TÌM HIỂU CÁC VĂN BẢN BỘ SÁCH NGÔ GIA VĂN PHÁI

TÌM HIỂU CÁC VĂN BẢN BỘ SÁCH NGÔ GIA VĂN PHÁI
NGÔ GIA VĂN PHÁI là một tên sách đã trở thành quen thuộc không những đối với giới nghiên cứu mà còn cả với nhiều bạn đọc ưa thích văn học cổ lâu nay. Tuy nhiên diện mạo, lai lịch của bộ sách ra sao cũng đang còn là vấn đề cần được quan tâm khảo sát. Công việc đó sẽ không chỉ có ý nghĩa đối với ngành nghiên cứu văn học sử mà trên lĩnh vực lý luận văn học nó cũng có thể đem đến nhiều bổ ích, lý thú, ví như những quan niệm về văn, văn phái, thể loại, tác phẩm, tác giả, khuynh hướng... Vấn đề rất phong phú và cũng đòi hỏi nhiều công phu. Trong bài này chúng tôi chỉ xin đi vào tìm hiểu hai vấn đề nhỏ: quá trình hình thành và tình trạng văn bản hiện nay của bộ sách Ngô gia văn phái. Song trước hết có lẽ cũng cần trình bày đôi nét về văn phái họ Ngô.
1. Khái niệm “văn phái” và bộ sách “Ngô gia văn phái”.
Trong lịch sử văn học Việt Nam, trước khi xuất hiện bộ Ngô gia văn phái, chưa thấy hai chữ “văn phái” được sử dụng như một thuật ngữ văn học. Vào khoảng những thế kỷ XIV, XV người ta mới chỉ quen dùng từ xã (trong thi xã, như thi xã Bích Động của Trần Quang Triều), từ đàn (trong tao đàn như Hội tao đàn của Lê Thánh Tông). Tiếp sau đó nhiều nhà khảo cứu nhấn mạnh đến vai trò tác gia với những định nghĩa khá rạch ròi và có lý luận. Tiêu biểu là ý kiến của Ngô Thì Nhậm: “Xưa nay, sáng tác văn chương được gọi là tác gia đã khó. Được gọi là đại tác gia càng khó. Đại tác gia phải là những người (tạo nên) khuôn thước trong nghề thì mới gọi được. Có loại, làm khuôn thước cho gấm thêu. Có loại, làm khuôn thước cho vải vóc. Trong dòng văn chương gấm thêu, cũng có kẻ đi đến trơn tru, bóng mượt. Trong dòng văn chương vải vóc, cũng có kẻ đi đến phô phác, vụng về. Những người như thế, có thể gọi là tác gia, chứ không thể gọi là đại tác gia”(Đề tựa tập thơ “Tinh sà kỷ hành”).
Riêng những người tham gia sưu tập Ngô gia văn phái thì trên cơ sở từ gia muốn chứng thực thành tựu của một họ, một phái. Họ cũng đã đưa ra giới thuyết về vấn đề này. Ngô Thì Trí định nghĩa: “Phàm gọi tên là văn phái là để chỉ cái ơn của thi thư cuồn cuộn như nước chảy không cùng” (Ngô gia văn phái tự)
Phan Huy Ích thì nói rõ hơn. Ông phân biệt gia và phái. Thành đượcnhà đã khó: “Văn mà thành được nhà là khó. Các thế gia hoàn thành được những việc tốt đẹp, dòng phái xa dài. Riêng đối với tác phẩm kiệt xuất của văn chương thì những kẻ rong ruổi trong rừng nghệ thuật, cầm chén nhặt từ không thiếu, những người có được tâm linh kỳ cốt thì vắng hiếm. Nếu chẳng phải là khí làm nát được vàng đá, thanh hòa với âm nhạc, khuôn mẫu từ chương phát ra ở văn thì không thể thành nhà”(Ngô gia văn phái tự). Nhưng thành được phái (văn phái) còn khó hơn. Chẳng những các nhà văn phải đạt tới cái đặc sắc, khuôn khổ riêng của mỗi nhà mà còn phải có sự nối tiếp giữa các thế hệ cùng một dòng họ.
“Trộm nghĩ rằng gốc sâu thì ngọn tốt, sức chứa lớn thì tiếng kêu to. Có cái đức truyền nối trăm năm thì sẽ phát ra ở nét văn của con người các thế hệ nối tiếp. Tinh hoa chất chứa thì tràn đầy ở văn chương còn bản lĩnh thì quy về đạo lý. Khí cách của đại gia rực rỡ, tụ họp mùi thơm, nối dài nét đẹp. Cái đáng nêu lên ở văn phái là hòa hợp cùng mọi người mà không riêng” (Phan Huy ích - Lđd).
Như vậy Phan Huy ích đã nhấn mạnh đến tính nhất quán trong các tác gia của văn phái. Nhưng xét cho kỹ thì ông cũng như Ngô Thì Trí vẫn chưa hề nghĩ đến một nhóm hay một tập hợp các nhà văn có một khuynh hướng tư tưởng nhất quán hoặc cùng một phong cách, một phương pháp sáng tác, hoặc cao hơn còn có cả tổ chức, tuyên ngôn như khái niệm văn đoàn, văn phái sau này. Các ông vẫn giữ quan niệm truyền thống của Nho gia. Văn phái chỉ là những người có học hành, có tài năng viết sách, bất kể là sách gì, thuộc các thế hệ nối tiếp của cùng một dòng họ chứ không thể là người họ khác; do dòng họ có cái đức lớn và có truyền thống học hành nên trong một thời kỳ dài, họ ấy vẫn sản sinh ra được các nhà có tài học và viết được sách vở. Còn khuynh hướng tư tưởng của các nhà văn ấy có khác nhau hay không thì không quan trọng: “Ông cháu, cha con trong khoảng trăm năm nối nhau tích tụ, bơi lội trong bể học bờ thánh. Bởi vì nguồn xa thì dòng dài, cái chứa lớn thì tưới nhuần lớn. Đã có đức ấy thì ắt có lời ấy, thế thì lời sẽ thể hiện ra ngoài mà có nền văn chương ấy” (Ngô Thì Trí - Lđd).
“Nền văn chương ấy” sẽ được coi là vật gia bảo, là ơn huệ thi thư mà con cháu phải trân trọng giữ gìn. Vì lẽ đó tiêu chuẩn để sưu tập tác phẩm của văn phái họ Ngô chủ yếu lại là huyết thống, gia tộc chứ không phải khuynh hướng sáng tác. Và Ngô gia văn phái vẫn chỉ là bộ tùng thư thu thập toàn bộ tác phẩm của tất cả những ai thuộc dòng họ Ngô Thì mà thôi ! Đến như Phan Huy ích gắn bó với gia đình này là thế, quan niệm của ông và Ngô Thì Nhậm trong thơ văn cũng như trong cuộc đời nhất trí là thế, vậy mà tác phẩm của ông cũng không được đưa vào đây một bài nào. Đương nhiên giữa các tác gia trong dòng họ Ngô cũng đạt được đến sự thống nhất nào đó trên một số phạm trù rất chung, như quan niệm về sự hòa kính trong gia đình, nghĩa vụ của con cháu đối với gia tộc, thái độ trước một cuộc sống thanh cao, quan niệm về vị trí nghề nông... Song nét nổi lên dễ nhận thấy hơn ở Ngô gia văn phái là sự phân hóa trong hàng ngũ tác giả. Điều đó cũng tất nhiên, bởi lẽ từ những năm 80 của thế kỷ XVIII, tình hình Bắc Hà rất rối ren. Sự xuất hiện của Quang Trung ở Thăng Long năm 1786 rồi trận đại thắng quân Thanh hai năm sau đó, đã hoàn toàn phá vỡ thế bùng nhùng của cục diện chính trị đương thời. Các nho sĩ bị đặt giữa ngã ba đường và buộc lòng phải chọn một hướng đi dứt khoát. Sự phân hóa của gia đình họ Ngô cũng nằm trong tình hình chung đó của giới nho sĩ đương thời. Mặt khác, trong một thời kỳ ngắn, ba triều đại đổi thay nhau và tiêu diệt lẫn nhau (1). Các nhà văn nối tiếp của một dòng họ, phục vụ cho các triều đại thế tất phải có các tư tưởng khác nhau. Cho nên mặc dù họ vẫn tôn trọng thứ bực trong gia tộc, vẫn gắng giữ tình cảm ruột thịt anh em chú bác, cố gắng duy trì nền nếp thống nhất nhưng thực chất giữa họ đã có những quan niệm rất khác nhau thậm chí đối lập trên nhiều vấn đề quan trọng. Và không thể tránh được sự hình thành những khuynh hướng khác nhau về quan điểm chính trị trên cơ sở đó hình thành các nhóm. Do vậy bộ sách được gọi là Ngô gia văn phái mới chỉ dừng lại ở mức độ một tập hợp tác phẩm của những nhà văn khác nhau trong dòng họ Ngô mà thôi.
2. Sự hình thành bộ sách “Ngô gia văn phái”.
Ngô gia văn phái là một sách phong phú, tác giả đông, tác phẩm nhiều và thể loại đa dạng. Khảo sát tình trạng văn bản hiện nay ta có thể hình dung thấy bộ sách không phải được hoàn thành ngay trong một lần sưu tập, mà đã trải qua ba thời kỳ:
- Thời kỳ đầu là những sưu tập rải rác về từng tác gia như: Nam trình lên vịnh của Ngô Thì ức do Ngô Thì Sĩ sưu tập; Nghi vịnh thi tập gồm toàn bộ tác phẩm của Ngô Thì ức do Ngô Thì Nhậm sưu tập để khắc in; Ngọ Phong thi tập được thu thập sau khi Ngô Thì Sĩ mất và đã hoàn thành từ năm Quý Mão (1783). Ngoài ra một số tác giả đã tự hoàn chỉnh những sáng tác của mình thành từng tập, mỗi tập gồm những tác phẩm sáng tác trong một thời gian nhất định, như Ngô Thì Nhậm có: Hào mân ai lục, Bang giao hảo thoại, Thủy vân nhàn vịnh, Cúc hoa thi trận v.v..., Ngô Thì Chí có: Học Phi văn tập, Học Phi thi tập, Hào mân khoa sớ v.v...
- Thời kỳ thứ hai: sưu tập để xây dựng thành Ngô gia văn phái. Hiện nay chưa rõ công việc được bắt đầu và hoàn thành vào năm nào. Chỉ biết rằng người khởi xướng là Ngô Thì Trí, nhưng người thực hiện chính và hoàn thành lại là Ngô Thì Điển, con trai cả Ngô Thì Nhậm. Trong lời đề tựa, Ngô Thì Trí nói rõ: “Tôi tài đức đều kém, học hành lỗ mãng, thường vẫn muốn soạn định thành sách, trên là để làm sáng tỏ công đức của cha ông, dưới là để có đủ sách thông khảo cho gia đình. Nhưng rồi công việc bề bộn chưa làm được như nguyện. Sách này là do con trai anh trưởng tôi nối chí, tập hợp văn của vài bốn đời mà biên chép lại, phân mục quy lại. Tập hợp xong, bàn với tôi, đặt tên sách là“Ngô gia văn phái” (Ngô gia văn phái tự).
Trong một lời đề tựa khác, Phan Huy ích nói rõ hơn:
“Toàn tập gồm hơn 20 quyển, gần đây lưu truyền trong cõi, người ta tranh nhau truyền tụng. Nay con em trong nhà muốn khắc in, bảo tôi đề tựa. Tôi già rồi, yếu lại lười, từ lâu không cầm đến bút mực, sao đủ sức để tán dương một dòng họ lừng lẫy. Nhớ lại 50 năm trước, được nghe lời dạy bảo của cha vợ tôi, đã lĩnh hội được khuôn phạm văn gia. Đến giữa chừng gặp sự đổi thay, tôi cùng anh vợ ứng thế, kẻ phác thảo, người nhuận sắc, hình hài và tinh thần nương dựa nhau. Thế mà nay biển dâu biến đổi, chợt nhớ lại ngày trước, mơ hồ như một giấc mộng...” (Ngô gia văn phái tự).
Phan Huy ích không đề ngày tháng viết bài tựa, nhưng năm 1768, Ngô Thì Sĩ làm Hiến sát Thanh Hoa, Phan về quê thi có rẽ vào thăm bố vợ, thi xong lại đến đó ở một năm để học. Như vậy có thể thời gian ông “được nghe lời dạy dỗ”, lĩnh hội được khuôn phạm văn gia là khoảng mùa thu 1768 đến mùa thu 1769. Thế thì thời gian Phan Huy ích viết lời tựa cho Ngô gia văn phái có thể ức đoán vào khoảng năm 1819. Cũng theo ông, lúc này bộ sách đã được người ta “tranh nhau truyền tụng”, tức là nó đã hoàn thành trước đó một thời gian. Từ những chi tiết trên, có thể đi đến kết luận rằng: Ngô gia văn phái đã được hoàn thành trong khoảng từ 1815 đến 1819. Bộ sách mới chỉ gồm hơn 20 quyển, sưu tập những trước tác trên vòng 100 năm của ba bốn thế hệ, tức là từ Ngô Thì ức đến thế hệ Ngô Thì Điển.
- Thời kỳ thứ ba: chủ yếu là sự bổ sung, sao chép và sắp xếp lại ở các thế hệ sau. Hiện nay trong số các bản Ngô gia văn phái, có bản chép riêng tác phẩm của Thì Giai (1818 - 1881) và một người nữa là Tuân Phủ công, chưa rõ tên thật. Việc làm này có ưu điểm làm cho bộ cách phong phú thêm, bổ sung thêm được những tác phẩm mà Ngô Thì Điển còn chưa biết hoặc chưa sưu tầm hết. Nhưng nó cũng phá vỡ khuôn khổ ban đầu của bộ sách, khiến cho ngày nay rất khó xác định cách thức sắp xếp, các hệ thống chú thích, biên khảo... của nguyên bản Ngô Thì Điển.
3. Tình trạng hiện nay của các bản “Ngô gia văn phái”.
Hiện nay, theo sự thống kê của nhà thư mục học Trần Văn Giáp (Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Thư viện Quốc gia, 1971) và nhóm tuyển dịchNgô gia văn phái (Ty Văn hóa Hà Sơn Bình xuất bản, 1980) thì ở Hà Nội, kể cả các thư viện công và tư, có đến khoảng gần 20 bộ Ngô gia văn phái. Riêng Thư Viện Nghiên cứu Hán Nôm có 18 bộ. Tất cả đều là sách chép tay, nội dung không thống nhất, cách sắp xếp tác phẩm cũng không nhất quán; có thể nói không bộ nào có kết cấu giống bộ nào. Tuy nhiên cũng có thể tạm chia làm hai loại:
a. Loại lẻ bộ, gồm các bản:
A.117b gồm 4 quyển ghi rõ “Đích tôn Ngô Thì Điển biên tập”, nhưng việc biên chép có nhiều nhầm lẫn và lộn xộn. Kết cấu của sách không hoàn toàn theo nguyên tắc thể loại cũng không theo trật tự thời gian. Chẳng hạn Quyển I chép văn loại của Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, thì phần cuối lại chép tập thơ Mai dịch thú dư (của Ngô Thì Hương) trong khi đó Quyển IV chép thi loại (gồm Nghi vịnh thi tập của Ngô Thì Ức và Anh ngôn thi tập của Ngô Thì Sĩ) thì phần cuối lại chép một phần của Ngọ phong văn tập. Mặt khác tên đăng ký của Thư viện cũng không đúng với tên ghi trên trang đầu quyển sách; Chẳng hạn như: Quyển III tên đăng ký là Ngô gia văn phái A.117b/3 nhưng bên trong, sách gồm rất nhiều quyển: Ngô gia văn phái Quyển 20, 21, 22, 23, 24, 30, 31, 32; các quyển từ 19 trở về trước và từ 25 đến 29 không thấy. Quyển IV (A.117b/4) phần chép thơ thì gồm Ngô gia văn phái từ quyển 1 đến quyển 4 nhưng sang phần văn lại có tên là Ngô gia văn pháiQuyển thượng.
Như vậy rõ ràng bản này là một bộ thu góp nhiều bộ khác nhau nhưng không bộ nào hoàn chỉnh, do đó số lượng tác phẩm của mỗi tác gia đều bị thiếu hụt. Chắc chắn đây không phải bản gốc của Ngô Thì Điển.
A.117/c gồm 3 quyển và A.117/d gồm 3 quyển, chỉ chép riêng thơ Ngô Thì Nhậm.
A.117/d chỉ có 1 quyển chép tác phẩm của Ngô Thì Giai và một người nữa là Tuân Phủ Công.
VHv.807 gồm 6 quyển, chỉ chép riêng Xuân thu quản kiến của Ngô Thì Nhậm.
A1330: 1 quyển, chép tác phẩm của năm tác giả Ngô Thì Trí, Ngô Thì Du, Ngô Thì Điển, Ngô Thì Hiệu, Ngô Thì Lữ.
b. Loại tương đối đủ bộ.
Loại này không nhiều, cũng chỉ có vài bộ nhưng không bộ nào hoàn chỉnh. Tình hình cụ thể như sau:
VHv.16 gồm 13 quyển, chép tác phẩm của 7 tác giả. Sách này chép cẩn thận, chữ tốt, cách phân loại rành rọt, là bản bổ sung tốt cho A.117a.
VHv.1743 gồm 36 quyển. Nhìn qua có thể nghĩ rằng bộ này đầy đủ và gần với bản gốc hơn cả. Song xem xét kỹ thì không phải thế. Mặc dầu số trang số quyển rất đồ sộ, nhưng sách chỉ chép được sáu tác giả và tác phẩm cũng không được sưu tập đầy đủ. Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Chí không có thơ, Ngô Thì Nhậm không có Xuân thu quản kiến. Các tác giả: Ngô Thì Trí, Ngô Thì Hoàng, Ngô Thì Điển... đều không được chép. Trong khi đó có đến hơn mười quyển chép trùng lặp; có tác phẩm chép đi chép lại đến ba lần. Đó là các quyển: 1, 3 và 6, 35, 8; 2 và 7; 4 và 9, 34; 5 và 10, 34; 13, 14 và 29, 30; 26, 27 và 21; 28 và 19, 21, 26, 27; 34 và 4, 5, 11, 12.
Tóm lại VHv.1743 cũng không phải là một bộ sách có kết cấu hoàn chỉnh, nó cũng nhập thêm những quyển lẻ; cách sắp xếp thì không hoàn toàn theo thể loại. Vì vậy nội dung vừa thừa vừa thiếu, lại có hiện tượng lầm lẫn, lộn xộn, không thể tin cậy hoàn toàn được.
A.117a: gồm 30 quyển. Bản này do Trường Viễn Đông bác cổ thuê chép, là bản hoàn chỉnh, biên tập có nguyên tắc nhất quán và tương đối hợp lý. Bản này sắp xếp riêng từng tác giả và trong mỗi tác giả, tác phẩm chủ yếu sắp xếp theo thể loại. Nói chủ yếu là vì cũng có những tác phẩm được giữ nguyên, mặc dù tác phẩm đó bao gồm nhiều thể loại, như trường hợp Khuê ai lục của Ngô Thì Sĩ.
Theo cụ Trần Văn Giáp (Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Sđd) thì bản này được sao chép từ một bản gốc nhà họ Ngô và là bản tốt nhất. Tuy nhiên, hiện nay chưa tìm thấy bản gốc hay một bản nào gần gũi với A117a. So với các bản khác A117a có nhiều ưu điểm: số lượng tác giả, tác phẩm phong phú, đầy đủ hơn, chữ viết rõ ràng, ghi chú rành mạch, biên tập có quy tắc nên dễ theo dõi, và có thể dễ dàng tìm được ngay tác gia mình cần. Song A.117a cũng còn nhiều nhược điểm: Hoàng Lê nhất thống chí là tác phẩm văn học giá trị bậc nhất của Ngô gia văn phái thì không hiểu vì sao những người sao chép lại bỏ sót? Bên cạnh đó sự nhầm lẫn vẫn không thể tránh được. Các quyển 18, 19, 20 và 23 đã chép trùng tác phẩm của các tác giả: Ngô Thì Chí, Ngô Thì Trí và Ngô Thì Hoàng. Trong đó quyển 18 mang nhan đề Học Phi thi tậpnhưng lại chép cả Sóc Nam hành kính của Ngô Thì Trí và Thạch ổ di chương của Ngô Thì Hoàng (những tác phẩm này được chép lại ở hai quyển 19, 20). Điều nguy hại là các phần Sóc Nam hành kính, Thạch ổ di chương ở quyển 18 không đề tên tác giả, có thể khiến bạn đọc nhầm tưởng Ngô Thì Chí cũng là tác giả của hai tập này. Ngoài ra, mặc dù sách được chép cùng một khổ giấy, một cách đóng, một loại bìa và chúng được đánh số từ quyển 1 đến quyển 30, nhưng bên trong một số quyển lại mang những phụ đề chứng tỏ nó thuộc một hệ thống khác. Ví như tất cả các quyển chép tác phẩm của Ngô Thì Nhậm đều mang phụ đề Ngô gia văn phái tuyển và có một hệ thống ghi số riêng chứng tỏ nó là phần IV, mà tác phẩm của Ngô Thì Chí là phần V, của một bộ hoàn chỉnh nào đó, nhưng ở đây chỉ tuyển một phần (của Ngô Thì Nhậm từ “tứ chi lục” đến “tứ chi thập tứ” rồi sau đó là “tứ chi thập cửu” đến “tứ chi nhị thập ngũ” tức là từ quyển 6 đến quyển 14 của phần 4 và từ quyển 19 đến quyển 25 của phần 4. Phần của Ngô Thì Chí từ “Ngũ chi nhất” đến “ngũ chi tam” tức là từ quyển 1 đến quyển 3 của phần 5).
Căn cứ vào lời tựa ở đầu bộ sách và đối chiếu với nội dung bên trong có thể nghĩ rằng A.117a chủ yếu đã giữ được kết cấu ban đầu của Ngô gia văn phái. Bản này sưu tập khá kỹ tác phẩm của bốn thế hệ tính từ Ngô Thì Điển trở lên đến Ngô Thì ức. Tuy nhiên A.117a cũng không phải được sao từ một bản gốc. Số quyển đã tăng lên so với lời ghi của Phan Huy ích (từ hơn 20 quyển lên 30 quyển); những phụ đề không nhất quán, lời ghi chú dưới quyển 21 Dưỡng Chuyết thi văn của Ngô Thì Điển (Dĩnh trai công di tảo)... chứng tỏ bộ sách đã có sự tham hgia bổ sung, sửa đổi, kết hợp nhiều bản và có thể cả việc kết cấu lại của thế hệ sau Ngô Thì Điển. So sánh với VHv.1743 thì trong việc phân loại, sắp xếp tác phẩm, A.117a đã kết hợp được hai nguyên tắc: thể loại và tác giả khiến cho sự tra cứu dễ dàng hơn, kết cấu của bộ sách cũng đỡ rối hơn. Cho dù vẫn còn thiếu nhiều tác phẩm quan trọng, như toàn bộ thơ Ngô Thì Nhậm, Hoàng Lê nhất thống chí, Việt sử tiêu án,A.117a vẫn là bản tốt đáng tin cậy hơn cả trong số những bản Ngô gia văn phái còn lại hiện nay trong Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Tóm lại Ngô gia văn phái là một bộ tùng thư sưu tập tác phẩm của dòng họ Ngô Thì ở Tả Thanh Oai, Bộ sách được hoàn thành từ khoảng những năm 20 của thế kỷ XIX. Sau đó nó được sao chép lại nhiều lần, và trong quá trình đó tác phẩm được bổ sung, quy cách sắp xếp, biên soạn cũng có thay đổi. Trong các bản ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện nay không thấy có một bản gốc hoàn chỉnh nào, trái lại ở mỗi bản đều có thể nhận ra dấu vết biến dạng của bộ sách sau những lần sao chép. Ví như A.117a, VHv.1743, là bản có bổ sung, nhập vào một số bản khác nhau; A.117b là bản bổ sung tác phẩm tác giả mới; A.117c, A.117d, VHv.801... là những bản chỉ tách ra một số tác phẩm nào đó theo yêu cầu riêng của người sao chép; A.117b, VHv.16 là những bản đang sao chép dở dang. Điều đáng tiếc nữa là mặc dù những người soạn Ngô gia văn phái định khắc in nhưng ý đồ đó chưa được thực hiện vì vậy rất có thể trong bộ sách còn lẫn những tác phẩm của tác giả ngoài Ngô gia mà hiện nay chưa có điều kiện xác định. Tuy nhiên, từ bản đầy đủ nhất là A.117a bổ sung thêm bằng các bản VHv.16, VHv.1734, A.117c, A.117d ... người nghiên cứu cũng có gần đủ tài liệu để tìm hiểu các tác gia cũng như những vấn đề mà mình quan tâm.

Trần Thị Băng Thanh

Chú thích:

(1) Ba triều đại là: Lê Trịnh, Tây Sơn rồi Nguyễn./.

Biên tập: Phạm Duy Trưởng 
(theo tạp chí Hán Nôm số 1 năm 1988)