TÌM HIỂU THÊM VỀ NGUYỄN HOÀN

Bài viết của Phạm Thị Thoa


Nguyễn Hoàn là một sử gia đời Lê đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm(2) nhưng còn chưa đầy đủ, có những vấn đề còn chưa thống nhất. Đáng chú ý về văn thơ còn chưa được đề cập tới. Trong bài viết này chúng tôi cố gắng làm sáng tỏ thêm cuộc đời và sự nghiệp của ông, đồng thời công bố một số tác phẩm cùng văn thơ lâu nay ít ai đề cập, để bạn đọc hiểu thêm về con người Nguyễn Hoàn.
Ông tên tự là Thích Đạo, tước Thụy Trạch hầu, rồi lại được phong Hoàn quận công(3) sinh năm Vĩnh Thịnh 9 (1713) ở xứ Hàng Dầu thuộc Kinh đô.
Theo Hương Khê Nguyễn Thị biệt chi gia phả(4) , ông thuộc dòng dõi họ Hà ở xã Hương Khê, tổng Yên Định, huyện Nông Cống, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Đến đời cha sang làm con nuôi họ Nguyễn ở xã Lan Khê cùng tổng.
Nguyễn Hoàn sinh ra trong một gia đình có nhiều người thi đỗ làm quan. Cụ thân sinh là Nguyễn Hiệu(5) , đậu Tiến sĩ khoa Canh Thìn (1700), làm quan đến Thượng thư bộ Lại, điều này có ảnh hưởng lớn đến ông. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Hoàn nổi tiếng thông minh, hiếu học, nhiều thầy dạy khen ông kỳ tài. Khoa thi hương năm Nhâm Tý (1732) ông đậu Giải nguyên. Năm sau, thi Hội, đậu Tam trường. Khoa Quý Hợi (1743)(6) đậu Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Sau khi đậu Tiến sĩ hai năm, ông được thăng Tư giảng. Năm Tân Mùi (1751), khi bàn công đánh giặc, ông được thăng Hàn lâm hiệu thảo, rồi được thăng dần các chức Thiêm sai phủ liêu, Hàn lâm hiệu lý, Phủ Doãn Phụng Thiên, Đông các Đại học sĩ. Năm 1767 Minh Vương Trịnh Doanh mất, Trịnh Sâm nối ngôi, thăng và ban chức tước cho trăm quan, ông được thăng Hữu Tham tụng phụng tu quốc sử. Khi Tĩnh Vương kế nối vương vị, Nguyễn Hoàn được thăng Hữu Thị lang Bộ Binh, rồi Thượng thư Bộ Hình. Năm 1771 ông được vào chầu Kinh diên, lại kiêm Quốc tử giám. Khi làm quan, ông đặc biệt lưu tâm đến việc đào tạo nhân tài, luôn chú ý đến việc tu sửa nhà Thái học. Trong ĐVSKTB còn ghi: “Lập bia hạ mã ở cửa nhà Thái học. ở cửa nhà Thái học có hồ lớn gọi là ao Bích Thủy. Trước kia người dân phố phần nhiều làm nhà ở dựa lưng về phía ao. Học quan xây bức tường bình phong để che xe ngựa. Đến khi ấy Nguyễn Hoàn trông coi Quốc tử giám, chuyển phố xá đi mà mở rộng ra, trồng cây, lát đường, làm cho cảnh nhà Thái học được trang nghiêm. Nhà Thái học có bia hạ mã bắt đầu từ đấy”(7). Năm 1777 ông được thăng Thái phó quốc lão tham dự triều chính. Cùng năm đó ông được về hưu. Nhưng chỉ mấy tháng sau lại được gọi ra làm Tham tụng, Phụ quốc công thần.
Năm 1789 Tây Sơn kéo quân ra Bắc đánh tan hai mươi vạn quân Thanh. Lê Chiêu Thống cùng tám viên quan bỏ nước chạy theo tàn quân của bọn xâm lược, ông không theo mà ở lại Tổ quốc. Tây Sơn Nguyễn Huệ mời ông cùng một số nho thần ra yết kiến. Năm đó ông đã 77 tuổi. Ông viện cớ tuổi già sức yếu xin được nghỉ vui cảnh điền viên(8) .
Nguyễn Hoàn cũng như cha ông không chỉ làm quan to mà còn viết sách, làm thơ. Năm 1758, khi còn làm quan giảng, ông đã dâng lên Thế tử Trịnh Sâm Thập châm 10 bài châm(9) . Sau ông còn dâng các sách Tiềm long thực lục(10) và Kim giám tập(11).
Nguyễn Hoàn còn tham gia trông coi việc biên soạn Quốc sử tục biên(Giai đoạn lịch sử Việt Nam từ 1676-1739).
Ông Hiệu chính sách Đỉnh khiết lịch triều đăng khoa lục (11) (ký hiệu Thư viện Viện Hán Nôm VHv.2140).
Ông soạn nhạc chương phần “Lương Mục Vương”, một trong năm bài nhạc chương trong Cổ Lê nhạc chương thi văn tập lục (ký hiệu Thư viện Viện Hán Nôm VHv.2658). Bài nhạc chương này được viết bằng chữ Nôm, thể lục bát, gồm 10 câu.
Ông soạn văn bia Quỳnh Phúc tự bi ký(12) , thác bản còn lưu giữ tại Thư viện Viện Hán Nôm, bia số 850-851.
Đáng chú ý là Nguyễn Hoàn còn một số di văn được chép trong Tiên khảo di văn, Tiên khảo thi tập, Tiên khảo tu luyện vệ sinh ca quyết, phụ trong Hương Khê Nguyễn Thị gia phả (HKNTGP) ký hiệu Viện Hán Nôm A.754/1-3; Nguyễn Đại gia thế đức chi phả (NĐGTĐCP) ký hiệu A.2647; Hà thị gia phả (HTGP) ký hiệu A.2604; Lan Khê Nguyễn tộc phả (LKNTP) ký hiệu VHv.1339/1-2.
Riêng về thơ trong HKNTGP bản A.754/2 có chép 25 bài (11 bài Nôm, 14 bài chữ Hán), bản A.754/3 chép 61 bài (3 bài Nôm, 58 bài chữ Hán); NĐGTĐCP bản A.2647 chép 25 bài (giống A.754/2). HTGP bản A.2604 chép 24 bài (7 bài Nôm, 17 bài chữ Hán); LKNTP bản VHv.1339/2 chép 24 bài (giống A.2604); các bài trong các ký hiệu sau đều có trong A.754/2-3. Như vậy loại trừ sự trùng lặp ra, chúng tôi đã tìm được 87 bài thơ trong đó có 72 bài chữ Hán, 15 bài Nôm (kể cả một bài trong Cổ Lê nhạc chương thi văn tập lục).
Thơ Nguyễn Hoàn đa dạng về thể loại: song thất lục bát, thất ngôn bát cú, ngũ ngôn. Phong phú về chủ đề: nào tiễn tặng, họa đáp, đề vịnh, răn dạy; nào tả cảnh, tả tình... Dưới đây, chúng tôi chỉ xin nêu một số chủ đề chính trong thơ ông.
Thiên nhiên chiếm vị trí khá lớn, từ ngọn núi, dòng sông, đến nhành hoa, khóm cỏ đều được ông đưa vào thơ và cũng qua miêu tả thiên nhiên, ông đã lồng vào những ý niệm bằng những câu mang tính triết lý:
Nước non non nước cảnh vui vầy,
Cảnh ấy khen ai khéo đặt bầy,
Vuông vắn hình dung nào lộ béo, 
Chon von thể thế há chê gầy,
Trăng đi gió lại thường không biến, 
Xuân trải thu qua vẫn cứ đầy.
Có cảnh có người người mến cảnh,
Người vui mới biết cảnh là hay.
(Vịnh giải sơn giả hải)
Phong cảnh vui ta thú động này,
Bể kia núi nọ cỏ nào cây.
Sông không trăm ngọn nhỏ mà lớn,
Suối chẳng muôn dòng vơi lại đầy.
Nam Bắc lại qua ưa mặc khách,
Đông Tây ngang dọc dễ còn đây.
Thiên căn ngắm lại trời không hẹp,
Nguyệt khuất nhìn xem đất vơi đầy.
(Đơn vịnh giả hải)
Mùa xuân bao giờ cũng được coi là mùa mang lại sinh khí cho muôn loài. Mùa xuân đã đi vào thơ ông đầy hương sắc:
Xuân lai đình hộ hữu quang huy,
Xuân đáo nhân gian thảo mộc chi.
Xuân nhật hoà phong thường nịch nịch,
Xuân thiên thục khí tự hy hy.
Xuân sơn mạc hạn thanh hương sắc,
Xuân thủy vô cùng hoạt phát cơ,
Xuân cảnh tối nghi nhân ngoạn thưởng
Xuân hoa khai xứ mãn chi chi.
(Vịnh Xuân)
Tạm dịch:
Xuân lai nhà cửa sáng phong quang,
Xuân đáo vườn cây thêm mỡ màng,
Xuân nhật gió, xuân về ấm áp,
Xuân thiên nắng trải khắp nhân gian.
Xuân sơn núi khoác màu xanh biếc, 
Xuân thủy dòng trôi chảy nhẹ nhàng,
Xuân cảnh cảnh người người vãn cảnh
Xuân hoa hoa nở nở đầy cành.
Hoa sen, một loài hoa trinh bạch đã được nhiều nhà nho trước đây cũng như nhà văn nhà thơ sau này ví với cuộc đời của những người thanh liêm, tiết tháo. Hoa sen vào thơ ông như một người quân tử:
Xuất nê nhi bất nhiễm ư nê,
Trinh khiết như sen thục dữ tề.
Ngọc tỉnh duy hoài căn bản thác, 
Phong tình hữu đãi sắc hương tê.
Phương tâm khả dữ lan vi hữu,
Tố nhụy như hà điệp bất mê.
Tín thị hoa trung quân tử giả,
Vô cùng đạo vị thuyết Liêm Khê
(Vịnh liên hoa)
Tạm dịch:
Gần bùn mà chẳng nhiễm hôi tanh, 
Trinh khiết như sen ai dám tranh.
Giếng ngọc luôn còn hướng đến cội,
Trời quang gió mát sắc hương thanh.
Tâm thơm cùng với lan là bạn,
Nhị trắng vui sao bướm lượn quanh.
Đích thị bông hoa quân tử nọ,
Liêm Khê(14) từng luận nức thanh danh.
Nguyễn Hoàn là người học giỏi, thi đậu cao, việc học hành thi cử dường như đã ngấm vào da thịt của ông, ông luôn luôn khuyên con cháu:
Thánh hiền đạo tại cổ nhi kim,
Nghĩa lý uông dương nhược hải thâm.
Sư hữu năng thân phương khải trí,
Thi, Thư hữu độc thủy minh tâm.
Báo văn quảng kiến nhân phi tục,
Hùng luận cao đàm thế sở khâm.
Ký ngữ sinh nhi tu miễn học,
Nhất kinh hoàn thị thắng doanh kim
(Miễn học thị tử tôn)
Tạm dịch:
Thánh hiền đạo cả tự xưa nay,
Nghĩa lý mênh mông tựa biển đầy.
Thầy bạn năng gần thì mở trí,
Thi, Thư được học mới là hay.
Nghe nhiều biết rộng người hơn tục,
Thuyết lý cao sâu đời kính thay.
Nhắn gửi cháu con nên gắng học,
Hơn vàng khi biết bộ kinh dày.
Chuyên cần là điều không thể thiếu ở mỗi con người. Tại nhà học, ông khuyên các môn sinh:
Nhân sinh nghiệp quảng tại ư cần,
Thiên vận động tàn tất hữu xuân.
Tùng bách tư bồi thành đống cán,
Chi lan tài thực đắc hương phân.
Vinh hoa chỉ thị bằng tâm địa,
Phương tiện hà như tố hảo nhân,
Ký ngữ chân tâm vi học giả,
Hạ nhi tiễn cức thượng phi vân.
(Ất Hợi niên học đường đề)
Dịch nghĩa:
Đời người làm nên việc lớn nhờ bởi chuyên cần,
Vận trời hết mùa đông sẽ đến mùa xuân.
Tùng bách vun trồng trở thành cột lớn,
Chi lan chăm bón sẽ tỏa hương thơm.
Được vinh hoa phú quý là nhờ ở tấm lòng,
Cách tốt nhất là trở thành người tốt.
Mấy lời thành thực gửi các môn sinh,
Khi nhỏ chuyên cần lớn sẽ làm được việc lớn.
Biết dừng, biết đủ đó là phương thức sống của ông:
Chỉ túc là phương thức ở đời,
Lấy mà điều dưỡng mới nên người.
Lục tuần đã dự ngôi nguyên lão,
Nhị phẩm thêm sang đấng quý đài,
No ấm hoà nhà nhờ lộc nước,
Yên vui khắp họ đội ơn trời.
Nghĩ nào còn mãi đường danh lợi,
Đòi nhất nhân sinh tám chín mươi.
(Nhàn hứng)
Và đây, một lẽ sống nữa là phải biết đạo thường:
Sinh được làm người dự đấng trai,
Quan thời vô sự lại thêm vui.
Nhà vâng ấm cũ còn no đủ,
Nước có vua hiền mặc thảnh thơi.
Danh vị chẳng sang song chẳng nhục,
Việc quan khi lắm lại khi rồi.
Thị thành và ngụ mùi nhàn dật,
Thong thả bốn mùa chẳng lụy ai.
Ở thế gì hơn giữ đạo thường,
Chới hiềm bần tiện vội giầu sang.
Ăn no chẳng quá cơm ba bữa,
Mặc ấm nào qua áo bốn tràng.
Lều cỏ năm gian dầu khuất dậy,
Tôi hầu mươi đứa đủ nghênh ngang.
Nhân sinh thích chí tiên nào kém,
Lọ ước gì hơn hãy được thường.
(Nhàn hứng)
Tuy làm quan to, sống trong cảnh giàu sang phú quý, nhưng ông vẫn không quên vui thú điền viên. Năm 65 tuổi, ông xin về nghỉ, chỉ mấy tháng sau, ông lại nhận chiếu khởi phục. Khi sắp đi, ông làm bài thơ:
Đã thú điền viên lại thị thành,
Trong khi nhàn dật bỗng tôn vinh.
Gác khăn đủng đỉnh nơi tư đệ,
Triều phục nghênh ngang chốn đế đình.
Trị nước rộng ra đường trí trạch,
Sửa mình thu giữ đạo thanh hư.
Muôn đời dằng dặc cùng hưu mỹ,
Vị lộc thêm kèm được thọ danh.
Há rằng tham luyến há doanh vi,
Miễn đã sinh thời phải tế thì.
Nô độn đã hay tài bất đãi,
Long chương ngụ thấy chữ tương kỳ.
Nửa ngàn may gặp đời hanh thái,
Muôn một nhớ nên trị cao hy.
Hữu chí cánh thành ta hãy gắng,
Biết ai là Phó(15) biết ai Y(16)
Trên đây là những tư liệu bổ sung của chúng tôi về Nguyễn Hoàn, với hy vọng phần nào giúp bạn đọc hiểu thêm về ông - một vị sử gia thời cuối Lê.
CHÚ THÍCH
(1) Nguyễn Hoàn 阮 完 (1713-1792) có sách chép là Nguyễn Hoản hay Nguyễn Hoãn.
(2) Xem:
Việt Nam danh nhân từ điển (VNDNTĐ) của Nguyễn Huyền Anh. Khai trí, Sài Gòn, 1967. - Lược truyện các tác gia Việt Nam(LTCTGVN) T1, Nxb. KHXH, H, 1971.
- Việt Nam văn học sử yếu (VNVHSY) của Dương Quảng Hàm. Trung tâm học hiệu Bộ Giáo dục, 1973.
- Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm (THKSHN), Nxb. Văn hóa, H. 1984.
- Đại Việt sử ký tục biên (ĐVSKTB). Nxb. KHXH, H. 1991.
Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (TĐNVLSVN) của Nguyễn Quang Thắng và Nguyễn Bá Thế. Nxb KHXH, 1991.
(3) Gia phả dòng họ ghi tước Viện quận công.
(4) Ký hiệu Thư viện Viện Hán Nôm A.810.
(5) VNDNTĐ chép ông là con Nguyễn Huệ.
(6) VNVHSY chép ông đậu năm 1742. VNDNTĐ chép ông đậu năm 1733.
(7) Sách đã dẫn, tr. 345.
(8) VNDNTĐ ghi: “Khi vua Lê Chiêu Thống theo quân Thanh (1789), ông ra giúp Tây Sơn”.
VNVHSY ghi: “khi Lê Chiêu Thống chạy sang Tàu (1789), ông không đi theo mà ra thờ nhà Tây Sơn”.
(9) Thập châm (mươi bài châm):
- Chính tâm thân (suy nghĩ đúng đắn)
- Bác học vấn (mở rộng đường học vấn)
- Tề nội chính (chỉnh tề chính sự bên trong)
- Bế tiện tập (không nghe lời nịnh)
- Nhất chính bản (thống nhất căn bản chính sự).
- Thận sai trừ (cẩn thận việc sai phái cất nhắc)
- Quảng thính nạp (Rộng nghe mọi lời khuyên)
- Thủ thành quy (giữ khuôn phép đã có sẵn)
- Tín hiệu lệnh (hiệu lệnh phải tín)
- Thẩm khoan nghiêm (xét kỹ mọi việc nên khoan hay nên nghiêm).
(10) (11) Hai sách này hiện không còn. Theo ĐVSKTB thì Tiềm long thực lự c là sách chép lời nói và việc làm của Trịnh Sâm khi còn là Thế Tử. Kim giám tập là sách chép những điều có ích cho đường lối trị nước.
(12) Xem thêm Về văn bản bộ Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục. Tạp chí Hán Nôm số 1 (12) - 1992.
(13) Bia dựng năm Cảnh Hưng 36 (1775), ghi việc Vương phủ thị nội cung tần Chưởng nam cung tiệp dư Trần Thị Tịnh có nhiều công đức với dân trại Quỳnh Lôi, huyện Thọ Xương (nay là phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
(14) Liêm khê: tức Chu Đô Di, một học gia nổi tiếng đời Tống.
(15) Phó: Tức Phó Duyệt, một vị tướng giỏi của vua Cao Tông đời Ân.
(16) Y: Tức Y Doãn, là công thần đời nhà Thương. Vua Thang 3 lần đến mời, ông mới chịu ra giúp.
1

TB