BÀI PHÚ "BUÔNG THUYỀN TRÊN HỒ" CỦA PHAN HUY CHÚ

Bài viết của Kim Anh

Nhà Bác Học Phan Huy Chú


Trong suốt cuộc đời làm quan không lấy gì làm thông đạt của mình, Phan Huy Chú (1782 - 1840) có hai lần được cử đi sứ nhà Thanh: lần thứ nhất vào năm 1825, lần thứ hai vào năm 1831. Mỗi chuyến đi như vậy ông đều có một tập khá dày gồm những bài thơ, phú, từ ghi lại các sự kiện xảy ra trong chuyến đi bằng những cảm xúc của mình trên suốt cuộc hành trình, tựa như một tập du ký với nhiều thể loại đầy hấp dẫn.
Hoa thiều ngâm lục là tập thơ phú ông làm trong chuyến đi sứ lần thứ nhất. Toàn tập có hai quyển: quyển thượng gồm một bài tựa, 161 bài thơ và ba bài phú. Quyển hạ gồm 114 bài thơ, 1 bài phú và 8 bài từ.
Phiếm hồ phú là một trong bốn bài phú khá hay ở quyển thượng củaHoa thiều ngâm lục(*). Bài Phú miêu tả phong cảnh và cảm xúc của tác giả khi đi qua hồ Động Đình - một thắng cảnh nổi tiếng của Trung Quốc. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu toàn văn bài phú nói trên, một áng văn hay của Phan Huy Chú mà cho tới nay vẫn chưa được công bố.
Âm Hán Việt:
Phiếm hồ phú
Dư ký lịch bát quế chi nham khê,
Phù Tam Tương chi yên trúc;
Cùng Sở vọng vu Hoành Dương,
Diếu thương châu vu Nhạc Lộc,
Sơn xuyên chi lạc, hân hân bão quan,
Nhi hung thôn Vân Mộng do khiếm nhiên vi túc dã!
Cửu hạ tình minh
Yên thủy án trình,
Tái phiếm, tái du,
Trực lâm Động Đình.
Khóa ba lãng chi thương mang,
Lăng vân ái ư yểu minh.
Chỉ Quy Sơn nhi túng trạo,
Miện Ba Nhạc dĩ dương linh.
Hạo tân nhai kì vô tế
Hợp thượng hạ ư không thanh.
Phóng trung lưu chi nhất diệp
Diểu khách tứ hồ phù bình.
Thiên lý vân thiên,
Ỷ hạm khấu huyền.
Hồ sơn tứ cố,
Cổ ý du nghiên!
Nãi chiêu tùy giới giả nhi cáo chi viết:
Ba gian loa kế,
Nham tụ uất thông,
Tư nãi Thương Quân sơn chi thập nhị phong dã!
Dạo đài ngọc vũ
Đế nữ di tông.
Tưởng tiên cư chi hoàn bội,
Quýnh vân lãng kỳ không mông!
Viễn nhai Lộc Giác,
Thụ mộc phù sơ.
Thử hựu Đào Chu Công chi cố sở cư dã!
Ngũ hồ vân quốc,
Thiên địa cừ lư.
Diểu bá đồ chi vinh lợi,
Dư yên thảo vu hoang khư!
Ế vãng tích chi dĩ liêu,
Khái phương du kì nan vấn.
Muộn thanh nhạc hồ tiên châu
Yểu phồn hoa ư hải thẩn!
Duy lưu trĩ chi trường tồn,
Ái phong quang kỳ bất tận.
Liểu lãm cổ dĩ hưng hoài,
Khởi hạ trùng chi nghi thẩn!
Thẩn Động Đình chi thắng khái
Khởi bình tích chi bão văn,
Tằng hồ sơn chi nhập mộng.
Hỉ câu lạc chi vấn tân,
Tứ tráng quan dĩ khoát mục,
Duyệt giai cảnh dĩ di thần,
Tăng giang hồ chi kỳ khí,
Đổ thiên địa chi đại văn.
Giác tư dư kỳ kham tiện,
Hạp tràng vịnh ư nam huân!
Ư thị mệnh tôn khai chước,
Huy bút nhàn nga.
Ngưỡng ngoạn thanh vân,
Phủ ngoạn lục ba.
Ngâm tình thai đãng,
Trùng kế dĩ ca.
Ca viết:
Thủy bạo diểu hề sơn vi mang,
Khách chu phiếm hề hồ trung ương;
Ngư long thiếp hề vân hà tường;
Ngưỡng thần trạch hề tưởng linh quang,
Yểu dư tư hề đối tiêu tương.
Ca khúc ký hoàn,
Tà dương dục trụy.
Lương phong từ lai,
Vi ba sạ khởi.
Nãi cổ trạo thanh,
Thôi bàng tử,
Độ Biển Sơn,
Du Mã thủy,
Lâm Thanh cảng vu Ba Lăng,
Bạc dư chu hề ngạn chỉ.
Dịch: Bài phú Buông thuyền trên hồ(1)
Ta đã trải sông núi miền Bát Quế(2),
Buông thuyền xem mây trúc chốn Tam Tương(3),
Trông khắp đất Sở ở Hoành Dương(4)
Ghé nhìn bãi sông nơi Nhạc Lộc(5),
Thú vui sơn thủy sớm sớm xem Nom,
Mà cảnh Vân Mộng chứa trong lòng vẫn thiếu(6)!
Chín tuần hạ quang tạnh
Mây nước liền đường,
Nào thả, nào bơi,
Thẳng tới Động Đình(7).
Cưỡi sóng nước mênh mang,
Vượt khói mây mờ mịt.
Chỉ đảo Quy Sơn(8) để buông chèo,
Trông hòn Ba Nhạc(9) mà tiến tới.
Bờ bến mênh mông xa vời
Trên dưới hòa trộn một mầu xanh trong suốt.
Buông chiếc lá giữa dòng
Lòng khách man mác như cánh bèo trôi nổi.
Trời mây nghìn dặm,
Tựa khoang gõ dầm.
Ngoảnh nhìn bốn phía nước non,
Chạnh buồn lòng hoài cổ!
Bèn vời kẻ tùy tùng mà bảo:
Giữa làn sóng cuộn tròn râu ốc,
Núi hang rậm rạp,
Ấy là mười hai ngọn Tương Quân Sơn(10) đó!
Đài dao điện ngọc
Là dấu cũ của Đế nữ(11).
Tưởng đến vòng ngọc của khác tiên,
Tuyệt mù mây sóng mênh mông!
Trạm Lộc giác(12) ở bờ xa kia,
Um tùm cây cối
Là chốn ở cũ của Đào chu Công(13) đó!
Ngũ Hồ(14) là quê hương của mây,
Đất trời là ngôi nhà lớn.
Mờ xa rồi những vinh lợi của nghiệp Bá(15).
Chỉ còn lại làn khói trên bãi cỏ nơi gò hoang!
Ôi! dấu xưa đã vắng,
Giận vì buổi đi chơi này khó hỏi được ai.
Buồn bởi tiếng nhạc nơi cõi tiên
Chỉ còn là cảnh phồn hoa lờ mờ của loài hài thẩn!
Riêng nước non là trường tồn,
Rực rõ phong quang bất tận.
Buồn bã xem xét dấu xưa mà dậy nỗi cảm hoài,
Há phải loài sâu mùa hạ đâu để tự cười!
Phương chi thắng cảnh ở Động Đình
Ngày xưa đâu được nghe nhiều,
Mà cảnh hồ và núi đã từng vào trong mộng.
Mừng nay được ruổi ngựa đến tận nơi để hỏi bến,
Thả hồn trước cảnh tráng quan để rộng tầm nhìn,
Trải xem mọi cảnh đẹp mà tinh thần khoan khoái,
Lại thêm khí lạ của sông hồ
Thấy được đại văn của trời đất.
Mới hiểu buổi đi chơi này thật đáng ngợi ca,
Lẽ nào không uống rượu ngâm thơ trước ngọn gió nam!
Rồi sai mở rượu rót uống,
Vẩy bút ngâm chơi.
Ngước trông mây xanh,
Cúi nhìn sóng biếc.
Nguồn thơ khoáng đạt,
Lại tiếp lời ca.
Ca rằng:
Nước mêng mang chừ non xa mờ,
Thuyền khách buông chừ giữa hồ;
Rồng cá thiếp ngủ chừ mây ráng bay,
Trông ơn thần minh chừ tưởng tới linh quang,
Mờ dẫn nỗi nhớ của ta chừ đối với cảnh Tiêu Tương.
Khác ca đã hết,
Tà dương bóng dục.
Gió mát nhẹ tới,
Sóng nhỏ vụt nổi.
Bèn gõ nhịp chèo,
Đóng chiếc mui,
Qua Biển Sơn(16),
Vượt Mã Chủy(17),
Tới Thanh Cảng ở Ba Lăng(18),
Thuyền ta ghé bên bờ cỏ chi(19).
CHÚ THÍCH
(*) Hoa thiều ngâm lục: ký hiệu A. 2041 Thư viện Viện Hán Nôm. Sách cỡ 30x 20; 180 trang; chữ viết chân; có ghi niên đại năm Bính Tuất (1826). Phiếm hồ phú được chép ở quyển thượng từ trang 68 đến trang 70.
(1) Bài phú này làm theo thể “Khách hữu”, cách viết giống như Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu.
(2) Bát Quế: Đây chỉ tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Thơ Dương Vạn Lý có câu: “Lai tòng bát Quế, Tam Tương ngoại” = “Từ ngoài Bát Quế, Tam Tương tới”.
(3) Tam Tương: Tên 3 con sông đẹp nổi tiếng Trung Quốc là Tiêu Tương, Li Tương và Chủng Tương.
(4) Hoành Dương, Nhạc Lộc: Tên những vùng có phong cảnh đẹp ở Hồ Bắc, Hồ Nam.
(5) Vân Mông: Tên một cái đầm lớn ở tỉnh Hồ Nam, Tư Mã Tương Như có câu: “Thôn nhược Vân Mộng giả, bát cửu ư kỳ hung = nuốt trung tám chín cái đầm to như đầm Vân Mộng vào trong bụng”, câu này lấy ý từ đó.
(6) Động Đình: Tên một hồ lớn ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.
(7) Quy Sơn, Ba Nhạc: Tên hai gò đảo trên hồ Đồng Đình.
(8) Quy Sơn, Ba Nhạc: Tên hai gò đảo trên hồ Đồng Đình.
(10) Quân Sơn: Tên núi ở giữa hồ Động Đình, nơi lưu giữ dấu tích của Đế nữ, tức Nga Hoàng và Nữ Anh, vợ vua Thuấn.
(11) Chỉ Nga Hoàng và Nữ Anh.
(12) Trạm Lộc Giác: ở trên núi bên bờ Động Đình (theo nguyên chú).
(13) Đào Chu Công: Tức Phạm Lãi. Sau khi giúp Việt Câu Tiễn diệt được Ngô Phù Sai, Phạm Lãi đổi tên là Đào Chu Công, đến ở hồ Động Đình.
(14) Ngũ hồ: Năm cái hồ lớn ở Trung Quốc: Tây hồ, Thái hồ, Động Đình hồ, Sào hồ và Phan Dương hồ.
(15) Nghiệp Bá: Chỉ sự nghiệp của Sở Bá Vương (Hạng Vũ).
(16) Biển Sơn, Mã Chủy: Tên núi ở ven hồ Động Đình (theo nguyên chú).
(17) Biển Sơn, Mã Chủy: Tên núi ở ven hồ Động Đình (theo nguyên chú).
(18) Ba Lăng: Tên một cảng sông thông vào hồ Động Đình.
(19) Có chỉ: Một loại cỏ thơm.
(Biên tập: Phạm Duy Trưởng)