NGUYỄN TRÃI (1380 – 1442)

Nguyễn Trãi (1389 - 1442)

Nguyễn Trãi (1389 - 1442)

Hiệu Ức Trai, vốn người xã Chi Ngại, huyện Phượng Sơn, Lộ Lạng Giang, nay thuộc tỉnh Hải Dương, sau rời về xã Ngọc Ổi (tức Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, châu Thượng Phúc, lộ Đông Đô, nay thuộc Hà Nội). Cha là Nguyễn Phi Khanh, mẹ là Trần Thị Thái, con gái Tể tướng Trần Nguyên Đán. Năm 1400, 20 tuổi, đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ), làm quan nhà Hồ, giữ chức Ngự sử đài chánh chưởng. Năm 1406, quân Minh sang xâm lược Đại Việt. Năm 1416, ông gia nhập nghĩa quân Lam Sơn. Thời Lê Thái Tổ, được ban tước Quan phục hầu, giữ chức Nhập nội hành khiển kiêm Lại bộ Thượng thư quản công việc ở Khu mật viện. Dưới triều Lê Thái Tông, giữ chức Thừa chỉ Viện hàn lâm kiêm Quốc Tử Giám, chủ khảo khoa thi Tiến sĩ ở Kinh đô. Năm 1443 vụ án Lệ Chi viên xảy ra, bị khép tội tru di tam tộc. Năm 1464, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu minh oan, truy phong cho ông chức Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, tước Tán Trù bá. Tác phẩm: Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập, Quân trung từ mệnh tập, Băng Hồ di sự lục… Tác phẩm tuyển dưới đây trích từ Nguyễn Trãi toàn tập, Viện Sử học, NXB KHXH, 1976.
Nguyên tác:
 
 THẦN PHÙ1 HẢI KHẨU
 
Cố quốc quy tâm lạc nhạn biên,
Thu phong nhất diệp hải môn thuyền.
Kình phun lãng hống lôi Nam Bắc,
Sáo ủng sơn liên2 ngọc hậu tiền.
Thiên địa đa tình khôi cự tẩm,
Huân danh thử hội tưởng đương niên3
Nhật tà ỷ trạo4 thương mang lập,
Nhiễm nhiễm hàn giang khỉ mộ yên.
 

Dịch nghĩa:
 
CỬA BIỂN THẦN PHÙ
 
Lòng về quê cũ, đi theo chỗ cánh chim nhạn đậu,
Chiếc thuyền ở cửa biển như chiếc lá trước gió thu.
Sóng rống như kình phun, sấm gầm khắp Nam và Bắc,
Núi liền như giáo dựng, ngọc bày cả trước và sau.
Trời đất đa tình, mở vụng biển lớn,
Công danh hội ấy, nhớ lại năm nào.
Lúc mặt trời xế, dựa chèo đứng giữa mông mênh.
Ngùn ngụt sông lạnh chiều hôm nổi khói.
 
Dịch thơ:
 
Quê cũ lòng về theo cánh nhạn,
Lá thu cửa biển chiếc thuyền xiêu.
Kình phun, sóng vỗ gầm Nam Bắc,
Giáo dựng non bày biếc trước sau.
Trời đất có tình, phô vụng lớn,
Công danh gặp hội nhớ năm nào.
Bóng tà dựa mái mênh mông đứng,
Sông lạnh ngun ngun nổi khói chiều.
 
                                                   (Nguyễn Trãi toàn tập)
 
 
Bản dịch khác:
 
 Lòng nhớ chiều xưa theo cánh nhạn,
 Lá thuyền cửa biển gió thu đưa.
 Bắc Nam sóng thét, mưa kình dội,
 Sau trước, châu ngời, giáo núi nhô.
 Trời đất đa tình khơi vụng lớn,
 Công danh một hội nhớ thuở xưa.
 Giữa mênh mông đứng, chiều vin lái,
 Sông lạnh tràn giăng lớp khói mờ.
 
                                                   Ngô Linh Ngọc
 
 
 
 
 
1. Thần Phù: Cửa biển xưa ở giữa Ninh Bình và Thanh Hóa, nay đã bị lấp, chỗ cửa cũ nay cách biển hơn chục cây số. Xưa là cửa biển có nhiều sóng gió nên có câu: “Lênh đênh qua cửa Thần Phù/ Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm”.
2. Theo bản Ức Trai thi tập, Phúc Khê nguyên bản, Tự Đức năm Mậu Thìn chép là biên.
3.Tưởng đương niên (Nhớ năm nào): Nhớ lại công của Hồ Quý Ly, lấy đá lấp ngả sông thông với cửa Thần Phù để chống quân Minh.
4. Bản Dương Bá Cung chép là thái trạo, ở đây Đào Duy Anh theo bản khác sửa lại là ỷ trạo và dịch là “dựa mái”.
 
 
 
 
 
Nguyên tác:
 
CÔN SƠN CA
 
Côn Sơn1 hữu tuyền,
Kỳ thanh lãnh lãnh nhiên.
Ngô dĩ vi cầm huyền.
Côn Sơn hữu thạch,
Vũ tẩy đài phô bích,
Ngô dĩ vi điệm tịch.
Nham trung hữu tùng,
Vạn lý thúy trùng trùng2,
Ngô ư thị hồ yển tức kỳ trung.
Lâm trung hữu trúc,
Thiên mẫu ấn hàn lục,
Ngô ư thị hồ ngâm tiếu kỳ trắc.
Vấn quân hà bất quy khứ lai?
Bán sinh trần thổ trường giao cốc.
Vạn chung cửu đình3 hà tất nhiên,
Ẩm thủy phạn sơ tùy phận tức.
Quân bất kiến Đổng Trác4 hoàng kim doanh nhất ổ?
Nguyên Tải5 hồ tiêu bát6 bách hộc?
Hựu bất kiến Bá Di dữ Thúc Tề7,
Thú Dương ngạ tử bất thực túc?
Hiền ngu lưỡng giả bất tương mâu,
Diệc các tự cầu kỳ sở dục.
Nhân sinh bách uế nội,
Tất cánh đồng thảo mộc.
 
 
 
Hoan bi ưu lạc điệt vãng lai,
Nhất vinh nhất tạ hoàn tương tục.
Khâu sơn hoa ốc diệc ngẫu nhiên,
Tử hậu thùy vinh cánh thùy nhục?
Nhân gian nhược hữu Sào Do8 đồ
Khuyến cừ thính ngã sơn trung khúc.
 
Dịch nghĩa:
 
BÀI CA CÔN SƠN
 
Côn Sơn có khe,
Tiếng nước chảy rì rầm,
Ta lấy làm đàn cầm.
Côn Sơn có đá,
Mưa xối rêu xanh đậm,
Ta lấy làm chiếu thảm.
Trong núi có thông,
Muôn dặm rờn rờn biếc một vùng,
Ta tha hồ ngơi nghỉ ở trong.
Trong rừng có trúc,
Nghìn mẫu in biếc lục,
Ta tha hồ ngâm nga bên gốc.
Ngươi sao còn chửa về đi!
Nửa đời bụi bặm hoài lăn lóc!
Muôn chung chín đỉnh có làm gì!
Nước lã cơm rau miễn tri túc,
Ngươi chẳng thấy Đổng Trác ngọc vàng chất đầy nhà?
Nguyên Tải hồ tiêu tám trăm hộc?
Lại chẳng thấy Bá Di với Thúc Tề,
Thú Dương chết đói không ăn thóc?
 
 
 
Hiền ngu dù chẳng giống nhau đâu,
Cũng đều muốn thỏa lòng sở dục.
Người đời trong trăm năm,
Rốt cuộc như thảo mộc.
Vui buồn lo sướng đổi thay nhau,
Một tươi một héo vẫn tương tục.
Cồn hoang lầu đẹp cũng ngẫu nhiên,
Chết rồi ai vinh với ai nhục?
Nhân gian nếu có bọn Sào Do,
Khuyên hãy nghe ta ca một khúc.
                                                   (Nguyễn Trãi toàn tập)
 
Dịch thơ:
 
 Núi Côn Sơn suối trong nước chảy,
 Ta nghe như đàn gảy bên tai.
 Đá Côn Sơn mưa sạch trần ai,
 Ta có sẵn chiếu ngồi vui thú.
 Trong muôn trượng dãy tùng reo múa,
 Ta thường thường thức ngủ nằm khênh.
 Ngoài nhìn mẫu trúc xanh man mác,
 Ta thường thường ngâm hát gần kề.
 Hỏi ai sao chẳng đi về,
 Nửa đời danh lợi mệt mê trong vòng.
 Lọ là cửu đỉnh vạn chung,
 Cơm rau nước lã cũng xong tháng ngày.
 Ai chẳng thấy: Đổng Trác nọ vàng đầy kể hốc,
 Nguyên Tải kia kể hộc hồ tiêu?
 Lại chẳng thấy:
 Di Tề nằm queo núi Thú,
 Thóc không ăn đói rũ mà đành.
 
 
 
 
 Hiền ngu hai lối rành rành,
 Chẳng qua mình thích trí mình mình thôi.
 Trăm năm trong cõi người đời,
 Ai là thoát khỏi bạn loài cỏ cây.
 Bi hoan như cuộc bóng quay,
 Chuyện đời một trả một vay thôi mà!
 Tình cờ đâu đó cũng là,
 Ai vinh ai nhục lúc đà hết hơi.
 Sào, Do như có đương thời,
 Bảo nghe trong núi có người ngâm thơ.
 
                                                                    Viên Dao
 
 
 
Côn Sơn: Núi ở xã Chi Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Toàn Việt thi lục là chữ “trùng trùng” trong khi bản Đào Duy Anh (Nguyễn Trãi toàn tập) là chữ “đồng đồng”.
Vạn chung cửu đỉnh (Muôn chung chín đỉnh): Vạn chung là ăn lộc luôn thùng thóc, tức quan cao tột bậc. Cửu đỉnh chỉ ngôi vua. Theo sử cũ của Trung Quốc thì vua Hạ Vũ đúc chín cái vạc bằng đồng để làm tượng trưng chín châu cả nước, các triều đại sau truyền nhau làm đồ quốc bảo.
Đổng Trác: Người cuối đời Đông Hán, làm Tinh châu mục, đem quân về kinh đô tự đặt làm Thừa tướng mà chuyên quyền, giàu sang nhất mực, nhưng cuối cùng bị Lã Bố theo mưu của Vương Doãn giết chết, gia sản bị tịch thu.
Nguyên Tái: Người đời Đường, đời Đại tôn được làm Trung thủ thị lang, chuyên quyền, tham nhũng, sau bị vua bắt tự tử.
Trong bản Ức Trai thi tập. Phúc Khê nguyên bản, Tự Đức năm Mậu Thìn chép là “Lục bách hộc” (sáu trăm hộc).
Bá Di, Thúc Tề: Tương truyền là hai anh em con vua nước Tô Trúc thời nhà Thương. Sau khi Vũ vương nhà Chu diệt nhà Thương, hai anh em không phục bỏ vào ẩn trong núi Thú Dương, không chịu ăn thóc của nhà Chu, chỉ ăn rau mà chết đói.
Sào, Do: Sào Phủ và Hứa Do, tương truyền là hai cao sĩ trong lịch sử truyền kỳ Trung Quốc, vua Nghiêu muốn nhường ngôi cho, đều không chịu.
 
 
 Nguyên tác:
 
 THỦ VĨ NGÂM (1)
 
 Góc thành Nam lều một gian
 No nước uống thiếu cơm ăn
 Con đòi trốn dường2 ai quyến
 Bà ngựa3 gầy thiếu kẻ chăn
 Ao bởi hẹp hòi khôn thả cá
 Nhà quen thú thứa ngại nuôi vằn
 Triều quan chẳng phải ẩn chẳng phải4
 Góc thành Nam lều một gian.
  
                                    (Nguyễn Trãi toàn tập)
 
 
 
Bài này có thể làm trong lúc Nguyễn Trãi bị giam lỏng ở Đông Quan theo bài Tựa của Trần Khắc Kiệm hoặc là trong lúc ông bị Lê Thái Tổ ruồng bỏ sau khi bị giam vì bị nghi có liên quan đến vụ án, tuy được tha mà vẫn giữ chức quan nhưng không được làm việc gì.
Dường: Dường như.
Bà ngựa: Con ngựa.
Triều quan chẳng phải: Không ra là có quyền vị, song cũng không phải là ẩn sĩ.

Nguyên tác:
 
 MẠN THUẬT (VI)
 
 Đủng đỉnh chiều hôm dắt tay,
 Trông thế giới phút chìm bay.
 Non cao non thấp mây thuộc1,
 Cây cứng cây mềm gió hay2.
 Nước mấy trăm thu còn vậy,
 Nguyệt bao nhiêu kiếp nhẫn này3.
 Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết,
 Bui một lòng người cực hiểm thay!
 
                                                    (Nguyễn Trãi toàn tập)
 
 
 
Mây thuộc: Non cao non thấp mây đều thuộc biết hết cả.
Gió hay: Cây cứng cây mềm thì ắt gió biết được, hay được.
Nhẫn này: Đến nay vẫn mãi thế này.
 
 
Nguyên tác:
 
THUẬT HỨNG (XXIV)
 
 Công danh đã được hợp1 về nhàn,
 Lành dữ âu chi2 thế nghị khen.
 Ao cạn vớt bèo cấy muống,
 Trì thanh phát cỏ ương sen.
 Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc,
 Thuyền chở yên hà nặng vạy then3,
 Bui có một lòng trung liễn hiếu,
 Mài chăng khuyết nhuộm chăng đen.
 
                                                    (Nguyễn Trãi toàn tập)
 
 
 
Hợp: nên.
Âu chi: Lo chi
Nặng vạy then: Chở nặng quá làm cho then thuyền vạy đi oằn xuống.

 
 
 Nguyên tác:
 
 TIẾC CẢNH (VII)
 
Tiếc xuân cầm đuốc mảng chơi đêm,
Những lệ1 xuân qua tuổi tác thêm.
Chẳng thấy ngoài hiên tơ liễu rủ?
Một phen liễu rủ một phen mềm2
 
                           (Nguyễn Trãi toàn tập)
 
 
 
 
 
Những lệ: Những sợ
Mềm: Nghĩa đen chỉ dáng mềm mại của liễu rủ cành lá xuống, nhưng cũng có nghĩa là mỗi lần thấy liễu rủ, thấy cảnh xuân thì lại thấy mềm lòng, tức là nhiều tình cảm.
 
 
Nguyên tác:
 
TIẾC CẢNH (X)
 
Loàn đan1 ướm hỏi khách lầu hồng,
Đầm ấm thì thương kẻ lạnh lùng.
Ngoài ấy dầu còn áo lẻ2
Cả lòng3 mượn đắp lấy hơi cùng.
 
                                    (Nguyễn Trãi toàn tập)
 
 
 
 
Loàn đan: có ý mạo muội.
Áo lẻ: Áo thừa, áo không vào bộ.
Cả lòng: Rộng lòng

 Nguyên tác:
 
 KÝ HỮU
 
 I
 
 Bình sinh thế lộ thán truân chiên,
 Vạn sự duy ưng phó lão thiên.
 Thốn thiệt (1) đãn tồn không tự tín,
 Nhất hàn(2) như cố diệc kham liên.
 Quang âm(3) thúc hốt thời nan tái,
 Khách xá thê lương dạ tự niên.
 Thập tải độc thư bần đáo cốt,
 Bàn vô mục túc(4) tọa vô chiên(5).
 
 
 (1) Thốn thiệt: Một tấc lưỡi, Trương Nghi, một tay biện sĩ người đời Chiến quốc, khi sang du thuyết ở nước Sở, bị nghi là ăn cắp ngọc bích và bị đánh tàn tệ, về nhà hỏi vợ xem lưỡi có còn không. Vợ cười, bảo hãy còn, Nghi nói: “Thế là đủ rồi”. (Ý nói còn lưỡi thì còn làm nghề du thuyết được).
(2) Nhất hàn: Cảnh đói rét. Phạm Thư và Tu Giả nguyên làm quan ở Ngụy. Phạm Thư tên tự là Thúc, bị tướng Ngụy ngờ và đánh trọng thương, sau sang Tần làm Thừa tướng. Khi Tu Giả sang sứ Tần, Thư giả mặc rách rưới, Tu Giả không biết mới nói: “Phạm Thúc nhất hàn chí thử tai?” (Phạm Thúc lại đến gặp cảnh đói rét như thế ư?), rồi lấy áo lụa dày tặng cho.
(3) Quang âm: Bóng mặt trời, chỉ ngày giờ.
(4) Mục túc: Một loài rau đậu. Tiết Lệnh Chi đời Đường có câu thơ: “…Bàn trung hà sở hữu, mục túc trường la can” (Trong mâm có món gì, rau mục túc dài như cái lan can).
(5) Tọa vô chiên: Chỗ ngồi không có nệm bông. Thơ Đỗ Phủ đưa cho Trịnh Kiền có câu: “Tài danh tam thập niên, tọa khách hàn vô chiến”. (Người tài danh trải ba mươi năm nay, mà khách đến không có nệm lông, phải ngồi lạnh). Chi cảnh dạy học thanh đạm, nghèo nàn.
 
 
 II
 
Loạn hậu thân bằng lạc diệp không,
Thiên biên thư tín đoạn chinh hồng.
Cố viên quy mộng tam canh vũ,
Lữ xá ngâm hoài tứ bích trùng.
Đỗ lão(1) hà tằng vong Vị bắc,
Quản Ninh (2) do tự khách Liêu Đông.
Việt Trung cố cựu như tương vấn,
Vị đạo sinh nhai tự chuyển bồng.
 
 
 
 
 
 (1) Đỗ lão: Tức Đỗ Phủ, thi hào đời Đường, trú ở Trường An, phía bắc sông Vị. Bài thơ Xuân nhật hoài Lý Bạch (Ngày xuân nhớ bạn Lý Bạch) của ông có câu: “Vị bắc xuân thiên thụ”, ý nói ông ở vùng Vị bắc, trông thấy cây mùa xuân mà nhớ bạn. Chữ Vị bắc ở đây tác giả dùng để chỉ sự nhớ quê, cũng ngụ ý nhớ bạn.
(2) Quản Ninh: Người nước Ngụy đời Tam Quốc, tính cao thượng, liêm khiết, tránh loạn ở Liêu Đông, 30 năm trời mới về nhà.
 
 
Dịch nghĩa:
 
GỬI BẠN
 
I
 
Bình sinh trên đường đời gặp nhiều nỗi truân chiên,
Muôn việc đều phó mặc cho trời già cả.
Tấc lưỡi hãy còn, sự tự tin ở tài mình chỉ là hão huyền,
Tấm thân vẫn đói rét như xưa nghĩ cũng đáng thương.
Ngày giờ vun vút đi nhanh không trở lại,
Quán khách lạnh lẽo, đêm dài đằng đẵng như năm.
Đọc sách mười năm vẫn nghèo kiết đến xương.
Mâm cơm không rau đậu, ghế ngồi không đệm lót.
 
II
 
Sau cơn loạn, bạn thân như lá rụng trụi,
Bên trời, tuyệt đường chim hồng đưa thư.
Trận mưa rả rích canh khuya nằm mộng về quê cũ,
Tiếng trùng eo óc quanh bốn vách, ngâm nga
                                         cho khuây lòng nơi quán khách.
Đỗ Phủ chưa từng quên phía bắc sông Vị,
Quản Ninh còn làm khách ở cõi Liêu Đông.
Bạn cũ ở Việt Trung như có hỏi đến:
Nói hộ rằng đời sống bập bênh như cỏ bồng bay theo gió.
 
 

Dịch thơ:
 
 I
 
 Truân chiên từng ngán bước đường đời,
 Muôn việc đành thôi phó mặc trời.
 Tấc lưỡi còn đây thường tự tín,
 Thân nghèo mãi thế vẫn không thôi
 Lạnh lùng khách xá đêm dài mấy,
 Vùn vụt quang âm bóng xế rồi.
 Đọc sách mười năm nghèo đến tủy,
 Ăn không rau đậu, chẳng chiên ngồi.
 
 II
 
 Loạn hết, thân bằng lá rụng không,
 Bên trời bóng nhạn mịt mù trông.
 Đêm mưa vườn cũ ba canh mộng,
 Quán khách thơ ngâm bốn vách trùng.
 Đỗ lão chưa quên trời Vị bắc,
 Quản Ninh còn ở đất Liêu Đông.
 Việt Trung bạn cũ như thăm hỏi,
 Nhắn hộ: Tôi nay sống bập bồng.
 
                                                    Trúc Khê NGÔ VĂN TRIỆN 
 
 Nguyên tác:
 
 VÃN HỨNG
 
Cùng hạng u cư khổ tịch liêu,
Ô cân trúc trượng vãn tiêu diêu.
Hoang thôn nhật lạc hà thê thụ,
Dã kính nhân hi thủy một kiều.
Kim cổ vô cùng giang mạc mạc,
Anh hùng hữu hận diệp tiêu tiêu.
Quy lai độc vựng lan can tọa,
Nhất phiến băng thiềm quải bích tiêu.
 
Dịch nghĩa:
 
CẢM CHIỀU
 
Sống âm thầm trong ngõ kín buồn về nỗi vắng lặng,
Buổi chiều đội khăn đen (1) chống gậy trúc đi dạo thung thăng.
Thôn hoang khi mặt trời lặn tỏa thành ráng đỏ treo trên cây,
Đường tắt ngoài đồng ít người qua lại, nước lên ngập cầu.
Xưa nay, đời không cùng tận, kia dòng sông
phẳng lặng nước chảy hoài,
Người anh hùng mang nỗi uất hận,
trong khi bao lá cây xào xạc rụng xuống.
Đi chơi xong, trở vệ một mình ngồi tựa lan can,
Một vầng trăng trong suốt như băng (2),
treo giữa trời xanh biếc.
 
 
Dịch thơ:
 
 Ngõ cuối âm thầm cảnh vắng teo,
 Khăn đen gậy trúc dạo trời chiều.
 Thôn hoang ác lặn cây treo ráng,
 Đường vắng người thưa nước ngập cầu.
 Kim cổ không cùng sông phẳng lặng,
 Anh hùng tuôn hận lá lao xao,
 Chơi về một bóng ngồi bên triện,
 Trời biếc trăng trong một mảnh treo.