Home » Tin tức » Xứ Đoài văn

NGUYỄN VĂN VĨNH (1882 – 1935)

SUNday - 17/12/2017 11:28
Hiệu là Tân Nam Tử, quê ở làng Phượng Vũ, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Năm 16 tuổi tốt nghiệp trường Thông ngôn, sau làm thư ký ở Tòa sứ nhiều nơi. Năm 24 tuổi (1906), đi dự Hội chợ triển lãm (Đấu xảo) tại Mác-xây (Pháp). Trở về xin thôi việc thư ký, đứng ra lập xưởng in, làm báo. Sau được cử là Hội viên Hội tư vấn Bắc kỳ (1913). Cuối đời từ bỏ văn nghiệp để đi tìm mỏ vàng ở Lào và mất tại Sài Gòn ngày 2/5/1935, hưởng dương 54 tuổi. Ông từng làm chủ bút nhiều tờ báo như Đại nam đăng cổ tùng báo (1907), Lục tỉnh tân văn (1910), Đông Dương tạp chí (1913), Trung Bắc tân văn (1915), An Nam mới (1931)... Chủ trương các báo tiếng Pháp như Notre Journal (1908), Notre revue (1910), Annam Nouveau (1931)...
 



GÌ CŨNG CƯỜI
 
An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì; quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng mọi việc hết nghiêm trang.
Có kẻ bảo cười hết cả, cũng là một cách của người hiền. Cuộc đời muôn việc chẳng qua là trò phường chèo hết thẩy không có chi là nghiêm đến nỗi người hiền phải nhăn mày mà nghĩ ngợi.
Ví dụ được y như vậy, thì ra nước An Nam ta cả dân là người hiền. Nếu thế tôi đâu dám đem lời phường chèo mà nhủ người nhếch mép tỏ tính tự nhiên mà bộ đứng đắn lại, nghiêm nhìn những cuộc trẻ chơi. Nhưng mà xét ra cái cười của ta nhiều khi có cái vô tình độc ác; có cách láo xược khinh người; có câu chửi người ta: có nghĩa yên trí không phải nghe hết lời người ta làm mà đã chê sẵn công cuộc người ta.
Thực không có tức gì bằng cái tức phải đối đáp với những kẻ nghe mình nói chỉ lấy tiềng hì hì mà đáp: Phản đối không tức, kẻ bịt tai chẳng thèm nghe cũng không tức đến thế…
Ừ, mà gì bực mình bằng rát cổ họng, mỏi lưỡi, tê môi, để mà hỏi ý một người, mà người ấy chỉ đáp bằng một tiếng hì khen chẳng ơn, mắng chẳng cãi, hỏi chẳng thưa, trước sau chỉ có miệng cười hì, thì ai không phải phát tức…
Ta phải biết rằng khi người ta nói với ta, là để hỏi tình ý ta thế nào. Ai nói với mình thì mình phải đáp. Tùy ý mình muốn tỏ tình ý cho người ta biết thì nói thực; không hiểu thì hỏi lại; mà không muốn nói tình ý cho người ta biết, thì khéo lấy lời lịch sự mà tỏ cho người ta hiểu rằng câu hỏi khí phạm đến một điều kín của mình. Hoặc là có khôn thì lựa lời mà tỏ cho người ta biết những điều mình muốn cho biết mà thôi, và khiến câu chuyện cho người ta không khỏi căn vặn được mình nữa. Nhưng phàm người ta hỏi, mình đã lắng tai nghe, là mình nợ người ta câu đáp.
(Xét tật mình, XVII. Gì cũng cười - Đông Dương tạp chí, số 22)
 
 
HƯƠNG SƠN HÀNH TRÌNH
Phóng sự
 
Năm 1909, tôi có đăng vào báo chữ tây "Notre Journal" của tôi in ra, một bài hành trình đi chùa Hương. Nay nhân độ đi chùa, thiên hạ nô nức đi cầu phúc, mỗi ngày hàng nghìn hàng vạn con người, tôi đọc lại bài ấy thì thấy hãy còn hợp cảnh tượng nhiều, tưởng nên dịch ra quốc văn mà đăng vào đây, để các khách đi chùa, xem cho tiêu khiển và đối văn với cảnh, xem có chỗ nào ta cùng ngụ một ý, hoặc chỗ nào mắt tôi có trông sai, xin các ngài bỏ thêm hoặc chữa đi cho.
"Từ khi tôi còn nhỏ, chơi cuộc ú tim thả đỉa với mấy cô, mấy cậu hàng xóm, có một cô bấy giờ độ tám tuổi, kể cho tôi nghe những truyện kỳ, cảnh lạ chùa Hương ta. Nào những núi to, hang rộng, nào những áo cà sa, nào những núi các Cô các Cậu, nào những đường lên Trời, đường xuống Âm phủ, biết bao nhiêu là cái lạ mà các bà đi chùa kể lại cho con cháu nghe ngày xưa, từ khi ấy thì tôi vẫn mong mỏi được đi chùa Hương Tích.
Lúc đi học thì lại thấy thằng Phúc ở phố Cầu Gỗ, anh em ta ai là chẳng nhớ, nó cứ đến cửa tràng mà: "A B ếp, hàng đào đi đâu!" làm cho chúng ta cười nức nở. Thiên hạ thường bảo đó là con cầu tự, thì mình lại càng nóng ruột muốn đi chùa xem các bà ấy cầu tự ra thế nào.
May sao, ước ao mãi cũng phải được. Năm ngoái, ngày tháng hai, hôm ấy mưa phùn mà rét, tôi mới đi xe lửa xuống Phủ Lý, hành trang chỉ có một cái va-lít bằng tre mua ở hiệu Quảng Hợp Ích, bấy giờ là một thứ hàng rất mới, thiên hạ nô nức mua dùng.
Xe lửa thì toa nào, toa ấy chật ních.
Cứ theo một thói yêu của tôi, thì tôi vứt mũ với sách lên trên cái gác đồ toa hạng ba, rồi chùm áo tơi cho kín, bước lần xuống các toa hạng tư đi kinh lược suốt một lượt, chẳng ngại len lỏi vào những đám đông các vãi, ngồi xen nhau, có chỗ bà nọ ngồi lên bà kia, mà lẩm nhẩm những câu kinh kệ.
Từ đầu đến cuối đều một tiếng rì rào, chỉ những chuyện đức Phật Bà Quan Âm ngài vạn phép muôn linh, xưa nay đã hiển hiện ra bao nhiêu việc lạ.
Anh kia thì năm ngoái vào chùa ngỗ nghịch trèo qua cửa chấn song, ngài làm chết.
Bác nọ vào cầu ngài được con mà bội ơn không tạ, ngài lại bắt cậu về trời.
Nhà ông Mỗ, xuất tiền nhà ra tu chỉnh lại cửa tam quan, ngài phù hộ cho làm ăn khá, bây giờ giàu to.
Có một đám những người khinh các chuyện bà già ấy, thì lại bàn với nhau những thơ ông án Chu, và những văn quan phủ Đình.
Tàu đến ga Phủ Lý.
Từ ga đến đò đường đi bộ 50 bước, tôi đi ra đò, hai bên đường các vãi người bảo thế này, kẻ nói thế kia. Một bà kêu:
- Phúc đức chưa! Na mô A di đà Phật! Thầy kia ăn mặc theo quan Tây mà lại chẳng quên đạo giáo của tổ tiên, rồi ngài độ trì cho được phúc!
Một đám các me, có ông sư tráng kiện chùa Hòa đi theo dẫn lễ, nhìn tôi một cách tỏ ra rằng giả đạo đức với ai kia, chớ các me không mắc lận đâu!
Tôi mà cả thuyền một đồng bạc nó chở vào Bến Đục.
Đường đi đò mất tám giờ mà phong cảnh cũng tầm thường, khí buồn. Người phải gập làm đôi, chui vào dưới mui thuyền, chịu ngồi so ro nghe các lái hát đò đưa tiếng mũi, có một điệu hát hoài.
Thỉnh thoảng mụ lái thuyền gọi cho xem mấy cảnh lạ, cũng khí hiếm. Này hai bên quang gánh đức Khổng Lồ, là hai hòn núi nhỏ trên có mấy đàn khỉ.
Ba giờ chiều thuyền ghé Bến Đục.
Đường đi mưa dầm trơn như mỡ, khách đi chùa Hương vồ ếch luôn.
Đổ bộ chừng một giờ lại đến bên đò Suôi. Đến đây sơn thủy đã khí hữu tình. Đó đây núi đá năm bảy ngọn, người trung châu đồng phẳng quen trông, mới ngó thấy cũng ngụ đôi ba chút ý. Mù tít đàng xa, trông thấy chùa Tuyết Sơn mà tiếc thay không được đi đến.
Chiếc đò mỏng mảnh, ba tấm ván ken, đi một lát đến chùa Ngũ Nhạc, thờ Năm quan tướng, giữ cửa nơi Phật địa. Khách đi chùa đi tới đó, ghé lễ trình, khác nào lệ bến Tây vào nhà trước phải hỏi ông giữ cửa.
Đò vừa ghé vào chân núi đá (Tục gọi núi Mâm xôi con gà, hoặc là núi Lồng Bàn) thì thấy đã tới Trời. Trèo độ 20 bậc đá trơn, lên đứng nơi cao ngó xuống, thấy một vùng xung quanh cũng đẹp thay!
Đi theo một con đường nhỏ nhỏ, xếp tuyền bằng đá, thì vào tới chân một rặng núi nữa. Đó là chùa Ngoài (chùa Yến Vĩ; tục thường gọi là chùa Trò). Trước có cửa Tam quan, sư cụ khéo làm ra khách sạn, lầu cao kính chớp, phòng ngủ chốn ăn. Khen thay người tu hành mà khéo bày phương thực dụng!
Thoạt mới vào qua cửa, có một điều hơi khó chịu. Tuy trời lạnh ngắt, gió bấc thấm xương, quanh chùa khói hương thơm mù mịt, mà cũng chẳng lấp được một mùi hôi lộn mửa. Nào ruột gà, nào vỏ chuối, nào đồ lễ bái còn thừa, đồng bào ta quen nết ở bẩn, vứt bậy ném bạ ra tứ phía. Kể đến ức triệu chân người tha dẫn những chất nhơ bẩn ở ngoài vào, trộn lộn với nhau, thành ra một vật vô khả danh, xông uế khí ra vang lừng trời đất.
Nhưng mà sự khó chịu ấy cũng chóng qua.
Đi vào khỏi cái cầu hôi hám ấy, trải hai dãy nhà hàng vừa người ta, vừa người Tàu tranh nhau khách đi chùa, thì mắt trông thấy một đám người rất đông mà ngộ quá.
Muốn biết đại ý cái số người tụ lại ở đó, thì phải biết rằng chùa từ cửa vào đến cái nhà hậu nhà khách ngoắt ngoéo, đứng chật hết độ ba mẫu đất, mà trong khoảng ấy khó lòng tìm được một chỗ rộng 2 tấc vuông tây không có chân người giẫm. Thế là không kể những cánh đồng xung quanh chùa, người cũng đông lắm.
Cả một đám người ấy hô hấp trong một vùng không khí ngạt ngào những khói hương.
Ai trông thấy cái kỳ cảnh những người đông rì rào niệm Phật, om sòm tiếng nói, len nhau mà vào lễ trước bàn thờ, thì cũng phải quên ngay sự đi đường khó nhọc, quên ngay cái mùi hôi hám ngoài sân, quên ngay sự vất vả xô đẩy người ta mà lấy lối.
Muốn để các ông hội được thực ý cái nơi lăng líu quanh co mà to lớn ấy, cửa bên cửa giữa, ngõ thẳng ngõ ngay, gian tả gian hữu, mái trước mái sau, đâu đâu cũng nhung nhúc những người, thì phải vẽ ra mới được. Nhưng xin chỉ nói đại cương rằng những chùa to nhất ở Bắc kỳ như chùa Yên Phú, chùa Bút Tháp ở tỉnh Bắc Ninh, mà đem tỉ với chùa Trò, thì chỉ bằng một cái nhà hậu mà thôi.
Cái bộ quần áo tây của tôi, vả lại được thằng người nhà tinh quái, làm cho tôi ra mặt một người khí sang, sư cụ ngài cũng có lòng vị, từ bỏ cái buồng só một lát mà ra tiếp.
Tên người nhà ra hiệu, tôi liền mở ví ra đưa cho lão tăng hai nguyên bạc, nhờ ngài sai biện cho cái lễ mọn để mai vào chùa trong.
Bởi cách lịch thiệp khéo ấy, làm cho nhà chùa mong còn có cách lịch thiệp khác nữa, cho nên tôi được ra người khách trọng.
Nhà chùa bèn mở cửa nhà khách, thường chỉ để tiếp các quan về chùa, tối đến hai thầy trò được vào nghỉ trên sập có màn buông lịch sự.
Dầu ai cho là ích kỷ mặc lòng, tôi cứ biết ở chỗ đông người như vậy, thiên hạ nằm la liệt dưới gạch, người nằm cạnh sát nhau, kẻ phải gối lẫn lên nhau, chỉ mỗi lối đi chừa ra một đường nhỏ, vừa bước lọt chân người, cho đi qua khỏi phải dẫm lên mình người ngủ, mà mình được vào nằm chốn lịch sự tĩnh mặc như thế thì lấy làm sướng đã.
Nhưng chiếu dù êm, chăn dù ấm, không thể nằm được lâu. Vừa thiu thiu, gọi là đỡ mệt, tôi liền đứng dậy ra ngoài, lần theo lối hẹp trong đám người nằm. Đây đó một vài bọn canh khuya còn thức, mở sách ra miệng nhẩm 500 tên đức Phật Quan Âm, hoặc có người ngồi kể chuyện Chúa Ba cho chúng nghe.
Trong đêm tĩnh, trên các tiếng xì xào, có một tiếng sang sảng của anh phú gia kia, người Hà Nội về, họ nói từ tối đã năm lần lời đi lời lại ngũ bách danh, hai ngàn năm trăm lần đứng lên phục xuống, miệng gào tên Phật, hai bên sau trước, hàng mấy chục con người quên đói quên nhọc, đọc theo lời tụng niệm và tập theo cái bài thể thao riêng ấy. Ở vòng ngoài một đám phụ nữ, có trẻ có già, tên Phật dài đang không nhớ xuể đành chịu đọc theo mấy chữ sau cùng. Vẳng nghe xa chỉ thấy tiếng.
... Quan Thế Âm Bồ Tát á á á át!
Tựa như cầu lấy bài ca, giọng trong veo của mấy cô đọc mãi cũng êm tai.
Trước bàn thờ lại có năm sáu sư ông lần lượt nhau làm lễ, tay dẻo tựa cô đầu, làm đi làm lại ba mươi sáu tay quyết.
Một đoàn thầy cúng lấy giọng riêng mà đọc sớ, hết sớ này đến sớ khác, cửa Phật dễ lắm đơn bằng mấy cửa quan. Giấy tàu bạch in sẵn kể cơ man. Đãi đồng bạc thầy điền tên vô đó, đọc xong rồi bỏ hòm giấy đỏ khéo phong thay, châm ngọn lửa nhời trần lên cõi Phật.
Ở trong các nhà hậu, những nồi tú hụ hầu hết lại đầy, gạo nếp vào nồi, nháy mắt ra thành xôi với oản.
Kìa chỗ in bùa, các bà xô nhau vào đổi mấy hào bạc trắng lấy tờ giấy vàng in chữ đỏ. Này dấu đá hằn ngón chân xoa mãi trông ra chẳng biết là gì, rập lấy xem về dán nhà, đeo cổ, cánh tay cho con thơ chóng lớn.
Đi ngang nhà tổ, qua một ngõ hẻm hôi tanh, tường vôi ẩm ướt, muôn vàn người phóng uế. Đến chỗ lên đồng, một vài bà ngồi đảo múa, xung quanh trăm nghìn đệ tử đứng hầu, bóng đức nghìn mắt nghìn tay, cung văn vừa chầu vừa dạ, mỗi nén nhang làm thẻ thưởng tiền. Súm xít nhau xin bà ban lộc, khẩu trầu, cánh hoa, tranh nhau lấy về cho khước.
Kỳ thay đạo Phật nghiêm trang sao lại có những trò đồng cốt, những thói bà Cô, ông Mễnh uốn éo lẳng lơ, phán truyền õng ẹo. Ngặt một nỗi, đàn bà sở thích ở mấy điệu Bà thượng bơi chèo, khăn áo nhố nhăng. Cậu quận, ví nếu giữ theo lễ phép uy nghi nhà Phật, thì sợ xa mất những khách lắm tiền, như các me, các thím. Nên chi chùa Hương ta là chùa đệ nhất nước Nam, phải có đủ trò mà quyến rũ người ta.
Có người bạn tôi, mắt cũng tinh đời bảo trong thói các me ưa đồng bóng, có tang rằng nghề múa vốn giời sinh là một nghệ của người. Bởi các giống, giống nào cũng nhảy múa, duy giống ta không có cách chơi ấy cho nên các bà phải viện thần thánh múa chơi cho thỏa cái thích vẫy vùng, chân nọ đá chân kia, uốn éo lưng ong, vuốt ve má đỏ; lắc lư nhìn bóng trong gương, ưỡn chiếc ngực ra cho chúng khen bà đẹp chín nghìn.
Sớm hôm sau, mở mắt dậy, thì thấy nhà chùa đem vào phòng cho mấy cái oản, vài quả chuối, đánh đổi cho hai nguyên bạc mình cúng hôm trước.
Bấy giờ bụng thấy đói lắm, và đồ hành trang của mình tuy có ít, mà đã lấy làm bận bịu lắm rồi, khó nghĩ được cách đem đồ lễ ấy vào chùa trong cho tiện. Suy tính mãi mới nghĩ ra một cách mang đi rất gọn.
Năm cái oản và gói bánh khảo nhỏ mới đem xếp vào trong bụng, chắc hẳn rộng chỗ, vì từ khi vào chùa chưa được ăn uống gì. Còn người nhà thì cho nó mấy hào bạc nhỏ, nó đi lo lấy cái ăn.
Khi tôi đã no bữa cách nhà Phật như thế rồi tôi mới từ bỏ cái phòng êm ấm, đi qua một cái sân rộng, ở giữa có hai cái bể nước xây bán nguyệt liền nhau, An Nam ta lấy làm một việc công trình và đẹp lắm. Rồi tôi đi theo người ta lũ lượt, theo một con đường ngoắt ngoéo, hai bên cây cỏ rậm rạp, khi lên lúc xuống, bậc thang gọt trong núi đá, mưa phùn xuống trơn như mỡ. Thú thật rằng chẳng văn chương nào tả cho hết những đường quay quắt kỳ khu ấy.
Các bà già nói rằng từ chùa ngoài vào chùa trong đường đi trải chín từng núi đá, là cửu trùng thiên. Tôi cũng chẳng đếm được, không biết mấy từng, duy có một điều quyết được là chẳng phải đường đi xe mà cũng chẳng phải đường đi ngựa được, ai không muốn đi chân, duy chỉ dùng được một cách lịch sự lười là đi đăng sơn hoặc đi cáng mà thôi.
Trong khi đi đường có một điều lạ là lối đi gập ghềnh, chân trẻ tôi còn lấy làm chật vật như thế, mà các bà già đi như ưỡn, lẹ bước như tên. Các cụ bảo thế mới biết đức Phật Bà Quan Âm ngài vạn pháp muôn linh khéo độ cho kẻ đi lễ bái.
Thật thì là cái lòng sùng tín, là cái mơ tưởng của kẻ vô học, nó khiến cho xương thịt người ta có một tính lạ, nó xui cho người ta nhắm mắt mà làm nên những việc đại đức, cũng có khi thì dun dủi người ta làm nên những việc đại ác. Trong những lúc đam mê quái lạ ấy, đàn bà yếu ớt trèo được núi cao thoăn thoắt, cụ già lụ khụ xuống được dốc sâu mà chẳng biết mỏi mệt nguy hiểm chút nào.
Khi nào mà vật lý mạnh hơn sức lòng tin, đầu gối thấy quỵ, ống chân thấy chồn, thì đọc một câu "Quan Thế Âm Bồ Tát!", bất cứ câu nào trong 500 câu, thì chân lại cứng, tay lại nhanh.
Bởi vậy cả toán đông người ấy, cứ vừa đi vừa thở, vừa gào:
- Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát á á át!
Người nào thuộc kinh nhiều thì lại thêm:
- Nam mô linh thông cảm ứng Quan Thế Âm Bồ Taát!
Gọi là cho nó khác điệu đi ít nhiều.
Rồi thì dây người cứ dập dình, cứ đi ngoe ngoảy, cứ vượt núi qua đồi, chân cứng dẫm trên hòn đá trượt.
Trải qua hết đèo này sang vùng nọ, như thế trong hai tiếng đồng hồ, lúc qua rừng cây rậm, khi trải đất bằng, cây cối trăm nghìn thứ mọc, nào cây lá gồi, nào cây sả, cây sắn kia củ nó ăn ngon gấp mấy củ mài rừng Báng, mà lá nó nấu canh các cụ ta xơi lấy làm ngọt thay. Qua đây rồi thì đến một quả núi cao, trên cao thấy người đông nhung nhúc xung quanh một cái lỗ tự nhiên, khác nào như đàn kiến bò quanh miệng tổ.
Từ dưới mà lên ước độ 50 thước dây, đường leo dốc ngược. Thiên hạ len nhau mà trèo, người trên lôi người dưới, người dưới đội người trên mà đi, lên đến nơi thì có một cái hang tối mù, mấy lỗ ngoài khéo làm ra thành cửa ra vào.
Trước khi vào đến chùa trong, thì những người đi lễ bái vào đó mà rửa sạch các bụi trần tục gọi là chùa Giải Oan. Thiên hạ bày đặt ra thế, cũng vì trên hang ấy lại có một cái hang con, trèo qua một cái thang tre thì vào tới, ở trong sườn đá luôn luôn ẩm ướt có nước xì ra, trên vú đá lại có nơi nước rỏ giọt, thiên hạ lấy chai hứng lấy đem về cho trẻ uống lấy khước.
Từ chùa Trò vào đến chùa Trong, đến chùa Giải Oan chưa được nửa đường, còn phải đi qua mấy rặng đồi núi, cũng chẳng có chi nên chép, duy độ lưng chừng có một nơi cửa võng, nghe đây xưa là một cái cây lớn có cành vắt ngang bên này đường sang bên kia, nhưng bây giờ không thấy nữa. Duy chỉ có mấy cây lớn cũng chẳng khác gì cây khác, dưới gốc có vài cái miếu, thờ thần linh thổ địa, hoặc bà cô ông mãnh chi chi, cũng đồng, cũng cốt, cũng trống cùng đàn.
Lạ cho một điều là các vãi trèo từ dưới trèo lên thì chân dẻo thoăn thoắt, mà lên đến cửa võng thì người nào người nấy ngồi phệt xuống mà thở hồng hộc, chẳng mấy người thoát được sự thở ấy. Những người sùng tín giải nghĩa rằng ai lên đến đó cũng phải thở ra cho hết hơi trần, hết lòng nham độc thế gian, rồi mới được vào đất Phật.
Khi ai nấy đã thở hết hơi trần rồi, vào lễ la liệt trong ba bốn cái miếu ở đó, rồi lại đi, lại trèo lên nữa, đường đi từ đây mới lại càng dốc, càng khó nhọc.
Trải qua mấy lần núi, rồi đến một cái hang to hốc, cửa vào có rễ cây lòng thòng xuống tựa như cái chấn song, cho nên người An Nam ta tính hay dễ ví, gọi ngay là Cửa Chấn Song. Hang thì trông hình như cái loa, cửa vào rộng mà trong hẹp dần lại.
Đứng ở trước mà nhìn vào thì trông thấy hết.
Trước cửa có hai dãy nhà trọ, có cơm, có gà luộc, cá rán kia đâu đâu cũng thấy, nước trà, nước lã đắt nhất đời bán tới hai xu một chậu. Hết dãy nhà hàng, có một cái cổng cũng chẳng có gì là lạ. Sau cổng có một mảng đá phẳng, đẽo vào sườn hang, trên có khắc năm chữ "Nam thiên đệ nhất động" của đức Minh Mệnh đề. Ý hẳn khi ấy ngài chưa ngự các núi cửa Lục bao giờ, cho nên Hương Sơn ngài đã cho làm đệ nhất thắng cảnh. Cao nhất chỗ ấy, có núi Cà Sa, là một cái thạch nhũ lớn, hình như cái nấm. Còn ở trong thẳm, đường đi vào dốc xuống, thì nhìn vào chỉ thấy hàng nghìn hàng vạn ngọn đèn, cây nến tờ mờ ở trong đám khói mù. Phía tay phải hang, có một cái rãnh tự nhiên, ở ngay đó tất người ta lấy làm nơi đổ vứt những đồ xú uế.
Xét ra cái hang rộng hốc ấy chẳng đẹp gì nhưng cũng lạ mắt. Nhìn vào cái lỗ sâu hoắm mà tối tăm ấy, thấy hai bên sườn thì ẩm ướt, thạch nhũ hình dạng kỳ khu, người đông nhung nhúc như kiến, mà trên chốc thì có những tảng đá lớn hình như sắp sụt lở, mà từ đất trở lên đến miệng trên cao ước trăm thước tây, thì tinh thần dường như hơi hoảng hốt ái ngại.
Bề sâu, từ Cửa Chấn Song tới nơi thẳm cung ước được 300 thước tây.
Chỗ bày thờ Phật thì cũng tựa như ở các chùa khác, mà lại có phần thiếu sót vì hai bên không có Thập Điện, La Hán, chỉ thấy những bàn thờ tạp nhạp chẳng biết những thần chi chi. Mỗi cái mẩu đá lồi ra lõm vào, là có một tên, có một thần riêng, kỳ nhất là chỗ núi các cậu, các cô, cũng là hai cái thạch nhũ, đó chính là nơi Phật bày hàng những con trai con gái, để cho đàn bà đi cầu tự đến mà chọn.
Hàng nghìn người đàn bà xô đẩy nhau trên một cái thang tre cao độ ba thước tây, để tranh lên lấy trước mà cầu con. Số là ở trên thạch nhũ có những chỗ đá sùi ra, tròn tròn tí với đầu trẻ con thì giống khí xa xa, ví thử cho là có thần tạc nên những tượng đầu trẻ ấy, thì hẳn là thần lòa.
Đàn bà leo lên đó, xếp những oản cùng chuối, bánh khảo, mứt đường đầy cả quanh các mẩu đá, lại lấy tiền xu mà buộc vào cho, vuốt ve, tưng nịnh, khi đã chọn được cái mẩu nào ưng ý rồi thì khấn rằng: "Lạy cậu, cậu về với vợ chồng nhà tôi, tôi sẽ hết lòng yêu mến nâng niu cậu, để cậu đi học đi hành, mai sau đỗ ông nghè, ông cử, làm nên quan tham, quan thượng cho vợ chồng tôi được nhờ. Lạy cậu, về với vợ chồng nhà tôi, Na mô A di đà Phật, Na mô, v.v...".
Những bà kém bề âm đức, đi cầu chín mười lần rồi mà chưa được, thì đồ rằng xin con trai quá lạm, Phật ngài chẳng cho, đành phải sang kêu bên núi các cô, chẳng trai thì gái vậy:
"Lạy cô, cô về với vợ chồng nhà tôi. Thôi thì vợ chồng nhà tôi số kiếp hẩm hiu. Phật tổ ngài không cho được cậu trai để nối dõi tông đường, thì xin cô về cùng, vợ chồng tôi xin cũng nâng niu yêu mến. Lạy cô, cô theo về với vợ chồng nhà tôi. Na mô A di đà Phật. Na mô...".
Nực cười thay mà não nùng thay! Ước gì trong cái tục con trẻ và dã man ấy, khi có mất đi thì cũng còn để sót lại cái nghĩa ham gây dòng giống ấy.
Cách trí ôi! Văn minh ôi! Mau mau đến mà đuổi hết những sự tin nhảm, những tục buồn cười ấy đi. Nhưng cái mục đích, cái nghĩa lý những tục ấy, là một cái mục đích hay cho nhân loại, thì xin cứ để cho người nước ta giữ hoài, mong mỏi hoài, để lợi cho dòng dõi nhà ta.
Trong hang, bên vệ chùa, chỗ cái rãnh đi thẳng vào, thì đây đó một vài đám, vào đó chẳng biết làm chi, giải chiếu đánh bài, đánh thò lò, sức sắc, tựa như cho đỡ buồn.
Một vài thầy thông mới nói ở Hà Nội về, ăn bận lịch sự, đứng tựa vào những vâu đá, tập trò đưa mắt, cũng chẳng hại ai.
Trong thâm cùng, có một cái lỗ, người ta kể chuyện rằng ngày xưa, khi các nhà sư còn thực bụng tu hành, bấy giờ chưa biết hút á phiện, sư chưa lấy vợ lẽ, chưa mở cửa hàng bán hương khói, buôn bùa bèn, như sư cụ chùa Hương ta ngày nay, thì phàm các sư tu ở Hương Sơn cứ bữa bữa vô đó lấy thóc lấy gạo ra mà nấu cơm ăn.
Ở phía cửa hang, đầu kia cái rãnh, lại có một lỗ nữa, người ta bảo là lỗ vào đường lên trời, nhưng ai muốn lên tới trời phải quyết lòng từ bỏ nhân gian, một dạ lên chốn Niết Bàn. Muốn chui vào hang lên giời, phải thắp nến mà đi, hễ thấy nến tắt thì phải lộn trở về, đó là Phật đã bảo cho biết rằng còn nặng kiếp phồn hoa.
Nghe đâu có một nhà kia lòng thành sùng tín mà lại có can đảm, đã đem nến và đồ ăn, đi vào trong hang suốt hai ngày, thấy lương thực đã hết quá nửa mà chưa đến trời, lại phải trở về địa giới. Từ ấy nghe như lại càng thấy kiếp người có vị mặn mà cũng chẳng nên vội vàng từ bỏ.
Tôi thấy người ấy nói vậy, mà có lẽ nói thực tình, thì tôi cũng chẳng nhìn chi vào cái lỗ ấy nữa. Gọi là chỉ nói chuyện qua, để những các bậc thông thái xét xem thăm cái lỗ ấy có ích gì chăng thì vào mà thăm.
Tôi đứng ngắm chán chê hai chỗ núi các Cậu và núi các Cô, thấy hàng trăm hàng nghìn người đàn bà liên tiếp nhau, người nọ đội người kia mà trèo lên ngọn cái thang tre, rẩy nhau, cãi nhau, chửi nhau bô bô mà giành nhau lên trước, thì lấy làm một trò tiêu khiển kỳ khôi quá, đứng xem chán rồi cũng phải liệu mà trở ra chùa ngoài.
Mấy cái oản ranh và dăm quả chuối nhỏ ăn vào bụng sáng ngày, bây giờ chừng đã làm xong việc tuần hoàn, để cho tì vị rỗng hốc, mà muốn kiếm vật chi thế khuyết, ngặt chỉ thấy độc một loài cá rắn, tanh quá không sao ăn nổi, mà ra khắp nơi chỗ nào cũng ngửi thấy mùi, ngay bên mình Phật chí thanh, chí tĩnh cũng nặng những mùi tanh ghê gớm.
Khi trèo lên vào chùa thì đường núi dốc khó nhọc, lúc ra thì như người du xuống dễ đi lắm. Vả đường đi gặp lắm chuyện nực cười cũng nhãng được bụng đói ít nhiều.
Đây đó một vài đám các me có sư ông non chùa Hòa đi dẫn lễ, vừa đi vừa nô sằng sặc, tiếng cười tiếng rỡn khéo đối với những tiếng rù rì niệm Phật các bà già.
Trước khi vào phòng khách nghỉ, tôi nhân giời còn sâm sẩm mà lên thăm được chùa Mới, ở trên quả núi nhỏ cạnh chùa Trò. Một cái hang nhỏ, dài rộng ước độ 10 thước tây. Tay người mới tô điểm thành chùa, thì phỏng có lạ gì đâu, nhưng đàn bà lấy việc ấy làm một việc quái lạ vô cùng. Các bà thường bảo: Chùa mới tự dưng mới mọc ra cho thiên hạ đến lễ bái, chẳng biết mọc lúc nào, mà mọc ra làm sao.
Than ôi! Các bà mỗi năm vào chùa có một lần, mà thấy một mẩu tường, hai cái cửa xây ở miệng một cái lỗ đá, thì phỏng có điều chi là quái gở, quanh năm tay buôn bán của dân làng đó làm ra chẳng nổi việc ấy hay sao, lại phải ngờ cho là Phật mới tạc nên cái công trình bủn xỉn ấy.
Thế mà tin, thế mà sợ, thế mà sùng, thế mà thêm vàng, thêm hương, thêm tiền bạc cúng, chỉ béo kẻ ngồi rồi.
Nhân sự trèo núi dẻo cẳng, tôi có nói rằng bởi lòng sùng tín của người An Nam ta mà ra.
Nay đến lúc kết luận bài này, há lại chẳng nên nói vài câu nữa về cách tin của người An Nam ta, là một cách tin kỳ ngộ quá.
Người nước Nam ta tin có Bụt, cũng như tin có trời, cũng như tin có thần thánh yêu ma, tin nhưng không phân biệt, không nghĩ tách bạch ra xem cái mình tin nó thế nào.
Thường thì cứ cho rằng ngoài cái nhân gian hiển hiện ra trước mắt, rờ thấy, nghe thấy, nom thấy này, lại có một cảnh tượng khác nữa, không nom thấy, nhưng tựa hồ cùng khuôn với thế giới, cũng có hay, có dở, có chính, có tà, có người quân tử, có kẻ tiểu nhân, cũng có quan ăn tiền nhận lễ, đổi trắng thay đen; cũng có cả đến thằng lính tuần lính lệ bịch ngực lấy tiền, cho vài ba hào, biếu các quà mọn mới vào lọt cửa. Tin vậy thì tin, chớ cũng không vỡ nhẽ tại làm sao mà có cái cảnh ngoài thế giới ấy, mà có thì cảnh ấy ở ra thế nào ở trong vũ trụ. Bởi chưng tin hồ đồ thế, cho nên nhiều khi trong những việc tin có nhiều điều trái nhau mà không biết, cứ chịu cả là thực.
Như có kẻ sáng ngày ra vào lễ điện phủ thờ bà cô, ông mãnh nào, chiều lại vào làm tôi con ông Hưng Đạo là thần hay trị những tà ma, những ông hoàng bà chúa. Đến sáng hôm sau cũng người ấy có thể chay lòng thực dạ mà nghe giảng những lời đạo đức của ông Khổng, không có dạy phải tin thờ ông thần ông thánh nào cả, hoặc là đi lễ Phật, là một đạo trái hẳn với đạo ma thiêng, thần dữ.
Nói rút lại, thì người An Nam ta tin bậy hình như theo lý tưởng này: Dẫu không có mà tin cũng chẳng hề chi, ngộ có mà không tin, có lẽ hại đến mình. Cho nên cứ tin liều đi.
Người ta theo lý tưởng ấy, cho nên sinh ra những đạo không có tôn chỉ, quy tắc lễ pháp chẳng qua ở tay mấy anh sư mô, thầy cúng, ngày nay làm theo sách này, ngày mai bịa ra sách khác, có ngược nhau cũng chẳng ai bảo sao.
Mà người tin, người tộc trưởng, làm lễ tang lễ hỉ, cũng cứ tùy tiện mà theo, vớ được sách nào theo sách ấy, tùy cách lịch sự, tùy gia tư, mà theo lễ này hay lễ kia, chớ không theo tôn chỉ nào cả.
Như lễ đám ma thì các nhà tầm thường cứ theo Thọ mai, tùy tiện giảm bớt đi mà làm. Những nhà giàu có, muốn hoa hòe, thì lại theo Văn công cho nó dài dòng ra một chút.
Còn như sự đi chùa Hương và các chùa chiền khác, nhiều người cho như một cái tật của các cụ già và của người đàn bà. Cũng có kẻ bảo là việc hay, cũng có người cho là việc dở. Hay là vì các bà, các cô đi lễ bái như thế nó cũng thêm được cái dáng đạo đức, cái nề nếp nhà ra một chút. Dở là vì chùa chiền là chỗ các bà ganh nhau tốn kém, mà mấy sư ông vả lại cũng chưa quên hẳn sự đời.
Cứ như thiển ý tôi thì dẫu việc chùa chiền có là một việc dở, thì cũng chẳng phải một tật không có thuốc chữa.
Xin cứ kiếm cho người đàn bà ta những cách nào khoe được khăn tơ áo lụa, khoe được hoa được hột, được mặt phấn môi son; cứ ít bữa lại có dịp nào giai nhân tài tử được hội họp một nơi mà nhìn nhau thỏa thích, cho các cô được thấy người nhìn, người yêu, người muốn, người thèm, thì rồi xem có quên tít cả chùa Hương với cái hang hôi hám; hòa giai với bọn dâm tăng; chư vị với những cách õng ẹo lơ lẳng, hay không?
Ở nước ta, tôi tưởng không phải cầu cho thánh thần chóng chết, vì thánh thần xưa nay chưa hề thấy có như ở các nước Âu châu, nước ta thánh thần bịa ra chẳng qua chỉ để làm nê cho những kẻ bị phong tục bó buộc quá xưa nay, mượn việc lễ bái mà làm cho thỏa những tính tự nhiên của người ta mà thôi.
Đông Dương tạp chí, số 41, 42, 43, 44 và 45, năm 1914
 

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh