Home » Tin tức » Văn hóa Xứ Đoài

MÙA CÁ BỘT

FRIday - 17/01/2014 23:51
MÙA CÁ BỘT

MÙA CÁ BỘT

Làng tôi ở cạnh bờ sông Hồng, từ xưa đã có nghề làm cá bột - thứ nghề ăn theo thời vụ nhưng cũng đủ để bù vào cái khoản thiếu lương thực vì làng chỉ có ít ruộng ở ven đê, chiêm khê mùa lụt.
Hàng năm, khi mùa hoa gạo chỉ còn thoi thóp vài bông như những tàn lửa còn sót lại, bầu trời khi ấy dường như cao hơn nhưng những đám mây nhiều khi lại xuống thấp, nhất là những buổi hoàng hôn tím sẫm có những ánh chớp nhay nháy hắt lên sau lưng núi Ba Vì. Thế rồi tiếng sấm non thì thùng như hội làng thử trống, ấy là tín hiệu báo trời sắp có mưa, những trận mưa đầu mùa mang lại cho ruộng đồng cây cối sự mát mẻ dễ chịu sau mùa khô hạn. Làng tôi lúc ấy bỗng trở nên bận rộn, nhà nào nhà ấy hối hả bảo nhau mang phên cọc ra sông dựng lều lán để giăng xăm thả lưới chuẩn bị cho việc đón bắt vụ cá bột đầu mùa. Thường thì hàng năm, sau tết Hàn thực (Mùng 3 tháng 3) đến tết Đoan ngọ (Mùng 5 tháng 5), thời gian ấy thường có mưa, ở các bãi sông phía thượng nguồn, nhất là ở các đoạn hợp lưu các dòng nước, cá các nơi đổ về đấy tập trung đông đặc. Đó thực sự là ngày hội truy hoan của các loài cá, chúng vui vầy quấn quýt lấy nhau. Trong khi những con cá cái làm tròn thiên chức sinh nở thì những con cá đực lại tung tăng vác những chiếc đuôi cờ lộng lẫy múa lượn làm đỏ cả khúc sông.
Thế rồi tiếng sấm đùng đục vỡ ra cuốn đi con nước dòng với vô vàn trứng cá. Theo tập tính, trứng cá vừa trôi theo nước vừa nở ra những ấu trùng cá con, chúng kết lại thành từng mảng trăng trắng như váng sữa, cứ ẩn hiện lúc chìm lúc nổi trên mặt sông nên nhiều khi rất khó phát hiện. Để vớt được những đám bọt có trứng cá ấy, người ta phải cắt cử luôn phiên nhau từng nhà ra ngoài lều theo dõi mặt nước, hễ thấy cá về phải kịp báo cho mọi người ra hạ xăm thả lưới. Người nhanh tay vớ được mẻ to, chậm một chút có khi phải nhặt rêu rác lẫn trong đám váng đem về đãi ra lấy cá bột. Sự nhanh chậm kéo theo cái may rủi, người vớt được nhiều, người ít nhưng mùa cá bột diễn ra cả một tháng, ít nhiều nhà nào cũng có niềm vui. Việc vớt cá bột trên sông vất vả nhưng đưa về thả ao để ươm cá giống còn vất vả hơn. Hàng ngày người ta phải xoay trần ra đằm mình xuống ao khuấy nước xục bùn, cứ liên tục lội từ bờ này sang bờ kia, càng xục bùn lên càng tốt. Cá giống nhờ thế mà lớn nhanh, từ con cá nhỏ như đầu tăm chỉ nửa tháng sau đã lớn bằng đầu chiếc đũa, lúc ấy có thể vớt cá lên cho vào thúng sơn gánh đi bán. Ngày xưa nuôi cá, để có cái ăn chỉ cần ''Ao sâu bờ cao, tránh ngập mưa rào, ao tràn cá nhảy''. Các loại trắm, chép, trôi, mè thuần chủng thịt chắc, ăn đậm và thơm chứ không như những giống cá lai ăn vào chỉ thấy nhạt nhẽo, bở thịt.
Nghề làm cá lấy công làm lãi, nhiều khi cũng một vốn bốn lời. Gặp trời mưa thuận gió hoà, trúng mùa cá cuộc sống dễ chịu hẳn. Người quê tôi có kinh nghiệm, thấy sau tết ''giết sâu bọ'', trời đang nắng nóng, đột nhiên có ngày dịu trời, mặt nước sông Hồng vẩn đục phù sa thì một hai ngày sau đó cá sẽ về nhiều.
Những ngày bé, tôi theo cha gánh cá giống lên bán ở mãi Lễ Khê, Đồng Luận, cứ đổ được cá giống xuống ao nuôi là có tiền hoặc đổi được gánh lúa nặng đem về. Mấy anh em tôi hí hửng có quần áo mới đi học, cuộc sống nơi thôn ổ lấy thế làm vui. Để truyền nghề, cha tôi rèn tôi đủ việc, từ cách hạ xăm thả lưới đến việc lội ao xục bùn cả đến việc gánh cá trên vai. Cha tôi bảo: "Tập quen khó nhọc để sau này gánh vác việc đời". Có việc tưởng đơn giản nhưng làm khó thay, ấy là việc vớt cá từ ao lên cho vào hai cái thúng sơn đựng xăm xắp nước, thả một ít đất phù sa vào cho cá ăn đoạn đạy chiếc mẹt đan thưa lên miệng thúng cho vào quang mây rồi xỏ chiếc đòn gánh tre đẽo cong cong hai đầu đặt lên vai gánh. Gánh cá phải bước đều chân, khó nhất là phải vừa đi vừa lắc để tạo ra những độ rung nhẹ, đủ làm cho mặt nước trong thúng sơn sóng sánh, mạnh quá nước bắn hết ra ngoài, yếu quá nước trong thúng không lăn tăn động đạy, không tạo được bọt nước dưỡng khí làm cá cứ phải ngoi đầu lên khỏi mặt nước ngáp ngáp miệng để thở, nhiều con cá giống bị chết ngạt là thế.
Nhìn cha tôi gánh cá vừa đi vừa nhún vừa lắc rất nhịp nhàng, chiếc đòn gánh cong cong hai đầu đẽo thành hình đuôi cá nảy tanh tách trên vai nhìn rõ đẹp, tôi chỉ dám đổi gánh cho cha ở những đoạn đường vắng nhất là tránh mắt bọn con gái, có lần chính cha tôi cũng bị mấy bà sồn sồn buông ra câu hát ghẹo: ''Hỡi người tội vạ để đâu/ Vừa đi vừa phải cúi đầu lắc mông''. Giả sử lúc tôi gánh gặp phải đám nhãi ranh bịt miệng cười rồi xiên sẹo ra mấy câu chắc xấu hổ lắm.
Thoáng thế mà đã mấy mươi năm, làng tôi bây giờ mất nghề làm cá bột. Hình ảnh những người đàn ông gánh cá bột đi bán và ngày hội ven sông mùa nước nổi đã đi vào cổ tích… Loài cá, theo tập tính vẫn theo mùa di cư về các bãi sông ở phía thượng nguồn, tụ tập ở những chỗ nước ấm và sâu chuẩn bị cho mùa sinh nở, nhưng chúng chưa kịp cuốn quýt để làm cái chuyện duy trì và phát triển nòi giống thì đã bị con người tìm đến đánh bắt. Người ta dùng thuốc nổ, và bằng xung điện để đánh bắt cá được nhiều. Các loại cá bị chết hàng loạt, ngay cả trứng cá còn nằm trong bụng mẹ cũng chịu sự diệt chủng ấy. Chỉ vì miếng ăn mà con người do thiếu ý thức đã tự mình huỷ hoại môi sinh, gây ô nhiễm môi trường và đánh mất nguồn lợi tự nhiên thật là đáng tiếc.
Khải Hưng
Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh