Bác Hồ với Trần Canh - vị tướng của ba chiến trường

Đúng dịp Tết Nguyên đán Canh Dần năm 1950, Bác Hồ thực hiện một chuyến đi bí mật sang Trung Quốc, Liên Xô. Ngày 2-1-1950, Bác cùng đồng chí Trần Đăng Ninh, từ Tuyên Quang đi bộ tới Trùng Khánh tỉnh Cao Bằng, rồi đi tiếp đến Long Châu, Quảng Tây. Đến đây, Bác bắt được liên lạc với Bạn. Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bố trí xe đón Đoàn đi Nam Ninh, từ đó Đoàn đi xe lửa đến Bắc Kinh. Bác làm việc ở Bắc Kinh một tuần, sau đó Bác cùng đồng chí Trần Đăng Ninh đi xe lửa liên vận đến Liên Xô
Đại tá Nguyễn Ngọc Điệp, sinh tháng 01 năm 1947, ông là Cử nhân toán học, Thạc sĩ giáo dục, thông thạo tiếng Trung và tiếng Anh. Về hưu, ông tham gia viết báo, ông là cộng tác viên của nhiều tờ báo. Bài ông viết, với những thông tin đang được nhiều người quan tâm, qua lời bình sắc sảo của ông đã gây chú ý trong giới nghiên cứu và bạn đọc cả nước.
Xin được giới thiệu một số bài viết mà tác giả gửi tặng Website Văn nghệ Sơn Tây. Qua đây ban biên tập website Văn nghệ Sơn Tây xin được cảm ơn tác giả Đại tá: Nguyễn Ngọc Điệp!



Bác Hồ với Trần Canh - Vị tướng của ba chiến Trường
Nguyễn Ngọc Điệp
 


Bác Hồ và Trần Canh 



Đúng dịp tết nguyên đán Canh Dần năm 1950 , Bác Hồ thực hiện một chuyến đi bí mật sang Trung Quốc, Liên Xô.Ngày 2/1/1950 Bác cùng đồng chí Trần Đăng Ninh và hai đồng chí nữa,  từ Tuyên Quang đi bộ tới Trùng Khánh –Cao Bằng, rồi đi tiếp đến Long Châu –Quảng Tây. Đến đây , Bác bắt được liên lạc với Bạn.Văn phòng Trung ương ĐCSTQ đã bố trí xe đón đoàn đi Nam Ninh , từ đó đoàn đi xe lửa đến Bắc Kinh. Bác làm việc ở Bắc Kinh một tuần , sau đó Bác cùng Trần Đăng Ninh đi xe lửa liên vận đến Liên Xô. Ngày 16/2/1950 Xtalin mở tiệc chiêu đãi đại biểu sứ quán các nước XHCN tại Matxcơva nhân dịp Liên Xô và Trung Quốc kí  “Hiệp ước Tương trợ Đồng minh hữu hảo Xô-Trung” ngày  14/2/1950. Xtalin tự xếp chỗ ngồi gần Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh. Sau buổi tiệc, Xtalin mời Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh sang phòng riêng để trao đổi về việc Liên Xô,Trung Quốc giúp Việt Nam đánh Pháp.
     Chuyến đi bí mật này, Bác đã thành công ở cả hai phương diện chính trị và ngoại giao, đó là chuyến đi lịch sử  làm tiền đề cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Liên Xô, giữa Việt Nam –Trung Quốc và các nước XHCN khác. Ngày 11/3/1950 Bác và đồng chí Trần Đăng Ninh về đến Bắc Kinh, giữa tháng 4 /1950 Bác mới về đến Tuyên Quang  (xem báo QĐND 28/1/1998 bài “Tết Canh Dần –một chuyến đi lịch sử của Bác Hồ”).
(các mốc thời gian trên đây có khác đôi chút với bài “Hai bài thơ Bác Hồ tặng tướng quân TrungQuốc Trần Canh” của Trần Việt Thủy-Tạp chí Văn hóa Quân sự số 33 tháng 5/2008 trang 10-11, theo bài viết này :”trên đường dự hội nghị Matxcơva về, Bác thăm Trung Quốc. Ngày 20/1/1950 đồng chí Trương Vân –UVT ƯĐCSTQ tổ chức chiêu đãi Bác tại Nam Ninh.Tham dự đón Bác còn có trung tướng Trần Canh và các đồng chí khác “. Mà chúng ta biết chắc chắn rằng Hiệp ước Tương trợ Xô-Trung kí ngày 14/2/1950, ngày 20/1/1950 Bác Hồ còn  đang trên đường đến Liên Xô !)
   Tháng 6/1950 Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới. Ngày 7/7 Bộ Tổng tư lệnh ra mệnh lệnh về chiến dịch Biên giới. Mục đích của chiến dịch : tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới Viêt –Trung, mở đường nối liền Việt Nam với các nước XHCN, mở rộng và củng cố căn cứ Việt Bắc. Đại tướng Võ Nguyên Gíap –chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy chiến dịch, thiếu tướng Hoàng Văn Thái –tổng Tham mưu trưởng làm Tham mưu trưởng chiến dịch, Trần Đăng Ninh –chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp phụ trách hậu cần chiến dịch, Lê Liêm làm Chủ nhiệm Chính trị chiến dịch.Trung tuần tháng 9/1950, Hồ chủ tịch lên đường đi chiến dịch.
  Đầu năm 1950,Trung tướng Trần Canh đang chỉ huy quân đội trên chiến trường Vân Nam.Thực hiện cam kết không thành văn giữa Xtalin, Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh, theo yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc Trung Quốc giúp Việt Nam . Mao Trạch Đông đích thân điều động trung tướng Trần Canh về Bắc Kinh nhận nhiệm vụ dẫn đầu Đoàn Cố vấn Quân sự Trung Quốc  gồm 14 đồng chí sang Việt Nam. Ngày 7/7 đoàn Cố vấn Trung Quốc  xuất phát từ Côn Minh đi đến Thái Nguyên.Tại một nhà sàn đơn sơ trên chiến khu, Bác cảm kích gặp lại  người bạn vong niên của Bác. Bác Hồ và Trần Canh  đã là bạn cũ của nhau. Âý  là những tháng năm 1924. Tháng 5/1924 Trần Canh học khóa 1 trường Quân sự Hoàng Phố-Quảng Châu, còn Bác Hồ khi đó là thư kí của Phái bộ Brôđin-Cố vấn Chính trị của chính phủ Liên Xô bên cạnh Tổng thống Tôn Trung Sơn, khi đó hai người thường xuyên gặp nhau trao đổi công tác .
Ngày 16/9/1950 chiến dịch Biên giới mở màn bằng trận đánh Đông Khê, đến trưa 18/9 Đông Khê thắng lợi vẻ vang.Trong niềm vui lớn, Bác Hồ viết tặng Trần Canh một bài thơ bằng chữ Hán. Đây là baì thơ rất quen thuộc với mỗi chúng ta, trong sách giáo khoa Văn học lớp 12, trong Hồ Chí Minh toàn tập có lời chú thích :” Bài thơ Lên núi Bác sáng tác năm 1950, vào thời gian quân ta mở chiến dịch Biên giới, mở đầu chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh thân hành lên núi để quan sát trận địa, phong thái ung dung, lạc quan trong bài thơ biểu thị cái thế chủ động đứng trên đầu thù, làm cơ sở cho tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta.” Rất may mắn  cho tôi, tình cờ khi xem tuyển tập các tư liệu trong” Nhà kỉ niệm đại tướng Trần Canh “, mới sáng tỏ được xuất xứ sâu xa, thật sự của bài thơ này, đó là bài thơ Bác tặng riêng cho tướng Trần Canh .Tôi nghĩ rằng có thể nhiều tài liệu đã đề cập đến vấn đề này, nhưng với tôi, thì đây là lần đầu tiên mới biết được điều lí thú này. Chúng tôi xin dịch nguyên văn phần taì liệu này
 theo nguyên bản tài liệu trong “Nhà kỉ niệm Trần Canh” : ”…chiến thắng ban đầu làm nức lòng toàn quân. Hồ Chủ tịch cao hứng tặng Trần Canh một bài thơ :
                         Huề trượng đăng cao quan trận địa ,
                         Vạn trùng sơn ủng vạn trùng vân ,
                          Nghĩa binh tráng khí thôn ngưu đẩu ,
                          Thệ diệt sài lang xâm lược quân.
Đọc xong bài thơ của Hồ Chủ tịch ,Trần Canh vui vẻ nói –Tuyệt quá! Hồ Chủ tịch đã hạ quyết tâm lớn như thế, thì tôi dám chắc là một mống quân Pháp cũng chẳng chạy thoát “.
Còn trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6 và sách giáo khoa Văn học của Việt Nam thì câu thơ đầu của bài thơ này là : Huề trượng đăng sơn quan trận địa, nghĩa là chỉ khác từ “đăng cao –lên cao “ với “ đăng sơn –lên núi”
(Chống gậy lên non xem trận địa ,
Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây,
Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu,
Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy.)


Ngày 8/10/1950, Bác viết thư biểu dương các chiến sĩ ngoài mặt trận và gửi tặng Trần Canh bài thơ thứ hai tự tay Bác viết :
      Hương tân mỹ tửu dạ quang bôi ,
      Dục ẩm, tỳ bà  mã thượng thôi,
      Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu ,
      Địch nhân hưu phóng nhất nhân hồi.
(Rượu ngọt sâm banh lấp lánh ly,
Muốn uống, tì bà thúc ngựa phi,
Đừng cười say nghỉ nơi trận mạc,
Không tha quân địch một tên về.)
   Từ 10/9-23/10 quân địch tháo chạy khỏi Thất Khê, Na Sầm, Lạng Sơn, Đình Lập, An Châu. Kết quả ta hoàn toàn phá vỡ hệ thống phòng ngự đường số 4 của địch, giải phóng 5 thị xã, 13 thị trấn với 35 vạn dân, nhiều vùng quan trọng của biên giới Việt –Trung, củng cố và mở rộng chiến khu Việt Bắc, nối liền Việt Nam với các nước XHCN anh em. Đây là chiến dịch tiến công trên qui mô lớn đầu tiên của quân đội ta, tạo ra bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Pháp, đánh dấu sự trưởng thành về tổ chức, chỉ huy và trình độ tác chiến của quân đội ta.
      Trong bữa tiệc mừng thắng lợi, Hồ Chủ tịch tặng đồng chí Trần Canh hai câu thơ :
              Loạn thạch sơn trung cao sỹ ngọa,
              Mậu mật lâm lí anh hùng lai.
( tạm dịch: Ẩn  sĩ nơi  núi đá ,Anh hùng chốn rừng xanh. ).
Qua những bài, câu thơ Bác tặng Trần Canh trên đây, đủ thấy tình cảm của Bác Hồ quí trọng Trần Canh đến mức nào !
Bác Hồ còn viết tặng Trần Canh một bài thơ nữa, khi Bác từ Liên Xô trở về Việt Nam, khi đến Nam Ninh-Quảng Tây. Đồng chí Trương Vân tổ chức chiêu đãi trọng thể Bác, tham dự buổi tiếp còn có đồng chí Trần Canh và các đồng chí khác, nhưng không phải vào ngày 20/1/1950 mà là sau ngày 11/3/1950- ngày đoàn của Bác về đến Bắc Kinh. Trong buổi gặp mặt đầy tình cảm này, Bác Hồ tặng tướng Trần Canh bài thơ sau :
               Đương niên ngộ quân nhất thanh niên,
               Như kim thống binh ác soái quyền,
                Hùng sư bách vạn tất thính lệnh,
                Hãn vệ cách mạng cố điền biên .
(Khi xưa gặp chú một thanh niên,
Nay chú cầm quân giữ soái quyền,
Trăm vạn hùng binh theo lệnh chú,
Giữ gìn cách mạng cõi điền biên. –lời dịch của Bác)
   Ngày 11/11/1950 Trần Canh cáo biệt Hồ Chủ tịch, cáo biệt Việt Nam về  nước nhận nhiệm vụ mới.
Trần Canh  sinh năm 1903 tại huyện Tương Hương tỉnh Hồ Nam.Tương Hương liền kề với huyện Tương Đàm –quê hương MaoTrạch Đông.Mao Trạch Đông hơn Trần Canh 10 tuổi. Còn nhỏ hai người chưa quen biết nhau, nhưng đều là học sinh trường Trung Tiểu học Đông Sơn-một trường kiểu mới sớm nhất tỉnh Hồ Nam. Tháng 12/1922 Trần Canh gia nhập ĐCSTQ.Trần Canh là một  trong những đảng viên sớm nhất của ĐCSTQ. Mao Trạch Đông nói với Trần Canh  ”Cậu vào Đảng, chúng ta vốn là đồng hương, đồng trường, còn bây giờ chúng ta lại là đồng chí của nhau”. Mấy mươi năm chinh chiến trên khắp các chiến trường,Trần Canh đã trở thành một vị tướng danh tiếng và được Mao Trạch Đông vô cùng ái mộ.Trần Canh đã qua các chức vụ : Hiệu trưởng Trường Lục quân Bành Dương, lữ đoàn trưởng Hồng quân trong vạn lí trường chinh ,Tư lệnh quân khu Thái Nhạc(1940),Tư lệnh kiêm Chính ủy binh đoàn 4, Chủ tịch tỉnh Vân Nam, tháng 6/1945 ủy viên dự khuyết TƯ ĐCSTQ khóa 7, năm 1951 phó Tư lệnh Quân tình nguyện Trung Quốc tại Triều Tiên kiêm Tư lệnh và Chính ủy Binh đoàn 3.Tháng 6/1952 về nước làm Viện trưởng kiêm Chính ủy Học viện Công trình Quân sự Trung Quốc, tháng 10/1954 phó Tổng Tham mưu trưởng Quân giải phóng NDTQ , năm 1955 đại tướng, năm 1956 ủy viên TƯĐ khóa 8, tháng 9/1958 –phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kĩ thuật Quốc phòng Nhà nước, tháng 9/1959 Thứ trưởng Quốc phòng . Ngày 16/3/1961 đại tướng Trần Canh  tạ thế tại Thượng Hải.
    Nguyễn Ngọc Điệp