Bản gốc “Lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh” được phục dựng lại

Sự kiện này đã được làm sáng tỏ, tuy nhiên mấy ngày gần đây trên các trang mạng xã hội một số người vẫn đưa lên nhiều thông tin sai lạc. Chúng tôi xin đăng lại bài viết này .
Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ dẫn giải Dương Văn Minh ra đài phát thanh
Sau cuộc gặp với các cựu binh xe tăng 390, Tiền phong tiếp tục có cuộc trao đổi với những người có trách nhiệm của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (Viện LSQSVN) về những vấn đề mà bản kiến nghị của các cựu binh xe tăng 390 đã nêu.
Những người tham gia trao đổi là Đại tá Trần Tiến Hoạt - Phó Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, đại tá Chu Văn Tùng- Trưởng phòng Thông tin tư liệu, thượng tá Trần Ngọc Long- Quyền Tổng Biên tập tạp chí Lịch sử Quân sự.
Được biết, kết quả nghiên cứu dựa trên việc tìm hiểu từ rất nhiều nhân chứng, nhưng tại sao 4 cựu binh xe tăng 390 của Lữ đoàn thiết giáp 203 là những người đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập (đã được lịch sử công nhận) và tham gia bắt Nội các của Tổng thống Dương Văn Minh lại không được các anh gặp để tăng thêm tính khách quan?
Trong quá trình trao đổi với các nhân chứng của Lữ đoàn 203 là trung tá Bùi Tùng (nguyên Chính ủy Lữ đoàn), trung tá Trần Minh Công (nguyên lữ đoàn phó, tham mưu trưởng), trung úy Bùi Quang Thận (nguyên đại đội trưởng đại đội 4, trưởng xe 843), chúng tôi có nhắc tới kíp xe 390 nhưng không thấy ai nói về việc nhân chứng Vũ Đăng Toàn và Ngô Sĩ Nguyên dồn ông Dương Văn Minh cũng như Nội các Sài Gòn vào phòng họp.
Lúc đó họ chưa xuống xe vì cần yểm hộ cho anh Thận vào Dinh cắm cờ. Sau đó, khi đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66, cùng một số người nữa cùng đơn vị có mặt tại Dinh và xông vào bắt Nội các Dương Văn Minh thì các anh ấy mới xuống xe.
Nhưng theo các cựu binh xe tăng 390 phản ánh, lúc đó anh Thận lên cắm cờ mất khá nhiều thời gian, nên khi xuống thì việc bắt Nội các Dương Văn Minh chủ yếu đã xong, vậy vì sao vẫn được mời làm nhân chứng?
Sở dĩ chúng tôi mời anh Thận vì anh ấy là đại đội trưởng đại đội 4, là chỉ huy. Còn khi lên cắm cờ, đúng là anh Thận phải làm việc này mất khá nhiều thời gian nên lúc xuống thì công việc chủ yếu đã diễn ra.
Trong bản kiến nghị các anh Toàn, Nguyên, Tập đều khẳng định chính ủy Bùi Tùng có mặt trong Dinh Độc Lập trong thời điểm bắt Nội các Dương Văn Minh.

Đúng là chính ủy Bùi Tùng cũng có mặt ở Dinh Độc Lập tại thời điểm đó. Tuy nhiên trong kiến nghị này anh Vũ Đăng Toàn có kể: “Tôi ở lại (Dinh) làm nhiệm vụ dồn toàn bộ Nội các Dương Văn Minh vào một chỗ. Dồn xong thì ông Nguyễn Hữu Hạnh mời ông Dương Văn Minh ra chào. Khi ông Minh vừa ra thì anh Phạm Xuân Thệ cùng hai trợ lý đến. Hai người này tôi không biết. Vì sao tôi biết đó là anh Thệ? Vì anh Thệ nói: Tôi là đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66. Sau đó anh Thệ bắt tay ông Minh bằng tay phải. Tôi thấy anh Thệ bắt tay Dương Văn Minh được, tôi cũng giơ tay trái bắt tay Dương Văn Minh”.
Chúng tôi thấy sử liệu này không đủ tin cậy, vì ngay cả khi dẫn ông Minh ra Đài Phát thanh Sài Gòn, đại úy Phạm Xuân Thệ vẫn còn cầm súng lăm lăm trong tay, nên thời điểm anh Toàn vừa đề cập, không thể có chuyện bắt tay.
Thêm nữa, lời kể tiếp theo của anh Vũ Đăng Toàn: “Anh Tùng quyết định đưa Dương Văn Minh sang Đài Phát thanh Sài Gòn (để tuyên bố đầu hàng-PV). Tôi nhớ rõ, khi ra sân Dinh Độc Lập, anh Tùng ngồi xe thứ hai. Anh Thệ và Dương Văn Minh ngồi xe đầu. Vì sao thế? Vì anh Tùng là người có quan điểm rất rõ ràng: Không bao giờ ngồi cùng kẻ thù. Anh ấy là chính ủy”.
Điều này làm chúng tôi thực sự bất ngờ, ngạc nhiên về nhận xét này. Như thế cái sử liệu đầu tiên đã không chính xác, giờ lại nhận xét về đồng đội như vậy khiến chúng tôi càng thêm thắc mắc. Tuy vậy, với những thông tin mới được đề cập trong kiến nghị của các cựu thành viên xe 390, sau này chúng tôi cũng sẽ phải nghiên cứu thêm.
Như thế cả chính ủy Bùi Tùng và đại úy Phạm Xuân Thệ cùng có mặt tại Dinh Độc Lập. Vậy thì tại sao lại có kết luận rằng chỉ có đại úy Phạm Xuân Thệ cùng cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn 66 áp giải Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu sang Đài Phát thanh Sài Gòn để tuyên bố đầu hàng, còn chính ủy Bùi Tùng thì một lúc sau mới đến?
Chính ủy Bùi Tùng đến Dinh Độc Lập sau đại úy Phạm Xuân Thệ. Vậy tại sao chính ủy Bùi Tùng không tham gia việc bắt Dương Văn Minh? Bởi khi ấy ông thấy bộ phận của đại úy Phạm Xuân Thệ có tổ chức, và lại tưởng là người của quân đoàn nên không tham gia.
Sau chính ủy Bùi Tùng biết đơn vị của đại úy Phạm Xuân Thệ là của Trung đoàn 66 nên mới tới Đài Phát thanh Sài Gòn vì nghĩ một việc quan trọng như thế này đơn vị mình không có người tham gia là không được.
Lúc chính ủy Bùi Tùng sang Đài Phát thanh, cho đến giờ chúng tôi mới xác định được là chỉ có ông Hà Huy Đỉnh (Tiến sĩ Kinh tế, nguyên chủ bút tờ Kinh tế thị trường Sài Gòn) đi cùng để lái xe, mà không có trợ lý hay công vụ nào đi theo cả.
Về việc thảo Lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh, sau này cả ông Bùi Tùng lẫn ông Phạm Xuân Thệ đều cho rằng đó là của mình. Tuy nhiên hiện nay bản gốc Lời tuyên bố đầu hàng này với nét chữ của ông Bùi Tùng hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Quân đoàn 2. Và quan trọng hơn là băng ghi âm lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh hiện chúng ta vẫn lưu giữ được hoàn toàn khớp với bản viết tay của ông Bùi Tùng. Vậy tại sao lại có kết luận: “Tại Đài Phát thanh, đồng chí Phạm Xuân Thệ cùng các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 tổ chức soạn thảo Lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh...”?
Thực tế đúng như chúng tôi kết luận, và khi văn bản đang được soạn thảo thì chính ủy Bùi Tùng tới. Từ đó, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Bùi Tùng.
Lời tuyên bố đầu hàng này được hoàn chỉnh cho Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm để phát trên Đài Phát thanh Sài Gòn. Cùng lúc, Lời tuyên bố chấp nhận đầu hàng được chính ủy Bùi Tùng trực tiếp soạn thảo và đọc.
Tuy nhiên, Lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh do chính ủy Bùi Tùng viết hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Quân đoàn 2 thực chất đã được ông viết lại.
Điều này làm chúng tôi thực sự bất ngờ trong quá trình tiến hành nghiên cứu, vì vẫn nghĩ đó chính là bản gốc đích thực.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hai ngày sau thời điểm 30/4, khi biết lời tuyên bố đầu hàng kia không còn, cán bộ tuyên huấn Quân đoàn 2 yêu cầu chính ủy Bùi Tùng chép lại bản khác. Chính ủy Bùi Tùng đã căn cứ vào Lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh đã được thu băng để chép lại...
Xin cảm ơn các ông.

Kiến Nghĩa (thực hiện)

(bi
ên tập: Phạm Duy Trưởng)