DANH NHÂN NGÔ THÌ NHẬM (1746 - 1803)

Ngô Thì Nhậm đã sớm trở thành nhà tri thức lỗi lạc vào cuối thế kỷ XVIII trong lịch sử văn hoá Việt Nam, được người đời đương thời và các thế hệ người Việt Nam sau này tôn vinh. Nhận xét về Ngô Thì Nhậm, đồng chí Trường Chinh, nhà lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đã tôn vinh Ngô Thì Nhậm là nhà chính trị học, quân sự học và văn học.
DANH NHÂN NGÔ THÌ NHẬM (1746 - 1803)




TRỊNH KHẮC MẠNH
Ngô Thì Nhậm một danh nhân nổi tiếng đất Bắc Hà, sinh ngày 25 tháng 10 năm 1746, nguyên quán người xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay thuộc huyện Thanh Trì, Tp. Hà Nội). Ngô Thì Nhậm sinh ra và lớn lên trong một dòng tộc văn võ song toàn, với truyền thống dòng họ và được sự giáo dưỡng của ông cha (đặc biệt người cha là Ngô Thì Sĩ), Ngô Thì Nhậm đã sớm trở thành nhà tri thức lỗi lạc vào cuối thế kỷ XVIII trong lịch sử văn hoá Việt Nam, được người đời đương thời và các thế hệ người Việt Nam sau này tôn vinh. Nhận xét về Ngô Thì Nhậm, đồng chí Trường Chinh, nhà lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đã tôn vinh Ngô Thì Nhậm là nhà chính trị học, quân sự học và văn học.
<p class="MsoNormal" '="" style="background-color: rgb(236, 236, 236);">So với các nhà Nho khác, Ngô Thì Nhậm rất sớm trưởng thành và nhập thế. Năm 30 tuổi, ông thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa ất Mùi, niên hiệu Cảnh Hưng 36 (1775) đời vua Lê Hiển Tông. Thời Lê - Trịnh, Ngô Thì Nhậm đã giữ các chức quan, như: Hiến sát phó sứ Hải Dương, Giám sát ngự sử xứ Sơn Nam, Đốc đồng Kinh Bắc và Thái Nguyên, Đông các Hiệu thư, Hàn lâm viện Hiệu thảo, Hữu thị lang Bộ Công.
Khi nhà Lê mất, Ngô Thì Nhậm đã vượt lên những ràng buộc của lễ giáo phong kiến, ông theo nhà Tây Sơn và được vua Quang Trung trọng dụng. Khi gặp Ngô Thì Nhậm, vua Quang Trung đã nhận xét: Ngô Thì Nhậm là dòng văn học Bắc Hà, thông thạo việc đời. Sau đó, Ngô Thì Nhậm được bổ giữ các chức quan, như: Tả thị lang Bộ Lại, Thượng thư Bộ Binh, tước Tình phái hầu và được vua Quang Trung giao trọng trách soạn thảo các văn bản ngoại giao của triều đình với nhà Thanh (Trung Quốc). Ngô Thì Nhậm đã hết lòng phục vụ triều đại Tây Sơn, và bằng tài trí của mình, ông đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Những cống hiến của Ngô Thì Nhậm cho triều đại Tây Sơn đã được các nhà nghiên cứu khẳng định trên các lĩnh vực, như về: chính trị, quân sự, ngoại giao và kinh tế... Đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển văn hoá, Ngô Thì Nhậm là một trong những tác gia tiêu biểu của thời kỳ Tây Sơn về: văn học, sử học và triết học...
Khi Nguyễn Ánh đưa quân ra Bắc chiếm thành Thăng Long, Ngô Thì Nhậm bị bắt, sau đó ông bị Nguyễn Ánh đưa ra kể tội và đánh đòn ở Văn Miếu để cảnh cáo những sĩ phu Bắc Hà đã theo nhà Tây Sơn. Sau trận đòn này, Ngô Thì Nhậm đã qua đời vào ngày 9 tháng 3 năm 1803.
Trong bối cảnh xã hội phong kiến nước ta cuối thế kỷ XVIII, Ngô Thì Nhậm thực sự là một người yêu nước, ông đã mang tài năng của mình để phục vụ Tổ quốc. Khi Ngô Thì Nhậm được giữ chức Đốc đồng trấn Kinh Bắc sau kiêm cả chức Đốc đồng Thái Nguyên và cha ông là Ngô Thì Sĩ làm Đốc trấn Lạng Sơn, ông đã tự hào viết bài thơ Mừng cha đi trấn thủ Lạng Sơn:
Phiên âm:
Ngũ sắc tường vân giáp đạo kì,
Sủng quang thử nhật bách ban kí.
Nhất gia binh tượng liên tam trấn,
Vạn lí phong cương khống nhị thùy.
Xuất cách thù ân chân ngộ chúa,
Bồi hoan thắng hội toại vi nhi.
Vũ ban nguyện hiến Nam Sơn thọ,
Trú Cẩm đường tiền khánh thái mi.

Dịch thơ:
Năm sắc mây lành, cờ rợp đất,
Vinh quang trăm vẻ, lạ trăm đường!
Ngựa voi ba trấn chung môn hộ,
Biên giới hai vùng giữ kỉ cương!
Gặp chúa, ngửa nhờ ơn đặc biệt,
Làm con, đã thỏa hội huy hoàng!
áo ban múa khúc Nam Sơn thọ,
Lễ chúc mừng dâng trước Cẩm đường.
(Ngô Linh Ngọc dịch)

Khi chúa Trịnh Sâm đi vào con đường ăn chơi hưởng lạc, để con trưởng con thứ chia phe phái và tranh giành quyền lực, nổ ra vụ án năm Canh Tý (1780). Hai năm sau, chúa Trịnh Sâm mất, kiêu binh nổi loạn, những ai bị coi là đi tố giác vụ án năm Canh Tý đều bị giết. Ngô Thì Nhậm bị coi là người có liên đới, nên ông đã trốn về quê vợ ở xã Đội Trạch, trấn Sơn Nam (nay thuộc huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) để lánh nạn. Trong thời gian ở đây, Ngô Thì Nhậm chờ thời, luôn hướng vào tương lai, một ngày nào đó sẽ có đấng quân vương xuất hiện và ông lại được đem tài năng của mình để phục vụ đất nước. Bài phúMộng Thiên Thai của Ngô Thì Nhậm đã nói lên chí hướng ông:
Phiên âm:
Uẩn mĩ ngọc dĩ thâm tàng,
Tiềm thần long hồ mạc khuy.
Dĩ đãi phù tri ngô tử giả, hành ngô tử chi chí, vận bát cực nhi cán cửu di.

Dịch nghĩa:
Ngọc tốt giấu kín nơi sâu,
Rồng thần lặn, không kẻ thấy.
Chờ khi người biết đến mình, chí lớn nọ đem ra vùng vẫy, giúp tám cực mà chuyển xoay, vỗ chín cõi yên rường mối.
(Ngô Linh Ngọc dịch)

Khi phong trào Tây Sơn nổi lên nắm quyền cai trị đất nước, thay thế cho triều đại Lê - Trịnh suy tàn. Ngô Thì Nhậm đã bày tỏ nổi vui mừng phấn khích của mình vào một thời đại mới qua bài thơ Đại phong:
Phiên âm:
Vạn đội du long ủng Ngọc hoàng,
Uy gia hải nội cộng phi dương.
Tảo không tích vụ khai Thu sắc,
Y cựu trung thiên kiến Thái dương.
Xuy khứ dĩ vô trần cấu tại,
Tân lai trùng đổ thất gia xương.
Phi khâm độc tự ngâm du tử,
Tây thượng tường vân thị cố hương.

Dịch thơ:
Muôn đội rồng bay giúp Ngọc hoàng,
Cùng bay đi khắp rậy oai vang.
Mù vừa quét sạch bừng Thu sắc,
Trời vẫn như xưa ánh Thái dương.
Bụi bặm thổi tan không vẩn bợn,
Cửa nhà đổi mới lại phong quang.
Một mình khoác áo ngâm du tử,
Mây phía Tây lành ấy cố hương.
(Khương Hữu Dụng dịch)

Năm 1788, Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc lần thứ hai, xuống chiếu cầu người hiền tài trong quan lại cũ của triều đình Lê - Trịnh và được Ngô Thì Nhậm hưởng ứng. Rõ ràng Ngô Thì Nhậm là người thức thời, đã không bảo thủ cố chấp như các cựu thần nhà Lê khác mà sẵn lòng ra giúp nhà Tây Sơn để phục vụ đất nước và phục vụ nhân dân.
Trong quãng thời gian phục vụ triều Tây Sơn, Ngô Thì Nhậm luôn được vua Quang Trung tin dùng. Khi vua Quang Trung đột ngột qua đời, Ngô Thì Nhậm đã sẵn lòng giúp vua Quang Toản trị vì đất nước. Nhưng sự ra đi không được chuẩn bị trước của vua Quang Trung đã đem đến nỗi trống vắng trong lòng Ngô Thì Nhậm và cảnh huy hoàng của thời vua sáng, tôi hiền, của một thời đất nước thịnh trị đã thể hiện trong thơ ông:
Phiên âm
Cửu tiêu tuyên chỉ thôi triều sứ,
Mã sậu xa trì chỉ Đẩu tiêu.
Thiên thự tinh thần khai huyến lạn,
Địa di nham lĩnh thất thiều nghiêu.
Hoàng hoàng minh chúc truyền mai dịch,
Bái bái hành tinh phất liễu điều.
Ngũ dạ loan thanh tần nhập mộng,
Y hi Nam khuyết bạng Quân Thiều.
(Dạ hành)

Dịch nghĩa:
Chiếu ra giục giã sứ chầu vua,
Hướng bắc, giong xe ruổi vó lừa.
Trời sáng ngàn sao soi lấp lánh,
Đất bằng đồi núi hết lô nhô.
Trạm mai đuốc sáng huy hoàng dọi,
Cành liễu, cờ bay phất phới lùa.
Xe giá năm canh vào trong mộng,
Tưởng bên cửa khuyết nhạc Thiều đưa.
(Khương Hữu Dụng dịch)

Xuất phát từ lý tưởng cao cả của mình, Ngô Thì Nhậm đã lấy tên tự là Hy Doãn với hàm ý là hy vọng làm nên sự nghiệp như nhân vật Y Doãn thời nhà Thương (Trung Quốc).
Ngày nay, khi đánh giá về Ngô Thì Nhậm, có những ý kiến đã xếp ông vào hàng ngũ “... Những thiên tài như thế mãi mãi là những ngôi sao sáng trên bầu trời Việt Nam”(1) và “Một người tri thức chân chính”(2). Như vậy, sự nghiệp của Ngô Thì Nhậm xứng đáng để các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau mãi mãi ghi nhớ, ngợi ca và tự hào.
Bên cạnh sự nghiệp chính trị, quân sự, ngoại giao của mình; Ngô Thì Nhậm còn để lại cho đời một di sản thơ văn rất phong phú, đồ sộ và là nhiều nhất so với những tác gia cùng thời với ông. Theo sự ghi chép của sử sách, thì Ngô Thì Nhậm có khoảng hơn 20 tác phẩm thơ văn, nhưng hiện tại chúng ta mới tìm được 13 tác phẩm của ông mà thôi. Nghiên cứu và giới thiệu về thơ văn của Ngô Thì Nhậm, xưa nay, đã có nhiều công trình, có thể kể như: Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm(hai quyển), Nxb. KHXH, H. 1978; Thơ văn Ngô Thì Nhậm (tập 1), Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh. Nxb. KHXH, H. 1979; Ngô Thì Nhậm - Tác phẩm (4 tập), Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và Nxb. Văn học, 2001 - 2002; và trong các bộ Tổng tập văn học, Hợp tuyển văn học khác; cùng hàng trăm bài viết công bố trên các báo và tạp chí khoa học, v.v...
Để giới thiệu về di sản thơ văn của Ngô Thì Nhậm, một tác gia văn học lớn của nền văn học Việt Nam thế kỷ XVIII. Ban Hán Nôm thuộc Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia), ngay từ năm 1975, đã có chủ trương sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch và công bố xuất bản bộ Thơ văn Ngô Thì Nhậm, với quy mô gồm 4 tập: dịch tác phẩmTrúc Lâm tông chỉ nguyên thanh (tập 1); tuyển dịch thơ ở các tập Bút hải tùng đàm, Thủy vân nhàn vịnh, Ngọc đường xuân khiếu (tập 2); dịch tác phẩm Kim mã hành dư (tập 3); dịch tác phẩm Hàn các anh hoa (tập 4). Công việc đã kéo dài đến 5 - 6 năm, với sự tham gia của các vị túc nho, như: Cao Xuân Huy, Thạch Can, Đào Phương Bình, Hoàng Tạo, Trần Duy Vôn, Đỗ Văn Hỷ, v.v. và một số cán bộ khác, như: Lâm Giang, Hà Thúc Minh, Mai Hồng, Đỗ Thị Hảo, v.v. Nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, sau chỉ công bố được tập Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh (tập 1) mang tên Ban Hán Nôm mà thôi; còn các tập khác thì hoặc dưới dạng bản thảo, hoặc còn dang dở. Để tiếp bước sự nghiệp nghiên cứu về Ngô Thì Nhậm của những người đi trước và trên cơ sở thu thập, chỉnh lý, bổ sung nhiều tác phẩm khác của Ngô Thì Nhậm; Viện Nghiên cứu Hán Nôm có kế hoạch giới thiệu bộ Thơ văn Ngô Thì Nhậm (toàn tập), nhằm giúp người Việt Nam hôm nay hiểu đầy đủ hơn về di sản thơ văn mà Ngô Thì Nhậm đã cả đời sáng tác và để lại cho chúng ta.
Bộ Thơ văn Ngô Thì Nhậm (toàn tập) dự kiến xuất bản thành 5 tập, gồm:
- Tập 1: có các tập Bút hải tùng đàm (thơ), Thủy vân nhàn vịnh (thơ),Kim mã hành dư (văn ).
- Tập 2: có các tập Ngọc đường xuân khiếu (thơ), Cúc hoa thi trận(thơ), Thu cận dương ngôn (thơ), Hào mân ai lục (văn), Hàn các anh hoa (văn).
- Tập 3: có các tập Hoàng hoa đồ phả (thơ), Bang giao hảo thoại(văn).
- Tập 4: Xuân thu quản kiến (văn).
- Tập 5: có các tập Cẩm đường nhàn thoại (thơ), Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh (văn).
Cách chia tập như trên, là dựa vào thời điểm sáng tác của Ngô Thì Nhậm, tuy nhiên cũng chỉ là ở mức tương đối mà thôi.
Khi tổ chức triển khai bộ Thơ văn Ngô Thì Nhậm (toàn tập), Viện Nghiên cứu Hán Nôm giao cho NCVC. Lâm Giang làm chủ biên, người mà đã có ngót 30 năm theo đuổi, tìm hiểu, biên dịch và nghiên cứu thơ văn tác gia Ngô Thì Nhậm. Hy vọng bộ sách sớm ra mắt bạn đọc, góp phần nghiên cứu giới thiệu tác gia, tác phẩm Hán Nôm và phần nào đáp ứng nhu cầu xã hội hóa di sản Hán Nôm trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
T.K.M

CHÚ THÍCH:
(1) Trường Chinh: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam,Nxb. Sự Thật, H. 1975, tr.171.
(2) Cao Xuân Huy: Ngô Thì Nhậm, một người tri thức chân chínhtrong Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm. Nxb. KHXH, H. 1978, tr.9.