KÊ CHÂN GHẾ BẰNG... SÁCH
TUEsday - 08/07/2014 07:36
(1)-Người viết bài này có một hiến kế rất hiểm dành cho đạo diễn Lê Hoàng: thay vì phải đi giải thích lòng vòng về hậu trường, về trách nhiệm,… chỉ cần ông bảo rằng loại sách dưới chân chiếc ghế mà ông đang ngồi lên chính là những quyển sách do chính ông viết, thì biết đâu, 'tình tiết sẽ được giảm nhẹ đáng kể'!? (Nguyễn Vĩnh Nguyên)!!! (2)-Trong trăm ngàn góp ý cho Lê Hoàng, tôi đánh giá góp ý này của ông Nguyên đúng là diệu kế 100%. Vì ông Hoàng cũng... viết kịch bản điện ảnh, viết sách. Ông Nguyên quá giỏi, chịu ông luôn! (Vũ Duy Chu)
KÊ CHÂN GHẾ BẰNG... SÁCH
1- Vị trí của vị đạo diễn và cô hoa hậu không cao hơn, thậm chí thấp đi rất nhiều trong mắt công chúng, khi bức ảnh chụp hai chiếc ghế mà họ ngồi trò chuyện ở trường quay một gameshow được 'đôn' lên bởi những cuốn sách. Đạo diễn Lê Hoàng, người từng có 5 cuốn sách tiểu phẩm đã được xuất bản buộc phải giải thích với công chúng đang nổi giận của một tờ báo rằng, đó chỉ là hậu trường, chương trình chưa được duyệt, chiếu công khai thì không nên chỉ trích hay nâng quan điểm; việc sử dụng đạo cụ thuộc về người thiết kế trường quay, nhà sản xuất, ông chỉ là khách mời không tham gia vào việc đôn ghế. Trong khi đó, nhà sản xuất lại nhẹ nhàng xin lỗi công chúng và giải thích cho việc 'kê ghế bằng sách' đơn giản như vầy: do lúc quay chương trình, hai chiếc ghế khách mời thấp hơn máy quay nhưng bởi trời mưa, nhóm thiết kế không ra ngoài tìm được vật kê ghế, nên phải dùng tạm những cuốn sách.
Chuyện giới showbiz vì những bức ảnh ngồi lên sách, xé sách mà bị dư luận ném đá tơi tả không còn là chuyện mới. Đến nỗi, có người nói đùa: nếu bạn là showbiz mới vào nghề, muốn nhanh được sự chú ý thì bằng cách gây scandal mà không thể nghĩ ra phát ngôn điên rồ, không đủ can đảm tung ảnh nóng thì hãy tìm những cuốn sách và… đày đọa chúng rồi ghi hình đưa lên mạng.
Đằng sau ý tưởng mỉa mai đó cho thấy một thực tế thú vị, có lẽ không được lòng đám đông cho lắm: quan niệm coi sách vở là chữ của thánh hiền trong truyền thống Nho giáo vốn ăn sâu vào vô thức tập thể, khó thay đổi. Tâm lý đó được 'tiếp biến', 'hiện đại hóa' cho thức thời bằng một khẩu hiệu mà những nhà văn hóa hô hào cho văn hóa đọc ưa xài đến: sách là tri thức nhân loại. Ứng xử với sách không còn là ứng xử với một món đồ, mà được nâng tầm lên thành một ứng xử mang tính đạo đức hay một sự bảo thủ có màu sắc đạo đức. Và sự 'bảo thủ' đó được xem ra có lý. Xét về mặt biểu tượng mà nói, cuốn sách là hình ảnh của nguồn sống tri thức. Một cá nhân hẳn không thiếu sách trong quá trình tôi luyện nhân cách, thăng tiến bản thân, xã hội hội không thể coi thường sách nếu muốn phát triển trong kỷ nguyên kinh tế tri thức. Sách giúp con người nâng cao tầm vóc trí thức và giúp xã hội văn minh. Ở đây, giá trị vô hình (tri thức) đã được đồng hóa qua biểu trưng của nó – cái hữu hình (cuốn sách). Nếu trong quá khứ, thời sách là nơi duy nhất dung chứa kho tri thức dẫn đến việc những Nho sĩ theo 'đạo lý thánh hiền' thiêng hóa việc đọc sách, coi như đó là thực hiện một nghi thức, thì cần hiểu rằng, ngày nay, tri thức không chỉ còn khu trú ở những quyển sách truyền thống (mà người ta có thể thu nhận rất nhiều kiến thức trên mạng internet, thiết bị đọc như iPad, Amazon Kindle, đọc qua phim ảnh…) mà tinh thần thiêng hóa sách giấy vẫn không thay đổi. Cái 'đền đài biểu tượng' truyền thống (cuốn sách giấy) vẫn chưa bị hạ bệ và giải thiêng. Điều này minh chứng cho sự chính xác của một lập luận của triết gia, nhà ký hiệu học Umberto Eco, rằng, sách là một biểu tượng có tính phổ quát về tri thức, nó như một cái muỗng hay bánh xe, được phát minh ra có tính bền vững đến mức không phương tiện cải tiến nào có thể thay thế được.
Tính biểu tượng của những quyển sách giấy đã ổn định và bền vững đến mức, ngày nay người ta có thể dễ dàng chấp nhận cảnh ai đó đập vỡ một chiếc Amazon Kindle hay một cái iPad chứa hàng ngàn cuốn sách điện tử giá trị nhưng khó chấp nhận chuyện bạn ra đường đốt mấy quyển sách, dù chưa biết đó là loại sách gì. (Hình như vậy mà trên thực tế đã có chuyện rất nhiều người giàu có tuy không đọc sách bao giờ nhưng thường mua những bản sách bìa cứng về đặt lên giá sách phòng khách để décor, những quán cà phê sách mọc lên đầy rẫy trong thành phố không phải vì nhu cầu đọc sách của người uống cà phê đang tăng cao mà có khi chỉ đơn giản các chủ quán nắm bắt tâm lý khách hàng của họ có nhu cầu được ngồi trong một không gian có nhiều sách. Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, một thiểu số nào đó trong xã hội coi sách là vật trang sức, gần sách họ cảm thấy mình có vẻ tri thức hơn!)
Trở lại câu chuyện dư luận nổi giận, tới tấp ném đá ông đạo diễn và cô hoa hậu vì họ đã ngồi trên hai chiếc ghế được kê chân bằng sách, có thể ghi nhận tinh thần hiếu tri rất cao của đại chúng. Điều này xem ra rất ngược với số liệu điều tra mà Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch vừa công bố giữa năm 2013, rằng: mỗi năm, mỗi người Việt đọc chỉ 0,8 cuốn sách. Theo logic thông thường mà nói, dường như người Việt mình yêu quý sách, thiêng hóa sách theo nghĩa vật thể thì nhiều nhưng… đọc sách theo nghĩa tinh tinh thần thì quá ít. Hoặc cũng có thể đã có sự chuyển dịch lớn trong phương tiện đọc, phương cách tiếp nhận tri thức nhưng cái biểu tượng truyền thống về thế giới tri thức, về chữ nghĩa thánh hiền thì vẫn chưa hề thay đổi. Người viết bài này có một hiến kế rất hiểm dành cho đạo diễn Lê Hoàng: thay vì phải đi giải thích lòng vòng về hậu trường, về trách nhiệm,… chỉ cần ông bảo rằng loại sách dưới chân chiếc ghế mà ông đang ngồi lên chính là những quyển sách do chính ông viết, thì biết đâu, 'tình tiết sẽ được giảm nhẹ đáng kể'!?
Nguyễn Vĩnh Nguyên
-------------------------------------------
2-Ông Lê Hoàng đạo diễn điện ảnh nhiều tai tiếng vừa bị một cú tổ trác. Ấy là ông ta và cô hoa hậu nào đó ngồi lên 2 chiếc ghế để ghi hình, mà chân chiếc ghế lại kê bằng những cuốn sách. Dân mạng từ lề trái sang lề phải chửi ông là đồ vô học, vô lại...
Tất nhiên ông ta cãi lại, nhưng cãi cù nhầy. Ông bảo ông chỉ là khách mời, đạo cụ là do nhà đài làm... Nghĩa là ông ta vô can... Nhưng ông Lê Hoàng quên rằng không chỉ ông là khách mời đâu, chúng tôi còn thấy ông thường xuyên lên tivi giảng giải về văn hoá trong các Chương trình Văn hoá nữa đấy.
Nhà đài thì còn cù nhấy hơn bảo rằng do trời mưa, nhân viên nhà đài không ra ngoài được để kiếm gạch, đành lấy sách kê tạm. Thật là đại lãn quá sức. Kiểu này thì các sự kiện xã hội xảy ra khi trời mưa bão chắc nhà đài nghỉ tác nghiệp?
Tôi thấy nghi nghi, hay là thiên hạ dựng chuyện? Hay ai đó "thù dai" ông Hoàng chăng? Nhưng tôi thất vọng hoàn toàn, vì chuyện có thật...
Ông nhà thơ Hà Nội Nguyễn Vĩnh Nguyên viết trên Thời báo Sài Gòn Online đã mách cho ông Lê Hoàng một diệu kế. Đại ý rằng ông Lê Hoàng hãy kêu toáng lên: Ới dân cư mạng, bà con mình ơi, những cuốn sách kê chân ghế ấy là những cuốn sách do Lê Hoàng viết đấy, Lê Hoàng là tác giả đấy. Thế là bà con im re ngay, hết ném đá!
Trong trăm ngàn góp ý cho Lê Hoàng, tôi đánh giá góp ý này của ông Nguyên đúng là diệu kế 100%. Vì ông Hoàng cũng... viết kịch bản điện ảnh, viết sách.
Ông Nguyên quá giỏi, chịu ông luôn!
Vũ Duy Chu