KẸO BỘT ĐÔNG SÀNG

Làng tôi xưa là vùng trồng mía, phải chăng đất mang tên là làng Mía (nay là thôn Đông Sàng, một trong năm làng cổ thuộc xã Đường Lâm) vì thế. Thời Thanh đô vương Trịnh Tráng mở thương cảng ở Phố Hiến, thì đây là nơi sản xuất đường mật cung cấp đi các nơi. Hoạt động công thương trở nên nhộn nhịp, điều nổi bật là làng tôi ở cùng một địa bàn một xã gồm có nhiều thôn, nhưng vì làng ít ruộng nên dân sống bằng nghề chạy chợ, buôn ngược bán xuôi, có mối quan hệ rộng rãi cởi mở, không khép kín bảo thủ như cư dân nông nghiệp ở các làng khác.
KẸO BỘT ĐÔNG SÀNG

Mảnh đất ba sào của ông tôi được ăn thừa tự của cụ nội đi làm tri huyện, mấy người em bảo bán đi chuyển ra phố làm ăn. Ông tôi bảo: Vẫn biết phi thương bất hoạt, nhưng đất của ông cha để lại phải giữ lấy nó. Cáo chết ba năm quay đầu về núi, đừng lấy đuôi chuột mà vẽ thúng gạo. Ông ở lại cóp nhặt từng hào mua hom mía về trồng trên mảnh đất ấy.
Ông tôi bán mía cho các chủ lò mật, rồi lấy mật về nấu kẹo cho mẹ tôi đi bán, nhiều tối ông cũng lân la bưng mủng kẹo đến chỗ người ta chơi tổ tôm hoặc cánh hương dũng ngủ tập trung ở cổng làng để tuần tra canh gác trong đêm nhất là trong tháng "củ mật". Nhiều lúc gặp hội tổ tôm có người được ván ù chi nảy, cả mủng kẹo bán hết veo, ông lại về lấy mẻ kẹo khác đi bán. Cứ siêng năng nhặt nhạnh kiểu ấy cũng cứ cơm ngày ba bữa, bếp đỏ lửa ba lần, nhiều khi đồng tiền nhỏ cũng vực lên được việc lớn, chẳng hạn gom đủ tiền mua được chức Lý trưởng đỡ phải đi phu dịch, lúc ra đình làng hội họp hoặc khi ăn uống được ngồi chiếu trên. Dù trong tay không bao giờ được cầm con dấu đóng lên chữ ký của mình thì vẫn cứ được mang danh ông lý suốt đời, làng tôi xóm nào cũng có đôi ba ông lý là vì thế. Ông tôi cũng là ông lý nhưng là lý trưởng tiền. Cũng đã có người cạnh khoé, ông tôi  bảo: "Ai giỏi cứ việc cưỡi ngựa chém tướng cướp cờ, tôi là kẻ "Sơn lâm mãi võ" bán thuốc kiếm tiền ở chợ mặc tôi. Sống giữa vùng tề trọng điểm do thực dân Pháp thiết lập ở trung du và đồng bằng Bắc bộ nhưng ông tôi có tinh thần yêu nước luôn ủng hộ kháng chiến nên không bị dính thành phần hồi giảm tô. Ông sống thanh đạm, mỗi khi nhà có khách, ông tôi vui vẻ bảo tôi lấy ra món kẹo bột đựng trong chiếc lọ sành nút bằng lá chuối khô bày lên chiếc đĩa cổ men rạn có vẽ hình con phượng, nhìn những chiếc kẹo lúc ấy như những sinh linh bé bỏng đang cựa lên trong lớp bột áo mơ hồ. Ông ân cần mời khách, rồi ông nhón lấy chiếc kẹo đưa lên miệng. Ông lại thong thả vít cong cần xe điếu làm bằng cành quân trâu có những chiếc mấu xinh xinh đã lên nước thời gian nâu bóng rồi mồi lửa hút một hơi thuốc lào, lúc này vị ngọt đã lan ra trong miệng, ông nhấp ngụm nước trà mạn hảo rồi ngả lưng vào chiếc ghế tràng kỷ từ từ nhả khói. Ông bảo: "Vừa ăn kẹo vừa điều khiển âm dương ngũ hành mới hay". Vừa nói ông vừa chỉ vào chiếc điếu bát: "Này nhé, Kim là chiếc nõ làm bằng đồng bạch, Mộc là cái xe điếu, Hoả là lửa châm ở đầu đóm, Thuỷ là nước trong điếu, Thổ là cái bát điếu bằng đất nung, chẳng đầy đủ âm dương ngũ hành là gì''.
Chao ôi! Chỉ có cái kẹo bé tí tẹo mà tạo ra cái phút lâng lâng làm xao xuyến cả vũ trụ thế sao. Chúng tôi giữ nếp nhà, sau những bước tha hương trở về quê cũ những lúc nông nhàn lại cặm cụi ngồi nấu ra những mẻ kẹo bột cho vợ con đi bán, lời lãi chẳng đáng gì nhưng cũng thêm thắt đỡ cho cái khoản tiền lương hưu còn ít ỏi.
Bạn bè xa gần nhiều lúc đến chơi, lần nào tôi cũng đem món kẹo bột ra mời. Cái giống kẹo bột rất quyện với nước chè tươi đặc. Tuy không có cái điếu cổ mà ở đầu chiếc nõ có hình hoa sen cách điệu trạm bằng bạc trắng và nước chè mạn hảo được pha trong chiếc bình song ẩm bằng sứ Giang Tây thì cứ điếu cày và nước chè tươi hãm uống bằng bát vẫn cứ ngon. Cảm giác lâng lâng say đắm khiến cả chủ lẫn khách cứ bần thần ngồi ngắm ngôi nhà cổ làm theo lối "Nội tự ngoại khách" đã lên nước thời gian  mà nhớ đến người xưa. Một hai năm gần đây, kẹo bột có nhiều ở chợ Mía. Các bà các cô đi chợ về thường mua kẹo bột làm quà cho con - thứ quà vừa rẻ vừa ngon không có chất phụ gia nào pha trộn nên lành tính. Mùa đông ăn kẹo chống được lạnh, các cô gái ăn kẹo môi má cứ đỏ thắm cả lên, ngay đến cả các văn nghệ sỹ xứ Đoài mỗi lần về hội thảo bình thơ ở chùa Mía cũng chỉ thích nhâm nhi kẹo bột, uống bát nước chè tươi để lắng hồn sông núi.
Để đạt tới sự an nhiên vui vẻ ấy thì khâu nấu kẹo phải bắt đầu từ khâu kén mật. Tiết Hàn lộ rét khan là lúc mía ngọt nhiều ở ngọn, đầu cây mía chỉ còn lưa thưa vài chiếc lá cờ, thân cây mía lộ ra những sống đốt lùn rụt và căng tròn như muốn nứt mình ra, thân cây mía chứa nhiều nước ngọt có màu vàng như màu hổ phách. Người ta chặt mía đưa về lò ép lấy nước ấy ra nấu mật, để thơm ngon phải nấu bằng mật mía de, nếu hám lợi dùng mật kém thì mẻ kẹo làm ra nhìn xấu mã thâm như da lợn chết, ăn vào bở bục và chỉ tội dính răng. Khâu nấu kẹo, sơ sểnh là hỏng, phải chú ý điều hoà củi lửa, già lửa kẹo bị đắng, non lửa kẹo bị dai để lâu không được. Phải sơ đũa đều khi nào thấy nặng tay là lúc mật đã kết thành châu rồi đấy. Lúc này để chắc ăn, người ta phải thử, ấy là việc nhấc chiếc đũa sơ mật lên dỏ ngay vào bát nước lạnh, nhìn những giọt mật rơi vào đấy, đang nóng bỏng gặp phải nước lạnh mật kết tròn lại như chiếc cúc áo, lấy tay bóp nhẹ thấy vỡ vụn ra, khi ấy nhắc chảo mật ra đổ vào chiếc bồn được lát bằng bốn hòn gạch bát, có xây gờ xung quanh, chờ se mặt một chút mới lấy ra vắt lên chiếc cọc đánh kẹo làm bằng đoạn gốc tre già bổ đôi có tay tre cứng buộc chắc lên chiếc cột nhà bếp mà đánh. Đánh kẹo là việc nặng nhọc, người đánh kẹo phải khoẻ, động tác đứng giãi chân chèo, dùng cơ bắp của đôi tay mà kéo ra quật vào liên tục, càng về sau, độ kéo càng nặng, càng nặng càng phải đánh nhanh tay làm sao để mẻ mật nấu có màu nâu ngả sang màu vàng cam sau đó là màu trắng ngà, lấy sống dao gõ nhẹ một cái vào đoạn mật vừa đánh trắng thấy gãy gọn ra là được. Lúc này mẻ kẹo đánh xong, nhanh tay gỡ xuống, ngồi vuốt dài từng đoạn rồi lấy kéo cắt ra thành những chiếc kẹo. Cắt kẹo phải dứt khoát và nhanh tay, cứ mỗi nhát cắt là một chiếc kẹo xinh xinh rơi xuống chiếc mẹt có sẵn một lớp bột áo làm bằng gạo nếp hoa vàng đã được rang lên  nghiền thật nhỏ. Bột ấy giữ cho kẹo khỏi ẩm để hàng tháng trời ăn vẫn giòn thơm như khi mới nấu.
Tháng Tết, đường làng hoa mận giao cành nở trắng xoá, chợ Mía họp mỗi ngày mỗi đông thêm. Hàng bánh đa, kẹo bột, kẹo lạc, kẹo vừng là những món hàng đặc sản được bày bán nhiều, các bà các cô bán chạy như tôm tươi, dù cạnh đấy là những loại hàng kẹo bánh mang thương hiệu Tràng An, Kinh Đô đủ loại với những mẫu mã đầy hấp dẫn. Kẹo bột Đông Sàng chất đã có nhưng cứ để mộc thế là chưa bắt kịp yêu cầu của thời hiện đại, cần phải nâng cao chất lượng cải tiến mẫu mã, người làm ra nó phải chủ động đã đành nhưng cần có cơ quan chức  năng định hướng, quy hoạch tổ chức sản xuất cùng với sự quảng  bá, rộng dãi với tinh thần chủ động, tự cởi trói để tạo ra tiềm năng của những sản phẩm du lịch mang lại phúc lợi thiết thực cho cư dân làng cổ.  

Khải Hưng