Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA VIỆT NAM - MỘT CÔNG TRÌNH - MỘT THẾ HỆ - MỘT BẢNG TRA CỨU HỮU ÍCH

MONday - 16/07/2018 12:17
Bài viết của Bùi Duy Tân
Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam (DTLSVHVN) là công trình biên khảo của một nhóm những nhà Hán học trong Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sách đã chào đời gần trọn một năm, cái thể và cái dụng của nó hầu đủ thời gian biểu hiện. Có tập sách này trong tay mà tham khảo, tra cứu, thật mừng lắm. Mừng vì cái nghề cái nghiệp ở Viện Hán Nôm, dầu muôn vàn khó khăn, nan giải, vẫn cứ chầm chậm, đều đều cho xuất bản những đầu sách khảo cứu, biên soạn, ngày một chững chạc. Qua những công trình lớn nhỏ, từ những bài viết trên các tạp chí chuyên ngành, đến nhưng tập sách khảo cứu, biên soạn, đã ra đời và sắp xuất bản, thấy có thật một thế hệ những nhà nghiên cứu Hán Nôm, được đào tạo từ thời chống Mỹ đến nay, đang từng bước trưởng thành, trong đó có một số tên tuổi có triển vọng tiếp bước cha anh đang ngày càng thưa thớt, mòn mỏi. Còn nhớ, khi giảng dạy ở lớp Đại học Hán văn (1965-1968), cố Giáo sư Đặng Thai Mai kỳ vọng: sẽ có dăm ba nhà Hán học trong số này, sau vài chục năm! bây giờ, nhìn vào đội ngũ, lời ấy quả là “tiên tri”, dĩ nhiên không phải chỉ những học viên của Đại học Hán văn, mà từ cả những học viên Cao học và những sinh viên chuyên ngành Hán Nôm ở vài trường Đại học. Nhìn vào tập sách này, vào hàng loạt những công trình của Viện Hán Nôm đã và sẽ ra mắt, nhìn rộng đến các công trình Văn thơ Lý Trần, Tổng tập Văn học Việt Nam v.v...; người từng quan tâm đến lực lượng những nhà Hán học mới, chắc bớt phần lo lắng. Nhân đọc DTLSVHVN mà lan man sang câu chuyện thế hệ, xin được thông cảm, đây là cảm nghĩ thật lòng.
DTLSVHVN được biên khảo công phu, nghiêm chỉnh, với mục đích khoa học đích thực, sát hợp với tình hình tư liệu, với một phương pháp, thao tác có phần hợp lý. Đây là một công trình khoa học thực sự, chí ít thì cũng là một bảng tra cứu hữu ích và tiện dụng. Sách gồm 821 trang, chia làm nhiều phần: Lời nói đầu của Chủ biên,Danh mục tài liệu tham khảo cơ bản gồm tên khỏang 150 đầu sách. Phần chính là tên các di tích gồm 1064 từ điều. Sau cùng là Sách dẫn tên riêng, gồm tên di tích, tên thần, tên người. Diện mạo, qui mô của tập sách bề thế, chừng mực và tinh giản. Lời nói đầu về cơ bản, giống như bài Một bản thảo vừa hoàn thành: Bảng tra di tích lịch sử văn hóa Việt Nam, Tạp chí Hán Nôm số 2 năm 1990, có khác là việc rút bớt số lượng từ điều. ở một tập sách có tính chất bảng tra cứu,Lời nói đầu được viết như một tiểu luận khoa học như thế là đủ. Người sử dụng thường quan tâm đến từ điều chỉ dẫn về di tích và sách dẫn nhiều hơn. Không chỉ để xem nó có được biên soạn theo qui tắc đã được nêu ở Lời nói đầu hay không, mà chủ yếu là tiếp nhận những thông báo ở các từ điều do các soạn giả lựa chọn đưa vào từ các tư liệu gốc được ghi rõ ở cuối mỗi từ. Có nghĩa là, độc giả sử dụng sách này vừa như một sách công cụ vừa như một sách biên khảo nghiên cứu. Có thể thấy các từ điều ở đây được biên soạn “theo mô hình thiết kế” lúc ban đầu. Mỗi từ, trên cơ sở những tư liệu đã nắm được, người viết chủ yếu là tuân theo qui cách chung, trong khi vẫn có thể thể hiện phong cách riêng của từng người biên soạn. Hầu hết từ điều ở đây đều có khả năng đem lại cho người đọc những thông tin trung thực, có chọn lọc, bảo đảm độ chuẩn xác đáng tin cậy. Nhóm biên soạn đã xử lý khối tư liệu phong phú, phức tạp một cách linh hoạt và thành thạo, cung cấp cho độc giả vô số những kiến thức về lịch sử, về xã hội, nhất là về văn hóa, phong tục, lễ hội, tín ngưỡng v.v..., làm cho tập sách cơ hồ vượt khỏi loại sách công cụ thông thường. Điều thú vị: các soạn giả đã đưa một số bài thơ liên quan đến các di tích vào sách, lại có thêm cả phần viết chữ Hán Nôm ngay ở bên (Khi tái bản, nếu có cả thơ Nôm và phần viết chữ Nôm thì hay biết mấy!). Có thể xem sách này là một công trình đáng ghi nhận của Viện Hán Nôm trong thập kỷ qua. Sách xuất hiện với tính chất một kiểu dạng mới, có tác dụng lớn đối với sinh hoạt văn hóa, xã hội, trong khi nhiều di tích quý đang xuống cấp hoặc bị phá hoại.
Tuy nhiên, nếu tái bản, khi trình bày các mục từ, khi làm sách dẫn, vẫn cần cẩn trọng để có thể hạn chế những sai xót. Xin lấy những mục từ về Trương Hống, Trương Hát để nói cho rõ. Sách dẫn ghi có 4 lần nhắc đến Trương Hống (101, 141, 217, 455), thiếu một lần (591); 4lần nhắc đến Trương Hát (101, 141, 217, 591), được ghi đủ; và ba lần nhắc đến cả hai ông (101, 141, 591) thiếu 1 lần (217). Thực ra từ dẫn cả hai ông là thừa, vì các di tích có thờ cúng đều ghi tên cả hai anh em. Hơn nữa, 4 nơi thờ cúng hai ông có hai đình: Bích Động (101, Hà Bắc), Châu Xuyên (141, Hà Bắc); và 2 đền: Đại Đường giang thần (217, Hà Bắc), Tam Giang thần (591, Bắc Thái). Hai đình đều lấy tư liệu ở Bắc Giang tỉnh thần tích; thế mà trên thì ghi ký hiệu sách là: (Q.40, 18/5-54); dưới lại ghi là: (Q.40, 18/V-23); (AE.a 14/12). Điều khó hiểu là cả hai mục Từ ở hai đình đều căn cứ vào một tư liệu mà lại có sự khác nhau về nhiều chi tiết(2). Còn như Thần tích ở 2 đền thì đều không lấy ở Bắc Giang tỉnh thần tích. Từ trên dựa vào 6 tư liệu, Từ dưới dựa vào 2 tư liệu khác hoàn toàn. Từ trên gồm 3 trang in, Từ dưới chưa đầy 4 dòng in. Đây chỉ là mục từ được chộp xem một cách ngẫu nhiên mà cũng thấy có chuyện(3). Hóa ra khi viết “trong việc trình bày các mục từ không tránh khỏi sai lầm thiếu sót” (tr.17), vì đây là “công trình tổng hợp chưa từng có” (tr.6), thì Nhóm biên soạn đã thực lòng chứ không phải khiêm nhường theo thông lệ.
Để có được một bảng tra cứu tốt hơn, sau khi đã khẳng định thành tựu của bản in lần đầu, Nhóm biên soạn chắc còn phải xét thêm về một vài vấn đề nữa. Về thời gian chẳng hạn, nói đến tư liệu viết bằng chữ Hán và chữ Nôm thì hầu như ai cũng hiểu đó là thuộc thời cổ. Nhưng thời cổ là từ đâu đến đâu? Cho đến trước năm 1945, đình, chùa, đền, miếu... vẫn dùng Hán Nôm làm văn tự thờ cúng chính thức. Cứ để người đọc hiểu chung là di tích lịch sử văn hóa được ghi ở thư tịch Hán Nôm cũng được, nhưng về mặt khảo cứu thì có nên hiểu rộng sâu hơn? Về tên sách, không biết đặt thế đã thật ổn chưa? Bởi lẽ DTLSVHVN thì không phải chỉ có đình chùa, am viện, đền miếu, đạo quán... cũng không phải đình chùa, am viện... nào cũng xứng đáng là di tích lịch sử,văn hóa. Rõ ràng Nhóm biên soạn chỉ viết về những di tích mà ở đó có sự cúng tế, thờ phụng, có liên quan đến tôn giáo (Phật, Đạo và cả Nho) và tục phụng thờ thần thánh của người xưa. Vì vậy không nên đưa cung như An Trường cung (tr.49) với nghĩa cung điện, cung miếu, hành cung vào đây; lại nên bổ sung thêm nhiều lăng mộ, đàn tế ở thời Lê, nhất là thời Nguyễn (ở Huế) vào sách. Cái tên DTLSVHVN trang nghiêm, chững chạc nhưng cũng chung chung quá. Có nên tìm cái danh phù hợp với cái thực, chẳng hạn: Đình, đền, chùa quán, lăng tẩm ở Việt Nam hoặc Bảng tra các di tích: Đình đền, chùa quán thơi xưa. Một vấn đề nữa: nên như thế nào khi soạn các mục từ, khả dĩ khắc phục được những thiếu sót như loại đã dẫn trên kia. Có nên có một nền chung về sự tích trên cơ sở tất cả những nguồn tư liệu đã có về sự tích. Và cộng thêm vào cái nền chung ấy là những gì có tính địa phương khi viết về sự tích ở địa phương ấy? Hoặc giả, nên căn cứ vào trước hết là nguồn tư liệu ở địa phương, bao gồm cả các hồ sơ công nhận di tích xếp hạng thời nay của cơ quan Văn hóa... bảo đảm sự phong phú đa dạng của sự tích các đền chùa vốn lưu truyền ở các địa phương như những truyền thuyết, huyền thoại.
Cuối cùng, xin có một đề nghị. Loại sách mới về dạng kiểu, tính chất như thế này, được biên soạn và cho in ấn lần đầu, có cố gắng đến mấy cũng chưa thể là thành phẩm hoàn hảo. Một số điều nói trên, chỉ là sơ xuất khó tránh; ai đã từng một lần làm sách loại này, hoặc gần như loại này đều dễ thông cảm. Có thể nói bộ sách này là một tài liệu tra cứu đang rất cần cho bạn đọc trong nước. Chúng ta có khỏang trên 500 đơn vị cấp huyện và hàng trăm cơ quan nghiên cứu Trung ương cần có sách loại này, ấy là chưa kể cấp tỉnh, xã. Nếu mỗi đơn vị chỉ cần vài ba tập, thì 500 bản in lần đầu sao thỏa mãn được yêu cầu! Rất mong sách được tái bản có sửa chữa, tức có sự hoàn thiện ở một bước mới.
B.D.T
CHÚ THÍCH
(1) Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam (Bảng tra tư liệu thư tịch Hán Nôm). Biên soạn: Ngô Đức Thọ (Chủ biên) - Nguyễn Văn Nguyên - Đỗ Thị Hảo - Phan Thị Lựu - Nguyễn Kim Oanh - Hoàng Ngọc Thắng. Nxb. KHXH, H. 1991.
(2) Chẳng hạn: Từ trên nói anh em sinh đôi; từ dưới nói là 2 con đầu của bọc sinh 5; Từ trên là thần giúp Hậu Ngô Vương và nhà Lý đánh giặc, dưới chỉ giúp Nam Tuấn Vương tức Hậu Ngô Vương. Từ trên không có chuyện bà mẹ do giao long phủ mà có mang như Từ dưới.
(3) Xem những mục từ về Không Lộ, Minh Không v.v... hoặc giả ba lần dẫn thơ Trịnh Căn ở các tr.359, 521, 633... cũng sẽ thấy có những sai sót về biên khảo và biên tập./
1

 


Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh