BÀI THƠ NGUYỄN BÍNH TẶNG CHA TÔI VÀ CUỘC ĐỐI ĐẦU TẠI CẦU HIỀN LƯƠNG

Đọc bài thơ "Một mảnh trời quê" của thi sĩ Nguyễn Bính và xem những tấm ảnh "Cuộc đối đầu không tiếng súng" đã được tạp chí LIFE ghi lại qua những hình ảnh đặc sắc. Chúng ta hiểu hơn về lịch sử một thời của đất nước:


Bài thơ "Một mảnh trời quê" trong sổ tay của cha tôi.


Tôi sinh năm 1962 ở quê hương Nam Định, nhưng do cha tôi nhận nhiệm vụ "Phát triển giáo dục miền núi", nên hồi nhỏ cả gia đình tôi sống ở phố Vinh Quang, Hoàng Su Phì, Hà Giang. Trong kháng chiến chống Pháp, Cha là chiến sĩ Quân Báo, ông bị địch bắt tù đày ở Hỏa Lò-Hà Nội, sau hòa bình lại làm công tác chính quyền. Nên tiếng là làm giáo dục (Ông là bí thư Đảng bộ phòng giáo dục huyện Hoàng Su Phì) nhưng thực tế ông làm nhiều công việc của chính quyền. Vào năm 1965, cha tôi đưa cả gia đình về quê Nam Định nghỉ phép, lần đó Cha đưa tôi đến thăm nhà thơ Nguyễn Bính (Cha ngưỡng mộ và rất yêu thơ Nguyễn Bính). Hôm đó ông tặng nhà thơ mấy mét vải Xanh Sỹ Lâm mang về từ Hoàng Su Phì. Nguyễn Bính đãi khách bằng một đĩa dong riềng luộc, nhà thơ hài hước nói "Củ này không ai được bóc, phải ăn cả vỏ thì mới ngon". Thế là tôi ngoạm cả vỏ làm mọi người cười ầm cả lên, chuyện này được cha tôi nhắc lại nhiều lần. 

Bia đồng ở Hỏa Lò-Hà Nội

Thời gian trôi đi, một hôm Cha gọi tôi về và đét cho mấy roi vào đít vì lý do tôi đã viết bậy vào quyển sổ của Cha. Sau này, khi tôi đọc và yêu thơ Nguyễn Bính, tôi mới biết là hôm đó mình đã tập ký và chẳng hiểu thế nào lại ký vào bài thơ “Một mảnh trời quê” mà Nguyễn Bính tặng Cha hồi năm 1965. Tôi rất thích bài thơ này, nên thường  tìm hiểu xem nhà thơ Nguyễn Bính đã cho đăng ở đâu chưa? Đến nay tôi vẫn chưa thấy ấn phẩm nào có bài thơ này.
Nhân 40 năm đất nước thống nhất. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài thơ: "Một mảnh trời quê" của nhà thơ Nguyễn Bính : 
 
Sông cửa Tùng vừa trong vừa mát
Đường cửa Tùng lắm cát dễ đi
Bên này cũng thể bên kia
Cùng trong một mảnh trời quê hiền hòa
Bên kia khói bếp là là
Bên này lửa bếp nhà nhà mới nhen
Bên kia giếng rụng hương sen
Bên này giếng múc trăng lên đầy gầu
Bên kia vườn cũ rầu rầu
Bên này vườn cũ rụng mau hoa chè
Bên kia ngõ úa vàng tre
Bên này bóng trúc sau hè phất phơ
Bên kia cúi mặt se tơ
Bên này thoăn thoắt kim đưa vá chài
Bên kia run rẩy bông nhài
Bên này hoa bưởi đêm dài ngát thơm.
 
 
Cùng chung mảnh đất quê hương
Dễ gì cấm bến ngăn đường mãi đâu
Một lòng đã quyết cùng nhau
Bao xa cũng đợi bao lâu cũng chờ.
                                       Tuyến 1956
                         Nguyễn Bính
 


Đọc bài thơ "Một mảnh trời quê" của thi sĩ Nguyễn Bính rồi xem những tấm ảnh cuộc đối đầu không tiếng súng nhưng vô cùng quyết liệt tại vĩ tuyến 17 đầu thập niên 1960 đã được tạp chí LIFE ghi lại qua những hình ảnh đặc sắc. Chúng ta hiểu hơn về lịch sử một thời của đất nước:
 
Khu phi quân sự vĩ tuyến 17 (V-DMZ) được lập ra theo Hiệp định Genève về Đông Dương năm 1954, với vai trò một giới tuyến quân sự tạm thời ngăn cách vùng tập kết giữa một bên là các lực lượng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với quân đội Pháp và các lực lượng đồng minh.


Ảnh: Cầu Hiền Lương và sông Bến Hải nằm trên vĩ tuyến 17 - biểu tượng của sự chia cắt hai miền trong quá khứ, nhìn từ một tòa nhà nằm ở bờ Nam, 1966.


Dự kiến, đường giới tuyến tạm thời sẽ bị xóa bỏ sau cuộc tổng tuyển cử 2 năm sau đó. Tuy nhiên, thực tế nó trở thành một biên giới chia cắt Việt Nam suốt thời gian chiến tranh. Ảnh chụp từ đầu cầu phía Nam của cầu Hiền Lương, 1966.


Sự ra đời của Khu phi quân sự vĩ tuyến 17 là kết quả của một cuộc đấu trí dai dẳng giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Pháp. Ảnh: Các công trình của miền Bắc ở đầu phía Bắc cầu Hiền Lương, 1966.


Ban đầu, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đề xuất vĩ tuyến 13, trong khi Pháp đòi lấy vĩ tuyến 19 làm Khu phi quân sự. Sau nhiều vòng đàm phán gay go, vĩ tuyến 17 được cả hai bên chấp nhận. Ảnh: Đồn công an của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại đầu cầu phía Bắc.


Nằm trên vĩ tuyến 17, sự ngẫu nhiên của vị trí địa lý đã khiến cầu Hiền Lương đi vào lịch sử. Cây cầu này được xây dựng năm 1952, đến năm 1967 thì bị bom Mỹ đánh sập. Ảnh: Một chiến sĩ Giải phóng đứng ở đầu Bắc của cầu Hiền Lương, năm 1966.


Ở hai đầu cầu là cuộc đối đầu không tiếng súng nhưng vô cùng khốc liệt, diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Đầu tiên có thể kể đến là "đấu loa": Sử dụng những dàn loa công suất lớn bố trí dọc theo giới tuyến để phát đi những thông điệp chính trị nhắm vào phía bên kia.


Không ồn ã nhưng, vô cùng quyết liệt là cuộc "đấu cờ". Từ năm 1954-1967, giữa hai đầu cầu Hiền Lương đã có cuộc "chạy đua" về chiều cao của cột cờ, với những cuộc rượt đuổi gay cấn. Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã chiến thắng với cột cờ có chiều cao 38,6m - cao nhất trong lịch sử tồn tại của Khu phi quân sự vĩ tuyến 17, được dựng năm 1962.


Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã tìm mọi cách phá hoại cột cờ của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Cuộc không kích quy mô lớn vào ngày 2/8/1967 đã làm cột cờ bị gãy. Đêm hôm sau, các chiến sĩ Giải Phóng đã đưa bộc phá sang đánh sập cột cờ ở bờ Nam. Từ đó đến hết chiến tranh, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã thêm 11 lần dựng cờ bằng gỗ cao 12 - 18m, 42 lần lá cờ bị bom đạn phá hỏng.


"Cuộc chiến màu sắc" là một diễn biến kịch tính khác, liên quan trực tiếp đến cầu Hiền Lương. Ở đoạn giữa cầu có một vạch trắng kẻ ngang, rộng 1cm được dùng làm ranh giới. Những người lính của hai phía nhiều khi chỉ đứng cách nhau vài mét ở hai bên ranh giới này.


Thoạt đầu Việt Nam Cộng Hòa chủ động sơn một nửa cầu phía nam thành màu xanh, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa liền sơn tiếp màu xanh một nửa cầu còn lại. Sau Việt Nam Cộng Hòa lại chuyển sang màu nâu thì Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cũng sơn lại màu nâu...

Cứ như thế, cầu Hiền Lương luôn thay đổi màu sắc, hễ Việt Nam Cộng Hòa sơn một màu khác đi thì ngay lập tức Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa liền sơn lại cho giống. Đây là một cách đấu tranh chính trị nhằm nói lên khát vọng thống nhất đất nước của những chiến sĩ Giải phóng.


"Đấu biểu ngữ" cũng là một phần của cuộc chiến tâm lý giữa hai đầu cầu. Vào năm 1961, biểu ngữ ở cổng chào đầu cầu phía Nam là "Muốn thống nhất lãnh thổ phải có Tổng thống Ngô Đình Diệm". Trớ trêu thay, 2 năm sau đó vị Tổng thống độc đoán này đã chết thảm trong cuộc đảo chính do người Mỹ giật dây ở Sài Gòn.


Đối diện với cổng chào có phần "mong manh" của Sài Gòn là cánh cổng xây bằng bê tông bề thế và vững chắc của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.


Thông điệp của toàn thể nhân dân Việt Nam: "Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh muôn năm!". Hình ảnh thực hiện năm 1961.


Nếu bờ Nam sông Bến Hải tràn ngập các biểu ngữ ca ngợi Tổng thống Diệm và bôi nhọ miền Bắc, thì những biểu ngữ ở miền Bắc tập trung vào việc thể hiện quyết tâm thống nhất đất nước...


...Hướng đến tương lai của toàn thể dân tộc.



...Hi vọng một biện pháp hòa giải, thống nhất trong hòa bình vào thời điểm chiến tranh chưa bùng nổ ác liệt (1961).


"Nam Bắc một nhà", một sự thật hiển nhiên, bất chấp những thế lực xấu đang tìm cách chia rẽ đất nước.


Chỉ đích danh thủ phạm chính của sự chia rẽ: Đế quốc Mỹ.


Theo hiệp định Genève, Khu phi quân sự vĩ tuyến 17 sẽ nằm dưới sự giám sát của các nhân viên quốc tế, hai bên đều không được gây nên bất cứ một hành động xung đột nào trong DMZ, hoặc từ trong DMZ ra, hoặc từ ngoài vào DMZ và phải tránh mọi thái độ hay hoạt động có thể đưa đến xung đột.


Trong những năm 1960, Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm không tôn trọng hiệp định Genève, ra sức khiêu khích, gây chiến với lực lượng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa bảo vệ khu vực giới tuyến. Ảnh: Xe tải chở quân đội Sài Gòn hướng về gần vĩ tuyến 17, 1966.


Quân đội Sài Gòn tập kết gần vĩ tuyến 17 với các vũ khí hạng nặng.


Trại lính của quân đội Sài Gòn gần vùng giới tuyến thuộc tỉnh Quảng Trị


Dù hết sức nỗ lực ngăn chặn, chính quyền Sài Gòn vẫn không thể cản được ý chí thống nhất đất nước của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.


Đó là lý do khiến sự tồn tại của Khu phi quân sự vĩ tuyến 17 và cầu Hiền Lương chỉ kéo dài đến năm 1967.


Tháng 10/1967, trước áp lực của Quân đội Giải phóng, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đơn phương xóa bỏ đường giới tuyến quân sự tạm thời tại vĩ tuyến 17. Cầu Hiền Lương đã bị máy bay Mỹ đánh sập thời gian này.


Tình trạng ngừng bắn tại vĩ tuyến 17 chấm dứt. Sau nhiều cuộc giằng co, từ tháng 6 năm 1969 cho đến 1975, khu vực này nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng Quân Giải Phóng Miền Nam. Ảnh: Con đường phía Nam cầu Hiền Lương, 1966.


Vĩ tuyến 17 đã trở thành biểu tượng oanh liệt về cuộc đấu tranh giành tự do, thống nhất tổ quốc mà nhân dân Việt Nam đã kiên cường tiến hành trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt.


Đạo diễn nổi tiếng người Thụy Điển Gerald Evans nhận xét: "Vĩ tuyến 17 là nơi trưng bày sự man rợ đến tột cùng của đế quốc Mỹ và lòng dũng cảm đến mức thần thánh của nhân dân Việt Nam". Ảnh: Khoảnh khắc bình yên hiếm hoi tại một nghĩa trang bên vĩ tuyến 17, 1966.


Phạm Duy Trưởng
-----------------------------------------