SÁCH HÁN NÔM Ở NƯỚC NGOÀI

SÁCH HÁN NÔM Ở NƯỚC NGOÀI
Sách Hán Nôm của ta, những thư tịch và tài liệu bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm chủ yếu do người nước ta soạn thảo từ 1945 trở về trước, vì nhiều nguyên nhân phức tạp, một bộ phận đã tản lạc ra nước ngoài. Nguyện vọng chung của giới nghiên cứu Hán Nôm trong nước cũng như ngoài nước là làm sao để toàn bộ số sách Hán Nôm này sớm quy về một mối, vì lợi ích khoa học.
Trước khi đạt tới một tình hình lý tưởng như vậy, suốt nhiều năm qua, đã có những nổ lực nhằm sưu tầm, kiểm kê, giới thiệu số sách Hán Nôm hiện tàng trữ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là ở Nhật, ở ý, ở Pháp.
Về sách Hán Nôm Việt nam ở Nhật, có bài Đông Dương văn khố An Nam bản mục lục, in kèm theo sau bản thư mục Triều Tiên Đông Dương văn khố Triều Tiên bản phân loại mục lục, xuất bản tại Nhật năm Chiêu Hoà XIV (tức năm 1939). An nam bản mục lục cho biết tại Đông Dương văn khố của Nhật hồi bấy giờ có tất cả 104 tác phẩm Hán Nôm Việt Nam được xếp thành bốn cụm Kinh, Sử, Tử, Tập(1). Nay xem lại, trừ đi những tác phẩm Trung Quốc đưa nhầm vào đây nhưViệt Kiệu thư(2), Thanh Khâu Cao tiên sinh thi tập(3), hoặc tác phẩm Trung Quốc do người nước ta trùng san như Kinh dịch, Kinh Xuân thu… số còn lại với khoảng 90 tác phẩm đều đúng là sách do người Việt Nam soạn thảo, trong đó có những bản sách quý như Hồng Đức bản đồ (phụ toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư; Giáp ngọ niên bình Nam đồ; Cảnh Thịnh tân đồ; Cao Bằng phủ toàn đồ; Mục Mã trấn doanh đồ), bản viết tay; Truyền kỳ mạn lục bản in năm Vĩnh Thịnh VII, tức 1712; Vân đài loạn ngữ, Bản viết tay, 9 quyển; Ức trai tập,bản Dương Bá Cung biên tập năm Tự Đức XXI, tức 1868, 6 quyển v.v…
Về sách Hán Nôm ở ý, có bài Annamitische Xaverius literatur của một người Đức tên là Schurhammer đăng trên tạp chí tiếng ĐứcMissionswissenschaftliche Studien, tr. 300 - 314, năm 1951. Trong bài viết này, Schurhammer với sự cộng tác của Trần Văn Huy người Việt Nam, đã sơ bộ giới thiệu 24 tác phẩm viết tay bằng chữ Nôm hoặc chữ Quốc ngữ, dưới ký hiệu Codici Borgiani Tonchinesi, tại Thư viện Toà thánh Vatican ở ý. Riêng về mặt chữ Nôm, bản thư mục của Schurhammer có nêu hai tác phẩm đáng chú ý, đó là Lễ missa, dầy gần 200 trang, soạn vào đầu thế kỷ XIX (thời Gia Long), và Các việc đạo đức và tu đức, dày hơn 500 trang, chưa rõ năm biên soạn(4). Năm 1960 Việt Nam khảo cổ tập san số 1, xuất bản tại Sài Gòn, in bài Sưu tầm tài liệu cổ tại Âu châu của Nguyễn Khắc Xuyên, qua đó bổ sung thêm được 10 tác phảm Nôm cho bản thư mục sách Hán Nôm tàng trữ tại Thư viện Toà thánh Vatican mà Schurhammer còn bỏ sót. Trong danh mục bổ sung này, có những sách đáng chú ý như 1 bộ gồm 7 tập bằng chữ Nôm: Tội nhân giám, Hối tôi, Sửa lưỡi, Huyền diệu hoa viên, Thổi loa đánh thức kẻ mê ngủ, Ba vua đi lạy Đức Chúa Chi Thu; Bản tuyên ngôn của Giáo sĩ miền Bắc Việt Nam gửi Toà thánh năm 1772; Thánh giáo yếu lý Quốc ngữ do Pigneauxde Béhaine soạn bằng chữ Nôm, in tại Quảng Đông, Trung Quốc, năm 1774; Phúc âmbản viết tay bằng chữ Nôm, do một viên Thừa sai thế kỷ XVIII soạnl; 1 tập thơ bằng chữ Nôm, do Linh mục Bỉnh soạn(5)…
Về sách Hán Nôm tại Pháp, cũng đã có một số công trình điều tra và giới thiệu. Đáng chú ý nhất là bài Girolamo Maiorica, ses oeuvre en langue vietnamienne conservées à la Bibliothèque nationale de Pariscủa Hoàng Xuân Hãn, đăng trên tạp chí Archivum Historium Societatis Jesu, tập 22, tr 203 - 214, phát hành tại Roma năm 1953; bàiQuốc dân đồ thư quán sở tàng An Nam bản thư mục của Yamamoto (Sơn Bản Đạt Lang) người Nhật đăng trên Đông Dương học bác số 1, tập 36, tr. 78 - 107, phát hành tại Tokyo năm 1953; và bài Á Tế Á Hiệp hội Sở tàng An Nam bản thư mục cũng của Yamamoto, đăng trênĐông Dương văn hóa nghiên cứu sở kỷ yếu số 5, tr. 310 - 352, Tokyo, 1954. Bài của Hoàng Xuân Hãn chủ yếu là giới thiệu 14 trong tổng số khoảng 50 tác phẩm viết tay của Maiorica bằng chữ Nôm đang tàng trữ tại Thư viện Quốc gia Paris. ở đây có những bản Nôm đã xác định được niên đại, như Thiên chúa thánh giáo hối tội kinh, 108 trang, viết năm 1634; Thiên Chúa thánh mẫu gồm 2 tập, tập I dày 112 trang, tập II dày 182 trang, 1635; Ông thánh Inaxu truyện, trang 112 trang, 1646; Ông thánh Pkanixico Xaviê truyện, 38 trang, 1646; Chuyện Đức Chúa Chi Thu, 104 trang, 1668 v.v… Mỗi tài liệu như thế có thể xem là một cái mốc quan trọng để nghiên cứu sự phát triển của chữ Nôm, cũng như lịch sử tiếng Việt. Bài Quốc dân đồ thư quán sở tàng An Nam bản thư mục của Yamamoto nhằm mục đích trình bày số sách của Việt Nam, chủ yếu là sách Hán Nôm, hiện tàng trữ tại Thư viện Quốc gia Paris. Theo Yamamoto, ở đây có cả thảy 65 bản sách chữ Hán với ký hiệu A, và 108 bản sách chữ Nôm với ký hiệu B, trong đó bao gồm 14 tác phẩm chữ Nôm của Maioria mà Hoàng Xuân Hãn đã giới thiệu. Bài Á Tế Á Hiệp Hội sở tàng An nam bản thư mục của Yamamoto chủ yếu giới thiệu số sách Hán Nôm hiện có ở Thư viện Hiệp hội Châu Á. ở đây có khoảng 150 tác phẩm Hán Nôm do H.Maspéro hiến vào Thư viện Hiệp hội Châu Á, và khoảng 100 tác phẩm Hán Nôm đến từ các nguồn khác.
Ngoài các bản thư mục của Hoàng Xuân Hãn và Yamamoto, tập trung vào hai thư viện lớn tại Paris là Thư viện Quốc gia và Thư viện Hiệp hội Châu á, còn có thể kể những phát hiện tuy không lớn lắm nhưng khá lý thú của Nguyễn Khắc Xuyên và tiếp đến là Nguyễn Tài Cần cùng N.V Stankievich tại Văn khố của hội Thừa sai ngoại quốc Paris. Nguyễn Khắc Xuyên, vẫn trong bài Sưu tầm tài liệu cổ tại Âu phẩm Nôm hoặc liên quan tới Nôm, đó là cuốn Thánh giáo yếu lý Quốc ngữ của Pigneaux de Béhaine mà Nguyễn Khắc Xuyên từng thấy tại Thư viện Toà thánh Vatican, và cuốn Vocabularium Anmitico Latinum mà Nguyễn Khắc Xuyên chưa xác định được tác giả cũng như năm biên soạn(6). Còn Nguyễn Tài Cẩn và N.V Stankievich, với bài Về một số văn bản thế kỷ XVII - XVIII vừa phát hiện được ở một kho lưu trữ tại Pháp đăng trên báo Tổ quốc số Tết, 1983, đã giới thiệu khá tường tận tình hình tài liệu viết bằng chữ Quốc ngữ và chữ Nôm vào các thế kỷ XVII - XVIII hiện tàng trữ tại Văn khố của Hội Thừa sai ngoại quốc Paris. Nhưng bài viết đã không nêu tên các tư liệu hoặc tác phẩm cụ thể.
Cuối năm 1984, nhân dịp sang công tác 2 tháng (15-9 - 15-11) tại Pháp, chúng tôi đã dành một số thì giờ để đi các thư viện, tiếp tục việc tìm hiểu tình hình thư tịch và tài liệu Hán Nôm hiện tàng trữ ở nước ngoài.
Tại Thư viện Quốc gia Paris (Bibliothèque Nationale, 58. Rue de Richelieu, 75002 Paris), số sách Hán Nôm hiện có đã vượt quá con số mà Yamamoto công bố trước đây. Theo Catalogue của Thư viện(7), số sách chữ Hán mang ký hiệu A hiện đã lên tới 75 cuốn so với 65 cuốn theo thư mục Yamamoto; và số sách chữ Nôm mang ký hiệu B hiện đã lên tới 131 cuốn so với 108 cuốn theo thư mục Yamamoto. Còn được biết thêm rằng sách Hán Nôm trong Thư viện Quốc gia chủ yếu do hai nguồn cung cấp: một là tủ sách gia đình của Pelliot, và hai là tủ sách gia đình của Madrolle.
Tại Thư viện Hiệp hội Châu Á (Société Asiatique, 22/ Avenue du Président - Wilson, 75116 Paris), chúng tôi thấy có một mảng sách Hán Nôm chưa có mặt trong Á Tế Á Hiệp hội sở tàng An Nam bản thư mục của Yamamoto. Mảng thư tịch này gồm trên dưới 80 tác phẩm nguyên là sách của Thư viện Demiéville đưa vào Hiệp hội châu á. ở đây có những tác phẩm thuộc loại quý hiếm mà Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện nay vẫn chưa có, như Đại Việt sử ký toàn thư (Nội các quan bản) gồm 1 sách, 19 quyển, có khả năng là bản in gần gủi nhất với bản Chính Hoà mười tám (1697); Tam thời lễ kính nghi  Trai thời cung dưỡng quán tưởng nghi thức đều là sách in dưới thời Tây Sơn, Cảnh Thịnh thứ năm (1797); sách khảo sát phong tục, tập quán cùng những chuyện kỳ lạ ở một số địa phương như Bắc Ninh tỉnh khảo dị, Hà Đông tỉnh Hoài Đức phủ khảo dị, Dịch Vọng Tiền xã đệ niên tục lệ, Nam Định tỉnh khảo dị, Thanh Hóa tỉnh khảo dị, Thanh Hóa tỉnh tục lệ chí dị… phần nhiều được biên soạn dưới thời Khải Định. Tất cả 80 tác phẩm thuộc Thư viện Demiéville đưa vào Hiệp hội châu á đều chưa lên ký hiệu, và dường như vẫn giữ nguyên cách sắp xếp khi chúng còn ở tủ sách gia đình của Demiéville.
Tại Văn khố của Hội Thừa sai ngoại quốc Paris (Séminaire des missions etrangères, 128. Rue du Bac, 75341 Paris), ngoài tình hình chung về tư liệu Hán Nôm mà những người đi trước đã cung cấp, chúng tôi còn có dịp tìm hiểu kỹ thêm hai bản thảo viết tay có liên quan tới chữ Hán, chữ Nôm của Pigneaux de Béhaine, tức Bá Đa Lộc. Trước hết, đó là cuốn từ điển Anamitico - Latinum, dày 752 trang (64 + 4 + 664), cỡ 34,5 x 24cm. Ngay đầu tập bản thảo có ghi dòng chữ bằng tiếng La tinh: “Vocabularium Anamitico - Latinum. Authore M.R.D. Petro -Josepho-Georgio Pigneau gallo e Seminario parisiensi Missionum ad Exteros, episcopo Adranensi, Vicario opostolico Cocineinae, Cambodinae et Ciampae qui obiit 9 Oetobris 1799” (Cuốn từ điển Việt - La tinh, tác giả là ông R.D. Petro -Josepho-Georgio Pigneaux, người của Chủng viện Paris thuộc Hội Truyền giáo nước ngoài khâm mạng Toà thánh nam Kỳ, Campuchia và Chàm, mất ngày 9 - 10- 1799). Người viết những dòng chữ này theo ông J.Guennou(8), là M.Boiret (1734 - 1813), đến miền Nam nước ta vào tháng 1-1765. Điều này khẳng định tác giả cuốn từ điển Anamitico - Latinum là Pigneaux de Béhaine, chứ không phải là ai khác. Cuốn tập bản thảo, lại có ghi dòng chữ cũng bằng tiếng La tinh: “Huic operi coepto septembri mense annimillesimi septingentesimi septuagesimi secundi extrema accessit manus mense junio insequentis anní” (Bộ từ điển được khởi thảo từ tháng 9-1772 đến tháng 6-1773 thì hoàn thành). Điều này cho thấy niên đại biên soạn tác phẩm là 1772 - 1773. Trong bức thư Pigneaux gửi Borgia ngày 15-5-1773 có đoạn đại ý nói: “Trong những ngày này, tôi đã hoàn thành một bộ từ điển bao gồm toàn bộ chữ Nôm Nam Kỳ với cách đọc La tinh và nghĩa La tinh của nó. Công việc này đã làm tôi bận rộn suốt 11 tháng, với sự cộng tác của 8 người Nam Kỳ”(9). Đây lại là một tư liệu nữa để xác định tác giả và niên đại cuốn từ điển Anamitico – Latinum. Tác phẩm thứ hai chúng tôi muốn đề cập tới là bộ sách Chinois -Annamite-Latin của Pigneaux, cũng ở dạng viết tay, dày 906 trang (852 + 16 + 38) khổ 28,5 x 19cm, thuộc loại từ điển đối chiếu giữa 3 thứ tiếng Trung Quốc, Việt Nam, và La tinh. Tiếng Việt ở đây được ghi bằng âm đọc La tinh mà ta quen gọi là chữ Quốc ngữ. Bức thư Pigneaux dẫn trên kia còn có đoạn đại ý nói: “Tôi đã dành trọn 7 năm qua để học tiếng Trung Quốc và tiếng Việt Nam, cả 2 thứ tiếng này bây giờ đối với tôi đã trở thành quen thuộc, khiến tôi đọc sách khá dễ dàng…”(10). Ta có thể nghĩ bộ sách Trung - Việt - La tinh được khởi thảo ngay sau khi cuốn từ điển Anamitico –Latinum hoàn thành.
Ngoài các thư viện kể trên, ở Pháp còn một số cơ sở khác nữa có tàng trữ sách Hán Nôm mà từ trước tới nay chưa mấy ai chú ý(11) như Trường Viễn đông Bác cổ, Trường Quốc gia Sinh ngữ và Văn minh phương Đông, Bảo tàng Guimet, Kho lưu trữ Hải ngoại ở Aixen Provence…
Tài Trường Viễn đông Bác cổ Pháp (Ecole francaise d’ Extrême - Orient, 22. Avenue du Président - Wilson, 75116 Paris), ngoài số vi phim thực hiện trước khi trường này rút khỏi Hà Nội, còn có khoảng 60 tác phẩm Hán Nôm, trong đó có nhiều bản tuồng cổ chép tay và một số sách mà Thư viện Viện Hán Nôm hiện nay chưa có. Tuồng cổ chép tay nh Hoa Thiên Bảo diễn truyện, 4 hồi, 4 sách, 136 trang (46 + 40 + 28 + 22), 29 x 15cm; Lưỡng quốc trá hôn? 3 hồi, 3 sách 138 trang (48 + 46 + 44), 29 x 16cm; Lão bạng sinh châu diễn truyện, 2 hồi, 2 sách, 80 trang (38 + 42); 29 x 16cm; Từ hải đồng xuân diễn truyện, 60 trang, 32 x 21cm; Đinh Lưu Tú diễn truyện, 3 hồi, 3 sách, 109 trang (21 + 16 + 32); 29 x 15cm; Gia ngẫu diễn truyện, 11 hồi, 11 sách ;Đường chinh Tây diễn truyện, 23 hồi, 23 sách v.v… Sách Viện Hán Nôm hiện nay chưa có như Quế Dương, Mậu Hoà xã hương lệ, còn mang ký hiệu cũ của Trường Viễn đông Bác cổ Hà Nội, (từ đây trở xuống viết tắt là TVĐBCHN) là A.736, 158 trang, 31 x 22cm; toàn Hán, chữ viết, biên soạn từ năm Chính Hòa đời Lê đến năm Thành Thái đời Nguyễn; Dương Liễu hương bạ, còn mang ký hiệu cũ của TVĐBCHN là A. 736, 50 trang, 33 x 22cm; toàn Hán, chữ viết, biên soạn từ năm Cảnh Hưng đời Lê đến năm Gia Long đời Nguyễn;Dương liễu Quế Dương, Mậu hoà tạo đình bi ký, còn mang ký hiệu cũ của TVĐBCHN là A. 737, 48 trang, 33 x 22cm, toàn Hán, chữ viết, biên soạn từ năm Chính Hoà đời Lê đến năm Tự Đức đời Nguyễn; Bắc Ninh tỉnh Tiên Du huyện Phù Đổng tổng các xã Phù Đổng, Phù Dực thần sắc, còn mang ký hiệu cũ của TVĐBCHN là Ada.7, 82 trang, 32 x 22cm, toàn Hán, chữ viết biên soạn dưới thời Lê - Tây Sơn. Phan Trần truyện trùng duyệt, còn mang ký hiệu cũ của TVĐBCHN là AB.418, 62 trang, 22 x 12 cm, vừa Hán vừa Nôm, chữ in; Hoài Nam ký của Hoàn Quang, 50 trang, 30 x 21 cm, vừa Hán vừa Nôm, chữ viết ; Điểm huyệt châm cứu, 180 trang, 24 x 14cm, toàn Nôm, chữ viết. Ngoài ra còn 2 bộ bản thảo Đại Nam thực lục chưa in, một bộ là Thực lục đệ lụckỷ phụ biên viết tay, 29 quyển, 13 sách, 1692 trang (114 + 76 + 120 + 148 + 152 + 162 + 122 + 138 + 118 + 138 + 124 + 142 + 138), 26 x 15 cm, do Hồ Đắc Trung cùng một số người khác ở Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn vào năm Khải Định bảy (1922); và một bộ là Thực lục đệ thất kỷ chính liên viết tay, 10 quyển, 10 sách, 1492 trang (204 + 196 + 112 + 134 + 142 + 130 + 138 + 156 + 138 + 142), 26 x 15cm, do Phạm Quỳnh và một số người khác cũng ở Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn vào năm Bảo Đại mười bốn (1939).
Tại trường Quốc gia Sinh ngữ và Văn minh phương Đông (Ins- đitut national des langues et civilisations orientaless, 4. Rue de Lille, 75007 Paris) có khoảng 70 tác phẩm Hán Nôm, trong đó phú Nôm và truyện thơ Nôm chiếm khối lượng nhiều. Cũng có những bản ngày nay đã trở thành quí hiếm như Chiêu Quân cống Hồ MN. VI, 14, Dương Ngọc cổ tích MN. VII.7, Địa tạng bản hạnh MN. IX . 5, Hải Nam tế văn MN. IX. 4, Hứa Sử tân thi MN. IX. 14, Kim Nhan từ tập MN. VI, 4 Lâm Sinh tân thi MN. VI. 14, Minh nghĩa giáo thiên MN. IX. 11, Nam Kinh Bắc Kinh truyện MN. VII. 55, Nữ Lưư tướng truyện MN. IX 4, Ngọc cam ngọc khổ thi MN. VI. 13, Ngọc Thoa cổ tích truyện MN. IX. 4 Ông Ninh cổ truyện MN. IX. 14, Quốc sắc thiện hương thi tập MN. IX .6, Sãi vãi thi tập MN. VII. 35, Tam nương thi tập MN. VI. Thuý Sơn Mộng ký MN. 13, Trinh thử truyện MN. IX. 12, Tống Tử Vưu truyện MN. VI, 13, Trương Ngáo truyện MN. VII.7, Trương Ngộ diễn ca MN. VII. 7, Tứ linh truyện MN. IX. 11 v.v…
Tại Bảo tàng Guimet (Musée Guimet, 6. Place d’Iéna, Paris 16 e) có khoảng 40 tác phẩm Hán Nôm mang ký hiệu M.G. Không có gì thật đặc biệt, ngoài phần lớn là sách giáo khoa, rồi đến các môn như sử, triết, địa lý, thơ văn, bói toán…
Tại kho lưu trữ Quốc gia, bộ phận Hải ngoại ở Aix en Provence thuộc miền Nam nước Pháp (Archives nationales, Section Oatre-Mer, Dépôt d’.Aix en Provence, Chemin du Testas, les Jenouillères 13100 Aix en Provence)(12), bước đầu tìm thấy một số tài liệu Hán Nôm trong 12 tập hồ sơ thuộc triều Thành Thái và 1 tập hồ sơ thuộc triều Duy Tân.
Hồ sơ thuộc triều Thành Thái gồm:
Tập 1 - Hà Nội: Báo cáo của các quan tỉnh gửi viên Kinh lược (Rapport des mandarins provinciaux au Kinh lược, 1890 - 1891), ký hiệu F. 68 (31), với khoảng 140 văn kiện soạn thảo bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm, nội dung nói về tình hình trật tự trị an ở tỉnh Hà Nội trong các năm 1890 - 1891.
Tập 2 - Cao Bằng: báo cáo của các quan tình gửi viên Kinh lược với khoảng 15 văn kiện soạn thảo bằng chữ Hán, nội dung nói về tảo trừ “giặc giã”, “trộm cướp” ở một số nơi thuộc tỉnh Cao Bằng.
Tập 3 0 Hải Phòng: báo cáo của các nhà chức trách bản xứ gửi viên Kinh lược (Rapports des autorités indigènes au Kinh lược) ký hiệu F. 68 (30) - F. 6 (35), gồm một số tờ trình bằng chữ Hán, nói về việc trừng trị bọn cướp của giết người trong năm 1891 tại Hải Phòng.
Tập 4 - Chợ Bờ: Báo cáo của các nhà chức trách bản xứ gửi viên Kinh lược (Rapports des autorités indigènes au Kinh lược, 1891 - 1892), ký hiệu F. 68(30) - F. 6(34), gồm 3 văn kiện nói về việc giết Đốc Ngữ, đánh đuổi giặc Na Lựu, với viên Chánh tướng là Hồ, Phó tưởng là Hỷ.
Tập 5 - Lạng Sơn: Báo cáo của các nhà chức trách bản xứ gửi viên Kinh lược (Rapports des autorités indigènes au Kinh lược, 1891), ký hiệu F. 68 (32), gồm 2 văn kiện bằng chữ hán, nói về tình hình an ninh địa phương trong năm 1891.
Tập 6 - Quảng Yên: Tình hình cướp biển (Piraterie, 1891) ký hiệu F. 68 (33) - (38), gồm 44 văn kiện bằng chữ Hán, nói về tình hình đánh dẹp bọn cướp biển trong năm 1891 ở địa phương.
Tâp 7 - Công bố về tình hình cướp biển (Proclamations des Pirates, 1891) ký hiệu F . 68 (25), gồm 1 văn kiện bằng chữ Hán nói về giặc Khách. Báo cáo của Phiên sứ Dương Lâm.
Tập 8 - Một tập hồ sơ gồm 8 văn kiện bằng chữ Hán, ký hiệu F. 68 (26), trong đó, đáng chú ý là những tư liệu của phong trào Hoàng Thắng Lợi(13) - Nguyễn Triều Trung(14), với tờ Cáo thị đề năm Hàm Nghi thứ sáu (1891).
Tập 9 - Biên bản hỏi cung vụ Bạch Xỉ (Affaire Bacxi, interrogatoires,1895 - 1899), ký hiệu F.68 (183) - (186) gồm 8 xấp tài liệu bằng chữ Hán và chữ Nôm có liên quan tới phong trào Bạch Xỉ.
Tập 10 - Tư pháp bản xứ. Những bản án (Jutice indigène. Jugements, 1897 - 1898), ký hiệu G.3 (32), gồm khoảng 20 xấp tài liệu bằng chữ Hán, báo cáo xử các vụ án từ năm 1897 đến năm 1898 ở các nơi như Hà nam, Thái Bình, Nam định, Ninh Bình, Sơn Tây, Thái Nguyên, Tuyên Quang…
Tập 11 - Mưu đồ tấn công Hà Nội (Tentative d’attaque contre Hanoi, 1898 - 1899), ký hiệu F.6 (180) - F.68 (181) gồm khoảng 50 tập hồ sơ bằng chữ Hán và chữ Nôm, báo cáo các vụ nổi dậy chống Pháp ở tỉnh Hà Nội cũ. Đáng chú ý là phong trào Kỳ Đồng và một số thư nặc danh, một số đơn khiếu tố có liên quan.
Tập 12 - Sổ hộ tịch bản xứ (Registres de l’état civile indigène, 1905), ký hiệu D.81, tập sổ khai sinh và khai tử của tỉnh Nam Định trong năm 1905.
Ngoài các tập hồ sơ đời Thành Thái vừa nêu, còn có 1 tập hồ sơ thuộc đời Duy Tân, đó là:
Tập 13 - Đốc lệ và lính đệ (Doc-le et Linh-le, 1914) ký hiệu D.77, có một ít tài liệu bằng chữ Hán, nhưng không có gì thật đặc biệt.
Tất cả các tài liệu Hán Nôm đã tìm thấy ở Kho Lưu trữ Aixen Provence đều thuộc loại bản gốc; số tài liệu bằng chữ Hán nhiều hơn số tài liệu bằng chữ Nôm; và kèm theo mỗi tài liệu Hán hoặc Nôm đều có một bản dịch Việt, một bản dịch Pháp, hoặc một trong hai bản loại bản dịch đó.
Khoảng 300 tài liệu Hán Nôm vừa đề cập hẳn chưa phải là con số cuối cùng ở Kho lưu trữ Hải ngoại Aix en Provence. Với thời gian, hy vọng có thể còn phát hiện được nhiều hơn.
Theo một thoả thuận đã được ký kết trong chuyến công tác của chúng tôi tại Pháp, Trường Viễn Đông Bác cổ vào những năm tới sẽ có kế hoạch từng bước chụp tặng Viện Nghiên cứu Hán Nôm những tác phẩm quan trọng trong số các thư tịch và tài liệu giới thiệu trên(15).
Trần Nghĩa


CHÚ THÍCH
(1) Sách của Thư viện Trường Viễn đông Bác cổ Pháp, Paris.
(2) Việt Kiệu thư: Sách do Lý Văn Phượng, người Trung Quốc, triều Minh soạn.
(3) Thanh Khâu Cao tiên sinh thi tập: sách do Cao Khải, người Trung Quốc, triều Minh, soạn; Kim Đàn, người Trung Quốc, triều Thanh, chú thích.
(4) (5) Xem bài Sưu tầm tài liệu cổ tại Âu châu của Nguyễn Khắc Xuyên, Việt Nam khảo cổ tập san, số 1, Sài Gòn, 1960, tr. 139 - 149.
(6) Thực ra thì đây là bộ từ điển do Pigneaux de Béhaine soạn vào năm 1772 - 1773, như ta sẽ thấy bên dưới.
(7) Catalogue này đã được ông Hoàng Xuân Hãn góp phần quan trọng trong việc soạn thảo và hoàn chỉnh.
(8) Hiện là cán bộ lưu trữ của Hội Thừa sai ngoại quốc Paris, thay ông J.Verinaud vừa về hưu.
(9) Xem Histoire de la mission de Cochinchine, Documents historiques, tập III, Paris, 1925, của A.Launay. Tài liệu do ông J.Guennou cung cấp.
(10) Xem Histoire de la mission de Cochinchine, Documents historiques, tập III, Paris, 1925, của A.Launay. Tài liệu do ông J.Guennou cung cấp.
(11) Riêng cuốn Guide de recherches sur le Vietnam (Hướng dẫn nghiên cứu về Việt Nam) do Chantal Descours-Gatin và Hugue Villiers biên soạn, Paris, 1983, có nói đến một số sách và tài liệu Hán Nôm hiện tàng trữ tại Thư viện Trường Viễn đông Bác cổ và Thư viện Trường Quốc gia Sinh ngữ và Văn minh phương Đông, nhưng không cho biết cụ thể số lượng cũng như nội dung các tư liệu này. Trong giới nghiên cứu Hán Nôm tại Pháp, ông Tạ Trọng hiệp và ông Trần Khánh Hạo cũng đã phát hiện và bước đầu làm thư mục số sách Hán Nôm Việt Nam hiện có tại các cơ sở trên đây, trừ Aixen Provence. Ông Hiệp và ông Hạo còn cho biết người Nhật vào những năm 50 có làm thư mục và giới thiệu trên tạp chí Nhật bản số sách Hán Nôm hiện có ở Trường Viễn đông Bác cổ Pháp, nhưng hết sức sơ lược và không đầy đủ. Ông Hiệp và ông Hạo cũng là những người đã giúp chúng tôi một số tư liệu quan trọng để viết bài này. Nhân đây, xin có lời cảm ơn hai ông.
(12) Kho này được đưa về Pháp từ 1951 - 1955, gồm hơn 2.000 hòm tài liệu lưu trữ, nếu xếp các hòm nối tiếp nhau, sẽ có một độ dài khoảng 3.000 mét.
(13) Hoàng Thắng Lợi là Tống trấn Văn-Quý, kiêm Đề đốc Tam Tuyên.
(14) Nguyễn Triều Trung là Hiệp trấn, làm Phú Đề đốc Tam Tuyên, kiêm Tham tán.
(15) Bà Christiane Rageau, người trực tiếp phụ trách Thư viện Trường Viễn đông Bác cổ Paris, đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong việc liên hệ và tìm đọc các sách Hán Nôm hiện tàng trữ ở các Thư viện tại Pháp. Nhân đây xin có lời cảm ơn.