Nghệ thuật tạo và chớp thời cơ tiêu diệt địch/Bài 4: Thần tốc đánh địch

Chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng, hệ thống bố trí chiến lược của Mỹ - ngụy ở miền Nam đứng trước nguy cơ bị chia cắt làm đôi. Tuyến phòng ngự của địch dọc ven biển miền Trung bị uy hiếp trực tiếp, đánh dấu bước suy sụp mới của chúng.

Bài 1: Đáp số nằm ở đường Trường Sơn
http://vannghesontay.com/en/news/Nhan-vat-Su-kien/Nghe-thuat-tao-va-chop-thoi-co-tieu-diet-dich-Bai-1-Dap-so-nam-o-duong-Truong-Son-1140/

Bài 2: Vạch kế hoạch tổng tiến công
http://vannghesontay.com/en/news/Nhan-vat-Su-kien/Nghe-thuat-tao-va-chop-thoi-co-tieu-diet-dich-Bai-2-Vach-ke-hoach-tong-tien-cong-1142/

Bài 3: Đòn đánh “điểm huyệt” chí tử
http://vannghesontay.com/en/news/Nhan-vat-Su-kien/Nghe-thuat-tao-va-chop-thoi-co-tieu-diet-dich-Bai-3-Don-danh-diem-huyet-chi-tu-1148/


-----------------------------------------------------------------


Bài 4: Thần tốc đánh địch

Hành động khẩn trương, táo bạo, bất ngờ


Ngày 18-3-1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh phát biểu: "Tình hình đang chuyển biến rất nhanh. Mở đầu tiến công mới 10 ngày, ta đã tiêu diệt đại bộ phận Quân đoàn II ngụy, giải phóng Tây Nguyên, xuất hiện hành động co cụm lớn của địch. Quân ngụy suy yếu rõ rệt. Lực lượng so sánh giữa ta và địch đã thay đổi. Do ngụy suy sụp nhanh, Mỹ cũng không dám liều lĩnh, ít khả năng can thiệp trở lại. Ta đang sung sức, lực lượng tập trung, khí thế mạnh mẽ. Quân ủy Trung ương đề nghị Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975, không chờ đến năm 1976". Bộ Chính trị  quyết định chuyển "cuộc tiến công chiến lược" thành "cuộc Tổng tiến công chiến lược", chuyển hẳn sang phương án thời cơ, hoàn thành kế hoạch hai năm (1975 - 1976) ngay trong năm 1975.

Tổng hành dinh lên phương án, cùng một lúc đánh hai mặt trận: Hướng chiến lược chủ yếu là Sài Gòn, nhanh chóng đưa các sư đoàn ở Mặt trận Tây Nguyên đánh xuống thủ phủ của địch, tăng cường cho hướng này 2 trung đoàn xe tăng, 2 trung đoàn pháo và 3 trung đoàn cao xạ. Phía Bắc mở mặt trận Trị - Thiên - Đà Nẵng, khẩn trương tiến công giải phóng Huế - Đà Nẵng, giải phóng Khu V, tạo ra bất ngờ về hướng tiến công, thời gian và lực lượng. Bộ điều Quân đoàn I chủ lực dự bị ở miền Bắc (đóng ở Ninh Bình) thần tốc vào chiến trường. Các mũi tiến công của quân ta đã khép chặt để thực hiện mệnh lệnh: Hành động khẩn trương, táo bạo, bất ngờ.

1
Bức điện mật của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chỉ huy cuộc Tổng tiến công thần tốc.
 
Cùng thời điểm này, Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu triệu tập các cố vấn thân cận ra Đà Nẵng họp cấp tốc, để bàn về việc bỏ hay nên giữ Quân khu I ngụy. Nghe Tư lệnh Quân khu I, Thiếu tướng Ngô Quang Trưởng báo cáo cuộc tiến công của quân giải phóng sắp nổ ra ở Huế và Đà Nẵng, Thiệu rợn tóc gáy, rồi kết luận chung chung để nhanh chóng chuồn vào Sài Gòn. Thế nhưng, Thiệu vẫn cứ hò hét quân lính phòng thủ mọi giá.

Còn Tư lệnh Trưởng, "nói theo" Tổng thống Thiệu, thề rằng: "Tôi sẽ chết với cố đô Huế. Việt cộng phải bước qua xác tôi mới vào được Huế". Thế nhưng, khi mới đặt chân xuống sân bay Đà Nẵng, Trưởng đã nhận được điện của Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng quân ngụy: "Quân khu I triển khai lực lượng phòng thủ Đà Nẵng. Lữ đoàn không quân số 1 đã có lệnh chuyển vào Sài Gòn". Tướng Trưởng choáng váng với tin này.

Thời gian này, Bộ Tổng Tư lệnh của ta ra lệnh cho Quân khu Trị - Thiên và Quân đoàn II sử dụng pháo binh dội lửa vào sân bay Phú Bài để cắt đứt đường hàng không, kết hợp với các sư đoàn chủ lực cơ động đánh "chặt đầu", bịt các ngõ không cho địch vào co cụm Đà Nẵng và nhanh chóng giải phóng Huế. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp đi đến quyết định: "...

Tranh thủ thời gian cao, tập trung nỗ lực của cả nước, tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất vào hướng chủ yếu, hành động nhanh chóng, táo bạo, bất ngờ, đánh cho địch không kịp trở tay, giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa. Trước mắt, kiên quyết tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Huế, Đà Nẵng và tiếp theo là trận quyết chiến chiến lược giải phóng Sài Gòn - Gia Định".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh triệu tập cuộc họp khẩn cấp gồm Tư lệnh Mặt trận Quảng Đà Lê Trọng Tấn (vừa mới bổ nhiệm), Tư lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát, Cục trưởng Cục Quân báo Phan Bình, Cục trưởng Cục Tác chiến Lê Hữu Đức... Tổng Tư lệnh hỏi: "Đánh Đà Nẵng, có thể diễn ra một trong hai tình huống: Một là địch rút chạy, hai là chúng co cụm, "tử thủ", vậy ta đánh như thế nào?".

Tư lệnh Mặt trận Quảng Đà Lê Trọng Tấn báo cáo ngay: "Địch bố trí phòng ngự ở đây (Đà Nẵng). Ta phải tổ chức hiệp đồng binh chủng để tiến công, bảo đảm chắc thắng. Cần có 5 ngày chuẩn bị để họp Đảng ủy, tập kết bộ đội và tổ chức hiệp đồng binh chủng, chuẩn bị chiến đấu". Đại tướng Võ Nguyên Giáp quay sang hỏi ông Tống Trần Thuật, Cục phó Cục Quân báo: "Nếu địch rút Đà Nẵng nhanh nhất có thể trong mấy ngày? Các đồng chí nghiên cứu kỹ đêm nay, sáng mai báo cáo sớm".

6 giờ sáng, ngày 27-3, ông Tống Trần Thuật báo cáo với Tổng Tư lệnh: "Địch có thể rút khỏi Đà Nẵng nhanh nhất là trong vòng 3 ngày". Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh Bộ Tổng tham mưu chuẩn bị kế hoạch đánh giải phóng Đà Nẵng theo tình huống địch rút quân 3 ngày. Tư lệnh Mặt trận Quảng Đà Lê Trọng Tấn vẫn giữ nguyên ý kiến: "Đánh như vậy không thể chuẩn bị kịp".

Đến nước này, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp phải sử dụng "quân lệnh như sơn": "Tư lệnh Mặt trận là anh (ông Tấn) nên tôi để anh tự ra lệnh: Đánh Đà Nẵng theo phương án chuẩn bị 3 ngày. Nếu chuẩn bị 5 ngày, địch rút mất cả thì sao? Huế đã giải phóng rồi. Mặc dầu pháo binh và hải quân địch có thể bắn phá, cứ cho bộ đội hành quân theo đường số 1 tiến công thẳng vào Đà Nẵng. Từ phía Nam cũng theo đường số 1 tiến công lên. Không họp Đảng ủy, chỉ trao đổi bằng điện".

Ngay lập tức, Tư lệnh Tấn cấp tốc lên đường bằng máy bay vào Quảng Trị và tiếp tục hành quân bằng ô tô đến Sở chỉ huy Quân đoàn II để chỉ huy chiến đấu. Lần đầu tiên trong trong lịch sử, hai mũi tiến công đánh lớn không họp Đảng ủy, Bộ chỉ huy hiệp đồng tác chiến qua vô tuyến điện. Rạng sáng ngày 29-3, các mũi tiến công quân chủ lực đã sử dụng pháo bắn khống chế sân bay Đà Nẵng, cảng biển... kết hợp xe tăng, bộ binh và quần chúng nổi dậy đánh chiếm các mục tiêu, giải phóng Đà Nẵng đúng 3 ngày. Ngày 29-3-1975, Đà Nẵng hoàn toàn được giải phóng.

Một ngày bằng 20 năm

Đô thành Sài Gòn, đầu não chính quyền ngụy đang lung lay trước sức mạnh tiến công của quân giải phóng. Ngày 22-3, Tổng thống Mỹ Giê-rôn Pho gửi cho Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu bức thư với những lời hứa viện trợ chung chung. Lập tức, Nguyễn Văn Thiệu gửi lời cầu cứu "quan thầy" Mỹ: "Thưa ngài Tổng thống. Vào phút quyết định này, khi Nam Việt Nam đang lâm nguy, tôi trân trọng khẩn cầu Chính phủ Hoa Kỳ hãy thực hiện lời hứa...

Một là, hạ lệnh tiến hành một cuộc oanh tạc ngắn ngày bằng máy bay B52 tập trung vào những điểm đóng quân và căn cứ hậu cần của kẻ thù trong khu vực thuộc Nam Việt Nam. Hai là, khẩn cấp viện trợ những phương tiện cần thiết để ngăn chặn và đẩy lùi cuộc tiên công của Việt cộng. Một lần nữa, tôi xin khẩn cầu ngài, khẩn cầu chữ "tín" trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ... Tôi xin hạ quyết tâm thực hiện trọn vẹn lời hứa đó bằng hành động cụ thể của ngài...".

14 giờ, ngày 1-4, Tổng Bí thư Lê Duẩn điện vào Trung ương Cục miền Nam: "...Cách mạng nước ta đang phát triển với nhịp độ "một ngày bằng 20 năm". Do vậy, Bộ Chính trị quyết định: Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện Tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không thể chậm. Phải hành động "thần tốc, táo bạo, bất ngờ". Phải tiến công ngay lúc địch hoang mang, suy sụp. Tập trung lực lượng lớn hơn nữa vào những mục tiêu chủ yếu trên từng hướng, từng lúc... Gấp rút tăng thêm lực lượng ở hướng Tây Sài Gòn, thực hiện chia cắt và bao vây chiến lược, triệt hẳn đường số 4 và áp sát Sài Gòn".

Quân ta lần lượt chọc thủng phòng tuyến từ xa ở Phan Rang, Xuân Lộc... Bộ Tổng Tư lệnh thiết kế nhiều mũi tiến công với các sư đoàn chủ lực cơ động bao vây chặt Sài Gòn, sẵn sàng thọc thẳng vào nội đô. Lúc này, có tin Mỹ sẽ loại bỏ Trần Văn Hương bất lực, thay vào đó bằng một người "dễ tiếp xúc" với Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, định dùng thủ đoạn ngoại giao để ngăn chặn cuộc Tổng tiến công của ta đang sung sức, hòng cứu vãn tình thế.

10 giờ, ngày 29- 4-1975, đồng chí Lê Duẩn điện khẩn vào Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh: "Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị: 1. Các anh ra lệnh cho quân ta tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch; tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của chúng; 2. Công bố đặt thành phố Sài Gòn - Gia Định dưới quyền của Ủy ban quân quản do Tướng Trần Văn Trà làm Chủ tịch...".
Hải Luận