LƯỠNG QUỐC TRẠNG NGUYÊN NGUYỄN TRỰC - NIỀM TỰ HÀO CỦA NGƯỜI XỨ ĐOÀI

Vấn đề tìm hiểu tác giả Nguyễn Trực hiện nay gặp nhiều khó khăn - tác giả thì lớn mà tư liệu còn rất ít. Sách đề cập đến ông thì nhiều, nhưng thường chỉ được vài dòng. Qua mấy đợt đi thực tế về quê ông, chúng tôi đã có thêm một số tài liệu về Nguyễn Trực. Đặc biệt, chúng tôi đã tìm thấy một cuốn gia phả 21 đời của dòng họ Nguyễn Trực. Cuốn gia phả này đã cũ, rách, khổ 27 x 16cm, chữ bút lông trên giấy bản cũ, có chấm mực son. Niên đại ghi trong gia phả là năm Tự Đức thứ 36 (1883) có lẽ là năm sao chép lại. Phần đầu ghi năm Duy Tân thứ 6 (1912), thứ 8 (1914), và phần cuối ghi năm Khải Định thứ 3 (1918) là hai phần bổ sung vào sau này(1). Từ cuốn gia phả mới sưu tầm này, cùng với một số tài liệu khác như cuốn ghi chép của dòng họ, các sắc phong của triều đại trước, một số hiện vật khác do con cháu Nguyễn Trực còn giữ được, kết hợp với những tài liệu có thể tìm đọc ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chúng tôi đã có thể bước đầu phác họa những nét lớn về con người và sự nghiệp của Nguyễn Trực, một tài năng đa dạng, một nhân vật lịch sử đáng chú ý giữa thế kỷ XV(2) (2).
Danh sách các quan Tế tửu và Tư nghiệp Quốc tử Giám, trong đó có Nguyễn Trực, đặt tại nhà Thái học của Văn miếu-Quốc tử giám
Dòng họ Nguyễn Trực có truyền thống hiếu học và thành đạt trong văn chương học thuật. Cụ nội Nguyễn Trực - Nguyễn Tử Hữu làm Hàn lâm viện thị giảng, Thiêm tri hình viện sự triều Trần. Ông nội Nguyễn Trực là Nguyễn Bính, làm Nho học huấn đạo phủ ứng Thiên. Cha Nguyễn Trực, Nguyễn Thì Trung làm Quốc tử giám giáo thụ. Nguyễn Trực có người em là Nguyễn Chân làm Quốc tử giám tòng sự phủ Quốc Oai. Con trai Nguyễn Trực, Nguyễn Lực Hành làm Trung thư giám Sùng Văn Quán nho sinh, Nguyễn Tử Triệt đỗ Nho sinh túi lâm cục…(3). Hầu như đời nào, dòng họ này cũng có người làm Huấn đạo, Giáo thụ. Chức Huấn đạo ngày xưa lo việc rèn dạy nhân tài, thường lựa chọn những người có học thức, có uy vọng đảm nhận. Hiển nhiên trong khi rèn dạy nhân tài cho “thiên hạ” thì dòng họ này cũng có điều kiện bồi đắp trí thức cho con em mình. Nguyễn Trực sinh ra và lớn lên trong truyền thống gia đình và dòng họ như vậy. Ông tên tự là Công Dĩnh, hiệu Hu Liêu, sinh ngày 16 tháng 5 năm Đinh Dậu (1417), tại am Long Đẩu núi Phật Tích(4) quê ở làng Bối Khê, huyện Thanh Oai, đạo Sơn Nam(5), là con trưởng Nguyễn Thì Trung và bà Đỗ Thị Chứng. Gia phả nói rằng: lúc mới sinh, dung mạo Nguyễn Trực kỳ vĩ khác thường, được vài tuổi tư chất đã thông minh đặc biệt. Lớn lên ở quê hương trong một gia đình có truyền thống văn học, cha lại là một văn nhân học rộng biết nhiều, nên từ nhỏ Nguyễn Trực đã được nuôi dạy chu đáo; lại thêm cảnh kỳ sơn tú thuỷ của vùng đất chùa Thầy quê hương, khiến Nguyễn Trực sớm có một tâm hồn phong phú. Tương truyền, chưa đầy 10 tuổi, ông đã nổi tiếng thần đồng, 12 tuổi đã thích làm thơ và làu thông kinh sử. Đến tuổi thành niên, kiến thức Nguyễn Trực đã làm cho nhiều vị danh nho phải khâm phục.
Nguyễn Trực lớn lên khi đất nước đã sạch bóng quân Minh xâm lược, các ông vua đầu tiên của nhà Lê đang bắt tay vào công cuộc xây dựng một vương triều thịnh trị vào bậc nhất trong lịch sử chế độ phong kiến nước ta. Cũng như tầng lớp kẻ sĩ hồi ấy, chàng thanh niên này hăm hở tìm đường tiến thân để thi thố tài năng qua con đường cử nghiệp. Kết quả không phụ lại hoài bão và công phu “dùi mài kinh sử” của ông: 18 tuổi đỗ khoa thi hương, 25 tuổi đỗ Trạng Nguyên kho Nhâm Tuất (1442).
Vị trạng nguyên trẻ này sốt sắng thực hiện hoài bão của mình, đem tài năng ra giúp dân giúp nước. Năm Thái Hòa thứ 2 (1442) ông nhận chức Chiêu nghị đại phu, Hàn lâm viện trực học sĩ, Vũ kị đô uý, làm An phủ sứ đi kinh lý vùng Nam Sách. Nhưng hình như chính trường thời buổi ấy(6) không phù hợp với tài năng và con người Nguyễn Trực, nên chỉ ít lâu sau, ông đã trở lại với những chức vụ hoàn toàn có tính chất “từ hàn”, “giáo chức” là Hàn lâm viện thị giảng, Thiếu trung đại phu, Hàn lâm thiêm tri nhập thị học sĩ, Ngự tiền học sinh nhị cục.
Tài năng và tri thức uyên bác của Nguyễn Trực ở thời gian này trước hết được thể hiện trên mặt trận đấu tranh ngoại giao. Nguyễn Trực cầm đầu một sứ bộ sang sứ nhà Minh vào năm 1444 cùng với phó sứ Trịnh Thiết Tràng(7). Giữa triều đình phương Bắc, Nguyễn Trực đã hoàn thành sứ mệnh bằng kiến thức uyên bác, tài ứng đối nhạy bén, sắc sảo, sự vững vàng cứng cỏi và trên hết là ý thức tự hào dân tộc rất chính đáng của mình, khiến vua tôi nhà Minh phải kiêng nể. Năm 1457 viên sứ thần nhà Minh là Hoàng Gián sang ta. Lê Nhân Tông đã triệu Nguyễn Trực về triều để tiếp sứ Tàu. Hoàng Gián vặn vẹo đủ điều, nhưng điều nào cũng được Nguyễn Trực giảng giải phân minh, khiến cho vị “thiên sứ” nọ phải thán phục thốt lên “Quốc hữu nhân tài” (nước (Việt) có người tài). Có một giai thoại kể rằng, chuyến đi sứ năm 1444, gặp đúng kỳ thi Hội của triều đình nhà Minh. Nguyễn Trực và Bảng nhãn Thiết Tràng cũng được mời dự thi cùng với sứ thần các nước khác. Khi công bố kết quả, thì Nguyễn Trực đỗ trạng nguyên và Trịnh Thiết Tràng đỗ Bãng nhãn. Nguyễn Trực được vua Minh phong làm Lưỡng quốc trạng nguyên và được ban tặng cẩm bào…
Theo ghi chép của nhiều tài liệu, Nguyễn Trực còn là một nhà kiến trúc có tài.
Năm 1457, ông được giao trách nhiệm trông coi việc xây dựng chùa Thiên Phúc ở núi Phật Tích(8), một công trình văn hóa nổi tiếng thời đó.
Tài năng và phẩm chất của Nguyễn Trực được Lê Thánh Tông đánh giá cao. Bản thân Nguyễn Trực cũng có những cống hiến trong việc giúp Lê Thánh Tông lập lại an ninh cho đất nước, sau thời gian rối ren kéo dài. Ví như năm Quang Thuận thứ 8 (1467), có lệnh sai Nguyễn Trực làm Cống biểu cho các đạo; ông cũng được tham gia nghị bàn những việc cơ mật của Nhà nước… Mặt khác, vốn rất coi trọng sự nghiệp đào tạo nhân tài, Lê Thánh Tông đã tìm thấy ở Nguyễn Trực một nhà giáo xuất sắc, mẫu mực, và cử ông làm Quốc tử giám tế tửu. Thời gian phụ trách việc rèn luyện nhân tài cho đất nước, Nguyễn Trực đã soạn nhiều tài liệu giảng dạy cho sĩ tử, được người đương thời tôn là bậc nho sư…
Nhưng có lẽ hoạt động văn hóa có ý nghĩa hơn cả trong giai đoạn này là việc Nguyễn Trực tham gia hiệu đính, phê duyệt bổ “bách khoa toàn thư” của thời ấy: Thiên Nam dư hạ tập”(9). Gia phả ghi rằng bộ Thiên Nam dư hạ tập theo lệnh của Lê Thánh Tông, phải mang đến tận nhà để Nguyễn Trực phê duyệt mới được xuất bản.
Lòng ưu ái của Lê Thánh Tông đối với Nguyễn Trực khá đặc biệt. Nhiều lần Nguyễn Trực nhận được tiền trợ cấp vì túng thiếu và cả “thơ ngự” của vua ban. Có một bài thơ Vua viết rằng:
Ban cừ lại ngã khổng phương huynh,
Hữu lộ tây sơn xuất Phượng Thành
Vị thẩm thuỳ đương ngô sở tứ,
Thị ưng Nguyễn tính, Trực kỳ danh.

Dịch nghĩa:
Trẫm sai người mang tiền đi ban
Dọc đường từ Phượng Thành tới núi phía tây,
Chưa xét ai đáng để trẫm cho cả,
(Chỉ có một người đáng được) ấy là người họ
Nguyễn tên Trực.
Thế nhưng, sống giữa triều đường, Nguyễn Trực vẫn không quên nơi chôn nhau cắt rốn. Năm Quang Thuận thứ 7 (1466), lấy cớ bị ốm ông xin về dưỡng bệnh ở quê hương, nhưng Lê Thánh Tông không cho, với Nguyễn Trực ở lại Kinh đô chữa bệnh. Nhân dịp này ông làm bài thơ, phần để cảm ơn vua, nhưng cũng là để tỏ nổi nhớ tiếc không được về ngắm cảnh cày bừa đầu xuân ở quê hương.
Bệnh thừa ân chiếu hứa lưu Kinh,
Quy kế như kim nhất vị thành.
Hà nhật tây sơn sơn hạ lộ,
Soa y tiểu lạp khán xuân canh.

Dịch nghĩa:
Trong khi ốm đau, được ân chiếu nhà vua cho lưu lại
Kinh chữa bệnh,
Kế về nghỉ hưu đến nay vẫn chưa thành được.
Biết đến ngày nào trên con đường dưới núi tây,
Mới được mặc áo tơi, đội nón nhỏ, ngồi xem cày ruộng vào tiết xuân !
Thực ra, đó chỉ là ước mơ. Nguyễn Trực là con người ưa hoạt động. Nhiều công việc bề bộn như vậy, ông vẫn còn dành được thời gian làm thuốc, chữa bệnh. Chỉ với tập Bảo anh lương phương cũng đủ xếp ông vào hàng danh y của đất nước.
Nguyễn Trực qua đời vào ngày 28 tháng 12 năm Hồng Đức thứ 4 (1473) khi ông mới 57 tuổi, vào lúc tài năng của ông đang ở độ chín muồi. Văn thơ ông, sự nghiệp của ông gắn với một thời kỳ lịch sử rực rỡ nhất của triều đại nhà Lê. ở ông, “trong đạo đức có từ chương”(10), văn chương ông “làm đẹp cho nước, trở thành kinh điển”(11). Cống hiến của ông cho đời vẫn được các thế hệ truyền nhau nhắc nhở giữ gìn.
Về sáng tác, Nguyễn Trực viết rất nhiều. Đáng tiếc, hiện nay mới sưu tầm được rất ít.
Những bài chiếu, sắc, chế, cáo, biểu … do Nguyễn Trực làm, ông đều sai học trò biên chép, chia làm 4 loại (Kinh, Sử, Tử, Tập). Sau đó ông tự duyệt lại, biên soạn thành hai bộ sách nhan đề là Ngu nhàn tập vàKinh nghĩa chư văn tập. Ngoài ra, còn có Hu liêu tập, thể văn cũng giống như Ngu nhàn tập. Những tác phẩm Nguyễn Trực đều được Lê Thánh Tông xem kỹ và có lời phê khen. Thời kỳ Nguyễn Trực ở Phượng Thành, biệt thự “Hoàn bích” của ông thường có những buổi bình thơ và họa thơ. Nguyễn Trực làm 50 bài thơ với chủ đề Chư sinh đáp hoạ và được nhiều kẻ sĩ cũng như nho sinh làm thơ hoạ lại.
Nguyễn Trực viết nhiều về y học. Ngoài bộ sách thuốc Bảo anh lương phương đã nói ở trên, ông còn nhiều cuốn ghi chép về y học, dược học, nay đã bị mất mát nhiều(12).
Hiện nay, Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn giữ được những tác phẩm sau đây do Nguyễn Trực biên soạn, biên tập, phê duyệt, hay có sưu tập thơ văn của Nguyễn Trực:
Bối Khê Trạng nguyên đình đối sách văn A.1225
Bảo anh lương phương A.1462
Bối Khê Trạng nguyên gia phả A.1046
Cổ tâm bách vịnh A.702
Toàn Việt thi lục A.1262/1-5
Thiên Nam thi tập A.315
Thiên Nam long thủ lục A.220, A.1658, A.2215
Thiên Nam lịch triều liệt huyện đăng khoa bị khảo VHv. 1713/1 - 5, A.1335, VHv.1299
Thiên Nam dư hạ tập A.334/1 - 10; VHv.37; VHv.1313/a, b.
Ngoài ra, rải rác ở các bộ sưu tập văn thơ khác cũng có chép thơ văn của ông. Công việc sưu tầm tác phẩm của Nguyễn Trực còn phải tiếp tục tiến hành.
Công Việt


CHÚ THÍCH
(1) Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm có cuốn Bối Khê trạng nguyên gia phả, ký hiệuA.1046. Đây là sách mới sao lại gần đây, phần gia phả ghi sơ lược nhưng khớp với cuốn gia phả mới tìm thấy ở quê Nguyễn Trực.
(2) Khi viết phần này, chúng tôi có đối chiếu với những tư liệu trong các sách khác như Toàn Việt thi lục, Thiên Nam thi tập, Thiên Nam lịch triều đăng khoa bị khảo, Cổ tâm bách vịnh, Lịch tìêu đăng khoa lục…
(3) Nguyễn Trực còn hai người con trai do bà thiếp Đào Thị Tiếp, con Đào Công Soạn sinh ra, là Đôn Tĩnh và ái Mộng cũng đều đỗ Nho sinh tú lâm cục.
(4) Núi Phật Tích thuộc xã Thiên Phúc, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội).
(5) Nay là thôn Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
(6) Năm 1442 Lê Thái Tông mất, vua Nhân Tông lên nối ngôi tuổi mới lên 3. Quần thần mời Tuyên Từ Hoàng Thái Hậu Nguyễn Anh (Vợ Thái Tông và là mẹ Nhân Tông) “buông rèm coi chính sự”.
(7) Trịnh Thiết Tràng, hai lần thi đậu. Người Đông Lý, Yên Định. Đỗ Bảng nhãn khoa Mậu Thìn (1448), làm đến Hữu Thị Lang. Là con rể Nhân Tông, được phong Nghi Quốc công.
(8) Chùa Thiên Phúc ở núi Phật Tích thuộc xã Thiên Phúc, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai (nay thuộc Hà Nội), Chùa này khởi công từ năm 1457, đến năm 1458 thì hoàn thành.
(9) Thiên Nam dự hạ tập, 100 quyển, năm Hồng Đức thứ 14 (1483) Lê Thánh Tông cử Thần Nhân Trung và Đỗ Nhuận biên soạn, ghi chép đủ các chế độ, luật lệ, văn hàn, điển lệ, cáo sắc, … (Xem Lịch triều hiến chương loại chí, Văn tịch chí)
(10) Xem bài Điếu Nghĩa Bang trạng nguyên của Lê Thánh Tông, trong Hồng Đức Quốc âm thi tập, Nxb Văn học, In lần thứ 2, 1982, tr.92.
(11) Lời nhận xét về Nguyễn Trực của Thần Nhân Trung, đỗ Tiến sĩ năm Quang Thuận thứ 10 (1469), làm Lại bộ Thượng thư, Phó nguyên soái hội Tao đàn.
(12) Cụ Phó Lạc nay ở thôn Việt Yên, xã Đông Yên, huyện Quốc Oai Hà Nội là người kế tục được truyền thống y học của dòng họ. Cụ còn giữ được một số tư liệu y học của tổ mình là Nguyễn Trực.

Biên tập: Phạm Duy Trưởng