Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

SUY NGHĨ THÊM VỀ QUÁ TRÌNH TRUYỀN BẢN TÁC PHẨM QUỐC ÂM THI TẬP CỦA NGUYỄN TRÃI

SUNday - 13/10/2013 12:21
SUY NGHĨ THÊM VỀ QUÁ TRÌNH TRUYỀN BẢN TÁC PHẨM QUỐC ÂM THI TẬP CỦA NGUYỄN TRÃI

SUY NGHĨ THÊM VỀ QUÁ TRÌNH TRUYỀN BẢN TÁC PHẨM QUỐC ÂM THI TẬP CỦA NGUYỄN TRÃI

Tác phẩm Quốc âm thi tập (QÂTT) của đại văn hào Nguyễn Trãi đã đánh dấu một cái mốc lớn trên con đường phát triển của ngôn ngữ, văn tự dân tộc. Thế nhưng cũng thật lạ lùng, tác phẩm sau bao nhiêu chìm nổi, phiêu dạt lại xuất hiện, tỏa sáng làm rạng rỡ thêm cho nhân cách và thiên tài của vị anh hùng dân tộc.

Hoàng Thi Ngọ
Tác phẩm Quốc âm thi tập (QÂTT) của đại văn hào Nguyễn Trãi đã đánh dấu một cái mốc lớn trên con đường phát triển của ngôn ngữ, văn tự dân tộc. Thế nhưng cũng thật lạ lùng, tác phẩm sau bao nhiêu chìm nổi, phiêu dạt lại xuất hiện, tỏa sáng làm rạng rỡ thêm cho nhân cách và thiên tài của vị anh hùng dân tộc. Trải qua trên 560 năm, đến nay việc sưu tầm, khai thác, đánh giá về trước tác của ông vẫn là vấn đề còn cần phải nghị bàn. Bởi những người yêu mến thơ văn Nguyễn Trãi bao giờ cũng muốn đi tìm những giá trị tinh thần đích thực của vị danh nhân này. Muốn nghiên cứu, khai thác dù ở khía cạnh nào của tác phẩm QÂTT thì cũng phải được bắt đầu từ một văn bản đáng tin cậy. Vậy mà bấy lâu nay vấn đề văn bản QÂTT vẫn còn là một câu hỏi khó trả lời đối với những người nghiên cứu di cảo Nguyễn Trãi. Trong bài viết này, chúng tôi xin trình bày thêm một số suy nghĩ về quá trình truyền bản của tập thơ Nôm này.
Quá trình lưu truyền văn bản QÂTT có thể nhìn từ mấy góc độ như sau:
Văn bản chữ Nôm
Bản gốc đã bị thất tán sau khi tác giả và gia tộc gặp phải thảm họa tru di năm 1442. Theo sử sách, đến năm Quang Thuận 8 (1467) vua Lê Thánh Tông mới minh oan cho Nguyễn Trãi và ban chiếu cho sưu tầm di cảo thơ văn của ông. Bộ sách sưu tập đầu tiên là Ức Trai thi tập có bài tựa của Trần Khắc Kiệm đề năm Hồng Đức 11 (1480). Sau đó, bộ sách này lại bị thất lạc. Mãi đến đời Nguyễn, thơ văn Nguyễn Trãi mới lại được Dương Bá Cung sưu tầm, có sự góp sức của Nguyễn Năng Tĩnh, Ngô Thế Vinh, nhà in Phúc Khê tàng bản năm 1868. Bản QÂTT này (xin gọi tắt là bản Phúc Khê) mục lục ghi là gồm 263 bài nhưng thực tế chỉ có 254 bài. Trong 254 bài thì 30 bài có khả năng lẫn với thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm và một ít bài lẫn với thơ Lê Thánh Tông.
Ngoài bản Phúc Khê còn có một số các bản chép tay khác nữa, đó là: 2 bản chép tay tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu : VHv.143 và A.139 ; 1 bản chép tay chỉ có 69 bài tại Thư viện Viện Sử học; gần đây, Nguyễn Tá Nhí lại cung cấp thêm 1 bản chép tay khác mới tìm thấy trong cuốn gia phả họ Nguyễn ở làng Chi Ngại, huyện Chí Linh, Hải Dương. Hai bản chép tay ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm đều được chép từ bản Phúc Khê trong thời gian gần đây. Bản trong gia phả họ Nguyễn làng Chi Ngại theo Nguyễn Tá Nhí có 30 bài thơ Nôm của Nguyễn Trãi cũng mới được chép lại có thể sau năm 1945 từ một cuốn gia phả khác có niên đại cổ hơn.
Về bản chép tay ở Viện sử học có 2 loại ý kiến khác nhau. Trong bản phiên âm quốc ngữ đầu tiên năm 1956, Trần Văn Giáp, Phạm Trọng Điềm gọi bản này là bản B và cho rằng "Bản này có lẽ thế nào cũng cũ hơn bản in, vì bao nhiêu chữ "thì" (時), không bị tránh tên huý triều Nguyễn mà làm méo mó lệch lạc đi như trong bản in, viết là ( 1 ). Đó là một ví dụ cụ thể dễ nhận nhất, còn nhiều thí dụ khác tưởng không cần kể. Bản viết cổ hơn bản in thì có lẽ các chữ đỡ bị viết sai nhưng bản viết chỉ có 70 bài thôi nên chúng tôi buộc phải lấy bản in làm bản chính..."Ý kiến thứ 2 cho rằng bản chép tay này có sau bản Phúc Khê và coi đây là một dị bản. Đó là ý kiến của các nhà phiên khảo QÂTT ra quốc ngữ sau bản phiên đầu tiên của hai nhà nghiên cứu Trần Văn Giáp, Phạm Trọng Điềm như: Đào Duy Anh (1976), Bùi Văn Nguyên (1994), Nguyễn Thạch Giang (2000), bản của Trung tâm Quốc học (2001)... Gần đây nhất là ý kiến của Nguyễn Tá Nhí cũng cho bản chép tay này có sau bản Phúc Khê, không những có sau mà còn xuất phát từ bản Phúc Khê. Nhưng đến nay chưa ai đưa ra chứng cứ thật thuyết phục làm rõ ý kiến này.
Ngoài các bản kể trên, cho đến nay vẫn chưa tìm thấy thêm một bản in ấn hoặc sao chép bằng chữ Nôm thơ quốc âm của Nguyễn Trãi nào nữa. Nếu có chăng nữa thì chỉ tìm thấy bài Bán chiếu gon gắn với truyền thuyết rắn báo oán, bài thơ này lại không có trong QÂTT. Ngoài bài Bán chiếu gon còn một bài nữa chép trong Lịch đại thế biênlà bài 1 (Thủ vĩ ngâm). Trong khi đó, thơ chữ Hán của ông lại được chép không ít trong các văn bản Hán Nôm có tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Với một kiệt tác, một đỉnh cao của văn học Trung đại ở thế kỷ XV như QÂTT mà sự lưu truyền, phổ biến tác phẩm như vậy quả là không bình thường. Có nhà nghiên cứu đã đặt câu hỏi: không hiểu vì lý do gì việc lưu truyền phổ biến thơ Nôm Nguyễn Trãi lại chỉ diễn ra trong một khu vực hết sức hạn hẹp như vậy ?
Văn bản quốc ngữ
Trước bản phiên âm quốc ngữ QÂTT của Trần Văn Giáp, Phạm Trọng Điềm (Nxb. Văn Sử Địa năm 1956), không thấy có một bản phiên âm nào. Trong khi các nhà trí thức tân thời phiên âm, giới thiệu, cho in ấn nhiều các tác phẩm thơ Nôm, truyện Nôm trên văn đàn như Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, thơ Hồ Xuân Hương, các truyện Nôm khuyết danh,... nhưng không thấy giới thiệu thơ Nôm Nguyễn Trãi. Kể cả các báo như Tri Tân, Nam Phong, Thanh Nghị cũng không thấy in một bài nào của QÂTT.
Sau khi có bản phiên âm, giới thiệu tập thơ QÂTT của Trần Văn Giáp, Phạm Trọng Điềm, đã xuất hiện rất nhiều bài viết nghiên cứu về giá trị nội dung, nghệ thuật của thơ Nôm Nguyễn Trãi. Đến năm 1976, Viện Sử học quyết định cho xuất bản Nguyễn Trãi toàn tập, QÂTT được Đào Duy Anh phiên âm, chú giải lại và ra mắt bạn đọc năm đó. Nhân dịp kỷ niệm 600 năm ngày sinh của Nguyễn Trãi(1980), Nxb. Văn học cho in Thơ văn Nguyễn Trãi (tuyển) đã chọn in 63 bài trong QÂTT. Năm 1994, Nxb. Giáo dục, giới thiệu cuốn Thơ Quốc âm Nguyễn Trãido Bùi Văn Nguyên biên khảo, chú giải giới thiệu. Năm 2000, Nxb. Thuận Hóa giới thiệu Nguyễn Trãi Quốc âm thi tập do Nguyễn Thạch Giang phiên khảo và chú giải. Năm 2001, Nxb. Văn học và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học cho ra mắt bạn đọc Nguyễn Trãi toàn tập tân biên. Trong bộ sách đó, tập III phiên âm, chú thích, giới thiệu QÂTT do nhóm Mai Quốc Liên, Kiều Thu Hoạch, Vương Lộc, Nguyễn Khuê thực hiện. Ngoài ra, còn một số bản in, tuyển chọn thơ Nôm Nguyễn Trãi có tính chất giới thiệu thi ca Việt Nam ví dụ như bản của Nxb. Đồng Nai, 1997...
Như ta đã biết, Nguyễn Trãi sinh năm 1380 mất năm 1442 mà nội dung các bài thơ Nôm của ông hầu hết là ưu thời mẫn thế, do vậy thơ Nôm của ông rất có thể chỉ là được sáng tác vào giai đoạn khoảng nửa đầu thế kỷ XV.
Khi Nguyễn Trãi chịu án tru di thì theo thông lệ trước tác, di tự của ông cũng bị thiêu hủy, cấm lưu hành. Sau 25 năm, Trần Khắc Kiệm theo chiếu chỉ của vua Lê Thánh Tông sưu tầm di cảo thơ văn của ông. Hơn mười năm sau mới thấy nói đến tập Ức Trai thi tập có bài tựa của Trần Khắc Kiệm đề năm Hồng Đức 11 (1480). Như vậy, QÂTT nằm trong bộ sưu tập này thì cũng chỉ sau khi Nguyễn Trãi mất khoảng gần 40 năm. Chúng ta có thể tin được rằng thơ Nôm của ông vẫn đầy ắp những ngôn từ của thế kỷ XV và được ghi bằng loại chữ Nôm xuất hiện phổ biến ở thời điểm đó.
Theo giới nghiên cứu ngôn ngữ văn tự phân chia sự phát triển chữ Nôm ra làm 3 thời kì: thời kì đầu từ thế kỷ XV về trước, thời kỳ thứ 2 từ thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XVIII, thời kỳ thứ 3 từ giữa thế kỷ XVIII về sau, thì chữ Nôm trong QÂTT thuộc thời kỳ đầu. Chữ Nôm thời kỳ này mang những đặc trưng, tính chất của loại chữ Nôm cổ thiên về ghi âm là chính. Chữ Nôm thế kỷ XV còn mang đậm dấu vết của một loại chữ Nôm cổ là ghi một từ bằng 2 mã chữ riêng biệt. Loại chữ Nôm cổ này xuất hiện phổ biến vào khoảng thế kỷ XIII đến XV do nhu cầu ghi tiếng Việt ở thời kỳ đó (xin tham khảo thêm Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh,Nxb. KHXH, 1999). Loại chữ này được xếp vào loại "chữ kép" rất khó đọc như đã được ghi trong bài tựa của cuốn từ điển Hán Việt cổ nhất hiện còn là Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa:
Vốn xưa làm Nôm xa chữ kép
Người thiểu học khôn biết khôn xem
Càng về sau, loại chữ này càng trở nên xa lạ, khó đọc, khó hiểu với người đương thời. Như vậy, chữ Nôm cổ thực sự là một trở ngại đáng kể trong việc lưu truyền, phổ biến các tác phẩm được viết bằng chữ Nôm ở thời kỳ này. Có lẽ chính vì vậy mà QÂTT cũng chịu chung số phận như một số các tác phẩm khác xuất hiện cùng thời, là rất ít được lưu truyền phổ biến rộng rãi. Tác phẩm muốn được phổ biến rộng rãi thì cần phải có người có trình độ, tâm huyết làm công việc giải nghĩa thích âm văn bản, tức là làm công việc như nhà sư Hương Chân đã làm đối với cuốn Chỉ nam phẩm vựng (xuất hiện vào khoảng thế kỷ XIII - XIV) để đời sau có được cuốn Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa: "... cẩn thận lựa lọc từng tiếng". Công việc ấy đã được những người lưu giữ thơ Nguyễn Trãi và các bậc tiên nho sau này như Dương Bá Cung, Nguyễn Năng Tĩnh, Ngô Thế Vinh thực hiện, để ngày nay chúng ta còn có được bản Phúc Khê.
Tác phẩm QÂTT là tác phẩm của thời Lê Sơ, nhưng chữ Nôm trong bản Phúc Khê không hoàn toàn là chữ Nôm thời Lê Sơ, mà cũng không phải chỉ là chữ Nôm thế kỷ XVIII. Các thành tựu nghiên cứu về chữ Nôm và ngữ âm lịch sử cho thấy rằng chữ Nôm trong bản Phúc Khê chỉ còn giữ lại dấu vết của chữ Nôm cổ thời Nguyễn Trãi. QÂTT cách chúng ta ngày nay khoảng gần 6 thế kỷ, bởi vậy tiếng Việt thời Nguyễn Trãi là tiếng Việt ở thời kỳ vẫn còn yếu tố tiền âm tiết. Chữ Nôm với chức năng văn tự luôn ghi lại thật chính xác tiếng Việt đương thời nghĩa là nó phải lưu giữ được một cách phổ biến loại chữ Nôm ghi bằng 2 mã chữ. Chẳng hạn trong bản Phúc Khê có từ đá (ghi bằng la đá ); ngựa (ghi bằng bà ngựa ); ngàn (ghi bằng la ngàn ). Hoặc là thu gọn lại ở dạng một mã ghi một từ Việt như 1 1 giơ (ghi bằng a + da ) 1 1 mẽ (ghi bằng cự + mỹ);... Nắm được quy luật biến chuyển của ngữ âm tiếng Việt, và quy luật phát triển của văn tự kết hợp với yếu tố văn hóa mới có thể đọc, có thể phiên âm chính xác thơ Nôm Nguyễn Trãi. Ví dụ như các trường hợp 工 (công) trong bài 9, 16, 23, 35... phải đọc là trong chứ không đọc cùng; 免 (miễn) trong bài 49 phải đọc lẫn chứ không đọc mến,... như bản Nôm chép tay và một số bản phiên âm quốc ngữ từng xử lý không xác đáng.
Cùng với chữ Nôm cổ là các từ ngữ cổ cũng góp phần làm hạn chế sự lưu truyền, phổ biến thơ Nôm Nguyễn Trãi. Gần đây số từ cổ được phát hiện trong các văn bản chữ Nôm ngày càng nhiều, nhưng cách đây vài thập kỷ, nhiều từ ngữ cổ vẫn còn là những thách đố với người đọc. QÂTT có rất nhiều từ ngữ cổ, văn phong lại cổ kính, mang đặc trưng của thơ quốc âm thời Nguyễn Trãi, có lẽ cũng vì thế mà những người yêu thơ ông, trân trọng ông đã ngại ngần phổ biến vì ngại rằng không biểu đạt được thấu đáo tâm tình của người xưa. Xin đơn cử một trường hợp từ cổ sá, nếu chỉ kết hợp với một từ thuần Việt quen thuộc với chúng ta ngày nay như sá lánh (bài 2), sá yêu (bài 24), sá thôi (bài 32)sá tiếc (bài (29) sá để (bài 108, 125)... còn có thể đoán nghĩa được phần nào, nhưng khi được kết hợp với một từ cổ khác thì sự khó hiểu lại tăng lên nhiều, ví dụ: sá cóc (bài 33), chỉn sá lui (bài 34) sá mựa (bài 193), tua sá (186, 194 ), sá toan (152)... Chúng ta cũng có thể chứng thực điều đó qua tần số xuất hiện của một số từ ngữ cổ:
Anh tam trong bài 64, 139, 174
Bui 1 - 1 2, 50, 84, 99, 158
Chỉn 1 - 1 34, 186, 230
Chưng 1 - 110, 37, 58, 90, 93, 104, 122, 138, 251
Cóc1 - 1 20, 85,104, 151, 177
Diếp1 - 1 62, 162, 200
Ghê1 - 1 86, 106, 124, 172
Mắng1 - 1165, 221, 250
Mựa 1 - 144, 59, 87, 91, 93, 129, 136, 137, 140, 151, 173, 184,
1189, 193, 230

Nẻo 1 - 1103, 107, 129, 131, 138, 144, 141, 191, 231, 253
...
Những từ cổ này đến nay đã có nhiều người hiểu được nhưng ở thời điểm bản phiên âm đầu tiên của Trần Văn Giáp, Phạm Trọng Điềm thì hầu như vẫn còn là những từ tồn nghi.
Chúng tôi thấy có hiện tượng phổ biến đối với các tác phẩm thơ trung đại là thay thế, sửa chữa từ ngữ cổ theo xu hướng hiện đại hóa trong quá trình truyền bản. QÂTT của Nguyễn Trãi cũng vậy, chỉ sơ bộ khảo sát bản chép tay đã thấy có sự thay đổi văn bản tương đối nhiều. Ví dụ trong bản chép tay ở Viện Sử học hầu hết các từ cổ vắng bóng vì nó được dịch nghĩa hoặc được thay bằng từ khác. Dù chỉ có 69 bài, nhưng đã có tới 173 trường hợp khác với bản Phúc Khê, trong đó sửa chữa, thay thế từ ngữ cổ chiếm tới 42 trường hợp. Bản chép tay vì vậy mà hiện đại hơn bản Phúc Khê rất nhiều.

Tác phẩm QÂTT với nhiều từ ngữ quen thuộc, dễ hiểu với người đương thời nhưng càng về sau lại càng trở nên khó hiểu với người đọc. Phải chăng chính vì sự đậm đặc của các từ ngữ cổ trong văn bản nên đã góp phần ảnh hưởng đến sự phổ biến rộng rãi của tác phẩm QÂTT trong suốt cả thời gian dài của lịch sử ?
Gần đây tập thơ Nôm QÂTT của Nguyễn Trãi được nhiều người khai thác ở nhiều góc độ khác nhau. Nhiều chuyên khảo nối tiếp nhau ra đời. Bởi vậy cần phải có sự nhìn nhận đúng mức ở các văn bản chữ Nôm mà chúng ta đang có. Bản đáng tin cậy nhất trong số văn bản mà chúng ta đang có là bản Phúc Khê. Nhưng cũng phải thấy rằng ngay bản Phúc Khê cũng đã có sự hiện đại hóa văn bản. Khi các bậc tiên nho "biên sắp" để cho in ấn tác phẩm năm 1868 thì ở bước này đã có xen vào yếu tố chủ quan của các nhà sưu tập. Nhìn vào chữ Nôm, trường hợp nào hiểu thì thường được họ hiện đại hóa khi biên chép, tức là có sự loại bỏ những yếu tố thừa, rườm rà theo quy luật phát triển của ngôn ngữ, văn tự; trường hợp nào khó hiểu thì được giữ nguyên chứ không tùy tiện sửa chữa.
Khi phiên khảo, giới thiệu tác phẩm QÂTT ra quốc ngữ hoặc tuyển chọn in ấn giới thiệu thơ Nguyễn Trãi, chúng tôi thường gặp 3 cách xử lý văn bản như sau:
1. Với các trường hợp chữ Nôm không hiểu hoặc hiểu không chắc chắn thì ghi lại tồn nghi để người sau giải quyết tiếp. Chúng tôi cho đây là cách xử lý khoa học nhất.
2. Tùy tiện sửa theo cách hiểu của mình nếu gặp trường hợp chữ Nôm hoặc từ ngữ cổ khó hiểu. Trường hợp này làm cho tác phẩm ngày càng xa nguyên tác, mất đi tính chân diện của một tác phẩm văn học ở thời điểm nó ra đời.
3. Do nhu cầu giới thiệu thi ca của cổ nhân, hoặc do nhu cầu thương mại, trong một số cuốn sách in, tuyển thơ Nguyễn Trãi, người tuyển chọn không dựa vào văn bản chữ Nôm mà chỉ dựa vào các bản phiên âm quốc ngữ, thả hồn thơ bay bổng mà chữa thơ theo cảm thụ chủ quan của mình. Với cách làm như vậy thì người đọc đâu còn đọc thơ Nguyễn Trãi nữa, mà là đọc thơ mới, phảng phất ý tứ thơ Nôm của ông.
Thấy được đặc điểm của chữ Nôm ở thời Nguyễn Trãi và đặc điểm chữ Nôm trong bản Phúc Khê cùng sự bảo lưu của khá nhiều từ ngữ cổ, có thể phần nào hiểu được vì sao một tác phẩm lớn rất có giá trị như QÂTT lại không được phổ biến, lưu hành rộng rãi.
Nhìn lại thơ quốc âm Nguyễn Trãi còn thấy trong di cảo của ông, mà ngậm ngùi tiếc cho những bài đã bị mất đi. Với số bài thơ còn lại, chúng ta cố gắng trân trọng giữ gìn, đừng làm cho nó xa dần nguyên tác mà đánh mất những tinh hoa của người xưa./.
H. T .N
 
Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh