Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

"LAN TRÌ KIẾN VĂN LỤC" CỦA VŨ TRINH

MONday - 10/08/2015 04:02
Lan trì kiến văn lục của vũ trinh

Lan trì kiến văn lục của vũ trinh

Vũ Trinh (1759 - 1828) tự là Duy Chu, hiệu là Lai Sơn, Nguyễn Hanh, Lan Trì ngư giả, người làng Xuân Lan, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh cũ, đỗ Hương cống đời Lê, làm quan cho Lê Chiêu Thống. Khi Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc, ông không theo kịp lui về ở ẩn dạy học. Gia Long đánh bại Tây Sơn, ông vào Phú Xuân (Huế) giữ chức Thị trung học sỹ. Năm 1809 ông sang sứ nhà Thanh, khi trở về nước nhận trách nhiệm soạn bộ Hoàng Việt luật lệ cùng với Nguyễn Văn Thành. Năm 1816 khi Nguyễn Văn Thành bị tội, ông cũng bị đầy vào Quảng Nam. Năm 1828, được tha về quê vài ngày thì qua đời.


Lan trì kiến văn lục là sưu tập những mắt thấy tai nghe trong thời gian Vũ Trinh lui về dạy học khi ở ẩn, phần lớn là những chuyện dân gian ít nhiều có chất ly kỳ, tiếp nối truyền thống những truyện “truyền kỳ” của Truyền kỳ mạn lục, Truyền kỳ tân phả...
Dưới đây, chúng tôi chọn dịch 8 truyện trong tác phẩm Lan trì kiến văn lục để bạn đọc có một ý niệm về cây bút Vũ Trinh, tác giả của Cung oán thi tập, Sứ Yên thi tập v.v...
ÔNG TIÊN ĂN MÀY
Người trong thôn là Nguyễn Ất, hồi nhỏ mồ côi cha mẹ, phải sống với anh. Anh là Giáp, tính tham lam keo kiệt. Chị dâu cũng thô bạo xấu xa. Khi ất trưởng thành, ra ở riêng, thì gia tài của cha để lại bị anh chiếm cả. ất chỉ được chỗ ruộng xấu và gian nhà nót thôi. Chàng phải đi làm thuê kiếm củi nuôi thân, đã ngoài hai mươi tuổi, vì nghèo quá vẫn chưa lấy được vợ. Người anh chẳng đoái nhìn đến em, mà em cũng không xin xỏ gì anh.
Ở thôn bên cạnh, có một phú ông. Ất thường hay làm mướn cho nhà ấy, lâu dần thành quen. Phú ông có mảnh đất hoang, Ất xin ra ở đó, rồi đem bán chỗ cơ ngơi cũ của mình mà đi. Từ đó, lại càng xa Giáp hơn, cả năm cũng không gặp mặt nhau.
Ất tuy nghèo nhưng ưa làm điều việc thiện, gặp ai khốn khó, thường cấp đỡ cho. Một hôm Ất đi làm mướn về muộn, thấy một người nằm giữa cửa nhà mình, lay gọi, thì người đã rên rỉ không dậy được. Lấy đèn soi, thấy người ấy, già nua gầy còm, mặt đầy dỉ mắt, dỉ mũi, tanh tưởi hôi hám, nhớt rãi nhổ đầy đang còng queo trước cửa. ất nâng dậy và hỏi nguyên do. Người đó nói là người thôn bên, nghèo đói, bệnh tật phải đi xin ăn, chiều tối đến đây, mệt mái, buồn ngủ, xin mượn một chỗ để nằm nghỉ một đêm. ất mở cửa đỡ vào, cho uống nước thang, người ấy hơi tỉnh. Rồi ất đi trải chiếu xếp gối cho nằm. Nêu nướng xong ất lại gọi dậy cùng ăn. Người già tuy ốm mà ăn rất khỏe, ăn đến hàng đấu mà vẫn kêu đói, ất nhường cho ăn cả. Ăn xong, người đã xoa bông nói: “No rồi, con Lão bất hiếu, không nuôi lão, lão mà có đứa con như ông thì lão toại nguyện rồi”. Nói xong nằm dài ra ngủ, tiếng ngáy như sấm, tỉnh dậy thì luôn miệng khạc nhổ, lục đục suốt đêm, mà ất không hề cáu giận. Sáng sớm hôm sau, cụ già dậy, ất lại sắp cơm nhưng cụ già ngăn lại, nói “ông ưa làm việc thiện, không đáng phải chịu nghèo, một bữa cơm cho, không thể không báo đáp”. Rồi lấy chân hứng lên mũ quay lại bảo ất lấy cán gáo đánh vào mũi mình. ất không chịu, cụ già bảo mãi, ất đánh vài cái máu từ mũi cụ già chảy ra, ất sợ quá ngừng tay, cụ già lại bảo “cứ đánh nữa đi”. Máu ngừng chảy, thì vàng tràn đầy chén. Cụ già nói “Giữ lấy vàng thì sẽ giàu có, hãy gắng làm việc thiện, chí có đổi lòng. Ất kinh ngạc, phục xuống vái lạy, đến khi ngẩng đầu lên thì cụ già đã đi mất rồi.
Ất được vàng, nhưng vẫn giữ kín đến nhà phú ông vay tiền, nói là để đi buôn, rồi bỏ vàng vào túi lên kinh đô bán vàng. Mỗi năm ba bốn bận, bán hết nửa số vàng được tới tiền vạn. Rồi chàng từ biệt phú ông trở về quê quán, chuộc lại chỗ đất xưa dần dần mua ruộng, làm nhà, nuôi con hầu đầy tớ, phá ngôi nhà cũ xây lại, giàu có nhất làng. ất lại tới nhà anh, bàn chuyện xin lấy con nhà giàu sang. Khi Ất mới về, đến thăm anh chị, hai người đón tiếp rất lạnh nhạt. Đến khi thấy người em giàu có, hai người tới xem thì túp lều nát đang xây thành tòa nhà lớn sắp xong, lại mua đất nhà xung quanh làm vườn. Nhân công, đầy tớ vận chuyển gỗ đá nườm nượp không ngớt. Anh chị kinh ngạc hỏi nguyên do, Ất kể lại đầu đuôi câu chuyện. Anh chị tấm tắc khen ngợi, dò hỏi kỹ hình dạng tuổi tác cụ già, và luôn luôn để ý tìm tòi.
Hơn một năm sau, hai người từ đồng về nhà, gặp một cụ già đội mũ vàng, mặc áo rách, khập khiễng đi qua. Vợ chồng Giáp tranh nhau dìu vào nhà, ép ngồi lên trên, chẳng còn kịp hỏi xem đi đâu, giết gà nấu cơm, mổ cá làm gái tiếp đãi rất hậu. Cụ già bối rối không dám nhận, hai vợ chồng Giáp lại càng cung kính khoản đãi, và nói “Nếu được cả lỗ mũi của Tiên ông thì đệ tử ăn cả đời không hết”. Cụ già không hiểu nói gì chỉ biết từ chối, nói mình không phải là tiên thôi. Sớm hôm sau, cụ già từ biệt ra đi cũng chẳng có gì tặng lại cả, Giáp giữ ngay lại, đem nồi đặt trước mặt cụ già dùng dùi đục đánh vào mũi. Cụ già sợ hãi né tránh. Giáp nói “Tiên ông không biết, đệ tử không xin nhiều vàng, chỉ xin đầy nồi này thôi”. Nói rồi sai vợ giữ chặt tay cụ già, dùng dùi phang thật lực vào mũi, máu chảy lênh láng. Giáp cả mừng bảo vợ “Đúng như lời chú em nói Vàng sắp đến đấy”. Đánh liền mấy dùi, cụ già gẫy cả răng, kêu gào cứu mạng. Hàng xóm xung quanh chạy đến đầy nhà không hiểu tại sao, hỏi vợ chồng Giáp, thì cả hai đều sợ, không trả lời. Hỏi cụ già mới rõ. Nhưng vẫn không biết rõ tại sao khi đầu thì hai người cung kính là thế, mà đến sau lại thô bạo như vậy.
Cụ già làm người bán tương ở thôn bên. Giáp ngày thường tham lận, cả làng đều ghét. Có người chạy đi báo cho người con cụ già. Người con theo đến, thấy cụ già bị Giáp đánh, nổi giận lập tức kéo cụ già và cả hai vợ chồng Giáp lên gặp quan. Quan theo luật đánh đòn thật nặng hai vợ chồng Giáp, bắt đền tiền cụ già theo đúng luật pháp.
THẰNG TRỘM
Chợ Xuân ở huyện Gia Phúc là xứ đô hội của đất Hải Dương, bọn thương nhân thường đậu ở đó, có hai dãy điếm cho khách ngủ trọ. ở thôn gần đây, có thằng trộm, biệt hiệu là “Khóa mèo” có lắm ngón quỉ quyệt gian trọ. ở mỗi điếm trọ, (người ta đều làm chiếc quầy lớn, khách tới trọ) đều phải bỏ hành lý vào quầy rồi khóa lại.
Năm Cảnh Hưng, Quý Mùi, có một khách thuê trọ, hành lý rất nặng. Lúc sắp ngủ, nhà trọ dặn là quan khách mang theo hành lý, hoặc tiền bạc thì gửi cho nhà hàng, ở đây trộm cắp rất thủ đoạn, không thể xem thường. Khách cười, nói “Tôi có vàng mà không giữ được hay sao. Việc gì phải phiền đến nhà trọ nhắc nhở”. Nói rồi, mở túi ra, dưới ánh đèn, bạc trắng sáng tỏa, bày ra khắp chiếu, ước tới bốn năm trăm lạng, rồi lại thu hết cho vào hành lý, đặt ở đầu giường mà ngủ.
Trộm ta đã nhòm qua khe cửa từ trước, đến khi mọi người yên giấc, mới khoét tường vào nhà nằm phục dưới gầm giường làm trò mèo bắt chuột. Lúc lâu sau, lại ở bên chân khách, bắt chước tiếng mèo cắn chuột, thỉnh thoảng lại lấy gai đâm vào chân khách, khách nổi giận, co chân đạp. Thằng trộm bắt chước kiểu chuột bỏ chạy, đợi khách khẽ ngủ lại làm như trước. Khách nổi giận ngồi phắt dậy, thằng trộm nghe tiếng động trên giường, biết khách đã dậy liền vớ ngay túi bạc trên đầu giường chạy ra. Khách đợi mèo không tới nằm xuống sờ gối thì gói bạc đã mất rồi, liền gọi nhà trọ đốt đèn lên, và nói “Bạc của tôi bị kẻ trộm lấy rồi”. Chủ trọ trách khách không giữ cẩn thận. Khách nhìn lên mái nhà thấy có một cái nơm rất to, liền nói: “ông chủ không lo. Đây là trộm gần. Tôi xin cái nơm này. Ông cứ đốt đèn chờ tôi một lúc, tôi sẽ đem bạc về, không liên can đến ông đâu chỉ khổ cho tôi là đêm nay không được ngủ ngon”. Nói rồi, đem nơm ra cửa, trèo lên cây nhìn ra xa, nghe thấy thôn bên có tiếng chú sủa, liền đi về phía đó thấy trong rặng tre, có một ngôi nhà đèn còn đương sáng. Khách lẻn qua rặng tre, mở toang cổng ngoài, đi tới ngôi nhà dòm vào thì thấy tên trộm đang đếm bạc với vợ dưới án đèn, tên trộm cười nói vui vẻ, tự khoe là cao thủ. Khách gõ cửa bật lên tiếng cười. Tên trộm kinh ngạc hỏi ai đó. Khách trả lời: “Em, trộm đây, nghe nói anh được món hời lớn, đến xin anh chia cho”. Tên trộm nổi giận, nói: “Thằng chết tiệt ở đâu, dám đòi chia thịt trước miệng hổ”. Nói rồi, tìm gậy đi ra, quay lại bảo vợ: “Hãy giữ tiền cho tao, tao đi giết thằng đó”. Khách giả vờ bỏ chạy, nhưng lại phục ở đó, tên trộm thấy cổng mở toang, liền chạy đi đuổi. Khách lẻn vào, lấy nơm úp lên đầu vợ tên trộm, phá hòm lấy bạc đem về. Lúc ấy ở nhà trọ, đèn vẫn còn sáng. Tên trộm chạy đuổi trên đường cái không thấy gì, quay trở lại, thì vợ đang mang nơm nằm đó, hòm bị phá bạc đã mất, hỏi biết mọi việc, mới cả kinh, thán phục.
Sáng sớm hôm sau, khách đang rửa mặt, chải đầu, có người tới vái trước mặt mà nói “Tôi là tên ăn trộm, làm nghề này đã mấy chục năm, tự cho là không còn có sai sót gì. Nào ngờ, ngoài núi lại còn có núi khác cao hơn, xin cho theo học ngài”. Khách nói: nghề ông đang làm hồi nhỏ tôi cũng làm. Nhưng nghĩ lại, lấy của người khác để nuôi béo mình thì đâu phải là lẽ chính ? ông nghĩ coi, việc được mất đêm qua, có nghĩa lý gì. Tôi thề không làm nghề ấy đã năm năm rồi. Vì ông, nên tôi mới chơi lại trò cũ chút thôi. ông việc gì phải học. Nay bốn phía đều là chiến lũy kẻ nam nhi nên gắng sức cho triều dình, tôi đã trở thành người của phủ Đô đốc, nếu ông theo, tôi sẽ xin cất nhắc cho. Tên trộm nói “Xin lĩnh giáo”. Nói rồi từ biệt vợ con mà đi.
Sau vài năm, có một toán quan quân đến nghỉ ở quán ông chủ trọ, nhìn kỹ là tên trộm trước đây. Hỏi chuyện y trả lời là đã theo phủ Đô đốc, vì có công được bổ làm suất đội còn người khách năm xưa thì đã làm tham tướng Sơn Tây.
GẤU HỔ CHỌI NHAU
Người đất miền núi huyện Lục Ngạn Nguyễn Mỗ, làm nghề lấy gỗ, mỗi lần đi thường mang theo gại muối, nghỉ lại ở trong rừng, sau thành thói quen. Khi gặp rắn độc hay thú dữ thì xua đuổi hoặc né tránh, quen dần không thấy sợ nữa.
Một hôm, ở rừng sâu, Nguyễn ngả gỗ làm thuyền độc mộc. Trời rét, Nguyễn chất cỏ nằm lên, lấy thuyền chụp lên người, bên cạnh thì gom củi khô, đốt lên sưởi ấm. Nửa đêm, bỗng ngửi thấy mùi tanh, ngó thấy hổ ngồi bên thuyền, hướng vào đống lửa mà ngủ. Lát sau, lại một con gấu tới, ngồi quay vào đống lửa, ra chiều không nhìn thấy hổ. Nguyễn ở trong thuyền, cời một cục than to, dí vào lưng hổ, “hổ bị báng đứng phắt dậy, mắt nhìn thấy gấu, gầm lên cắn gấu. Gấu dùng vuốt cào hổ, hai bên đều liều sức nhảy cắn lung tung, thuyền suýt bị lật, Nguyễn ôm chặt thuyền. Lát sau lặng tiếng, Nguyễn đứng dậy tìm xem thì thấy gấu bị đứt cổ, hổ bị lôi ruột, chết dưới chân núi.
HANG NÚI GIỮA BIỂN
Hạ lộ Quảng Yên nằm dài sát biển, có nhiều rừng và đảo, dấu chân người không tới. Có vài dân chài đi biển, bị gió đánh dạt vào một dãy núi, cây cỏ um tùm, lần bậc mà lên, cỏ thơm hoa lạ, rất ít khi thấy. Đến sườn núi, thấy một hang sâu, mọi người kéo nhau vào hang. Lúc đầu thì rất tối, được mươi bước thì sáng dần. Thấy một cửa đá, ngoài cửa có hai con chó đá. Lại đi vào cửa trong mấy chiếc án bằng đá. Mọi thứ khí cụ đều bằng vàng. Lên phòng, thì thấy trên giường đã có 5 thây người con gái ngồi đó, tóc xõa, có bốn đồng đứng hứng ở dưới, áo quần đều là gấm thêu, mặt thoa son phấn. Lại gần, thấy còn thở. Có người lấy trộm đồ vàng trở ra, người trộm vàng hai mắt như mù, luẩn quẩn không đi được. Người đó cả sợ, vứt vàng trở ra, vừa ra khỏi hang thì một phiến đá lớn rơi xuống vít chặt miệng hang, người đó bèn xuống thuyền căng buồm mà đi.
CON HỔ CÓ NGHĨA
Bà đỡ Trần là người huyện Đông Triều. Một đêm nọ nghe tiếng gõ cửa, bà mở cửa nhìn thì chẳng thấy ai, một lát, có con hổ đột nhiên lao tới cõng bà đi. Ban đầu, bà sợ đến chết khiếp. Khi tỉnh, thấy hổ dùng một chân ôm lấy bà trong lòng chạy như bay, hễ gặp bụi rậm, gai góc thì dùng tay rẽ lối chạy vào trong rừng sâu. Tới nơi, hổ thả bà xuống, thấy một con hổ cái đang lăn lộn, cào đất. Bà cho là hổ định ăn thịt mình, run sợ không dám nhúc nhích. Lúc sau hổ đực cầm tay bà nhìn hổ cái, nhỏ nước mắt. Bà nhìn kỹ bụng hổ cái như có vật gì động đậy thì biết ngay là hổ sắp đẻ. Sẵn có thuốc mang theo trong túi, bà liền hòa với nước suối cho uống, lại xoa bóp bụng hổ. Lát sau, thì hổ đẻ được. Hổ đực mừng rỡ đùa dỡn với con, còn hổ cái thì nằm phục xuống bên một gốc cây, lấy tay đào lên một cục bạc. Bà đỡ biết hổ tặng mình, cầm lấy. Hổ đực đứng dậy đi, quay nhìn bà, bà theo hổ ra khỏi rừng. Được mấy bước trời sắp sáng, bà dơ tay nói: “Xin chúa rừng quay về”. Hổ vẫn cúi đầu vẫy đuôi, làm ra vẻ tiễn biệt. Bà đã đi khá xa, hổ liền gầm lên một tiếng rồi bỏ đi. Bà về đến nhà, cân bạc được hơn mười lạng. Năm ấy mất mùa đói kém, nhờ có số bạc ấy mà bà mới sống qua được.
Người kiếm củi tên Mỗ ở huyện Lạng Giang, đang bổ củi ở sườn núi, thấy dưới thung lòng phía xa, cây cỏ lay động không ngớt, mới vác búa đến xem, thấy một con hổ trán trắng, cói đầu cào bới đất, nhẩy lên vật xuống, thỉnh thoảng lấy tay múc họng, mở miệng như cái răng, máu me, nhớt rãi trào ra. Nhìn kỹ miệng hổ, thấy có khúc xương mắc ngang họng, bàn chân hổ thì to, càng móc xương càng vào sâu. Bác tiều uống rượu say, mạnh bạo trèo lên cây kêu lên “Cổ họng người đau phải không, đừng cắn ta, ta sẽ lấy xương ra cho”. Hổ nghe thấy, nằm phục xuống, há miệng nhìn bác tiều phu, ra dáng cầu cứu, Bác tiều trèo xuống, lấy tay thò vào cổ họng hổ, lấy ra một chiếc xương bò, to như cánh tay. Hổ liếm mép, nhìn bác tiều rồi bỏ đi. Bác tiều nói to “Nhà ta ở thôn Mỗ, hễ được miếng gì lạ thì nhớ nhau nhé”. Sau đó bác tiều ra về. Một đêm nọ, nghe cửa ngoài có tiếng gầm dài mà sắc. Sớm hôm sau, có một con nai chết ở đó. Hơn mười năm sau, bác tiều già rồi chết. Khi chôn cất, hổ bỗng nhiên tới trước mộ nhẩy nhót. Những người đưa đám bỏ chạy cả. Từ xa nhìn thấy hổ dùng đầu dụi vào quan tài, gầm lên, chạy quanh mộ vài vòng rồi đi. Từ đó về sau, mỗi dịp ngày giỗ bác tiều, hổ lại đưa dê hoặc lợn đến để ở ngoài cửa nhà bác tiều.
TIÊN TRÊN ĐẢO
Người Thanh Trì là ông Nguyễn Lộc, kết bạn với mười người, mua một chiếc thuyền đi biển, ra châu Vạn Ninh, Quảng Yên buôn bán, mỗi năm vài bận đi về.
Một hôm, thuyền bị gió đánh dạt vào hòn đảo giữa biển. Trên đảo, núi non cây cỏ xanh tươi, chân núi đất bằng vài chục mẫu, cỏ non xanh rờn như trải thảm. Một con hươu từ trong bãi chạy ra, tranh Lấy chiếc bè chèo. Mọi người vạch cỏ lèo đuổi theo. Lộc một mình đuổi tít vào sâu quên mất lối ra. Trong lúc bối rối, bỗng thấy hơn chục con hổ từ trong núi lao ra, Lộc cả sợ, trèo vội lên cây, cởi thắt lưng buộc lấy thân người. Hổ cứ nhìn cây mà gầm thét, cả rừng cây chấn động, Lộc run sợ suýt ngã nhào xuống. Lát sau, hổ bỏ đi Lộc vẫn sợ không dám trèo xuống. Bỗng từ phía gốc cây bên kia nghe có tiếng người cười nói. Lộc nghĩ là ma quỷ, càng sợ hãi, tự cho là số mình ắt chết. Trong lòng cân nhắc suy tính “chẳng bằng cứ đi đến chỗ đó gặp xem sao”. Nói rồi, cởi dây lưng, sửa lại y phục, chậm rãi đi tới. Được mấy chục bước thấy một phiến đá rộng chừng một thước, có hai cụ già đang đánh cờ trên đó, có đứa hầu nhỏ đang pha trà, trên phiến đá bày la liệt lê, táo... Cụ già vừa uống rượu vừa đánh cờ, đến khi cuộc cờ gần tàn, vẫn ra vẻ không hay biết có Lộc đứng đó, Lộc vái lạy xin trỏ cho đường về. Cụ già ra hiệu cho chú hầu bẻ một cành cây đưa cho Lộc và bảo: “Cầm cành cây này mà đi, thuyền ở phía trước kia kìa”. Lộc từ biệt cụ già, ra khỏi rừng mấy bước thì đã thấy thuyền ở đã rồi. Những người trên thuyền đều kinh ngạc nói: “Chúng tôi đuổi hươu, bỗng gặp hổ dữ, vội bỏ chạy về thuyền, chỉ thiếu có một ông. Cứ ngỡ là ông đã bị hổ ăn thịt rồi. Chỗ này cách bến không biết đến mấy trăm dặm, lại đã qua hai đêm rồi, ông từ đâu trở về vậy, đây chẳng phải là chuyện lạ sao!”
Lộc bốn kể lại cuộc gặp gỡ của mình. Mọi người đều rất kinh ngạc.
NGUYỄN QUỲNH
Nguyễn Quỳnh người xã Bột Thượng, huyện Hoằng Hóa. Tuổi trẻ đỗ thi Hương, nổi tiếng văn chương, tính tình phóng khoáng cởi mở, rất ưa khôi hài. Ông thường đến luyện văn ở nhà Quốc học(1), luôn được xếp hạng ưu, nên rất tự đắc. Một hôm, vào dịp luyện văn đầu tháng, học trò làm văn trong phòng, có một thư sinh trẻ, vẻ người tuấn tú, cầm bút nghĩ một lát, rồi viết liền một mạch mấy tờ, thao thao không dứt. Chưa đến trưa, mà bài đã xong. Quỳnh khi ấy còn đang khổ sở suy nghĩ, thấy anh ta làm nhanh như vậy, ngạc nhiên thán phục, mượn xem toàn bài, thì thấy tứ văn mới lạ, bản thân mình không thể sánh được, Quỳnh bèn bỏ bút xuống hỏi họ tên. Người ấy nói mình là một học trò hèn kém ở Hải Dương vừa ra du học ở Trường An(2), trọ ở ngoài thành, tên họ thấp hèn, không dám để vẩn tai bậc tôn quý. Trò chuyện cùng nhau, thì thấy anh ta học vấn uyên bác, hỏi đến đâu đáp đến đó. Quỳnh vốn rất tự phụ nổi danh, coi thường người cùng lứa, đến bây giờ cảm thấy rất phục, mời về chỗ ở của mình. Chàng thư sinh lấy cớ bận việc khác, từ chối không đi và nói: “Nếu anh không nỡ bỏ nhau, thì sau ba ngày hãy đợi em ở đình Quảng Văn, khi ấy sẽ mời anh tới hàn xá”. Nói rồi từ biệt mà đi, cũng không nộp quyển nữa. Tới hôm hẹn, buổi sớm, Quỳnh đến đình Quảng Văn, thì chàng thư sinh đã ở đó rồi. Hai người gặp nhau, rất vui vẻ cầm tay nhau cùng đi, ra ngoài thành chừng một dặm rồi đi lối rẽ chừng vài chục bước, thấy một thư đường, cửa gài đóng chặt, dùng tay gõ cửa, có một người đầy tớ già ra mở, đưa khách vào. Trong nhà, ngoài giường, chiếu, nồi đèn ra, không còn có thứ gì khác, cũng không có bút nghiên và sách vở gì. Quỳnh lấy làm lạ, hỏi, thì người đã nói là không có ý định tiến thân làm quan, không học ngón đẽo gọt văn chương. Hỏi hôm trước sao lại làm văn, thì người đã nói là từ lâu đã nghe danh lớn, muốn đến làm quen, lại sợ đường đột, nên thử vung ngọn bút, xin được hạ cố tới.
Hai người ngồi trò chuyện rất lâu, người đó sai đầy tớ dọn mâm, chỉ thấy có hai bát cơm gạo xay, cùng canh rau, thịt sấy thôi. Đến chiều, Quỳnh từ biệt ra về. Chàng thư sinh nói: “Chỗ ở bần hàn, thô lậu, không dám giữ bậc cao quý ở lại”. Rồi rút từ trong tay áo ra 27 đồng tiền tặng Quỳnh và nói: “Dịp sau khó hẹn, xin tạm đỡ anh tiền rượu nước đi đường”. Quỳnh cười nói: “Chỗ tôi ở trong Kinh cũng gần đây sớm tối còn được gặp nhau, sao lại nói những lời vĩnh biệt như vậy. Vả lại, đường về gần gòi, cần gì đến phí tổn dọc đường”. Chàng thư sinh cười, không trả lời, nhét tiền vào ống tay áo của Quỳnh, đưa tiễn ra cửa, trân trọng từ biệt. Quỳnh quay đầu lại nhìn, thì thấy lớp lớp núi xanh, trập trùng sau trước, còn mình thì ở giữa tầng mây trắng, giữa đám tùng xanh, không có một ngôi nhà nào cả. Quỳnh tìm đường đi xuống, dọc đường gặp người lấy củi, hỏi ra mới biết chỗ đó là núi Phượng Hoàng đất Hải Dương, cách Kinh thành hơn hai trăm dặm. Quỳnh ngạc nhiên than thở mà về, sờ ống tay áo, thấy tiền tặng vẫn còn, đang lo vất vả thiếu thốn dọc đường, nhưng khí lực tăng bội phần, không cảm thấy đói. Mua trà, rượu, tiền mất một ít, nhìn lại, trong tay áo tiền vẫn còn. Ba ngày sau về tới Kinh thì số tiền cũng biến mất.
ÔNG TRÀNG NGUYÊN HỌ NGUYỄN
Ông Nguyễn Đăng Đạo là người xã Hoài Bão, huyện Tiên Du. Năm 19 tuổi ông vào du học ở Trường An(3). Gặp ngày nguyên tiêu(4), con trai, con gái kinh thành đua nhau đi du ngoạn. ông cùng vài đứa tiểu đồng đến trước cổng chùa Báo Thiên, gặp một chiếc kiệu lộng lẫy, con hầu đầy tớ xúm xít chạy quanh. Có một thiếu nữ xinh đẹp, từ trong xe bước xuống, vào chùa vãng cảnh. Ông đứng bên, ngây người đứng nhìn tới lúc người đẹp quay ra, lên xe rồi ông vẫn còn luẩn quẩn bên xe. Bọn phu xe quát tháo, ông vẫn không chịu rời, chúng phải lấy roi vụt, ông mới lui. Trong xe, người đẹp lên tiếng “Hội vui cảnh đẹp mọi người cùng thưởng ngoạn, chí làm điều nạt nộ người ta như thế.”.
Ông nghe thế lại đi theo xe. Đến một dinh thự, người đẹp xuống xe đi vào, ông liền rẽ vào một quán trà phía ngoài cổng, hỏi thăm chủ hàng đây là dinh thự của quan nào. Bà chủ quán đáp:
“Đây là dinh thự của ngài Ngụ hầu. Ngài vì có công lớn, được cử coi cấm binh, chỉ huy việc quân của cả kinh thành”. Ông hỏi hầu có mấy vị công tử. Bà chủ quán đáp: “Hầu mới sinh được một tiểu thư rất xinh đẹp, nàng có học, biết lễ nghĩa, người vừa đi kiệu trở về chính là nàng đó”.
Ông hỏi nàng đã lấy ai chưa, bà chủ quán đáp: “Ngô hầu còn muốn chọn tài tử văn nhân để gả chồng cho nàng, chứ thiếu gì con em bậc công hầu môn đăng hộ đối”!.
Ông nghe xong, ghi nhớ kỹ. Chiều tối trở về, cả đêm mơ tưởng.
Sáng sớm hôm sau, ông lại đến trước cửa dinh thự, đem trái cây, trà ngon đút lót cho bọn tiểu đồng trong dinh. Lâu dần quen bọn chúng, ông mới hỏi đường ra lối vào, cửa cổng các phòng. Đến nửa đêm ông trèo tường vào dinh, lần thẳng tới chỗ người đẹp, khoét tường vào phòng lên giường nằm chung với nàng. Người đẹp giật mình tỉnh dậy, hỏi ông là ai ? ông đáp: “Từ khi gặp nhau ở chùa, tôi trằn trọc thương nhớ khôn nguôi định tìm mai mối, lại sợ làm nhơ đến quan tể tướng chẳng được đoái tới. Nay cả gan tới đây muốn cùng tiểu thư đính ước trăm năm đó!”
Thiếu nữ vừa thẹn vừa sợ, cúi đầu khẽ đáp:
“Cha tôi tính nóng như lửa, ông táo tợn thế này sẽ bị băm vằm ngay lập tức!”
Ông gõ giường mà cười. Thiếu nữ không biết làm thế nào, lấy hai tấm lụa trao cho ông và bảo:
“Ông chết cũng đáng, nhưng như vậy thì danh tiết của tôi cũng khó mà bộc bạch. ông nên tìm đường mà ra, tôi tha tính mạng cho ông đó!”.
Sinh cười đáp: “Nàng đừng dọa tôi, nếu sợ chết, tôi đã chẳng tới đây. Cha nàng có đến tôi cũng cứ như thế!”
Ông dẫu không phạm tới thiếu nữ nhưng ngăn lối ra, khiến nàng không đi được. Bọn con hầu nghe thấy tiếng cười nói, đốt đuốc tới, thấy ông ở trên giường tiểu thư bèn cầm gậy gộc vây quanh và cho người chạy đi báo Ngô hầu. Hầu cầm gươm bước tới. Ông phủ phục xuống đất lạy chào và nói rằng lòng mình ngưỡng mộ quan lớn đã lâu Hầu giận lắm, sai đầy tớ trái lại, thấy ông nho nhã lại không nỡ đánh đập.
Sáng hôm sau, Hầu đang định cho giải tới tòa binh kết tội thì gặp bạn đồng liêu là ông họ Phạm tới thăm. Hầu mời ông vào, kể lại chuyện đó, nét mặt vẫn còn hầm hầm tức giận.
Ông Phạm nói:
“Người làm việc khác thường, hẳn là tài khác thường. Có lẽ nó có hoài bão tài cán gì đây, ngài nên hỏi thẳng xem. Nếu quả có tài, thì nên tác thành cho nó, nếu là đứa bất tài thì cứ theo luật mà trị, giận dữ mà làm chi !”
Ông Hầu nhờ ông Phạm thử tài. Ông nhận được đầu đề chẳng cần suy nghĩ, hạ bút viết liền, thao thao bất tuyệt, lại còn cười bảo bọn đứng hầu:
“Bay thưa với tiểu thư biện sẵn cơm nước, nếu chậm ta không làm khách qúy nhà các người nữa đâu!”.
Bọn hầu đều bưng miệng cười. Ông dâng bài lên, ông Phạm rất khen ngợi, nói riêng với Ngô hầu:
“Ngàn vàng cũng chẳng tìm được đứa con rể quý như thế đâu!”
Ngụ hầu bèn tha tội cho ông, hỏi xem họ tên là gì, quê quán ở đâu, rồi sai làm một phòng riờng cho ở, cấp tiền cho ông ăn học.
Năm sau, ông đi thi Hương, đỗ đầu. Hầu bèn sửa lễ, đón ông về ở rể. Lại năm sau nữa, ông đỗ thi Hội, rồi thi Đình lại đỗ Trạng Nguyên.
Hoàng Hưng dịch
---


Chú thích:

(1) Nhà Quốc học: trường học của Nhà nước - Tức Quốc Tử Giám, còn gọi là nhà Thái học.
(2) Tức Kinh đô Thăng Long khi ấy.
(3) Tức kinh đô Thăng Long hồi ấy.
(4) Ngày 15 tháng Giêng Âm lịch.
Total notes of this article: 5 in 1 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh