 mới nạo vét lại ao đình và lát gạch nền. Theo thời gian, theo dòng lịch sử, đình Tiền Huân với kiến trúc xưa nay không còn nữa, giờ đã được thay thế bằng ngôi đình mới trông rất khang trang, với vật liệu chủ yếu là bê tông sơn giả gỗ, kiến trúc mới này không có nhiều ý nghĩa về không gian văn hóa . Nhưng thật đặc biệt, phía trước đình vẫn còn hai đôi nghê cổ bằng đá rất đẹp và độc đáo, theo tôi đây là những hiện vật rất quý còn giữ lại được của một ngôi đình đã từng là tiêu biểu ở Xứ Đoài.
Nghê là hình ảnh rất đỗi thân quen với người Việt, nhưng hiện nay lại ít người hiểu về nghê. Nghê là con vật linh, là biểu tượng của trí tuệ, quyền uy, dũng mãnh, tôn nghiêm, linh thiêng, trung thực và may mắn. Bản thân chữ nghê 貎 trong tiếng Hán gồm bộ Khuyển犭 (chó) và chữ Nhi倪 (trẻ con) hợp thành. Nghê đầu rồng biểu tượng cho sự chính trực. Nghê mình chó biểu tượng cho sự trung thành. Nghê đầu rồng, đuôi rồng chầu mặt trời lại mang tính dũng mãnh, uy nghiêm. Nghê đội giá sớ, nghê có xoắn ốc trên mình (giống xoắn ốc trên đầu Phật) biểu tượng của lửa, sấm chớp, mặt trời, của chữ Vạn trong nhà Phật...
Trải qua nhiều thời kỳ, nghê cũng được người ta hình tượng hóa, tâm linh hóa phong phú hơn, kết hợp với những bàn tay người thợ tài hoa luôn sáng tạo, nên giờ chúng ta bắt gặp nghê trong nhiều hình thái khác nhau. Người ta gặp những con nghê hồ hởi trên các cổng làng, cổng xóm có khi cũng ở ngay trên cổng nhà, cổng chùa, trên lan can tay vịn các dinh thự, cung điện. Nghê cung kính đứng nơi đền miếu và lăng tẩm đã bao đời nay. Có loại nghê như những con chó cảnh, con sư tử nhỏ, lại có con nghê như những con chó săn…
Hai đôi nghê ở trước đình Tiền Huân là những linh vật tiêu biểu đại diện cho văn hóa Việt. Một đôi béo tốt miệng rộng chầu vào trong đình, đó là biểu tượng những ước muốn của người dân. Một đôi lanh lẹn, dũng mãnh quay ra phía ngoài đó là linh vật bảo vệ dân làng.
Muốn hiểu sâu hơn về đôi nghê đá này, ta phải hiểu được các quan niệm truyền thống của người xưa. Người xưa quan niệm rồng đứng đầu trong tứ linh nên rồng có ảnh hưởng không nhỏ trong đời sống tâm linh của người dân và liên quan mật thiết đến chính trị, kinh tế, văn học nghệ thuật, phong tục dân gian. Người xưa còn có quan niệm rồng sinh chín con (Long sinh cửu tử), là chín loài thần thú nhưng không phải rồng. tùy vào tính cách của mỗi con mà người ta dùng trang trí ở những nơi khác nhau như mái hiên, nóc nhà, lan can, vũ khí, chiến thuyền... Theo sách "Hoài Lộc Đường Tập" của Lý Đông Dương (1447-1516), tên của chín con của rồng lần lượt là: 1-Bá Hạ; 2- Li Vẫn; 3- Bồ Lao; 4-Bệ Ngạn; 5-Thao Thiết; 6-Công Phúc; 7-Nhai Xải; 8-Toan Nghê; 9-Tiêu Đồ 
Bá Hạ là con trưởng của rồng, còn có tên khác là Quy Phu, Điền Hạ hay Bí Hí. Linh vật có hình dáng thân rùa, đầu rồng, có sức mạnh vượt bậc, chịu được trọng lượng lớn nên thường được chạm khắc trang trí làm bệ đỡ cho các bệ đá, cột đá, bia đá... 
Li Vẫn là con thứ hai của rồng, còn có tên gọi là Si Vĩ hay Si Vẫn. Linh vật có đầu rồng, miệng rộng, thân ngắn, thích ngắm cảnh và thường giúp dân diệt hỏa hoạn nên được chạm khắc làm vật trang trí trên nóc các cung điện cổ, chùa chiền, đền đài…
Bồ Lao là con thứ ba của rồng. Linh vật thích âm thanh lớn, thường được đúc trên quai chuông với mong muốn chiếc chuông được đúc có âm thanh như ý muốn.
Bệ Ngạn là con thứ tư của rồng, còn có tên gọi khác là Hiến Chương. Linh vật có hình dáng giống hổ, răng nanh dài và sắc, có sức thị uy lớn, thích lý lẽ và có tài cãi lý đòi sự công bằng khi có bất công, nhờ vậy bệ ngạn thường được đặt ở cửa nhà ngục hay pháp đường, ngụ ý răn đe người phạm tội và nhắc nhở mọi người nên sống lương thiện.
Thao Thiết là con thứ năm của rồng. Linh vật có đôi mắt to, miệng rộng, dáng vẻ kỳ lạ, rất phàm ăn nên được đúc trên các đồ dùng trong ăn uống.
Công Phúc là con thứ sáu của rồng. Linh vật này thích nước nên được khắc làm vật trang trí ở các công trình hay phương tiện giao thông đường thủy như: cầu, rãnh dẫn nước, đập nước, bến tàu, thuyền bè… với mong muốn công phúc luôn tiếp xúc, cai quản, trông coi lượng nước phục vụ nhân dân.
Nhai Xải là con thứ bảy của rồng. Linh vật có tính khí hung hăng, thường nổi cơn thịnh nộ và ham sát sinh nên thường được chạm khắc trên các vũ khí như đao, búa, kiếm… ngụ ý thị uy, làm tăng thêm sức mạnh và lòng can đảm của các chiến binh nơi trận mạc.
Toan Nghê là con thứ tám của rồng. Linh vật có mình sư tử, đầu rồng, thích sự tĩnh lặng và thường ngồi yên ngắm cảnh khói hương tỏa lên nghi ngút nên được đúc làm vật trang trí trên các lò đốt trầm hương, ngụ ý mong muốn hương thơm của trầm hương luôn tỏa ngát.
Tiêu Đồ là con thứ chín của rồng. Linh vật có tính khí lười biếng, thường cuộn tròn nằm ngủ, không thích có kẻ lạ xâm nhập lãnh địa của mình nên thường được khắc ở những nơi cần sự yên tĩnh, ngụ ý răn đe kẻ lạ muốn xâm nhập nhằm bảo vệ sự an toàn cho chủ nhà.
Đôi nghê đá quay vào trong đình, với hình giáng thân thiện gần gũi. Có cái đầu với đôi mắt to, miệng rộng đặc trưng của Thao Thiết là con thứ năm của rồng. Thân hình được trạm khắc béo mập, dáng của một chú lợn trong dòng tranh dân gian Đông Hồ. Hình tượng được chắt lọc và điển hình hóa, được viền bởi những nét khắc chắc khoẻ mà mềm mại, không chỉ đẹp mà còn đúng về đặc điểm hình thể. Có xoáy âm dương được trang trí trên mình để thể hiện sự sinh sôi, phát triển có cái nhìn mang tính trang trí cao. Về tâm linh, nó thể hiện ước muốn của dân làng là bình an, no ấm, sinh sôi và phát triển.
Đôi nghê đá quay ra, đó là linh vật bảo vệ cho ngôi đình, được trạm khắc với hình tượng con Công Phúc là con thứ sáu của rồng. Theo truyền thuyết, nó là tổ tiên của con Tị Thủy Thú. Giống này đầu rồng, bốn chân và đuôi đều có vảy rồng, miệng rộng. Người ta quan niệm nó thường coi sóc sông ngòi bèn tạc hình của nó ở các công trình hay phương tiện giao thông đường thủy như trên thành cầu, đầu cầu, bến tàu, thuyền bè, ngòi rãnh dẫn nước, đập nước… với mong muốn Công Phúc tiếp tục cai quản, điều hòa lưu lượng nước, ngăn ngừa lũ lụt. Vì thế, ngoài ý nghĩa trang trí, nó còn hàm ý về sự bình yên. Nhưng đôi Công Phúc này đã được bàn tay người thợ tài hoa và giầu trí sáng tạo trạm khắc cái đầu rái cá cách điệu, mình rồng ẩn hiện trong họa tiết những đám mây vần vũ với những đường nét mền mại mà rất mạnh mẽ linh hoạt nhưng vẫn toát lên vẻ hồ hởi thân thiện. Một nét đặc trưng của nghê ở những ngôi đình Việt. 
Ở làng Tiền Huân, những cụ già bảy, tám mươi tuổi vẫn thường kể rằng. Khi mới lên năm, lên bảy, thường ra sân đình chơi và vẫn hay cưỡi nghê đá như các con cháu của họ. Nhà thơ Khuất Quang Thái, người làng Tiền Huân, trong bài thơ “Em có nghe”, ông đã viết:
“… 
Về đi em
Với trăng quê trong trẻo
Sân đình mấy độ nắng mưa.
Ơi! Rồng đá, ơi! Kỳ lân đá
Lưng mịn màng, yên ngựa tuổi thơ
…”
Ngày nay, ta gặp nghê đá ở nhiều ngôi đình được cung tiến vào là những linh vật ngoại lai, với những thân hình cơ bắp cuồn cuộn, trông rất dữ tợn. Ta gặp những linh vật được tạo tác hàng loạt với những khuân mẫu cứng nhắc, được gắn mác “nghê thuần Việt”. Ta gặp những linh vật được chế tác với rất nhiều hoa văn phô diễn, nhưng về văn hóa lại thiếu tính tâm linh đặc trưng của từng làng. Ngày nay, với sự hỗ trợ của những công cụ hiện đại, công việc của người thợ trở nên đơn giản hơn. Với phong trào phục dựng, tu bổ tôn tạo lại những ngôi đình. Rất nhiều người thợ có tay nghề cao, tiếc là họ thiếu hiểu biết về lịch sử, văn hóa tâm linh. Nên khi trùng tu, làm đẹp cho ngôi đình đã đánh mất đi giá trị cốt lõi của di tích. Trùng tu mà chỉ có thể gia cố lại phần xác trong khi đã mất đi phần hồn. Thì ta sẽ thấy hai đôi nghê cổ bằng đá ở đình Tiền Huân thực sự là những hiện vật vô cùng quý giá còn lưu giữ được, nó thể hiện rõ tư duy tâm linh, óc sáng tạo của người Việt. Giúp những nhà nghiên cứu, những người thợ chế tác tạo hình trên linh vật tìm ra tinh hoa của nghệ thuật dân tộc để phát huy, áp dụng vào những sáng tạo hiện đại.
Sơn Tây, tháng 8 năm 2018
Phạm Duy Trưởng