Home » Tin tức » Nghiên cứu, trao đổi

Quận công Vũ Công Chấn và kiệt tác hội họa thế kỷ XVII

WEDnesday - 21/10/2015 10:42
Cùng với bức tượng đá đặt trong nội điện đền Quán Thánh (báo Tiền Phong chủ nhật số ra ngày 21/9/2014 có đề cập), vị tổng công trình sư Luân Quận Công - Vũ Công Chấn (1618 -1689) lừng lẫy thế kỷ 17 này còn được khắc họa trên một tác phẩm vô cùng đặc sắc.
Đó là bức chân dung khổ lớn được lưu tại từ đường nhà họ Vũ xã Đại An, huyện Vụ Bản, Nam Định. Có thể nói trong số di sản hội họa cổ còn sót lại hiện nay, bức họa thuộc dòng tranh chân dung cung đình này đã góp một giá trị lớn vào lịch sử hội họa cổ Việt Nam.
Bức tranh có kích thước khá lớn dài 198x98cm bằng vải bố dày 3 lớp được bồi biểu chồng lên nhau, mặt sau quét lớp sơn ta khiến cho phần hậu của tranh khá cứng cáp. Tranh vẽ theo dạng trục cuốn bằng chất liệu bột màu trộn dầu chẩu khiến màu tranh qua 4 thế kỷ đến nay vẫn còn rất tươi sáng.
Tranh mô tả nhân vật chính là Luân Quận Công (1618 - 1689), một võ quan lừng lẫy triều đình thời Lê Trịnh, người từng được phong đến chức Đô Đốc Kiểm Sự Phủ Đô Đốc Trung Quân, tước Quận Công, khi mất được triều đình gia tặng chức Hữu Đô Đốc. Mặc dù tranh không đề niên đại vẽ nhưng theo những người trong họ nhiều đời truyền lại cho con cháu thì bức tranh này được vẽ cùng giai đoạn với pho tượng đá ở đền Quan Thánh ngày nay - khoảng nửa sau thế kỷ XVII.
Bức tranh được đánh giá là kiệt tác
Bức tranh mô tả Luân Quận Công ngồi trên một chiếc ghế tựa. Hai bên ghế là các vật dụng khá quen thuộc của ông gồm một cây cung và một hầu bao da và bên kia là thanh lao và quả chuông nhỏ. Gương mặt của ông có tướng mạo khá đặc biệt. Mặt vuông chữ điền, trán cao, lông mày dài, mũi và môi được vẽ như dạng tranh dân gian Hàng Trống. Đầu ông để trần với một búi tóc nhỏ được vẽ nghiêng về bên trái của tranh. Có lẽ nghệ nhân vẽ tác phẩm này dụng ý muốn miêu tả nhân vật theo lối nhìn hai phần ba mặt nên chỉ vẽ một bên tai về phía có búi tóc, trong khi nét mặt của ông lại vẫn được vẽ theo lối chính diện.
Luân Quận Công mặc áo giao lĩnh thụng màu đỏ bên trong và một vạt áo xanh chàm khoác ngoài khá giản dị. Hai tay ông đặt trên đầu gối với những ngón dài chải chuốt. Tay phải cầm chiếc quạt lông chim tỏ rõ sự sang quí. Chân đi hài nhung đen đặt nghiêm cẩn lên khung ghế. Qua cách thể hiện trang phục có thể thấy bức tranh này mô tả Quận Công trong tư thế thư nhàn nhất, không vướng bận việc triều chính. Xung quanh ông là những hình ảnh bổ trợ để nói lên thân thế sự nghiệp cũng như thú tiêu dao của nhân vật.
Phần nền cảnh của tranh cũng là nét đặc sắc nhất của tác phẩm này so với đa phần những họa phẩm chân dung cung đình còn sót lại hiện nay. Khung cảnh được thể hiện ra với thủ pháp đồng hiện chồng xếp hình một cách tự nhiên rất dân gian. Hai cây tùng bách được vẽ sát ngay sau lưng của chiếc ghế dựa mà không có khoảng cách phân biệt nào. Trên cây, đối xứng hai bên là cặp chim phượng hoàng biểu tượng cho ánh sáng và sự quyền quí. Hình tượng cặp chim này cho thấy kỹ thuật miêu tả kỹ lưỡng của họa sĩ cung đình, mà thường ở những tác phẩm dân gian ít khi gặp.
Chạy dọc hai bên xuống phía dưới bức tranh là 21 nhân vật được vẽ với kích thước rất nhỏ, nhưng khá chi tiết. Có thể đây là những người hầu cận thân tín của Luân Quận Công. Mỗi người mang một loại vũ khí khác nhau như: kiếm, lao, chiêng, tù và. Phía dưới chân của ông còn có 3 cặp đôi đang đấu vật nhằm biểu trưng cho tài năng luyện quân của ông. Trong các nhân vật này, cũng có cả những gia nhân của ông như những người cầm quạt, cho chim ăn, xách ấm nước… khiến tạo cho bức tranh thành một tổ hợp rất sống động.
Từ cách thức biểu hình của bức tranh cho thấy bức tranh này được vẽ và khoảng thời gian nửa sau thế kỷ XVII. Lúc này, hội họa Việt Nam chưa chịu ảnh hưởng phương Tây như các tranh ở thế kỷ XVIII. So với các tác phẩm hiện còn lưu tại bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam như chân dung bà Minh Nhẫn, Thượng Thư Nguyễn Quý Kính, hay Kiến Trung Hầu Trịnh Đình Kiên ở nhà thờ họ Trịnh, thì thấy rằng phong cách đồng hiện trong tác phẩm Luân Quận Công Vũ Công Chấn mang đậm chất dân gian hơn.
Nó gần gụi với thể loại tranh thờ dân gian với cách diễn hình hai chiều trên mặt phẳng. Nghệ nhân vẽ tác phẩm này chưa biết đến lối vờn khối tiệm cận với diễn tả độ sâu của không gian. Vậy nên, chiếc ghế của Luân Quận Công chỉ vẽ hai chân ở phía trước. Hai chậu hoa cây cảnh được vẽ nổi trên một băng ngang sẫm màu để tạo ra sự phân cách. Giữa hai chậu hoa này có hình ảnh của một chú gà trống mà hình thức biểu đạt rất giống với dạng tranh hàng Trống, Đông Hồ. Việc diễn tả nhân vật chính ở trung tâm, các nhân vật phụ chỉ là điểm xuyết xung quanh bố cục của tranh cũng là cách làm quen thuộc ở dòng tranh thờ dân gian.
Trong khi đó các tranh về bà Minh Nhẫn hay Thượng Thư Quý Kính (thế kỷ XVIII), thì nghệ thuật hội họa đã tiến xa hơn một bước đến việc mô tả được cả khối nổi theo lối vờn tỉa chi tiết. Như vậy với những thủ pháp được thể hiện ra ở đây, bức tranh đã góp một giá trị quan trọng trong việc xác nhận sự phát triển của nghệ thuật hội họa Việt Nam thời phong kiến.
Không chỉ vậy, bức tranh này còn liên quan mật thiết với bức tượng đá hiện đặt trong nội điện đền Quan Thánh. Cả hai tác phẩm này đều cùng tạc họa lại chân dung vị Công thần dưới triều Lê Trịnh, người đã có công dựng đền và đốc công tạc khắc tượng đức Huyền Thiên Trấn Vũ và rất nhiều các công trình xây dựng khác như Cầu ngói Thiên Phúc, Cầu Yên Quyết, điện Nam Giao ở Thăng Long…
Đây cũng là giai đoạn nghệ thuật điêu khắc chân dung Việt Nam được đánh giá là phát triển đến đỉnh cao. Việc phát hiện bức tranh ở từ đường nhà nhọ Vũ, biết thêm một tác phẩm hội họa cùng giai đoạn với pho tượng đá và cũng là tác phẩm tranh chân dung cung đình sớm nhất còn lại, có thể nói đã minh chứng cho một thời kỳ phát triển rực rỡ của mỹ thuật Việt Nam.?

Phòng Văn hóa và Thông tin, quận Ba Đình cảm ơn và sẽ sửa chữa sai sót
Ngay sau khi bài báo “Đền Quán Thánh - sai lạc nghiêm trọng” của tác giả Trang Thanh Hiền đăng trên Tiền Phong Chủ nhật ra ngày 21/9/2014, báo Tiền Phong đã nhận được công văn phúc đáp của Phòng Văn hóa và Thông tin, quận Ba Đình, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích đền Quán Thánh. Trong công văn, Phòng VH-TT quận Ba Đình đã cảm ơn sự quan tâm và trao đổi của báo Tiền Phong cũng như của nhà sử học Lê Văn Lan về những sai sót ở đền Quán Thánh. Công văn cũng cho biết, phòng VH-TT quận Ba Đình đã và đang sưu tầm các tài liệu về pho tượng đá được thờ trong đền, trên cơ sở đó báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND quận Ba Đình tổ chức hội thảo trong thời gian sớm nhất nhằm làm rõ và xác thực các nội dung liên quan tới pho tượng.
TPCN

 

Source: huc.edu.vn

Total notes of this article: 0 in 0 rating
Click on stars to rate this article
Comment addYour comments
Anti-spam codeRefresh

Newer articles

Older articles

 

LỜI NGỎ

Website đang trong quá trình thử nghiệm, điều hành phi lợi nhuận bởi các tình nguyện viên. Mọi ý kiến đóng góp của quý vị xin gửi về: vannghesontay@gmail.com; hoặc gọi theo số: 0904930188 

Quảng cáo2
Cá cảnh