Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

CỤM VĂN BIA Ở VĂN CHỈ LÀNG NGUYỆT ÁNG

WEDnesday - 04/11/2015 23:30
Văn chỉ làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng (nay là làng Nguyệt Áng, xã Đại áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội) hiện có sáu tấm bia đá khắc bằng chữ Hán, Văn bia ghi về Văn chỉ và các vị khoa bảng của làng. Nội dung văn bia cung cấp nhiều tư liệu mới về các vị khoa bảng ở địa phương này, đặc biệt là dòng họ Nguyễn và họ Lưu mà tiêu biểu là Trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh. Bài viết này xin giới thiệu tóm tắt nội dung và giá trị tư liệu cụm văn bia nói trên.
Cổng làng Nguyệt Áng; ảnh: Đăng Định

Cổng làng Nguyệt Áng; ảnh: Đăng Định

1. Từ vũ bia ký: bia hai mặt, khổ 112x60cm, chữ khắc chân phương, rõ đẹp. Bia dựng ngày 1 tháng 6 năm Cảnh Trị thứ 5 (1667), không ghi tên người soạn. Bia ghi: “Bồi tụng hữu thị lang bộ hình Nguyễn Quốc Khôi cùng em trai là Tiến sĩ Đình Trụ và Hội tư văn hàng giáp dựng Văn chỉ để làm nơi tế lễ các vị tiên hiền ở bản xã và biểu thị lòng tôn trọng đạo Nho cũng như sự chấn hưng văn phong vậy”. Cuối bài văn bia có bài minh ca ngợi công đức và việc học hành đỗ đạt của dòng họ Nguyễn.
2. Đăng khoa thực lục: bia một mặt, khổ 120x60cm, chữ đẹp. Bia không ghi năm dựng và tác giả. Văn bia ghi tóm tắt lai lịch của hai vị Tiến sĩ là Nguyễn Danh Thọ đỗ khoa Tân Mùi niên hiệu Đức Long thứ 3 (1631), năm ấy ông 29 tuổi và Nguyễn Đình Trụ đỗ khoa Bính Thân niên hiệu Thịnh Đức thứ 4 (1656), năm ông 30 tuổi. Bia này cho biết Nguyễn Danh Thọ là người đỗ đạt cao đầu tiên của dòng họ Nguyễn ở Nguyệt Áng và Nguyễn Đình Trụ là người tiếp theo phát huy được truyền thống của dòng họ này.
3. Khôi nguyên huân nghiệp: bia hai mặt, khổ 60x134cm. Văn bia ghi việc học hành và đỗ đạt của ba vị: Nguyễn Quốc Trinh, Nguyễn Đình Bách và Nguyễn Xuân Đài. Về Nguyễn Đình Bách và Nguyễn Xuân Đài(1) văn bia không có gì khác với các tài liệu đăng khoa lục, nhưng về Nguyễn Quốc Trinh thì có nhiều chi tiết đáng chú ý khi tìm hiểu vị Trạng nguyên này(2). Văn bia ghi rõ “Nguyễn Quốc Trinh đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh khoa Kỷ Hợi (1659). Trước kia ông tên là Đắc Lộc, ban đầu đổi tên là Quốc Trinh, lại vâng mệnh vua đổi tên là Quốc Cơ, sau khi được mệnh vua lấy tên là Quốc Khôi. Ông là anh của Đình Trụ. Năm 18 tuổi ông thi đỗ sinh đồ. Năm 20 tuổi thi đỗ Hương cống, thi phú liệt vào bậc nhất, chiếm được giải nguyên. Năm 26 tuổi thi Hội đỗ Tam Trường. Năm 30 tuổi nhậm chức Nho học huấn đạo ở phủ Khoái Châu. Năm 35 tuổi thi đỗ Trạng nguyên, kính nhận chức Hàn lâm Viện thị thư. Năm 40 tuổi được thăng chức Hình bộ Hữu thị lang, phụng sự trong triều đình. Năm 43 tuổi vâng mệnh đi sứ. Năm 45 tuổi trở về nước có công được ban chức Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu kiêm Bộ tả thị lang, tước Ngọc Trì Tử. Năm 46 tuổi được thăng chức Hộ bộ tả thị lang. Năm 50 tuổi được thăng chức lại Bộ tả thị lang, đổi chữ Ngọc (chữ trong tước Ngọc Trì Tử) thành chữ Liên (tức tước Liên Trì Tử). Ngày 9 tháng 5 năm Giáp Dần, bấy giờ gặp thời binh biến, Nguyễn Quốc Trinh hết lòng vì nghĩa không trốn đi nên đã chết. Đến ngày tháng 10 được vua sai làm lễ huyết tế (lễ dùng máu của súc vật để tế thần), lại được vua ban cho tiền điếu 1000 quan. Ngày tháng 11 được vua ban sắc phong tặng chức Binh bộ thượng thư Trì quận công, được ban tên thụy là Cương Trung. Chiếu lệ sai quan làm tế lễ.
Qua các tư liệu trong bia ta có thể biết một cách chi tiết và cụ thể về con người và sự nghiệp của vị Trạng nguyên này. Đặc biệt ta có thể xác định được năm sinh năm mất của ông mà từ trước đến nay các tài liệu ghi chép về ông vẫn để dấu hỏi.
Cụ thể là Nguyễn Quốc Trinh sinh năm 1624, đỗ Trạng nguyên năm 1659, mất năm Giáp Dần tức năm 1674, thọ 50 tuổi.
4. Đại khoa bi ký: Bia hai mặt, khổ 95x57cm không ghi năm dựng và tác giả. Chữ khắc tương đối đẹp. Bia ghi lại lai lịch của sáu vị Tiến sĩ là: Nguyễn Đình ý đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh, khoa Canh Thìn (1700); Nguyễn Đình Quý đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa ất Mùi (1715); Lưu Tiệp đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn (1772); Lưu Định đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa ất Mùi (1775), Lê Xuân Lương đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Đinh Mùi (1787) và Lưu Quỹ đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa ất Mùi (1835).
Văn bia còn cho thấy mối quan hệ giữa các vị đăng khoa như Nguyễn Đình Quý là cháu họ (quan hệ thúc bá) với thám hoa Nguyễn Đình ý. Lưu Tiệp là anh ruột của Lưu Quỹ và Lưu Định.
5. Trung khoa bi ký: bia hai mặt, khổ 132x55cm, không ghi năm dựng và tác giả, chữ khắc đẹp. Bia ghi lại tiểu sử cha con, anh em, bác, cháu… thế khoa của dòng họ Nguyễn và họ Lưu. Bia có hai phần:
Phần chính ghi lại 16 vị đỗ Hương Cống và sĩ vọng từ Nguyễn Công Thụ đến Nguyễn Đình Đạt.
Phần phụ ghi tên bảy người đỗ tiểu khoa của họ Nguyễn Đình; phụ chép thêm 2 người đỗ trung khoa của họ Lưu. Tấm bia có liệt kê 15 người đỗ Hương Cống và Sĩ Vọng của họ Nguyễn và họ Lưu từ Lưu Điền đến Nguyễn Công Hoành.
Qua tấm bia này giúp ta có thể lập được một sơ đồ chi tiết về thế thứ và quan chức của dòng họ Nguyễn và dòng họ Lưu ở bậc tiểu và trung khoa.
6. Hưng công bi kí: bia hai mặt, khổ 130x55cm, dựng ngày 4 tháng 2 năm Bính Tý, niên hiệu Tự Đức thứ 29 (1876). Mặt trước là bài văn của Nguyễn Đình Xuân soạn, nội dung ca ngợi cảnh đẹp của làng Nguyệt Áng, cùng các bậc thông minh anh tuấn nối gót nhau xuất hiện; công lao của các bậc tổ tiên đã lập Văn chỉ, nơi tế lễ các vị danh thần nay phải được tu sửa lại.
Mặt sau tấm bia có đầu đề là Công đức bi ký, nội dung: liệt kê số tiền của từng người góp vào việc tu sửa Văn chỉ. Phần liệt kê chia làm 3 loại: loại 1 là: công đức của những bậc quan chức, quân tử ở bản hương từ Cai tổng, Lý trưởng đến Tri huyện gồm 16 vị. Loại 2 là công đức của các bậc quan chức làm rể ở bản hương gồm 11 vị. Loại 3 là công đức của các bậc quan chức, công tử quý trọng nhân nghĩa, thầy thuốc, các sĩ nhân xã bạn và thông lại huyện Thanh Trì gồm 5 vị.
Tóm lại 6 văn bản bia trong cụm bia này là những tư liệu góp phần làm sáng tỏ tiểu sử Trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh; đồng thời góp phần tìm hiểu lai lịch thế thứ của dòng họ Nguyễn và họ Lưu ở làng Nguyệt Áng, những dòng họ có truyền thống học giỏi và đỗ cao trong lịch sử.
Cụm bia ở Văn chỉ này hẳn là một trong những minh chứng rằng: đất Thanh Trì không chỉ là đất của những võ công mà còn là mảnh đất có bề dày văn học, góp phần tạo nên nền văn hiến của dân tộc.
Nguyễn Thị Trang
---

Chú thích:

(1) Nguyễn Đình Bách người xã Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Quý Hợi, Chính Hòa 4 (1683). Năm ấy ông 25 tuổi, làm đến quyền Tham chính. Là con ông Đình Trụ, anh ông Đình ý, cháu đường điệt ông Nguyễn Quốc Trinh (Đặng khoa lục, sách in, ký hiệu A.2452, Q.2, tờ 32b). Nguyễn Xuân Đài người xã Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Đinh Sửu, Chính Hòa 18 (1697), trúng giải nguyên năm ông 28 tuổi, làm đến Tự Khanh, sau tặng Công bộ hữu thị lang (Đăng khoa lụcSđd, Q.2, tờ 37A).
(2) Nguyễn Quốc Trinh người xã Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, thi Hương 4 trường đều đỗ đầu, có đi sứ, làm đến Lại bộ Tả thị lang, sau tặng Binh bộ Thượng thư, tước Quận công, truy phong Phúc thần (Đăng khoa lục, Sđd, Q.2, tờ 19a)./.
Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh