TÌM HIỂU NGHĨA CỦA TỪ "MỖ"

Mỗ (Hán tự)

Mỗ (Hán tự)

Bài viết của Nguyễn Tá Nhí
Từ “Mỗ” trong các văn bản Nôm được viết là 某 (mỗ) có thể xếp vào loại chữ Nôm mượn nguyên hình và âm của chữ Hán. Đây là một từ Việt cổ được sử dụng khá phổ biến trong các tác phẩm Nôm từ thế kỷ XVIII trở về trước, ví dụ như: Cư trần lạc đạo phú, Nguyễn Trãi Quốc âm thi tập, Hồng Đức quốc âm thi tập, Bạch Vân quốc ngữ thi, Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, Tân biên truyền kỳ mạn lục tăng bổ giải âm, Thiên Nam ngữ lục, Lê triều ngự chế quốc âm thi... Còn các tác phẩm ra đời muộn hơn, thì không thấy sử dụng, ví dụ như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Vị thành giai các tập biên v.v... Có thể vì lẽ đó mà tuy xuất hiện nhiều lần ở nhiều văn bản khác nhau, song việc xác định âm đọc và nghĩa của chữ này còn có nhiều ý kiến khác nhau. Trong bài viết này chúng tôi xin nêu ra một số cứ liệu và kiến giải, góp phần làm sáng tỏ nghĩa của từ “mỗ”, qua ba tác phẩm đã được phiên âm giới thiệu, gồm: Nguyễn Trãi Quốc âm thi tập (Phạm Trọng Điềm, Trần Văn Giáp phiên âm giới thiệu, Nxb. Văn - Sử - Địa 1956; Đào Duy Anh phiên âm chú giải, Nxb. KHXH, H. 1976. Viết tắt là NP); Hồng Đức quốc âm thi tập (Phạm Trọng Điềm, Bùi Văn Nguyên phiên âm giới thiệu, Nxb. Văn học, 1982. Viết tắt là HĐ); Thiên Nam ngữ lục (Nguyễn Lương Ngọc, Đinh Gia Khánh phiên âm giới thiệu, Nxb. Văn hóa, 1958. Viết tắt là TNNL)(1).
 
Trong các bản phiên âm cũ, chữ “mỗ” được phiên âm theo nhiều cách khác nhau. Có bản phiên là “mỗ” và giải thích là “từ phiếm chỉ”; Có bản phiên là “mấy”, “lấy”. Lại có trường hợp cho là viết sai hoặc để tồn nghi. Chúng tôi thấy rằng, các cách lý giải trên nếu đem tận dụng vào từng trường hợp cụ thể, thì vẫn còn nhiều chỗ chưa thật thỏa đáng. Chẳng hạn:
 
- Trong NT, ở bài Ngôn chí 4, với câu:
 
“Trúc thông hiên vắng trong khi ấy,
Năng mỗ sơn tăng làm bạn ngâm”
 
Trần Văn Giáp và Phạm Trọng Điềm chú thích: “mỗ, tiếng chỉ trống không”. Phần dưới hễ gặp lại từ này, các soạn giả lại mách bảo xem chú thích này. Đến bài Báo kính cảnh giới 40 “Lỗi thác vì bi mỗ chút nao”, không thấy giải thích gì cả. Nếu theo thông lệ hiểu là “tiếng chỉ trống không” thì cũng không ổn. Bởi lẽ “chút nao” đã có ý chỉ trống không rồi, vậy “mỗ chút nao” nên giải thích như thế nào?
 
- Trong TNNL, chữ “mỗ” xuất hiện lần đầu tiên ở câu 25b:
 
“Lớn sao chẳng lớn mỗ phân,
Chẳng ngồi chẳng nói hòa ăn hòa nằm”.
 
Các soạn giả chú thích: “mỗ là từ phiếm chỉ, có nghĩa là cái ấy, một chút”. Tra cứu các từ điển chữ Hán, chúng tôi chỉ thấy, “mỗ” có nghĩa là “nào đấy”, chứ không thấy có nghĩa “một chút”. Có lẽ các soạn giả thấy “mỗ” trong văn cảnh này có nghĩa như vậy, nên tự thêm vào cho rõ. Đến câu 812:
 
“Xương chu giồng ắt nở lên
Năm sau nàng thị mỗ liền có thai”.
 
Thấy nghĩa “nào đấy, một chút”, không đủ để giải thích nữa, các soạn giả lại chú thích thêm: “mỗ, tiếng phiếm chỉ, dùng để đưa đẩy câu văn, ở đây có nghĩa như bèn”. Vậy là “mỗ” lại có thêm nghĩa mới là “bèn” để đưa đẩy câu văn. Thế nhưng đến câu 5056, lại đưa đẩy không thông, soạn giả đành phải Chú thích: “Câu này để tồn nghi hai chữ “mỗ ly”.
 
- Với cách đọc “mấy” cũng không thật phù hợp với mọi ngữ cảnh. Chính soạn giả Đào Duy Anh cũng xác nhận điều này, nên ở bài Mạn thuật 7, lại đổi đọc là “lấy”, hoặc như ở bài Ngôn chí 21, lại theo một bản chép tay khác mà sửa lại là “vọ”. “Mỗ” được nhiều tác giả sử dụng như thế, chắc chắn nó phải là một từ có ý nghĩa rõ ràng. Để làm sáng tỏ điều này, chúng ta hãy xem xét nó ở một vài góc độ khác nhau.
 
1. Khả năng kết hợp của “mỗ” trong các văn bản
 
a. Trong cụm từ ngữ: “mỗ” có khả năng kết hợp với các từ khác tạo thành các cụm từ:
 
- Cụm danh từ: Mỗ sơn tăng, mỗ danh, mỗ vật, mỗ thôn, mỗ thế, mỗ dứa, mỗ phân, mỗ hào, mỗ phần, mỗ phút, mỗ bề, mỗ bộ, mỗ mùi, mỗ dóa, mỗ thập, mỗ chén, mỗ giờ, mỗ lời, mỗ ly.
 
Đây là khả năng kết hợp nhiều nhất của “mỗ” trong số 47 văn cảnh ở ba tác phẩm nêu trên (Xem bản liệt kê ở dưới), có tới 31 trường hợp tạo thành cụm danh từ. Trong tiếng Việt, những thành phần làm định tố ở cụm danh từ mà đứng trước danh từ trung tâm, có thể là danh từ đơn vị. Trường hợp danh từ trung tâm lại chính là danh từ đơn vị, thì thành phần định tố đứng trước nó phải là số từ. Xem xét ở đây, “mỗ” có nhiều tính chất giống với số từ.
 
- Cụm động từ, cụm tính từ: Mỗ nên hữ, mỗ nên xuôi, mỗ để, mỗ hơi hơi... (gồm 16 trường hợp).
 
b. Trong cấu trúc câu: “mỗ” cũng có khả năng kết hợp với các từ khác, tạo ra các cấu trúc câu, biểu thị những ý nghĩa xác thực.
 
Ví dụ:
 
Từ phủ định + Động từ + Mỗ + Danh từ
 
(Chẳng, chớ, chưa)
 
Chẳng cho bén mỗ hào
(NT. Thuật hứng 7)
 
Chẳng cầu an mỗ phận
(NT. Báo Kính cảnh giới 30)
 
Chẳng lớn mỗ phân
(TNNL. Câu 253)
 
Chẳng có mỗ lời
(TNNL. Câu 1525)
 
Chẳng khỏi mỗ ly
(TNNL. Câu 5056)
 
Chẳng đa mang mỗ phần
(TNNL. Câu 6028)
 
Chẳng khỏi tay mỗ giờ
(TNNL. Câu 6930)
 
Chẳng lo mỗ phần
(TNNL. Câu 7726)
 
Chưa hề đặng mỗ phân
(NT. Trần tình 1)
 
Chớ hề tiết lậu mỗ phân
(TNNL. Câu 3066).
 
Trong câu “Chẳng cho bén mỗ hào” có thể đảo kết cấu thành: “mỗ hào chẳng cho bén”. Thay “mỗ” bằng các từ chỉ số lượng khác như: một, nửa, chút ta có:
 
Một hào chẳng cho bén
 
Nửa hào chẳng cho bén
 
Chút hào chẳng cho bén
 
Nhận xét: Hào là đơn vị độ dài rất ngắn (trọng, xích, thốn, phân, ly, hào), một, nửa, chút là các từ chỉ số lượng. Nếu như từ chỉ số lượng càng bé, ngữ khí của câu càng mạnh. Do vậy có thể đoán định rằng “mỗ” là từ chỉ số lượng nhỏ.
 
2. Khả năng thay thế “mỗ” với các từ khác
 
Chúng tôi còn tìm thấy trong ba tác phẩm trên có một số văn cảnh mà từ “mỗ” có giá trị tương đương với từ chỉ số lượng “một”. Ví dụ:
 
a. Trong NT
 
Năng mỗ sơn tăng làm bẹn ngâm
(Ngôn chí 4)
 
Năng một ông này đẹp thú này
(Ngôn chí 10)
 
b. Trong TNNL
 
- Trong sông coi thấy mở cờ 
Quay chẳng mỗ giờ thuyền nó tháo lui
(Câu 6462)
 
Bá linh cùng Tuấn giao phong
Quay nhau đôi gã chẳng thông một giờ 
(Câu 6306)
 
- Đem về tam phủ đêm ngày 
Giấc nâng chốc chẳng khỏi tay mỗ giờ 
(Câu 6930)
 
Giấc nàng trả nghĩa trên tay
Một giờ chẳng khỏi, một ngày chẳng thông
(Câu 6624)
 
Câu 253: “Lớn sao chẳng lớn mỗ phân” trong TNNL, được Nguyễn Văn Bình(2) lắp lại gần như trọn vẹn trong sách Phù Đổng Thiên vương sự tích diễn âm, thành “nhớn sao chẳng nhớn một phân”, chỉ khác nhau đôi chút là từ “lớn” đổi thành “nhớn”, từ “mỗ” đổi thành “một”.
 
Các ví dụ trên cho thấy nghĩa của từ “mỗ” dường như đồng nhất với “một”.
 
3. So sánh “mỗ” với các từ Hán Việt tương đương trong sách Hán diễn Nôm.
 
Trong các bản dịch Hán văn cũ, mà lâu nay nhiều người vẫn quen gọi là loại sách Hán diễn Nôm, nhờ có phần chữ Hán kèm theo, nên nghĩa của từ dễ nhận biết hơn.
 
Ví dụ:
 
- Bất khả tu du li dã
(Chẳng khả mỗ phút khỏi vậy)
 
“Tu du”, có nghĩa là “chốc lát”, chỉ khoảng thời gian ngắn, được giải âm là “mỗ phút”. “Phút” là đơn vị đo thời gian, vậy “mỗ” phải là từ chỉ một số lượng ít.
 
- Bất thuấn tức gian, hốt nhiên đại vũ
(Chẳng mỗ phút hơi, xẩy vậy cả mưa)
 (Cổ châu Pháp Văn phật bản hạnh)
 
“Thuấn tức”, cũng có nghĩa là “chốc lát”, ở đây cũng được giải âm là “mỗ phút” giống như trường hợp trên.
 
- Lương hồi khách mộng thanh, sơn phòng vô cá sự (Khi mát về chiêm bao khách êm, chốn sơn phòng chẳng có mỗ việc).
 
(Tân biên truyền kỳ mạn lục tăng bổ giải âm)  Trong tiếng Hán, “cá” là lượng từ chỉ đơn vị cá thể, đứng trước nó thường là từ chỉ số lượng. Trường hợp từ số lượng là “một”, thì không nhất thiết phải dùng. Do vậy “cá sự” có thể hiểu là “nhất cá cự”, có nghĩa là “một việc”, ở đây được giải âm là “mỗ việc”, thế thì “mỗ” phải là từ chỉ số lượng.
 
Qua các cứ liệu phân tích trình bày ở trên, có thể đoán định “mỗ” là từ chỉ một số lượng ít, nghĩa tương đương với: một, chút, chút ít. Với nghĩa này, từ “mỗ” có thể thích hợp với tất cả các ngữ cảnh mà nó xuất hiện trong ba tác phẩm kể trên.
 
Dưới đây chúng tôi xin liệt kê các ngữ cảnh có từ “mỗ” xuất hiện:
 
- Trong NT, xuất hiện 30 lần:
 
1. Trúc thông hiên vắng trong khi ấy
Năng mỗ(3) sơn tăng làm bạn ngâm
 (Ngôn chí 4)
 
2. Trường ốc ba thu uổng ~ danh
Chẳng từ đâu xứng chức tiên sinh
 (Ngôn chí 6)
 
3. Phú quý chẳng tham thanh tựa nước
Lòng nào vậy ~ hơi hơi
 (Ngôn chí 21)
 
4. Thủy chung ~ vật đều nhờ chúa
Động tĩnh nào ai chẳng bởi thầy.
 (Mạn thuật 3)
 
5. Chim kêu cá lội an đòi phận
Câu quạnh cày nhàn dưỡng ~ thân
 (Mạn thuật 7)
 
6. Nhà có thi lễ âu chi ngặt
Đời phạp văn chương uổng mỗ danh
 (Mạn thuật 9)
 
7. ở thế những hiềm qua ~ thế
>Có thân thì cóc sá chưng thân
 (Mạn thuật 11)
 
8. Miệt bả hài giai khăn cóc
Xênh xang làm ~ đứa thôn nhân
 (Mạn thuật 11)
 
9. Còn miệng tựa bình đà chỉn giữ
Có lòng bằng trúc ~ nên hư
 (Mạn thuật 12)
 
10. Từ ngày gặp hội phong vân
Lổ báo chưa hề đặng ~ phân
 (Trần tình 1)
 
11. Bảy tám mươi bằng một bát tay
Người sinh ở thế ~ nhàn thay
 (Trần tình 9)
 
12. Văn này ngâm thấy ~ thon von
Thương hải hay khao thiết thạch mòn
 (Thuật hứng 4)
 
13. Con lều mọn mọn đẹp sao
Trần thế chăng cho bén ~ hào
 (Thuật hứng 7)
 
14. Ta quản tiêu dao qua ~ thế
Ai từng phú quý mấy trăm đời
 (Thuật hứng 14)
 
15. Chấn chạy cánh bay an ~ phận
Thiên công nào có thửa tư che
 (Tự thán 7)
 
16. Thoi nhật nguyệt đưa qua ~ phút
Áng phồn hoa hợp mấy trăm đời
 (Tự thán 15)
 
17. Đầu kết lăng nhăng những hổ
Thân nhàn lục cục ~ già
 (Tự thán24)
 
18. Khó ngặt qua ngày xin sổng
Xin làm đời trị ~ thái bình<
 (Tự thán 28)
 
19. Xin làm ~ bộ quản giang sơn
Có biết đâu là sự thế gian
 (Tự thán 25)
 
20. Ơn vua luống nhiều phần đội
Việc nước nào ích ~ b
 (Tự thán 30)
 
21. Sự thế đã hay thì vậy
Có ai cóc được ~ cười cười
 (Tự thán 34)
 
22. Uổng có thân hàn chẳng thửa nuôi
Ghe đường dại dột ~ nên xuôi
 (Tự thán 36)
 
23. Vẫn sinh lẩn thẩn ~ già
Mọi sự đều thì thuấn nhã đa
 (Tự thuật 3)
 
24. Khó khăn là của thế gian yêm
Huống ~ già dại dột thêm
 (Tự thuật 4)
 
25. Văn đạt chăng cầu an ~ phận
Ba gian lều cỏ đất Nam Dương
 (Báo kính cảnh giới 30)
 
26. Vũ Tử lui tuy chịu dại
Bá Di lánh ~ nên thanh
 (Báo kính cảnh giới 39)
 
27. Làm người biết máy khôn sao<
Lỗi thác vì ai ~ chút nao
 (Báo kính cảnh giới 40)
 
28. Chẳng hổ thân già tuổi tác hư
Khó khăn dại dột ~ lư cư
 (Báo kính cảnh giới 53)
 
29. Khó khăn phú quý học Tô Tần
Miễn đức hơn tài được ~ phân
 (Báo kính cảnh giới 60)
 
30. Dầu thấy xuân lan cùng lọn được
 
 (Cúc)
 
- Trong HĐ, từ mỗ được dùng 4 lần:
 
1. Mưa nói giang hồ yên ~ thú
Chạnh lòng nguy khuyết tiếng chuông xưa
 (Sổ hàng hồng liễu nhất ngư chu)
 
2. ~ đóa xuân sơ bông bạc chiêng
Đòi chùm thu muộn khóm vàng pha
 (Hoa)
 
3. ~ thập phong tao châu lẫn ngọc
Tấc lòng ưu ái tóc cùng tơ
 (Thi)
 
4. Đòi mùi dìu dặt Ngao trừ tướng
~ chén khôn thai Tống cởi binh
 (Tửu)
 
- Trong TNNL, “mỗ” được dùng 13 lần:
 
1. Lớn sao chẳng lớn ~ phân
Chẳng ngồi chẳng nói hòa ăn hòa nằm
(Câu 253)
 
2. Kíp chầy sứ lại đem vào
Bổ loài Ân tặc xem sao ~ giờ
 (Câu 320)
 
3. Xương chu giồng ắt nở lên
Năm sau nàng thị ~ liền có thai
 (Câu 812)
 
4. Sách rằng: Chẳng có ~ lời
Những sự nghe người bắt bọ bỏ tai
 (Câu 1525)
 
5. Ngoài ba trăm năm đế vương
Mệnh quan Thái thú ~ sang Nam Thành 
(Câu 2792)
 
6. Trước sau cặn kẽ vân vân
Chớ bề tiết lậu ~ phân điều gì
(Câu 3066)
 
7. ~ từ lưu lạc bấy chầy
Nhớ đến nhau rày trong dạ còn đau
 (Câu 3987)
 
8. Nên lòng mộ vũ triêu vân
Khách Sở nàng Tần chẳng khỏi ~ li
(Câu 5056)
 
9. Quốc Tuấn mình giữ phụ tang
Tóc tơ chẳng dám đa mang ~ phần
 (Câu 6028)
 
10. Trong sông coi thấy mở cờ
Quay chẳng ~ giờ thuyền nó tháo lui
 (Câu 6462)
 
11. Đem về tam phủ đêm ngày
Giấc nâng chút chẳng khỏi tay ~ giờ
(Câu 6930)
 
12. Nhọc nhằn biết mấy mươi thu
Hàm Dương Phùng Dị chẳng lo ~ phần
 (Câu 7726)
 
13. Nguyễn Đặng xui cùng chư quân
Sự thù ~ để mười phân vào lòng
 (Câu 7756)

NTN
-----------------------------------------------------
 
Chú thích:
 
(1) Xem bảng liệt kê các ngữ cảnh có từ “mỗ” xuất hiện, ở cuối bài.
 
(2) Nguyễn Văn Bình: Người làng Sĩ Quý, huyện Phù Tiên, tỉnh Hải Hưng, thi đỗ Cử nhân năm Duy Tân 3 (1909), từng biên soạn một số sách Hán Nôm.
 
(3) Để tiện trình bày, từ “mỗ” trong các câu tiếp theo được nhất loạt thay bằng dấu ~.