PHONG CÁCH HỌC VĂN TỰ (STYLISTIQUE GIAPHIEQUE): MỘT ĐẶC ĐIỂM CỦA NGÔN NGỮ HÁN

Bài viết của Phan Văn Các
Hình minh họa
Khác với các loại văn tự biểu âm là những hệ thống chữ viết dùng một số lượng hữu hạn các ký hiệu để tượng trưng cá biểu đạt (âm thanh) của ngôn ngữ không tính đến ý nghĩa, chữ viết biểu ý của tiếng Hán trái lại là một hệ thống văn tự có mối liên hệ chặt chẽ với cái được biểu đạt (nội dung ý nghĩa) của yếu tố ngôn ngữ.
Đó là mối liên hệ bản chất giữa ý nghĩa của các từ và từ tố với hình thể của các chữ vuông, từ lâu, mối liên hệ chiều xuôi này (ý nghĩa của từ ngữ quyết định hình thể chữ viết) đã được chú ý nghiên cứu. Công việc nghiên cứu đó đã được khởi đầu bởi nhà ngôn ngữ học Trung Hoa cổ đại nổi tiếng Hứa Thận (đời Hán) trong cuốn từ điển chữ Hán sớm nhất, Thuyết văn giải tự, trình bày theo hệ thống lục thư.
Lục thư không chỉ xét mặt ý nghĩa. Theo thống kê của Vương Quân đời Thanh thì trong Thuyết văn giải tự có 7697 chữ hình thanh (khoảng 82%) tức là những chữ tạo thành bởi hai yếu tố (một chỉ nghĩa, một chỉ âm)(1).
Việc nghiên cứu chiều ngược lại của mối liên hệ ấy - ảnh hưởng trở lại của chữ Viết biểu ý đối với bản thân ngôn ngữ - Hán dường như chưa được coi trọng đúng mức.
Ảnh hưởng này theo sự quan sát của chúng tôi biểu hiện trên ba phương diện sau đây:
Một là về từ vựng: nhờ có hình thể của chữ viết biểu ý, ngôn ngữ viết khắc phục được những trở ngại do hiện tượng đồng âm gây ra mà ngôn ngữ nói không thể nào khắc phục nổi. Trong tiếng Hán, số lượng các yếu tố đồng âm là rất lớn. Tân Hoa tự điển, loại tự điển nhỏ thông dụng ở Trung Quốc đã thu thập gần 40 chữ viết khác nhau cùng đọc là [Si]. Đó là nguyên nhân khiến các phát thanh viên tiếng Hán khi đọc các văn kiện thường phải dừng lại dấu ngoặc chú thích bằng cách nêu lên một từ ngữ thường dùng có chứa âm tiết ấy, thí dụ: [wén] [cīn wén dē wén] (văn trong tân văn) hoặc miêu tả cách viết chữ. Thí dụ: ba trợ từ kết cấu địa, đích, đắc đều đọc là [ta], khi cần phân biệt người ta phải nói: (地) (thổ + dã = địa) (的) (bạch + thược = đích)…
Hai là, cả về từ vựng lẫn về ngữ pháp, tiếng Hán hiện đại có khả năng và điều kiện bảo lưu rất nhiều thành phần thường rất ngắn gọn súc tích của tiếng Hán cổ (trong khẩu ngữ, khi thoát ly văn tự, chúng rất khó được bảo lưu). Do đó, khoảng cách ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết - vẫn có ở mọi ngôn ngữ - ở tiếng Hán lớn hơn rất nhiều. Nguyên nhân chủ yếu của văn tự Hán, thứ văn tự biểu ý có tính bảo thủ lớn, trên đại thể hầu như không bị chi phối bởi sự diễn biến ngữ âm trong lịch sử.
Và ba là, nổi bật hơn cả, trên cơ sở nền văn tự biểu ý tồn tại lâu dài đã hình thành một dạng phong cách học đặc biệt, phong cách học văn tự (stylistique graphique) bên cạnh các dạng phong cách học ngữ âm, phong cách học từ vựng, phong cách học ngữ pháp như vẫn thường thấy ở mọi ngôn ngữ.
Dưới đây thử nêu lên những loại hình biểu hiện chủ yếu của dạng phong cách học văn tự đó.
1. Hệ quả trực tiếp đầu tiên của phong cách học văn tự Hán là trò đố giải chữ. Những câu đố giải chữ kiểu
Lập tại song nhật bàng
Khước trường ám vô quang
(Đứng cạnh hai mặt trời
mà tăm tối suốt đời)

Đố chữ ám 暗 nghĩa là “tối”, gồm một chữ lập và hai chữ nhật) có thể xem là hình bóng của mô hình giải thch các chữ “hội ý” và “chỉ sự” trong thuyết văn giải tự với ít nhiều biến dạng.
2. Hệ thống lóng về các số đếm từ 1 đến 10 sau đây thực chất cũng là sản phẩm của một hình thức phong cách học văn tự (trò chơi hình chữ):
 nhất được thay thế bằng bình đầu (đầu chữ bình )
 nhị được thay thế bằng không công (chữ công bỏ trống)
 tam được thay thế bằng hoành xuyên (chữ xuyên nằm ngang)
 tứ được thay thế bằng trắc mục (chữ mục nghiêng)
 ngũ được thay thế bằng khuyết sửu (chữ sửu thiếu)
 lục được thay thế bằng đoan đại (chữ đại đứt)
 thất được thay thế bằng tạo để (đáy chữ tạo)
 bát được thay thế bằng phân đầu (đầu chữ phân)
 cửu được thay thế bằng vị hoàn (chưa thành chữ hoàn)
 thập được thay thế bằng điền tâm (lòng chữ điền )
3. Do đặc điểm của chữ Hán, người ta phát minh ra một lối thơ độc đáo, thơ chiết tự. Giai thoại văn học Việt Nam từng lưu truyền một bài thơ thách đố chiết tự hóc búa:
Lưỡng nhật bình đầu nhật,
Tứ san điên đảo san.
Lưỡng vương tranh nhất quốc,
Tứ khẩu tung hoành gian.
(Hai mặt trời bằng đầu
Bốn ngọn núi điên đảo
Hai vua tranh một nước
Bốn miệng cói dọc ngang)

mà lời giải thích chính là một chữ “điền” 田
Đây là một trò chơi trí tuệ khá thú vị.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng viết một bài thơ “chiết tự” như vậy:
Tù nhân xuất khứ hoặc vi quốc,
Hoạn quá đầu thời thủy kiến trung.
Nhân hữu ưu sầu ưu điểm đại,
Lung khai trúc sản, xuất chân long.

Ý Nghĩa của bài thơ gắn sát với hoàn cảnh thực của tác giả lúc bấy giờ.
Người tù ra khỏi ngục, có khi dựng nên đất nước,
Qua cơn hoạn nạn mới thấy rõ lòng trung. Người biết lo lắng thì ưu điểm lớn,
Nhà lao mở cái than tre, thì con rồng chân chính sẽ bay ra.
Nhưng cái thần tình của bài thơ lại phải theo phép “chiết tự” mà cảm thụ:
Chữ tù 囚 bỏ chữ Nhân 人 ra, thêm chữ hoặc 或 vào, thành chữ quốc國 ;
Chữ hoạn 患 bớt phần đầu đi thành chữ trung 忠 ;
Thêm nhân (đứng) 亻 vào chữ ưu trong ưu sầu thành chữ ưu 優 trong ưu điểm;
Chữ lung 籠 bỏ trúc đầu thành chữ long 龍 .
Nhiều bài thơ Sấm cũng có thể coi là một dạng đặc biệt của thơ chiết tự này.
4. Một khía cạnh khác của phong cách học văn tự (Hán) thường được khai thác nữa là tự dạng của câu thơ.
Đây là câu thơ của Vương Duy miêu tả cây phù dung đang bắt đầu nở hoa:
Mộc mạt phù dung hoa
木 末 芙 蓉 花 
(Ngọn cây, hoa phù dung)

Dạng chữ thể hiện quá trình phát triển của cây hoa mà người đọc có thể cảm nhận bằng thị giác: một chữ mộc, đến một chữ mộc bị chắn đầu thành chữ mạt, hai bộ thảo tiếp theo, và cuối cùng là một chữ hoa tương hình một đóa hoa đang nở.
Lôi đình không tích lịch
雷 霆 空 霹 靂 
Vân vũ cánh hư vô
雲 雨 竟 虛 無 
(Sấm sét chỉ ùng oàng suông,
Mây mưa rốt cuộc đều không có)

Một loạt chữ có bộ “vũ” ở trên đầu nối tiếp nhau đến một chữ vũ,nhưng cuối cùng là chữ “vô” với bốn chấm ở dưới chính là một bộhỏa (lửa).
Ngục trung nhật ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở bài Nạn hữu nguyên Chủ nhiệm L có câu:
Kim tiền lô lí chú tù thi
金 錢 爐 裡 鑄 囚 詩 
(Trong lò đức tiền, nay đúc thơ tù).

Một loạt các bộ kim trong các chữ kim, tiền, chú gợi lên cái ý “tham vàng bỏ ngãi” về người tù kinh tế nói tới trong bài thơ.
5. Phong cách học văn tự Hán thể hiện rõ nhất ở một số chủng loại văn bản đặc sắc gồm các đề từ, hoành phi, câu đối. Đặc điểm chung của những văn bản này là hết sức cô đọng. Với một số chữ tiết kiệm tới mức tối đa, thậm chí có lúc chỉ còn lại một hai chữ, chúng thường gợi nhiều hơn là tả. Chúng khơi dậy cái chiều dầy của ngôn ngữ tiềm ẩn trong ký ức của người đọc thông thái nhưng nhiều lúc trở thành những câu đố hiểm hóc. Mức độ hiểm hóc càng tăng khi nó kết hợp với những yêu cầu thẩm mỹ độc đáo của chữ Hán.
Giả thiết ta có một văn bản cần giải mã như sau:
李 會 1
Điều đập vào mắt ta là tính cân xứng của văn bản. Ta hiểu lý do khiến tác giả sử dụng biến thể của chữ đào với cách ghép dọc bộ mộctrên chữ triệu, thay cho cách ghép ngang bộ mộc bên phải chữ triệu,như thường viết 桃 . Lý do ấy nằm ở thế đối xứng lưỡng trắc của bản thân nó 桃 đồng thời nằm ở thế đối xứng của nó với chữ lí cũng có bộ mộc ở trên chữ tử. Chữ hội với thế cân xứng tự nhiên của nó được đặt vào giữa làm cái trục đối xứng của tác phẩm. Và khác với trật tự quen thuộc của chữ Hán là đọc từ phải sang trái, ở đây văn bản được giải mã theo trình tự đọc từ chữ hai bên trước rồi cuối cùng đến chữ giữa là đào lý hội (đào mận sum họp: hình ảnh truyền thống để ca ngợi nhà giáo có môn đệ động đúc).
Một trường hợp khác không kém lý thú là một đôi câu đối theo lối chữ triện trên khung kính hai cánh cửa của một thư phòng mà chủ nhân có dụng ý dùng toàn những chữ viết có cấu tạo đối xứng để cho mọi người ra vào du từ mặt phải hau mặt trái đều đọc được như nhau:
Kim giảm ngọc sách tự thượng cổ
(Thẻ vàng sách ngọc từ thượng cổ).
Thanh sơn bạch vân đồng tố tâm
(Non xanh mây trắng cùng tố tâm)

Đến đây, nội dung phong cách học văn tự đã rất gần gũi với thư pháp mỹ thuật, một bộ môn nghệ thuật Trung Hoa độc đáo, nhưng đã vượt ra khỏi phạm vi của ngôn ngữ học.
PVC
---


Chú thích:
(1) Trong quá trình phát triển của văn tự Hán đã xuất hiện một tỷ lệ khá lớn những yếu tố biểu âm ở một mức độ nhất định. Đó là những “thanh bàng”. Tuy nhiên, thống kê tren tám ngàn chữ của Tân Hoa tự điển cho biết tỷ lệ biểu âm hữu hiệu của “thanh bàng” tương đối thấp. Nếu bỏ qua thanh điệu, tỷ lệ ấy là 39%. Nếu đòi hỏi nghiêm ngặt cả thanh điệu thì tỷ lệ ấy còn thấp hơn nhiều. Chỉ có một thanh bàng duy nhất đạt được chỉ số biểu âm 100%, đó là hoàng1 皇 giữ nguyên giá trị biểu âm hoàng (trong tiếng Hán là [huáng] ở cả 14 chữ chứa nó (喤 hoàng2 = tiếng chuông trống, tiếng trẻ khóc 潢hoàng3 Sông Hoàng, phát nguyên ở Thanh Hải, chảy vào Cam Túc; 惶 hoàng4 = kinh hoàng, sợ hãi; 隍 hoàng5 = hào cạn bên ngoài thành; 煌 hoàng6 sáng láng, huy hoàng; 徨 hoàng7 = quẩn quanh, bàng hoàng; 鍠 hoàng8 = tiếng chuông; 蝗 hoàng9 = hoàng trùng, sâu cắn lúa; 鰉 hoàng10 = cá ngạo; 篁 hoàng11 = tre, 遑 hoàng12 = nhàn hạ, rỗi rãi; 凰 hoàng13 = phượng hoàng; 餭 hoàng14 = một thứ bánh bột mì; 艎 hoàng15 = một loại thuyền gỗ.
1

TB