VÀI Ý KIẾN VỀ QUYỂN CHỮ NGHĨA TRUYỆN KIỀU CỦA NGUYỄN QUẢNG TUÂN

Bài viết của Đinh Trần Cương
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân
Là một độc giả yêu mến Truyện Kiều, tôi đã tìm đọc quyển Chữ nghĩa Truyện Kiều của Nguyễn Quảng Tuân (Nxb. KHXH, H, 1990). Qua lời nói đầu, tôi rất tán thành quan điểm của ông Tuân. Đọc nội dung sách, tôi tiếp thu được một lượng thông tin khá nhiều bổ ích. Tôi lại thấy ông Tuân đề xuất yêu cầu góp ý kiến và cũng thấy nhà xuất bản khoa học xã hội cho biết sẽ in Truyện Kiều của ông, tôi xin mạnh dạn góp vài ý kiến, mong ông cân nhắc xem có thể giúp ích gì cho quyển sách sắp xuất bản không. Về những điều tôi muốn bàn, đã có một số trùng với những điều đã trình bày ở Tạp chí Hán Nôm số 2/91. Dưới đây chỉ nói đến những điều chưa nói ở số Tạp chí trên.
1. Trang 61, câu 2494: “Đống xương Vô Định đã cao bằng đầu”. Ông Tuân đã vạch thiếu sót của Trương Vĩnh Ký là không dẫn điển tích ở bài thơ Lũng Tây hành của Trần Đào để nói lên xuất xứ của chữ “Vô Định”. Ông Tuân dẫn bài thơ và sau khi dịch nghĩa thì ông viết: “Nguyễn Du đã dùng chữ “Vô Định” trong bài thơ trên để tả cảnh người chết vì chiến tranh, xương chất đầy đống bên sông. Sông Vô Định là con sông ở tỉnh Thiểm Tây và tỉnh Tuy Viễn Trung Quốc”. Tôi thấy giải thích như trên là nông cạn, chưa làm rõ được ý nghĩa của chữ “xương Vô Định”, lại nặng về chi tiết địa lý làm loãng ý nghĩa chính. Nếu chỉ cần nói ý nghĩa chết vì chiến tranh thì hà tất phải dùng đến bài thơ Lũng Tây hành. Giá ta nói xương “Xích Bích” cũng được. Trận Xích Bích là trận đánh nổi tiếng trong lịch sử, cũng được dùng phổ biến trong văn học Trung Quốc, hơn trận ở sông Vô Định. Nhưng Nguyễn Du đã dùng đến bài Lũng Tây hành là có dụng ý. Câu thơ đang nói đây là lời Kiều khuyên Từ Hải ra hàng. Chàng là người “Phong trần mài một lưỡi gươm, những phường giá áo túi cơm sá gì”. Chàng dùng gươm đao để lập sự nghiệp. Nếu lên án các trận đánh nhau, tức là lên án sự nghiệp của chàng. Dùng hình ảnh nhiều người chết vì chiến tranh thì chắc khó thuyết phục được Từ Hải. Ta thấy bài Lũng Tây hành nói: “Thương thay, nắm xương Vô Định… còn là người trong mộng của những thiếu phụ chốn phòng khuê”. Đây diễn tả nỗi mong chồng mà chồng đã phơi xương ở chiến trường. Đây là nỗi bất hạnh, nỗi đau thương của biết bao phụ nữ, do chiến tranh gây ra. Kiều phải lấy điều này để làm rung động từ Hải. Ta đã thấy Từ Hải cũng biết yêu, đã tìm cách đem lại hạnh phúc cho phụ nữ, biết quan tâm đến gia đình, thể hiện ở lời nói: “Xót nàng còn chút song thân, bấy lâu kẻ Việt người Tần cách xa. Sao cho muôn dặm một nhà, cho người thấy mặt là ta cam lòng”. Vậy đánh vào điểm này chắc dễ kết quả hơn là đem đống xương người chết ra để thuyết phục chàng. Như thế, phải giảng chữ đống xương Vô Định là ngụ ý lòng mong chồng, là nỗi đau đớn của người phụ nữ mất chồng vì chiến tranh.
2. Trang 33 và 73, câu 1935: ở trang 33 ghi “Cửa thiền then nhặt lưới mau”, ở trang 73 lại ghi “Quan phong then chặt lưới mau” và ông Tuân giải thích là: câu này “tả cảnh Thúy Kiều bị giam lỏng ở Quan Âm Các. Hoạn thư cho canh phòng đóng khóa cửa cẩn thận, giữ gìn không cho sơ hở một chút (mặt lưới đã giăng kín) khiến Thúc Sinh và Thúy Kiều không thể gặp mặt nhau được”. Nếu hiểu là Thúy Kiều bị giam lỏng, tất nhiên phải hiểu mấy câu tiếp theo: “Nói lời trước mặt, rơi châu vắng người” v.v… là hành động và tâm trạng của Kiều, như bản dịch ra tiếng Pháp của Nguyễn Khắc Viện: “Aveclesgens, elle bavardait, mais seule, pleurait, pleurait. De son oratoire, elle voyait le cabinet de Thuc. Un empan les séparait plus que fleuves et monts”, nghĩa là “Với mọi người, nàng tán chuyện, nhưng khi còn một mình thì khóc, khóc hoài. Từ chỗ gác kinh, nàng nhìn thấy buồng của Thúc. Một gang tay đã chia cách họ hơn là nhiều sông núi”.
Hiểu sai như vậy là do không chú ý đến đoạn trên đó Nguyễn Du đã nói về Kiều: “nhân duyên đâu nữa còn mong, khỏi điều thẹn phấn tủi hồng mà thôi. Phật tiền thảm lấp sầu vùi, ngày pho thủ tự đêm nồi tâm hương. Cho hay giọt nước cành dương, lửa lòng tưới tắt mọi đường trần duyên”. Nguyễn Du cho biết Kiều đã được nhà phật giải thoát cả thể xác và tâm hồn rồi, không mơ tưởng trần duyên nữa, lẽ nào còn tả nàng vờ vĩnh nói cười, hoặc khóc lóc mơ tưởng đến Thúc Sinh? Nếu muốn tả Kiều như vậy, thì nêu ra nhận xét như nói ở đoạn trên làm gì cho mâu thuẫn. Và nếu Hoạn Thư bao vây Kiều bằng “then nhặt lưới mau”, thì dễ gì Kiều trốn thoát khỏi Quan Âm Các một cách đơn giản, lại còn mang cả chuông vàng, khánh bạc đi một cách êm thấm. Ta biết rằng nhân buổi vợ đi “vấn an”, Thúc Sinh lẻn ra Quan Âm Các, liền bị “người đi vắng” quay trở lại bám theo bắt quả tang ngay. Cho nên đoạn này không phải nói về Kiều, mà nói Thúc Sinh bị theo dõi chặt. Chàng muốn đến gặp Kiều mà khó khăn quá, hơn là cách trở núi sông. Chàng phải vờ vĩnh nói cười trước mặt vợ, và khóc vụng một mình sau lưng vợ. Phân tích thế này ta còn thấy chữ “cửa thiền” là sai.
3. Trang 13 và 156: bàn về câu 20, do Trương Vĩnh Ký phiên âm là “Khuôn lưng đầy đặn, nét người nở nang”, ông Tuân một mặt thừa nhận là có thể phiên âm như vậy cũng được, nhưng về ý nghĩa thì lại phê phán là sai, mà theo ông, đúng ra phải là “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”. Lý của ông là trong câu ấy Nguyễn Du muốn tả cái vẻ mặt phúc hậu của Thúy Vân”. Ông Tuân đã gặp lại một số học giả trước phỏng đoán về vẻ mặt phúc hậu. Tôi nói phỏng đoán vì người ta suy luận cho rằng Nguyễn Du muốn tả như vậy. Thực tế Nguyễn Du không nói ra mà ta chưa biết đúng hay sai, nên ông Tuân không chứng minh rõ được. Về điểm này ông Nguyễn Thiện Chí đã có bài bàn ở Tạp chí Hán Nôm số 2/90, không đồng ý với chữ “nét ngài” với các lý do.
- Vì Nguyễn Du có gọi gái điếm là ả mày ngài, nếu lông mày của Thúy Vân cũng là mày ngài, sợ bị đồng nhất với hàng đàn bà đĩ điếm.
- Cũng giống lông mày của Từ Hải (tôi bổ sung và theo ông Tuân, cả lông mày của Quan Vân Trường, hai vị này không thể tiêu biểu cho sự phúc hậu).
- Chữ “nét ngài” kết hợp với nở nang là mâu thuẫn về ngữ nghĩa, Nguyễn Du bậc thiên tài gọt giũa từ ngữ không sơ suất như vậy được (Điểm này ông Tuân cũng có ý kiến là tả như vậy thì “Thúy Vân đâu có đẹp gì”.
Ông Tuân tuy có dẫn chứng sách tướng để minh họa tướng phúc hậu, nhưng câu dẫn lại chỉ nói đến ngọa tàm vị, và ông giải thích là vị này ở dưới con mắt chứ không phải lông mày, vậy cũng không lấy được tướng pháp ra để tả sự phúc hậu. Xét qua những điểm nói trên thì thấy điều ông Tuân phỏng đoán và phân tích là chưa đủ tin cậy.
Theo tôi nên căn cứ vào cả đoạn thơ giới thiệu Thúy Vân và những tình tiết liên quan đến Thúy Vân để xét. Bắt đầu giới thiệu Vân, Nguyễn Du viết: “Vân xem trang trọng khác vời”. Nét đầu tiên của Vân được làm nổi lên là vẻ trang trọng chứ không phải vẻ phúc hậu. Ở một câu sau, lại tả Vân cười nói đoan trang. Trang trọng và đoan trang là đặc điểm chung nói lên tính cách đứng đắn của người đã lớn khôn, không còn là trẻ con nhí nhảnh nữa. Nguyễn Du nhấn mạnh điểm này vì câu chuyện sẽ đưa Vân ra thay chị để kết duyên với Kim Trọng. Vân là em rất có thể bị coi là trẻ con vì Kiều là chị mà cũng còn chưa tính gì đến chuyện chồng con. Nhưng để người ta coi là trẻ con thì câu chuyện đặt ra sẽ không ổn. Và đến khi Kim Trọng cưới nàng, Nguyễn Du không thể khen là “Trai tài gái sắc xuân dương vừa thì” được. Phong cách, tính nết của Vân đã được giới thiệu là trang trọng, đoan trang. Đó là một cách tả tổng quát. Nếu về thể chất, cơ thể, lại chỉ tả hai chi tiết là khuôn mặt và lông mày thì không cân đối. Khuôn mặt đầy đặn và lông mày nở nang lại không biểu hiện rõ được đó là người lớn hay trẻ con, như vậy là không thiết thực về ý tứ. Nét ngài là lông mày thanh nhỏ mà lại nở nang là lủng củng gợi ý thô xấu. Trong khi với các chữ “nét người nở nang” có thể nói lên vóc người đã lớn, lại rất có ý nghĩa, chữ người lại hợp vần rất sát với chữ vời ở câu lục trên. Còn chữ khuôn lưng hay khuôn trăng, tôi chưa đủ cơ sở để bàn.
4. Trang 67 và 183, câu 566: “đầu cành quyên nhặt cuối trời nhạn thưa”. Ông Tuân nói kỹ càng về con chim quyên. Nhưng lại rút ra cách giải thích câu thơ là “tả cảnh cuối hè sang thu, tức là đúng vào thời gian chim quyên bay về đồng bằng từ trên núi xuống đồng bằng và kêu hót ở đầu cành”. Như vậy là sai. Trong chuyện nói đến cảnh này lúc tả Kim Trọng chia tay với Kiều đi Liễu Dương. Hôm đó gia đình Kiều đang đi dự lễ sinh nhật ngoại gia, mà tiết trời được Nguyễn nói rõ là “thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua”. Việc đây không phải cuối hè sang thu mà là cuối xuân sang hè. Thực ra câu thơ không chỉ dừng lại ở chỗ hè hay thu, mà ý nghĩa còn thâm thúy hơn thế. Nói “quyên nhặt” tức là cuốc kêu da diết, là ngụ ý nói lên lòng tiết xuân, ở đây là nỗi buồn tiếc của đôi tình nhân mới vừa tỏ tình yêu nhau đã phải sớm xa nhau (nghĩa tiếc xuân là lấy ở ý câu thơ của Lý Thương Ẩn trong bài Cầm sắt: “Vọng Đế xuân tâm thác đỗ quyên” nghĩa là lòng tiếc xuân của Vọng Đế gửi vào chim quyên). Nói “cuối trời nhạn thưa” là tả cảnh sang hè, chim nhạn là tin tức ở xa gửi về. Ở đây ngụ ý nói: thiếu nhạn đôi bạn khó lòng trao đổi tin tức với nhau. Như vậy mới thật đáng buồn, đúng như câu 565: “Buồn trông phong cảnh quê người”. Còn nếu thấy chim bay từng đoàn về và kêu hót thì có lẽ là vui, chứ buồn làm sao được?
5. Trang 117, Câu 2160: “Cái thân liệu những từ nhà liệu đi”. Ông Tuân bác bỏ ý kiến của hai ông Lê Văn Hòe và Lê Mạnh Liêu bênh vực chữ liều (dấu huyền) nhưng ông Tuân không phân tích rõ chỗ sai của hai ông kia. Ông Liêu có dẫn những câu trong Truyện Kiềunhư: “Thà rằng liều một thân con…”, “Cũng liều nhắm mắt đưa chân…”, “Cũng liều ngọc nát hoa tàn mà chi…”, “Cũng liều một giọt mưa rào…”, “Cũng liều má phấn cho rồi ngày xanh…” để chứng minh rằng Kiều nhiều lần liều và liều từ nhà liều đi. Ông Tuân chỉ phê phán gọn một lời là “Cách giải thích thế xem ra cũng chưa ổn”. Theo ông Tuân thì phải lấy câu “Dao này thì liệu với thân sau này”, để làm căn cứ và để chứng minh rằng Kiều đã liệu từ nhà liệu đi. Nhưng theo trong Truyện Kiều thì việc lấy dao mà liệu với thân là ý của Kiều mới chỉ nảy ra khi đã ra trọ trong trú phường, chứ không phải từ ở nhà, lại nhân lúc Kiều thấy trên án có con dao. Nếu là tính liệu từ nhà thì Kiều đã phải thu xếp mang dao từ nhà đi mới phải. Hơn nữa nếu coi việc chuẩn bị dao là vấn đề cơ bản của sự tính liệu của Kiều thì ở trong trường hợp ta đang bàn đây, Kiều bị họ Bạc bán vào lầu xanh, Kiều sẽ sử dụng con dao, tức là tự tử mới phải. Trái lại Kiều chỉ đánh giá mình đã liều nhiều lần, thì lần này nữa “Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh”. Rõ ràng là cái thân liều những từ nhà liều đi”, và bây giờ tiếp tục liều chịu ô nhục cho xong nợ hồng nhan.
6. Trang 124, câu 48: “Ngựa xe như nước áo quần như nên”. Ông Tuân bênh vực chữ nêm. Nhưng chữ nêm rõ ràng là lời thô, ý không đẹp. Nó gợi nêm rõ ràng là lời thô, ý ngột ngạt không phù với cảnh thoáng đãng, cảnh dập dìu tài tử giai nhân. Ngày xưa các mộ được chôn ở bãi tha ma rộng rãi nên những người tảo mộ không cần chen chúc nhau (Ngay mộ Đạm Tiên cũng chiếm riêng một khoảnh). Còn chữ nen, nếu giải thích là len chèn cũng chẳng khác gì chữ nêm, mà nếu giải thích len là xỉ (?) tức răng, cũng thật khó chấp nhận vì đem ví quần áo với hàm răng khít nhau cũng thật ngô nghê. Ông Tuân lại cho rằng Nguyễn Du nhân cách hóa quần áo cũng không ổn vì Nguyễn Du tả người đã nhắc đến tài tử giai nhân rồi, không cần mượn quần áo thay thế vào đấy nữa. Tôi xin giới thiệu để tham khảo là ở vùng quê tôi ở Hà Tĩnh, có giống cây nen, mọc hoang ở đồi núi xen với những cây cỏ như sim, mua, móc có quả nhỏ, khi chín thì màu tím, ăn được. Về mùa xuân ra hoa kết quả. Chắc là Nguyễn Du lấy hình ảnh này khi lá, hoa, quả nen xen lẫn nhau có màu sắc dịu dàng (không rực rỡ) để tả quần áo màu sắc nhã nhặn của những người đi tảo mộ.
7. Trang 128, bàn về chữ “Nghỉ” và “Nghĩ”.
Tôi rất đồng ý với ông Tuân khi ông viết “đối với người có tư cách, có học vấn, có địa vị trong xã hội, Nguyễn Du không bao giờ lại dùng chữ nghỉ”. Tôi vốn quê quán ở Hà Tĩnh và sống ở quê cũng khá lâu, xin bổ sung thêm là tiếng này chỉ được dùng trong câu chuyện thân mật hay suồng sã, trong nhóm nhỏ, trong đó có cả người nói, người nghe và người được gọi là “nghỉ” thường là bằng vai bằng lứa với nhau. Cho nên theo tôi, Nguyễn Du không gọi Vương Ông là nghỉ, mà đến Mã Giám Sinh, Sở Khanh cũng không gọi là nghỉ, vì Nguyễn Du không thể tự đặt mình và độc giả vào cùng vai lứa với Mã, Sở. Hơn nữa, nếu cho rằng ở câu 894 “Mái ngoài nghỉ (?)đã giục liền ruổi xe”, có thể dùng chữ “nghỉ” để chỉ Mã Giám Sinh, là không đúng ngữ pháp. Chữ “nghỉ” là đại từ nhân xưng, nên chỉ có thể dùng để chỉ nhân vật vừa mới được đề cập ở hai câu trên liền đó thôi. Còn trong trường hợp này ta thấy Mã được nói ở câu 868, cách câu 894 mấy chục câu và ở giữa chúng đã đề cập đến “Vương Ông mở tiệc tiễn hành đưa theo”. (Câu 872), Kiều giải lòng với mẹ (câu 876), rồi Vương Bà muốn vạch trời kêu lên (câu 892). Sau đó không nhắc đến Mã, mà lại lấy chữ “nghỉ” làm đại từ để chỉ Mã thì đó là điều không thể chấp nhận được. Xin giới thiệu bản Nôm Phúc Văn Đường ghi câu này là “Mái ngoài kia đã giục liền ruổi xe”. Còn ở câu 1188 nói Sở Khanh dở tuồng tháo lui, thì bản Nôm Quan Văn Đường ghi “nghĩ mới…” và bản Liễu Văn Đường ghi: “Thôi mới tìm đường tháo lui”.
8. Trang 142, câu 2672: “Trước hàm rồng cá gieo mồi vắng tanh”. Ông Tuân cho biết nhiều bản dùng chữ “vắng tanh” và nhiều bản khác dùng chữ “thủy tinh”, và ông nhận định “vắng tanh” là đúng, “thủy tinh” là sai. Ông dựa vào lời Kiều Oánh Mậu dẫn câu thơ của Đỗ Phủ “Ngư long tịch mịch thu giang lãnh”, nghĩa là “Cá rồng vắng vẻ sông thu lạnh”, và chữ vắng tanh là dịch chữ tịch mịch của Đỗ Phủ vấn đề là phải xem Nguyễn Du có dùng chữ của Đỗ Phủ không. Trong câu thơ Đỗ Phủ nói cá rồng vắng vẻ, vậy phải coi như là chúng ở đâu sâu xa kín đáo chứ không thấy ở đây. Còn câu thơ của Nguyễn Du là “trước hàm rồng cá” thì là rồng cá đang có mặt tại chỗ. Vậy là khác hẳn nhau, vả lại Nguyễn Du không nói rồng cá vắng tanh mà là “gieo mồi vắng tanh”. Phải xem “gieo mồi vắng tanh” có ý nghĩa gì. Có cách giải thích là Kiều gieo mình xuống lúc đêm khuya vắng tanh. Giảng thế cũng là sai vì trong truyện đã nói rằng Kiều thấy “Triều đâu nổi sóng đùng đùng, hỏi ra mới biết rằng sông Tiền Đường” và khi Kiều “đem mình gieo xuống giữa dòng tràng giang” thì “thổ quan theo vớt vội vàng”. Vậy là xung quanh Kiều có người để cho nàng hỏi, và có người theo vớt nàng ngay sau khi nàng gieo mình. Rõ ràng không phải vắng tanh.
Về chữ “thủy tinh” thì nếu hiểu là tấm thân trong sạch của Kiều cũng sai. Chữ thủy tinh ở đây phải hiểu là loài yêu tinh hay quái vật ở dưới nước. Chúng ăn được thịt người như cá dữ hoặc bất kỳ sinh vật nào khác rỉa thịt người chết đuối. Tham khảo nguyên chuyện thì lời Tam Hợp Đạo Cô nói về số kiếp của Kiều có câu: “trong đám đao binh, làm bạn với Ma Vương hùm sói, dưới làn sóng nước làm mồi cho thủy tộc cá tôm”. Thủy tộc cá tôm được Nguyễn Du gọi là thủy tinh, cũng đúng nghĩa. Ta không sợ chữ này trùng với ý chữ rồng cá ở trên. Một là vì rồng được coi là vật thiêng liêng và không liệt vào loài ăn thịt người. Hai là chữ hàm rồng lại có nghĩa là nơi vực sâu có nước chảy xiết, hoặc theo mê tín thì đó là huyệt quý, đem mai táng cha ông vào đấy thì phát, con cháu được làm đế vương.
Vậy thì câu “trước hàm rồng cá gieo mồi thủy tinh” có thể có nghĩa ràng mạch là: trước nơi vực sâu nước xiết, Kiều gieo mình xuống làm mồi cho quái vật dưới nước.
9. Trang 195, câu 2192: “Khiến người lại nhớ câu Bình Nguyên Quân” mà cho rằng đây là câu mà Bình Nguyên Quân đã nói với Mao Toại, Cụ thể là câu “Người có tài năng như mũi dùi trong tay áo, đầu nhọn của nó tất phải tòi ra. Vậy sao lâu nay không thấy ông lộ ra có tài năng gì cả. Và ông Tuân phân tích như vậy trước hết là ông Tuân đặt Kiều đứng vào thế của Bình Nguyên Quân và Từ Hải ở thế của Mao Toại. Thật là ngộ nghĩnh hoàn toàn, không thỏa đáng, nếu xét về tư cách, vị trí, quan hệ của từng người. Sau đó là ông Tuân phân tích: “Câu nói ấy cho ta thấy Bình Nguyên Quân… không biết nhìn người như Thúy Kiều… còn thua Thúy Kiều vì nàng có con mắt tinh đời đoán được kẻ anh hùng còn đang lúc trần ai”. Ông Tuân lại cho rằng nếu chỉ đem câu thơ của Cao Thích ra giải nghĩa thì chưa đủ rõ (đây là nói câu chữ Hán: “Bất chi can đảm hướng thủy thị, Linh nhân khước ức Bình Nguyên Quân”, nghĩa là “không biết đem gan mật ra hướng về ai cho phải, khiến người lại nhớ Bình Nguyên Quân”).
Thế là ông Tuân nhớ lầm đoạn đối đáp giữa Kiều với Từ Hải nên đem ý đảo ngược trình tự trước sau để phân tích. Kiều nói:
Chút riêng chọn đá thử vàng,
Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu.
Còn như vào trước ra sau,
Ai cho kén chọn vàng thau tại mình.
Từ rằng: lời nói hữu tình,
Khiến người lại nhớ câu (?) Bình Nguyên Quân.

Rõ ràng là Từ đã đề cập đến Bình Nguyên Quân trước khi Kiều đánh giá Từ Hải. Vậy căn cứ vào đâu để Từ Hải khẳng định rằng Kiều biết người hơn Bình Nguyên Quân? Chưa có sự đánh giá nọ đã đem so sánh với sự đánh giá kia là vô căn cứ. Ông Tuân đọc cảTruyện Kiều rồi thì biết rõ sự đánh giá này, cũng như có thể biết Từ Hải chết đứng, còn bản thân nhân vật thì không thể biết được. Vậy phải dựa hẳn vào câu thơ chữ Hán để giải thích. Kiều nói đến “Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu”, đó là nghĩa của vế trên câu thơ. Từ “hiểu” này ngụ ý nàng đang mong gặp người anh hùng hào hiệp, nên đọc luôn ý vế dưới “Khiến người lại nhớ câu Bình Nguyên Quân”. Và Từ đề nghị luôn Kiều hãy xem chàng có đáng mặt anh hùng hào hiệp như thế không? Sau đó Kiều mới đánh giá “Tấn Dương được thấy mây rồng có phen”. Khi chưa có câu đánh giá này thì Từ Hải không thể liên hệ đến câu Bình Nguyên Quân nói với Mao Toại được.
Tôi trình bày mấy ý kiến thô thiển trên đây, nếu có sai lầm xin được nghe lời chỉ giáo.
1

TB