NGUYỄN TRÃI (1380 - 1442)

NGUYỄN TRÃI (1380 - 1442)
Hiệu Ức Trai. Cha là Nguyễn Phi Khanh, mẹ là Trần Thị Thái, con gái quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Năm 1400, 20 tuổi đỗ Thái học sinh, làm quan nhà Hồ, giữ chức Ngự sử đài chánh chưởng. Năm 1406, quân Minh sang xâm lược Đại Việt. Năm 1416, Nguyễn Trãi gia nhập nghĩa quân Lam Sơn. Thời Lê Thái Tổ, ông được ban tước Quan phục hầu, giữ chức Nhập nội hành khiển kiêm Lại Bộ Thượng thư quản công việc ở Khu mật viện. Dưới triều Lê Thái Tông, ông giữ chức Thừa chỉ Viện hàn lâm kiêm Quốc Tử Giám, chủ khảo Khoa thi Tiến sĩ ở Kinh đô. Năm 1443 vụ án Lệ Chi Viên xảy ra, cả nhà ông bị khép án tru di tam tộc. Năm 1464, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu minh oan, truy phong ông chức Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, tước Tán Trù bá. Tác phẩm chính: Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập, Quân trung từ mệnh tập, Băng Hồ di sự lục.
LAM SƠN THỰC LỤC
 
QUYỂN THỨ NHẤT
 
Tằng tổ của vua họ Lê, tên húy là Hối, người thôn Như Áng, huyện Lương Giang, phủ Thanh Hóa. Ông tính tình ngay thật, giữ mình như người ngu; nhìn thấy sự việc từ lúc chưa xảy tới, biết sâu mà lo xa. Lấy bà Nguyễn Thị Ngọc Duyên, làm nghề ông thầy. Một hôm đi dạo chơi, thấy có đàn chim lượn vòng dưới Lam Sơn, giống như cảnh đám đông người tụ họp, ông cho rằng đấy là nơi địa thế tốt, nhân dời nhà đến đó ở. Thế rồi phát gai góc, vỡ ruộng nương, tự mình chăm cấy hái, sau ba năm đã thành sản nghiệp. Con cháu ngày một đông, tôi tớ ngày một nhiều, việc dựng nước mở đất thực đặt nền móng ở đây. Từ đó đời nối đời làm hào trưởng một miền.
Tổ của vua tên húy là Đinh. Ông vẫn theo nghiệp nhà, nối chí tiên tổ; hiền hòa, vỗ về dân chúng; rộng lượng, nhân ái với người; xa gần mến phục, ngày một theo về, liền có tới hơn nghìn dân. Bà tổ của vua là Nguyễn Thị Khoách, giữ nếp nhà cần kiệm, tính hạnh rất hiền, tuy trong vòng phụ nữ mà giúp đỡ được nhiều lắm. Bà sinh hai người con: trưởng là Tùng, thứ là Khoáng.
Khoáng tức thân phụ của vua. Ông tính vui vẻ, hiền lành, thích việc thiện, nuôi đãi tân khách, yêu thương nhân dân. Phàm có kẻ đói khó, cùng túng, bệnh tật, chết chóc thế nào cũng được ông chu cấp, giúp đỡ, coi chòm xóm như người cùng một nhà. Vì vậy, không ai là không cảm phục cái ơn cái nghĩa của ông. Thân mẫu của vua, bà Trịnh Thị Ngọc Thương, lại là người chăm bề phụ nữ, thờ cha mẹ hết lòng hiếu kính, đối xử với dòng họ có ân huệ, dạy bảo con cháu biết lễ nghĩa, một nhà hòa thuận, gia đạo thịnh thêm. Bà sinh ba người con: trưởng là Học, thứ là Trừ, út tức là vua. Học tiếp nhận [gia sản] ông cha truyền lại, chẳng may mất sớm. Vua kế thừa cơ nghiệp cha anh không dám bỏ bễ; nghĩ sâu để làm hết cái đạo [người con] là tiếp tục chí hướng và noi theo sự nghiệp [tiên tổ].
Nguyên xưa, hồi vua chưa sinh, dưới khu rừng quế ở thôn Như Áng Hậu, xứ Du Sơn thuộc bản hương thường có con hổ đen thân gần với người, chưa hề làm hại ai. Nhưng từ lúc vua sinh ra vào giờ Tí ngày mồng 6 tháng 8 năm Ất Sửu thì không còn thấy con hổ nữa, người ta lấy làm lạ. Lúc vua sinh, có ánh sáng đỏ đầy nhà, mùi thơm khác lạ đầy xóm. Thuở niên thiếu, [vua] có dáng vẻ tinh anh, cương nghị; mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, mày giô; vai bên trái có bảy nốt ruồi; đi tựa rồng, bước tựa hổ; lông mọc đầy người; tiếng nói như chuông, điệu ngồi như hổ; kẻ thức giả biết đây [là tướng] cực sang! Đến khi lớn lên, [vua] thông minh trí dũng vượt hẳn người thường, làm Phụ đạo ở Khả Lam.
Bấy giờ, vua sai gia nhân cày ở xứ Phật Hoàng, động Chiêu Nghi. Bỗng thấy một nhà sư già mặc áo trắng, từ thôn Đức Trai đi ra, than rằng:
- Cuộc đất này quý quá, không có ai để mách cho!
Gia nhân thấy vậy, chạy về thưa lại cùng vua. Vua lập tức theo tìm [nhà sư] để hỏi. Có người bảo vua rằng:
- Nhà sư già đã đi về phía trước kia rồi!
Vua tức tốc đuổi theo. Đến sách Quần Đội, huyện Cổ Lôi, thấy một chiếc thẻ tre đề rằng:
Thiên đức thụ mệnh,
Tuế trung tứ thập.
Số chỉ dĩ định,
Tích tai vị cập!
Nghĩa là :
Phúc trời nhận mệnh,
Tuổi giữa bốn mươi.
Lá số đã định,
Chưa kịp, tiếc thay!
Vua thấy chữ đề rất mừng, lại gấp rút rượt theo. Lúc này có con rồng vàng che phủ vua. Bỗng thấy nhà sư xuất hiện bảo vua rằng:
- Bần tăng họ Trịnh, tên chữ là Bạch Thạch Sơn Tăng, từ Ai Lao xuống. Nay thấy ngài khí cách khác thường, tất có thể làm nên việc lớn!
Vua quỳ xuống, thưa rằng:
- Mạch đất nơi đệ tử ở sang hèn như thế nào, mong thầy chỉ vẽ cho!
Nhà sư nói:
- Ở xứ Phật Hoàng động Chiêu Nghi có một khoảng đất chừng nửa sào, hình thù như quả quốc ấn. Phía bên trái có núi Chí Linh như ngôi Thái thất, trong đó những gò đất cao tựa bầy tiên, lấy Chiêu Sơn làm chiếc án. Phía đằng trước có sông Long Sơn, trong có Long Hồ, đất [quanh co] như ruột ốc. Phía bên phải có đồng nước vấn quanh núi Hổ Ngoại tựa xuyên qua hạt châu. [Với mạch đất này], con trai thì sang trọng không thể nói, nhưng con gái thì hiềm nỗi có kẻ thất tiết. Bần tăng e rằng con cháu của ngài về sau có cơ sống tách nhau. Phúc may có buổi trung hưng, mệnh trời khả dĩ biết được. Nếu minh sư có thể cải táng, thì vận trung hưng sẽ kéo dài thêm năm trăm năm nữa!
Nhà sư dứt lời, vua liền đem [hài cốt] phụ thân táng vào nơi đất ấy. Đến giờ Dần, về tới thôn Dao Xá Hạ, bỗng sư thầy biến về trời. Nhân dựng điện Du Tiên tại đây; ở động Chiêu Nghi thì lập một am nhỏ.
Đó là nguồn gốc phát tích.
Hồi bấy giờ, vua [gắn bó] keo sơn với Lê Thận, người sách Mục Sơn, huyện Cổ Lôi. Thận thường sống về nghề chài lưới. Tại vực xứ Ma Viện, ban đêm thấy dưới đáy nước có ánh sáng như ngọn đuốc, [Thận] vãi lưới suốt đêm, cá mú chẳng thấy gì, chỉ được thanh sắt dài hơn một thước, mang về để ở chỗ tối. Một hôm Thận có giỗ, vua sang chơi nhà, thấy trong bóng tối có ánh sáng, nhận ra là thanh sắt. Vua hỏi:
- Sắt gì đây?
Thận đáp:
- Tối hôm trước vãi lưới được đấy.
Vua bèn xin. Thận cho ngay. Vua đem về kỳ cọ, thấy có chữ ''Thuận Thiên'' và chữ ''Lợi''.
Lại một hôm vua ra ngoài cổng, thấy chiếc chuôi gươm đã đẽo gọt thành hình. Vua vái trời cầu chúc rằng:
- Nếu quả là gươm trời, thì lưỡi và chuôi hãy liền lại với nhau.
Bèn đem lắp vào, trở thành chuôi gươm.
Tối ngày hôm sau trời mưa gió. Tảng sáng, hoàng hậu ra vườn cải, thấy có bốn dấu chân của người khổng lồ, vừa dài lại vừa rộng. Hoàng hậu vào gọi vua. Vua ra vườn, bắt được chiếc bảo ấn cũng lại có chữ ''Thuận Thiên" và chữ ''Lợi''. Vua ngầm biết đây là trời cho, bèn giấu kín không nói.
Bấy giờ, Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, đổi tên nước là Đại Ngu, làm những chuyện thất chính, nhiều lần thiếu cống nạp [cho Trung Quốc]. Năm Vĩnh Lạc thứ mười hai (1414), nhà Minh sai bọn Trương Phụ, Mộc Thạnh... vượt cửa ải xâm lược nước ta. Vua tuy gặp thời nhiễu loạn mà chí vẫn bền, ẩn náu nơi núi rừng, sống về nghề cấy hái, lấy kinh sử làm vui, đặc biệt để tâm vào các sách thao lược. Lại hậu đãi tân khách, chiêu nạp đám lưu vong, phản nghịch, ngầm nuôi dưỡng những kẻ có mưu trí. Vãi tiền của, thóc gạo để giúp đỡ người cơ khổ; nhún nhường, hậu lễ để thu nạp đấng anh hào.
Bấy giờ ở thôn Hào Lương cùng huyện, có tên Đỗ Phú tranh chấp với vua, kiện nhau đến tướng giặc Minh. Viên quan khám xét thấy lẽ phải thuộc về phía vua, đã xử cho vua được. Đỗ Phú do vậy đâm ra thù hằn, đút lót để giặc Minh tới truy bức vua. Vua phải cùng Lê Liễu chạy trốn. Đến bên sông Khả Lam, bỗng thấy một người con gái nằm chết, mình còn mặc áo trắng và đeo xuyến vàng, thoa vàng. Vua cùng Liễu ngửa mặt lên trời khấn rằng:
- Tôi đang bị giặc Minh truy bức, xin nàng giúp tôi thoát nạn. Mai sau được thiên hạ, sẽ lập đền thờ. Hễ có cỗ bàn, sẽ cúng nàng trước!
Đắp mộ chưa xong, giặc đã xua chó ngao tới. Vua và Liễu chạy vội vào gốc cây đa. Giặc lấy giáo nhọn chọc vào, trúng đùi bên trái của Liễu. Liễu dùng tay cát vuốt ngọn giáo để xóa vết máu. Chợt thấy có con chồn trắng chạy ra, chó ngao liền đuổi theo chồn. Bọn giặc vô ý bỏ đi, vua mới được thoát.
Từ đấy, tướng giặc ngày càng kiêu căng, thế giặc ngày càng lấn tới. Giam giết kẻ trung lương, ngược đãi người cô độc. Trong nước oán thán người ta không biết nương nhờ vào đâu. Chính sự hà khắc, hình phạt quá lạm, không có cái gì là không cùng cực. Cấm muối mắm, làm cho dân thiếu cái ăn; nặng sưu thuế, làm cho dân hết tài sản. Lặn xuống biển mò ngọc, đào vào núi tìm vàng. Ngà voi, sừng tê, lông trả, gỗ thơm... phàm ta có sản vật gì, [chúng] ắt ra sức vơ vét, không bỏ sót một thứ, để nhét cho đầy túi tham như hang hốc [của chúng]. Phàm nhân dân ta [có ai] chúng cho là phản trắc, khó trị, tất bị [chúng] dùng kế đánh lừa đưa đi nơi khác, nhằm thỏa mãn tính khát máu [của chúng]. Lại xây hơn mười ngôi thành, chia quân đóng giữ để trấn áp nhân dân, khiến cho các bậc mưu trí của ta không thể hành động gì được. Còn khéo lập danh sách, bắt nhận chức quan, vờ cho vào chầu để đưa đi an trí nơi đất Bắc.
Riêng vua vẫn giữ vững lòng xưa, không bị chức tước cám dỗ, không bị uy thế ức hiếp. Tuy giặc dùng nhiều kế xảo quyệt mà rút cục, vẫn không thể làm cho vua núng chí. Nhưng bởi thế giặc còn mạnh, chưa dễ khống chế được [chúng]. Vua thường phải nhún lời hậu lễ, nhiều lần đem vàng bạc, của báu đút lót cho bọn tướng giặc là Trương Phụ, Trần Trí, Sơn Thọ, Mã Kỳ... mong được thư giảm phần nào ý định hãm hại của chúng, để chờ dịp sơ hở [của đối phương].
Tên đảng giặc Lương Nhữ Hốt bàn cùng lũ giặc rằng:
- Chúa Lam Sơn đang chiêu nạp đám lưu vong, phản nghịch, đối xử với binh sĩ rất hậu, chí của nó không phải là nhỏ. Nếu để cho rồng gặp mây, thì nó sẽ không còn là con vật trong ao nữa. Nên sớm trừ đi, đừng để mối lo về sau!
Năm Mậu Tuất (1418), bấy giờ vua 33 tuổi, dấy nghĩa binh ở Lam Sơn.
Ngày mồng 9 tháng giêng, bị giặc uy hiếp, bèn lui về đóng ở Lạc Thủy, đặt quân mai phục chờ giặc. Ngày 13, giặc đổ quân tới, vua tung phục binh ra đánh. Cháu trai của vua là Lê Thạch cùng với bọn Đinh Bồ, Lê Ngân, Lê Lý... dẫn đầu xông vào trận giặc, chém được hơn 3000 thủ cấp, quân tư khí giới [thu được] kể cũng đến hàng nghìn.
Ngày 16, có kẻ phản thần tên là Ái cùng với Đỗ Phú dẫn giặc Minh đi đào lấy tiểu hài cốt [của thân phụ vua] tại Phật Hoàng đem treo ở sau thuyền, để buộc vua phải ra hàng. Vua sai hai người là Trịnh Khả, Lê Bị đội cỏ theo dòng sông xuống tới bến sông Dao Xá Thượng, rình lúc giặc ngủ say, trèo lên thuyền đánh cắp được chiếc tiểu mang về trình vua. Vua mừng rỡ hậu thưởng [hai người] rồi rước [tiểu] về xứ Phật Hoàng chôn lại như cũ.
Hôm sau, [vua] lại bị kẻ phản thần tên là Ái dẫn đường cho giặc Ngô đi đánh úp quân vua, bắt được người nhà cùng vợ con vua rất đông. [Từ ấy] quân vua không còn chí chiến đấu nữa; [vua lâm vào cảnh] cùng quẫn, nguy khốn. May nhờ có các trung thần như Lê Lễ, Lê Vấn, Lê Bí, Lê Xí, Lê Đạp theo vua ẩn náu ở núi Chí Linh. Cạn lương đến hai tháng. Phải chờ giặc rút quân, [vua] mới trở về đắp lũy tại quê cũ Lam Sơn.
Vua biết [lúc này] quân sĩ đã có thể dùng được, bèn trước hết cho tinh binh ra khiêu chiến. Giặc cậy mạnh, cho quân vào cả những nơi hiểm yếu để uy hiếp vua. Vua đặt phục binh ở xứ Mường Môn, dùng tên độc bắn ra hai bên, giặc liền chạy tán loạn. Vua lại tiếp quân đến xứ Mường Nanh, ngày đêm xuất kích, quân giặc lại hao tổn. Giặc lui về xã Bảo Lạc Thượng. Vua lại tiến quân đến sách Hà Đả, ngày ngày khiêu chiến. Giặc cố giữ trận địa, không ra. Ngày hôm sau giặc lại giao chiến với vua ở xứ Mỹ Mỹ. Bắt được tướng chỉ huy của giặc là Nguyễn Sao và chém hơn 1000 thủ cấp.
Bấy giờ quân ta chỉ có những thắng nhỏ, mà thế giặc thì đang còn mạnh. Vua bèn vời các tướng đến nói rằng:
- Ai chịu đổi mặc hoàng bào thay ta đem 500 quân dùng 2 thớt voi đánh vào thành Tây Đô, nếu thấy giặc ra ứng chiến thì xưng danh là ''Chúa Lam Sơn'', để cho giặc bắt. Ta sẽ được dịp náu ẩn, hoãn binh, thu mộ quân sĩ để tính việc về sau.
Các tướng đều không dám trả lời. Riêng Lê Lai nói:
- Thần bằng lòng đổi áo. Ngày sau, bệ hạ làm nên nghiệp đế, có được thiên hạ, thương công lao của thần, cho con cháu [thần] muôn đời được chịu ơn nước, thì đó là điều thần mong mỏi!
Vua vái trời khấn rằng:
- Lê Lai đổi áo có công, ngày sau trẫm và con cháu của trẫm, cũng như các tướng tá công thần và con cháu họ nữa, nếu không nhớ tới công này, xin điện cỏ hãy hóa thành rừng núi, ấn báu hãy hóa thành đồng, gươm thần hãy hóa thành đao binh!
Vua khấn xong, Lê Lai liền đem quân tới cổng thành giặc khiêu chiến.
Giặc cậy mạnh xông ra đánh. Lê Lai cưỡi ngựa lao vào trận giặc, xưng rằng:
- Chúa Lam Sơn chính là ta!
Giặc bèn vây bắt đưa vào trong thành, rồi dùng cực hình để xử, khác hẳn với kiểu làm thường lệ.
Năm Kỷ Hợi (1419), vua ở Lam Sơn cùng với binh lính, tướng tá sửa sang thành lũy, chỉnh đốn khí giới. Vỗ nuôi binh lính, bồi dường nhuệ khí, chưa vội đánh nhau.
Năm Canh Tí (1420). Vào năm này, giặc Minh lại đem đại quân tới. Vua đoán giờ Mùi chúng tất sẽ đến bến Bổng bèn đặt quân mai phục trước ở đó để chờ. Đúng giờ Mùi, giặc quả nhiên lũ lượt đến, phục binh bốn bề nổi dậy, quân giặc vỡ to. Chém đầu không biết bao nhiêu mà kể, thu được hơn 100 con ngựa. Vũ khí của giặc trong một lúc đều bị thiêu hủy.
Cũng vào năm này, nước ta có kẻ giặc tên là Cầm Lạn dẫn đường cho tướng nhà Minh là bọn Lý Bân, Phương Chính  đem hơn 10 vạn quân từ nơi Cầm Lạn ở tiến thẳng vào Mường Thôi để đánh vua. Vua trước hết sai bọn Lê Triện, Lê Lý, Lê Vấn lấy vài trăm quân đến mai phục ở xứ Bồ Mộng để chờ. Giặc tới, phục binh cùng nổi dậy. Quân giặc vỡ to. Lấy được hơn 300 thủ cấp.
Giặc vẫn cậy mạnh, tiến sát vào doanh trại vua. Vua chia quân đi mai phục trước ở các nơi hiểm yếu. Ngày hôm sau giặc đến, vua tung quân ra đánh, cản phá giặc tại xứ Bồ Thi Lang; chém được hơn 1000 thủ cấp.
Bọn Lý Bân, Phương Chính chỉ kịp chạy thoát lấy một mình. Quân ta thừa thắng, truy kích giặc suốt sáu ngày đêm liền mới dừng lại.
Vua lại tiến quân đóng ở sách Ba Lẫm, thuộc Lỗi Giang, thách giặc ra đánh. Giặc không dám ra. Tướng giặc là bọn Tạ Phương, Hoàng Thành rút quân tới đóng ở đồn Nga Lạc, rồi về giữ tại Quan Du, thành Tây Đô, cố thủ không ra. Vua ngày đêm tìm mọi cách tấn công uy hiếp, nhằm làm cho giặc mệt mỏi, rối loạn. Lại riêng sai bọn Lê Hào, Lê Sát tiến đánh trại Quan Du, cản phá quân giặc, chém được hơn 1000 thủ cấp, thu rất nhiếu chiến cụ. Từ đó, thế giặc ngày một suy. Vua bèn chiêu tập nhân dân các nơi trong nước, không đâu là không hưởng ứng góp sức cùng nhau tiến công đồn lũy giặc, đốt phá doanh trại giặc.
Năm Tân Sửu (1421), ngày 20 tháng 11, tướng giặc là bọn Trần Trí lại đem quân giặc và lũ ngụy binh người bản xứ gồm hơn 10 vạn tên tấn công vua ở ải Kình Lộng, sách Ba Lẫm. Vua họp các tướng trù tính rằng:
- Giặc đông, ta ít. Giặc mệt mỏi, ta nhàn dật. Binh pháp có nói: ''Thắng bại là quan hệ ở tướng, chứ không phải ở quân đông hay quân ít''. Nay chúng quân tuy đông, nhưng ta lấy lực lượng nhàn dật chọi với lực lượng mệt mỏi, tất sẽ phá được chúng!
Bèn đang đêm chia quân đánh úp doanh trại giặc. Quân ta gióng trống hò reo cùng nhau xông tới, áp sát doanh trại giặc, chém hơn 1000 thủ cấp, quân tư khí giới thu được rất nhiều.
Sau đó, giặc biết ta quân ít, hơi có ý coi thường, lại phá núi mở đường tiến đánh. Vua ngầm mai phục ở đèo Ống là nơi hiểm yếu để đợi giặc. Vào giờ Ngọ, quân giặc men theo đường núi tới. Ta tung phục binh từ hai bên đánh kẹp lại, giặc quả nhiên thua to.
Trước đây, vua và Ai Lao vẫn quan hệ tốt với nhau, chưa hề có điều gì xích mích. Vì bị tên ngụy quan Lộ Văn Luật chạy giặc, trốn sang nước họ du thuyết, làm kế phản gián, nên Ai Lao sinh hiềm khích với vua. Bấy giờ vua đang cầm cự với giặc Ngô, thắng bại chưa quyết. Đến khi giặc thua chạy, Ai Lao đem vài vạn quân cùng hàng trăm thớt voi thình lình đến doanh trại ta, vờ chi viện cho ta, nói phao là để cùng ta chung sức đánh giặc. Vua thực bụng tin người, không hề nghi ky. Nào dè nó mặt người dạ thú, nghe theo kế gian của Lộ Văn Luật, đang đêm đánh úp doanh trại ta. Vua thân hành chỉ huy trận đánh từ giờ Tí đến giờ Mão, binh sĩ tranh nhau xông lên cản phá quân giặc, chém đầu hơn 10.000 tên, thu được 14 thớt voi, quân tư khí giới kể có đến hàng vạn. Thừa thắng, truy kích giặc bốn ngày đêm liền, vào mãi tận sào huyệt [của chúng]. Viên tù trưởng giặc tên là Bồ Sát vờ xin giảng hòa, kỳ thực muốn kéo dài để chờ viện binh. Vua đoán biết là giảo kế, không cho. Nhưng các tướng cố nài, nói binh sĩ vất vả đã lâu, cần để nghỉ ngơi một chút. Riêng người con ông anh của vua là Lê Thạch một mình bất kể xông lên, giẫm phải chông ngầm mà chết.
Thạch hùng dũng hơn người, tính tình nhân hậu, lại rất ham học, khéo vỗ nuôi quân sĩ, vua hết sức thương yêu. Vả ông anh [ngày xưa] từng nuôi vua như con, nên vua yêu Thạch còn hơn con của mình. [Vì thế] đã đặc cách cho Thạch làm tướng tiên phong, đánh đâu được đấy. Chỉ điều đáng tiếc là dũng thì có, nhưng mưu lại ít.
Năm Nhâm Dần (1422), ngày 24 tháng 12, giặc Ngô lại giao hẹn cùng Ai Lao tấn công vua ở sách Da Quan từ hai phía trước mặt và sau lưng. Quân ta mấy lần ra đánh, nhiều người bị thương, tổn thất khá nặng. [Vua] bèn lui quân về sách Khôi, uỷ lạo quân sĩ, chỉnh đốn khí giới để chờ [địch]. Mới được bảy ngày, giặc quả nhiên tới. Vua bảo các tướng sĩ rằng:
- Giặc đến vây ta bốn mặt, muốn thoát thì thoát đằng nào? Đây là trường hợp mà binh pháp gọi là "chiến đấu ở nơi tử địa". Đánh nhanh thì sống, mà không đánh nhanh thì chết!
Vua vừa nói vừa rơi lệ. Các tướng sĩ đều cảm kích, cố tranh nhau liều chết mà đánh. Bọn Lê Vấn, Lê Lĩnh, Lê Hào, Lê Triện xông vào trận đánh trước tiên, bắt được tướng giặc là Phùng Quý. Quân giặc thua to. Mã Kỳ, Trần Trí chỉ kịp chạy thoát lấy một mình. [Ta] chém hơn 1000 thủ cấp, thu được hơn 1000 ngựa.
Vua lại thu quân về núi Chí Linh. Binh sĩ cạn lương hai tháng chỉ ăn toàn những rau, củ, măng rừng mà thôi. Vua giết 4 thớt voi và con ngựa mình cưỡi cho quân lính ăn. Thế mà có kẻ vẫn còn bỏ trốn. Vua bèn thắt chặt kỷ luật, bắt được viên tướng đào ngũ tên là Khanh, liền đem ra chém để cảnh cáo tướng sĩ. [Nhờ đó] các tướng trở lại nghiêm túc như cũ.
Bấy giờ, do trải nhiều gian khổ, quân sĩ mỏi mệt muốn được nghỉ ngơi, đều khuyên vua nên hòa với giặc. Vua cực chẳng đã phải cùng bọn tướng giặc là Sơn Thọ, Mã Kỳ, Trần Trí vờ hòa hiếu, cho sứ giả qua lại. Mà giặc thì cũng bởi nhiếu lần bị đánh bại, nên có ý muốn dùng kế dụ vua. Vua cũng nhân dịp này muốn tạm ngưng chiến cho quân sĩ nghỉ ngơi, chờ thời cơ hành động.
Năm Quý Mão (1423), ngày mồng 10 tháng 4, vua lại đem quân về Lam Sơn.
Giặc biết vua bề ngoài chỉ giả vờ hòa thân, nhưng bên trong thì có ý định đánh úp [bọn chúng], từ đó tin tức bất thông, dứt đường lui tới. Giặc xôn xao, ngày đêm lo sợ. Vua dò biết tình hình ấy.
Bấy giờ có người cháu rốt của họ Trần tên là Cầm Quý lánh nạn họ Hồ, trốn vào rừng núi, mạo xưng là dòng dõi nhà Trần. Vua bèn đón về lập lên ngôi, lấy hiệu là Thiên Khánh. Đánh nhau với giặc, vất vả gian nan. Thiên hạ sắp yên, chỉ còn có Đông Kinh là chưa hàng phục. Hồi này Thiên Khánh đang ở thành Cổ Lộng. [Vua] ủy cho Lê Ngang là con trai của Tư quận công Lê Lãng giữ thành, túc trực. Thiên Khánh thấy vua đánh dẹp quân Ngô, rất đỗi sợ hãi, bèn trốn vào Nghệ An. Lê Ngang đuổi theo bắt được đem về. Vua hỏi rằng:
- Đã lập lên ngôi, đặt niên hiệu, sao còn sinh lòng kia khác, bỏ trốn đi?
[Thiên Khánh] đáp rằng:
- Quả nhân không có công lao gì, còn tướng quân thì công trùm thiên hạ. Ai đời trồng cây để người khác ăn quả? Sợ chết mà trốn, chứ không có lòng kia khác: Mong được chết toàn thây.
Vua thấy nói thế, [bụng] còn chưa nỡ.
Quần thần rằng:
- Trời không có hai mặt trời, nước không có hai vua.
Bèn khiến [Thiên Khánh] tự thắt cổ chết.
Năm Giáp Thìn (1424), ngày 20 tháng 9, [vua] chia quân và voi đánh úp thành Đa Căng, phá được thành, chém và làm chết đuối hơn 1000 tên giặc. Ngụy Tham chính Lương Nhữ Hốt chỉ kịp chạy thoát lấy một mình. Số quân tư, khí giới ta thu được nhiều vô kể. Doanh trại giặc bị đốt phá sạch.
Được ít lâu tướng giặc là Hoa Anh, lại đem quân đến cứu. Vua thừa thắng đánh tiếp, giặc lại thua to, chạy vào thành Tây Đô. Phàm vợ con của giặc [bị quân ta] bắt được, [vua] đều tha cho về cả, không nỡ giết một người.
Rồi [vua] tuyển chọn trai tráng, sửa sang khí giới, chỉnh đốn binh tướng tiến thẳng vào châu Trà Long thuộc thành Nghệ An. Khi gần đến Bồ Lạp, thình lình gặp tướng giặc là Sư Hựu cùng bọn thổ quan là Cầm Bành, Cầm Lạn đem hơn 5000 quân chẹn đường phía trước; bọn tướng giặc khác là Trần Trí, Phương Chính, Thái Phúc, Lý An đem quân áp sát phía sau. Quân ta trước mặt sau lưng đều bị giặc uy hiếp. Trời lại sắp tối. Vua bèn dàn binh tượng ra chờ. Trong chốc lát, quân giặc quả nhiên tới. Vua tung phục binh xông vào đánh bọn Phương Chính. Quân giặc vỡ to. Ta chém hơn 1000 thủ cấp, thu được hơn 100 con ngựa.
Ngày hôm sau, vua lại kéo binh tượng xông thẳng tới doanh trại bọn Sư Hựu. Quân giặc lại một lần nữa thua to. Chém hơn 1000 thủ cấp; quân tư khí giới đều [bị ta] thiêu hủy trụi.
Hồi bấy giờ đầu sỏ gian ác của giặc là bọn Cầm Bành cố chiếm giữ đất này, không chịu hàng phục. Vua chiêu dụ, vỗ về nhân dân cho trở lại nghề nông. Ai nấy đều được thỏa nguyện, cảm kích, hăng hái cùng vua ra sức vây đánh Cầm Bành hơn hai tháng. Cầm Bành cố giữ sơn trại để chờ viện binh. Nhưng giặc ngờ sợ, hò hét mà rốt cục không dám tới cứu. Quân của Bành oán phản, lần lượt về hàng [vua]. Bành tự liệu mưu kế đã hết, mà viện binh thì vô vọng, bèn mở cửa trại ra hàng. Vua ra lệnh trong quân rằng:
- Đầu sỏ giặc đã hàng, mảy may không được xâm phạm. Tội không kể lớn nhỏ, tất cả đều tha.
Về sau, Bành lại sinh lòng kia khác, lấy trộm quân trốn đi. Vua sai người đón đường bắt được, đem ra chém. Châu Trà Long từ đó ổn định.
Vua an ủi các tù trưởng, vỗ về quân sĩ họ, người người đều cảm mến, ai cũng nguyện gắng sức lập công. [Vua] bèn ghi tên hạng tinh nhanh, khỏe mạnh, biên chế thành đội ngũ, được hơn 5000 người.
Nước Minh vào khoảng năm Hồng Hy cho bọn nội quan Sơn Thọ dùng lời lẽ quỷ quyệt để dụ dỗ vua. Vua biết trước ý định của chúng, [liền nói]:
- Sứ giặc đánh lừa ta, ta nhân chỗ sơ hở của địch mà lừa lại chúng.
Bèn cho sứ giả lui tới để dò la tình hình giặc, mưu đánh úp thành Nghệ An. Giặc biết được kế đó, liền cắt đứt [quan hệ], không còn lui tới nữa.
Thế là vua ráo riết chỉnh đốn binh tượng, [định] thủy bộ cùng tiến đánh úp thành Nghệ An. Sắp hành quân thì vừa gặp tin báo giặc sẽ đem đại binh gồm nhiều voi ngựa, thuyền ghe theo hai đường thủy bộ cùng tới. Vua họp các tướng bàn rằng:
Quân địch nhiều, quân ta ít. Lấy ít đánh nhiều, duy ở nơi hiểm yếu mới có thể thành công. Vả, binh pháp nói :
''Người thiện chiến thường bắt đối phương phải đến nơi mình muốn, chứ không bao giờ đến nơi đối phương muốn''.
Bèn chia hơn 1000 quân, sai bọn Lê Liệt đi đường tắt đến chiếm huyện Đỗ Gia, giành lấy địa điểm lợi hại. Còn vua thì đích thân đôn đốc đại quân giữ nơi hiểm yếu để chờ.
Được ba bốn hôm, giặc cho toàn quân theo hai đường thủy bộ cùng đến ải Khả Lưu, bày dinh lũy ở vùng hạ lưu. Vua ở thượng lưu, dương cờ dóng trống, đêm thì đốt lửa. Lại ngầm sai đem quân tinh nhuệ và 4 thớt voi qua sông, phục sẵn ở nơi hiểm yếu.
Lúc trời gần sáng, giặc liền cho quân thủy, bộ cùng tiến đánh doanh trại vua. Vua vờ rút lui, dẫn giặc vào nơi mai phục. Giặc không để ý, cứ đẩy quân vào sâu. Phục binh bốn mặt nổi lên, xông vào chiến trận, cả phá quân giặc. Số giặc bị chém đầu và chết đuối kể tới hàng vạn tên. Thế là giặc dựa vào triền núi đắp lũy để ở, không đánh với ta nữa.
Bấy giờ giặc lương thực khá nhiều, mà quân ta thì không còn đủ mươi ngày ăn. Vua bảo các tướng sĩ rằng :
- Giặc lương nhiều, cố thủ là kế trường cửu. Ta lương ít, không thể cầm cự lâu dài.
Bèn đốt hết doanh trại, nhà cửa, vờ trốn lên miền thượng lưu, rồi ngầm theo lối tắt trở về, chờ giặc tới để đánh.
Giặc cho là ta đã chạy, liền tiến quân vào đóng nơi doanh trại cũ của ta, lên núi đắp lũy.
Ngày hôm sau, vua đích thân đem quân cơ động ra khiêu chiến. Giặc ra ngoài lũy để đánh. Đến đêm, vua chọn tinh binh mai phục ở nơi hiểm yếu. Giặc không để ý, đổ hết lực lượng ra. Vua bèn tung toàn quân xông vào phá trận giặc. Bọn Lê Sát, Lê Bí, Lê Vấn, Lê Lễ, Lê Nhân Chú, Lê Ngân, Lê Chiến, Lê Tông Kiều, Lê Khôi, Lê Bôi, Lê Văn An tranh nhau lao vào trận chiến. Giặc vỡ to, thua chạy, [ta] chém đầu không sao đếm xuể. Thuyền giặc trôi ngổn ngang, xác chết đuối lấp cả dòng sông, khí giới vất đầy khe núi. Bắt sống được tướng giặc là Chu Kiệt, chém được Tiên phong của giặc là Hoàng Thành, bắt được hơn 1000 tù binh.
[Vua] thừa thắng đuổi dài suốt ba ngày đêm liền, đến tận thành Nghệ An. Giặc vào trong thành đắp thêm lũy để cố thủ.
 
QUYỂN THỨ HAI
 
Năm Ất Tị (1425), ngày 25 tháng giêng, vua đến [địa giới] Nghệ An, ra lệnh cho các tướng rằng :
- Dân ta khổ vì giặc nghịch đã lâu rồi; phàm đến châu huyện nào, mảy may không được xâm phạm [của dân].
Nhân dân bởi thế không ai là không mừng rỡ, đua nhau mang trâu rượu đón đường khao tặng để chi dụng vào việc quân. Vua bèn đem chia cho các tướng sĩ cùng binh lính. Ai nấy đều nức lòng, nguyện ra sức liều thân.
Rồi vua tiến vào đất Nghệ An. Trong vòng tuần nhật quân sĩ đều đến đủ, cùng nhau hiệp lực.
Khi đến thành Triều Khẩu thuộc Hưng Nguyên, nơi đây có ngôi đền thần, vua mộng thấy thần nhân nói [với vua] rằng:
- Xin tướng quân cho một người thiếp, rồi sẽ giúp tướng quân đánh thắng giặc Ngô để thành nghiệp đế.
Ngày hôm sau, vua gọi các người thiếp đến hỏi rằng :
- Ai chịu làm vợ thần, khi ta được thiên hạ, sẽ truyền ngôi cho con của người ấy làm vua?
Bấy giờ người mẹ của Thái Tông tên húy là Trần Thị Ngọc Trần quỳ xuống thưa với vua rằng :
- Nếu túc hạ giữ đúng như lời, thì thiếp xin đảm nhận việc đó. Mong ngày sau đừng phụ con của thiếp.
Vua giao hẹn với các quan văn võ là sẽ y theo lời hứa. Vào ngày 24 tháng 3, vua trao Ngọc Trần cho thần Phổ Hộ bắt lấy. Nàng chết ngay tức khắc.
Vua vây thành Nghệ An. Giặc cố thủ không dám ra ngoài nữa. Thế là toàn bộ đất Nghệ An đều về tay ta.
Vua huấn luyện tướng sĩ, sửa sang khí giới, chưa đầy mười hôm, chiến cụ đều hoàn bị.
Ngày 15 tháng 4 năm ấy, tướng giặc là Lý An đem thủy quân từ Đông Đô đến cứu. Vua đoán giặc đang cùng quẫn, ngày ngày trông viện binh tới, tất sẽ mở cửa thành ra đánh. Bèn đặt phục binh ở bờ sông, chờ giặc sang đến nửa sông mới đổ ra đánh.
Đến ngày 27, giặc quả nhiên ra hết ngoài thành tấn công trại Lê Thiệt. Phục binh của vua hăng hái nổi dậy đánh phá, chém hơn 1000 thủ cấp. Số chết đuối rất nhiều. Từ đó giặc càng sợ hãi, đắp thêm thành lũy, chung sức cố thủ.
Vua nói :
- Quân giặc dốc hết [lực lượng] đến cứu Nghệ An, các nơi khác ắt phải trống rỗng!
Bèn chọn 2000 tinh binh và 2 thớt voi, sai bọn cháu ngoại là Lê Lễ, Lê Sát, Lê Bị, Lê Triện, Lê Nhân Chú đi suốt mấy ngày liền đến đánh úp thành Tây Đô. Giặc đóng cửa thành cố thủ. Quân ta đánh phá, bắt được bọn giặc rất nhiều, chém hơn 500 thủ cấp. Tất cả dân cư sống gần thành giặc đều mảy may không động tới.
Từ đó, dân chúng và bạn bè thân thuộc của vua trong cả lộ Thanh Hóa đều đua nhau đến cửa quân, nguyện đem hết sức mình lo việc báo đền.
Chưa đầy ba ngày, đội ngũ đều được ổn định, liền vây thành Tây Đô. Lê Lễ, Lê Triện yên ủi, vỗ về nhân dân, huấn luyện, tập dượt quân sĩ, chuẩn bị tiến đánh.
Bấy giờ thành giặc ở các nơi như Thuận Hóa, Tân Bình lâu ngày đứt liên lạc với Nghệ An, Đông Đô. Vua nói với các tướng rằng:
- Bậc tướng giỏi ngày xưa thường bỏ nơi kiên cố đánh nơi rạn nứt, tránh chỗ thực công chỗ hư, như vậy, sức dùng chỉ một nửa mà thành công thì gấp bội.
Rồi sai bọn Lê Nỗ, Lê Bồ đem hơn 1000 quân và 1 thớt voi đi đánh các thành Tân Bình, Thuận Hóa, chiêu dụ vỗ về nhân dân. Quân tới Bố Chính thì gặp giặc, bèn kéo vào nơi hiểm yếu mai phục sẵn. Khi giặc tiến sát quân ta, Lê Nỗ đem 1 thớt voi cùng các tráng sĩ dũng cảm thình lình xông vào trận giặc, chém đầu và làm chết đuối hơn 1000 tên.
Vua [tiếp] sai bọn Lê Triện, Lê Bôi, Lê Văn An đem 70 chiếc thuyền vượt biển đánh thẳng vào sào huyệt giặc. Khi được tin Lê Nỗ [thắng trận], [bọn Lê Triện] thừa thắng cả phá các xứ Tân Bình, Thuận Hóa. Tướng giặc bèn vào thành cố thủ. Thế là Tân Bình, Thuận Hóa đều về tay ta.
Vả, Tân Bình, Thuận Hóa là đất trọng yếu của ta, đã lấy được nó, ắt không còn lo gì về mặt nội bộ nữa.
Bấy giờ quân giặc tuy chưa diệt được hết, nhưng thanh thế quân ta vẫn ngày một lừng lẫy, nhân tâm ngày một vững vàng. Vua dự đoán tinh binh của giặc đều ở cả Nghệ An, các thành Đông Đô tất mỏng trống, bèn tăng thêm binh tượng, sai bọn Lê Triện, Lê Khả, Lê Bí đem hơn 2000 quân ra các lộ Thiên Quan, Quốc Oai, Gia Hưng, Lâm Thao, Tam Đới, Tuyên Quang nhằm đánh chiếm đất dai, chiêu dụ vỗ về nhân dân, cắt đường viện binh [của địch] từ Vân Nam tới. Lại sai bọn Lê Nhân Chú, Lê Bị đem hơn 2000 quân ra các phủ Thiên Quan, Thiên Trường, Kiến Hưng, Kiến Xương để chặn đường về của Phương Chính, Lý An. Nếu chiếm được đất, thì chia quân trấn giữ. Lại sai bọn Lê Nhân Chú, Lê Bị đem hơn 3000 quân Thanh Hóa và 2 thớt voi ra các lộ Khoái Châu, Thượng Hồng, Hạ Hồng, Bắc Giang, Lạng Giang để chặn viện binh từ Khâu Ôn sang. Lại tuyển 2000 tinh binh, sai Tư không Lê Lễ, Lê Xí đem quân tiến ra Đông Đô để phô trương thanh thế.
Quân ta đi đến đâu đều mảy may không xâm phạm [của dân]. Cho nên các lộ Đông Kinh và các nơi phiên trấn không chỗ nào là không vui mừng, tranh nhau mang trâu rượu, lương thực ra khao tướng sĩ.
Bấy giờ bọn Lê Triện, Lê Khả, Lê Bí đem quân qua lại sát thành giặc, nhưng vì người ta còn sợ địch cho nên chưa theo về hết.
Năm Bính ngọ (1426), ngày 20 tháng 8, giặc cậy mạnh, đốc quân tới đánh. Bọn Triện và Bí đặt phục binh đánh mạnh ở Ninh Kiều, cả phá quân giặc, rồi thừa thắng đuổi tới thôn Nhân Mục. Trên suốt mấy chục dặm đường, xác giặc đè lên nhau. Từ đấy giặc không dám ra nữa.
Giặc tự thấy thế ngày một cùng quẫn, viện binh lại không tới, bèn cho chạy thư mật cáo cấp với Nghệ An.
Ngày 16 tháng 9, bọn Phương Chính, Lý An bỏ thành Nghệ An về Đông Đô, chỉ để Thái Phúc ở lại đóng chặt cửa thành, liều chết cố thủ.
Bọn An, Chính túng thế, không lên bờ được, bèn tự chèo thuyền ra biển, nhân đêm chạy trốn. Ta trước đó cắt đường thủy binh mai phục ở nơi hiểm yếu để đón đường về của chúng, song vì hồi này, quân thuyền ta còn ít, nên bọn An, Chính mới trốn thoát được.
Vua tự nghĩ thế giặc ngày một yếu, quân ta ngày một mạnh, thời cơ tới mà không hành động, e bỏ lỡ dịp đi. Bèn để bọn Lê Lễ, Lê Văn An, Lê Ngân, Lê Sát, Lê Bôi, Lê Lĩnh, Lê Thận, Lê Văn Linh, Bùi Quốc Hưng ở lại vây thành Nghệ An, còn vua thì đích thân đôn đốc đại quân thủy bộ ngày đêm đi gấp, đuổi theo bọn An, Chính. Đến thành Tây Đô, [vua] đóng doanh trại, uý lạo tướng sĩ, ban thưởng cho các phụ 1ão trong làng cùng bạn bè thân thuộc [của vua].
Bấy giờ nhân dân các quận huyện nghe vua đã đến Thanh Hóa, đều hăng hái tới cửa dinh, nguyện rong ruổi theo vua để lập chút công nhỏ.
Tháng 10 năm ấy, nhà Minh lại sai bọn Tổng binh Sơn Thành Hầu Vương Thông và Tham chính Mã Anh đem 5 vạn quân cùng 5000 ngựa chia đường sang cứu viện các thành Đông Đô.
Một vạn quân Vân Nam sang trước, thẳng đến Tam Giang, theo dòng sông mà xuống. Bọn Lê Khả nghe tin giặc tới từ Ninh Kiều gấp rút hành quân, gặp giặc ở Lộc Kiều, liền nghênh chiến, cả phá quân giặc, chém hơn 1000 thủ cấp và làm chết đuối rất nhiều. Tàn quân giặc chạy vào thành Tam Giang.
Tiếp đó, quân Vương Thông lại kéo sang theo đường Khâu Ôn. Mới được 5 ngày, [Thông] đã đem đại quân cùng hơn 10 vạn quân của bọn Trấn thủ nội quan Sơn Thọ, Mã Kỳ và Phương Chính, Lý Lượng, Trần Hiệp chia hai đường thủy, bộ tiến đánh Lê Triện, Lê Bí ở các nơi như Cổ Sở, trại Đò Ngoài. Giặc dàn doanh lũy liền nhau hàng 10 dặm, khải giáp sáng rực trời, cờ xí che rợp nội, tự cho rằng chỉ một trận là có thể quét sạch [quân ta]. Bọn Triện liệu chừng không chống nổi, bèn cáo cấp với Lê Lễ, Lê Hối, Lê Chiến, Lê Xí.
Lê Lễ lúc bấy giờ đã cho tinh binh mai phục ở Thanh Đàm để chờ giặc. Nghe tin báo của Triện, [Lễ] bèn đang đêm dẫn hơn 3000 quân tinh nhuệ và 2 thớt voi tới cứu, cùng bọn Triện hiệp sức đánh vào các nơi như Tốt Động, Ninh Kiều, cả phá quân giặc. Chém được Trần Hiệp, Lý Lượng và hơn 5 vạn thủ cấp. Số giặc bị chết đuối rất nhiều. Bắt sống hơn 100 tên. Khí giới, lừa ngựa, vàng bạc, của tiền, quân trang quân dụng thu được không sao đếm xuể. Bọn tướng giặc Vương Thông, Mã Anh, Sơn Thọ, Mã Kỳ chỉ kịp chạy thoát thân, vào thành Đông Đô cố thủ để chờ chết. Bọn Triện, Lễ, Bí, Xí, Khả thừa thắng, tiến thẳng tới sát thành bao vây.
Bấy giờ vua đang đóng doanh trại ở Thanh Hóa, hội các quân đạo Hải Tây. Khi được thư báo thắng trận của Lê Lễ, [vua] bèn đích thân dẫn đại quân cùng 20 thớt voi, chia hai đường thủy, bộ ngày đêm hợp sức.
Ngày 11 năm ấy, [vua] đến cầu Lũng Giang sai bọn Lê Bị dẫn thủy quân theo sông nhỏ tiến thắng lên vùng thượng lưu, còn vua thì đích thân thống lĩnh đại quân phối hợp với bọn Lê Lễ vây thành Đông Đô.
Thủy, bộ hai đường đánh khép lại, đêm phá được trại ngoài của giặc, [giải thoát] được tất cả những người nước ta bị giặc bắt phải theo, thu rất nhiều khí giới và thuyền ghe của giặc.
Giặc biết quân dân ven thành đều thuộc về ta cả, thế giặc ngày một khốn cùng, bèn đắp thêm tường lũy, liều chết giữ thành để chờ viện binh.
Vua tới Đông Đô, ba ngày đầu nhân dân kinh lộ và các phủ, châu, huyện cùng tù trưởng biên trấn đều chen chúc đến cửa quân, nguyện liều chết góp sức vào việc đánh thành giặc ở các nơi.
Vua thành tâm vỗ về, yên ủi họ; lấy lẽ nên đi hay nên ở, nên chống hay nên theo giảng giải cho họ hiểu. Phàm nhân dân, sĩ thứ đến cửa quân, vua đều nhún mình hậu lễ tiếp đón họ, tùy tài cao thấp của từng người mà bố trí các chức vụ [thích hợp]. Dùng tước lộc để khích lệ, khiến mọi người đều tự cố gắng; dùng hình phạt đi kèm theo, khiến người ta phải tự răn chừa. Nhờ vậy mà ai nấy đều cảm kích, thề liều chết góp sức, nên đến đâu cũng thành công.
Vua bèn đích thân đôn đốc tướng sĩ ngày đêm đánh thành Đông Đô. Mà giặc thì hễ đánh là thua, lòng rất hoang mang, mưu kế đã cùng, viện binh không có, bèn cho sứ tới xin giảng hòa, mong được an toàn rút quân về nước. Vua thấy rõ ý giặc lúc này có chỗ hợp với lòng vua, vả binh pháp thường nói "không đánh mà khuất phục được người, thì đó là điều hay nhất trong việc dùng binh", nên đã chấp nhận lời thỉnh cầu của giặc. Bèn cùng lập giao ước, đòi chúng phái đưa công văn rút quân giặc đang đóng giữ tại các nơi về hội cả ở Đông Đô để cùng nhau về nước. Vua đồng thời cũng thu xếp binh tượng, cùng giặc qua lại giao thiệp buôn bán.
Giặc quả làm như giao ước, thân hành gửi công văn rút quân giặc ở các thành Diễn [Châu], Nghệ [An], Tân [Bình], Thuận [Hóa] về hội cả tại dinh Bồ Đề để nay mai về nước, trả lại đất cho ta.
Nào ngờ bọn ngụy quan Nhữ Hốt, Nhữ Vinh đã trót bán nước để làm quan to cho giặc, tội ác quá lớn, sợ sau khi giặc về, ắt khó lòng sống sót, bèn ngầm giở trò phản gián, bảo [với giặc] rằng xưa kia Ô Mã Nhi bại trận ở sông Bạch Đằng, đem quân ra hàng, vẫn bị Vạn quận công(1) dùng kế đánh lừa, lấy thuyền lớn chở đưa về nước, nhưng lại sai thợ lặn làm phu thuyền. Ra tới ngoài biển, chờ ban đêm, lúc [trên thuyền] ai nấy ngủ say, [phu thuyền] bèn lặn xuống nước đục thủng đáy thuyền, [quân Ô Mã Nhi] đều chết đuối cả không còn một mống. Giặc nghe những lời ấy đâm nghi ngờ, mới đắp thêm lũy, đào thêm hào làm kế tạm bợ, ngoài thì nói hòa hiếu, trong thì tính mưu khác.
Vua sợ giặc lật lọng, bèn ngầm đặt phục binh ở bốn phía cửa thành, rình chúng ra vào, bắt được hơn 3000 tên do thám và 500 con ngựa. Từ đấy giặc không dám ra ngoài nữa mà sứ qua lại cũng dứt.
Bấy giờ quân ta có 5 vạn tinh binh đồng tâm hiệp lực, còn giặc thì thua luôn, ngồi để chờ chết, trong khoảng chỉ vạch, bắt hay thả là tùy ta.
Vua sai các tướng chia nhau đi đánh các thành. Quốc Hưng đem quân đánh hai thành Điêu Hiêu và Thị Cầu, giặc đều đầu hàng cả. Bọn Khả, Đại đánh thành Tam Giang, được hơn tháng thì giặc hàng. Bọn Lê Triện, Lê Sát, Lê Lý, Lê Thụ, Lê Lãng, Lê Hốt đánh thành Xương Giang. Bọn Lê Lựu, Lê Bôi đánh thành Khâu Ôn.
Chỉ trong thời gian ngắn, mấy thành đều bị vỡ, trừ 4 thành Đông Đô, Tây Đô, Cổ Lộng, Chí Linh là chưa bị hạ mà thôi.
Lúc đầu vua đóng doanh trại ở thành Phù Liệt, cách giặc hơi xa; sau mới dời đến doanh Bồ Đề ở Bắc Giang, đối mặt với thành [Đông Đô], nhằm chặn lối về của giặc. [Vua] ngày đêm huấn luyện các tướng, tuyển bổ quân sĩ, [tập] đánh thành phá lũy dưỡng sức chọn tinh binh; tập võ nghệ, làm rõ hiệu lệnh, phân công các tướng đi chốt những đường quan ải để cắt viện binh của giặc.
Bấy giờ các tướng sĩ phần nhiều dâng thư khuyên vua đánh các nơi ở thành Đông Đô. Vua trả lời rằng:
- Đánh thành là hạ sách. Ta đánh một tòa thành kiên cố, liền năm suốt tháng không hạ được, khiến quân ta mệt mỏi, mất hết cả nhuệ khí. Nếu viện binh của giặc lại tới nữa, thì trước mặt sau lưng đều có địch, thế là nguy rồi! Chi bằng nuôi dưỡng lực lượng để chờ, viện binh mà dứt thì thành tất phải hàng. Nhất cử lưỡng tiện, đó mới là kế vạn toàn vậy.
Năm Đinh Mùi (1427), ngày 10 tháng 6, tướng giặc là Trần Viễn hầu đem 5 vạn quân và 1000 cỗ ngựa từ Quảng Tây sang cứu viện các thành. Đến cửa ải Pha Lũy, bị tướng giữ ải của ta là bọn Lê Lựu, Lê Bôi đánh tan, chém hơn 3000 thủ cấp, bắt được 500 cỗ ngựa, cả phá quân giặc rồi trở về.
Nước Minh cậy mình to mạnh, không chịu rút bài học ở vết xe đổ trước, lại điều động hơn 21 vạn quân và 3 vạn cỗ ngựa, sai Tổng quản An Viễn hầu Liễu Thăng cùng bọn Kiềm Quốc công Mộc Thạnh, Bảo Định bá Lương Minh, Đô đốc Thôi Tụ, Thượng thư Lý Khánh, Hoàng Phúc chia làm hai đường: bọn Liễu Thăng từ Khâu Ôn tiến sang, bọn Mộc Thạnh từ Vân Nam đi tới. Ngày 18 tháng 9, chúng đều kéo đến đầu biên giới.
Vua triệu các tướng đến bảo rằng:
- Giặc vốn coi thường ta, cho là người nước ta nhút nhát, sợ oai giặc đã lâu. Nay nghe đại quân tới, chắc ta sợ hãi. Huống hồ lấy mạnh lấn yếu, lấy nhiều đe ít là chuyện thường tình. Giặc không phân tích nổi hình thế thắng bại của chính mình và của đối phương; không nhận thức được then máy qua lại của thời vận. Vả, quân đi cứu viện thường lấy mau chóng làm quý, giặc tất phải cố sức đi nhanh. Binh pháp có nói:
''50 dặm chạy theo lợi, ắt phải què thượng tướng". Nay Liễu Thăng tới đây, đường sá xa xôi, mang theo 3000 gái đẹp, chiêng trống lịch trình, lòng người mệt mỏi. Ta đem quân thảnh thơi chống lại quân mỏi mệt, không bao giờ là không thắng.
Liền sai bọn Lê Nhân Chú, Lê Sát, Lê Thụ, Lê Lãnh, Lê Liệt đem 1 vạn tinh binh và 5 thớt voi mai phục sẵn ở ải Chi Lăng.
Trước đó, Lê Lựu giữ ải Pha Lũy, thấy giặc đến, bèn lui về giữ ải Lưu. Giặc lại tiến đánh ải Lưu, Lựu bèn bỏ luôn ải Lưu lui về giữ Chi Lăng. Giặc lại đến bức Chi Lăng, bọn Lê Sát, Lê Nhân Chú mật báo Lựu cứ ra ứng chiến rồi giả vờ thua chạy. Quả nhiên giặc cả mừng, Liễu Thăng liền đốc suất đại quân đuổi theo. Khi [giặc] vừa đến chỗ [quân ta] mai phục, bọn Sát, Chú bèn tung hết phục binh từ bốn mặt nổi dậy xông ra đánh, cả phá quân giặc, chém được bọn Liễu Thăng, Lý Khánh cùng hơn 1 vạn thủ cấp. Bao nhiêu vũ khí của giặc đều bị đốt sạch.
Vua lại sai bọn Lê Lý, Lê Văn An đem quân tiếp ứng. Tỳ tướng giặc là bọn Thôi Tụ, Hoàng Phúc thu nhặt đám tàn quân gượng tiến tới ải núi Mã Yên. Bọn Sát, Chú, Lý đốc suất các tướng tung hết quân ra đánh, giặc lại thua to. Ta chém được hơn 2000 thủ cấp, số lừa ngựa, trâu bò, quân tư, khí giới thu được không biết bao nhiêu mà kể.
Bọn giặc nghĩ rằng thành Xương Giang chưa bị phá, hẵng lấy đó làm chỗ dựa. Nhưng khi đến Xương Giang, thấy thành đã mất, hết cả hy vọng, càng thêm sợ hãi, ngày đêm đắp lũy để tự bảo vệ mình, chờ khi thanh vắng, bắn súng làm tín hiệu khiến các thành Đông Đô nghe tiếng súng sẽ [đem quân] tới tiếp ứng. Nhưng các thành ở Đông Đô tự cứu còn chưa xong làm sao hay biết được nơi khác.
Vua bèn sai các tướng thủy bộ cùng tiến bao vây địch. Lại chia quân đi chặn các cửa ải Mã Yên, Chi Lăng, Pha Lũy, Bàng Quan.
Bọn Thôi Tụ, Hoàng Phúc muốn tiến không được, muốn thoái không xong, bèn giả xin hòa. Vua kiên quyết từ chối, không cho. Sai bọn Lê Hối, Lê Vấn, Lê Khôi đem 3000 quân và 4 thớt voi cùng bọn Sát, Lý, Nhân Chú, Văn An dánh phá địch. Giặc bị tiêu diệt toàn bộ. [Ta] chém 5 vạn thủ cấp, bắt sống Thôi Tụ, Hoàng Phúc và hơn 3 vạn tên giặc. Vũ khí, ngựa chiến, vàng bạc, lụa là, gấm vóc, hòm xiểng chất cao như núi, không tài nào đếm xuể.
Từ Vân Nam, bọn Kiềm Quốc công Mộc Thạnh, Bảo Định bá Lương Minh đem 5 vạn quân đến đóng ở chợ Lê Hoa, cầm cự cùng bọn Lê Khả, Lê Trung, Lê Đại. Vua tính liệu rằng Mộc Thạnh tuổi già, nhiều từng trải, lại biết tiếng vua từ trước, chắc là ngồi yên để xem Liễu Thăng thành bại thế nào chứ không dám khinh suất tiến quân. Bèn viết thư mật báo cho bọn Sát, Khả, Đại cứ đặt phục binh để chờ, đừng đánh nhau với giặc.
Đến lúc quần Liễu Thăng bị thua, vua sai đem 1 tên chỉ huy, 3 tên Thiên hộ do ta bắt được cùng các sắc thư, ấn tín của Liễu Thăng trao cho quân Mộc Thạnh. Bọn Mộc Thạnh trông thầy cả sợ, liền giẫm lên nhau chạy tan tác: Bọn Khả, Đại, Trung thừa thắng tung quân ra đánh, chém hơn 1 vạn thủ cấp, thu 5000 cỗ ngựa, vũ khí, vàng bạc, của cải châu báu không nói sao cho hết.
Bấy giờ giặc ở Đông Đô cùng các thành khác tuy nghe tin viện binh hai đường đều đã thất bại, nhưng trong lòng còn ngờ vực chưa tin hẳn, vẫn đóng cửa thành cố thủ. Vua bèn đem bọn tướng giặc là Thôi Tụ, Hoàng Phúc cùng hơn 3 vạn tù binh, 2 vạn cỗ ngựa và các thứ vũ khí, chiêng trống, cờ quạt, ấn Song hổ phù, sổ quân tịch của giặc đưa cho chúng xem. Bọn giặc các thành hoảng sợ, đều cởi giáp xin hàng.
Ngày 16 tháng chạp, tướng giặc là Vương Thông, Mã Anh, Lý An, Trần Trí; Nội quan là Sơn Thọ, Mã Kỳ, Phương Chính, Dặc Khiêm; cùng các viên giữ thành Tây Đô là Chỉ huy Hà Trung, giữ thành Chí Linh là Cao Tường lần lượt đem bọn ngụy quan lớn nhỏ cùng số dân nước ta bị bắt ép vào thành giao trả lại hết cho ta, mong được kéo quân về Bắc.
Các tướng sĩ cùng nhân dân nước ta chẳng cứ gái trai, già trẻ bấy lâu khổ sở vì sự tàn ngược của giặc, cha mẹ bà con bị chúng giết hại, đã kéo nhau tới nài nỉ, mong vua hãy giết chúng đi, để cho hả mối hận của trời, đất, thần, người; để yên ủi những vong hồn vô tội, oan khổ, để rửa sạch nỗi nhục tày đình của đất nước, để sướng bụng các nghĩa sĩ, trung thần.
Vua gọi hết các tướng cùng nhân dân tới bảo rằng:
- Phục thù báo oán là chuyện thường tình của con người. Nhưng không thích giết người là bản tâm của bậc nhân giả. Vả lại, người ta đã hàng mà còn giết, thì đấy là điều cực kỳ không lành. Để thỏa giận vào một sớm mà mang tiếng giết hàng binh với muôn đời, thì sao bằng tha sống ức vạn người để dứt mối chiến tranh cho hậu thế? Sử xanh ghi chép, nghìn thuở còn thơm, [như vậy] há chẳng vĩ đại sao?
Liền không nghe theo. Rồi ra lệnh các tướng giải vây mà lui quân. Cấp cho giặc hơn 500 chiếc thuyền cùng lương thảo. Đem những tướng giặc bị bắt là Thôi Tụ, Hoàng Phúc và hơn 2 vạn quân mới tới, 2 vạn cỗ ngựa, ấn Song hổ phù lấy được, cùng quân giặc trấn giữ các thành, trai gái lớn bé hơn 30 vạn giao hết cho bọn tướng giặc Vương Thông, cho phép chúng tùy nghi theo đường thủy và đường bộ mà rút về. Lại sai sứ dâng biểu tạ lỗi.
Khi bọn Vương Thông về đến Long Châu, vua Minh đã tự liệu quân mình cùng quẫn. Sự thể đến như vậy, không còn cách nào khác, bèn sai sứ thần mang sắc thư tới hiểu dụ các tướng, đem quân về Bắc, trả lại đất cho An Nam. Việc triều cống theo như lệ đời Hồng Vũ. Cử sứ giả qua lại. Từ đấy chấm dứt chiến tranh, cõi bờ khôi phục, đất nước thanh bình, nhân dân yên sống như xưa.
Vua từ lúc dấy nghĩa đến lúc dẹp yên giặc Ngô, khôi phục đất nước, bao nhiêu giấy tờ đi lại trong quân đều sai văn thần Nguyễn Trãi làm.
 (Trích Lam Sơn thực lục)
Bản dịch: Trần Nghĩa

 


(1) Tức Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.