Home » Tin tức » Văn hóa Xứ Đoài

ĐỂ VĂN HÓA XỨ ĐOÀI NGÀY CÀNG PHÁT TRIỂN VÀ TỎA SÁNG

SATurday - 03/05/2014 10:46
Xứ Đoài còn có ngã ba Bạch Hạc, là nơi hợp thành của ba sông, đó là sông Đà, sông Thao và sông Lô. Chính nhờ có những con sông này đã tạo thành vùng châu thổ trù phú với một nền văn minh lúa nước rực rỡ được kế tiếp nhau phát triển từ đời này qua đời khác suốt mấy ngàn năm.
Xứ Đoài

Xứ Đoài

Xứ Đoài là một vùng đất rộng lớn bao bọc trung tâm châu thổ sông Hồng ở phía Tây, Tây bắc và Bắc. Nơi đây được định vị bởi sông Đà ở phía trên và sông Nhị Hà[1] ở phía dưới, tả ngạn có ngọn núi Tam Đảo và hữu ngạn có ngọn núi Tản Viên hùng vĩ. Núi Tản Viên không chỉ là ngọn núi huyền thoại trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, mà còn là ngọn núi “linh thiêng” của xứ Đoài, của nước Việt Nam ta. 
Người ta nói rằng, cái tên Xứ Đoài được bắt nguồn từ một câu “Đoài phương tĩnh nhất khu” có ý muốn nói rằng, phương Đoài nằm ở phía Tây Kinh Đô là một vùng đất yên tĩnh. Xét về vị trí địa lý, Xứ Đoài phía Nam tiếp giáp Thăng Long - Hà Nội, nơi đây có kinh đô cổ Phong Châu của vua tổ Hùng Vương - người đã xây dựng nhà nước Văn Lang. Nhân dân ta tôn các vua Hùng là “Quốc tổ” và lễ hội đền Hùng từ xưa đến nay vẫn là một lễ hội lớn nhất cả nước, vừa thể sự thành kính đối với tổ tiên, vừa thể hiện những nét đẹp truyền thống về văn hoá của nước Việt mình, mỗi năm khu di tích Đền Hùng đã tiếp đón hàng chục vạn du khách khắp bốn phương hành hương về đất Tổ và tham gia giỗ Tổ. Không những thế, lễ hội Đền Hùng còn thể hiện tinh thần thượng võ của ông cha ta. Đền Hùng là một quần thể kiến trúc hoành tráng gồm nhiều đền đài, với rất nhiều di tích cổ, ghi dấu truyền thống dân tộc ta từ thời kỳ dựng nước Văn Lang. Trong khuôn viên núi Nghĩa Lĩnh, người ta thấy gần lăng vua Hùng thứ Sáu có giếng ngọc, tục truyền nơi các công chúa Ngọc Hoa, Tiên Dung đã từng soi bóng; có cột Đá Thề, tương truyền vua Thục đã dựng để thề nguyện hết lòng, hết sức gìn giữ cơ nghiệp Hùng Vương.
Tìm hiểu lịch sử mới thấy Xứ Đoài là nơi cư trú lâu đời của người Việt cổ; là nơi khởi nguồn của nền văn minh lúa nước có cách đây mấy ngàn năm. Xứ Đoài có làng cổ Đường Lâm nổi tiếng, nơi đã sinh ra hai vua - Phùng Hưng (Bố Cái Đại Vương) và Ngô Quyền. Sử sách còn ghi lại chiến công hiển hách của Ngô Quyền - một vị vua tài năng trong lịch sử đánh đuổi giặc Nam Hán và khai sinh nền độc lập đầu tiên cho nước nhà vào năm 938. Nói đến xứ Đoài, người ta cũng thường nhắc đến hai danh thần nổi tiếng làm quan đồng triều là Tô Hiến Thành quê ở Đại Mỗ và Đỗ Kính Tu quê ở Vân Canh. Đó là hai danh tướng văn võ song toàn, với nhân cách cao thượng hết lòng tận trung với nước. Lịch sử còn mãi ghi công lao của Nguyễn Trãi- anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới; ghi nhớ vị Thám hoa Giang Văn Minh, sứ thần Đại Việt thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII) bất khuất trước triều đình phương Bắc, thà chết để chứng minh một nước Nam bất khuất kiên cường và nhiều danh nhân khác, rồi tiếp sau là biết bao người con Xứ Đoài đã kế tục sự nghiệp vinh quang của các bậc tiền nhân, có những người đã được lưu danh trong sử sách.
Nói tới Xứ Đoài, người ta lại nhắc tới Hà Tây - quê hương của nhiều làng nghề nổi tiếng như gấm và lụa vân Vạn Phúc; lụa, the, lĩnh La Khê; tiện gỗ Nhị Khê; thợ nề thợ mộc làng Chàng; thợ đá ở Hoàng Xá... Hà Tây không chỉ nổi tiếng với đất trăm nghề, mà còn là đất của những điệu dân ca, nghi lễ dân gian như hát Dô (Quốc Oai), chèo Tàu (Đan Phượng), múa sênh tiền (Phú Xuyên), trống quân (Thường Tín), phường rối Tế Tiêu, Thạch Xá, Chàng Sơn. Hát Dô ở xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai gồm 22 bài được hát lên để tôn vinh thánh Tản, trong đó có 10 bài vừa hát vừa múa, gọi là hát bỏ bộ. Sôi nổi hơn nữa là hội hát Chèo Tàu ở bốn thôn của xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, gắn với tục thờ cúng Hai Bà Trưng, Triệu Quang Phục, Lý Phật Tử. Đây là một tập hợp nhiều diễn xướng, nghi lễ, điệu hát và điệu múa dân gian được trình bày trên các sân khấu mô phỏng hình thuyền (tàu) và voi (tượng). Những điệu hát, múa này đã thu hút đông đảo du khách, không chỉ là người dân Xứ Đoài, mà cả người dân Thăng Long và người dân nhiều nơi khác cùng đến đây thưởng thức.
Hà Tây còn nổi tiếng bởi những ngôi chùa danh bất hư truyền, như: chùa Đậu, chùa Mía, chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Trăm gian, đặc biệt nhất là chùa Hương Tích với vẻ đẹp vừa kỳ vĩ, vừa mang đậm sắc thái tâm linh, cùng với những ngôi đình vào  loại cổ kính nhất ở Việt Nam có hàng trăm năm tuổi.  
Khi tìm hiểu về người dân xứ Đoài, người ta thấy tính cách của người dân Xứ Đoài khá bộc trực và ngay thẳng, sống khẳng khái, khoan dung, nhường nhịn, ít háo danh. Người dân Xứ Đoài nổi tiếng hay làm và cũng rất khéo tay, chính vì vậy mà vùng đất nơi đây mới có nhiều làng nghề như thế. Con trai xứ Đoài cũng có tiếng là tài hoa, gan dạ và đôi chút thông minh, điều đó được biểu hiện qua các cuộc chiến tranh vệ quốc, lớp lớp người dân Xứ Đoài đã tòng quân ra trận và lập được nhiều chiến công hiển hách. Cũng có khá nhiều người Xứ Đoài đã trở thành những trụ cột của nhiều triều đại từ xưa đến nay. Con gái xứ Đoài chịu thương chịu khó và giỏi cách làm ăn, chiều chồng và khéo nuôi con, nhưng tính cách và lời ăn tiếng nói đôi khi cũng còn hơi vụng, không biết cách rào trước đón sau, có khi chạm vào lòng tự ái của người khác. Người dân Xứ Đoài cư xử với tất cả mọi người không phân biệt địa phương, bất cứ người ở đâu cũng đều được quan tâm giúp đỡ theo phương châm “tứ hải giai huynh đệ”.  
Điểm qua những di tích lịch sử và văn hoá ở Xứ Đoài để nói lên vùng đất nơi đây đã có một bề dày văn hoá nổi tiếng bởi những trầm tích văn hóa, nó vừa độc đáo, vừa đa dạng. Những nét đặc sắc của văn hóa Xứ Đoài đã làm cho vùng đất này gợi nhiều cảm hứng về văn chương, nghệ thuật, cả bác học lẫn dân gian, cuốn hút mọi du khách thập phương.
Văn hoá của Xứ Đoài có bề dày là thế. Song đến nay không ít người bắt đầu lo lắng cho tương lai của văn hóa Xứ Đoài, nó đang bị tấn công bởi quá trình đô thị hoá.  Không ít người dân không có đất sản xuất, thiếu việc làm, không được dạy nghề, dẫn đến biết bao hệ lụy tiêu cực ở nông thôn. Sự xâm nhập quá nhanh của lối hưởng thụ, cùng với việc sử dụng tiền đền bù đất không hợp lý đã làm cho một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là lớp trẻ có những kiểu sống thiếu văn hoá đã và đang làm xói mòn những giá trị văn hoá của vùng đất Xứ Đoài. Điều cũng rất lo lắng là quá trình đô thị hóa xô bồ với cơn sốt nhà cao tầng với nhiều kiểu kiến trúc hỗn tạp, cùng với sự xâm lấn các công trình văn hóa của những người chỉ biết chạy theo quyền lợi trước mắt, mà không biết bảo vệ lợi ích lâu dài, thêm vào đó là lối sống vương vấn bụi thương trường thực dụng, chơi bời trác táng và lai căng. Tất cả những cái đó sẽ làm cho nét thi vị mà thiên nhiên ban tặng và những giá trị văn hóa được xây đắp từ ngàn đời nay của bao thế hệ đã làm nên sắc thái độc đáo của Xứ Đoài sẽ bị mất đi.  


Nhớ lại hơn 1000 năm về trước, khi Lý Công Uẩn ban Chiếu dời đô từ kinh đô Hoa Lư - Ninh Bình về Thăng Long – Hà Nội, tìm đến nơi có thế đất địa linh với mong muốn xây dựng nước Việt mình ngàn năm bền vững. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, Hà Nội đã mấy lần được mở rộng và đến nay địa giới Thủ đô đã gần với Kinh đô cổ - Phong Châu. Cho dù đã lận đận mấy lần tách nhập, nhưng đó chỉ là những lần để Hà Tây và Hà Nội nương tựa vào nhau trên con đường phát triển, giờ đây Hà Tây thêm một lần hợp nhất với Hà Nội, cùng chung bước đi trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đó cũng là vì sự phát triển của Thủ đô. Mặc dù vậy, sự hợp nhất Hà Tây với Hà Nội vẫn để lại những hoài niệm, những suy nghĩ của nhiều người con quê hương Xứ Đoài về một địa danh - một miền đất có bề dày về bản sắc văn hóa vô cùng độc đáo. Đó cũng là những trăn trở là làm thế nào để văn hoá Xứ Đoài hòa quyện với văn hoá Thăng Long, làm phong phú thêm nền văn hóa kinh kỳ đã hơn nghìn năm tuổi; để văn hóa Xứ Đoài cùng với văn hóa Thăng Long ngày càng phát triển và không ngừng tỏa sáng; để mỗi nền văn hóa Xứ Đoài và văn hóa Thăng Long vẫn luôn giữ được sắc thái riêng. Những suy nghĩ đó là chính đáng, tất cả vì một mong muốn rất giản dị: mỗi khi nhắc đến Xứ Đoài người ta cảm thấy bịn rịn với những nét xưa, để mỗi người thêm yêu và có trách nhiệm nhiều hơn với văn hóa của vùng đất mà mình đã và đang sống, chính những điều đó sẽ làm cho văn hoá Xứ Đoài thêm đậm đà bản sắc và tồn tại mãi với thời gian./.

Nguyễn Đắc Hưng

[1] Sông Nhị Hà còn gọi là sông Hồng Hà, sông Cái, sông Hồng.

Source: www.tuyengiao.vn

Total notes of this article: 3 in 1 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh