Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

VỀ NĂM SINH NĂM MẤT CỦA NGUYỄN KIỀU

THUrsday - 11/01/2018 10:12
Bài viết của Nguyễn Thị Nguyệt


Nguyễn Kiều hiệu Hạo Hiên, người xã Phú Xá, huyện Từ Liêm (Hà Nội). Đời Lê Dụ Tông, năm ất Mùi, niên hiệu Vĩnh Thịnh 11 (1715), ông đậu Tiến sĩ. Sau khi thi đỗ, ông được cử làm Tri phủ xứ Thừa Tuyên, rồi chuyển đến trấn Tuyên Quang, sau về Kinh làm Nhập thị Bồi tụng phó Đô ngự sử, tước Bá.
Mùa thu năm Nhâm Tuất, Cảnh Hưng 3 (1742), ông giữ chức Chánh sứ sang sứ nhà Thanh(1) , cùng đi có Nguyễn Tông Khuê làm phó sứ(2). Khi về, hai ông có tập thơ Sứ hoa tùng vịnh lưu hành ở đời.
Năm 1748, Nguyễn Kiều được cử làm Đốc đồng trấn Nghệ An. Tương truyền, trên đường theo chồng vào miền Trung nhậm chức, bà Đoàn Thị Điểm (vợ ông) đã lâm bệnh và mất vào mùa thu năm đó.
Đến nay sách vở ghi chép về thân thế sự nghiệp Nguyễn Kiều còn ít, năm sinh, năm mất, các sách ghi không thống nhất:
- Từ điển văn học Việt Nam(3) và Từ điển nhân vật lịch sử(4) đều cho biết ông Nguyễn Kiều sinh năm 1694, năm mất 1771.
- Lược truyện các tác gia Việt Nam(5) và Tìm hiểu kho sách Hán Nôm(6) cho biết Nguyễn Kiều sinh năm 1695, mất năm 1751.
- Lê Quý Đôn(7) và Bà Điểm họ Đoàn(8) , ghi: Nguyễn Kiều (1695 - ?).
Tạp chí Hán Nôm(9) ông Nguyễn Xuân Diện ghi: Nguyễn Kiều (1694 - ?).
Qua sự ghi chép chưa được nhất quán của các tài liệu trên đây, chúng tôi thấy cần đóng góp tư liệu để làm rõ năm sinh (1694 hay 1695 ?) và năm mất (1751 hay 1771 ?) của Nguyễn Kiều.
1. Về năm sinh:
- Sách Phú Xá Đô đài quan(10) kí hiệu A.1605 (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) ghi: “ông sinh giờ Hợi ngày mười bảy năm ất Hợi, niên hiệu Chính Hòa thứ 16 (1695). Mất năm Tân Mùi (1751), thọ năm mươi bảy tuổi” (công ất Hợi niên Chính Hoà thập lục niên thập thất nhật Hợi thời sinh. Tân Mùi niên ngũ thập thất tuế tốt ).
- Sách Lịch triều đăng khoa lục (kí hiệu VHv.289/2), Lịch triều đăng khoa bị khảo (kí hiệu A.485/1); Phú Xá Đô đài qua n (A.1605) đều ghi: “Năm ông 18 tuổi, khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Vĩnh Thịnh 8 (1712), thi một lần đậu giải nguyên. Năm 21 tuổi, khoa ất Mùi, niên hiệu Vĩnh Thịnh 11 (1715) đậu Tiến sĩ” (thập bát tuế, Nhâm Thìn bát niên, nhất cử giải nguyên. Nhị thập nhất tuế, Ất Mùi, Vĩnh Thịnh thập nhất niên, trúng Tiến sĩ).
Các sách trên đây đều cho biết: khoa ất Mùi, niên hiệu Vĩnh Thịnh 11 (1715), Nguyễn Kiều 21 tuổi, đỗ Tiến sĩ. Như vậy ông sinh năm: 1715 - 20 tuổi (trừ 1 tuổi tính tuổi mụ theo truyền thống, còn 20 tuổi) = 1695, khớp với sự ghi chép của Phú Xá Độ đài quan đã nêu trên.
2. Về năm mất:
Chúng tôi có dịp về xã Phú Xá, tới thăm từ đường dòng họ Nguyễn, ngôi nhà ngói ba gian đã xuống cấp, trong nhà, khám thờ và bài vị thờ ông hãy còn. Nay cụ Nguyễn Khắc Mùi là cháu đích tôn đời thứ 7 của Nguyễn Kiều chăm lo việc thờ tự. Cụ Mùi cho biết cuốn gia phả của dòng họ bị thất lạc vào những năm gia đình đi sơ tán, khi Mỹ ném bom miền Bắc nước ta. Bà con họ hàng dẫn chúng tôi thăm mộ Nguyễn Kiều trong vườn đào lưu niệm của các cụ phụ lão bản xã, trên mộ còn bia cao 40x25cm. Bia mờ hết chữ (11) .
Con cháu trong nội tộc kể lại rằng: “Cụ tôi tuổi thọ không cao, vì có niềm u uất trong lòng nên người bất đắc kỳ tử”. Câu kể hợp ý với câu ghi trong Lịch triều đăng khoa lục VHv.289/2 (Sđd): “Đang làm Đốc thị Nghệ An thì nhận được tờ khải gọi về, trên thuyền liên miên uống (rượu) thuốc rồi mất”. (Đốc thị Nghệ An bị khải triệu hồi, tại chu trung lưu miên ẩm dược nhi tốt). Câu kể cũng hợp ý với câu ghi trong Phú Xá Đô đài quan A.1605 (Sđd): “Làm quan trải hơn ba mươi năm, đi sứ sang Yên Kinh, tham dự việc cơ mật trong chính phủ” (Sĩ đồ phỉ tiền tam thập dư niên, trì nhu bí ư Yên Kinh, tán mật cơ ư chính phủ).
Nguyễn Kiều làm quan hơn ba mươi năm. Như vậy, Nguyễn Kiều mất năm 1751, thọ 57 tuổi, như Phú Xá Đô đài quan đã chép là hợp với lời kể truyền lại của con cháu và Lịch triều đăng khoa lục nêu trên.
Về thơ văn chữ Hán của Nguyễn Kiều, Từ điển văn học Việt Nam có giới thiệu nhưng chưa thật đầy đủ. Nhân đây xin bổ xung thêm: tại Thư viện Quốc Gia Hà Nội còn lưu trữ một bản Sứ hoa tùng vịnh (R.20). Sứ hoa tùng vịnh được Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí đánh giá: Tập thơ này làm khi đi sứ, lời thơ điêu luyện, mới mẻ đáng ưa”.
N.T.N
CHÚ THÍCH
(1) Tìm hiểu kho sách Hán Nôm , tập II, Nxb. KHXH, H. 1990, tr.99 ghi: “Sứ bộ khởi hành ngày 28 tháng 9 năm Tân Dậu (1741), cả đi lẫn về mất gần hai năm”. Lịch triều hiến chương loại chí, mục Bang giao chí, Q.XL VII, Phan Huy Chú cho biết nhiệm vụ chuyến đi: tuế cống.
(2) Nguyễn Tông Khuê (1693-1767) hiệu Thư Hiên, người làng Phúc Khê, huyện Ngự Thiên (nay là Hưng Nhân, Thái Bình). Đỗ tiến sĩ năm 1721 khoa Tân Sửu. Lược truyện các tác gia Việt Nam Nxb KHXH, Hà Nội, 1971 ghi là Nguyễn Tông Quải. Tìm hiểu kho sách Hán Nôm (Sđd) ghi là Nguyễn Tông Quai.
(3) Tập II. KHXH, H. 1984, tr.70.
(4) KHXH, H. 1991, tr.550.
(5) Tập I, KHXH, H. 1971, tr.286.
(6) Tập II, KHXH, H. 1990, tr.93.
(7) Nxb. Văn hóa, H. 1985, tr.42.
(8) Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, H. 1988, tr.34; Tác giả: Bùi Hạnh Cẩn.
(9) Số 2, 1991, tr.78.
(10) Phú Xá Đô đài quan: Sách gồm 18 trang, giấy Lệnh hội, khổ 28x18cm, chép tay, không ghi tên người và năm biên soạn. Nội dung: ghi tiểu sử sự nghiệp ba nhân vật: 1- Nguyễn Kiều; 2- An Lãng Thượng thư công (?); 3- Tục biên hiển khảo Nhã Thận (?).
(11) Mộ bà Đoàn Thị Điểm cũng gần đấy. Bia mới khắc lại./.

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh