40 NĂM TRƯỚC - NGÀY 7 THÁNG 1 NĂM 1979 QUÂN TA TIẾN VÀO PHNOM PENH

Thực ra khi đã phải dùng biện pháp chiến tranh thì khó phân biệt lớn nhỏ, bởi chiến tranh nào cũng gây ra nhiều tổn thất người và của, phá vỡ mối quan hệ quốc gia, làm đảo lộn mọi quá trình phát triển hòa bình của dân tộc. Thời gian tiến hành có thể chỉ chớp nhoáng, đối tượng, mục tiêu tác chiến có khi không phải là đội quân nhà nghề của đế quốc lớn, nhưng không thể coi là nhỏ khi chiến tranh ấy giải quyết một trong những vấn đề có tính đột biến và quan trọng bậc nhất là thảm họa diệt chủng ở Campuchia.
Quân tình nguyện Việt Nam - Đội quân nhà phật được nhận dân Campuchia chào đón
Tới đầu tháng 12 năm 1978, quân đội Việt Nam được hỗ trợ bởi một số tiểu đoàn Khmer thân Việt Nam đã kiểm soát một vùng đệm dọc biên giới trong lãnh thổ Campuchia. Ngày 23 tháng 12 năm 1978, sau khi được tăng viện, với 80.000 quân, quân đội Việt Nam đã tiến hành phản công trên toàn bộ mặt trận
Ngày 25 tháng 12 năm 1978 sau khi đánh tan sức kháng cự của quân Khmer Đỏ, các lực lượng Việt Nam thuộc Quân khu 5 nhanh chóng hành tiến theo đường 19, sư đoàn 309 quét sạch tỉnh Ratanakiri, phía Bắc tỉnh Mondolkiri và tiến vào phía Bắc tỉnh Stung Treng. Sư đoàn 307 tiến theo đường 19, dùng cầu phao vượt sông Srepok và sông Mekong. Tới ngày 1 tháng 1 năm 1979, lực lượng Quân khu 5 tiến dọc sông Mekong chiếm được Stung Treng.
Cùng thời gian, Sư đoàn 5 thuộc Quân khu 7 tiến từ hướng đông, cùng Sư đoàn 303 tiến theo hướng tây bắc từ Snuol cùng đánh vào Kratié do Sư đoàn 260 và 2 trung đoàn địa phương của đặc khu 505 phòng thủ. Ngày 4 tháng 1, quân ta chiếm được Chhlong. Kể từ lúc đó, toàn bộ lãnh thổ Campuchia ở phía đông sông Mekong coi như đã được bình định.
.Tại mặt trận phía nam, từ An Giang, quân Việt Nam bắt đầu vượt biên giới vào ngày 3 tháng 1 năm 1979 và tấn công theo hai hướng. Hướng thứ nhất, Sư đoàn 325 và Sư đoàn 8 tiến về phía Tây, dọc theo quốc lộ số 2. Ngày 5 tháng 1 năm 1979, trong khi lực lượng Quân khu 9 tiến đánh Takéo, sư đoàn 325 bắt đầu hành tiến theo hướng Tây Bắc. Lực lượng Khmer Đỏ của Quân khu Tây Nam do Ta Mok chỉ huy khét tiếng cuồng tín đã chuẩn bị công sự phòng thủ ở Tuk Meas trên đường 16, ở khoảng giữa biên giới và Chhuk. Phải mất hai ngày giao chiến, Sư đoàn 325 mới có thể đánh tan tuyến phòng ngự của Khmer Đỏ và chiếm được khu vực Tuk Meas. Cùng lúc đó tướng Nguyễn Hữu An cũng tung Sư đoàn 8 theo hướng tây để đánh chiếm quận lỵ Kampong Trach, nằm ở giao điểm với đường quốc lộ ven biển.
Ngày 6 tháng 1, các đơn vị Việt Nam vượt sông Mekong qua ngả Neak Luong và bắc Kompong Cham. Chín sư đoàn quân Việt Nam làm thành hai gọng kìm tiến vào Phnom Penh từ phía Đông Nam và phía Bắc: Sư đoàn 7 và Sư đoàn 2 di chuyển theo quốc lộ 1, Sư đoàn 9 tiến song song bảo vệ sườn phía nam và Sư đoàn 341 bảo vệ sườn phía bắc.
Ngay trong sáng ngày 6 tháng 1, lực lượng đột kích Phnom Penh, gồm Trung đoàn 28 của Sư đoàn 10 và các đơn vị phối thuộc, dẫn đầu bởi 6 xe lội nước và một số xe thiết giáp M-113 vượt sông, tổng cộng lực lượng có 120 xe quân sự. Lực lượng đột kích vừa hành quân vừa giao chiến với các ổ phục kích của quân Khmer Đỏ, tới chiều tối ngày 6 thì tới bờ sông Tonglé Sap và tổ chức đánh vượt sông để tiến vào Phnom Penh.
Việc quân Việt Nam tiến quá nhanh khiến cho Khmer Đỏ chỉ kịp sơ tán bộ máy lãnh đạo. Son Sen chạy xuyên qua mặt trận ngược về phía Việt Nam để tập hợp tàn quân của các sư đoàn thuộc quân khu miền Đông. Pol Pot, Nuon Chea và Khieu Samphan được vài xe Jeep chở quân bảo vệ chạy về Pursat. Ieng Sary chạy về Battambang trên một chuyến xe lửa đặc biệt chở vài trăm nhân viên Bộ ngoại giao. Việc rút lui khẩn khiến nhiều Bộ khác cùng hàng ngàn nhân viên không được thông báo về cuộc rút lui. Các chuyến xe tiếp theo sơ tán Phnom Penh bị tắc nghẽn bởi quá nhiều người tìm cách bỏ chạy. Như vậy với việc ban lãnh đạo sơ tán, khoảng 40 ngàn dân chúng và binh lính Khmer Đỏ tại Phnom Penh, cũng như các đơn vị quân phòng thủ các mục tiêu lân cận bị bỏ mặc tự thân vận động.
Ngày 7 tháng 1, quân ta chiếm sân bay Kampong Chonang và bắt được mười máy bay A-37, ba C-123K, sáu C-47, ba Alouette III cùng một số T-28. Ngoài ra Khmer Đỏ cũng bỏ lại hàng trăm xe tăng và xe bọc thép, rất nhiều đạn dược và lương thực dự trữ chiến lược mà chúng không kịp mang theo.
Ở phía Bắc, các sư đoàn của Quân đoàn 3 cũng tiến xuống Phnom Penh, sau đó Sư đoàn 320 theo quốc lộ 4 xuống bình định các tỉnh phía nam. Các sư đoàn còn lại theo các quốc lộ 5 và 6 tiến về hướng Tây và hướng Bắc.
Ngày 8 tháng 1, Hội đồng Nhân dân Cách mạng Campuchia do Heng Samrin làm Chủ tịch đã được thành lập.
(Phạm Duy Trưởng tổng hợp)