TỰ ĐỨC KHIÊM CUNG KÝ VÀ LỊCH SỬ

Có thể nói "Khiêm cung ký" là một bài văn bia đặc biệt trong số văn bia các vua nhà Nguyễn, vì đây là “lời tâm sự” của một ông vua, mục đích là cố tình thanh minh cho những việc làm của mình đã từng bị thiên hạ lên án.
Bi Đình với tấm bia bằng đá Thanh nặng 20 tấn có khắc bài "Khiêm Cung Ký" do vua Tự Đức soạn thảo
 
Sau khi được Tự Đức chuẩn định, lăng Vạn Niên bắt đầu được thi công vào mùa Đông tháng 11 năm Giáp Tý niên hiệu Tự Đức thứ 17 (1864), sau hơn 3 năm thì hoàn thành, nhưng mãi đến năm 1871 Tự Đức mới thân hành soạn bài văn bia cho mình và đến năm 1875 mới tự chép mẫu giao cho thợ khắc vào đá.
Khác với văn bia của Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, tức là văn bia của vua cha là do vua con soạn, thường là ca ngợi tính tình, đức độ và công nghiệp của vua cha, Khiêm cung ký do Tự Đức tự soạn lấy, vì Tự Đức không có con. Bia lăng Tự Đức là tấm bia có kích thước đồ sộ, đặt trong một nhà bia (bi đình) chót vót nguy nga, tương xứng với sự kỳ vĩ của toàn bộ Khiêm lăng. Mặt khác, sự to lớn của tấm bia chứa ngót 5000 chữ trên hai mặt là để Tự Đức tỏ bày cùng thiên hạ nhiều việc, những việc xảy ra trong quá trình làm vua của mình.
Viết về người khác, lại là người đã chết thường là dễ viết hơn tự viết về mình. Thiệu Trị là người như thế nào, nhưng văn bia ở Xương lăng - tức lăng Thiệu Trị - Tự Đức vẫn viết: Đức hóa sáng khắp sáu cõi, điềm lành ứng cả mười phần, trị nước bảy năm, hiệu quả cả trăm đời, đức thịnh nghiệp lớn thực đã quá vậy(1). Tự Đức không thể viết về mình như vậy. Có thể do nhiều lý do, nhưng điều rõ ràng nhất là thời Tự Đức làm vua, đất nước có nhiều sự kiện trọng đại mà chính Tự Đức đã không giải quyết nổi, cuối cùng chỉ biết tìm cách bảo vệ cho được chiếc ngai vàng của mình mà thôi.
Có thể nói Khiêm cung ký là một bài văn bia đặc biệt trong số văn bia các vua nhà Nguyễn, vì đây là “lời tâm sự” của một ông vua, mục đích là cố tình thanh minh cho những việc làm của mình đã từng bị thiên hạ lên án.
Trước hết, trong Khiêm Cung ký, Tự Đức đã dành một phần đáng kể để nói đến việc lên ngôi của mình, việc mà xưa nay từng gây nhiều dư luận. Ai cũng biết Tự Đức tức Hồng Nhậm là con thứ hai của Thiệu Trị. Con trưởng - anh của Tự Đức - là Hồng Bảo đã được phong tước Kiến Phong công, sau đổi là An Phong công. Trong chế độ phong kiến, việc bỏ trưởng lập thứ là một điều không bình thường và thường gây nhiều thắc mắc ngay trong nội bộ giai cấp thống trị lẫn ngoài dân gian. Do đó Tự Đức lên ngôi sau khi Thiệu Trị chết đã làm cho nhiều người nghi ngờ. Có phải tờ chiếu truyền ngôi cho Tự Đức là ý của Thiệu Trị hay do cố mệnh thần Trương Đăng Quế soạn sau khi Thiệu Trị tắt thở như dư luận của một thời ?
Tất nhiên sử nhà Nguyễn đều cho việc Tự Đức lên ngôi là hợp lý, vì “Phước Tuy công Hồng Nhậm thông mẫn ham học, rất giống ta, đáng nối ngôi vua”(2), còn “Hồng Bảo tuy lớn nhưng vì thứ xuất, ngu độn ít học, chỉ ham vui chơi, không thể nối nghiệp lớn được”(3). Tuy vậy, những dòng chính sử này vẫn không dập tắt được sự ngờ vực của nhiều người. Chưa kể người trong nước, một số người nước ngoài thời đó cũng có cái thắc mắc như vậy. Theo họ việc phế trưởng lập thứ này là “do sự dèm pha của bà Từ Dũ, nhất là của hai vị đại thần có thế lực(4) trong triều là Nguyễn Tri Phương và Trương Đăng Quế mà có” Galy trong một bức thư đề ngày 15-01-1852 thì quả quyết “chính Hồng Bảo cũng cho sự phế lập ấy là do Trương Đăng Quế chủ mưu, nên ông thường nói ông muốn làm vua dù chỉ một ngày để moi gan ông Quế cho hả dạ”(5) đó là chưa kể có kẻ còn cho rằng Tự Đức không phải là con của Thiệu Trị mà là kết quả sự thông dâm giữa bậc mẫu nghi thiên hạtức Từ Dũ - với Trương Đăng Quế.
Dù sao việc Hồng Bảo không được nối ngôi cũng đã gây ra mâu thuẫn gay gắt trong nội bộ triều đình phong kiến nhà Nguyễn ngay khi Tự Đức mới ngồi lên ngai vàng. Sách Bản triều bạn nghịch liệt truyện của Giá Sơn Kiều Oánh Mậu đã mô tả lại buổi tuyên đọc di chiếu của Thiệu Trị và lễ đăng quang của Tự Đức ở điện Cần Chánh một cách bi thảm: “Di chiếu đọc chưa dứt, An Phong công (tức Hồng Bảo) phẫn uất thổ huyết hơn một đấu, nằm vật vã giữa điện đình, lúc làm lễ đăng quang, mấy người phải đỡ ông dậy nghi lễ mới hoàn tất”(6).
Cho đến nay mối nghi ngờ ấy chưa hẳn đã hết. Đúng hay không cũng chẳng phải là cái gì quá ư cần thiết giải quyết, nhưng rõ ràng trong suốt ba mươi mấy năm làm vua, Tự Đức vẫn cứ phải băn khoăn. TrongKhiêm cung ký nỗi băn khoăn kia càng thể hiện rõ trong cách cố chứng minh việc lên ngôi của mình là chính đáng. Tự Đức kể lại chi li những ân tứ của Thiệu Trị ban cho ông, như: cho theo hầu khi ngự giá đi bắn, cho hầu bữa ăn, cho cùng tham dự việc duyệt án, cho dự vào việc soạn thảo các văn kiện quan trọng, cho cùng xướng họa thơ văn, ban cho đồ ăn, cho dùng đồ ngự dụng, thưởng cho chiếc nhẫn vàng mặt ngọc vì đã làm được bài thơ hay, ban cho sách Chỉ thiện đường hội tập... và rất nhiều việc khác nữa, nghĩa là Tự Đức đã được Thiệu Trị ưu đãi yêu thương và đã có ngầm ý cho nối ngôi mà chính ông cũng không ngờ. Tự Đức viết trong Khiêm cung ký: “Lòng thánh nhân vốn rất sâu xa, kẻ hời hợt khá dễ lường được. Ta cũng xem đó là điều tự nhiên, chưa hề biết có kẻ ghen ghét. Nếu nghe có ai khuyên hãy vào Nội”, các luyện tập việc chính, ta thường trả lời: có anh ta đấy”. Và tỏ vẻ ngạc nhiên khi được cho nối ngôi: “Nghe tuyên triệu mà hồn bất phụ thể, kíp theo sứ vào chầu, tất cả đều là bổn phận, đương nhiên ta chẳng từng để ý, chỉ mong có ngày sức khoẻ Hoàng khảo (tức Thiệu Trị) chóng ổn để được nghe dạy bảo dài lâu, nào ngờ trời chẳng đoái thương vội giao cho kẻ nhỏ mọn nầy công việc lớn lao và khó khăn. Than ôi, đau đớn thay !”.
Vì không được làm vua, Hồng Bảo âm thầm kết bè đảng tìm cơ hội lật đổ Tự Đức, tất nhiên động cơ và phương tiện của Hồng Bảo cũng chẳng đẹp đẽ gì. Bức thư của Galy cho biết Hồng Bảo đã cấu kết với các giáo sĩ phương Tây, ông hứa sẽ biến nước Nam thành một vương quốc Thiên chúa giáo nếu họ chịu giúp ông, rồi Hồng Bảo chuẩn bị đi Tân-gia-ba để cầu cứu người Anh. Cuối cùng âm mưu ấy không thành, Hồng Bảo đã phải trở lại đầu thú Tự Đức mà kết quả đã chết một cáchmờ ám ở trong ngục (1854). Con Hồng Bảo đều phải đổi qua họ mẹ và bị tống giam, về sau để tránh tiếng, Tự Đức cho ra học ở Quốc tử giám nhưng thực ra là một hình thức quản thúc. Năm 1866, nhân vụ nổi dậy của dân công binh lính Vạn Niên do Đoàn Hữu Trưng lãnh đạo, Tự Đức lấy cớ giết hết con cháu Hồng Bảo. Tờ dụ đề ngày 11 tháng 8 năm Tự Đức thứ 19 (9-9-1866) về việc xử án này, Tự Đức đã nhấn mạnh: “Trừ ác thần phải trừ cho tiêu tận, sự nên đoạn tuyệt phải đoạn tuyệt” chứng tỏ Tự Đức đã mượn danh nghĩa “Vì kế hoạch bảo toàn quốc gia được vĩnh viễn” để trừ đối thủ của mình dù đó là anh ruột, cháu ruột một cách tàn bạo. Nhưng trong Khiêm cung ký về việc ấy, Tự Đức đã khéo đánh lừa bằng những câu lập lờ úp mở: “Sao ta vội vàng tự quyết đoán đến nỗi như vậy? Nhất thời cũng khó mà giãi bày hết được, trăm năm đã có sử xanh, ta nỡ nào!”. Đành rằng sự ân hận ấy có thực, nhưng Tự Đức vẫn không coi đó là việc làm sai, ông vẫn cho đó là “vì xã tắc phải làm cho rõ nghĩa lớn”. Xã tắc và nghĩa lớn ở đây tưởng chúng ta có thể hiểu được! Thật hổ thẹn nếu Tự Đức đọc lại bài thơ nói Trần Thái Tông hòa giải với anh là An Sinh vương của Trần Anh Tông, bài thơ còn so sánh với sự trả thù tàn bạo của Đường Thái Tông đối với anh là Kiến Thành để nói lên tình thương yêu đoàn kết, một truyền thống lớn của dân tộc ta (7).
Đến như việc thực dân Pháp nổ súng mở màn cuộc xâm lược của chúng ở Đà Nẵng, Tự Đức đã thể hiện sự nhu nhược cầu an của mình một cách rõ rệt. Vì chiếc ngai vàng, vì không có bản lĩnh, Tự Đức đã đánh giá tình hình đất nước lúc đó sai lầm một cách nghiêm trọng. Năm 1858 Pháp nổ súng ở Đà Nẵng không phải là điều bỗng nhiên như Tự Đức nói, mà đó là một việc đương nhiên, giai cấp phong kiến không phải không biết điều đó, bởi vì từ khi đang bị quân Tây Sơn tiến công, Nguyễn ánh đã nhờ Bá Đa Lộc thay mặt mình cùng với bá tước Montmorin ký hiệp ước Véc-Xây gồm 10 khoản, trong đó Nguyễn ánh đã nhượng cho Pháp Hội An và Côn Lôn. Cuộc cách mạng 1789 ở Pháp nổ ra nên hiệp ước ấy chưa thực hiện được, có nghĩa là ý đồ xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp đã có từ trước, không phải như Tự Đức hiểu trong Khiêm cung ký: “Người châu Âu xa cách trùng dương ngoài vạn dặm chẳng có quan hệ gì, mà nước Pháp vốn là nơi quen biết cũ, bỗng nhiên đưa quân lính thuyền bè, bỏ tình hòa hiếu tìm cách xâm lấn bờ cõi, chúng cậy thuyền bền, súng tốt dày xéo cố nuốt chửng đất Quảng Nam, phá phách đất Gia Định”.
Tại Đà Nẵng, thực dân Pháp đã gặp phải sức chống cự mãnh liệt của quân và dân ta, tổng thống quân vụ Lê Đình Lý tử thương, Nguyễn Tri Phương từ Lục Tỉnh được điều ngay về làm tổng thống quân thứ Quảng Nam, quân dân lấp sông Vĩnh Điện ngăn tàu giặc, đẩy lui giặc trên sông Hàn... Có thể nói một cách khách quan rằng buổi đầu triều đình Huế , cụ thể là Tự Đức đã có kế hoạch phản công thiết thực, nhưng dần dần giữa tiếng súng của giặc ở trước mặt và chiếc ngai vàng sau lưng, Tự Đức đã chùn chân lại, lại còn trở mặt làm trái. Tự Đức đã không tin vào lực lượng kháng chiến, đánh giá thấp phong trào yêu nước. Ông viết: “Canh thành giữ chốt nào được mấy người, đất nước đầy trộm cướp, trong gian ngoài giặc, chúng lén lút cấu kết ngày càng tràn lan, đến đâu thì tàn hại như gió bão, biết lấy ai để giữ gìn bờ cõi của ta huống gì là bảo vệ dân ta ? Bất đắc dĩ phải đánh qua loa cho xong chuyện”.
Viết đoạn này rõ ràng Tự Đức cố tình quên tên những lãnh tụ phong trào chống Pháp và hàng vạn dũng sĩ có mặt ở chiến trường từ khi mới nghe súng giặc. Tự Đức lại còn ra dụ cấm dân nổi dậy và ra lệnh cho quan địa phương bắt được nghĩa quân thì giao nộp cho Pháp, giúp giặc dập tắt và truy lùng những người kháng chiến. Đoàn sứ do Phan Thanh Giản cầm đầu quân sang Pháp chỉ là mang thịt tới miệng hổ đói và họ Phan mượn chén thuốc độc kết thúc đời mình cũng chỉ là kết quả bi thảm của một chính sách sai lầm mà đứng đầu là Tự Đức, thế nhưng Tự Đức đổ hết lỗi cho Phan Thanh Giản bằng cách ra lệnh cắt hết chức tước và đục tên ra khỏi bia Tiến sĩ sau khi Phan chết. Cũng vẫn giọng úp mở, Tự Đức đặt một câu hỏi lơ lửng để tự che cho mình: “Để thôi mệt nhọc, nhân giặc cầu hòa ta đành phải sai sứ cùng chúng hội ước, các bậc lão nho lương thần đều bùi ngùi xin đi, chẳng hiểu sao lại quá dễ dãi trong lúc thương thuyết mà trở về, các triều trước đã gian nan để mở đất họp dân, bỗng nhiên một sớm thảy giao cho địch, họ đã chọn lấy cái họa nhỏ, dùng cái chết để khỏi nhục mệnh vua, quả như thế chăng ?”.
Và ít nhất là đến năm cho khắc bài Khiêm cung ký (1875) sau hai hòa ước 1862 và 1872, Tự Đức có đá nhẹ đến những lỗi lầm của mình một cách khéo léo nhưng cũng không che nổi tư tưởng bảo thủ của mình. Ông viết: “Ôi, nếu bỏ mà có công tất mất là có tội, nếu mất mà chưa cho là tội, thì bỏ sao gọi là công? Hai điều ấy chắc có thể phân biệt được. Kẻ kia làm mất mà ta có thể thu lại được mới gọi là công, huống hồ kẻ kia làm mất ta lại hùa theo mà bỏ luôn, ôi, công sao? Sao trái đến như vậy mà gọi là trí? Dối trá như thế mà cho là công?... Nhưng không sáng suốt trong việc biết người là tội của ta, dùng người không đúng chỗ là tội của ta, hàng trăm việc không làm được đều là tội của ta cả”.
Tự Đức, càng sai lầm khi chọn hình ảnh thời Xuân Thu bên Trung Quốc và sự thất bại của nhà Thanh trước nạn xâm lược của người Anh để biện bạch cho mình. Ông viết: “Thật hơn cả thời Xuân Thu Chiến Quốc, dẫu Khổng Mạnh có sống lại cũng chưa chắc đã làm gì được. Ôi cứ xem nước Đại Thanh mà cũng chẳng tự cường được còn nói gì đến các nước khác”. Câu vẫn nặng mùi bảo thủ nhưng vô hình chung nói lên một thực trạng là tư tưởng Nho giáo, chỗ dựa của triều đình phong kiến nhà Nguyễn nhất là thời Tự Đức, đang bị chao đảo mạnh, đề cao đạo Nho nhưng cũng bắt đầu thấy cái mình đề cao không còn hợp thời nữa.
Từ cách nhìn nhận như vậy, Tự Đức quay về lo cho cuộc sống riêng tư của mình, dựng Vạn niên cơ nằm trong ý đồ đó, Khiêm lăng là tên gọi sau khi Tự Đức đã chết, vốn trước gọi là Khiêm cung, đó là nhà riêng của Tự Đức, là nhà riêng nhưng thật sự là một tòa gồm nhiều cung điện, thành trì, lầu gác, đình viện, nhà mát hành lang, hồ đảo... như Tự Đức mô tả trong Khiêm cung ký. Công việc xây dựng Khiêm lăng vô cùng cực nhọc, tốn kém, cuộc nổi dậy của công nhân công trường Vạn Niên từng xâm phạm đến đế khuyết năm 1866 đã nói lên điều đó. Thế nhưng Tự Đức vẫn cho việc xây dựng ấy là do “ý quần thần, chứ với ta ta đâu nghĩ đến”. Và thật trớ trêu khi Tự Đức viết: “Vả lại ta làm cung này vì nghĩ theo lệ thì ta phải có miếu riêng, có lăng tẩm, nếu không chuẩn bị trước thì ngày sau tôi con cứ theo phép cũ khó tránh khỏi gặp nơi cách trở xa xôi, phiền hà mệt nhọc, nên thực lòng là muốn tiết giảm và thuận lợi”. Lý do chọn Vạn Niên cơ, Tự Đức cho biết: “ở đây núi và nguồn lại thấp, rất gần với các lăng trước, đất nước lại hiền lành, chẳng phải nơi núi cao cây tốt rất dễ thi công”. Mặt khác theo cách nhìn của Tự Đức thì Khiêm cung nằm ở một vị trí đặc biệt “đủ rõ cái chí binh sinh”, bởi vì trước mặt là đàn Nam Giao, sau lưng là chùa Linh Mụ, bên phải là Xương Lăng và bên trái là Văn Miếu, Tự Đức quên rằng đất này thửa đó cũng nổi tiếng là nơi lam chướng như Đoàn Hữu Trung cho thấy trong tác phẩm Trung nghĩa ca của ông:
Tới thăm công sở Vạn Niên
Lùa quân trèo ngược đầy miền núi non.

Và để có đất làm lăng, một phần dân làng Dương Xuân đã bị đuổi đi nơi khác, họ đã kéo nhau xuôi dòng sông Hương về cửa bể lập nên một làng mới và đặt tên là Dương Xuân Hạ như vừa để nhớ nơi chôn nhau cắt rốn của mình và vừa như thách thức với chế độ.
Cái mâu thuẫn trong Khiêm cung ký là một mặt Tự Đức tỏ ra rất tiết kiệm trong việc xây dựng Khiêm cung như ông viết: “Điệu vũ tuy nhiều nhưng đặc biệt chỉ có Hòa khiêm, Lương khiêm và Di khiêm là làm bằng gỗ mới, còn lại đều nhặt nhạnh từ những ngôi nhà cũ, đem chỗ nọ bỏ chỗ kia, nhưng cùng lúc ông cũng kể ra bao nhiêu đền đài đình tạ, cầu kỳ, hồ đảo... cho đến núi đá bao quanh, cỏ cây râm mát, làm bậc đá, làm hang động, làm rừng núi chim bay thú chạy, xem đó là đủ biết Khiêm cung là nơi đủ tiện nghi nhất trên đời phục vụ cho việc ăn chơi xa xỉ của một ông vua. Chỉ tính việc hàng chục chiếc thuyền, hàng trăm lính mang hàng vạn bạc sang Giang Tây mua đồ sành sứ về đập vỡ ra để trang trí ở Khiêm cung cũng đủ biết “tinh thần tiết kiệm” của Tự Đức!
Sự xa hoa và vô trách nhiệm của Tự Đức không chỉ bị nhân dân lên án mà ngay cả thuộc hạ của ông cũng không thể chấp nhận. Năm 1866, công trường Vạn Niên đang lỡ dở, dân phu công trường lại nổi dậy, Tổng đốc Bình Phú (tức Bình Định - Phú Yên) là Thân Văn Nhiếp gởi sớ cho Tự Đức với vẻ trách móc oán hận. Sớ viết: “Chính sự của ta hay dở các nước láng giềng đều biết cả, họ chỉ rình chỗ hở của ta, làm ta lo, thật đáng sợ. Mối thù ấy, sự hổ thẹn ấy xin hoàng thượng đừng một phút nào quên... Ngồi trên chín lần cung điện nguy nga, nên nghĩ đến nhà cửa của dân Nam Kỳ đang bị đốt phá; ngắm lâu đài lộng lẫy ở Vạn Niên cơ, nên nghĩ đến một phần mộ của dân Nam Kỳ đang bị bỏ hoang; ăn uống của ngon vật lạ, nên nghĩ đến sản vật đất Nam Kỳ nay còn gì; úy lạc dân nghèo ở Kinh đô, nên nghĩ đến dân Nam Kỳ có ai thương xót?” (8)
Nhưng Tự Đức vẫn không lay chuyển ý đồ của mình, ông trả lời Thân Văn Nhiếp: “Những điều ngươi chỉ trích đều là lỗi của trẫm. Nhưng trẫm nay nhiều việc, người lại hay đau, nếu cứ khắt khe với những việc nhỏ ấy e thân này không còn sức đâu nữa mà làm việc!”(9).
Đã thế Tự Đức lại còn dùng chữ Khiêm làm chữ đầu đặt tên cho cả công trình sinh phần của mình lẫn những bộ phận nhỏ trong công trình ấy. Ông giải thích: “Khiêm là kính, là nhường, có địa vị mà không ở uốn mình xuống ngang với mọi vật. Ta mang chịu ô nhục và tội lỗi như thế thì còn nhường gì hơn, còn uốn mình gì hơn? Tài năng công đức gì mà không khiêm?” Nhưng nếu đem đối chiếu giữa con người và việc làm của Tự Đức với lịch sử thì chữ Khiêm kia không khỏi mang tính chất ngụy biện. Chữ Khiêm đã trở thành tấm bình phong che cho bao tội lỗi sai lầm của Tự Đức chỉ tính riêng có đến 45 bộ phận mang tên Khiêm trong toàn bộ công trình Khiêm cung cũng đủ thấy cái Khiêmcủa Tự Đức là không thực.
Tuy vậy, Tự Đức lúc nào cũng mong làm được ông vua giản dị, siêng năng và nhân đức, giữa công danh và nhân đức thì Tự Đức muốn được tiếng là nhân đức. Khiêm cung ký có đoạn viết: “Trải qua các đời vua, chẳng thiếu gì kẻ hay người dở, nhưng lấy công danh mà nói thì Hán Văn không bằng Đường Thái, lấy nhân đức mà nói thì Đường Thái kém xa Hán Văn... Ta đâu dám coi nhẹ Đường Thái chỉ thầm ước bắt chước Hán Văn”. Nhưng không ngờ ước mơ bằng cách ví von khiên cưỡng ấy đã bị Thân Văn Nhiếp cật vấn và chê trách trong tờ sớ thứ hai gởi Tự Đức năm 1868: “Ngày xưa Hán Văn Đế tiếc trăm đồng vàng mà không làm Lộ đài, ông còn nói: ta ở nhà của tiên đế còn sợ xấu hổ, đài mà làm gì? Hoàng thượng vốn hằng mong được như Hán Văn mà nay việc làm lại trái ngược nhau rất xa là tại làm sao? Hoàng thượng chỉ biết lấy việc khổ nhọc của người làm thích, tiêu phí của cải làm vui, sống xa xỉ làm khuôn cho đời sau bắt chước, muốn ăn chơi mãi như vậy cho trọn tuổi đời”(10).
Lời tâu của họ Thân đã đánh đúng nhược điểm của Tự Đức và đã vô hiệu hóa chữ Khiêm mà Tự Đức dùng với ý đồ đánh sòng con mắt thiên hạ.
Bị chê trách quá nhiều nên Khiêm cung ký cũng dành một phần đáng kể để thổ lộ nỗi băn khoăn về những sai lầm của mình, có điều nguyên nhân của chúng phần lớn là do hoàn cảnh khách quan tạo ra, Tự Đức viết: “Điều ta vẫn băn khoăn là việc học chưa thành, chí chưa thỏa, hư danh chẳng xứng với thực tội, thể chất yếu đuối không đủ sức đảm đương việc lớn. Như nay, ngoài thì bờ cõi bị mất chưa giành lại, trong thì giặc giã hoạn nạn chưa yên, việc nối dõi lại chậm chạp khó khăn, gây kiếm được người thì biết lấy ai đảm đương công việc”.
Đặc biệt Tự Đức luôn luôn viện lẽ thân thể yếu đuối và buồn vì không có con để thanh minh với công luận, nó như một điệp khúc lặp lại nhiều lần trong Khiêm cung ký, nhưng thực chất là sự nhu nhược, cầu an của Tự Đức.
Viết Khiêm cung ký, Tự Đức cố đem cái sở đắc về văn chương chữ nghĩa của mình để biện bạch chừng nào thì nghi ngờ và dư luận càng tăng. Nhưng dù sao trong Khiêm cung ký Tự Đức vẫn ít nhiều thú nhận việc làm sai lầm của mình và bày tỏ nỗi khổ tâm của một kẻ làm vua không mang lại gì cho đất nước. Phải khách quan mà nói rằng Tự Đức lên ngôi khi chế độ phong kiến Việt Nam đang rệu rã, bên trong thì nông dân khởi nghĩa rầm rộ, kẻ xấu thừa cơ phá phách, bên ngoài gặp lúc chủ nghĩa thực dân bành trướng mạnh. Tư tưởng Tống Nho, cái xương sống của chế độ phong kiến nhà Nguyễn đã hết sức lỗi thời và phản động, Tự Đức dù có bắt chước được cái nhập thế hành đạocủa Nho gia chăng nữa nhưng với bản chất yếu đuối, thiếu bản lĩnh, thiếu lập trường của mình thì cũng không tài nào xoay sở được. Từ đó Tự Đức đâm ra hoang mang khiếp đảm mà cuối cùng là cắt đất đầu hàng để được yên thân trong khi vẫn ao ước làm được một ông vua giỏi (1). Cái mâu thuẫn giữa ước mơ và thực lực, giữa lý tưởng và thực tế đã khiến Tự Đức chút nào thấy chua chát, thôi thúc ông viết những dòng tự thú: “Vì ta chưa đủ sức để cảm hóa thói tục, chưa đủ tài để giáo hóa con người. Chí lớn mà hiểu biết nhỏ, muốn nặng mà được nhẹ”.
Cho nên, có thể nói Tự Đức có phần nào nhận ra được chính mình, hiểu mình, nhưng hiểu để mà hiểu, để an phận chứ không dám lấy đó làm kinh nghiệm để có cách nghĩ cách làm tốt hơn trong lúc thời gian (từ năm viết Khiêm cung ký cho đến khi chết 1871 - 1883) và hoàn cảnh đủ để thể hiện điều đó.
Với lịch sử thì Khiêm cung ký chỉ là một bản thanh minh ngụy biện, với Tự Đức thì rõ ràng là một tác phẩm thể hiện rõ nét tính cách và con người nhu nhược của ông và cũng là lời tự thú về sự bất lực của một triều đại trước lịch sử. Nhưng lạ thay, một ông vua tàn bạo như Tự Đức, sẵn sàng giết anh, giết cháu, cắt đất hàng giặc để bảo toàn chiếc ngai vàng, nhưng cũng dễ dàng tiếp thu những lời chỉ trích phê bình của thuộc hạ mà không hề có một hành động trả thù nào.

Phan Hứa Thụy

------------------------------------------

Chú thích:

(1) Tự Đức: văn bia Thiệu Trị, chúng tôi tạm dịch những dòng trích từ Khiêm cung ký bên dưới cũng là do chúng tôi tạm dịch.
(2), (3) Đại Nam Thực lục chính biên, Đệ tam kỷ, Q.72, tờ 14a - b.
(4) Cap.Ch.Gonselin L’Empire d’Annam, Librarie Académ que Didier Paris, 1904, tr.181.
(5) Dẫn theo L.Cadiere.B.A.V.II số 3 tháng 7 - 9 - 1904, tr.205.
(6) Giá Sơn Kiều Oánh Mậu: Bản triều bạn nghịch liệt truyện, bản dịch Bộ QGGD, Sài Gòn, 1936, tr.183.
(7) Nguyên văn:
Đường Việt khai cơ lưỡng Thái Tông.
Đường xưng Trinh Quán, ngã Nguyên Phong.
Kiên Thanh tru tử, An Sinh tại,
Miếu hiệu tuy đồng, đức bất đồng.

(8) Quốc siêu Chính biên toát yếu, Q.5
(9) Đại Nam thực lục chính biên, Đệ tứ kỷ, Q.35
(10) Đại Nam thực lục chính biên, Đệ tứ kỷ, Q.73./.

Biên tập: Phạm Duy Trưởng

(Theo tạp chí Hán Nôm số 1 năm 1988)