Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

TÌM HIỂU VIỆC SƯU TẦM VÀ BÌNH LUẬN SỬ SÁCH TRONG QUẦN THƯ KHẢO BIỆN CỦA LÊ QUÝ ĐÔN

WEDnesday - 09/12/2015 12:19
Bài viết của Tiến Sĩ Đinh Công Vĩ
Đinh Công Vĩ

Đinh Công Vĩ

Quần thư khảo biện (QTKB) là tác phẩm nổi tiếng nhất trong số những sách bình luận về lịch sử nước ngoài của Lê Quý Đôn. Quan Bộ lễ Trung Hoa đời Thanh là Tần Triều Vũ từng ca ngợi: “Tôi thấy QTKB từ Hạ Thương đến Đường Tống đều được bình luận và viết thành sách tới vài trăm điều, thường thường nắm được cái khe hở của sách xưa…”
Lê Quý Đôn cũng nêu lý do viết cuốn sách ấy ở lời tựa: “Các sử sách từ đời tam đại trở xuống đến Tống Nguyên… ghi chép lại nhiều… Các học giả phần nhiều cho sử là mối thừa… chú thích qua loa, lời bàn cũng không gợi ý cho người đọc được mấy… Những bậc quân tử đời sau muốn khảo cứu những việc thịnh suy trị loạn để nêu gương điều hay, răn đe điều dở theo đâu mà phân biệt được? Tôi thuở nhỏ học ở nhà, sau được học các bậc danh nho, nên sách vở các đời trước nay cũng nắm được chỗ trọng yếu. Thời gian vừa qua độc sử truyện xưa nay và có chí về mặt này. Mỗi khi xem đến tài đức của các bậc tướng võ tướng văn thì đem lòng kính mộ, tưởng tượng đến đức nghiệp lớn lao của họ mà phấn chấn… Lại mỗi khi xem đến những dấu vết cùng những việc gian tà ở đời suy loạn thì lòng không khỏi buồn rầu, than tiếc. Bèn đem ý nông cạn của mình, tưởng tượng tình cảnh, nêu những nét chủ yếu, rồi đánh bạo bàn bạc, tùy bút chép ra”.
Như thế hẳn Lê Quý Đôn là người “nắm được khe hở”, là người dồn hết tâm huyết để “bàn bạc”, để “bình luận” sử sách thời xưa. Tấm gương của ông với những việc sưu tầm, bình luận đó hẳn có nhiều điều tâm đắc, gợi mở để chúng ta đi sâu tìm hiểu.
Về sưu tầm sử sách, trong lời tựa QTKB, Chu Bội Liên, Đề đốc học chính Quảng Tây ghi: “Nếu không nghiên cứu các chính sử, tham khảo các dật sử rồi xem rộng ra những lời bàn bạc về các sử sách của các tiên nho thì lấy đâu mà khảo biện, để châm chước, đi đến chỗ đúng đắn nhất ? Tôi xem lại sách này (chỉ QTKB) từ Hạ Thương Chu tới hai đời Tống thấy ông xem xét sự thay đổi các triều đại thật sâu lắm”.
Có thể thấy tư liệu Lê Quý Đôn sưu tầm trong sử sách Trung Hoa để “khảo biện” là khá toàn diện, không bỏ sót từ sử chính thống cung đình tới sử dân gian, từ chính văn tới lời bàn v.v…
Chính sử gồm những gì ở sách này? Trong lời tựa QTKB Tần Triều Vũ chỉ rõ: “Sách Thượng Thư là ông thủy tổ của các sử, sách Xuân thu là ông tông của các sử, sách Tả truyện, sách Quốc ngữ, sử họ Ban, họ Mã trở xuống là con cháu, dòng dõi của các sử vậy”. Lê Quý Đôn bổ xung thêm: “Nói về sách kỷ truyện thì coi trọng Sử ký, Hán thư;nói về biên niên thì coi trọng Thông giám cương mục”. Có thể thấy những chính sử sưu tầm cho QTKB gồm Thượng thư, Xuân thu, Tả truyện, Quốc ngữ, Hán thư, Sử ký, Tư trị thông giám của Tư Mã Quang, Cương mục của Chu Hy. Ngoài ra, trong QTKB còn nói đếnThục chí của Trần Thọ ghi chép chủ yếu về nước Thục đời Tam Quốc. ở QTKB, Lê Quý Đôn bàn nhiều về các đời Tam Quốc, Tấn, Lục Triều, Đường, Tống nên dù ông nói hay không nói đến tên sách thì ông vẫn cứ phải tìm đến các pho chính sử in đời Minh rất phổ biến nằm trong Nhị thập nhất sử như Hậu Hán thư, Tam quốc chí, Tấn thư, Tống thư, Bắc sử, Đường thư Ngũ đại sử …
Còn “Dật sử” là loại sử lưu truyền trong dân gian, do dân gian tự viết, như tản mát không đủ, cũng có khi do một tác giả cụ thể ghi lại những việc mà chính sử bỏ sót. Như sách Bắc mông toả ngôn của Tôn Quang Hiến đời Tống ghi dật sử từ cuối Đường đến Ngũ đại. Hẳn sách này cũng là một trong những đối tượng sưu tầm cho QTKB.
Ở QTKB còn nói tới sách Nhan môn dã thuyết của Thiệu Tử. Đó cũng là một loại dật sử bổ sung cho truyền thuyết về việc Tào Bân đánh Giang Nam mà chính sử “quá khen”, không nói đủ sự thực về sự tàn phá của đội quân do viên tướng đời Triệu Tống gọi là “nhân hậu” này chỉ huy. Lê Quý Đôn đã sáng suốt và mạnh bạo tìm ra mặt trái đó bổ sung cho sử truyền thống phương Bắc.
Phương pháp sưu tầm thận trọng và sâu rộng của Lê Quý Đôn còn thể hiện ở chỗ khi sưu tầm sử sách, ông không chỉ chú ý tới các sự kiện của chính sử, mà còn chú ý tới các lời bàn liên quan tới sự kiện đó. Trong lời tựa QTKB, ông viết: “Các nhà nho, các học giả thời này thường thích lời lẽ hay… Các lời bình luận cũng không làm cho người sáng tác. Trừ các sách Quảng kiến của Trí Đường, Đường giám của Thuần Phu, Thư pháp của Hữu Ích, Phát minh của Khởi Sầm, còn thì phần nhiều khô khan hủ bại cả”.
Về việc bình luận sử sách, tuy Lê Quý Đôn có nói: “tùy bút chép ra”, nhưng trên thực tế, những lời bình luận của ông không hề tỏ ra dễ dãi. Bởi vì tất cả các sự kiện, dẫn chứng, phân tích của Lê Quý Đôn trong QTKB đều xoay quanh sự kết hợp giữa “lý” và “thế” , một sự kết hợp mà ông đã vận dụng khi phẩm bình con người và sự việc lịch sử. Tư tưởng chủ đạo đó xuất phát từ chính những nhận thức của Lê Quý Đôn thể hiện ở bài bạt QTKB: “Trong thiên hạ không ngoài ‘lý’ và ‘thế’ ”. Hai việc ấy vẫn thường nương tựa nhau. Biết “lý” mà không biết “thế” thì không đủ làm nên việc. Biết rõ “thế” mà không biết “lý” thì không thể xây dựng được công việc”. Ông còn nói: “Khi biên duyệt sử truyện, các việc yên, nguy, thành, bại, lành, dữ, khéo, vụng, dấu tích cũ rất phức tạp. Các việc xử trí của người xưa, có khi hoạn nạn xẩy ra ở chỗ không biết làm cho kịp thời, có khi sinh ra tai vạ vì cái thời chưa đáng làm mà đã làm. Sở dĩ xẩy ra như thế chỉ vì không xác định được cái “lý” và cái “thế” ở ngay trước mặt vậy”.
Đề học Quảng Tây Chu Bội Liên cũng từng có nhận xét về phương pháp bình luận lịch sử của tác giả QTKB: “Lê Tử Khiêm cả “lý” và “thế” để bình luận sự việc lịch sử và Lê Tử” xem xét thế biến rất sâu sắc.
Vậy “lý” là gì? “thế” là gì ?
Trong lời giới thiệu Vân đài loại ngữ (VĐLN), Giáo sư Cao Xuân Huy cho rằng: Lê Quý Đôn sát nhập “lý” vào trong “khí”, đem “lý” làm một thuộc tính của “khí”. Cái thuộc tính ấy là gì? Nếu dùng thuật ngữ ngày nay thì đó là tính quy luật. “Lý” là tính quy luật của “khí”, của vật chất. Lê Quý Đôn không dùng những danh từ quy luật, định luật, nhưng trong tư tưởng của Lê Quý Đôn đã có những khái niệm ấy... Trong VĐLN ông dùng tiếng “thường độ” chỉ quy luật. Như ở “Lý khế” điều 21 trong sách đó, ông viết: “Nhật thực có thường độ”. Tức là “nhật thực” có “quy luật”. Điều này cũng tương đương với cái mà Descartes gọi là “lẽ phải”. Trong QTKB, Lê Quý Đôn gọi nó là “thiên lý”, “Chính lý”, “thiên vận”, “thiên đạo”. Còn “thế” nằm trong ba quan điểm cơ bản của phái Pháp gia: “Pháp”, “thuật”, “thế” mà Nho học đã dung nạp vào bản thân nó. ở Lê Quý Đôn “thế” có nội dung bao quát hơn cái nghĩa “quyền thế” theo cách hiểu của Pháp gia. Qua QTKB, “thế” chủ yếu thể hiện ở mặt cơ bản như chủ trương xây dựng thực lực tạo thành thế mạnh. “Thế” ở đây là xu hướng, xu thế phát triển của sự vật, của xã hội. Người ta căn cứ vào xu hướng, xu thế ấy, ở những thời điểm, thời cơ nhất định, chuyển bại thành thắng, chuyển yếu thành mạnh. Đó là những việc “tìm thế”, “lập thế”, “giành thế” hay là xây dựng thực lực. Mỗi quan hệ hay là “sự kết hợp” giữa “lý” và “thế” của Lê Quý Đôn trong QTKB như thế có nghĩa là con người trên cơ sở nắm được quy luật, hiểu được “thiên lý” “thiên đạo”, “thiên vận” phải hoạt động sao cho hợp với thời thế, với xu thế phát triển của sự vật, của xã hội, nắm lấy thời cơ thuận lợi mà hoạt động. Việc phẩm bình các nhân vật lịch sử, sự kiện, việc xem xét các thế biến trong QTKB từ nội dung đến hình thức đều xoay quanh tư tưởng chủ đạo đó.
Sáng suốt nhìn thấy và tuân theo xu thế diễn biến tất yếu của sự vật, nên trong việc bình luận sử sách, Lê Quý Đôn hay chú ý tới tính khách quan vượt lên trên chủ quan. Như ông nói: “Nghị luận là cốt lợi cho nước, bất tất phải hợp ý mình”.
Không những vậy, nhà bình luận cũng cần có tầm mắt sáng suốt để nhìn ra “then chốt” của vấn đề nữa. Chuyện Ngụy Trưng can ngăn Đường Thái Tông “điểm binh” mà Lê Quý Đôn diễn tả trong QTKB đã thể hiện điều đó: “Tát nước sông để lấy cá dẫu rằng được nhiều cá nhưng sang năm không còn cá nữa; đốt rừng để săn bắn, dẫu rằng được nhiều thú, nhưng sang năm không còn loài thú nữa. Nay con trai dù chưa đến 18 tuổi cũng điểm vào ngạch quân thì thuế dung thuế điệu sang năm còn thu vào đâu được”. Chính Ngụy Trưng đã xuất phát từ xu thế phát triển của sự vật, chứ không phải chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, nói về cái lợi trước mắt như vua Đường. Mặt khác, với một đối tượng chí tôn, đầy kiêu hãnh như vua Đường, Ngụy Trưng phải có lối nghị luận cụ thể như thế nào để thuyết phục. Đây là vấn đề rất tế nhị. Lê Quý Đôn đã phân tích cụ thể lối nghị luận của con người nhìn xa thấy rộng mà lại tế nhị này: “Xuất từ bản ý, Ngụy Trưng chỉ cốt tính cho nước đủ dùng, không biện bạch đến điều gian dân dối trá. Do đó, trước đã động đến lòng Thái Tông, sau đập vào chỗ thất tín để mở dần manh mối, rồi kể rõ sự thực, lời lẽ ôn hòa, rõ ràng, phân tích làm cho người làm vua phải vui lòng nghe theo”.
Đi vào nghệ thuật thuyết phục đối tượng, Lê Quý Đôn chú ý đến các thủ pháp nghị luận quan trọng như:
Lối liên hệ so sánh: QTKB cho thấy các nhà nho đời sau thường lên án việc Đường Thái Tông chấn chỉnh binh nhung để đánh địch. Để chứng minh việc làm của vua Đường là đúng, Lê Quý Đôn đã dẫn các sự kiện đời Tam đại ra liên hệ: “Xưa kia Chu Công bảo Thành Vương: “Chỉnh bị nhung phục, binh khí để tới các nơi có dấu tích của Hạ Vũ, đi khắp thiên hạ, đến tận ngoài bể”. Thiện Công bảo Khang Vương: “Chấn chỉnh các quân”. Kinh Thư khen: “Chu Công biết vỗ về muôn nước, đi tuần các chư hầu, đánh các nước không đến chầu”. Từ những tấm gương lặp đi lặp lại của quá khứ ấy, một chân lý dường như thật hiển nhiên: Muốn giữ được thế nước vững phải xây dựng thực lực. Tức là phải chấn chỉnh binh nhung để đánh địch, tự bảo vệ mình.
Cùng với lối so sánh hành động với hành động, Lê Quý Đôn còn chú ý tới lối so sánh lời nói với lời nói. ở QTKB, ông từng đối chiếu hai loại lời nói: một bên là lời nói đầy “khí tượng to lớn” của Đường Thái Tông “Trẫm nay đang định quét sạch nơi sa mạc, lý nào lại bắt dân khó nhọc để ra nơi biên ải đắp thành” và một bên là lời nói dùng dằng không quả quyết, thể hiện trong nhiều dự kiến mà không đi đến đâu của bọn vua tôi nhà Tống: “Nào Linh Châu nên bỏ hay nên giữ ? Nào ba trấn nên cho hàng hay không? Nào bên hòa với nước Kim hay không nên hòa? “Hai cách nói mang hai xu hướng đối lập nhau ấy sẽ dẫn tới hai hệ quả, hai hành động và kết thúc khác nhau: Nhà Đường thì xây cái thành thu hàng để tiếp thu kẻ địch hàng, còn nhà Tống như kẻ “làm nhà bên đường, ba năm không xong”.
Phù hợp với lối nghị luận bằng liên hệ so sánh đó, Lê Quý Đôn chú ý hơn trong việc sử dụng loại văn cô đúc, mạch lạc, thể hiện rõ nhất ở cách vào đề của ông. Như ở QTKB khi bàn về quyền lực nhà Chu, ông viết: “Đời cho rằng nhà Chu suy yếu vì các nước chư hầu”. Để phân tích vấn đề quyền lực nhà nước, ông đặt câu hỏi: “Cái cội gốc của nhà nước cốt ở đâu”. Và ông trả lời ngay: “Cái cội gốc của nhà nước là ở dân, cái mệnh mạch của nhà vua là ở dân”. Để góp phần khẳng định, làm nổi bật cái gốc ấy, Lê Quý Đôn so sánh thêm: “Còn như bầy tôi cường quyền nổi loạn trong nước, cừu địch lo ở ngoài đều chưa đáng sợ lắm”. Theo ông thì các cuộc khởi nghĩa nông dân ở Trung Hoa (như khởi nghĩa của Địch Nhương, Hoàng Sào...) đã cho thấy thế nào là sức mạnh “chở thuyền” và “lật thuyền” của dân, và chính điều này có ý nghĩa quyết định “mệnh mạch” của vua. Lối nghị luận khúc chiết, mạch lạc ấy của ông bắt nguồn từ sự nhận thức minh bạch, chính xác, luôn luôn nhìn thấy xu hướng phát triển tất yếu của sự vật. Chẳng hạn, Lê Quý Đôn đã nhìn thấy một cách chính xác cái thế “đất lở” làm bùng lên các cuộc vùng dậy của nông dân Trung Hoa. Nhìn thấy căn nguyên “đất lở” là do sự bất bình phổ biến của dân chúng, đã được Lê Quý Đôn diễn tả, cô đọng trong đoạn văn sinh động sau: “Một người đứng dậy, trăm người hùa theo, nơi nơi bùng nổ không ai ngăn cấm được. Do đó mà cái thế “đất lở” dần dần hiện ra”. Lê Quý Đôn còn sử dụng lối văn tranh luận linh hoạt. Có khi ông lật đi lật lại vấn đề, phân tích nêu giả thiết, đưa ra những trường hợp ngoại lệ, từ đó bác bỏ dần dần từng lý lẽ của đối phương. Như ở QTKB (phần Xưa nay muốn làm nên nghiệp vương bá), để bác bỏ lý lẽ của “tiên nho”, những kẻ tự thuật theo ý mình về mưu lấy thiên hạ, chê Đường Cao tổ và Đường Văn Hoàng là không biết dùng mưu lược ấy, Lê Quý Đôn viết: “Theo ý tôi thì sự qui hoạch của người anh hùng và kiến thức của họ Hồ chính là cái mà Đường Văn Hoàng không thèm đếm xỉa đến. Vì rằng cứ giữ lại bến Tầm Dương, đó tức là thuyết của Bùi Tịch, bảo đem binh về nơi căn bản, thuyết ấy Văn Hoàng đã hết sức bác bỏ. Vả lại, việc chia quân thành hai kinh thì lại càng tỏ ra không biết binh pháp. Việc dùng binh tốt nhất là hợp binh lại mà điều kỵ nhất là chia quân ra đánh một thành có phải là việc dễ đâu. Bức thành chót vót muôn đợt không thể nào hạ ngay trong chốc lát được. Huống chi đô thành nhà tùy về số quân có yếu ớt. Sở dĩ Văn Hoàng quyết ý đem quân sang phía Tây chỉ vì dựng Đế tuần du lâu ở ngoài, ủy lệnh không tiếp đến được, những người lưu thủ mỗi người một ý, không ai đứng ra chủ trương, cho nên nắm lấy chỗ sơ hở mà đánh. Nếu đem quân vào khoảng giữa hai kinh, chia ra đông tây hai mặt thì cả đầu đuôi bị khiên chế, cả đằng lưng và đằng bụng đều bị đánh dồn lại. Đó chính là nơi mà Tôn Tử gọi là nơi giao nhau, xung yếu, tất bị thất bại. Khi ấy, Lý Mật thanh thế cũng đã thịnh lắm, chỉ vì không đem binh đến Lạc Dương, để binh đóng lâu nơi khách địa, không có căn bản đáng tin cậy, cho nên kết cục bị bại vong, khi nào Văn Hoàng chịu dùng kế sách ấy. Về thuyết đem quân thẳng đến đất Dương Châu lại càng không thực hành được. Dựng Đế dù đại ác, nhiều tội lỗi, nhưng đã cầm quyền thiên hạ 13 năm, không phải là hạng yếu hèn dễ đánh đổ ngay được, nếu hắn nghe quân Đường kéo xuống phía Nam, nhất định không bó tay chịu chết”...
Trái lại, cũng có khi Lê Quý Đôn nêu trực diện quan điểm của đối phương mà không cần quanh co. Trở lại thí dụ ở phần “Đời cho nhà Chu suy yếu” mà trên kia chúng ta đã đề cập, Lê Quý Đôn viết: “Đời cho rằng nhà Chu suy yếu vì các nước chư hầu, nhà Đường mất nước vì phiên trấn”. Nêu lên như vậy là để rồi tiếp đó, ông tấn công dồn dập đối phương bằng những ý kiến đối ngược lại: “Nhưng không biết rằng nhà Chu mà lâu dài được chính là nhờ phiên trấn giúp đỡ. Nhà Đường Trung hưng được chính là nhờ phiên trấn duy trì vậy”. Để thêm sức nặng cho lập luận của mình, Lê Quý Đôn đặt giả thiết ngược lại bằng những điển tích đầy hình tượng: “Nếu không có chư hầu thì cái nạn Trệ ấp, Ly Sơn, cái nạn Thúc Đái, Tử Triệu, nhà Chu đã mất nước rồi; nếu không có phiên trấn thì cái loạn An Sử, Chu Tỷ, cái giặc Thổ Phồn, Hoàng Sào, nhà Đường đã mất thiên hạ rồi”.
Trong thông sử, Lê Quý Đôn không hay dùng thán từ, nhưng ở đây, trong QTKB ông lại hay dùng thán từ, những từ vừa mang sắc thái biểu cảm vừa đầy ý nghĩa như: “Than ôi, cứ theo thời ấy nên có sự đổ nát, thế nước suy yếu là không sao nâng lên được...”. Một thán từ “than ôi” này vừa là sự đả kích, vừa là thái độ, cảm khái của nhà sử học với sự việc trong sử đời Tống...
Chẳng những thán từ, các câu hỏi Lê Quý Đôn đặt ra cũng góp phần bộc bạch nội tâm, tỏ thái độ. Chẳng hạn để phê phán quan niệm của các nhà Nho về việc đánh kẻ có tội: “Tiếng tăm lừng lẫy thì mọi quân giặc tự nhiên phải phục”, ông nêu câu hỏi: “Đâu có lẽ chỉ cần nêu cái danh mà đánh kẻ có tội để cứu dân thì cứ việc ung dung chỉ trỏ là tự nhiên giặc đầu hàng?” Hay để phê phán tư tưởng “dùng binh lâu thì có lợi”, Lê Quý Đôn hỏi đáp ngay: “Đó chẳng phải là cái tai hại cùng binh lâu ngày đó ư ?”.
Không cứ gì câu hỏi hay thán từ, một hình tượng liên hệ sinh động cũng có tác dụng thuyết phục như vậy. Khi chế riễu Vương An Thạch “giúp Tống Thần Tông tính việc mưu đánh nước Liêu để khôi phục đất cũ ở Châu Yên, Châu Vân..., Lê Quý Đôn vẽ lên trước mắt ta hình tượng “mặt trời đúng ngọ rồi thì sẽ xế bóng, mặt trăng đã tròn rồi thì phải khuyết” và ông nói “Đó là Đạo trời vậy”. Theo ông, nhà Tống “thái bình đã hơn 100 năm rồi, thế là rất thịnh. Thịnh thế dần dần lại suy yếu. Đó là quy luật tự nhiên... Nay Vương An Thạch “lại khuấy động lên...”
Ngọn bút của Lê Quý Đôn có lúc tung hoành, mở ra trước mắt chúng ta một không gian và một thời gian rất rộng: khi thì ông hướng chúng ta vào hàng trăm chủ đề lịch sử trên nước Trung Hoa bao la, khi thì ông vượt ra ngoài nước này, nói tới những vùng đất Hung Nô, Triều Tiên... Đang nói về phép “trận thường”, về “binh nhung vạn toàn” đời Tống, bỗng ông liên hệ ngay với “An Nam hành quân pháp” đời Lý ở nước ta.
Cho nên, với lối văn tranh luận linh hoạt trên, dù QTKB không đi ra ngoài sự “kết hợp lý - thế”, dù nó phản ảnh thực tiễn không tô vẽ, văn phong của nó vẫn tràn đầy hào khí, lối biện luận của nó vần mang sắc thái của văn hùng biện.
Đến đây, thì chúng ta có thêm những cơ sở để hiểu được vì sao Hồng Khải Hy, sứ giả Triều Tiên, khi nói về QTKB đã phải khâm phục thốt lên: “Thực là kiến thức rất mực vượt lên nghìn đời”. Họ Hồng coi QTKB là “áng văn tuyệt kỳ trong vũ trụ”.
Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh