Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

LÊ QUÍ ĐÔN VÀ KIM THẠCH VĂN

THUrsday - 07/05/2015 09:21
Lê Quí Đôn chưa từng viết sách chuyên bàn về kim thạch văn. Song đây đó, trong nhiều tác phẩm của ông, vấn đề kim thạch văn vẫn thường xuyên được đề cập. Những ý kiến, phát biểu của ông về kim thạch văn có thể gom lại thành ba mảng sau:
Nhà nghiên cứu Đinh Công Vĩ

Nhà nghiên cứu Đinh Công Vĩ

1. Về vật liệu để khắc chữ:
Sách Vân đài loại ngữ (trở xuống đều viết VĐLN) cho thấy Lê Quí Đôn biết khá rõ các nguồn vật liệu kim thạch phân bố trên đất nước ta. Mục “Phẩm vật” sách này, điều 96 cho biết những địa phương có đá quí khả dĩ dùng để khắc chữ. Ví dụ: “ở núi An Hoạch, huyện Đông Sơn (...) có đá quí. Phạm Ninh, thái thú Dự Chương nước Tấn thường sai lại viên đến lấy về làm khánh. Bài minh của Thượng thư Lê Hữu Kiều cũng ca ngợi: “Hoạch Sơn loại đá kêu vang, sắc xanh màu biếc mịn màng đẹp tươi”. Cũng ở mục “Phẩm vật”, các điều 74, 75, 76 và ởKiến văn tiểu lục (trở xuống đều viết KVTLN) “Phong vực”. “xứ Sơn Tây, Hưng Hoá, Tuyên Quang”, Lê Quí Đôn đi sâu nghiên cứu chất liệu kim thạch, đồng thời bàn về phương pháp tìm kiếm, khai luyện các chất liệu đó.
Lê Quí Đôn còn có những hiểu biết đáng kể về các loại hình kim thạch văn. Sách VĐLN “Vựng điển”, điều 52, 53 cho thấy ý kiến của ông về “ấn chương học” (ấn triện in chữ). Cũng ở sách đó, mục “Phẩm vật”, điều 77 ông nói về “cổ tiền học” (các loại tiền bạc khắc chữ). Những nhận xét của Lê Quí Đôn về “cổ tự học”, về ngành “ấn loát” thể hiện rõ những tri thức của ông về các loại chữ cổ được in khắc, về chất liệu in ấn, được ghi trên nhiều trang sách khác(1). Lê Quí Đôn còn có những hiểu biết sâu sắc về các loại hình kim thạch khác như chuông, bia...
2. Về cách sưu tầm:
Lê Quí Đôn đặc biệt chú ý tới việc đi điền dã. Ở KVTLN mục “Phong vực xứ Sơn Tây” cho thấy Lê Quí Đôn đã vượt qua bao hiểm trở của núi Tam Đảo để tìm ra hòn đá có khắc chữ(2). Xem danh mục kim thạch Lý Trần ở KVTLN “Thiên Chương” ta có thể thấy được ông đã thực hiện tốt một trong những phương châm của việc sưu tầm kim thạch văn là muốn sưu tầm thạch văn là muốn sưu tầm những văn bản quí hiếm, thì phải kên nhẫn đi xa, như từ chùa Thiên Phúc, núi Phật Tích, gần Thăng Long, ông từng đi tới chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh ở Ái Châu.
Lê Quí Đôn còn chú ý việc sưu tầm tư liệu ở nước ngoài. Có thể ông là sứ giả đầu tiên của nước ta tiến hành thu thập kim thạch văn ở Trung Quốc. Ở VĐLN “Âm tự”, điều 37, ông có nói: “Trống đá nguyên ở đất Trần Thương”. Ông còn phát hiện về quá trình di chuyển của nó đến “cửa kích môn nhà Đại học”.
Ở VĐLN “Âm tự”, đã ghi lại nhận thức mẫn tiệp của ông với loại trống này là; “Sách tái ký của Tô Húc chép: “Thạch cổ văn gọi là Liệp kệ, cộng 10 cái trống đã, chữ khắc ở trống đó là lối triện của Sử Trứu, dựng từ đời Chu Tuyên Vương”. Cũng ở sách này, phần vật, điều 98 còn ghi lại sự tổng kết, so sánh bia Việt với bia Trung Hoa của ông.
Ngoài việc sưu tầm các tài liệu kim thạch văn ở Bắc Kinh, Lê Quí Đôn còn sưu tầm các tài liệu kim thạch văn ở các địa phương khác trên đất Trung Hoa mà ông đi qua.
Trong phần chú thích ở mục “âm tự”, điều 94 sách VĐLN ông viết: “Núi Cú Lũ tức Nam Nhạc Hoành Sơn, có bia Thần Vũ trên chỏm gồm 73 chữ. Người vùng ấy thường rập bài bia bán cho du khách. Khi tôi đi sứ qua đó, cũng mua được một bản, chữ to bằng cái chén”.
Lê Quí Đôn đặc biệt lưu ý tới việc sưu tàm các tư liệu kim thạch văn có niên đại sớm, nhất là vào thời Lý Trần. Khi sưu tầm loại này, Lê Quí Đôn chú ý quan sát chu đáo, tỉ mỉ về tên gọi, chức danh, tác giả, thời gian, địa điểm in khắc, vật thể, thể loại văn học của các dị văn trên đồng đá. Có thể xem bảng danh mục dưới đây mà chúng tôi đã tổng hợp từ nhiều bài văn kim thạch Lý Trần do Lê Quí Đôn đã thu thập được ghi ở KVTLN:
1
TT TÁC GIẢ THỜI GIAN ĐỊA ĐIỂM THỂ LOẠI VẬT THỂ
1 Thày chùa Huệ Hưng Năm Long Phù Nguyên Hoà thứ 9 (1109) Chùa Thiên Phúc núi Phật Tích Minh Chuông chùa
2 Thầy chùa Pháp Bảo Năm Hội Trường Đại Khánh thứ 9 (1118) Chùa Sùng Nghiêm Diên Khánh ở Ái Châu Minh Bia chùa
3 Pháp sư Lê Kim Năm Hội Phong thứ 1 (1092) Tháp Hội Khánh núi Lăng già Minh Bia chùa
4 Dĩnh Đạt Năm Duệ Vũ thứ 3 (1122) Chùa Viên quang đề Minh Chuông và bia chùa
5 Mai Công Bật, Viện ngoại lang bộ binh Năm Duệ Vũ thứ 2 (1121) Tháp Sùng Thiện diên linh núi Đội sơn, H.Duy Tiên Bia Chuông và bia chùa
6 Thày chùa Tháp Bảo Năm Duệ Vũ thứ 7 (1126) Chùa Ngưỡng sơn Linh xứng H. Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc Thanh Hoá) Bia Bia chùa
7 Nguyễn Công Diễm (Gia Khánh Đỗ Anh Vũ) Năm Đại Khánh thứ 4 (113) Chùa Diên Phúc, thôn Cổ Việt Bia Bia chùa
8 ? Đời Trần Anh Tông (1293-1314) Bổng Hương thuộc Hồng Lộ Minh Bia di đà Bảo khám
9 Văn Túc vương Trần Đạo Tái Năm Hưng Long thứ 2 (1294) Chùa Đại Bi Minh Chuông chùa
10 Sa môn Sùng nhiên ? Chùa Đại Bi xã Mộ Đạo Bia Chuông chùa
11 Đặng Lũn Chủng, Hàn lâm thị giảng Năm Nguyên Khánh thứ 7 (1320) Chùa Sùng Quang xã Lam cầu Ma Lang Minh Chuông chùa
12 Trần Chấn Khanh, Ngự sử trung tán Năm Khai Hựu thứ 4 (1343) Chùa Diên Thánh Báo Án ở phường Đông Ngạc Minh Chuông chùa
13 Trương Hán Siêu Tả thị lang Năm Đại Phong thứ 3 (1343) Tháp Linh tế núi Dục Thúy Tháp
14 Hồ Tông Thốc Năm Xương Phù thứ 7 91383) Hương An Đăng Minh Bia viện Báo Ân
15 Đỗ Nguyên Chương, hàn lầm quyền học sĩ Năm Long Khánh thứ 5 (1383) Chùa Phúc Minh, hương Man Đế Minh Bia chùa
16 Phạm Sư Mạnh, Hữu bộc xạ Năm Thiên Khánh thứ 3 (1372) Nghiêm núi Văn Lỗi Chùa Sùng Đại bi nham
1 1
Chú ý: Riêng Dĩnh Đạt, vừa có bia lẫn chuông khắc chữ, nên số thứ tự có 16 tên người, nhưng số bia chuông=16+1=17.
3. Về giá trị sử dụng của kim thạch văn:
+ Giá trị văn học: Những tác phẩm kim thạch văn thời Lý Trần được Lê Quí Đôn coi là có giá trị ngang những tác phẩm văn học chính thống. Lần đầu trong KVTLN, ông xếp chúng vào mục “Thiên chương” bên cạnh các thể loại văn học thông dụng và quan trọng bấy giờ, coi đây là một trong những nguồn bổ sung thiết yếu cho thơ văn Lý Trần. Con số 17 ở bảng danh mục trên có lẽ chỉ là con số ban đầu. Có thể sự hiểu biết của Lê Quí Đôn còn mở rộng thêm với những văn bản kim thạch có giá trị khác sưu tập được để bổ sung vào bộ sách đồ sộ hơnKVTLN là Hoàng Việt văn hải đã mất.
Về mặt nghệ thuật văn học, Lê Quí Đôn đã đánh giá các thể loại kim thạch văn thời Lý Trần ở “Thiên chương” là: “Tôi thu nhặt những văn còn sót lại ở đồ đồng và bia đá được mấy chục bài thì thấy văn đời Lý lối biền ngẫu, bóng bẩy, đẹp đẽ còn giống thể văn nhà Đường, đến thời nhà Trần thời lưu loát chỉnh tề giống khẩu khí người nhà Tống”.
Lê Quí Đôn không những là người phát biểu về kim thạch văn, mà ông còn là người trực tiếp viết về kim thạch văn nữa(3).
+ Giá trị sử học: Trong Tôn chỉ và ý nghĩa trọng yếu của việc soạn sử, Lê Quí đôn từng nhắc tới ý kiến của Lục Du về việc sử dụng “bia ký mộ chí” vào sử.
Với Lê Quí Đôn, tất cả các thể loại như thơ ca khắc đá, văn ở tháp, văn ở chuông, ở bia miếu, bia tiến sĩ cũng như bia mộ đều có giá trị sử dụng với sử học.
Chẳng hạn ở KVTLN “Thiên chương”, Lê Quí Đôn đã nói tới bài thơ của Phạm Sư Mạnh đề núi Thạch Môn, theo cổ thể. Trong sách An Nam chí của người đời Minh có chép bài thơ này, nhưng bỏ mất một nửa. Lê Quí Đôn tìm ra bài thơ khắc đá đó bổ sung cho cái nửa bỏ mất chưa chép đủ ở quyển sử An Nam chí.
Nói chung, đối với các thể loại kim thạch thời Lý Trần, theo tài liệu đến nay ta có thể biết, thì Lê Quí Đôn sử dụng vào sử học phong phú hơn thời sau. Phải chăng có thể vì các tư liệu Lý Trần, sau tàn phá của giặc Minh, còn lại quá ít nên những nhà nghiên cứu như Lê Quí Đôn phải căn cứ vào kim thạch để tìm hiểu nhiều hơn? Như bảng danh mục trên cho thấy Lê Quí Đôn đã huy động nhiều loại hình kim thạch có ở thời Lý Trần đưa vào KVTLN như: chuông chùa, chuông và bia chùa, bia chùa, bia tháp, bia Di Đà Bảo Khám, bia Viện Báo Ân, Đại bi nham; với nhiều thể loại thời này như: văn ký, văn minh, văn minh trên chuông, văn minh trên bia, văn ký trên tháp, văn ký trên Đại bi nham...
Còn với các thể loại kim thạch văn thời Lê thì tuy đối tượng kim thạch dùng cho sử học có thể hạn chế hơn nhưng ý thức dùng kim thạch văn phục vụ cho việc viết sử của Lê Quí Đôn vẫn rất rõ. Trước Lê Quí Đôn, ngay từ thế kỷ 15, Ngô Sĩ Liên từng chép 2 bài bia của Trương Hán Siêu, Lê Quát trong Đại Việt sử ký toàn thư. Nhưng với nhà sử học họ Ngô, công việc đó còn ngẫu nhiên và ít ỏi trong giới hạn của văn bia. Còn ở Lê Quí Đôn việc làm này có ý thức rõ rệt, thể hiện ở lời tựaLê triều thông sử lẫn tôn chỉ và ý nghĩa trọng yếu của việc soạn sử khi ông viết bộ thông sử đời Lê. Ở đó, Lê Quý Đôn coi “văn khắc vào bia vào đỉnh là một nguồn sử liệu đứng cùng hàng và có giá trị quan trọng như các sử liệu cần thiết khác, chẳng hạn “Liệt truyện”, “Gia phả”, “Bắc sử”... Ông cho rằng việc xét những lời trong bia ký mộ chí là một công việc đáng giá của người chép sử.
Với bia đời Lê, đến nay dựa vào các tài liệu còn lại trên thực tế, ta có thể biết Lê Quí Đôn thường sử dụng 4 loại bia sau vào sử học:
a) Bia miếu: ở Phủ biên tạp lục (trở xuống đều viết PBTL ) “Sự khai thiết khôi phục hai xứ Thuận Hoá, Quảng nam” cũng như ở KVTLN. “Tài phẩm” đều cho thấy việc Lê Quí Đôn tìm thấy văn bia của Nguyễn Như Đỗ ở miếu thờ Lê Khôi mà biết thêm cái uy dũng đặc biệt của nhân vật họ Lê này đã “trấn giữ Hoá Châu” “yên phương Nam”. Lê Quí Đôn đã căn cứ vào bia miếu để có được những dòng sắc nét về nhân vật này trong sử sách cuả mình.
b) Bia mộ: Lê Quí Đôn chú ý tới một tác giả có sở trường: Trình Thuấn Du. Ở văn bia do Trình Thuấn du soạn, sự chú ý của Lê Quí Đôn hướng vào vài chi tiết, bổ sung cho sự thiếu sót của chính sử về nhân vật Lê Chích. Nhờ tác giả họ Trình soạn bia mộ (tức bia thần Đạo) mà cái phần không được trình bày ở sử sách lại sáng rõ ở thạch bi, giúp cho những phát hiện của Lê Quí Đôn nói về Lê Chích: “Lập chí cương quyết, thấy được sự việc lúc mới phát sinh, tính toán cẩn thận, ứng biến mau chóng công danh đây cả biên quận, sự nghiệp đầy cả triều đình”. Ngoài Lê Chích ra, thì những nhân vật tiếng tăm không nổi lắm như con Trịnh Khả là Trịnh Công Đán ở KVTLN, “Tài phẩm”, Lê Quí Đôn cũng cho biết “Công Đán làm Thượng thư bộ Binh, có bia thần đạo ở xã An Hoành”. Ở Lê triều thông sử, “Chư thần truyện”, ông cho biết “Công Đán có chuyện chép riêng”. Cái chuyện đã mất này của Lê Quí Đôn rất có thể ông đã mất này của Lê Quí Đôn rất có thể ông đã dùng bia thần đạo để bổ sung. Có khi sự chú ý của ông hướng vào sự khám phá những chi tiết thiết yếu trên bia để dùng cho chinhs tác phẩm của mình. Nhờ biết tìm tòi, khai thác ở bia thần đạo do Nguyễn Mộng Tuân soạn mà PBTL của Lê Quí Đôn có thêm chi tiết quan trọng về các trận đánh Chiêm Thành dưới thời Lê sơ, chi tiết về tài thao lược và uy dũng của Lê Chuyết, con người đã được vua coi như “Vạn lý trường thành” của Phương Nam nước ta.
c) Bia tiến sĩ: Bia này khởi đầu từ nhà Lê, Bản thân Lê Quí Đôn từng nhiều năm sống ở Thăng Long, nơi lưu giữ những bia tiến sĩ. Chính ông cũng có tên trên bia, lại từng làm công tác về văn hoá... Những điều đó hẳn góp phần làm ông có ý thức hơn trong việc sưu tầm, nghiên cứu bia tiến sĩ, sử dụng nó vào tác phẩm của mình. Có thể nhờ một phần ở đấy, KVTLN của ông đã có thể cung cấp cho chúng ta một lịch sử thi cử khá minh xác đặc biệt là của nhà Lê, kể từ thời Lê Trịnh trở về trước.
d) Bia Ma nhai: đó là loại bia khắc vào đá núi. Cũng như loại bia mà Nguyễn Trung Ngạn cho khắc “Kỷ công bi văn” đời Trần vào vách núi phủ TươngDương (Nghệ An) loại bia Lê Quí Đôn dùng vào sử học này thường được dựng ở vị trí quan trọng trên miền biên viễn. Ở PBTL“Hình thế núi sông...” cho biết Lê Quí Đôn có tới núi Thạch Bi ở phủ Phú Yên là chỗ “tiền triều phân địa giới với Chiêm Thành”. Lê Quí Đôn viết: “Núi này cao hơn các núi khác, Thánh Tông đánh Chiêm Thành (...) tác đỉnh núi, lập bia làm địa giới”. Là người từng công cán ở Thuận Hoá, có dịp trực tiếp thấy bia trên. Lê Quí Đôn có điều kiện tìm ra và sử dụng nó vào bộ địa phương chí về phương Nam của ông.
Để hiểu đầy đủ giá trị văn bia, Lê Quí Đôn thường quan tâm các vấn đề sau đây:
a) Về nội dung: Lê Quí Đôn hay chú ý đến phần lạc khoản, tức là chỗ đề ngày tháng, họ tên, quan chức tác giả. Ở KVTLN “Tùng đàm” Lê Quí Đôn tìm được chiếc bia do Đặng Ất, người Hà Nguyên, xã Phúc Hải, huyện Ngự Thiên soạn là căn cứ vào dòng lạc khoản sau: “Năm Đại chính thứ 2, người soạn bia là Đặng Ất hiệu là Thu Đệ làm Tham chính trong ty Thừa tuyên sứ ở Xứ Thanh Hoá”. Nhờ vậy, trongKVTLN có thêm những chi tiết về nhân vật họ Đặng ít người biết tới.
b) Về hình thức: Sách Niên phả công bộ Thượng thư Lê tướng công ghi: “Năm Quí Mùi (1763) Lê Quí Đôn theo chúa Trịnh lên động A (hoặc Nha) huyện Tống Sơn, thấy có bia đá, khắc chữ Phật, chữ lớn khoảng vài thước, nét chữ đứng đắn, cứng cáp, nhưng không ghi triều đại. Chúa hỏi không quan nào biết. Ông thưa: “căn cứ vào quốc sử, thần thấy đây là ngự bút của Lý Thánh Tông voà năm Thần Vũ thứ 3 (1071), trước ka đặt ở chùa Tiên Du sau chuyển lại đây”. Chúa Trịnh khen ông kiến thức rộng. Thực ra, đấy là nhờ ở trí nhớ tuyệt vời mà Lê Quí Đôn có những phát hiện dù chỉ qua từng nét, kiểu chữ, độ dài ngắn, tức là các mặt hình thức. Ông liên hệ hình thức của tấm bia với những ghi chép của quốc sử, từ đó phát hiện ra những điều mà người khác khó thấy. Cùng với việc sử dụng văn bia vào quốc sử, việc sử dụng quốc sử để tìm hiểu văn bia này thật là cần thiết.
Đinh Công Vĩ

------------

Chú thích:
(1) Lê Quí Đôn, VĐLN mục Âm tự, Nxb Văn hoá Hà Nội, năm 1962, tập 1, điều 75, tr.14 nói về chữ Lệ; điều 20, 21 tr.14-15 nói về chữ riêng một địa phương, điều 23 đến 95 từ tr.15 đến tr.27 nói về gốc chữ trong các thời đại các địa phương khác nhau ở ta, ở Trung Hoa và ngoại quốc, điều 96, 97 tr.27, 28 tìm hiểu chữ Thương Hiệt, triện, lệ, điều 98-107 từ tr. 28-33 nói về phép viết chữ, điều 110 đến 111 tr.34, 35 nói về khoa ấn loát.
(2) Lê Quí Đôn KVTLN Nxb KHXH Hà Nội, 1977, tr. 292 ghi rõ: “ở giữa ngọn núi (Tam Đảo) là núi Kim Thiên cao chót vót, ghềnh thác không biết bào nhiêu mà kể (...) Hoà đá khắc chữ “Địa ngục tự” ở trên ấy”.
(3) Xem Lê triều lịch khoa tiến sĩ đề danh bi ký, bản chữ Hán ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.107/ 1-2, xem quyển 4, tờ 38 chép văn bia của Lê Quí Đôn ở Văn Miếu (tài liệu của Lê Cao Lãng) có các bài: Văn bia khoa Giáp Tuất đời Cảnh Hưng 15 (1734), văn bia khoa Quí Mùi đời Cảnh Hưng 24 (1763), văn bia khoa Kỷ Sửu đời Cảnh Hưng 30 (1769)
(4) Xem Đối liên sao tập vẫn ở thư viện trên, ký hiệu VHv.1601, VHv 1187, VHb. 241 có phụ chép bài ký khánh đồng chùa Thanh Quang của Lê Quí Đôn.
   

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh