Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

MỘT SỐ CHỮ TRONG TRUYỆN KIỀU NÔM

THUrsday - 06/02/2014 08:46
MỘT SỐ CHỮ TRONG TRUYỆN KIỀU NÔM

MỘT SỐ CHỮ TRONG TRUYỆN KIỀU NÔM

Truyện Kiều là một kiệt tác văn học, cũng là một trong những tác phẩm cổ điển tồn tại nhiều vấn đề văn bản phức tạp nhất. Theo một thống kê được công bố(1) thì trong các bản “Truyện Kiều” đã ấn hành có tới gần 1.200 chỗ dị đồng. Những dị đồng này, có trường hợp là cả một đoạn dài, có khi là trọn một câu, nhiều hơn là những từ, những chữ do nhiều nguyên nhân khác nhau. Khôi phục lại bộ mặt vốn có của tác phẩm, hiệu đính được một văn bản gần nguyên tác nhất, đó là yêu cầu đối với công tác văn bản học Truyện Kiều. Để đạt tới mục đích đó, một việc soát xét lại những câu chữ còn “có vấn đề” trong Truyện Kiều có lẽ cũng là điều bổ ích:





Dưới đây, chúng tôi muốn trở lại một vài chữ đã được nhiều người chú ý.
1. Câu thứ 8: “Phong tình cố lục còn truyền sử xanh”.
Chữ “cố” trong câu này, ở hầu hết các bản Nôm như Liễu Văn Đường, Tự Đức 24 (1871); Thịnh Mỹ Đường, Kỷ Mão (1879); Đề My Sen (1884); Kiều Oanh Mậu (1902); Quan Văn Đường, Thành Thái, Bính Ngọ (1906); Quan văn Đường, Quý Hợi (1923); Liễu Văn Đường, Giáp Dần (1914); Phúc Văn Đường, Mậu Ngọ (1918), Quý Hợi (1923), Kỷ Mão (1939) v.v… đều khắc là “cố” 固 chỉ có 1 bản Nôm của hiệu Phúc An in lại năm Quý Dậu (1933) khắc là “cổ” 古.
Chúng ta hãy xem các bản Quốc ngữ phiên như thế nào mà chữ “cố” đó: bản Trương Vĩnh Ký ( 1875) và bản Đề My Sen (1884) phiên là “Phong tình có lúc”. Bản Tản Đà (1941), bản Nguyễn Văn Tố (trên Tri Tân, 1942), bản Viện Văn học (1965) phiên là “Phong tình cố lục”. Các bản Noóc đơn man (1897), Nguyễn Văn Vĩnh (1912), Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim (1925) đều tin từng đôi chữ một trong gạch nối “phong tình cổ lục” hoặc trong ngoặc kép nhỏ “phong tình cố lục”. Các sách quốc ngữ về sau và cho đến bản Truyện Kiều của Thạch Giang gần đây nhất (1972) phần nhiều đều phiên là “cổ lục” và hiểu là một pho sách phong trình cổ.
Xét về mặt tần số xuất hiện, thì trong trường hợp này, có thể nói là mã chữ 固 được sử dụng nhiều lần. Chữ này đọc theo âm Nôm hay âm Hán Việt đều không thể là đọc là “cổ” – không thể có một việc làm ngược đời là sử dụng một mã chữ phức tạp hơn, âm đọc sai lạc hơn đề ghi âm một chữ đơn giản như chữ “cổ” 古 được.
Mặt khác, theo cách đọc chữ Nôm, chữ “cố” có thể coi là “có”. Nhưng vì sao chúng tôi chưa thể đồng tình với cách đọc là “có” trong trường hợp này? Theo chúng tôi, một từ Nôm “có” trong tổ hợp 4 chữ “phong tình có lục” vừa gây sự mơ hồ về ý nghĩa, vừa không phù hợp với phong cách sử dụng tổ hợp 4 chữ Hán trong Truyện Kiều như “Bỉ sắc tư phong”, “phong tư tài mạo”, “tài tử giai nhân”… “quyết kế thừa cơ”, “lễ tiên tập hậu, khắc cờ tập công”…
Nhưng nếu ta đọc là “phong tình cố lục” thì vấn đề sẽ được sáng tỏ: về ý nghĩa “Phong tình cố lục” có nghĩa là “một pho sách phong tình cũ” cố, nghĩa cũ là cũ, bản Kiều của cụ Nghè Nguyễn Khai ở Tiên Điền cũng ghi: “Cố lục, cổ lục giã” (cố lục nghĩa là cổ lục). Về cách dùng: “Phong tình cố lục” là một tổ hợp 4 chữ Hán, làm chủ ngữ trong cả câu: “phong tình cố lục truyền sử xanh”.
2. Câu 78:
Vùi nông một nấm mặc dầu cỏ hoa 
(Hoặc Bụi hồng một nấm hoặc dầu cỏ hoa)

Phần lớn các văn bản cổ như: Quan Văn Đường, Liễu Văn Đường, Phúc Văn Đường, Trương Vĩnh Kỳ, Bùi Kỷ – Trần Trọng Kim v.v.. đều ghi là “vùi nông”. Bản Kiều Oanh Mậu và Tản Đà sửa là “bụi Hồng”. Tản Đà chú rằng: “Hai chữ “Bụi hồng” đầy chỉ là lời văn lịch sự, nói cái mả chôn ở bên đường. Có nhiều bản đề là “Vùi nông” thời gian mất cả vẻ hay mà lại thành ra cái tình của người khách không có trung hậu. Sự sai lầm đó rất có hại đến văn lý…”.
Kiều Oanh Mậu thì dè dặt hơn, chú thích như sau: “… “Bụi Hồng” có sách chép là “vùi nông” thì cũng thông. Nhưng ba chữ “tử”, “châu” và “hông” đối chiếu với nhau là nghệ thuật nhà văn”.
Các nhà nghiên cứu lỗi lạc như Kiều Oanh và Tàn Đà đã nhận định như vậy, dễ dẫn đến đồng thình của thế hệ sau. Từ đó các bản Quốc ngữ đều chép theo Tản Đà, kể cả Truyện Kiều của Viện Văn học 1965 và Truyện Kiều của Nguyễn Thạch Giang cũng đều chấp nhận chữ “bụi hồng” và chú nghĩa như sau: “bụi hồng” là do chữ hồng trần; chỉ đời thế lục bụi bặm, nơi phồn hoa náo nhiệt. Đây nấm mồ của khách hồng nhan còn lưu lại trong cõi hồng trần gió bụi”.
Trước hết xét về tần số xuất hiện chữ “vùi nông” đã xuất hiện trên đa số văn bản và đặc biệt là các văn bản cổ như Liễu Văn Đường (1871), Quan Văn Đường Bính Ngọ (1906) v.v… Ngay cả Kiều Oánh Mậu cũng công nhận rằng: “ Có sách chép là vùi nông thì cũng thông…” còn Tản Đà cũng ghi: “Nhiều sách chép là vùi nông..”
Vậy thì chữ “vùi nông” có đúng là “sai lầm” có hại cho văn lý” như Tản Đà nói không? Khi nói tới việc chôn cất cho người đã khuất trongTruyện Kiều còn dùng chữ “thiên thổ”:
Xin cho thiền thổ một đôi
Gọi là đắp điếm lấy người tử sinh(2)

Câu này các bản Kiều Oánh Mậu, Bùi Kỷ – Trần Trọng Kim, Quan Văn Đường Bính Ngọ (1906) đều chép như vậy. Một số bản khác chép lầm thành “tiện thổ” (Trương Vĩnh Ký), Liễu Văn Đường chép là “tiện sĩ”. Chúng ta có thể hiểu được sự biến đổi văn bản này. Vì tự dạng chữ “thiền” dễ nhầm thành “tiện” và chữ “thổ” dễ nhầm thành “sĩ”. Theo Kiều Oánh Mậu đã chú trong Đoạn trường tâm thanh và theo bảnThuý Kiều tường chú của Thúc Viên Lê Mạnh Liêu xuất bản ở Sài Gòn năm 1966, thì Nguyễn Du đã dịch câu “xin cho thiên thổ một đôi” … từ nguyên lục câu Hán trong Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân: “Kiều vân dĩ nhất phầu thiên thổ yềm kỳ hài cốt..” (Kiều rằng xin cho một nắm đất nông để chôn cất hài cốt…)
“Thiên Thổ” (đất nông) trong Truyện Kiều hay “nhất phần thiền thổ” (một nắm đất nông) trong Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân đều là từ ước lệ, dùng để chỉ mồ mả, hoặc chỉ việc chôn cất người đã khuất. Và chữ “vùi nông” trong câu “vùi nông một nấm mặc dầu cỏ hoa” là xuất phát từ các chữ “nhất phần thiên thổ” đó mà ra, chỉ việc mai táng chôn cất cho Đạm Tiên, hoàn toàn không có nghĩa là chôn nông hay chôn sâu, cũng không có hàm ý gì là bạc tình hay hậu nghĩa. Nếu nói như Tản Đà thì việc Kiều xin cho Từ Hải “thiên thổ một đôi” cũng là không trung hậu với Từ Hải hay sao?
Vì những lý lẽ trên chúng tôi đề nghị trả lại cho chữ “vùi nông” trong văn bản Truyện Kiều ý nghĩa đích thực của nó và thanh minhh cho sự oan uổng của nó trước những phê phán có phần chủ quan của Tản Đà.
3. Câu 99:
Ngày xuân con én đưa thoi 
(Hoặc: Tiết vừa con én đưa thoi)

Các bản Kiều Nôm như Quan Văn Đường, Liễu Văn Đường, các văn bản mang ký hiệu VNb. 10, VNb. 9, Vnb. 60, Vnb. 27… trong kho sách Hán Nôm đều chép là “tiết vừa con én đưa thoi” bản Kiều Oánh Mậu, Tản Đà và các bản chép về sau này như bản VNb.12, Chép thời Bảo Đại, bản Kiều khắc năm Khải Định 9 sửa là “ngày xuân”. Riêng bản Trương Vĩnh Ký chép là “mùa xuân”, các bản Quốc ngữ đều phiên theo Kiều Oánh Mậu và Tản Đà.
Chữ “tiết vừa” xuất hiện trên nhiều văn bản cổ và các bản khác theo bản Phường. Hai chữ này theo chúng tôi, có khả năng gần nguyên tác nhất.
Sách xưa có chép: Một năm có 4 mùa, và 8 tiết và 24 khí, Mùa xuân có 2 tiết Lập xuân và Xuân Phân. Tiết lập xuân có 2 khí: Vũ thuỷ và Kinh trập. Tiết Xuân phần có 2 khí: Thanh Minh và Cốc vũ. Sách Cầm kinh chép: “Xuân phân yến phi xuất, Thu phân yến phi nhập”. (tiết xuân phân là lúc chim én hay ra [khỏi tổ]; Tiết thu phân là lúc chim én bay vào [tổ] Thế thì “tiết vừa con én đưa thoi” tức là đúng vào tiết xuân phân là lúc chim én bay ra khỏi tổ vào nhào liệng trên trời như thoi đua vậy. Nguyễn Du là một bài thơ tinh tế, và hiểu rộng, ông dùng từ có cân nhắc, chọn lọc. Trong cả đoạn thơ:
Tiết vừa con én đưa thoi, 
Thiều quang chín chục đã ngoài bảy mươi 
Cỏ non xanh tận chân trời 
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa 
Thanh minh trong tiết tháng ba
 v.v…

Tất cả mọi từ ngữ đều tập trung mô tả thời tiết vào lúc Xuân phân ấy. Vì thế theo chúng tôi, nên chọn chữ “tiết vừa” thay cho chữ “ngày xuân” bởi chữ “tiết vừa” nó có giá trị mô tả chính xác của nó trong trường hợp cụ thể này.
Trương Lệ Nga


CHÚ THÍCH
(1) Xem Truyện Kiều, Nxb Văn học, H., 1965.
(2) Truyện Kiều, câu 2561 - 2562.

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh