Nhà thơ Nhất Dương ( bên phải) cùng nhà thơ Nguyễn Đăng Thành
ĐỌC THƠ NHẤT DƯƠNG
Anh tên thật là Nguyễn Dương, còn Nhất Dương là bút danh do người bạn thơ Thế Mạc gọi, rồi thành quen; Nhất Dương trong kinh dịch thuộc quẻ phục, trong âm có dương, tượng trưng cho một mầm sống sinh sôi nảy nở trong không gian của âm, vì thế mà người xưa có câu: “ Đông chí nhất dương sinh” tức vào tiết đông chí giá lạnh cùng cực thì cũng chính là lúc có một khí dương của mùa hạ được sinh ra. Không biết nhà thơ Thế Mạc dưới góc nhìn nào mà gọi anh là Nhất Dương, riêng tôi thấy bút danh và tính cách anh có nét tương đồng; điềm đạm, ít nói nhưng có chiều sâu nội tâm và trong sáng.
Văn nghệ sỹ xứ Đoài cùng nhà thơ Nhất Dương
Trong tình yêu, những anh nói liên thiên từ đầu đến cuối thì chẳng cô nào nhòm ngó, còn những anh thỉnh thoảng thả một câu, câu nào “chết” câu ấy thì bội thu; có lẽ Nhất Dương thuộc tuýp người thứ hai, dù không nói nhiều nhưng ánh mắt, nụ cười sôi
nổi và cuốn hút; chuyện trò thật thà, thủng thẳng từng câu nhưng làm người nghe cứ thon thót.
Thơ anh cũng vậy, ngày càng hình thành tính cách rõ nét: hào hoa, chân thành, nhân hậu, kiệm lời, triết lý và sâu sắc; những câu thơ ấn tượng cứ “đóng đinh” vào đầu người ta, buộc phải suy nghĩ và nhớ mãi.
Nhất Dương có cái nhìn biện chứng nhưng góc nhìn lại đa chiều và bất ngờ: “ Có bao giờ/ anh ở tận đáy/ của một cái chai đã cạn/ nỗi khát còn nguyên mênh mang” (SAY) tưởng dừng lại ở tâm trạng say đó, không ngờ cái mênh mang ấy lại là: “Dài chiều thời gian/ Rộng bề nhân thế/ Dày nỗi ưu tư”- thì ra bảo bối hồ lô (cái chai) lớn quá thật, chứa đủ nhân tình thế thái… Giờ ta đến với bài “ RƯỢU SAY”:
“ Rượu đã uống rồi
người bảo say
Men chưa đủ để đến miền
tít- tỉnh
Rượu ngấm rồi, say thành tỉnh
Nỗi thương đời tỉnh hóa ra say”
Thường những người ít nói khi uống rượu ngà ngà lại nói rất hay, hình như rượu là cái cớ để người ta mạnh dạn nói ra tâm tư ruột gan mình, có vẻ tâm trạng ngà ngà này vẫn chưa đủ để tác giả bộc lộ hết, “chưa đủ để đến miền tít- tỉnh”; không hiểu “miền tít- tỉnh” nó thế nào? Tác giả chọn được từ “tit- tỉnh” đặt vào đây hay tuyệt- thật đã ! Có lẽ ai cũng từng có tâm trạng như vậy.
Bài thơ “ĐƯỜNG” là một trong những bài thơ cực ngắn nhưng làm cho người đọc bật cười, nhớ và suy nghĩ: “ Theo hút tà áo xanh thơ mộng!/ Bỗng thấy tảng mông trần thế/ Đi?/ Về?”, khác biệt giữa ước vọng và thực tế phũ phàng, thơ mộng và trần tục làm ta nhiều khi bối rối, tiến thoái lưỡng nan.
Khi tuổi ngoài bảy mươi vẫn thấy Nhất Dương trẻ trung, vẫn ước vọng, vẫn “khát”: “Nghe em!/ Anh thèm!/ U ám mùa đông lạnh buốt/ anh thèm ngày nắng quang mây/ Chói trang mùa hè đỏ lửa/ anh thèm dìu dịu mưa rơi/ Ẩm thấp mùa xuân nẩy lộc/ anh thèm bừng nắng xanh trời/ Hanh heo mùa thu lá rụng/ anh thèm hương sắc khoe tươi” (KHÁT). Cuộc sống là vậy, mỗi đời người là tập hợp một chuỗi những khát vọng, tình yêu cuộc sống, một chuỗi những ước mơ, lúc đầu là nhỏ rồi lớn dần, “thèm” mãi rồi tích tụ dần dần thành “khát” “lang thang” vào cõi tiên vẫn còn mơ ước: “Nỗi thèm thành khát/ theo anh cả đời/ Rồi đến một ngày…/ Hóa…/sinh đói khát…/ lang thang bốn mùa…”
Với tính tình hòa nhã, ít bộc bạch, nếu không đọc thơ Nhất Dương thì ta không hiểu anh. Lần đầu đọc bài thơ “PHẬT” về sau bài thơ đổi tên thành “LÊN CHÙA” tôi giật mình và bắt đầu quí trọng tính điềm đạm, khiêm tốn ở anh: “Phật có tai to/ nghe tỏ tiếng thầm thì đêm tối/ thẳm xa/ Phật có đôi mắt khép hờ/ đã từng mở to, cái gì cũng thấy/ Phật ngồi tĩnh lặng/ bởi đã từng đi/ lặn lội qua mọi miền sướng khổ/ vàng son tăm tối”. Cái nhìn và liên tưởng của Nhất Dương về phật khá đặc biệt, nhìn phật dưới góc độ con người; phật cũng thấy, nghe như người, cũng trải đời, “lặn lội qua mọi miền sướng khổ/ vàng son tăm tối”, cũng hạnh phúc, cũng bất hạnh …Người cũng giống như phật, sinh ra để trải đời, để sướng khổ, để hiểu biết; hiểu biết đến độ ngồi “tĩnh lặng”, “mắt khép hờ” mà nghe hết, thấy hết…để rồi ra đi mãi mãi… và kết lại thì người và phật là một:
“Phật chẳng nói gì
cười nhắc nhở
Ngụp lặn trần gian
đã đã rồi, thì đi!
Chớ hoài nghi
Ai cũng là ta cả”
Nhà thơ Nhất Dương và người bạn đời của ông
Nhất Dương bước vào tuổi già “Dày nỗi ưu tư”, “lòng nặng đầy phố cũ” vì nhà cũ, phố cũ đã nhiều thay đổi, cô láng giềng “tóc bạc, lưng còng” Đêm nằm “khắc khoải” thương đời, thương người, thương con chim cuốc cô đơn bị lạc giữa phố, mất tổ ấm, không người thân:
“Tân mão vào xuân, rét mướt qua.
Vẳng vang quắc quắc phía sau nhà
Đầm ao xây phố; ơ! Con Cuốc
Khua động đêm dài mãi gần xa.”
Nghe tiếng chim Cuốc mà liên tưởng đến mình, đời người:
“Quắc quắc đêm trường tự ngàn xưa
Tụng niệm thăng trầm nắng mưa thế cục
Từ trẻ thơ đi trọn đời…thân thuộc
dọc thời gian sần sùi”
Bài “ NGHE TIẾNG CON CHIM CUỐC” là một bài thơ hay, thông qua tiếng chim cuốc tác giả không những khắc họa thân phận con người mà còn cả thế sự, thời cuộc nữa. Tiếng chim cuốc “lẻ loi” trong đêm khuya thật day dứt, buồn thương, thảm thiết, cứ văng vẳng vang xa mãi, vừa như thực, lại như mơ, lại vừa như ký ức từ quá khứ vọng về và in đậm vào tâm trí người đọc; thương cho thân phận con cuốc và thương cho kiếp nhân sinh:
“Quắc quắc đêm xuân- thực hay mơ
Tiếng gọi bạn tình- mải miết…
Sao lẻ loi!
Hay
Lời giã biệt
lang thang về phía trằm đoài
miền mênh mang huyền thoại
khắc khoải những vần thơ
Ơ!
Đêm xuân nay
lơ mơ
quắc quắc”
Nhất Dương làm thơ với lượng bài không nhiều, đủ in một tập; anh nói rằng chơi để làm thơ, làm thơ để chơi và bộc bạch nỗi niềm…nhưng cũng đủ để khắc họa chân dung một nhà thơ, có nhân cách và phong cách riêng không lẫn với ai cả; không phải nhà thơ nào cũng làm được điều này. Anh cứ thủng thẳng buông từng từ, từng câu sâu sắc và triết lý; hình ảnh ấn tượng, điển hình, khái quát cao; liên tưởng trong thơ anh không xuôi chiều mà đa chiều, xa, sâu rộng và trí tuệ, thế nên luôn tạo ra những khoảng trống để người đọc tưởng tượng và suy tư… Về hình thức nghệ thuật, tạng của anh rất hợp thể loại thơ bậc thang tự do để anh thể hiện đúng mình: phóng khoáng và kiệm lời; những bài thơ dạng này thành công hơn các thể khác. Thông qua những tác phẩm thơ người đọc thấy rõ phẩm chất một con người, một thầy giáo Nhất Dương trí tuệ, hiền hòa, đôn hậu và bao dung.
Sơn Tây 08/ 10 /2014 (Rằm tháng chín)
N Đ T